Phạm Đình Lân
Taiwan: Bầu cử Tổng Thống 2016
Tsai Ying-wen, James Soong và Eric Chu
Taiwan (Đài Loan) là một đảo rộng 36.000 km 2 với 24 triệu dân. 84% dân số này là người Hakka, 14% là người gốc lục địa và 2% là người bản xứ.
Trung Hoa bị Nhật đánh bại trong Chiến Tranh Hoa - Nhật lần thứ nhất năm 1894 và phải nhường đảo Taiwan cho Nhật theo tinh thần hiệp ước Shimonoseki (1895). Năm 1945 Nhật bại trận. Họ phải hoàn trả Taiwan cho Trung Hoa khi Chiang Kai-shek còn nắm chánh quyền trên lục địa. Năm 1949 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) đánh bại Chiang Kai-shek. Chiang Kai-shek và quân Quốc Dân Đảng chạy ra đảo Taiwan và biến phần đất này thành Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China - ROC). Lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc bao gồm: đảo Taiwan (Đài Loan), quần đảo Pescadores (Bành Hồ), Matsu (Mã Tổ), Quemoy (Kim Môn) sát với lục địa.
Từ năm 1949 cho đến 1990 Quốc Dân Đảng (Kuomintang) là độc đảng cầm quyền ở Taiwan. Guồng máy chánh trị Taiwan mới được dân chủ hóa trong vòng 20 năm nay. Lee Teng-hui là tổng thống Taiwan đầu tiên sinh trên đảo Taiwan. Nhưng ông là một đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng. Chen Shui-bian là tổng thống Taiwan đầu tiên sinh trên đảo Taiwan và thuộc đảng Dân Chủ Tiến Bộ chớ không thuộc Quốc Dân Đảng. Khuynh hướng muốn biến Taiwan thành một quốc gia riêng biệt nảy mầm với tổng thống Lee Teng-hui (Lý Đăng Huy) nhất là với tổng thống Chen Shui-bian (Trần Thủy Biển) (2000 - 2008). Beijing (Bắc Kinh) xem đảng Dân Chủ Tiến Bộ chống lại đường lối của Trung Quốc. Beijing (Bắc Kinh) xem Taiwan là một tỉnh bội nghịch hay ngọt ngào hơn là lục địa và Taiwan là một nước. Năm 2008 tổng thống Chen Shui-bian vừa hết nhiệm kỳ thì bị tân tổng thống Ma Ying-jeou (Mã Anh Cửu) ra lịnh còng tay đi diễu hành trước công chúng và đưa vào tù để làm vừa lòng các nhà lãnh đạo Cộng Sản trên lục địa. Năm 2012 Ma Ying-jeou tái đắc cử nhờ Trung Quốc đưa hỏa tiễn và trọng pháo hướng về Taiwan khiến dân chúng lo sợ đành cho nữ ứng cử viên Tsai Ying-wen của đảng Dân Chủ Tiến Bộ thất cử vì bà có chủ trương giống như Chen Shui-bian trước kia.
Dưới sự lãnh đạo của Ma Ying-jeou, Quốc Dân Đảng gần gũi với các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc nhiều hơn. Kinh tế Taiwan chịu nhiều thiệt thòi trước kinh tế của lục địa nếu không nói là có dấu hiệu tùy thuộc lục địa. Hàng triệu du khách từ lục địa đến Taiwan vào năm 2014. Đó là dấu hiệu phát triển, hưng vượng hay là sự lo lắng của Taiwan? Chỉ có người Taiwan rõ hơn ai hết. Suốt gần hai nhiệm kỳ tổng thống Ma Ying-jeou ký trên 20 thỏa ước thương mại với Trung Quốc. Ông hứng khởi với một quốc gia hai hệ thống của Hồng Kông. Nhưng dân Taiwan có vẻ không hứng thú lắm. Phản ứng mạnh của sinh viên Taiwan khi tràn vào Quốc Hội và kết quả cuộc bầu cử địa phương cuối năm 2014 cho thấy dân chúng không ưa thích trở thành công dân lục địa. Những con số dưới đây cho thấy những ước muốn tận đáy lòng của người Taiwan từ năm 1992 đến nay:
Lý lịch đảo Taiwan |
Năm 1992 |
Hiện nay |
Taiwan là Taiwan |
17,6% |
59% |
Taiwan Trung Quốc |
25,5% |
3,3% |
Sau thất bại trong cuộc bầu cử địa phương năm 2014 Ma Ying-jeou từ chức chủ tịch Quốc Dân Đảng. Đảng đề cử Hung Hsiu-Chu, phó chủ tịch Quốc Dân Đảng, ra ứng cử tổng thống đương đầu với Tsai Ying-wen của đảng Dân Chủ Tiến Bộ. Qua nhiều tháng thăm dò dư luận người ta thấy Tsai Ying-wen được dư luận thuận lợi gấp đôi Hung Hsiu-Chu. Thế là Quốc Dân Đảng thay thế Hung Hsiu-chu bằng Eric Chu, chủ tịch Quốc Dân Đảng (17-10-2015). Đó là một biến động trong Quốc Dân Đảng mặc cho Hung Hsiu-chu bị tổn thương danh dự nặng nề. Nhưng Eric Chu cũng không đủ khả năng lẫn uy tín để cứu vãn tình thế. Dân Taiwan có vẻ Tây Phương sau nửa thế kỷ sống dưới sự cai trị của Nhật (1895-1945) và 65 năm dưới chánh thể Cộng Hòa thân Hoa Kỳ. Chắc chắn họ chịu ảnh hưởng ít nhiều tinh thần canh tân của Nhật. Tsai Ying-wen học ở Hoa Kỳ và Anh. Eric Chu học ở Hoa Kỳ và mang tên Tây Phương. Nhưng việc ông thay thế Hung Hsiu-chu ngày 17-10-2015 để ra tranh tổng thống cho thấy trong thâm tâm ông vẫn còn rơi rớt tư tưởng
Nam trọng nữ khinh
Nhất nam viết hữu,
Thập nữ viết vô!
thường thấy trong xã hội chịu ảnh hưởng Khổng Giáo.
Phụ nữ chiếm 33,6% tổng số ghế trong Quốc Hội Taiwan. Nếu lần này Tsai Ying-wen đắc cử thì Taiwan sẽ có nữ tổng thống đầu tiên. Nếu điều này là sự thật thì rõ ràng Taiwan muốn thoát khỏi khuôn sáo của văn hóa và xã hội Khổng Giáo như Đại Hàn để tiến đến tự do, dân chủ và tiến bộ thực sự. Các nhà bình luận Tây phương còn nghĩ đến việc Taiwan sẽ thông qua luật hôn nhân đồng tính nếu Tsai Ying-wen đắc cử.
Sau gần 08 năm cầm quyền của Ma Ying-jeou kinh tế Taiwan chỉ tăng trưởng 1%. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 4% (cao đối với Taiwan). So với các quốc gia nhỏ có nền kinh tế phát triển như Hồng Kông, Singapore, Đại Hàn thì Taiwan bị bỏ xa. Trên 20 thỏa ước tự do mậu dịch ký kết với Trung Quốc không giúp cho Taiwan vươn lên cao mà làm cho đảo này ngày càng lệ thuộc vào lục địa như chờ ngày nối gót Hồng Kông với chánh sách một quốc gia hai hệ thống và đặt dưới sự kiểm soát của Beijing. Dưới đây là lợi tức đồng niên tính theo đầu người của cựu Tứ Hổ Á Châu:
Quốc Gia |
Lợi tức tính theo đầu người |
Taiwan (Đài Loan) |
22.000 Mỹ kim |
Hồng Kông |
55.000 Mỹ kim |
Đại Hàn |
35.000 Mỹ kim |
Singapore |
83.000 Mỹ kim |
Mặc dù vậy mức sống của người Taiwan vẫn cao hơn mức sống của dân lục địa, công dân quốc gia có nền kinh tế hạng nhì trên thế giới. Họ hơn hẳn dân lục địa vì có tự do phát biểu, tự do bày tỏ lập trường của mình, tự do đầu phiếu để chọn người lãnh đạo và đại diện trong ngành Hành Pháp và Lập Pháp, tự do cạnh tranh công bằng trong giáo dục, sinh hoạt kinh tế và trên các lãnh vực khác. Không thể so sánh Taiwan và lục địa với Tây Đức và Đông Đức được. Nước Đức bị chia đôi vì bại trận. Giữa Tây Đức và Đông Đức trước năm 1945 không có sự thù hận gì cả. Trái lại giữa Taiwan và lục địa có sự thù hận, có kẻ thắng người thua. Kẻ thắng chiếm lục địa. Người thua chạy ra Taiwan. Thực tế sự dung hợp không trơn tru, dễ dàng. Taiwan tách rời khỏi Trung Hoa từ năm 1895. Từ đó đến nay Taiwan trải qua thời Nhật thuộc (1895 - 1945) rồi Quốc Dân Đảng (1949 đến nay). Trong cả hai thời kỳ lịch sử vừa nói Taiwan không có điểm chung nào với Trung Hoa cả.
Cuộc bầu cử tổng thống ở Taiwan ngày 16-01-2016 là cuộc thi đắc nhân tâm giữa Quốc Dân Đảng và đảng Dân Chủ Tiến Bộ.
Ứng cử viên của Quốc Dân Đảng là Eric Chu.
Ứng cử viên của đảng Dân Chủ Tiến Bộ là Tsai Ying-wen (Thái Anh Văn).
Eric Chu tức Li-luan Chu (1961 -) là chủ tịch Quốc Dân Đảng, có học ở Hoa Kỳ và có bằng tiến sĩ.
Tsai Ying-wen là chủ tịch đảng Dân Chủ Tiến Bộ, có tiến sĩ và từng học đại học Cornell, Hoa Kỳ, và London School of Economics, Anh Quốc.
Lợi thế của Eric Chu và Quốc Dân Đảng là được sự ủng hộ của Xi Jinping (Tập Cận Bình). Cuộc gặp gỡ giữa Xi Jinping và Ma Ying-jeou vào đầu tháng 12 năm 2015 cho thấy Xi Jinping bỏ phiếu cho Quốc Dân Đảng tức cho Eric Chu. Năm 2012 Ma Ying-jeou há không đắc cử nhiệm kỳ II nhờ những giàn đại bác và hoả tiễn của Trung Quốc nhắm vào Taiwan? Năm 2016 Trung Quốc theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử. Họ chưa đưa hoả tiễn và trọng pháo ra duyên hải nhưng cho biết đang đóng hàng không mẫu hạm thứ hai kế hàng không mẫu hạm Liaoning (Liêu Ninh)
Sự thất thế của Quốc Dân Đảng trong dư luận Taiwan là sự tiếp cận quá gần với lục địa để dần dần mất chủ quyền và tiến đến lệ thuộc lục địa về kinh tế lẫn chánh trị. Việc Eric Chu thay thế Hung Hsiu-chu gây sứt mẻ trong nội bộ đảng. Hung Hsiu-chu không giúp cho Eric Chu thắng cử nhưng có thể làm cho ông thất cử nặng. Eric Chu lật đổ Hung Hsiu-chu để trở thành ứng cử viên tổng thống vì cho rằng Hung Hsiu-chu quá kém so với Tsai Ying-wen. Nhưng từ khi ông thay Hung thì tỷ lệ cử tri ủng hộ ông cũng không hơn gi Hung Hsiu-chu trước đó nghĩa là ông vẫn thua xa Tsai Ying-wen. Qua những cuộc thăm dò dư luận thì Quốc Dân Đảng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm quyền Hành Pháp và Lập Pháp vào năm 2016. Cử tri Taiwan đổi hướng so với 10 năm trước. Những cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Hong Kong làm cho họ lo sợ nếu Taiwan sáp nhập vào Trung Quốc.
Nếu Quốc Dân Đảng bị mất tín nhiệm thì đảng Dân Chủ Tiến Bộ sẽ được lợi thế. Tsai Ying-wen thất cử năm 2012 trước Ma Ying-jeou với tỷ lệ 45% - 53% vì lập trường Taiwan độc lập. Sự đe dọa võ lực của Trung Quốc làm cho dân chúng Taiwan hoảng sợ. Nếu Trung Quốc tấn công Taiwan, quốc gia khả dĩ cứu và giúp Taiwan là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng hai nước này đang cần hoà bình để phục hồi kinh tế. Dĩ nhiên họ không thể công khai ủng hộ đường lối độc lập Taiwan để phải đụng độ với Trung Quốc. Trong cuộc bầu cử này Tsai Ying-wen không đề cập đến độc lập của Taiwan để tránh chiến tranh với Trung Quốc và sự lo ngại của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nếu đắc cử Tsai vẫn giao thương với Trung Quốc nhưng vẫn giữ chủ quyền của Taiwan nghĩa là không chấp nhận nguyên tắc Trung Hoa một nước dễ dàng như Ma Ying-jeou và Quốc Dân Đảng đã làm.
Chỉ còn hai tuần nữa cuộc bầu cử diễn ra. Theo sự thăm dò dư luận mới nhất ta có:
Việc ứng cử của James Soong gây thất lợi to tát cho Quốc Dân Đảng và có lợi rất nhiều cho Tsai Ying-wen.
James Soong Chu-yu (1942 -) là một đảng viên Quốc Dân Đảng rất uy tín. Ông học ở Đại Học Berkeley và Georgetown, Hoa Kỳ, và có vai trò quan trọng trong việc giao thiệp với Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Chiang Ching-kuo (Tưởng Kinh Quốc) và Lee Teng-hui (Lý Đăng Huy). Việc ông ra tranh cử kỳ này làm cho cán cân nghiêng hẳn về đảng Dân Chủ Tiến Bộ của Tsai Ying-wen. Ông là hiện tượng Perot của đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1992. Những năm 1992 Perot chỉ được 19% phiếu bầu. Năm 2000 James Soong ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập khiến cho ứng cử viên Lien Chan của Quốc Dân Đảng thất cử nặng nề trước Chen Shui-bian (Trần Thủy Biển) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Taiwan năm 2000 như sau:
Ứng Cử viên | Đảng |
Tỷ Lệ |
Chen Shui-bian |
Dân Chủ Tiến Bộ |
39% |
James Soong |
Độc Lập |
36.87% |
Lien Chan |
Quốc Dân Đảng |
23.10% |
James Soong là ứng cử viên độc lập nhưng chỉ thua ứng cử viên đắc cử 2,13% và vượt hẳn ứng cử viên do Quốc Dân Đảng đề cử (James Soong cũng là đảng viên Quốc Dân Đảng) đến 13,77%. Chen Shui-bian là tổng thống Taiwan đầu tiên là người sinh trên đảo Taiwan và không phải là đảng viên Quốc Dân Đảng. Ông đắc cử nhờ ứng cử viên độc lập gốc Quốc Dân Đảng, James Soong. Nếu năm 2000 James Soong không ra tranh cử thì Quốc Dân Đảng thắng cử ít ra với 50% phiếu.
Việc James Soong ra tranh cử lần này như gợi lại cuộc bầu cử năm 2000. Là một người có học vị cao, chịu ảnh hưởng văn hóa Hoa Kỳ, có tên James, là đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng từng tiếp Clinton khi ông là thống đốc Arkansas, việc ra tranh cử của ông James vào năm 2000 và 2016 nói lên ít nhiều đường hướng chánh trị phi lục địa của ông. Cố nhiên ông không có ý ra tranh cử để trở thành tổng thống mà để giúp cho sự hình thành một khuynh hướng chánh trị cho Taiwan hay ít ra kéo dài tự do, ấm no và hạnh phúc của dân Taiwan.
Năm 2016 Xi Jinping có nhiều suy nghĩ và đắn đo về hai cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và Taiwan. Đối với Hoa Kỳ ông sẽ tiếc vì không còn ông Obama. Đối với Taiwan ông không còn Ma Ying-jeou. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất thì Tsai Ying-wen được 45%, Eric Chu: 20% và James Soong: 10%. Còn 25% chưa quyết định. Nếu gần ngày bầu cử Trung Quốc bỏ phiếu bằng đe dọa võ lực, có thể 25% này hướng về Eric Chu chăng? Nếu trường hợp này xảy ra, đó là một trường hợp hi hữu.
Cho đến giờ phút này, khách quan mà nói, Tsai Ying-wen và Hillary có nhiều yếu tố thuận lợi để thành công. Nếu Tsai Ying-wen đắc cử ở Taiwan và Hillary Clinton đắc cử ở Hoa Kỳ thì lần đầu tiên Taiwan và Hoa Kỳ có nữ tổng thống. Xi Jinping sẽ có những ngày dài lo nghĩ cách đối phó với hai vị nữ tổng thống này.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
_______
Ghi chú của BBT Cái Đình:
Kết quả cuộc bầu cử ngày 16/01/2016: Ứng cử viên Tsai-Ying-wen (Thái Anh Văn) của đảng Dân Tiến (Dân Chủ Tiến Bộ) đã đắc cử Tổng thống Taiwan, kế nghiệp Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou).