Phạm Đình Lân


Suy nghĩ về Cách Mạng Tháng 10 sau 100 năm

(1917 - 2017)

Chuyện trăm năm trong bài viết này không phải lời chúc trăm năm hạnh phúc dành cho các cô dâu, chú rể trong ngày cưới mà là chuyện xảy ra đúng 100 năm về trước trên Trái Đất: Cách Mạng Tháng 10 Nga.

Gọi là Cách Mạng Tháng 10 vì nó xảy ra vào ngày 26 tháng 10 năm 1917 theo lịch Julian nhưng đó là ngày 07 tháng 11 năm 1917 theo lịch Gregorian tức Dương Lịch hiện hành trên thế giới. Đó là cuộc Cách Mạng Vô Sản thành lập một chánh quyền vô sản chuyên chính ở Nga. Một điều đáng để ý là Lenin là người lãnh đạo cuộc cách mạng này nhưng ông không phải là người lật đổ chế độ Nga hoàng do dòng Romanov đại diện ở Nga từ năm 1613 đến 1917. Nga hoàng cuối cùng là Nicholas II thoái vị sau cuộc Cách Mạng Tháng 02 năm 1917 (lịch Julian). Cách Mạng diễn ra ngày 23-02-1917 theo lịch Julian (08-03-1917 theo lịch Gregorian hiện hành) và kéo dài đến ngày 27-02 nhằm ngày 12-03-1917 theo lịch Gregorian. Ngày 15-03-1917 (lịch Gregorian) Nga hoàng Nicholas II thoái vị. Kerensky, một người đồng hương với Lenin đứng ra thành lập chánh phủ lâm thời. Cách Mạng Tháng 10 do Lenin lãnh đạo lật đổ chánh phủ lâm thời do Kerensky đứng đầu sau khi Nga hoàng Nicholas II thoái vị.

Với Cách Mạng Tháng 10 nước Nga trở thành quốc gia đầu tiên theo chủ nghĩa Marx kết hợp với tư tưởng của Lenin. Nói theo cách nói của các nước Cộng Sản sau nầy đó là thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa trên thế giới. Với sự thành lập Comintern (Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản) năm 1919 Lenin biến nước Nga thành quốc gia lãnh đạo ý thức hệ Cộng Sản trên thế giới. Cờ Búa Liềm của đảng Cộng Sản được tìm thấy khắp nơi trên thế giới kể cả ở các quốc gia dân chủ Tây Phương. Năm 1922 Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết ra đời. Lãnh thổ Nga nới rộng diện tích thêm lối 5,5 triệu km2 sau khi đưa Ukraine, các quốc gia Hồi Giáo Trung Á, tiểu quốc vùng núi Caucasus và các tiểu quốc vùng biển Baltic vào liên bang. 15 Cộng Hòa Sô Viết trong Liên Sô là: Nga, Ukraine, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Latvia, Lithuania, Moldavia, Tajistan, Turkmekistan, Uzbekistan, Georgia, Kyrgyzstan, Kazakhstan. Ngoại Mông trở thành một quốc gia Cộng Sản vào năm 1921 trong quĩ đạo của Nga. Không tốn một viên đạn hay một phát súng Nga đã trở thành một đế quốc sau Cách Mạng Tháng 10. Đảng Cộng Sản hoạt động rất mạnh ở các quốc gia nghèo, thuộc địa của các đế quốc Tây Phương. Lenin phấn khởi khi cho rằng con đường Cộng Sản hóa Paris phải đi ngang qua Beijing trước. Ông lạc quan như vậy vì Công Xã Paris, một dạng chánh quyền Cộng Sản đã hình thành năm 1871 dưới thời Đệ Nhất Quốc Tế Cộng Sản khi Karl Marx còn sống. Ông Marx tiên đoán chủ nghĩa tư bản đào mồ 100 năm sau ngày Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản chào đời vào năm 1948. Thời gian 1848 - 1948 chủ nghĩa tư bản có khó khăn, có khủng hoảng nhưng vẫn tồn tại vững mạnh. Nước Pháp có Công Xã Paris trong một thời gian ngắn ngủi và lưu lại cho thế giới vô sản bản Quốc Tế Ca (L’Internationale) bất hủ. Người Pháp được nhồi nhét đủ loại chủ nghĩa xã hội từ chủ nghĩa Marxism đến chủ nghĩa xã hội Saint Simon, Fourrier, chủ nghĩa vô chánh phủ của Bakunin. Nhưng con đường xích hóa Paris vẫn còn xa vì Pháp đặt tâm và ngôn xã hội bên tả nhưng túi tiền vẫn nằm bên hữu. Jean Jacques Rousseau và Babeuf đã chết từ thế kỷ XVIII. Ông Marx đoán sai 100% về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản. Ông Lenin chỉ đoán đúng 50% khi lục địa Trung Hoa trở thành quốc gia Cộng Sản (1949). Điều đáng để ý là Marx và Lenin quan tâm đến giai cấp công nhân nhưng chủ nghĩa Marx-Lenin lại thành công ở Nga và Trung Hoa, hai quốc gia nông nghiệp, đại đa số dân là nông dân, nông nô nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc và bị các chủ điền bóc lột không thương tâm. Sự hiểu biết của Marx và Lenin về nông dân và phương thức sản xuất Á Châu nghèo nàn vì cả hai đều là thị dân và trí thức đại học có trình độ lý luận cao. Họ không phải là công nhân hay nông dân chi cả. Lenin nhắm vào công nhân, nông nô, người nghèo ở thành phố và ở nông thôn để có lực lượng đông đảo quần chúng để tiến hành cách mạng cướp chánh quyền.

Năm 1918 Lenin bị ám sát. Ông bị thương nặng và phải dưỡng bịnh. Việc lãnh đạo nước Nga Cộng Sản nằm trong tay Stalin, bí danh của một người gốc ở Georgia, có nghĩa là người sắt thép. Dưới mắt Lenin, Stalin là người có nhiều thủ đoạn và hành động hữu hiệu. Ông xem Stalin như người ít học, hiếu danh và tham quyền. Stalin cũng không nể trọng gì Lenin và vợ ông. Những thành quả mà Liên Sô đạt được sau năm 1917 đều là công lao của nhà độc tài Stalin.

Sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, số quốc gia Cộng Sản trên thế giới gia tăng. Các nước Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc, Romania, Bulgaria, Hungary (Hung Gia Lợi), Albania và Yugoslavia (Liên Hiệp Nam Tư) trở thành quốc gia Cộng Sản. Ngoại trừ Yugoslavia (Nam Tư) bảy (07) quốc gia còn lại hoàn toàn nằm trong quĩ đạo của Liên Sô. Họ bị áp đặt trở thành nước Cộng Sản chư hầu của Liên Sô như là sự phân chia vùng ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Liên Sô theo tinh thần hội nghị Yalta và Potsdam.

Trường hợp của Yugoslavia (Liên Hiệp Nam Tư) của thống chế Tito rất đáng được quan tâm. Nước này là một nước Cộng Sản nhưng không nằm trong quĩ đạo của Liên Sô. Josef Broz Tito (1892 - 1980) là tù binh của quân đội Nga hoàng trong đệ nhất thế chiến. Khi cách mạng tháng 10 bùng nổ ông được giải thoát và sớm gia nhập vào nhóm Bolsheviks. Ông có vợ Nga, từng là Mật Vụ của Liên Sô và theo lớp huấn luyện dành cho các đảng viên Cộng Sản Quốc Tế Đệ Tam như Hồ Chí Minh. Tito có uy tín ở Liên Hiệp Nam Tư nhờ những thành tích kháng chiến chống phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Năm 1943 Stalin giải tán Comintern (Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản) để làm vừa lòng Hoa Kỳ. Năm 1947 Stalin cho ra đời Cominform (Communist Information Bureau: Phòng Thông Tin Cộng Sản). Thống chế Tito đưa ra chủ nghĩa Titoism chống lại nhà độc tài Stalin. Liên Hiệp Nam Tư vẫn là quốc gia Cộng Sản nhưng độc lập với Stalin và Liên Sô. Stalin trục xuất Liên Hiệp Nam Tư ra khỏi Cominform nhưng không dám dùng võ lực để trừng phạt Tito. Một quốc gia dù nhỏ về diện tích, không đông dân vẫn có thể đương đầu hữu hiệu với một quốc gia to lớn và đông dân như Liên Sô nếu toàn dân đoàn kết chặt chẽ và ủng hộ chánh quyền. Tito thành công vì dân chúng mến phục ông qua thành tích kháng chiến chống Hitler và bây giờ chống nhà độc tài Stalin để giữ độc lập cho quê hương dẫu biết rằng chánh quyền Cộng Sản nào cũng là chánh quyền độc tài, đảng trị. Cảm tình mà dân chúng Nam Tư dành cho thống chế Tito rất rõ rệt sau khi ông mất năm 1980. Năm 1957 Khrushchev giải tán Cominform và tìm cách làm hòa với Tito nhưng ông vẫn theo đuổi đường hướng Cộng Sản độc lập của mình cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.

Ngày 02-09-1945 Hồ Chí Minh khai sinh ra Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một nền Cộng Hòa Cộng Sản đầu tiên ở Đông Nam Á sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Chánh phủ Hồ Chí Minh lúc bấy giờ không được một cường quốc nào trong Ngũ Cường công nhận. Stalin không quan tâm gì đến chánh phủ này. Ông không giúp đỡ cho quốc gia Cộng Sản tân lập ở Đông Nam Á này cũng không vận động cho quốc gia nầy gia nhập vào Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Stalin không hỗ trợ tinh thần hay vật chất cho chánh phủ Hồ Chí Minh 04 năm đầu tiên tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1950).

1. Stalin không nặng về một nước Việt Nam nông nghiệp xa xôi đối với Liên Sô về khoảng cách, văn hóa và trình độ phát triển. Ông chú trọng đến các nước Đông Âu nhiều hơn.

2. Năm 1944 Liên Sô và Pháp ký hiệp ước liên minh hỗ tương sau khi Pháp được giải phóng và tướng Charles de Gaulle nắm chánh quyền.

3. Việc phân đường ranh giải giới quân Nhật ở vĩ tuyến 16 như ngụ ý cho thấy có quyết định ngấm ngầm chia cắt nước Việt Nam ra làm hai vùng ảnh hưởng. Phía bắc vĩ tuyến 16 chịu ảnh hưởng của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (lúc ấy Cộng Sản chưa nắm chánh quyền trên lục địa) và phần đất phía nam vĩ tuyến 16 chịu ảnh hưởng của một quốc gia dân chủ Tây Phương nhưng không phải là Pháp!

Năm 1950 Moscow nhìn nhận chánh phủ kháng chiến Hồ Chí Minh sau Beijing như một sự cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc đối với Cộng Sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Sau 08 năm kháng chiến chống Pháp, Việt Nam bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm đường ranh phân chia. Kết quả nầy hao hao giống quyết định của hội nghị Potsdam năm 1945.

Năm 1948 Stalin yểm trợ cho Kim Il Sung nắm quyền ở Bắc Hàn.

Năm 1949 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) thành công đánh bại quân Quốc Dân Đảng của Chiang Kai shek (Tưởng Giới Thạch). Thế giới Cộng Sản có thêm một quốc gia Cộng Sản đông dân nhất thế giới.

Năm 1954 Pháp bị xem như bại trận sau khi Điện Biên Phủ thất thủ. Một hiệp ước đình chiến được ký kết tại Genève năm 1954 tạm phân chia Việt Nam thành hai vùng ảnh hưởng: 1. phần đất phía bắc vĩ tuyến 17 là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chịu ảnh hưởng của Liên Sô và Trung Quốc 2. phần đất phía nam vĩ tuyến 17 là Việt Nam Cộng Hòa chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Năm 1959 khối Cộng Sản đạt một thắng lợi lớn sau khi Fidel Castro lật đổ nhà độc tài Batista ở Cuba được hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Đảo quốc nhỏ này trở thành một nước Cộng Sản đầu tiên ở Tây Bán Cầu sát nách Hoa Kỳ.

Năm 1960 Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời, mở màn cho cuộc chiến tranh nổi dậy ở miền Nam trước khi trở thành cuộc chiến tranh rộng lớn với sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ và quân đội của vài quốc gia đồng minh như Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan bên phía Việt Nam Cộng Hòa, và bộ đội Cộng Sản miền Bắc bên phía Mặt Trận Giải Phóng. Sau 15 năm chiến tranh đẫm máu, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Việt Nam được thống nhất dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam. Hai nước láng giềng, Lào và Cambodia, cũng bị xích hóa.

Chủ nghĩa Cộng Sản có sức hút rất mạnh đối với các quốc Á - Phi - Châu Mỹ La Tinh, các quốc gia phi liên kết, quốc gia đang mở mang, cựu thuộc địa mới thu hồi độc lập. Ở các quốc gia Trung và Nam Mỹ, các ứng cử viên tả phái có khuynh hướng Marxist rất dễ được đắc cử. Trước năm 1965, Indonesia quốc gia đông dân nhất trong thế giới Hồi Giáo, là nơi có số đảng viên Cộng Sản đứng hạng nhì sau Trung Quốc mà thôi. Ngay cả Ấn Độ, một quốc gia thủ lãnh các nước tự nhận là quốc gia trung lập trên thế giới có cảm tình với Liên Sô hơn là Hoa Kỳ.

Sự phát triển và bành trướng nhanh chóng của chủ nghĩa Cộng Sản sớm dẫn tới sự rạn nứt trong hàng ngũ đảng viên đảng Cộng Sản. Cùng một đảng đã có nhiều phái. Đảng Bolsheviks của Nga nảy sinh ra phái Stalinist (Đệ Tam) và phái Trotskyite (Đệ Tứ) thanh toán lẫn nhau. Sau khi xảy ra cuộc đàn áp đảng viên đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1927, Mao Zedong (Mao Trạch Đông) chống lại những người có công lập ra đảng Cộng Sản Trung Hoa như Chen Duxui (Trần Độc Tú), Li Dazhao (Lý Đại Triều), những nhà trí thức Cộng Sản Chính Thống theo sát những gì Lenin và Stalin đã làm ở Nga. Mao Zedong đã mạnh dạn Hán hóa chủ nghĩa Marx-Lenin thành chủ nghĩa Maoism như tổ tiên ông đã Hán hóa Phật Giáo. Ông đã thành công mặc cho sự tức tối của Stalin. Liên Sô đại diện cho Cộng Sản kỹ nghệ gồm Liên Sô và các quốc gia Đông Âu. Trung Quốc đại diện cho thế giới Cộng Sản nông nghiệp. Các quốc gia đang mở mang Á – Phi - Châu Mỹ La Tinh (ngoại trừ Cuba) có vẻ thích hợp với chủ nghĩa Maoism.

Các quốc gia Cộng Sản dù theo Leninism, Stalinism hay Maoism đều có những đặc điểm chung như sau: độc tài, đảng trị; suy tôn cá nhân lãnh tụ; dân chúng bị tước đoạt mọi quyền tự do: tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do hội họp, tự do phát biểu, tự do tư tưởng, tự do kinh doanh, tự do lập hội v.v… Sự đổ máu không tránh được khi Cộng Sản nắm chánh quyền ở bất cứ nơi nào dưới chiêu bài tận diệt phản động, những người bất đồng ý thức hệ, bất đồng chánh kiến; tiêu diệt kẻ thù giai cấp; chết vì cải cách ruộng đất (đấu tố địa chủ; đàn áp nông dân chống lại chánh sách cải cách ruộng đất của đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa), thanh trừng nội bộ, chết vì đói khát do hậu quả tệ hại của chánh sách nông nghiệp và tẩy não gây ra, nạn nhân thiếu thuốc nhưng phải lao động cưỡng bách khắc nghiệt trong các trại lao động tập trung (gulags – sau năm 1975 Việt Nam gọi là trại cải tạo tập trung). Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa duy vật đề cao vật chất nhưng quốc gia Cộng Sản nào cũng nghèo về phương diện kinh tế; dân chúng ăn uống thiếu thốn và mất mọi quyền tự do căn bản của con người.

Trên 100 triệu nhân loại chết dưới chế độ Cộng Sản từ Liên Sô, Trung Quốc, Bắc Hàn, Bắc Việt Nam, Cuba đến các nước Đông Âu.

Stalin vừa là tổng bí thơ đảng Cộng Sản Liên Sô vừa là thủ tướng. Từ năm 1922 đến 1953, năm ông mất, tay ông đầy máu gần 60 triệu dân Nga, Ukraine và các sắc tộc thiểu số khác bằng những nạn đói, những cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào nông dân chống đối nhà nước Cộng Sản, các phú nông (Kulags). Hầu hết những người bị đẩy sang các trại lao động tập trung ở Tây Bá Lợi Á đều chết vì giá lạnh, lao động nhiều lại thiếu ăn, thiếu thuốc. Sự đau khổ, tủi nhục và không thấy ánh sáng tương lai là nhân tố gây tử vong cho những đối tượng này. Cuộc thanh trừng nội bộ từ năm 1927 đến khi đệ nhị thế chiến bùng nổ đã giết sạch những đồng chí kề cận với Lenin và có công trong Cách Mạng Tháng 10, nổi bật nhất là Trotsky, Kirov, Kamenev, Zinoviev v.v… Thời bấy giờ những tội ‘trotskyite’, phản động, ‘chó điên’… đồng nghĩa với thủ tiêu hay trảm quyết. Chính ông Hồ Chí Minh suýt chết năm 1933 khi bị lãnh tụ đảng Cộng Sản Pháp là Maurice Thorez tố cáo ông thuộc khuynh hướng Trotskyite. Việc người Anh ở Hồng Kông trả tự do cho ông càng làm cho Stalin nghi ngờ ông nhiều hơn. Nếu không có sự che chở của Dimitrov, tổng bí thơ Comintern và cố vấn của Stalin, thì Hồ Chí Minh có thể bị hành quyết trong cuộc Đại Thanh Trừng khủng khiếp vào thập niên 1930 nầy.

Mao Zedong là chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Hoa sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh (1934 -1935) đến chiến khu Yenan (Diên An). Từ khi thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc năm 1949 đến khi ông mất năm 1976, ông vẫn là chủ tịch đảng. Từ năm 1949 đến 1959 ông là chủ tịch Đảng và chủ tịch Nhà Nước. Năm 1959, Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ) thay ông nắm chức chủ tịch Nhà Nước sau khi Bước Tiến Nhảy Vọt của ông thất bại nặng nề và gây ra nạn đói làm cho 40 triệu người chết! Cuộc cải cách ruộng đất và Cách Mạng Văn Hoá (1966 - 1976) đã cướp trên 10 triệu mạng sống của dân chúng lẫn các đồng chí của Mao Zedong từng tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh và kháng chiến chống Nhật ở Yenan. Chủ tịch Liu Shaoqi, thống chế Peng Dehuai (Bành Đức Hoài), thống chế He Long (Hà Long) đều chết vì Vệ Binh Đỏ trong Cách Mạng Văn Hóa của Mao và vợ là Jiang Qing (Giang Thanh). Tổng bí thơ Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) bị hạ nhục bằng cách đưa vào một xưởng sửa xe hơi để thay nhớt xe, một công việc mà ông đã làm cho hãng Renault khi du học ở Pháp. Thân sinh của Xi Jinping (Tập Cận Bình) là Xi Zhongxun (Tập Trọng Huân) bị tống giam và tra tấn trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Xi Zhongxun có liên hệ thân mật với thống chế Peng Dehuai (Bành Đức Hoài), người bị Mao ghét cay đắng vì đả kích Mao sống xa hoa, thất bại trong chương trình Bước Tiến Nhảy Vọt tại hội nghị Lushan (Lư Sơn) năm 1959 và đã để cho con trai của Mao chết vì bom đạn Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Mao Zedong đã nhảy múa trên số xác chết tương đương với số xác chết do Stalin gây ra. Hàng chục triệu nạn nhân còn lại do các chế độ Cộng Sản Bắc Hàn, Bắc Việt Nam, Cuba và các nước Đông Âu gây ra.

Bắc Hàn có từ 5 đến 7 triệu nạn nhân của chế độ do họ Kim đứng đầu. Con số trên bao gồm nạn nhân cải cách ruộng đất, những cuộc khủng bố thanh trừng đối lập trong nội bộ đảng, chiến tranh Triều Tiên, nạn đói vì lụt lội, hạn hán trong thời gian 1993 đến 2000.

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, số người chết vì những đấu tố địa chủ và cải cách ruộng đất (1953 trong vùng Việt Minh kiểm soát, 1954 - 1956 ở miền Bắc), chết trong hai cuộc chiến tranh đẫm máu 1946 - 1954 và 1960 - 1975 khoảng 5 triệu người. Năm 1954 gần 01 triệu người miền Bắc rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún đi vào miền Nam để tránh xa chế độ Cộng Sản. Từ năm 1975 đến năm 2000 có trên 04 triệu người rời khỏi quê hương đi tìm tự do và lẽ sống khắp nơi trên thế giới bằng đường biển, đường bộ, bảo lãnh gia đình, xuất cảng lao động, có chồng ngoại quốc v.v... Một điều đáng lưu ý và đáng suy nghĩ là người ngoại quốc kể cả Pháp và Hoa Kỳ không ngớt khen ngợi Việt Nam. Nào là Việt Nam anh hùng đánh bại hai đế quốc Bạch chủng vang lừng trên thế giới. Nào là Việt Nam tiến bộ 300% so với vài thập niên trước (300% của con số âm [ - ] hay gần 0 thì không lớn lắm). Vậy tại sao có 04 triệu người bỏ nước ra đi kể cả gia đình những đảng viên Cộng Sản cao cấp có quyền cao chức trọng trong nước?

Pol Pot theo chủ nghĩa Maoist chỉ nắm chánh quyền vỏn vẹn 03 năm (1975 - 1978) mà đã giết 1/3 dân số Cambodia (2,5 triệu người).

Với Cách Mạng Tháng 10, Nga có những tiến bộ vượt bực trong việc phát triển kỹ nghệ nhất là kỹ nghệ quốc phòng. Dưới thời Nga hoàng, nước Nga bị hoàng đế Napoleon I xem thường. Chánh trường Nga bị Đức thao túng. Năm 1904 rồi 1905 Nga bị Nhật đánh bại ở Mãn Châu và trên eo biển Tsushima. Năm 1914 Nga bị Đức đánh bại trong trận Masurian Lakes và Tanneburg. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn nước Nga chổi dậy để được xếp hạng nhì về kỹ nghệ trên thế giới sau Hoa Kỳ sau khi Stalin thực thi hai kế hoạch ngũ niên. Kế hoạch ngũ niên đầu tiên tiến hành vào năm 1928. Liên Sô trở thành một đế quốc và một trong Ngũ Cường trên thế giới sau đệ nhị thế chiến, đứng đầu khối Cộng Sản đương đầu với Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh (1949 - 1991). Chế độ Cộng Sản sụp đổ năm 1991. Liên Sô tan vỡ. Nhưng các chánh quyền Nga thời hậu Cộng Sản vẫn quen truyền thống cai trị độc đoán đã có từ các Nga hoàng đến các lãnh tụ Cộng Sản. Lenin vẫn được ngưỡng mộ. Mộ của ông vẫn tồn tại ngạo nghễ ở Moscow. Họ Ulyanov của ông trở thành tên của một tỉnh (Oblast) trong Liên Bang Nga. Tổng thống Putin rất ngưỡng mộ Stalin. Những khúc quân hành ca như Katyusha (tên một thiếu nữ), Svyashchennaya Voina (Chiến Tranh Thiêng Liêng hay Chiến Tranh Thần Thánh – Khi bản nhạc nầy trổi lên tất cả khán thính giả đều đứng dậy như chào quốc kỳ và quốc ca vậy), Den Pobedy (Ngày Chiến Thắng) dưới thời Sô-Viết được trình diễn trong ngày lễ mừng chiến thắng cử hành ở Moscow hàng năm thời hậu Cộng Sản. Nga không nổi bật về kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản nhưng tiềm năng quân sự của Nga có thể hơn hay ngang hàng với Hoa Kỳ. Nước Nga thời hậu Cộng Sản vẫn là mối lo ngại cho NATO và Liên Âu. Putin tỏ ra là một người có bản lãnh chánh trị vì từng có nhiều kinh nghiệm trong ngành mật vụ, tình báo, gián điệp và hoạt động ở nước ngoài và gần 20 năm lãnh đạo Liên Bang Nga với tư cách thủ tướng và tổng thống. Ông nổi bật so với Xi Jinping và Donald Trump và được sự nể trọng của hai vị nầy nhất là tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ. Nga là quốc gia đầu tiên mà Xi Jinping thăm viếng khi vừa nhậm chức năm 2013. Putin và Xi Jinping tạm thời bắt tay nhau để gây tổn hao tài lực, vật lực và sự mệt mỏi tinh thần của người Mỹ. Liên minh không văn bản Nga-Trung Quốc có thêm Bắc Hàn và Iran như hai võ khí bén nhọn gây nhức đầu cho Hoa Kỳ. Bắc Hàn gây nhức đầu ở Đông Bắc Á. Iran gây nhức đầu ở Trung Đông (Iraq, Syria, Lebanon, Yemen, Vịnh Persian, hải trình chuyên chở dầu hỏa). Hai đồng minh của Hoa Kỳ ở Trung Đông là Do Thái và Saudi Arabia cảm thấy bị Iran đe dọa. Đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ là Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ hướng về Nga và lạnh nhạt với Do Thái nhưng có cảm tình với Hamas ở Gaza. Putin thành công trong việc bảo vệ tổng thống Assad ở Syria. Lần đầu tiên một vị vua Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz, thăm viếng Nga để nhờ Putin về vấn đề Iran đồng thời để mua một số khí giới của Nga (05-10-2017). Sự kiện này cho thấy Saudi Arabia giảm tin tưởng vào Hoa Kỳ mà hướng mặt về Nga. Vai trò của Putin không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế thời hậu Cộng Sản.

Mao Zedong (1893 - 1976) là một nhà sư phạm và phụ tá quản thủ thư viện đại học Beijing (Bắc Kinh) có đầu tư tư tưởng vào những vinh, nhục và thăng trầm lịch sử của quê hương ông. Trước Tito, ông là người Cộng Sản cho quê hương ông và hoàn cảnh cá biệt của nó chớ không phải là người Cộng Sản do Liên Sô đào luyện và phục vụ cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản do Moscow chỉ đạo. So với Chen Duxui (Trần Độc Tú), Li Dazhao (Lý Đại Triều) ông kém xa hai ông này về học vị. Chính ông biết chủ nghĩa Marx qua Li Dazhao khi làm việc dưới quyền ông này tại thư viện đại học Beijing. Chen Duxui va Li Dazhao thất bại vì tính cổ điển và giáo điều của người có học vị cao. Trái lại Mao Zedong bạo dạn không theo đường lối do Lenin và Stalin vạch ra. Đường lối nầy cậy vào giai cấp công nhân và đấu tranh trong thành phố giữa lúc 90% dân Trung Hoa là dân nông thôn và làm nghề nông. Sự thất bại của đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1927 tức sau 06 năm thành lập, giúp cho Mao thực thi kế sách của mình: lấy nông dân làm nòng cốt và dùng nông thôn làm địa bàn tranh đấu và bao vây thành thị. Chỉ 04 năm sau ngày bị quân Chiang Kaishek đàn áp đẫm máu (1927), năm 1931 Mao thành lập Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây). Chiang Kaishek mở những cuộc hành quân càn quét Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi giữa lúc Nhật thành lập Manchukuo (Mãn Châu Quốc) và bắt đầu dòm ngó Trung Hoa. Mao phải bỏ Jiangxi mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh chạy lên Shensi (Thiểm Tây) ở Hoa Bắc. Uy tín của Mao lên cao vì ông kêu gọi chống Nhật trước khi xảy ra vụ Lư Cầu Kiều (Marco Polo Bridge) mở đầu cho cuộc xâm lăng Nhật Bản vào Trung Hoa (1937). Du kích Cộng Sản gây nhiều tổn thất cho quân Nhật trong đệ nhị thế chiến. Đối với Trung Hoa, đệ nhị thế chiến đồng nghĩa với chiến tranh Hoa- Nhật (1937 - 1945).

Mao Zedong là người có nhiều tham vọng sau khi chiếm được lục địa Trung Hoa: tham vọng về quyền hành, tham vọng nắm quyền chỉ đạo khối Cộng Sản, tham vọng phuc thù các đế quốc Bạch chủng Tây Phương, tham vọng tái lập ảnh hưởng ở các nước từng bộ thuộc Trung Hoa như Việt Nam, Triều Tiên v.v…, tham vọng biến lục địa Trung Hoa thành một đế quốc của thời đại. Năm 1950 ông xua chí nguyện quân sang chiến trường Triều Tiên để đánh nhau với quân LHQ và Hoa Kỳ bằng võ khí cổ lỗ sẵn có. Trung Quốc viện trợ cho chánh phủ Hồ Chí Minh trong chiến khu (1950), mở cuộc xâm lăng vào Tây Tạng (1959), gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ (1962) rồi chiến tranh biên giới với Liên Sô (1969). Khi Mao còn sống Trung Quốc đã có bom nguyên tử và phóng vệ tình nhân tạo. Tự ái quốc gia của người Trung Hoa được xoa dịu phần nào mặc dù Mao nhảy múa trên 50 triệu xác chết.

Mao là nhà độc tài rất “người” khi diệt hầu hết những đồng chí từng đồng lao cộng khổ với ông ở Hunan (Hồ Nam), Jiangxi (Giang Tây), Yenan (Diên An) chỉ vì lo sợ họ tranh giành quyền hành với ông. Nhưng ông tha chết cho Zhou Enlai (Châu Ân Lai) và Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình). Điều này cho thấy ông giỏi về tâm lý và thấu triệt khả năng và lòng nhiệt tình đối với đất nước và dân tộc của từng cá nhân. Cho đến năm 1949 Mao Zedong chưa hề rời khỏi Trung Hoa. Vũ trụ quan của ông có phần chật hẹp so với Zhou Enlai va Deng Xiaoping.

Zhou Enlai (1898 - 1976) học ở Nhật và Pháp. Ông là người kiên nhẫn và chịu nhẫn nhục theo gương Han Xin (Hàn Tín) cùng quê Huaian (Hoài An) với ông vì, mặc dù xuất thân từ gia đình khoa bảng quan trường, ông sớm mồ côi cha lẫn mẹ kể cả bà mẹ nuôi cũng mất sớm. Cuộc sống đơn côi giải thích thuật xử thế đặc biệt của Zhou Enlai. Các quan sát viên quốc tế đều công nhận thuật ngoại giao tế nhị của thủ tướng Zhou Enlai (1898- 1976). Ông mất trước Mao vài tháng và được hỏa táng. Tro được một chiếc phi có xịt thuốc trừ sâu rầy cho đi rải ở nơi nào không ai được biết.

Deng Xiaoping (1904 - 1997) học ở Pháp và được huấn luyện ở Liên Sô tại đại học Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên). Trung Quốc vươn lên nhờ Bốn Hiện Đại hóa của ông dựa trên chủ thuyết đơn giản: Mèo trắng hay mèo đen gì cũng được miễn là bắt được chuột. Không biết Mao Zedong không cho Vệ Binh Đỏ giết ông trong Cách Mạng Văn Hóa vì nghĩ đến tương lai của Trung Quốc hay vì nghĩ đến đến việc dùng ông phục vụ cho Jiang Qing (Giang Thanh), người vợ dự trù thay thế ông lãnh đạo Trung Quốc? Có thể vì cả hai lý do. Từ năm 1957 khi tiếp Khrushchev, Mao chỉ Deng Xiaoping và nói: “Ông lùn nầy [ám chỉ Deng Xiaoping] sau này có sự nghiệp to lớn hơn sự nghiệp của chúng ta.” Việc làm hòa với Hoa Kỳ đã có từ năm 1972 sau chuyến viếng thăm của tổng thống Nixon. Deng Xiaoping tiến lại gần Hoa Kỳ hơn nữa để gởi nhiều sinh viên sang Hoa Kỳ để học hỏi khoa học kỹ thuật của nước này. Deng Xiaoping tiếp nối đường lối ngoại giao dè dặt với Liên Sô của Mao. Trong nước ông bắt giam Jiangqing (Giang Thanh) và bè đảng trong Cách Mạng Văn Hóa. Trong hai thập niên 1993 - 2003 rồi 2003 – 2013, Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) tiếp nối sự nghiệp của Deng Xiaoping. Trong vòng 30 năm đổi mới và theo kinh tế thị trường Trung Quốc vẫn là một quốc gia Cộng Sản nhưng nước này trở thành một cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới và đứng hàng thứ ba về kỹ nghệ quốc phòng.

Cách đây gần 05 năm, khi Xi Jinping (1953 - ) vừa nhậm chức chúng tôi có viết bài Người Giống Người để so sánh ông với Mao Zedong. Sau 05 năm lãnh đạo Đảng và Nhà Nước sự so sánh càng ngày càng chính xác hơn. Dưới danh nghĩa bài trừ tham nhũng Xi Jinping cho vào tù những người khả dĩ cạnh tranh quyền hành với ông. Ngay cả các cựu chủ tịch như Jiang Zemin, Hu Jintao cũng phải lo sợ. 1.530.000 đảng viên bị kỷ luật; 278.000 đảng viên khác bị đưa ra tòa; 13.000 sĩ quan kể cả tướng tá bị mất chức vì tham nhũng v.v... Địa vị của Xi Jinping được củng cố vững mạnh. Ông thừa hưởng thành quả của Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping nhưng ông coi thường Deng Xiaoping và những người kế nghiệp ông này như Jiang Zemin, Hu Jintao vì ông là người Cộng Sản chân truyền so với hai ông Jiang Zemin và Hu Jintao. Cha ông là phó thủ tướng từng tham dự cuộc Vạn Lý Trường Chinh trong khi Jiang Zemin không được như vậy. Chẳng những vậy ông còn bị chụp mũ là dòng dõi Wang Chingwei (Uông Tinh Vệ, đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng lập chánh phủ bù nhìn thân Nhật trong đệ nhị thế chiến)! Hu Jintao được kết nạp vào đảng từ Thanh Niên Cộng Sản Đoàn. Ông là bạn thân của con trai của Deng Xiaoping. Ông có thành tích tốt khi phục vụ ở Tây Tạng. Trên sân khấu chánh trị quốc tế Xi Jinping là một nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Ông lãnh đạo một quốc gia có 1,5 tỷ người, một cường quốc kinh tế hạng nhì và hạng ba về quân sự trên thế giới. Anh và Hoa Kỳ (thời Obama) trải thảm đỏ khi tiếp rước ông. Vào tháng 04/2017 ông đến Hoa Kỳ và được cháu ngoại tổng thống Donald Trump hát một bản nhạc chào mừng bằng tiếng quan thoại. Sau Đại Hội Đảng vừa qua người ta có cảm tưởng ông là một tân hoàng đế Trung Hoa vì không thấy ông chọn ai làm người kế nghiệp sau khi ông mãn nhiệm kỳ 05 năm lần thứ hai. Ông trải thảm đỏ tiếp rước tổng thống Donald Trump trước Tử Cấm Thành vào tháng 11, 2017. Vì nể trọng? hay ngụ ý đây là lễ bàn giao quyền lãnh đạo thế giới cho Trung Quốc? Điều chắc chắn đó là cách vuốt ve tự ái của ông Trump hữu hiệu nhất.

Từ năm 1992 về sau trên thế giới chỉ còn 05 quốc gia Cộng Sản: Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Lào và Cuba. Cuba là một quốc gia ở Tây Bán Cầu không chịu ảnh hưởng và sự chi phối của Trung Quốc. Cambodia bây giờ là một xứ quân chủ lập hiến. Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, Lào đều là những quốc gia Cộng Sản nghèo.
Quốc Gia   Dân Số   Lợi Tức/ Đầu Người
Việt Nam 95 triệu 6.900 MK
Bắc Hàn 25 triệu 1.800 MK
Cuba 11 triệu  12.000 MK
Lào 07 triệu 6.000 MK

Bắc Hàn < Lào < Việt Nam < Cuba

Việt Nam thoát khỏi nạn đói hay thiếu ăn nhờ theo kinh tế thị trường trong khi Bắc Hàn bị nạn đói mỗi khi có lụt lội hay hạn hán. Nhưng Việt Nam không có đội ngũ khoa học gia và kỹ thuật gia có khả năng cao như Bắc Hàn mặc dù nghe nói Việt Nam có hàng chục ngàn kỹ sư, khoa học gia và trí thức có bằng tiến sĩ. Ngay cả Cuba, một đảo quốc nhỏ, cũng đã đào tạo nhiều bác sĩ có chuyên môn cao hơn Việt Nam. Trong các kỳ Thế Vận Hội Bắc Hàn và Cuba đều có huy chương vàng, bạc, đồng đủ loại. Việt Nam hiếm khi được một huy chương. Vị trí Việt Nam trên thế giới rất khiêm tốn về mọi bình diện.

Nhân cách mạng tháng 10 Nga đúng 100 tuổi, tôi nhớ đến quê mình và tự hỏi với lòng một cách chân thành: Quê hương đã đi đến đâu sau gần ba phần tư thế kỷ xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa theo chân Lenin, Stalin và Mao Zedong? Ước mong quê hương thoát khỏi cảnh éo le nghiệt ngã ghi trong hai câu thơ kỳ lạ như sấm ký dưới đây:

Thương công chú Cộng chan dầm,
Vào sinh ra tử lại lầm kế ai?

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2017