Phạm Ɖình Lân


Sự xâm lăng của Nga vào bán đảo Crimea

 

…Nga không có ý kiến về vấn đề Lưỡi Bò ở Biển Ɖông hay ADIZ (Vùng Phòng Không và Nhận Dạng) mà Beijing vẽ ra.
Bù lại Beijing im lặng trong Chiến Tranh Nga – Georgia năm 2008 và sự xâm lăng Crimea hiện nay.
Nga và CHNDTQ đang bắt tay nhau giữa lúc Hoa Kỳ là con nợ lớn nhất thế giới, ngân sách quốc phòng sút giảm…

 

Người Nga vẫn có thói quen lịch sử xem Ukraine là “Tiểu Nga Quốc”. Vùng đất này có liên hệ lịch sử, địa lý, chủng tộc (Slav), chữ viết Cyrillic, tôn giáo (Chính Thống Giáo) gần với Nga. Chánh quyền Nga dưới thời Nga hoàng hay dưới chế độ Cộng Sản đề tìm cách đồng hóa Ukraine và dùng mọi biện pháp mạnh để đàn áp những người Ukraine có khuynh hướng độc lập với Nga.

Sau nhiều tháng biểu tình chống tổng thống Viktor Yanokuvych thân Nga, ngày 22-02-2014 quốc hội Ukraine bỏ phiếu truất quyền tổng thống của Yanokuvych sau khi có 82 người biểu tình bị bắn chết và hàng ngàn người khác bị thương. Vị tổng thống thân Nga trốn khỏi thủ đô Kiev, chạy về phía đông nam Ukraine nơi có nhiều người Ukraine nói tiếng Nga và chủ trương thân Nga.

Quốc hội Nga bỏ phiếu cho phép tổng thống Putin được đóng binh ở Ukraine (01-03-2014). Quân sĩ Nga không mang bảng tên và đơn vị chiếm phi trường Simferopol, thủ đô của bán đảo Crimea. Hạm đội Hắc Hải của Nga hiện diện tại Sevastopol (trước kia là Sebastopol) ở cực nam bán đảo Crimea. Theo thỏa ước 1997 Nga thuê Sevastopol trong vòng 20 năm. Ɖó là quân cảng của Nga nằm trên lãnh thổ Ukraine trên Hắc Hải. Quân cảng nầy là cửa ngõ nối biển Azov - Hắc Hải - biển Aegean - Ɖịa Trung Hải.

Sau ngày 01-03-2014 có 16.000 quân Nga tiến chiếm bán đảo Crimea. Họ yêu cầu quân Ukraine trao tất cả các căn cứ quân sự cho quân Nga kiểm soát. Một số các viên chức cao cấp ở Crimea tách rời khỏi chánh phủ Kiev do Turchynov, chủ tịch quốc hội Ukraine, làm tổng thống lâm thời để tổ chức bầu cử dự trù vào hạ tuần tháng 5 năm 2014, để tỏ lòng trung thành với Nga. Trực thăng Nga bay liệng trên vòm trời bán đảo Crimea. Hải Quân Nga kiểm soát Hắc Hải chặt chẽ. Chánh phủ lâm thời ở Kiev động viên binh sĩ và lên án sự xâm lăng trắng trợn của Nga.

Bán đảo Crimea là bán đảo ở cực nam Ukraine, rộng 26.000 km2 (7,9% diện tích Việt Nam) với 2 triệu dân. Bán đảo này là một Cộng Hòa Tự Trị, một bộ phận của xứ Ukraine sau ngày độc lập năm 1992 với 58% dân số là người gốc Nga; 24% người Ukraine và 13% người Tartars theo đạo Hồi. Người Tartars được xem là hậu duệ của đế quốc Mông Cổ ở phương Tây. Họ sống trên bán đảo Crimea từ thế kỷ 14. Họ theo đạo Hồi và nói ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược dòng lịch sử, bán đảo Crimea đặt dưới sự kiểm soát của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) vào thế kỷ 15 và 16. Từ thế kỷ 18 dưới triều nữ hoàng Catherine II đến thế kỷ 20, Crimea đặt dưới sự kiểm soát của Nga rồi Liên Sô. Năm 1954 Khrushchev, một người Ukraine, làm tổng bí thơ đảng Cộng Sản Liên Sô, đã trả bán đảo Crimea lại cho Ukraine.

Bán đảo Crimea là bãi chiến trường:

Bán đảo Crimea có một vị trí chiến lược quan trọng trên Hắc Hải. Ɖó là cửa ngõ nối liền Hắc Hải - biển Aegean - Ɖịa Trung Hải. Nó mở tầm nhìn chiến lược, kinh tế và tôn giáo của Nga vào văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, các giếng dầu của các nước Hồi Giáo, cựu thuộc địa của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và hải lộ Ɖịa Trung Hải-kinh đào Suez - Hồng Hải - Ấn Ɖộ Dương nối liền ba lục địa Âu, Á và Phi Châu.

Phần tóm lược về bán đảo Crimea ghi trên cho thấy tầm quan trọng của phần đất này đối với việc tìm kiếm hải lộ của Nga trong quá khứ cũng như hiện nay. Dù Liên Sô đã sụp đổ, Putin vẫn nuôi mộng xây dựng đế quốc như Stalin đã làm từ năm 1922 khi cho ra đời Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết (Liên Sô). Putin muốn chứng minh vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế như Syria, Iran, Bắc Hàn, tranh chấp Trung Hoa Cộng Sản -Nhật Bản… Trước tiên Putin muốn tái lập ảnh hưởng của Nga ở các cựu Cộng Hòa Sô Viết của Liên Sô trước kia. Nhưng Nga cảm thấy bị gò ép bởi NATO lẫn Trung Hoa Cộng Sản. Ở phía tây NATO có khuynh hướng đông tiến hướng về Georgia và Ukraine. Ở phía đông Trung Hoa Cộng Sản nhắm vào việc khai thác dầu hỏa và khoáng sản ở các cựu Cộng Hòa Sô Viết theo đạo Hồi như Kazakhstan, Tajistan, Uzbekistan, Turmenistan, v.v... Năm 2006 tàu chiến Hoa Kỳ đến Feodosiya, một quân cảng trên bán đảo Crimea dự cuộc tập trận hải quân với NATO và Ukraine. Dân chúng thân Nga trên bán đảo biểu tình chống sự hiện diện của tàu chiến Hoa Kỳ trong Hắc Hải. Năm 2008 Nga không ngần ngại tấn công Georgia trong cuộc chiến tranh Nam Ossetia và Abkhazia để tách hai vùng có dân nói tiếng Nga độc lập khỏi Georgia. NATO và Hoa Kỳ (thời tổng thống Bush II) chỉ phản đối chớ không có sự giúp đỡ cụ thể nào cho Georgia trong cuộc chiến tranh bất tương xứng nầy.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu lên án sự xâm lăng của Nga trên bán đảo Crimea. Anh hăng hái chỉ trích Nga nhưng rất thực tế khi luôn luôn chối bỏ giải pháp quân sự. Hoa Kỳ lên án việc xâm lăng của Nga trên bán đảo Crimea tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Obama cho rằng sự xâm lăng nầy sẽ có hậu quả vô cùng tốn kém cho Nga. Ngoại trưởng Kerry cho rằng đây là một sự gây hấn, một hành động của thế kỷ 19 trong thế kỷ 21. Putin không đến nỗi lẻ loi. Ȏng được sự ủng hộ của Xi Jinping. Báo chí ở Việt Nam đứng về phía Putin. Tiến sĩ Vũ Quang Minh ở Hà Nội cho rằng những người chống đối chánh phủ Yanokuvych thân Nga và lật đổ tượng Lenin ở Kiev là xuẩn động. Một người trí thức Cộng Sản Việt Nam khác cho rằng Putin xua quân xâm lăng Crimea là tạo một tiền lệ nguy hiểm khi nghĩ đến Trung Hoa Cộng Sản có thể lợi dụng tiền lệ xâm lăng này để đưa quân vào Việt Nam hay một quốc gia Ɖông Nam Á nào đó vào một thời điểm nào đó viện lẽ bảo vệ kiều dân của họ như Putin đã nêu lý do bảo vệ quyền lợi của người Nga ở Ukraine. Người Ɖông Nam Á gốc Hoa, lối 50 triệu người, sống rải rác ở Singapore, Mã Lai, Indonesia, Thái Lan, Miến Ɖiện, Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Cambodia, Lào. NATO và Hoa Kỳ chỉ phản đối sự xâm lăng chớ không có hành động nào để ngăn chận sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, chủ quyền và sự tự quyết của Ukraine.

Sự can thiệp quân sự của NATO hay Hoa Kỳ để ngăn chận sự xâm lăng của Nga không thể xảy ra vì Nga là một cường quốc quân sự có tầm cỡ. Lý do khác biện minh cho việc không thể giúp đỡ cho Ukraine về phương diện quân sự vì Ukraine không phải là một thành viên của NATO. Các nước Âu Châu mua 30% tổng sản lượng dầu tiêu thụ của họ từ Nga. Ukraine hoàn toàn lệ thuộc vào Nga về khí đốt.

Phản ứng của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ba Lan, Ɖức trước sự xâm lăng của Nga vào bán đảo Crimea rất mạnh. Hoa Kỳ và các nước NATO họp khẩn để có hành động chung nhằm kêu gọi Nga rút quân khỏi bán đảo Crimea, tôn trọng chủ quyền và sự quyết định của nhân dân Ukraine. Putin không công nhận chánh phủ lâm thời ở Kiev. Ȏng cho biết Nga dành quyền bảo vệ quyền lợi của dân Nga chống lại “phát xít”. Người ta còn lo ngại Nga sẽ đưa quân vào đông bộ Ukraine vì ở vùng này có đông đảo người Ukraine gốc Nga hay nói tiếng Nga. Không khí chánh trị  thế giới sau cuộc khủng hoảng Ukraine gợi lại cuộc chiến tranh lạnh giữa Nga và Hoa Kỳ.

Putin, một cựu sĩ quan KGB của Liên Sô bây giờ là tổng thống nước Nga, đã dùng những phương pháp trấn áp các cuộc đấu tranh của dân chúng Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc của thời kỳ Sô Viết vào cuộc xâm lăng Crimea sau cuộc đấu tranh của nhân dân Ukraine lật đổ chánh quyền tham nhũng, thối nát thân Nga do ông Yanokuvych đứng đầu. Putin trong thế thừa thắng xông lên. Uy tín cá nhân của ông ở Nga lên cao sau khi tổ chức Thế Vận Hội Mùa Ɖông thành công. Thành công vì không bị khủng bố phá hoại và dân Nga dẫn đầu về số huy chương vàng, bạc và đồng mặc dù Nga bị lỗ nặng vì đã đầu tư trên 50 tỷ Mỹ kim mà thâu lại chẳng bao nhiêu. Dù quá quen với những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, các nhà ngoại giao Nga cũng thấy sượng sùng vì bị dư luận thế giới lên án. Họ chống chế hành động võ biền, chà đạp luật pháp quốc tế bằng những lập luận khác nhau. Ban đầu ngoại trưởng Lavrov nói rằng Nga không can thiệp vào vấn đề Ukraine nhưng vài giờ đồng hồ sau thì lời nói nầy không đúng với việc làm của Putin. Khi đưa quân vào phi trường Simferopol, gần 24 giờ đồng hồ sau Moscow mới biện minh rằng họ đưa quân vào Crimea để bảo vệ quyền lợi của Nga! Tại Hội Ɖồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đại diện Nga là Vitaly Churkin trình bày một bức thơ của tổng thống Yanokuvych bị truất quyền yêu cầu Nga đưa quân can thiệp vào Ukraine.

Sự xâm lăng của Nga vào Crimea dù có sự yêu cầu của vị tổng thống bị truất quyền làm cho các quốc gia Baltic như Lithuania, Latvia, Estonia từng bị Nga sát nhập vào Liên Sô năm 1940 bắt đầu lo sợ mặc dù các quốc gia nầy là thành viên của NATO. Trong quá khứ, các nước mạnh luôn luôn dùng lý do bảo vệ kiều dân để xâm chiếm các nước yếu. Hitler chiếm Sudetenland của Tiệp Khắc năm 1938 vì vùng nầy có nhiều người Ɖức sinh sống. Năm 1978 Trung Hoa Cộng Sản dọa đưa tàu chiến sang Việt Nam rước “nạn kiều” hồi hương.

Quân đội Nga vào Crimea và buộc quân Ukraine trên bán đảo phải đầu hàng và trao quyền kiểm soát các thành quách, căn cứ quân sự, giàn hỏa tiễn cho họ.Quân Ukraine không võ trang mang cờ Ukraine xuống đường và ca quốc ca trước những phát súng bắn chỉ thiên đe dọa của quân sĩ Nga.

Hoa Kỳ và các nước Liên Âu phải làm gì để buộc Nga rút quân khỏi bán đảo Crimea hầu tránh một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Nga – Ukraine và các quốc gia Âu Châu láng giềng?

1. Cô lập Nga về phương diện kinh tế

Trước kia trên thế giới chỉ có G7, tức bảy cường quốc kinh tế. Ɖó là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ɖức, Canada, Ý, Nhật. Ɖến năm 1997 Nga được nhận làm cường quốc kinh tế thứ 8. Tháng 6 năm nay Nga chủ trì hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi, nơi vừa tổ chức Thế Vận Hội Mùa Ɖông và cũng là địa điểm gần bán đảo Crimea. Hoa Kỳ và Anh là hai quốc gia không tham dự G8 ở Sochi nếu Nga không rút quân ra khỏi bán đảo Crimea và tôn trọng chủ quyền cùng sự vẹn toàn lãnh thổ của Ukraine thay vì có ý định chia cắt xứ nầy ra làm đôi: đông bộ thân Nga và tây bộ thân Liên Âu. Nga có thể không còn là thành viên G8. Thế giới trở lại với G7 như trước. Các cường quốc kinh tế không đầu tư, giao dịch thương mại, hợp tác kinh tế với Nga. Khó đoán được kết quả của biện pháp nầy. Nếu có kết quả cũng phải mất một thời gian lâu dài vẫn biết rằng kinh tế Nga tùy thuộc Âu Châu rất nhiều. Âu Châu đầu tư nhiều ở Nga. Nga phải nhập cảng 50% hàng hóa từ Âu Châu. Nga không xuất cảng nhiều hàng hóa như Trung Hoa lục địa trong khi đó các nước Âu Châu còn lệ thuộc về dầu khí của Nga với một hệ thống đường ống chạy ngang qua Ukraine. Chánh sách cô lập kinh tế nầy có thể thay đổi sau các nhiệm kỳ bầu cử ở Hoa Kỳ và các nước Liên Âu!

2. Cô lập Nga về ngoại giao

Chuyện nầy lại càng khó vì Nga là một nước lớn, một cường quốc quân sự đáng kể. Trong 20 năm nay Nga sống nhờ bán võ khí các loại cho bất cứ nước nào cần mua để tấn công nước khác, để tự vệ hay để củng cố chế độ độc tài. Dù có sự nghi ngại lẫn nhau Nga và Trung Hoa Cộng Sản vẫn là “đồng minh” dựa vào một số điểm chung nào đó. Họ sẽ không còn là đồng minh khi nào Trung Hoa Cộng Sản nhắc lại chuyện đất đai ngày xưa bên kia bờ Hei Longjiang. Ấn Ɖộ, Nam Phi, Brazil, Cuba, Venezuela, Nicaragua, Ecuador, Bolivia, Việt Nam, Syria, các nước Ɖông Nam Á khác không thể xem Nga là kẻ thù được mà là một nước đàn anh và một “lái súng” mà họ cần giao dịch

3. Lên án sự xâm lăng của Nga và ủng hộ Ukraine

Hoa Kỳ và Liên Âu lên án Nga xâm lăng và có ý đồ phân chia Ukraine. Nga cho rằng họ động binh để bảo vệ quyền lợi của người Nga. Người Nga sinh, sống và có quốc tịch Ukraine là công dân xứ Ukraine. Người Ukraine gốc Nga hay nói tiếng Nga không bị đàn áp, kỳ thị hay bị cướp bóc ở Crimea, nơi người Ukraine gốc Nga chiếm 58% tổng số dân (58% của 2 triệu người). Nga không có quyền xâm chiếm, chia cắt xứ Ukraine và chà đạp sự lựa chọn chánh trị của Ukraine về lập trường thân Nga hay thân Liên Âu. Ngày 03-03-2014 ngoại trưởng Hoa Kỳ Kerry đến Kiev và tuyên bố ủng hộ chánh phủ ở Kiev. Hoa Kỳ hứa cho chánh phủ Kiev vay 1 tỷ Mỹ kim. Liên Âu cho vay 850 triệu Mỹ kim. Quỹ Tiền Tệ Thế Giới nghiên cứu cho Ukraine vay tiền để cứu vãn nền kinh tế kiệt quệ của nước nầy. Ukraine được vay 15 tỷ Mỹ kim trong khi nước nầy cần đến 35 tỷ để cứu vãn kinh tế. 15 tỷ nầy thay thế 15 tỷ Mỹ kim mà Nga hứa cho Ukraine vay sau khi Yanokuvych ký thỏa ước kinh tế và quan thuế với Nga vào tháng 11 năm 2013.

***

Brezhnev đã xua quân Liên Sô vào xâm chiếm Afghanistan năm 1979 và phải đương đầu với một cuôc chiến tranh tiêu hao dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Ɖông Âu năm 1989, rồi ở Liên Sô năm 1991. Crimea và đông bộ Ukraine không giống Afghanistan vì nằm sát bên Nga, tỷ lệ dân chúng gốc Nga hay nói tiếng Nga rất cao. Nga nắm vững tình hình ở vùng đất từng bị Nga sát nhập vào lãnh thổ họ qua nhiều thế kỷ. 240.000 người Tartars, hậu duệ của đế quốc Mông Cổ phương tây cư ngụ trên bán đảo từ thế kỷ 14, sẽ vùng lên ở Crimea? Kết quả sẽ là một cuộc chiến đẫm máu mang màu sắc chủng tộc và tôn giáo. Putin bị nhức đầu nhưng không thua. Putin không nhượng bộ dễ dàng nếu không tìm được một chút thắng lợi nào trong sự xâm lăng mang tính sinh tồn nầy.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một cuộc trưng cầu dân ý để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine?

Hòa bình thế giới bị đe dọa nặng nề vì sự thay đổi hoàn cảnh chánh trị toàn cầu. Trong chiến tranh lạnh 1949 – 1989 Hoa Kỳ lãnh đạo Thế Giới Tự Do chống lại khối Cộng Sản do Liên Sô đứng đầu. Lúc ấy Hoa Kỳ là “anh cả”, vừa lãnh đạo các nước Ɖồng Minh kể cả Liên Sô đánh bại phe Trục. Hoa Kỳ là siêu cường quốc quân sự và kinh tế trên thế giới. Nước Hoa Kỳ không bị thiệt hại vì chiến tranh như Liên Sô, Trung Hoa và các quốc gia khác trên thế giới. Liên Sô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là hai quốc gia Cộng Sản to lớn và đông dân mà Hoa Kỳ phải đương đầu. Nhưng hai nước nầy hục hặc với nhau, tranh giành quyền lãnh đạo trong khối, đánh nhau vì tranh giành biên giới v.v... Ɖó là lợi thế của Hoa Kỳ mặc dù nước nầy không gặp sự hanh thông trong Chiến Tranh Việt Nam. Thập niên 1970 và 1980 Trung Hoa Cộng Sản sát cánh với Hoa Kỳ. Sinh viên từ Trung Hoa lục địa đến học ở Hoa Kỳ. Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình) báo cho tổng thống Carter biết trước việc Trung Hoa Cộng Sản sẽ đánh Cộng Sản Việt Nam bám sát vào Liên Sô sau năm 1975.

Ngày nay Liên Sô sụp đổ, nhưng Nga vẫn là một cường quốc quân sự có kho võ khí nguyên tử to lớn nhất thế giới. Trung Hoa Cộng Sản trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì sau Hoa Kỳ và cường quốc quân sự hạng ba trên thế giới. Nga và CHNDTQ không cùng chế độ chánh trị nhưng lại có vẻ gắn bó hơn lúc hai nước cùng theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Beijing (Bắc Kinh) tranh chấp với Nhật về những đảo đá không người ở, tổng cộng không quá 10km2, nhưng không đề cập đến lịch sử của hàng triệu cây số vuông đã nhường cho Nga thời Nga hoàng. Hai quốc gia to lớn và đông dân nầy thành lập BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Ɖộ, Trung Hoa Cộng Sản, Nam Phi để đương đầu lại với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên Hiệp Âu Châu về phương diện kinh tế.

Nga trục lợi trong việc bán phi cơ, tàu chiến và võ khí cho Trung Hoa Cộng Sản đe dọa các nước láng giềng ở Ɖông Nam Á. Họ cũng bán những sản phẩm quốc phòng tương tự cho các quốc gia Ɖông Nam Á để tự vệ và nếu bị Trung Hoa Cộng Sản tấn công! Nga và CHNDTQ sát cánh nhau trong các vấn đề quốc tế như ủng hộ các chế độ độc tài trên thế giới, ủng hộ Iran, Syria của nhà độc tài cha truyền con nối Bashar Assad. Nga không có ý kiến về vấn đề Lưỡi Bò ở Biển Ɖông hay ADIZ (Vùng Phòng Không và Nhận Dạng) mà Beijing vẽ ra. Bù lại Beijing im lặng trong Chiến Tranh Nga – Georgia năm 2008 và sự xâm lăng Crimea hiện nay. Nga và CHNDTQ đang bắt tay nhau giữa lúc Hoa Kỳ là con nợ lớn nhất thế giới, ngân sách quốc phòng sút giảm. Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq (cuối năm 2011) và Afghanistan (cuối năm 2014) không có khúc khải hoàn. Hoa Kỳ đụng chạm với Ấn Ɖộ (vụ nữ lãnh sự Ấn Ɖộ bị cảnh sát xét và sắp đưa ra tòa), bất đồng ý kiến với Do Thái, Saudi Arabia (về vấn đề Iran), Ai Cập (lật đổ Morsi), với Kazai ở Afghanistan; gây giận dữ cho Ɖức, Brazil về vấn đề nghe lén điện thoại do Snowden tiết lộ. Hoa Kỳ không còn là người “anh cả” vai mang túi bạc kè kè mà là người muốn tự cô lập và xuất thế nhưng miệng vẫn nói nhập thế cứu đời. Hoa Kỳ đang bận rộn với chuyện  Obamacare, hợp thức hóa việc dùng cần sa trị bịnh ở vài tiểu bang, hôn nhân đồng tính, trẻ em béo phì, việc nhập tịch của hàng chục triệu người nhập cư bất hợp pháp, chuyện bầu cử 2014 và bầu tổng thống năm 2016 v.v...

Năm 1919 Lenin thành lập Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Cominterm) nhằm xây dựng một đế quốc Nga trên thế giới không cần phi cơ, tàu chiến và xương máu của người Nga mà bằng chính xương máu của người khác hiến dâng để tạo dựng đế quốc Nga như một Giáo Hội Cộng Sản Hoàn Cầu. Trước mắt, Stalin nới rộng lãnh thổ Nga bằng sự thành lập Liên Sô, sát nhập các quốc gia láng giềng Âu-Á vào nước Nga. Hiện nay Trung Hoa Cộng Sản đang xây dựng đế quốc theo mô thức nầy. Họ có nhiều lợi thế kinh tế, văn hóa và nhân văn hơn Nga hay bất cứ đế quốc Bạch Chủng nào khác trên thế giới. Ɖến thời gian T + N nào đó Nga sẽ trở thành quốc gia hội viên của NATO. Ɖó là lúc Nga không còn là mối lo sợ của NATO mà sẽ hợp tác cùng NATO và Hoa Kỳ để đương đầu với một đối tượng khác từng là đồng minh miễn cưỡng của mình.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2014