Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Sự Thỏa Thuận Ở Tầm Mức Thế Giới Ɖi Xa Hơn Nhiều Người Mong Ɖợi
Thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu giữa 195 quốc gia trong hội nghị thượng đỉnh ở Paris chứa đầy dẫy những nhượng bộ. Những điểm chánh yếu là gì? Và làm thế nào mà những quan điểm dị biệt lại được rèn giũa thành sự đồng thuận chỉ trong vòng hai tuần? – Ben van Raaij
***
Khởi đầu có nhiều nghi ngờ, nhưng căn cứ vào việc nhiều nhà lãnh đạo vào cuối tuần trong hội nghị đã tranh nhau để giành sự đóng góp vào thỏa thuận về khí hậu nên nó đã là một sự thành công. Theo tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thỏa ước được ký kết vào ngày thứ bảy 12-12-2015 là nhờ vào sự “lãnh đạo của Hoa Kỳ” – nhưng các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Ɖộ và Pháp cũng giành sự thành công về phần mình.
Nhiều phản ứng nói về một thỏa thuận lịch sử. Mặc dù có nhiều chuyện đáng ghi nhận nhưng đó là lần đầu tiên mà cả cộng đồng quốc tế có được một thỏa thuận ràng buộc đầy hoài vọng về việc chống lại sự biến đổi khí hậu.
Giảm thiểu sự hâm nóng
Mục đích lâu dài của thỏa thuận là việc ngăn chận sự hâm nóng toàn cầu do việc phát thải các chất khí gây nên hiệu ứng nhà kính. Thỏa thuận minh định rằng mức gia tăng nhiệt độ trong năm 2100 không được hơn 2 độ C, một giới hạn “an toàn”, và nỗ lực để ngăn chận nhiệt độ gia tăng không quá 1,5 độ C. Ɖiều đó, theo các chuyên gia thuộc Ủy Ban Liên Chính Phủ về Biến Ɖổi Khí Hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc, là trọng điểm sẽ gây ra những hiểm họa cho các vùng cực của trái đất, các đảo san hô và các đảo thấp trên đại dương.
Ɖiều nầy có nghĩa là, như đã thỏa thuận, sự phát thải các loại khí nhà kính phải ngưng lại “nhanh chóng bằng mọi phương cách khả dĩ”. Vào một thời điểm nào đó của hậu bán thế kỷ này phải có sự quân bình giữa những phát thải khí ô nhiễm do con người gây ra và khả năng của rừng và đại dương để hấp thu các loại khí này. Trong thực tế, điều này có nghĩa là lượng phát thải khí CO2 phải ở mức “không” trong suốt tiến trình của hậu bán thế kỷ này.
Ɖiều này có dễ dàng không? Chắc chắn là không. Khởi điểm đã vẫn còn là 2 độ theo cuộc họp thượng đỉnh khí hậu ở Copenhagen. Tuy nhiên một nhóm các quốc gia đang bị nguy cơ đe dọa, trong đó gồm Liên Minh của Các Ɖảo Quốc Nhỏ, trong quá trình đưa đến cuộc họp thượng đỉnh ở Paris đã giữ lập trường 1,5 độ. Phía sau hậu trường hội nghị, một liên minh được thành lập gồm Hoa Kỳ, Liên Âu và 79 quốc gia đang phát triển và trình diện thế giới như một “Liên Minh Với Hoài Bão Cao”. Ngay sau đó các quốc gia khác như Brazil cũng gia nhập. Vào ngày thứ năm 10-12-2015 mức gia tăng nhiệt độ ở điểm 1,5 đã nằm trong văn bản.
Sự giảm lần phế thải khí ô nhiễm (và như thế giảm dần nguyên liệu hóa thạch) cũng đã là điểm tranh đấu trong cuộc thảo luận. Những từ ngữ như “loại bỏ chất than”, “ sự trung hòa chất than” và nhượng bộ của Pháp “trung hòa khí nhà kính” đã không đạt được. Mỗi một đề cập đến CO2 và các chất đốt hóa thạch phải được né tranh để có thể giữ các quốc gia dầu hỏa như Á Rập Saudi cùng đi đồng thuyền. Cũng như một định nghĩa chính xác của tổ chức IPCC mong muốn: zero emission (không phát thải) cũng gây nhiều tranh cãi.
Mặc dù vậy kết quả hội nghị đã đi xa hơn là nhiều người đã mong đợi. Theo các nhà phê bình, 1,5 độ hầu như không thể nào đạt được (địa cầu đã bị hâm nóng 1 độ trong lúc này và chúng ta đang tiến dần đến 4 tới 6 độ) và như thế chỉ có tính cách biểu tượng. Nhưng giờ đây đã có một điểm chuẩn.
Giảm thiểu phát thải
Ɖể có thể đạt được nhiệt độ đề ra, các quốc gia đã hoạch định các kế hoạch về khí hậu để tự nguyện làm giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính ở quốc gia họ vào năm 2020.Trong quá trình đến Paris, hơn 180 quốc gia đã đệ trình cái gọi là Intended Nationally Defined Contribution hay INDC (dịch thoát: Ɖóng Góp Dự Kiến Do Quốc Gia Tự Xác Ɖịnh). Bởi vì những INDC được hoạch định không đủ để giữ nhiệt độ gia tăng ở mức 2 độ (kết quả cho thấy là ở mức 2,7 đến 3 độ) nên đã có giao hẹn sẽ tiếp tục soi sáng vào các kế hoạch này và điều chỉnh lại vào năm 2018. Ngoài ra các quốc gia, kể từ năm 2023, sau mỗi năm năm sẽ phải đệ trình một INDC mới nhiều kỳ vọng hơn INDC vừa qua.
Ɖiều này được thảo luận lâu và gay go. Trung Quốc và Ấn Ɖộ, nhưng ngay cả Liên Âu, đều không thích thú trong việc xét lại INDC của họ trong thời hạn ngắn. Nhưng rồi năm 2018 đã là một chọn lựa cuối cùng được chấp nhận vào sáng ngày thứ bảy 12-12-2015. Nó cũng chứa một sự khôn ngoan của Pháp: việc duyệt xét lại INDC sẽ xảy ra “trong sự tương ứng với nền khoa học tiến bộ nhất hiện đang có”. Như thế, theo IPCC, Liên Âu đã dàn xếp trong đó rằng kỳ vọng được kết hợp với khoa học.
Một điểm yếu hơn là chỉ các quốc gia phát triển phải giảm thiểu nhanh chóng sự phát thải. Những quốc gia đang phát triển chỉ được “khuyến khích” về điều này. Ɖiều đó phản ảnh trong nguyên tắc “có tính cách cộng đồng nhưng có những trách nhiệm phân biệt” do Ấn Ɖộ diễn dịch: Các quốc gia phồn vinh đã có trách nhiệm lịch sử cho việc hâm nóng toàn cầu và có những phương tiện để có thể làm gì được cho điều này, trong khi các quốc gia đang phát triển có quyền để được phát triển trước nhất.
Một điểm khác rằng hàng hải và hàng không quốc tế, những dịch vụ phát triển nhanh, không được ghi nhận vào thỏa ước. Ɖiều này một phần được thay thế do thỏa thuận về việc giảm thiểu toàn bộ sự phát thải trong nguyên cả nền kinh tế.
Mặc dù có những yếu điểm trong thỏa ước với những đồng ý đã được phê chuẩn rằng những hoài vọng của chính sách khí hậu quốc tế trong tương lại sẽ được điều chỉnh tiếp. Hy vọng điều này trong thực tế cũng khả dĩ trở nên tốt đẹp hơn do sự phát triển của những nguồn năng lượng bền vững mới và ít tốn kém.
Trong suốt
Chủ yếu cho những thỏa thuận tình nguyện về việc giảm thiểu sự phát thải là các quốc gia phải tường trình những gì họ thực hiện; điều đó có thể kiểm soát được để xem họ có giữ đúng theo sự thỏa thuận và có bị chế tài hay không nếu họ không làm gì hết. Cho điều này, bản thỏa thuận cũng ghi nhận một hệ thống cho việc “giám sát, báo cáo và kiểm chứng” dựa trên căn bản của những đường lối của tổ chức IPCC. Việc bổ sung chính xác như thế nào hiện còn đang thực hiện.
Cũng về vấn đề trong suốt, trong thời gian hai tuần hội nghị đã tranh cãi kịch liệt. Nhất là Liên Âu đã thúc đẩy việc trong suốt cho tất cả mọi người. Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Ɖộ và nhiều quốc gia đang phát triển khác không có thái độ cộng tác. Sự nhượng bộ: các quốc gia đều phải báo cáo về sự phát thải và sự giảm thiểu của mình, nhưng các quốc gia đang phát triển “cần thiết” về điều này sẽ được đối xử với sự mềm dẻo hơn. Không có hình phạt cho những quốc gia phạm lỗi, “nêu danh và làm xấu hổ” phải được hạn chế.
Hỗ trợ tài chánh
Chính sách khí hậu toàn cầu không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ tài chánh. Theo thỏa thuận, các quốc gia phát triển giàu có phải giúp đỡ cho các quốc gia đang phát triển tài chánh và sự hỗ trợ trong việc giảm thiểu sự phát thải và thích nghi với những biến đổi của khí hậu. Cũng cho điều này, những thoả thuận trước đây với số tiền 100 tỷ Mỹ kim hàng năm sẽ tiếp tục có giá trị cho đến năm 2010 và sẽ được gia tăng thêm.
Ɖiều này đã được thảo luận rốt ráo cho đến cuối hội nghị. Những quốc gia đang phát triển, nhất là nhóm G77 và Trung Quốc muốn được tài trợ hơn 100 tỷ mỗi năm. Các quốc gia phát triển, nhất là Hoa Kỳ và Liên Âu, cảm thấy quá đủ về việc cứ phân biệt hóa trường kỳ giữa giàu và nghèo. Họ đã lưu ý rằng các quốc gia đang phát triển mạnh như Mã Lai, Qatar hay Ả Rập Saudi có thể cùng đóng góp được vào năm 2020. Trung Quốc và Ấn Ɖộ không cảm thấy hứng thú cho một nghĩa vụ như thế.
Ɖiểm bế tắc đã được giải quyết bằng việc thông qua văn bản cuối cùng rằng sự hỗ trợ sẽ được gia tăng kể từ năm 2025, nhưng số tiền 100 tỷ vẫn còn tồn đọng trong cái gọi là quyết định này (Thỏa thuận hình thành từ một “đồng ý ràng buộc” và một “quyết định” ít trọng lượng hơn). Thoải mái cho các quốc gia giàu, bởi vì có ít ràng buộc – ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Paris vào ngày thứ tư 09-12-2015 với một tuyên bố gia tăng gấp đôi sự hỗ trợ khí hậu để thúc đẩy nghị hội tiến triển một bước. Và điều có thể chấp nhận được cho các quốc gia nghèo, bởi vì một số tiền cũng có thể là một giới hạn trong một thời kỳ. Trung Quốc và Ấn Ɖộ cũng đã nhận được sự giải quyết rằng hỗ trợ khí hậu do các quốc gia đang phát triển mạnh vẫn đặt trên căn bản tự nguyện.
Thảm họa khí hậu
Một trong những điều khó nhất, do bởi những hồ sơ chất chở các giá trị đạo đức ở Paris, là sự thiệt hại do khí hậu biến đổi, “loss and damage”, không thề tránh khỏi bởi hậu quả của sự gia tăng mực nước biển cho đến các cơn bão biển. Thỏa thuận xác định trong một điều khoản riêng với sự ước hẹn rằng sẽ có một sắp xếp cho việc đối phó với loại thiệt hại này do khí hậu gây ra mà không hề bị ràng buộc trách nhiệm theo luật định.
Hồ sơ nầy đã là vấn đề của cả tuần. Loss en damage phải được đưa vào văn bản thỏa thuận, các quốc gia đang phát triển có nguy cơ bị thảm họa, nhất là Liên Minh Các Ɖảo Quốc nhỏ, đã yêu cầu. Trong số này có nhiều đảo quốc đang bị vấn đề nước dâng lên và bão tố. Những quốc gia phát triển, nhất là Hoa Kỳ và Liên Âu, đã bác bỏ vì lo sợ phải nhận trách nhiệm và phải bồi thường thiệt hại. Ɖó không phải là những số tiền “bèo”, bởi vì thiệt hại do khí hậu toàn cầu gây ra vào năm 2013 đã lên đến 400 tỷ Mỹ kim và theo dự đoán nó sẽ tiếp tục gia tăng.
Viên thuốc độc được trung hòa trong dự thảo gần cuối hội nghị do việc loss and damage đã được đưa vào thỏa ước nhưng được nối kết với mệnh đề qua quyết định trong đó mỗi trách nhiệm, nếu có, đều được loại ra. Theo những người trong cuộc điều này xảy ra sau áp lực nặng của Hoa Kỳ trên các đảo quốc như Tuvalu với hậu quả là sự cãi vã kịch liệt trong khối G77.
Sự công nhận loss and damage có phải là một chiến thắng mà tổn thất cũng không khác gì với phe thua trận? Không, bởi vì nguyên tắc đã được đưa vào văn bản rằng thí dụ như các quốc gia được tự do để đòi hỏi sự đền bù thiệt hại qua tòa án. Ɖiều khoản này có thể là một kích thích phụ trội cho các quốc gia giàu để họ phải giới hạn sự phát thải. Trong ý nghĩa đó đây là một tin mừng. Và như phái đoàn của đảo St. Lucia nhân danh một số đảo Caribe phát biểu: Lần đầu tiên chúng tôi có cảm giác rằng mình được lắng nghe.
Thành công vượt qua chướng ngại
Kết luận được rút ra phải như thế nào? Paris là một thỏa thuận lịch sử? Chủ tịch của hội nghị thượng đỉnh COP21 Laurent Fabius đã cho là như thế trong bài diễn văn của ông khi công bố bản dự thảo thỏa thuận: nếu tất cả các quốc gia đểu nhận được tất cả những gì mình mong muốn thì chúng ta đã cùng nhau kết thúc hội nghị với hai bàn tay trắng. Thỏa thuận khí hậu về mọi mặt là một sự nhượng bộ nhưng trong ý nghĩa có thể đây là một kết quả đạt được tốt nhất.
Nhiều quan sát viên đã lưu ý rằng thỏa thuận đã không đưa đến duy trì giới hạn sự gia tăng nhiệt độ đến 1,5 độ hay ngay cả 2 độ, nhưng các quốc gia đã ủy thác cho những giao hẹn có thể cùng làm cho điều này xảy ra trong một thời hạn nào đó. Cũng như những thỏa thuận, thí dụ như về hỗ trợ đốì phó vấn đề khí hậu biến đổi, đã được nối kết với nổ lực cho kỳ vọng lớn hơn.
Thành công vượt qua chướng ngại lớn nhất là thời đại của những nguyên liệu hóa thạch sau hai thế kỷ đi dần đến cáo chung. Thế giới nỗ lực chấm dứt sự phát thải các loại khí gây hiệu năng nhà kính. Theo các đại diện của giới công nghiệp ở Le Bourget đã minh chứng, điều đó là một tín hiệu cực kỳ rõ ràng cho các xí nghiệp và các nhà đầu tư: rút tiền từ dầu hỏa, than đá và khí đốt ra và bỏ tiền đầu tư vào năng lượng bền vững. Và giới tiêu thụ có thể giúp họ một tay trong việc này.
Nguyên tác: Wereldwijde Afspraak Gaat Verder dan Velen Verwachtten, Ben van Raaij.
Trích từ: De Volkskrant, 14-12-2015
Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Anh