Phạm Đình Lân


Sự lung lay của nền dân chủ và văn minh Tây phương

.

Theo nhu cầu cơ thể học người ta cần những gì cơ thể mình cần hay đang thiếu. Người thích ăn chua vì cơ thể thiếu chất chua. Người thèm ăn ngọt vì cơ thể thiếu chất ngọt. Người thích vị cay, đắng vì cơ thể đang thiếu hai vị đó v.v…

Con người sinh ra để làm một số công việc, một số nhiệm vụ nào đó đối với người trong gia đình cũng như đối với xã hội và quốc gia. Dù trong bất cứ tình huống nào, bất cứ thời gian và không gian nào, con người vẫn luôn luôn đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc xã hội là sự no cơm ấm áo, công bằng xã hội. Hạnh phúc chánh trị bao gồm tự do, dân chủ, phồn vinh kinh tế, quyền làm người, quyền được luật pháp bảo vệ, quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và nhiều quyền tự do khác nữa. Dù là loại hạnh phúc nào, hạnh phúc không có hình dáng, không có màu sắc, không có hương vị. Khi chưa có thì ước mơ. Khi có rồi lại trở nên nhàm chán. Cuối cùng chân hạnh phúc nằm ở đâu nếu không phải là nằm trong việc tìm kiếm hạnh phúc hơn là khi đạt được hạnh phúc?

Khái niệm dân chủ xuất hiện ở Athens, Hy Lạp, vào thế kỷ V trước Tây Lịch. Nhưng đến năm 322 trước Tây Lịch nền dân chủ bị người Macedonians dập tắt. Trong chế độ quân chủ chuyên chính dù ở phương Đông hay ở phương Tây, vua có quyền hành bao la. Dân chúng chỉ là lưng lừa chuyên chở mọi gánh nặng của quốc gia.

Hoa Kỳ là quốc gia Cộng Hòa sau khi đánh bại quân Anh vào cuối thế kỷ XVIII. Hoa Kỳ lập quốc và trở thành quốc gia Cộng Hòa có hiến pháp thành văn với tam quyền phân lập minh bạch.

Cuộc chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ ảnh hưởng đến cách mạng 1789 của Pháp rất nhiều. Cuộc cách mạng 1789 rất đẫm máu. Chế độ quân chủ do vua Louis XVI đại diện sụp đổ. Vua và hoàng hậu bị đưa lên máy chém năm 1793 và 1794 nhưng phải đợi đến năm 1875 Pháp mới thực sự có dân chủ.

Anh là quốc gia quân chủ có truyền thống dân chủ lâu đời với bản Đại Hiến Chương Tự Do (Magna Carta Libertatum) ngày 16-06-1215. Người Anh không hứng thú với cảnh Cromwell giết vua Charles I năm 1649. Thế kỷ XVIII đánh dấu hai cuộc cách mạng lớn ở Anh: cách mạng kỹ nghệ và cách mạng chánh trị, đánh dấu bởi sự lớn mạnh của chế độ đại nghị.

Hoa Kỳ, Anh và Pháp là ba quốc gia Tây Phương có truyền thống dân chủ lâu đời. Hoa Kỳ và Pháp là hai dân quốc. Anh là quốc gia quân chủ lập hiến.

Người Pháp nhận thức rằng Hoa Kỳ thực sự là quốc gia có tự do và dân chủ. Việc Pháp tặng tượng Nữ Thần Tự Do cho Hoa Kỳ năm 1886, 100 năm sau ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ra đời, cho thấy sự ngưỡng mộ của Pháp đối với quốc gia tân lập Hoa Kỳ.

Nền chánh trị dân chủ dựa trên tinh thần tôn trọng pháp luật giúp cho các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước dân chủ Âu Châu khác phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thương mại, quân sự, khoa học kỹ thuật.

Hoa Kỳ được tiếng là thành trì của tự do, dân chủ dung chứa người tỵ nạn trên thế giới đến Hoa Kỳ vì lý do kinh tế, chánh trị và tôn giáo. Sau khi tham dự hai thế chiến, Hoa Kỳ làm cho cán cân chiến thắng nghiêng về phe Đồng Minh dân chủ. Các quốc gia dân chủ Tây Phương đã đánh bại phe Trục tiêu biểu cho chế độ độc tài phát xít (Đức, Ý, Nhật). Sau năm 1945 nước Đức bị chia đôi. Đông Đức theo chế độ Cộng Sản. Tây Đức chịu ảnh hưởng của các quốc gia dân chủ Tây Phương đứng đầu là Hoa Kỳ. Tây Đức, Nhật và Ý dân chủ hóa sinh hoạt chánh trị trong nước như các nước dân chủ Tây Phương. Cả ba quốc gia chiến bại sớm phục hồi kinh tế và có một vị trí vững chắc trong cộng đồng thế giới.

Từ năm 1945 đến 1991 tức là năm chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Liên Sô, thế giới chia ra làm hai khối: Tư bản và dân chủ do Hoa Kỳ đứng đầu; và Cộng Sản và độc tài do Liên Sô đứng đầu. Trên thế giới thực sự có dưới 10% quốc gia dân chủ đúng nghĩa của nó. Ở Á Châu chỉ có Nhật là quốc gia thực thi dân chủ đúng mức sau khi bại trận. Họ thi hành hiến pháp 1946 do Hoa Kỳ soạn thảo một cách nghiêm chỉnh. Các quốc gia khác ở Á Châu chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ có nền dân chủ ấu trĩ. Dân chủ tạm định nghĩa sơ sài như: có hiến pháp, có bầu cử. Còn việc thi hành hiến pháp và tổ chức bầu cử trong sạch hay gian lận ra sao chưa minh định được. Thái Lan một nước quân chủ không bị các đế quốc Tây Phương đô hộ nhưng nước này có dân chủ thực sự không? Miến Điện? Indonesia? Nam Việt Nam? v.v... Ngay cả Taiwan (Đài Loan - Trung Hoa Dân Quốc) và Đại Hàn (Nam Hàn) vẫn chưa có dân chủ thực sự cho đến thập niên 1990 mặc dù hai nước nhỏ này có hiến pháp, có bầu cử nhưng vẫn chưa có dân chủ thực sự như ước muốn mặc dù có tiến bộ về phương diện kinh tế. Từ thập niên 1990 về sau hai vùng này có nền dân chủ trưởng thành, có đối lập chánh trị, có bầu cử trong sạch. Sự đắc cử của Chen Sui Bian (Trần Thủy Biển), và Tsai Ing Wen (Thái Anh Vân) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ chấm dứt sự độc quyền chánh trị độc đảng của Quốc Dân Đảng (Kuomintang - Guomindang) trên đảo này. Sự lật đổ vị nữ tổng thống đương quyền Đại Hàn, Park Geun-hye vào tháng 03 năm 2017 vừa qua cho thấy việc thi hành luật pháp ở Đại Hàn đang lớn mạnh đáng kể. Dân chủ và việc thi hành luật pháp nghiêm minh và can đảm đảm bảo trật tự và công bằng xã hội. Đó là nguồn gốc của sự phát triển, lớn mạnh và phồn vinh của quốc gia.

Các quốc gia độc tài phát xít như Đức, Ý, Nhật, độc tài Cộng Sản như Liên Sô, Trung Quốc kích thích sự tự hào dân tộc để phát triển về mặt quân sự nên thành quả của sự phát triển quốc gia không bền bỉ và không thực sự mang hạnh phúc của nhân dân của họ.

Đức, Ý Nhật bị thảm bại trong đệ nhị thế chiến.

Đức bị chia đôi.

Nhật trả đảo Taiwan cho Trung Hoa, trả nửa đảo Sakhalin ở phía nam cho Liên Sô và bị mất quần đảo Kurils vào tay Liên Sô.

Liên Sô và Trung Quốc mua sự tự hào quốc gia và dân tộc bằng gần 100 triệu xác chết. Dân chúng Nga hay Trung Hoa vẫn chưa được ấm no và tự do như dân chúng ở các nước dân chủ Tây Phương.

Thiếu tự do và dân chủ là thiếu sự bình đẳng, công bằng và trật tự trong xã hội thì không sao phát triển và ổn định được. Chế độ độc tài chỉ giúp ích cho người cầm quyền chớ không giúp ích gì cho hạnh phúc nhân dân và sự vươn lên của đất nước.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX các nước Âu Châu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Mỹ Châu như Hoa Kỳ là những nước theo đạo Christ (Thiên Chúa Giáo hay Tin Lành) có trình độ khoa học kỹ thuật cao nên các nước trên có nhiều thuộc địa trên thế giới. Anh và Pháp có nhiều thuộc địa khắp thế giới. Hoa Kỳ có ảnh hưởng bao trùm khắp lục địa Mỹ Châu sau khi tổng thống Monroe đưa ra khẩu hiệu Châu Mỹ của người Mỹ Châu (America to the Americans). Năm 1959 Cuba trở thành quốc gia Cộng Sản đầu tiên nằm sát nách Hoa Kỳ. Brazil, quốc gia đông dân và rộng lớn nhất ở Nam Mỹ không thân thiện với Hoa Kỳ. Argentine cũng thế. Venezuela, Bolivia có đường lối chống đối Hoa Kỳ và thân thiện với Cuba. Nicaragua luôn luôn đâu lưng với Hoa Kỳ và có khuynh hướng hướng về xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung Trung Mỹ và Nam Mỹ không còn là sân sau trọn vẹn của Hoa Kỳ.

Năm 1917 lần đầu tiên Hoa Kỳ tham chiến ở Âu Châu. Lúc ấy quân Đức suy yếu. Quân Pháp phản công mạnh. Vì sự tham chiến của Hoa Kỳ ở mặt trận phía tây khiến Đức phải đưa Lenin về Nga làm cuộc cách mạng lật đổ chánh phủ Kerensky chống Đức để yên mặt trận phía đông hầu lo mặt trận phía tây. Dù vậy đến năm 1918 Đức vẫn bị bại trận hoàn toàn. Trong đệ nhị thế chiến vai trò của Hoa Kỳ mới thực sự quan trọng trên ba mặt trận: Tây Âu, Bắc Phi và Thái Bình Dương. Thế giới ngưỡng mộ Hoa Kỳ như một siêu cường kinh tế và quân sự xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan và thành trì dân chủ trên thế giới. Ảnh hưởng Hoa Kỳ lan rộng khắp thế giới trong khi Anh và Pháp bắt đầu suy yếu và mất dần thuộc địa. Hoa Kỳ trở thành quốc gia đại diện cho sức mạnh của văn hóa Tây Phương.

Năm 1922 Liên Bang Sô Viết hình thành do Nga đứng đầu. Nga trở thành đế quốc thôn tính các tiểu lân quốc ở Trung Á và Đông Á. Đó là các quốc gia Hồi Giáo ở phía nam nước Nga và Ngoạì Mông ở phía Đông. Năm 1940 Nga sáp nhập Lithuania, Latvia va Estonia vào Liên Bang Sô Viết. Sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Sô rất đáng kể ở Đông Âu sau đệ nhị thế chiến.

Từ khi cách mạng Tân Hợi bùng nổ năm 1911 đến đầu thập niên 1970 Trung Hoa chưa có vai trò lớn trên thế giới. Dân Trung Hoa không có tự do, dân chủ dưới sự cai trị của Quốc Dân Đảng (Kuomintang - Guomindang) cũng như Cộng Sản do Mao Zedong (Mao Trạch Đông) lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Mao dân Trung Hoa lục địa mua danh dự của một nước Trung Hoa nguyên tử bằng 50 triệu xác chết đói vì chánh sách cải cách ruộng đất, bước tiến nhảy vọt và cách mạng văn hóa của Mao. Máu, mồ hôi và nước mắt vẫn đổ nhưng cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ ấm và công bằng xã hội vẫn không tìm ra.

Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) có viễn kiến rộng rãi hơn trong việc phát triển quốc gia. Mao là người có tư tưởng khép kín vì suốt đời chỉ lẩn quẩn ở Hunan (Hồ Nam) và Beijing (Bắc Kinh). Deng Xiaoping có học ở Pháp và được huấn luyện ở Liên Sô. Thành quả mà Trung Quốc có hiện nay là kết quả của việc thực thi Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping.

Hoa Kỳ lúc nào cũng là ân nhân của Trung Quốc.

a. Vào cuối thế kỷ XIX các liệt cường Âu Châu kể cả Nhật chia xẻ Trung Hoa thì Hoa Kỳ là quốc gia kêu gọi các liệt cường tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ của Trung Hoa. Lúc ấy Trung Hoa bị người Mãn Châu đô hộ. Linh hồn của cách mạng Tân Hợi, người khai sinh nền Dân Quốc Trung Hoa, chủ nghĩa Tam Dân (San Min Chu I) và Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Kuomintang - Guomindang) là Sun Yatsen. Ông theo đạo Tin Lành và từng học ở Hawaii. Tất nhiên ông chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương nhất là của Hoa Kỳ và Anh. Ông theo đạo Tin Lành, học ở Hawai rồi học y khoa ở Hồng Kông do người Anh kiểm soát. Khi cuộc mách mạng Tân Hợi bị Yuan Shikai (Viên Thế Khải) và các đốc quan miền Bắc thao túng, Sun Yatsen nghiêng theo Liên Sô. Tại Moscow có Viện Đại Học Sun Yatsen. Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) sang Moscow thụ huấn năm 1923. Con trai của ông sang học ở Nga và có vợ Nga. Sau này ông là tổng thống của Taiwan (Chiang Chingkuo: Tưởng Kinh Quốc).

b. Chiang Kaiskek chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ sau năm 1927 với sự sụp đổ của Liên Minh Quốc-Cộng lần thứ nhất và qua bà vợ là Song Meiling (Tống Mỹ Linh), một người xuất thân từ một gia đình Tin Lành giàu có và tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tích cực giúp cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng trong đệ nhị thế chiến để kháng Nhật phần nào cũng do sự vận động của bà Song Meiling. Năm 1928 Chiang Kaishek mở cuộc Bắc phạt thống nhất Trung Hoa nhờ sự tài trợ của gia đình họ Song (Tống). Đó là lúc ông ly dị bà vợ đầu tiên, mẹ của ông Chiang Chingkuo, để cưới Song Meiling, một trong những mỹ nữ của gia đình họ Song giàu khét tiếng lúc bấy giờ.

c. Mao Zedong lạnh chân sau cuộc chiến biên giới năm 1969 giữa Trung Quốc và Liên Sô trên đảo Damasky, một đảo trên sông Heilongjiang (Hắc Long Giang) mà người Trung Hoa gọi là Chen Pao (Chân Bảo). Sự thăm viếng của Nixon năm 1972 làm cho Mao đang bịnh chóng bình phục.

d. Khi Deng Xiaoping phục hồi địa vị đã mất sau cách mạng văn hóa của Mao và vợ là Jiang Qing (Giang Thanh), Deng nghiêng về Hoa Kỳ để học hỏi hầu thực hiện Bốn Hiện Đại Hóa. Trong vòng 30 năm Trung Quốc đã thành công vượt bực về kinh tế lẫn quân sự. Về kinh tế Trung Quốc đứng hạng nhì sau Hoa Kỳ và là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Về quân sự Trung Quốc có bom nguyên tử, hàng không mẫu hạm, tàu ngầm, sản xuất võ khí nặng, phi cơ, xe tăng và phóng vệ tinh nhân tạo v.v… Trung Quốc lấn ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, Trung, Nam Mỹ, Phi Châu. Trung Quốc có chương trình đào kinh Nicaragua cạnh tranh với kinh đào Panama. Nếu kinh đào Nicaragua hoàn tất Trung Quốc có thể chở võ khí sang Trung, Nam Mỹ dễ dàng vì Panama không cho phép chở võ khí đi ngang qua kinh. Lúc ấy tình hình các nước Châu Mỹ La Tinh càng rối ren hơn. Hoa Kỳ phải đương đầu với nhiều vấn đề nhức đầu hơn. Trung Quốc tự ban cho mình chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông với 140 đảo san hô và đảo đá lớn nhỏ hay bãi cạn còn nằm dưới mặt nước biển.

Ưu thế của Trung Quốc ở Đông Nam Á càng ngày càng được củng cố vững chắc vì :

a. có biên giới chung với Trung Hoa hay tiếp cận với nước này về vị trí địa lý.

b. Trung Hoa có nhiều kiều dân nắm huyết mạch kinh tế lẫn chánh trị ở các quốc gia Đông Nam Á.

c. Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973. Năm 1975 VNCH sụp đổ. Năm 1992 Hoa Kỳ rời quân cảng Subic Bay ở Phi Luật Tân. Suốt 08 năm thời tổng thống Bush, Hoa Kỳ không quan tâm đến vấn để Đông Nam Á. Tổng thống Obama (DC) chỉ để cập đến việc xoay trục về Á Châu nhưng không thực hiện đầy đủ và cụ thể việc xoay trục này.

d. Sau khi Liên Sô sụp đổ năm 1991, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tái hàng phục Trung Quốc và nhận chịu nhiều điều kiện nặng nề do Beijing (Bắc Kinh) đưa ra để bám lấy quyền hành dưới sự khống chế của Trung Quốc.

Uy danh của Hoa Kỳ không toàn bích sau khi VNCH sụp đổ năm 1975 mặc dù Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường kinh tế và quân sự. Tiềm năng quân sự Hoa Kỳ dồi dào nhất thế giới. Nhưng Hoa Kỳ không phải là bất bại. Các cuộc không tặc nhắm vào Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ Tây Phương đều xuất phát từ các quốc gia Hồi Giáo. Họ nung nấu sự hận thù của người Hồi Giáo đối với Hoa Kỳ qua sự ủng hộ sự hiện hữu của quốc gia Do Thái ở Trung Đông. Việc cướp phi cơ đâm thẳng vào World Trade Center ở New York và một phần của Ngũ Giác Đài ở Washington ngày 11-09-2001 là một Pearl Harbor thứ hai ngay trong nội địa Hoa Kỳ cho thấy sự thách thức của khủng bố Hồi Giáo táo bạo như thế nào. Khủng bố Hồi Giáo nổ bom ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Đức… giữa lúc làn sóng nhập cư người Hồi Giáo từ Trung Đông, Afghanistan, Phi Châu lũ lượt tràn vào lục địa Âu Châu.

Các thành trì dân chủ và kinh tế bị làn sóng di dân che lấp. Ở Anh xảy ra việc người Hồi Giáo chặt đầu người bản xứ bằng mã tấu. Ở Pháp người Hồi Giáo Bắc Phi phản đối lịnh cấm mặc quần áo che kín mặt. Người Hồi phản đối trường học dùng thịt heo trong các bữa ăn của học sinh v.v... Nền dân chủ Tây Phương bị lạm dụng. Giữa lúc ấy Putin và Xi Jinping mạnh tay đàn áp những người Hồi Giáo cực đoan ở Chechnya và Tân Cương. Trung Quốc còn ra lịnh cấm để râu, cấm quần áo che kín mặt. Biện pháp cứng rắn ít ra hữu liệu trong một thời gian nào đó. Nga từng là một nước Cộng Sản. Putin từng là trung tá KGB. Dư âm của chế độ Cộng Sản thực sự chưa mất màu ở Nga. Trung Quốc vẫn còn là một nước Cộng Sản. Trong lịch sử Trung Hoa tiền Cộng Sản cũng chưa bao giờ có dân chủ thì chế độ Cộng Sản làm sao có được. Trung Quốc và Nga ghét các nước dân chủ phương Tây do Anh và Hoa Kỳ đứng đầu. Các nước này lên án Nga đàn áp đối lập bằng cách cầm tù hay ám sát, tổ chức bầu cử không trong sạch, tách rời một phần lãnh thổ phía bắc Georgia ra khỏi nước này, sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Liên Bang Nga, giúp cho dân Ukraine ở đông bộ nước này nổi lên chống chánh phủ Kiev. Nga đe dọa các tiểu quốc vùng biển Baltic và Ba Lan. Trung Quốc cũng bị các nước dân chủ Tây Phương than phiền về vấn đề nhân quyền, ngăn chặn internet, cầm tù những người có tư tưởng ngược lại với chánh quyền Cộng Sản. Nhìn chung các quốc gia độc tài dù dưới bất cứ đảng độc tài nào (độc tài Cộng Sản hay quân phiệt) cũng không thích các nước dân chủ đứng đầu là Hoa Kỳ.

Dưới thời Yeltsin nước Nga tỏ ra yếu thế trước Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Bush I và Bill Clinton. Yeltsin từ chức trao quyền cho Putin lãnh đạo nước Nga không Cộng Sản. Putin có nhiều thủ đoạn chánh trị của một sĩ quan KGB. Ông vừa làm giàu vừa gia tăng quyền hành và uy tín cho bản thân. Ông ngưỡng mộ Stalin và có mộng tái lập Liên Bang thời Cộng Sản bằng cách dùng võ lực ở Georgia năm 2008, sáp nhập Crimea năm 2014, xúi giục người Ukraine gốc Nga nổi dậy chống chánh quyền Kiev. Ông đắc cử hai nhiệm kỳ tổng thống rồi quay về làm thủ tướng, nâng nhiệm kỳ tổng thống lên 06 năm và ra tranh tổng thống trong nhiệm kỳ 2012- 2018. Putin hiện nay là người hùng phát xít Bạch Chủng. Trong nước ông có quyền uy tuyệt đối. Ngoài nước ông làm cho các cựu Cộng Hòa Sô Viết láng giềng ở Á Châu và Âu Châu và cả khối NATO phập phồng lo sợ. Ông lại là người có tài sản to lớn nhất từ xưa đến nay trong giới lãnh đạo quốc gia. Sự thành công to lớn của ông là làm Xi Jingping phải tìm cách kết thân với Nga để tạo một liên minh Nga-Hoa thay vì chống đối nhau như khi Nga được xem là thành trì Cộng Sản trong chiến tranh lạnh. Putin cay cú khi Nga không còn là G8 sau vụ Crimea năm 2014. Và vì vụ này, Nga bị Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt về kinh tế. Việc giá dầu giảm từ $100/ thùng xuống $35/ thùng càng làm cho kinh tế Nga đã khốn đốn càng khốn đốn hơn.

Cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ năm 2016 với ứng cử viên Donald Trump đã tạo cơ hội cho Putin làm suy kiệt hệ thống dân chủ Hoa Kỳ, mở đường tươi sáng cho cuộc tranh cử vào năm 2018 của ông (vì không có cường quốc nào đặt vấn đề pháp lý và tính trong sạch của cuộc bầu cử). Ông Donald Trump là tỷ phú không có chút kinh nghiệm chánh trị cũng không có chức vụ dân cử nào tự nhận mình là người khôn ngoan làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Ông thành công trong lối nói mị dân đầy tính kỳ thị Hồi Giáo (thực tế ông có quan hệ mật thiết với các ông hoàng Á Rập và đầu tư ở các nước Hồi Giáo cựu Cộng Hòa Sô Viết, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia), da màu nhất là Latino, xem thường các tổng thống tiền nhiệm không giải quyết nổi các vấn đề Do Thái-Palestine, Bắc Hàn, Trung Quốc, các tướng lãnh thiếu khả năng, ông Mc Cain không có gì đặc biệt, chê bai các quan tòa, chửi bới báo chí, xem nhẹ hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ, không tin các hệ thống tình báo Hoa Kỳ, lên án Trung Quốc lũng đoạn tiền tệ v.v… Một người ăn nói hào hùng, dọc ngang nào biết trên đầu có ai như vậy mà có vẻ khiêm tốn, nhún nhường và ngưỡng mộ Putin, kêu gọi Nga hack email của bà Hillary Clinton và xem việc sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga là việc bình thường! Ông Trump có vẻ hứng thú với các nhà độc tài như Putin, Saddam Hussein, Qaddafi, Kim Jong Un, Duterte của Phi Luật Tân, Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi nắm chánh quyền các ông phó tổng thống, bộ trưởng đặc trách Báo Chí, các cố vấn, chủ tịch Hạ Viện luôn luôn tìm mọi lập luận thuận nhĩ và hợp với luật pháp để tô điểm cho những lời tuyên bố nẩy lửa và vô bằng chứng nhằm đánh lạc hướng những vấn đề đối nội và đối ngoại khó khăn và phức tạp bao vây ông. Những chuyện ông không hứa nhưng đang làm là: vợ ông vẫn ở New York; gia đình ông và con cháu ông thường xuyên về Florida nghỉ mát; bổ nhiệm rể và con gái làm cố vấn. Hai vị cố vấn này có quyền ngoại giao lớn hơn vị ngoại trưởng. Mỗi ngày tiền bảo vệ an ninh tổng thống, vợ ở New York và các thân nhân của ông lên đến $1 triệu Mỹ Kim.

Những chuyện ông hứa nhưng thực hiện què quặt là xây bức tường dọc theo biên giới Mễ Tây Cơ; trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và ngăn chặn một số người từ 06 quốc gia Hồi Giáo vào Hoa Kỳ; thay thế Obama Care (không đưa ra bỏ phiếu ở Hạ Viện vì không đủ túc số ủng hộ rồi được thông qua tại Hạ Viện với hơn vỏn vẹn 04 phiếu thuận) do công lao vận động năng nổ của Paul Ryan. Người ta ước lượng nếu bãi bỏ Obamacare thì sẽ có từ 15 - 20 triệu người không có bảo hiểm sức khỏe. Một dân biểu Cộng Hòa cho rằng có ai chết vì không có bảo hiểm sức khỏe đâu!

Chừng nào tòa đại sứ Hoa Kỳ dời về Jerusalem? Bắc Hàn vẫn thí nghiệm hỏa tiễn. Chừng nào ông Trump có giải pháp hữu hiệu để chấm dứt trò đùa dai của Bắc Hàn? Ông đề nghị thương thuyết trực tiếp với Kim Jong Un nhưng nhà độc tài trẻ tuổi này còn ra vẻ ra giá cao. Dùng võ lực? - Không dễ dàng. Dù Bắc Hàn cứng đầu với Beijing, Beijing không thể đứng yên nếu Hoa Kỳ đụng vào. Lần này khác với năm 1950 thời Stalin, Nga cũng không để yên cho Hoa Kỳ trừng trị Bắc Hàn bằng võ lực. Putin đã lên tiếng rồi. Chắc chắn ông Trump không có giải pháp nào hơn những vị tiền nhiệm mà ông chê bai thậm tệ. Chừng nào nước Mỹ vĩ đại trở lại? - Chưa rõ. Chỉ thấy tàu Nga lai vãng ngoài khơi nước Mỹ và oanh tạc cơ của Nga nhiều lần bay vào không phận Alaska. Phản lực cơ Nga bay cách tàu Hoa Kỳ trong Hắc Hải lối vài chục thước. Tổng thống Trump lặng lẽ giữ sự im lặng vàng son.

Ông Trump ra vẻ bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ bằng cách tỏ ra chống Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc lũng đoạn tiền tệ, hứa đem công việc về Mỹ, đánh thuế nặng vào hàng từ Trung Quốc vào Mỹ, sử dụng tác giả cuốn sách Chết Vì Trung Quốc, các tướng lãnh đầy huy chương như một quyết tâm xẻ thịt Trung Quốc. Dân chúng Mỹ nghe êm tai vì nước Mỹ vĩ đại trở lại rồi! Thực tế ông và con gái ông làm ăn lớn trên lục địa Trung Hoa. Con gái ông học nói quan thoại. Cháu ngoại ông ca nhạc Trung Quốc bằng tiếng quan thoại ở tòa đại sứ Trung Quốc ở Washington và trong ngày tiếp đón vợ chồng ông Xi Jinping ở Florida! Ông tiếp bà Merkel rất lạnh nhạt thậm chí không bắt tay nhưng rất sum xuê khi tiếp vợ chồng Xi Jinping và nói ngược lại những gì ông kết án Trung Quốc trước đó. Ông tiếp vợ chồng thủ tướng Nhật Abe trước khi tiếp vợ chồng Xi Jinping. Ngày đầu hai vợ chồng ông tiếp hai vợ chồng thủ tướng Abe. Ngày sau vợ tổng thống Trump bỏ rơi bà Abe lạc lõng ở Washington DC! Đó là thông điệp ông Trump ngầm gởi cho Xi Jinping như muốn nói rằng: “Tôi không thân anh chàng ấy lắm đâu!” Ông Kissinger là trung gian giữa ông và Xi Jinping. Khi ông nói chuyện với nữ tổng thống Taiwan thì ông Kissinger có mặt ở Beijing như một dạng giải thích “chuyện như thế mà không phải thế”. Ông tuyên bố rút khỏi TPP (Trans Pacific Partnership- Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương), một dạng bao vây kinh tế Trung Quốc bằng các nước ven Thái Bình Dương của tổng thống Obama. Rút khỏi TPP là cách ông Trump giải vây cho Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố huỷ bỏ NAFTA (Thoả Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ – North American Free Trade Agreement). Đó là cách giúp cho Trung Quốc phát huy ảnh hưởng thương mãi ở Canada và Mễ Tây Cơ!

Ông Trump đóng vai nhà độc tài Robespierre của Pháp thời cách mạng 1789 nhưng chưa trang bị máy chém. Mặt ông lúc nào cũng hằm hằm giận dữ chửi báo chí bất lương, đưa tin giả, lên án cơ cấu tổ chức quốc gia từ trước đến nầy sai cần phải vất bỏ. Đó là những tổ chức dựa trên nguyên tắc dân chủ, luật pháp và hiến pháp đã có trên hai thế kỷ nay. Chính cái tổ chức dân chủ dựa trên tinh thần luật pháp ấy đã hấp dẫn gia đình ông từ Đức đến sinh sống và làm giàu. Bây giờ ông muốn đạp đổ nó. Hoa Kỳ là một quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời trên thế giới nay chỉ cần một mình ông Trump đủ làm cho nền dân chủ lâu đời nầy hấp hối và có nguy cơ tiêu vong. Ông:

- dùng con gái, rể làm đại cố vấn.

- được sự ủng hộ và sự e dè của các nghị sĩ và dân biểu của đảng Cộng Hòa.

- cách chức nữ thứ trưởng Tư Pháp Yates vì cảnh báo Nga có thể bắt bí tướng Flynn, cố vấn an ninh của tổng thống Trump.

- cách chức thẩm phán Preet Bharara, NY, không chịu từ chức theo 46 vị thẩm phán được yêu cầu từ chức. Vị thẩm phán này biết nhiều về các ngân hàng ngoại quốc kể cả Nga ở New York.

- bãi nhiệm giám đốc FBI, James Comey.

Tổng thống Trump dị ứng với vấn đề Nga. Ông bị mặc cảm đã đắc cử nhờ Nga giúp đỡ bằng cách tặc tin tức của ban vận động bầu cử của đảng Dân Chủ gây bất lợi cho bà Hillary Clinton và tạo sự đắc cử cho ông Trump. Có người còn đi xa hơn khi đặt nghi vấn về sự cấu kết giữa ban vận động bầu cử của ông Trump với tình báo Nga. Cố nhiên ông Trump chối bỏ mọi nghi ngờ tai hại đó. Ông cho rằng ông không có làm ăn ở Nga, không quen biết gì với Putin nhưng sự biện minh của ông không có tính thuyết phục vì:

- ông luôn luôn từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến Nga và Putin.

- việc xuất trình giấy khai thuế hàng năm có uẩn khúc gì mà ông không muốn ai biết? Các ứng cử viên tổng thống trước ông ai cũng sẵn sàng cho cử tri của họ biết về lợi tức của họ cũng như tỷ lệ đóng thuế của họ. Ngay cả phó tổng thống Pence cũng sốt sắng làm như vậy.

- có một sự ngẫu nhiên hiếm hoi là những người quan trọng trong ban vận động bầu cử của ông như Paul Manaford, Carter Page, tướng Michael Flynn đều đến Nga, liên hệ với Nga và nhận tiền của nước ngoài (tổng thống Ukraine thân Nga và Thổ Nhĩ Kỳ). Roger Stone, cố vấn chánh trị, có liên hệ với Julian Assange của Wikileaks để lấy tin tức của ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton. Ông Rex Tillerson, CEO của Exxon Mobil là người có liên hệ chặt chẽ với Putin, được huy chương cao quí của Nga và chủ trương bãi bỏ cấm vận đối với Nga. Putin vui mừng sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống và Rex Tillerson được làm bộ trưởng Ngoại Giao. Các ông Flynn, Sessions (bộ Tư Pháp), Jared Kushner, rể của ông Trump, đều có gặp đại sứ Nga ở Hoa Kỳ là Kislyak sau ngày 08-11-2016.

- Ngày 09-05-2017 ông Trump cách chức giám đốc FBI, James Comey. Ngày 10-05-2017 ông tiếp ngoại trưởng Lavrov của Nga. Báo chí và truyền thông Mỹ không được vào để lấy tin tức và chụp hình ngoại trừ các phóng viên Nga được quyền đem máy chụp ảnh vào phòng bầu dục trong tòa Bạch Ốc. Do đó bức ảnh ông tươi cười bắt tay với Lavrov và đại sứ Kislyak mà người Mỹ thấy là do báo chí và truyền hình Nga đưa ra!!

Theo ông Clapper, cựu giám đốc CIA, nền dân chủ Hoa Kỳ bị tấn công từ bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong có ông Trump. Bên ngoài có Putin. Putin vui mừng khi thấy ông Trump đắc cử. Bây giờ ông vui mừng khi thấy giám đốc FBI là Comey bị cách chức. Dư luận sửng sốt về việc cách chức ông Comey. Có người cho rằng ông Trump làm như vậy vì ông Comey không hứa trung thành với ông trong một bữa ăn tối với tổng thống Trump khi mới nhậm chức. Đa số người theo dõi tình hình tự hỏi ông Comey theo dõi cuộc điều tra về việc Nga và ban vận động bầu cử của ông Trump có quan hệ gì đến việc ông bị cách chức không? Việc Nga tặc tin tức của ban vận động bầu cử của đảng Dân Chú đã được FBI theo dõi từ tháng 07 năm 2016.

Ngày 15-05-2017 Washington Post đưa tin tổng thống Trump đưa tin tình báo cho ngoại trưởng Nga Lavrov. Nếu quả thật như vậy thì Putin đang nhảy múa trên nước Mỹ bằng cách dùng gián điệp và tình báo. Nga đang nuôi dưỡng Snowden và đã vui mừng khi ứng cử viên ngưỡng mộ Putin đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Không biết vị tổng thống tỷ phú này có yêu thích Ivan Grosny tức Ivan Khủng Khiếp (Ivan The Terrible, 1530-1584) khi đặt tên cho người con gái xinh đẹp của mình không? Thế thượng phong của ông Trump đối với hai nhà lãnh đạo Nga, Putin và Trung Quốc, Xi jinping, như thế nào để nước Mỹ vĩ đại trở lại? hay chỉ có công thức: Trump < Deng Xiaoping < Putin. Vị thế của Nga và Trung Quốc nổi bật trong khi vị thế của Hoa Kỳ trở nên lu mờ trong vấn đề Syria chẳng hạn. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran họp nhau giải quyết vấn đề Syria mà không có sự hiện diện của đại điện Hoa Kỳ. Tổng thống Trump lùi về thế bế quan, tự cô lập và bảo vệ mậu dịch. Hoa Kỳ sẽ vĩ đại trở lại nhờ đó? Chủ trương này sẽ giúp cho Trung Quốc tiến xa hơn với Đường Tơ Lụa Á-Âu.

Nhiều người ví việc ông Trump cách chức bà Yates, thứ trưởng bộ Tư Pháp, thẩm phán Bharara và giám đốc FBI Comey vì liên hệ mật giữa Nga, ông Trump (?) và những cố vấn của ông giống như việc ông Nixon cách chức người điều tra ông về vụ Watergate, Archibald Cox. Nhiều dân biểu Dân Chủ cho rằng việc cách chức ông Comey còn nghiêm trọng hơn cả việc cách chức ông Archibald Cox trong Đêm Thảm Sát Thứ Bảy (Saturday Night Massacre 20-10-1973) của tổng thống Nixon. Đó là sự gây trở ngại công lý xứng đáng bị bãi miễn. So sánh vụ Watergate của Nixon và vấn để Nga của Trump, ta thấy các chi tiết sau đây:

1. Ông Nixon là một nhà chánh trị từng là nghị sĩ, phó tổng thống rồi tổng thống Hoa Kỳ. Về tâm tánh hai ông Nixon và Trump có nhiều điểm tương đồng. Nhưng ông Nixon trọng pháp hơn nhờ vậy ông mới đứng vững trên sân khấu chánh trị lâu dài. Ông Trump là người không có chút kinh nghiệm chánh trị nào cũng không được một chức vụ dân cử nào. Ông Nixon đắc cử nhiệm kỳ đầu 1968-1972 và tái đắc cử vẻ vang ở nhiệm kỳ hai (1972-1976; từ chức năm 1974). Nixon là người già dặn chánh trị nhưng thế đứng của ông không bằng ông Trump vì ông Trump là một tỷ phú.

2. Vụ Watergate (nghe lén) không quan trọng bằng việc điều tra xem Nga tặc tin tức của Hoa Kỳ có ảnh hưởng gì trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tức là Hoa Kỳ lo sợ ngoại quốc nhúng tay vào các cuộc bầu cử các cấp trong tương lai. Nói một cách bi quan là Hoa Kỳ sẽ bị nước ngoài chi phối và nền dân chủ không còn ý nghĩa nữa, nghĩa là Nga, một đối thủ của Hoa Kỳ từ sau đệ nhị thế chiến, sẽ tạo người lãnh đạo Hoa Kỳ theo ý muốn của họ. Nếu họ làm được thì họ không ngu dại gì mà tạo người làm cho quốc gia đối nghịch của họ hùng cường về quân sự và hưng vượng về kinh tế được. Việc Nga cho oanh tạc cơ bay vào không phận Alaska như là ẩn dấu thăm dò phản ứng, sức mạnh và lòng yêu nước của người Hoa Kỳ. Alaska là bãi tuyết trắng mênh mông mà Nga hoàng đã bán cho Hoa Kỳ với giá rẻ mạt (1867). Nếu không bán thì cũng mất! Bây giờ Putin muốn phô trương sức mạnh quân sự của mình nghĩa là dòm ngó luôn cả phía Đông chớ không riêng gì phía Tây? Giếng dầu vùng Cực đang được Putin đặc biệt quan tâm. Putin và Xi Jinping liên kết nhau làm suy yếu Hoa Kỳ bằng cách:

a. làm suy yếu nền dân chủ Hoa Kỳ với ván bài Donald Trump.

b. làm mất uy danh Hoa Kỳ trên thế giới nghĩa là Hoa Kỳ không còn là thành trì của tự do, dân chủ, nhân quyền vì dân chúng Hoa Kỳ hồ hởi bầu một vị tổng thống chửi bới trí thức, khinh thường báo chí, không tin các cơ quan tình báo quốc gia, miệt thị các thẩm phán và chê bai định chế chánh trị đã có từ ngày lập quốc.

c. tinh thần dân chúng Hoa Kỳ xuống thấp nếu Hoa Kỳ theo lộ trình từ dân chủ sang phi dân chủ. Sự khủng hoảng tinh thần này ảnh hưởng đến mọi lãnh vực hoạt động trong nước dễ dẫn đến tình trạng ngưng đọng trên toàn quốc.

3. Cho rằng việc làm của ông Trump giống ông Nixon và nghĩ rằng hậu quả của hai ông sẽ giống nhau. Ông Nixon bị đe dọa bãi miễn sau khi cách chức ông Cox điều tra ông về vấn đề Watergate. Tức thì hai ông bộ trưởng và thứ trưởng Tư Pháp là Richardson và Ruckelssham từ chức phản đối tổng thống Nixon. Sự từ chức này như là một biểu hiện của sự tôn trọng hiến pháp và luật pháp. Nó hoàn toàn độc lập với tinh thần đảng phái (Cộng Hòa). Cố vấn Kissinger được tổng thống Nixon tham khảo. Ông Kissinger khuyên ông Nixon nên từ chức để tránh bị bãi miễn (impeachment). Lúc ấy đảng Dân Chủ chiếm đa số trong Quốc Hội.

Chuyện của ông Trump nghiêm trọng hơn nhiều. Ông bãi chức ông Comey sau khi gặp ông Sessions, bộ trưởng Tư Pháp, và Rosenstein, thứ trưởng bộ Tư Pháp. Tổng thống Trump được sự ủng hộ của các tỷ phú, của dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa nổi tiếng như Paul Ryan, Mc Connell. 58% đảng viên Cộng Hòa tán đồng việc bãi nhiệm giám đốc FBI Comey. Bà Haley, cựu thống đốc South Carolina và đương kim đại biểu Hoa Kỳ tại LHQ cho rằng ông Trump là CEO của Hoa Kỳ, ông có quyền thuê mướn hay đuổi người. Sau khi bãi nhiệm ông Comey, ông Kissinger được mời đến tòa Bạch Ốc. Mẫu số chung giữa ông Trump và Kissinger là Trung Hoa lục địa nơi cử hành ngày sinh năm 90 tuổi của ông Kissinger vô cùng trọng thể vì họ xem ông là đại ân nhân. Mẫu số chung này lớn hơn quan hệ cá nhân giữa Nixon và Kissinger vào thập niên 1970. Nixon là nhà chánh trị. Trump là tỷ phú. Nên nhớ rằng hiện nay đảng Cộng Hòa nắm Hành Pháp, Lập Pháp (Quốc Hội Lưỡng Viện). Trong Tối Cao Pháp Viện tiêu biểu cho ngành Tư Pháp, Cộng Hòa có 05 thẩm phán đối lại Dân Chủ chỉ có 04 mà thôi. Không biết đảng Cộng Hòa đang ở trong vị thế nào? vì chánh quyền của luật pháp? hay vì tôn sùng cá nhân “lãnh tụ” tức chánh quyền của một người? Vì quyền lợi tối thượng của Hoa Kỳ hay quyền lợi của đảng phái? của cá nhân? Chuyện có vẻ tầm thường nhưng có nhiều rắc rối và phức tạp. Thời gian sẽ trả lời.

Vấn đề bãi miễn được vài người đặt ra xem việc cách chức ông Comey như là gây trở ngại công lý (tư pháp – obstruction of justice) vì ông Comey đang điều tra xem Nga và ban vận động bầu cử của ông Trump quan hệ như thế nào? Có tin, theo New York Times, ông Comey có ghi trong bảng ghi nhớ của ông rằng trong buổi tiếp xúc giữa ông và tổng thống Trump vào tháng 02-2017, tổng thống Trump yêu cầu ông chấm dứt việc điều tra tướng Flynn. Thủ tục bãi miễn đòi hỏi sự đồng thuận của 2/3 nghị sĩ. Hiện nay Dân Chủ chỉ 48 ghế/100 trong Thượng Viện nên việc bãi miễn còn xa với ít ra phải đợi đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 mới thấy chuyện này có hay không. Nó chỉ đến đột ngột tùy theo thái độ của cử tri nếu họ thấy không hài lòng với tổng thống Trump nhất là đường lối thiên về độc tài trong nước và trong tư thế hạ phong trước Putin và Xi Jinping.

Cách đây trên nửa thế kỷ thế giới nhìn Hoa Kỳ như vị thầy trẻ, đẹp trai, giàu có, thông minh, duyên dáng dễ thương kỳ lạ. Nay thế giới nhìn Hoa Kỳ có một tổng thống già nua có đường lối rất “người”, nghĩ sao làm vậy, ngưỡng mộ các nhà độc tài và thấy nền dân chủ của đất nước mà ông nội và cha ông nhận là quê hương vào thế kỷ XIX khi rời nước Đức không có gì hay. Một điều lạ là, trong chừng mực nào đó, ông giống ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm.

1. Ông giống ông Ngô Đình Diệm trong chánh sách gia đình trị. Con gái Ivanka và rể Jared Kushner của ông là hai cố vấn tối quan trọng trong tòa Bạch Ốc. Cả hai đều ở tuổi 30 và có tài sản 740 triệu Mỹ kim. Hoa Kỳ là một quốc gia to lớn, độc lập và hòa bình, nhân tài đông như kiến mà ông không chọn được người nào giỏi hơn con gái và rể của ông. Thế nhưng cách đây nửa thế kỷ Hoa Kỳ chê trách ông Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị. Việt Nam Cộng Hòa là một nước nhỏ (175.000 km2) bị chiến tranh tàn phá và mới thu hồi độc lập. Dưới 2% dân số có trình độ Trung Học Đệ Nhất Cấp tức là có bằng Diplôme (DEPSI) thời Pháp. Ông Ngô Đình Nhu tốt nghiệp hạng nhì trường École Nationale des Chartes (Quốc Gia Cổ Tự) được dùng làm cố vấn thì có gì quá đáng?

2. Ông Trump giống ông Hồ Chí Minh chỗ nào? - Ông Hồ Chí Minh ái mộ Lenin. Ông Trump ái mộ Putin, một cựu sĩ quan KGB, giữa lúc ở Hà Nội vừa làm xong tượng của của trùm Mật Vụ (Cheka) của Cộng Sản Liên Sô Felix Edmundovich Dzerdovich. Ông nội của ông Putin là đầu bếp của Lenin và Stalin. Ông Trump giữ nét mặt hầm hầm khi tiếp lãnh tụ các nước bạn nhưng tươi cười hớn hở khi tiếp Lavrov và đại sứ Nga Kislyak ngày 10-05-2017. Dần dần ông sẽ làm cho báo chí Hoa Kỳ giống với báo đảng ở Việt Nam. Trong 03 tháng nắm chánh quyền ông nguyền rủa báo chí, tạo khoảng cách với báo chí, không cho báo chí Mỹ vào phòng bầu dục ngày ông tiếp Lavrov. Ông phớt lờ không trả lời các câu hỏi của các phóng viên về vấn để khai thuế lợi tức của ông và vấn đề liên hệ với Nga, nếu có? v.v... Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản đã đi dây giữa Nga và Trung Quốc. Gương nầy được Duterte của Phi Luật Tận thích thú để học hỏi. Không ngờ ông Trump cũng thích thú đi dây với Putin và Xi Jinping về chánh trị, lãnh vực mà ông Trump đang tập tễnh học, và kinh tế (kinh doanh ở Trung Quốc, Nga và các Cộng Hòa Sô Viết cũ).

3. Ông Trump còn giống ông Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm chỗ nào nữa không? - Khuynh hướng độc tài. Các nhà độc tài như Putin và Xi Jinping vừa vĩnh cửu quyền hành vừa có tài sản to lớn. Ông Trump mới làm giàu bằng địa ốc và đồ trường thôi. Ông đang học hỏi nhiều nơi Putin, một lãnh tụ quốc gia quyền uy và giàu nhất thế giới được sự ủng hộ trọn vẹn của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018 đã thấy trước rồi. Ai có nhiều tiền tất có nhiều ưu thế trong mọi lãnh vực hoạt động kể cả việc bầu cử. Tiền là mẫu số chung cho DÂN CHỦ và ĐỘC TÀI. Ngoài QUYỀN và TIỀN ông Putin còn có nhiều kinh nghiệm KGB quí giá và hữu dụng khả dĩ giúp ông thành công trong mọi kế hoạch mà ông dự tính.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2017