Trần Gia Phụng
Sau ngày 30-4-1975
Sau ngày 30-4-1975 Bắc Việt Nam (BVN) chủ trương tiêu diệt triệt để tiềm lực NVN về nhân lực, về kinh tế và về văn hóa nhằm củng cố việc cưỡng chiếm Nam Việt Nam (NVN) và chận đứng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có thể hồi sinh ở NVN.
1.- TIÊU DIỆT NHÂN LỰC VNCH
Trước khi tấn công Sài Gòn, Ban Bí thư Trung ương đảng Lao Động (đảng CS) từ Hà Nội đưa ra chỉ thị số 218/CT-TW ngày 18-4-1975, quy định chính sách đối với công chức và sĩ quan VNCH bị bắt như sau: “Đối với sĩ quan, tất cả đều phải tập trung giam giữ quản lý, giáo dục và lao động; sau nầy tùy sự tiến bộ của từng tên sẽ phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể. Những người có chuyên môn kỹ thuật [kể cả lính và sĩ quan] mà ta cần thì có thể dùng vào từng việc trong một thời gian nhất định, nhưng phải cảnh giác và phải quản lý chặt chẽ, sau nầy tùy theo yêu cầu của ta và tùy theo sự tiến bộ của từng người mà có thể tuyển dụng vào làm ở các ngành ngoài quân đội. Đối với những phần tử ác ôn, tình báo, an ninh quân đội, sĩ quan tâm lý, bình định chiêu hồi, đầu sỏ đảng phái phản động trong quân đội, thì bất kể là lính, hạ sĩ quan hay sĩ quan, đều phải tập trung cải tạo dài hạn, giam giữ riêng ở nơi an toàn và quản lý chặt chẽ.” (Huy Đức, Bên thắng cuộc, I: Giải phóng, Los Angeles: Osin Book, 2012, tr. 39.)
Sau ngày 30-4-1975, nhà cầm quyền CS kêu gọi sĩ quan VNCH từ cấp thiếu úy trở lên, công chức cao cấp, và cán bộ chuyên viên VNCH ở các thành phố và các tỉnh thành từ Quảng Trị vào đến Cà Mau, trình diện và chuẩn bị lương thực, để học tập chính sách của “chính phủ cách mạng” trong ba ngày, hay một tuần hay một tháng tùy cấp bậc và tùy địa phương. Khi đại đa số sĩ quan, công chức VNCH trình diện (còn có một thiểu số người bỏ trốn), thì tất cả bị đưa đi giam giữ trong các trại tù gọi là trại học tập cải tạo trên các vùng rừng thiêng nước độc, không tuyên án và không thời hạn.
Theo bộ Encyclopedia of the Vietnam War, sau biến cố năm 1975, số lượng sĩ quan, công chức và cán bộ VNCH bị bỏ tù khoảng hơn 1.000.000 người trên tổng dân số NVN lúc đó khoảng 20 triệu người. Tất cả bị giam tại trên 150 trại giam; theo đó, khoảng 500.000 được thả về trong 3 tháng đầu; 200.000 bị giam từ 2 đến 4 năm; 250.000 bị giam ít nhất 5 năm, và năm 1983 (tức sau 8 năm) còn khoảng 60.000 người bị giữ lại.(Spencer C. Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Vol. two, Santa Barbara, California: 1998, tr. 602.) Một tác giả trong nước cho biết rằng: “Ở Sài Gòn, 443.360 người ra trình diện, trong đó có hai mươi tám viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp úy, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, 9.306 người trong các đảng phái được cách mạng coi là “phản động”. Chỉ 4.162 người phải truy bắt trong đó có một viên tướng và 281 sĩ quan cấp tá.” (Huy Đức, sđd. tr. 37.)
Trong số trên 1.000.000 người bị tù sau năm 1975, theo những cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Âu Châu, có khoảng 165.000 nạn nhân đã từ trần trong các trại tù "cải tạo". (Anh Do & Hieu Tran Phan, “Millions of lives changed forever with Saigon's fall”, nhật báo Orange County Register, Chủ Nhật, 29-4-2001, phụ trang đặc biệt về ngày 30-4, tt. 2-3.)
2.- TIÊU DIỆT KINH TẾ VNCH
Song song với việc tiêu diệt nhân lực VNCH, CS tiêu diệt luôn tiềm lực kinh tế VNCH, để VNCH không thể hồi sinh. Đầu tiên, CS chiếm ngay số vàng của VNCH ở trong và ngoài nước. Ở trong nước, sau ngày 30-4-1975, từ đầu tháng 5-1975, CS kiểm kê 16 tấn vàng trong Ngân hàng Quốc gia ở Sài Gòn. (Google: Huỳnh Bửu Sơn “16 tấn vàng của Việt Nam Cộng Hòa”.) Lúc đó, CS tung tin thất thiệt rằng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đem số vàng nầy ra nước ngoài. Ở ngoài nước, trước ngày 30-4-1975, VNCH ký gởi 5,7 tấn vàng tại ngân hàng Bank fur Internationnalen Zahlung Sausgleih ở Thụy Sĩ. Số vàng được đưa qua Tiệp Khắc (lúc đó còn CS), và CSVN nhờ Tiệp Khắc bán để lấy ngoại tệ. (Wikipedia.)
Về mặt xã hội, CS áp dụng kế hoạch kinh tế mới, nói là để phân phối lại dân số sau chiến tranh, nhưng thực tế là nhắm mục đích phân tán dân thành phố, buộc dân những thành phố lớn, như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ đi về nông thôn, để cướp nhà cửa và tài sản của họ ở thành phố. Những gia đình có thân nhân bị bắt đi học tập cải tạo phải đi kinh tế mới, thì được hứa hẹn thân nhân sẽ được sớm trở về đoàn tụ gia đình. Những quân nhân, công chức, cán bộ chế độ VNCH nếu được thả ra từ các trại tù cải tạo, đều không được về ở các thành phố đã sinh sống trước đây, mà phải đi kinh tế mới. Những gia đình tư sản bị kiểm kê, dù là tư sản mại bản hay tư sản dân tộc, đều phải đi kinh tế mới. Mục đích của CS là trả thù, trù dập, cướp của, cướp nhà.
Khi đến vùng kinh tế mới, mỗi gia đình (CS gọi là hộ khẩu) được cấp 500m2 đất để sản xuất riêng. Ngoài ra, những người trong độ tuổi lao động, không đau ốm phải tham gia sản xuất trong hợp tác xã, làm công tính điểm và được trả lương theo số điểm. (Lâm Văn Bé, “Những biến động dân số Việt Nam”, tạp chí Truyền Thông, số 37-38, Montréal: 2010, tt. 132-133.)
Theo tài liệu trong nước: “Chỉ trong vòng vài năm, chúng ta [nhà cầm quyền CS] đã đưa được 1.300.000 người từ các nơi trong cả nước đến các vùng kinh tế mới và đã khai hoang, phục hóa được ngót một triệu hecta đất. Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn vạch kế hoạch đưa trên trên một triệu đồng bào không trực tiếp lao động sản xuất đi xây dựng vùng kinh tế mới. Hơn một năm sau, đến tháng 6-1976, Sài Gòn đã tổ chức cho gần 30 vạn dân đi các vùng kinh tế mới, lập thành 94 xã, trong đó 82 xã ổn định về đất canh tác và thổ cư.” (Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 282.) Một thống kê khác cho thấy từ năm 1976 đến năm 2000 (25 năm), có 5 triệu người bị cưỡng bách di dân đi vùng kinh tế mới. (Lâm Văn Bé, bđd. tr. 134.)
Tuy nhiên, sau một thời gian ở vùng kinh tế mới, nhiều người kiếm cách trở về thành phố. Kế hoạch kinh tế mới không thành công, ngoài việc nhà nước CS cướp nhà cửa, tài sản các nạn nhân.
Ngày 10-9-1975, CS mở chiến dịch đánh “tư sản mại bản” (comprador) đợt 1. Theo CS, tư sản mại bản là những nhà đại tư bản trước năm 1975, chuyên xuất nhập cảng hoặc làm ăn buôn bán với người ngoại quốc, mà CS tố cáo giới nầy đã dựa vào thế lực nước ngoài để bóc lột dân chúng.
Ngày 22-9-1975, CS ra lệnh đổi tiền, 500 đồng tiền VNCH đổi lấy 1 đồng tiền Ngân hàng Việt Nam tức loại tiền mới của nhà cầm quyền CS. (Viện Kinh tế - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990), Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 237.) Mỗi gia đình (hộ khẩu) được đổi tối đa 200 đồng mới. Tiền cũ còn dư phải gởi vào ngân hàng, rút ra và đổi từ từ.
Đây là một biện pháp nhằm cướp đoạt tài sản và làm nghèo dân chúng NVN. Lúc đó, xuất hiện câu ca dao: “Năm đồng đổi lấy một xu,/ Người khôn đi học [tập], thằng ngu làm thầy.” [Cộng sản đổi tiền lần thứ hai ngày 3-5-1978 và đổi tiền lần thứ ba ngày 14-9-1985. (Viện Kinh tế, sđd. tt. 237, 240.)]
Nhà nước CS mở chiến dịch đánh tư sản mại bản đợt 2 bắt đầu ngày 4-12-1975, nhắm vào những nhà tư sản nhỏ hơn, nhưng vẫn còn giàu có. Vào đầu năm 1978, CS mở chiến dịch đánh “tư sản dân tộc” do Đỗ Mười cầm đầu, gọi là “công tư hợp doanh”. Tư nhân phải đem cơ sở sản xuất hay kinh doanh riêng của tư nhân, vào hợp doanh với nhà nước. Tất cả doanh gia đều phải vào công tư hợp doanh (CTHD) mới được kinh doanh.
Nói là “công tư hợp doanh”, nhưng nhà nước không bỏ vốn, chỉ đứng ra quản lý, điều hành. Người chủ cũ (tư nhân) sẽ là một thành viên và lãnh lương theo quy định chức vụ hay cấp bậc. Nếu bị cất chức, chủ cũ xem như mất trắng tài sản của mình. Dân chúng mỉa mai gọi CTHD là “Của Tôi Họ Dành”.
Ở nông thôn thì CS thực hiện nền kinh tế chỉ huy nhanh chóng hơn, chủ trương “ruộng đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước quản lý.” Tất cả ruộng đất tư nhân đều bị quốc hữu hóa và nông dân, điền chủ đều phải vào hợp tác xã nông nghiệp hoàn toàn do cán bộ CS điều hành.
3.- TIÊU DIỆT VĂN HÓA MIỀN NAM
Chủ trương nhuộm đỏ toàn dân NVN, CS buộc toàn dân học tập chủ nghĩa CS. Cộng sản xóa bỏ nền văn hóa, giáo dục VNCH, bãi bỏ nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng ở miền Nam, thay bằng nền giáo dục phục vụ chế độ và đảng CS, nhằm đào tạo những con người hồng hơn chuyên, mang tính đảng nhiều hơn chuyên môn, biết vâng lời đảng CS hơn là biết suy nghĩ. Học sinh phải học thuộc lòng “Năm điều” do Hồ Chí Minh đề ra là: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.” Không có điều nào dạy trẻ em có hiếu với cha mẹ, thương yêu anh chị em, lễ độ, nhân ái và tín nghĩa với mọi người, tức không dạy đức dục cho trẻ em, vì CS chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc. Vào năm cuối trung học, học sinh phải học và thi tốt nghiệp môn chủ nghĩa CS, lý thuyết Mác-Lê, lịch sử đảng CS Việt và CS thế giới. Sau khi tốt nghiệp, môn học nầy chẳng ứng dụng được gì vào đời, nên học sinh không thích học, thầy giáo không thích dạy.
Dưới chế độ CS, không có tự do ngôn luận. Cộng sản kiểm soát toàn bộ các sinh hoạt văn hóa, điều khiển chặt chẽ ngành truyền thông, Báo chí đều do cơ quan đảng xuất bản. Cộng sản đốt hết sách báo NVN mà CS cho là đồi trụy, kiểm duyệt kỹ càng các tác phẩm nghiên cứu, văn chương, ca nhạc…
Về tôn giáo, CS chủ trương vô tôn giáo, và CS muốn tiêu diệt các tôn giáo nhưng không nổi, nên CS tìm cách kiểm soát, ngăn chận các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động các tu sĩ, và lập ra các giáo hội quốc doanh do CS điều khiển, gây chia rẽ trong nội bộ các tôn giáo. Cộng sản không thể lập giáo hội Công giáo quốc doanh, cũng không ngăn chận được hoạt động các giáo sĩ, nên CS bí mật tìm cách phá hoại, khủng bố, và mua chuộc một số giáo sĩ. Với các hệ phái Tin Lành, các hội thánh riêng lẻ, độc lập, tự trị, hoạt động nhiều ở miền núi và cao nguyên vắng vẻ, nên CS theo dõi, hạn chế, uy hiếp hay bắt giam các giáo sĩ.
KẾT LUẬN
Đảng CS cưỡng chiếm được NVN, nhưng CS không chinh phục được lòng dân. Chủ trương tiêu diệt tiềm lực VNCH sau ngày 30-4-1975 nói chung là thất bại. Đúng như câu đồng dao dân chúng truyền tụng “Cộng Hòa chôn mà chưa chết”. Ngoại trừ việc CS chận đứng các lực lượng đối kháng, giữ vững chế độ CS, còn lại CS đều thay đổi theo VNCH. Đảng CS chỉ còn giữ cơ cấu độc tài đảng trị để duy trì quyền lực. Cũng đúng như dân chúng nói “Cộng sản chết mà chưa chôn”.
Trong khi đó, các trại tù cải tạo của CS không cải tạo được ai, mà chỉ gây thêm hận thù. Ra khỏi tù, ai cũng tìm cách vượt biên hoặc theo các chương trình ODP hay HO ra nước ngoài. Ra khỏi nước, người Việt tập họp thành những cộng đồng chống cộng. Ở trong nước, dầu bị CS kềm kẹp khắc nghiệt, vẫn xuất hiện nhiều nhà tranh đấu, đòi tự do dân chủ, chống CSVN, và chống mưu đồ xâm lăng của Tàu cộng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19-9-2018 ở Hòa Bình, tù nhân lương tâm Đào Quang Thực tuyên bố lời cuối cùng sau khi bị kết án 14 năm tù giam, 5 năm quản chế: “Tôi đấu tranh cho tự do dân chủ và quyền con người cho đất nước tôi. Tôi đấu tranh cho đất nước tôi được sống trong môi trường trong lành. Tôi không ân hận.” (http//www.facebook.com/VOATiengViet) (Đài phát thanh VOA ngày 19-9-2018).
Về kinh tế, chính sách kinh tế chỉ huy của CS không kích thích nổi sự phát triển kinh tế, nên đất nước suy sụp. Lo sợ dân chúng nổi dậy, năm 1986, CS bắt đầu “đổi mới” kinh tế, bãi bỏ kinh tế chỉ huy, trở lại nền kinh tế thị trường, nay do CS kiểm soát, gọi là kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế chỉ huy là nền tảng của chủ nghĩa CS. Bãi bỏ kinh tế chỉ huy có nghĩa là chủ nghĩa CS hoàn toàn thất bại.
Về văn hóa, trước 30-4-1975, NVN vốn chủ trương văn hóa dân tộc cổ truyền, mở cửa đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới. Sau năm 1975, CS truyền bá văn hóa Mác-xít, nhưng vô hiệu. Văn hóa cổ truyền vả tinh thần VNCH vẫn tiềm tàng trong dân chúng. Người BVN, kể cả toàn bộ cán bộ CS cao cấp, chuyển đổi hoàn toàn theo nếp sống văn minh và văn hóa NVN, ngoại trừ duy trì tổ chức độc tài CS.
Trong chiến tranh, CS đưa ra chiêu bài chống Mỹ cứu nước. Nay CSVN lại rước Mỹ giúp nước. Ngày 3-2-1994, Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam và bình thường hóa ngoại giao ngày 11-7-1995. Từ đó, các nước tư bản bắt đầu vào Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, do CS không có cán bộ đủ năng lực quản lý nền kinh tế thị trường, nên tham nhũng tràn lan khắp nước.
Trong thời gian nầy, ngành INTERNET xuất hiện đúng lúc, làm bộc phát thông tin trên mạng lưới toàn cầu. Những bài viết của người Việt trong và ngoài nước phô bày thực trạng độc tài đảng trị, lệ thuộc Tàu cộng, kinh tế yếu kém, bóc lột, tham nhũng, tệ nạn xã hội … đều được đưa lên internet.
Để duy trì quyền lực, CS duy trì độc đảng, độc quyền chính trị, văn hóa, truyền thông, với nền giáo dục phục vụ CS, và chỉ nới lỏng dần dần những luật lệ không quan trọng. Trộm cướp, đĩ điếm bộc phát, xã hội xáo trộn. Dân chúng không còn sợ nhà nước CS như trước, đua nhau khiếu kiện trên toàn quốc, và tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Cộng đe dọa Biển Đông. Nhà cầm quyền CS đàn áp biểu tình, đàn áp tinh thần yêu nước của dân chúng, làm lộ rõ thêm bộ mặt phản quốc của CS.
Trong lúc đang khó khăn, thì thiên tai ập đến. Đồng bằng sông Cửu Long từ từ nhiễm mặn, khô cằn nứt nẻ. Vựa lúa của dân tộc bị đe dọa. Ngoài nước, cuộc thương chiến Hoa Kỳ-Trung Cộng từ 2018; dịch siêu vi khuẩn Vũ Hán (Trung Cộng) bùng phát đầu 2020, ảnh hưởng đến Việt Nam, vì kinh tế Việt Nam gắn liền với kinh tế Trung Cộng. Nếu tình trạng nầy kéo dài, Việt Nam có thể sẽ bị khủng hoảng trầm trọng.
Ngày nay, sau 45 năm thống trị Việt Nam, dầu CS tuyên truyền thế nào đi nữa, thì dân chúng cũng không còn tin tưởng CS. Kinh tế suy thoái, ngân quỹ cạn kiệt, nợ nần tràn ngập đến hồi phá sản, đàn anh Tàu Cộng liểng xiểng, ghế dựa của CSVN lung lay.
Trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, CSVN đã nhảy trước tại hội nghị Thành Đô tháng 9-1990, bỏ Liên Xô chạy theo Trung Cộng để tự cứu. Ngày nay, Trung Cộng đang khó khăn lụn bại, và lâm nguy, không còn dựa hơi được nữa, là cơ hội để CSVN nhanh chân thoát Trung, nhảy thêm bước nữa.
Có hai tấm gương trước mắt: 1) Từ năm 1990, các nước Đông Âu vĩnh viễn từ bỏ các chế độ CS. Chỉ sau vài thập kỷ, các nước Đông Âu hầu như bắt kịp các nước Âu Mỹ. 2) Hiện nay, trong nước, sinh viên, học sinh Việt Nam du học nước ngoài, đều chọn du học các nước Âu Mỹ. Trên 38.000 du học sinh Hoa Kỳ. Đó là chưa kể du học Anh, Pháp, Nhật, Úc. Chỉ một số rất ít được học bổng mới qua Trung Cộng. Tuổi trẻ rất sáng suốt. Chuyến tàu đổi mới do sinh viên cầm lái đã khởi động. Các toa dân chúng đã đầy ắp. Chỉ toa dành cho lãnh đạo CS còn trống. Thiên thời đã sẵn sàng. Cơ hội không phải dễ có.
Vậy lãnh đạo CSVN hãy can đảm nhanh chân theo con em mình kẻo trễ. Còn hơn là lú lẫn ôm mãi cái chủ nghĩa CS lỗi thời, giữ chút hư danh và quyền lợi, cản đường dân tộc, lại lệ thuộc bắc phương, bị bắt nạt trên Biển Đông. Lâu lâu, Trung Cộng ngứa tay tát tai vài cái giải trí. Thật nhục nhã mà vẫn ngậm miệng ăn tiền. Rồi sẽ có lúc không tránh khỏi số phận Nicolae Ceausescu (Romania) chập chờn đâu đó!
.
Trần Gia Phụng
(Texas, tháng 4-2020)