Phạm Ðình Lân


Quốc tế ngoại giao rộn rịp:
Dấu hiệu tốt hay xấu cho hòa bình?

 

Những điểm nóng khả dĩ gây ra những xung đột võ trang rộng lớn trên thế giới nằm trên lục địa Á Châu. Người Âu- Mỹ gọi các quốc gia ở cực đông Ðịa Trung Hải là Trung Ðông. Trung Ðông vì vùng nầy nằm giữa đoạn đường nối liền Âu Châu với các nước Ðông Á hay Viễn Ðông như Nhật, Trung Hoa. Thực tế vùng này là Tây Á.

Phức tạp chánh trị ở Tây Á tập trung trong:

Tây Á là vùng giàu dầu hỏa lại có vị trí địa lý chiến lược quan trọng nối liền ba lục địa Âu-Á-Phi và các hải lộ nối liền Ðịa Trung Hải- Hắc Hải-Ấn Ðộ Dương (qua kinh đào Suez và Hồng Hải).

Các quốc gia Ðông Á rơi vào tìnht rạng bất ổn từ khi Hoa Kỳ rời bỏ miền Nam Việt Nam, Subic Bay ở Phi Luật Tân để có một ụ sửa tàu nhỏ ở Singapore. Trung Hoa Cộng Sản vươn lên mạnh mẽ về kinh tế lẫn quân sự với sự cải cácy của Deng Xiaoping (Ðặng Tiểu Bình) với thuyết con mào trắng mèo đen gì cũng được miễn là bắt được nhiều chuột. Chúng ta tạm gọi là chủ nghĩa Deng Xiaoping (Dengxiaopingism). Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1988 họ chiếm giữ phần quần đảo Trường Sa của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Họ tự giành chủ quyền biển, đảo trong Lưỡi Bò 09 đoạn chạy dài từ Phi Luật Tân xuống tận Indonesia. Trung Hoa Cộng Sản được khích lệ do sự vắng mặt của Hoa Kỳ trong vùng, sự yếu kém và thiếu đoàn kết của ASEAN, sự suy thoái kinh tế và tài chánh của Hoa Kỳ đến nỗi Trung Hoa Cộng Sản trở thành chủ nợ lớn nhất của siêu cường kinh tế nầy và sự bận rộn của Hoa Kỳ trong hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Hoa Cộng Sản làm cho Nga, Anh, Pháp, Hoa Kỳ thu được một số lợi tức lớn nhờ bán võ khí, phi cơ, tàu bè cho các nước trong khối ASEAN (Association of the Southeast Asian Nations: Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á). Họ mua những thứ đó để tự trấn an chớ họ thừa hiểu không sao đương đầu nổi với Trung Hoa Cộng Sản. Quốc gia mà các nước ASEAN kỳ vọng về hiệu năng quân sự khi chấp nhận cho gia nhập vào hiệp hội là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nhưng nước này tỏ ra khiếp sợ uy danh của Trung Hoa Cộng Sản hơn cả mặc dù đã mất quần đảo Hoàng Sa và một phần của Trường Sa, mất đất biên giới, mất lãnh hải v.v…

Ở Ðông Bắc Á, Trung Hoa Cộng Sản tranh giành chủ quyền trên các đảo đá không có người ở với Nhật. Ðó là chòm đảo Senkaku do Nhật quản lý về phương diện hành chánh và được cả Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan) và Trung Hoa Cộng Sản gọi là Diaoyu (Ðiếu Ngư). Ðiểm nóng khác ở Ðông Bắc Á là sự đe dọa nguyên tử xuất phát từ Bắc Hàn nơi ngự trị của các ‘hồng quân vương’ họ Kim.

Trung Hoa Cộng Sản thực hiện mộng đế quốc bá quyền bằng cách noi gương Anh và Hoa Kỳ phát triển hải quân. Họ muốn dùng sức mạnh của hải quân để xâm chiếm các hải đảo xa xôi cách quê hương họ hàng ngàn dặm. Họ dùng tấm gương của Anh ở Falklands để hành động dựa vào sức mạnh của hạm đội bất chấp luật pháp quốc tế. Trung Hoa Cộng Sản chú trọng đến Biển Ðông và vùng lãnh hải Senkaku vì dồi dào ngư sản, túi dầu khí dưới lòng biển cần thiết cho sự phát triển kỹ nghệ của họ. Biển Ðông là hải trình nối liền các nước Ðông Nam Á và Ðông Bắc Á với Ấn Ðộ Duơng và các hải đảo Nam Thái Bình Dương. Làm chủ vùng biển nầy tức là khống chế được 600 triệu dân từ Miến Ðiện sang Việt Nam, Phi Luật Tân xuống Mã Lai, Brunei, Indonesia. Ðông Nam Á có nhiều đồng bằng, đất đai phì nhiêu, dồi dào lâm sản, cây kỹ nghệ, cây thuốc, khoáng sản, than đá và dầu hỏa. Khống chế Ðông Nam Á là khống chế các hải đảo Nam Thái Bình Dương, Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan ở Nam Bán Cầu.

Ðối với các nước ASEAN Trung Hoa Cộng Sản không gặp khó khăn gì về phương diện quân sự cũng như kinh tế và ngoại giao. Việt Nam bị đóng khung bởi đảng Cộng Sản, chủ nghĩa Marx- Lenin, Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng và các hiệp ước 1999, 2000 về lãnh thổ, biên giới, biển và hải đảo. Việt Nam rơi vào cảnh bị đánh đập, ức hiếp mà không dám gào la, khóc thét như Phi Luật Tân. Lào và Cambodia không còn tuân phục Việt Nam như trước. Cambodia và Thái Lan tranh chấp nhau về ngôi đền ngoài biên giới hai nước. Phi Luật Tân suy yếu vì du kích Cộng Sản Maoist và những người Hồi Giáo quá khích trên đảo Mindanao. Phi Luật Tân là một trong 05 quốc gia (Phi Luật Tân, Việt Nam, Brunei, Taiwan, Mã Lai) tranh chấp hải đảo với Trung Hoa Cộng Sản, đã kiện Trung Hoa Cộng Sản về vụ cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough ngoài khơi đảo Palawan. Dĩ nhiên việc thưa kiện không có kết quả mong muốn nhưng ít ra nó cho thấy phản ứng của nước yếu trước nước mạnh không còn trông đợi gì hơn là sự phân xử của công lý quốc tế. Trung Hoa Cộng Sản ‘thắng’ trong sự ê ẩm vì đó là cái thắng của người dựa vào sức mạnh của bắp thịt làm càn chớ không phải sự thắng lợi của lẽ phải, của công lý và lương tri loài người. Cái thắng không chút hiểm nguy, gian nan không phải là cái thắng vinh quang. Corneille diễn đạt ý này trong câu thơ:

A vaincre sans peril on triomphe sans gloire.

Trung Hoa Cộng Sản quay sang Nhật Bản với hy vọng tìm một chiến thắng vinh quang và trả thù cho những thất bại ê chề vào năm 1894 và 1937 trước một nước nhỏ bé và ít dân hơn họ. Từ ngày bại trận đến nay Nhật không có quân đội, không được quyền có kỹ nghệ quốc phòng. Beijing (Bắc Kinh) hy vọng có thể đánh bại Nhật vào thời kỳ CHNDTQ được xem là đệ nhị cường quốc kinh tế, đệ nhất chủ nợ của Hoa Kỳ và đệ tam cường quốc quân sự trên thế giới. Họ tranh chấp với Ðại Hàn về một đảo đá ngầm còn nằm dưới mặt nước biển nhưng sự tranh chấp này không nghiêm trọng bằng cuộc tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku với Nhật. Ngày 23-11-2013 họ đơn phương thông báo vùng không gian phòng thủ và nhận dạng (ADIZ: Air Defense Identification Zone) rộng 300,000 km2 bao gồm cả vòm trời trên chòm đảo Senkaku tranh chấp với Nhật và đảo đá ngầm Ieodo Rock tranh chấp với Ðại Hàn. Ðúng theo tinh thần của ADIZ thì phi cơ bất cứ quốc gia nào bay trong không phận đã vẽ phải xin phép Beijing. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên không chấp nhận ADIZ do Beijing thiết lập bằng cách cho pháo đài bay B-52 bay vào không phận ADIZ vừa công bố. Nhật và Ðại Hàn cũng lên tiếng không tuân theo lịnh của Beijing. Ðể ngăn chặn sự tự hào Hán tộc của Xi Jinping (Tập Cận Bình), phó tổng thống Biden tuyên bố Hoa Kỳ tôn trọng hiệp ước an ninh hỗ tương ký với Nhật. Ngày 11-02- 2014 ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh sẽ ủng hộ Nhật như là một đồng minh trong trường hợp bị tấn công dù là vì tranh chấp chủ quyền của chòm đảo Senkaku do Nhật quản lý về phương diện hành chánh sau khi Hoa Kỳ trao trả quần đảo Okinawa cho Nhật. Dưới nhãn quan của các nhà lãnh đạo Trung Hoa Cộng Sản, Hoa Kỳ gây chướng ngại cho chủ nghĩa bành trướng bá quyền (expansionism & hegemonism) của họ ở Ðông Nam Á và Ðông Bắc Á. Những cuộc tập trận trên biển và những cuộc tuần tra của hải quân Trung Hoa Cộng Sản gây hấn suýt đụng vào tàu chiến Hoa Kỳ ngày 05-12- 2013 cho thấy điều đó.

Trung Hoa Cộng Sản vuốt ve Ðại Hàn bằng cách gợi lại sự đô hộ của Nhật trên bán đảo Triều Tiên, dựng tượng người Triều Tiên ám sát Ito ở Mãn Châu tại ga xe lửa ở Mãn Châu năm 1909. Liền sau đó họ không che giấu được tham vọng của họ khi cho không phận đảo đá ngầm Ieodo tranh chấp với Ðại Hàn vào ADIZ! Họ vừa xâm lấn bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân vừa nhắc nhở sự xâm chiếm của Nhật ở Phi Luật Tân trong đệ nhị thế chiến. Trong cuộc tranh chấp đảo đá với Nhật họ cần Nga đứng về phía họ. Vai trò của Putin trong cuộc tranh chấp giữa Trung Hoa Cộng Sản và Nhật Bản rất quan trọng. Xi Jinping ve vãn Putin. Shinzo Abe cũng ve vãn Putin. Cả hai đều sốt sắng dự Thế Vận Hội Mùa Ðông ở Sochi. Xi Jinping khai thác sự tranh chấp giữa Nhật và Nga về quần đảo Kuril ở phía bắc đảo Hokkaido, cố gắng lôi kéo Nga về phía Trung Hoa Cộng Sản để chống Nhật. Putin là một nhà lãnh đạo có bản lãnh. Ông yêu và thán phục nhà độc tài Stalin. Ông có đường lối cứng rắn lẫn uyển chuyển của Stalin. Nhà độc tài nầy đã né tránh chiến tranh với Nhật trong đệ nhị thế chiến khi ký hiệp ước trung lập với Nhật năm 1941. Hai bên hứa sẽ không gây chiến tranh trong 05 năm (1941- 1946). Nhưng Liên Sô tuyên chiến với Nhật sau khi Hoa Kỳ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima (06-08-45) và Nagasaki (09-08-45) vì sự thúc bách của Anh và Hoa Kỳ và vì sẵn sàng vi phạm hiệp ước để chia thắng lợi với Ðồng Minh. Do đó, vấn đề Kuril vẫn còn nhiều hy vọng giải quyết bằng phương thức ngoại giao. Nhật đã trả lại nửa đảo Sakhalin phía nam cho Liên Sô sau khi bại trận. Liên Sô chiếm quần đảo Kuril và buộc 17,000 người Nhật phải rời khỏi quần đảo này. Nga không có lợi gì nhập phe với Trung Hoa Cộng Sản. Sự lớn mạnh của Trung Hoa Cộng Sản cũng là mối lo ngại đối với Nga, hai quốc gia láng giềng to lớn từng có liên hệ lịch sử không mấy tốt đẹp và đã từng xung đột võ trang về vấn đề biên giới khi cả hai nước đều theo chủ nghĩa Marx- Lenin. Nga cần sự đầu tư và kỹ thuật của Nhật.

Các nước Ðông Nam Á kể cả Trung Hoa Dân Quốc tức Taiwan (Ðài Loan) đều sợ Trung Hoa Cộng Sản hơn là ưa thích. Sự dương oai diệu võ, phô trương sức mạnh quân sự của Trung Hoa Cộng Sản cũng như đường lối chánh trị, ngoại giao và kinh tế của nước nầy làm cho nhiều quốc gia trên thế giới e dè và chán ghét họ hơn là thân thiện. Năm 2010 Miến Ðiện tách rời khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản. Bắc Hàn dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un tỏ ra ương ngạnh với Beijing. Việc hành quyết Jang Sung Thaek vào cuối năm 2013 là một dấu hiệu xấu cho bang giao Bắc Hàn và Trung Hoa Cộng Sản.

Việc viếng thăm đền Yasukuni của Abe ngày 26-12-2013 là một thông điệp chánh trị mà Nhật gởi cho Trung Hoa Cộng Sản sau ngày thông báo vùng ADIZ và kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao Zedong. Nhưng nó cũng làm cho vết thương lịch sử trở nên nhức nhối ở Ðại Hàn, một đồng minh của Nhật. Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia đồng minh quan trọng của Nhật, cũng không muốn nhớ lại vết thương Pearl Harbor do sự thăm viếng đền Yasukuni gợi lại. Vừa trở lại chức vụ thủ tướng Nhật vào cuối năm 2012 Abe thăm viếng Việt Nam, Phi Luật Tân, Ấn Ðộ, Cambodia v.v... Cuối năm 2013 Nhật mời tất cả các thành viên ASEAN sang Tokyo họp. Nhật gia tăng ngân sách quốc phòng và tự cho mình có trách nhiệm bảo vệ ‘đồng minh’. Nước nào là ‘đồng minh’ của Nhật? Và nước nào đánh ‘đồng minh’ của họ? Năm 2014 Nhật sẽ tiếp Putin sang thăm viếng và thủ tướng Abe sẽ công du sang Âu Châu. Hiện nay Nhật kiện thuyền trưởng chiếc tàu Trung Hoa Cộng Sản đụng móp tàu tuần duyên của Nhật trong lãnh hải Senkaku năm 2010 để đòi bồi thường thiệt hại. Ngày 10-02-2014 chánh án tòa Thượng Thẩm Tây Ban Nha, Ismael Moreno, ra lịnh cho Hình Cảnh Quốc Tê (Interpol) ra trát bắt chủ tịch Jiang Zemin (Giang Trach Dan) và vài lạnh tụ của chánh quyền Trung Hoa Cộng Sản về tội diệt chủng ở Tây Tạng. Dù án lịnh này không có kết quả gì nhưng nó làm thương tổn uy danh vị lãnh đạo siêu cường Trung Hoa không ít. Nó hạn chế sự di chuyển ra khỏi nước của Jiang Zemin.

Ðầu năm 2014 chánh quyền đảo Hainan (Hải Nam) ra thông báo qui định tàu bè đánh cá hay khảo sát biển trong vùng Lưỡi Bò phải xin phép và được sự chuẩn nhận của chánh quyền Hainan. Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích thông báo nầy và cho rằng Trung Hoa Cộng Sản gia tăng hành động khiêu khích. Ðại diện Trung Hoa Cộng Sản và Trung Hoa Dân Quốc gặp nhau ở Nanjing (Nam Kinh) ngày 11-02-2014 lần đầu tiên sau 65 năm. Trong phiên họp hai bên đều không có quốc kỳ. Liệu Ma Jinjeou (Mã Anh Cửu) dám nghĩ đến thống nhất Trung Hoa bằng phương thức ngoại giao hòa bình không? Trước đó Taiwan có hai tổng thống người Taiwan muốn biến đảo quốc nầy thành một quốc gia độc lập. Khi Ma Jingjeou đắc cử tổng thống, ông hạ nhục tổng thống gốc Taiwan là Chen Sui Bian (Trần Thủy Biển) bằng cách còng tay ông và đưa ra tòa xử án vì tội tham nhũng. Ðối với Beijing việc thống nhất Taiwan là một vấn đề tối quan trọng và họ có thể thực hiện vào lúc Trung Hoa lục địa trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự. Trong trường hợp có chiến tranh ở Biển Ðông hay chiến tranh với Nhật họ nắm nhiều ưu thế chiến lược nếu có đảo Taiwan. Tuy vậy vấn đề không đến nỗi đơn giản như lời bàn vì Taiwan thuộc Trung Hoa Cộng Sản đồng nghĩa với sự thất trận của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Hoa Kỳ không gặt hái kết quả cụ thể trong chiến tranh Iraq, Afghanistan, mùa Xuân Ả Rập. Vấn đề Syria vẫn còn lơ lửng. Vấn đề nguyên tử Iran gây sự bất đồng ý kiến giữa Do Thái- Hoa Kỳ và Hoa Kỳ- Saudi Arabia. Hoa Kỳ làm phật lòng Ðức, Brazil vì những vụ nghe lén điện thoại; giận dữ Putin dung chứa Snowden tiết lộ chương trình nghe lén của cơ quan an ninh quốc gia. Hoa Kỳ ngưng viện trợ Ai Cập sau khi Morsi, tổng thống dân bầu thuộc khuynh hướng Huynh Ðệ Hồi Giáo bị tướng Sissi lật đổ. Saudi Arabia giúp đỡ tài chánh cho Ai Cập. Sissi chuẩn bị ra tranh tổng thống tức tái thiết lập chế độ quân nhân ở Ai Cập đã có từ năm 1952 với đại tá Nasser. Ông nầy bắt đầu nghĩ đến Nga. Thống chế Sissi thăm viếng Moscow và được tổng thống Putin khuyến khích ra tranh tổng thống. Chánh sách trở lại Á Châu của tổng thống Obama gặp một số khó khăn nhất định trong hoàn cảnh hiện nay. Anh là đồng minh gắn bó của Hoa Kỳ chỉ ủng hộ Hoa Kỳ 50% trong vấn đề Syria. Trái lại Pháp ủng hộ Hoa Kỳ trong vấn đề Libya, Syria. Tổng thống Hollande được tổng thống Obama đón tiếp linh đình khi đến Washington ngày 10-02-2014. Ông Hollande thuộc đảng Xã Hội của Pháp. Ông là người đào hoa chung sống với bà Segolène Royal có 04 con nhưng bà Royal vẫn không phải là vợ. Ông ngưng sống chung với bà này năm 2007 sau khi bà thất cử trước Sarkozy. Ông Hollande sống chung với nữ ký giả của tờ Paris Match, Valérie Trierweiler, nhưng không xem đó là vợ khiến cho các quốc gia tiếp đón ông và bà Valérie gặp nhiều khó khăn trong nghi thức ngoại giao trong lúc giới thiệu. Ông ly thân với bà Valérie vào cuối tháng giêng 2014 vừa qua trước khi thăm viếng Hoa Kỳ. Người Pháp rất mến Thomas Jefferson, nhà ngoại giao, tổng thống Hoa Kỳ, đã góp nhiều công sức trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ông có quan niệm khoan dung và cởi mở về vấn đề chủng tộc. Giữa tổng thống Hollande và Obama có vài đìểm chung về vấn đề hôn nhân đồng phái, đánh thuế người giàu, vấn đề Syria. Pháp được Hội Quốc Liên trao quyền ủy trị Syria nên họ có nhiều kinh nghiệm về vấn đề Syria cũng như vấn đề Ðông Dương. Trong vấn đề Iran, Nga và CHNDTQ nghiêng về Iran. Iran không có ấn tượng tốt với người Anh và Hoa Kỳ trong vụ lật đổ Mossadegh năm 1953. Họ càng uất hận Hoa Kỳ sau khi lật đổ vua Pahlavi năm 1979. Họ không thích nhưng không ghét Pháp. Hoa Kỳ rất lo ngại chiến tranh giữa Trung Hoa Cộng Sản và Nhật Bản. Ðó là hai cường quốc kinh tế và quân sự ở Á Châu và trên thế giới. Chiến tranh, nếu xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới. Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật đều có quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Hoa lục địa. Nhưng phe chủ chiến của Trung Hoa Cộng Sản càng ngày càng có hành động gây hấn, kích thích chủ nghĩa dân tộc, hận thù dân tộc, tự ý muốn thành lập một trật tự mới bất chấp luật pháp quốc tế. Xi Jinping muốn hoàn thành giấc mơ Trung Quốc, muốn thấy các nước Anh, Nhật, Hoa Kỳ và thế giới còn lại chịu khuất phục trước Trật Tự Mới do Trung Hoa Cộng Sản áp đặt.

Chủ nghĩa dân tộc của Nhật hồi sinh qua những cuộc thăm viếng đền Thần Giáo thờ các hiệp sĩ (samurais) và quân sĩ Nhật hy sinh vì tổ quốc kể cả những tướng lãnh bị xử tử hình sau đệ nhị thế chiến vì tội ác chiến tranh như Tojo và hàng ngàn tội phạm chiến tranh cấp I và cấp II khác. Những chuyến công du của bộ trưởng ngoại giao John Kerry ở Á Châu và của tổng thống Obama vào những ngày sắp tới trong vùng nhằm mục đích khuyên ngăn Trung Hoa Cộng Sản nên giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp ngoại giao dựa theo luật pháp quốc tế thay cho những hành động gây hấn và khiêu khích chiến tranh. Thỉnh thoảng Hoa Kỳ cũng nhắc nhở với Beijing rằng Hoa Kỳ tôn trọng các hiệp ước an ninh ký với Phi Luật Tân và Nhật.

Những vận động ngoại giao rộn rịp hiện nay là một dấu hiệu tốt cho hòa bình hay dấu hiệu xấu? Những vận động ngoại giao này giống như những liên minh các nước Âu Châu thời Bismarck (1815- 1898) và hậu Bismarck dẫn đến đệ nhất thế chiến năm 1914 cách đây 100 năm. Tổng thống Aquino III của Phi Luật Tân ví các nhà lãnh đạo ở Beijing như Hitler và xem việc xâm chiếm bãi cạn Scarborough như Sudetenland của Tiệp Khắc bị Hitler chiếm năm 1938. Như vậy những hoạt động ngoại giao rộn rịp như Taiwan họp với Trung Hoa Cộng Sản, Bắc Hàn họp với Ðại Hàn về việc đoàn tụ gia đình, các chuyến công du của ông Kerry, Abe, Obama, Putin trong những ngày sắp tới có tác dụng trì hoãn những xung đột võ trang hơn là tìm hòa bình bằng giải pháp ngoại giao.

Trong đời sống cá nhân tiếng nói của một người chỉ mạnh khi trong nhà có nhiều lúa gạo, của cải và trong túi có nhiều tiền. Trong cương vị của một quốc gia tiếng nói của quốc gia hữu hiệu không phải nhờ sự uyên bác về lịch sử, triết lý hay luật pháp mà nhờ có tiềm năng kinh tế và quân sự vững chắc. Người ta khen người Anh, Hoa Kỳ giỏi về ngoại giao không phải vì họ có nhiều khả năng ngôn ngữ hay lưỡi thuyết phục thiên phú mà vì sự phồn vinh kinh tế và tiềm năng quân sự của nước họ.

Chiến tranh là một cuộc phiêu lưu có tính toán giống như người đánh bạc luôn luôn có óc phiêu lưu và biết tường tận qui luật thắng bại trong canh bạc: gian lận va trường vốn. Ðây là lúc Beijing thi thố tài đánh bạc của mình trước một đối thủ được gọi là Ðông Tà hay Ðông Phương Bất Bạì trong truyện chưởng, người Ðông Dương trong phim Hong Kong và một Dương Quá học võ nghệ của Thần Ðiêu. Dương Quá là người không có gia phả, có mẹ mà không có cha, tay phải bị đứt lìa (không phải thuộc phe cực hữu) và chỉ còn cánh tay trái (tả khuynh Xã Hội). Anh ta vượt bức tường đạo lý theo quan niệm Khổng Giáp khi yêu nữ sư phụ của mình là Tiểu Long Nữ mặc cho những lời đàm phán đầy tò mò tọc mạch của dư luận thế gian. Ðó là hình ảnh tiêu biểu của Hoa Kỳ. Bề ngoài Hoa Kỳ là một võ sinh trẻ, ‘khờ khạo’, ‘thiếu kinh nghiệm’, không thủ khi đấu mà còn để cho đối thủ đánh phủ đầu như Pearl Harbor năm 1941, trận đánh Bataan ở Phi Luật Tân năm 1942 trước quân Nhật. Nhưng kết quả cuối cùng của trận chiến như thế nào ai cũng biết. Hoa Kỳ là người đánh bạc thắng không khoa trương trong cuộc chiến tranh lạnh vừa qua (1949- 1989).

Năm 1949 họ ngưng viện trợ cho Trung Hoa Quốc Dân Ðảng để Mao Zedong chiếm lục địa Trung Hoa và biến phần đất nầy thành một quốc gia Cộng Sản to lớn và đông dân nhất thế giới. Khối Cộng Sản có thêm một quốc gia to lớn và đông dân. Nhưng Liên Sô, quốc gia bị Ðức tàn phá nặng nề trong đệ nhị thế chiến, bây giờ lại không vui trước sự thắng lợi của quốc gia đồng chủ nghĩa với mình. Với tư cách quốc gia đàn anh Liên Sô phải cưu mang 500 triệu dân đói rách sau đệ nhị thế chiến. Quốc gia đói rách ấy luôn luôn tự hào với văn hóa ngàn năm của mình, từng chống lại sự chỉ đạo của Stalin và tranh giành quyền lãnh đạo khối Cộng Sản thời hậu Stalin. Tình nghĩa keo sơn Cộng Sản bắt đầu suy kiệt dưới thời Khrushchev và đi đến cảnh ‘thượng cẳng chân hạ cẳng tay’ vào năm 1969 dưới thời Brezhnev.

Năm 1973 quân Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt Nam. Như vậy Cộng Sản Việt Nam đã thắng vì:

Ðánh cho Mỹ cút,
Ðánh cho Ngụy nhào.

Năm 1975 Cộng Sản chiếm miền Nam Việt Nam. Cambodia, Lào trở thành Cộng Sản. Vài quốc gia Phi Châu và Trung Mỹ theo Cộng Sản hay thân Cộng Sản. Như vậy Liên Sô đã thắng. Cộng Sản Việt Nam nghiêng theo Liên Sô và đánh nhau với Khmer Ðỏ theo chủ nghĩa Maoist (1978) rồi đánh nhau với Trung Hoa Cộng Sản năm 1979. Năm 1988 Trung Hoa Cộng Sản đánh quân Cộng Sản Việt Nam để chiếm một phần trong quần đảo Trường Sa. Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Ðông Âu. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ. Ðó là thuật đánh bạc chánh trị quốc tế: thua nhiều canh nhỏ để gom số tiền lớn ở một canh bạc lớn.

Trung Hoa Cộng Sản đang rơi vào canh bạc phức tạp nầy: muốn đánh hay không đánh đều không được. Ðánh chưa chắc đã thắng dù đã chuẩn bị gian lận. Gian lận mà ai cũng thấy thì không thắng được. Thấy thua vẫn phải ngồi sòng để đánh canh bạc đầy phức tạp và mâu thuẫn mà nhận xét thông thường không phát hiện được. Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ vươn lên nhanh chóng nhờ tổ chức và điều hành guồng máy quốc gia với hiệu suất cao chớ không phải nhờ triết lý cao siêu vi diệu, kinh nghiệm tuổi tác và sự thuần chủng mà người Ðông Phương không ngớt đề cao. Hoa Kỳ sớm có hiến pháp thành văn, luật pháp hoàn chỉnh, tôn trọng dân chủ, tôn trọng nhân quyền; tôn trọng nhân sinh, bình đẳng giữa người và người; tôn trọng quyền sống, tôn trọng sáng kiến; trọng dụng người tài bất luận nam, nữ, già, trẻ, chủng tộc, chánh quyền ổn định; không đảo chánh; đất nước hòa bình lâu dài, không tiên kiến về chủ nghĩa, tôn giáo, sắc tộc, địa phương; không hận thù; giúp đỡ người cần không phân biệt bạn hay thù v.v… Dân tộc trẻ ấy sớm trưởng thành về mọi mặt để trở thành ‘sư phụ’ của các dân tộc già nua dành trọn cuộc sống của mình hướng về quá khứ xa xăm.

Phạm Ðình Lân, F.A.B.I

.


Cái Đình - 2014