Đỗ Kim Thêm


Phương Tây lại suy tàn

.

Lời người dịch:
Giới trí thức phương Tây cảnh báo sự trỗi dậy của châu Á
làm cho tình trạng quân bình quyền lực toàn cầu đang di chuyển về châu Á
và là một nguy cơ cho phương Tây sắp sụp đổ.
Phương Tây tiếp tục phải ứng phó với những bất ổn thường trực
như Helmut K. Anheier trình bày sau đây.

Thực tế cho thấy là phương Tây không suy vong, mà luôn tìm cách thích nghi để sinh tồn. Cách giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một chứng minh. Dù sẽ gây những biến động nhất định trong ngắn hạn, nhưng do những suy yếu nội tại mà châu Á không thể chế ngự thế giới trong trường kỳ. Tinh thần thuần lý, trọng pháp và tôn trọng tự do làm cho phương Tây sẽ luôn tồn tại qua bao thăng trầm lịch sừ.

Còn Việt Nam? Vì giáo dục lạc lối mà sĩ khí đấu tranh và tài năng trí thức của các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Quỳnh, Hùynh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim v.v. không còn hậu duệ. Những thỉnh nguyện thư của giới trí thức chỉ là tiếng gào trong sa mạc. Chính giới bất tài, gian tham và bạo ngược làm chính sự hoảng loạn; chính trường là chốn hư danh làm cho dân chúng điêu linh, chỉ còn cách là phải tự lo khai dân trí và xướng dân quyền với các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại.

Dù cộng đồng mạng thành hình và cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 năm 2018 cho phép hy vọng là dân chúng sẽ cùng nhau đi đến một điểm hẹn khác cho lịch sử. Nhưng hiện nay, sử dụng quyền dân tộc tự quyết và khởi động cho tiến trình dân chủ hoá chưa phải là một khát vọng khẩn thiết và đích thực cho đa số. Những băng hoại xã hội khởi đầu từ lâu cho một tương lai bất định.

Trước hung đồ xâm lược của phương Bắc, tinh thần Diên Hồng suy nhược và tình huống thích nghi tương tự như của phương Tây sẽ không xảy ra, nên nguy cơ Việt Nam sụp đổ là thảm khốc và toàn diện.

***

Trong thế kỷ vừa qua, không một thập niên nào trôi qua mà không có các lời tuyên bố về sự sụp đổ của phương Tây. Nhưng có một điều phân biệt với những lời cảnh báo ngày nay: ở các nước thành công về mặt kinh tế của châu Á, thế giới giờ đây có một sự thay thế rõ ràng cho nền dân chủ tự do theo kiểu của phương Tây.

Đây là thời điểm bất ổn và thách thức cho phương Tây. Sự kết hợp của chủ nghĩa dân tộc hồi sinh và bất ổn địa chính trị gây ít cảm tưởng cho một sự gián đoạn tạm thời mà một sự biến đổi triệt để là nhiếu hơn – một điều có thể xem thời đại thống trị toàn cầu của phương Tây như kết thúc.

Nhiều người cho rằng khi mặt trời lặn ở phương Tây thì nó đang mọc ở châu Á. Thật vậy, câu hỏi dường như không còn là liệu châu Á sẽ thay thế phương Tây thành khu vực thống trị của thế giới không, mà đúng hơn là khi nào việc này sẽ xảy ra – và trong một cách êm đẹp như thế nào.

Sự thay đổi này nằm trong tâm điểm của bốn cuốn sách gần đây. Mặc dù có những quan điểm rất khác nhau, mỗi tác giả, Heinrich August Winkler, nhà sử học của Đại học Humboldt ở Berlin, Joschka Fischer, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Jonah Goldberg, nhà bình luận bảo thủ, và Kishore Mahbubani, nhà ngoại giao người Singapore chuyển sang nghiên cứu học thuật – chia sẻ quan điểm chung rằng tình trạng quân bình quyền lực toàn cầu đang di chuyển về châu Á, chuyện không thể tránh khỏi.

Tất nhiên, hầu như đây không phải là lần đầu mà các nhà quan sát đã dự đoán sự sụp đổ của phương Tây. Để diễn giải theo kiểu của Mark Twain, các phúc trình về tình trạng tử vong của phương Tây thường bị phóng đại quá lố.

Trong thế kỷ trước, không một thập niên nào trôi qua mà không có một số các lời tuyên bố về sự sụp đổ của phương Tây. Đã có nổi buồn man mác khi tận thế kỷ của Đế chế Áo-Hung suy sụp, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới, tình trạng đổ nát của hai cuộc thế chiến, và nhiều thất bại quân sự trong những năm hậu chiến. Dựa theo các yếu tố như suy yếu kinh tế, suy đồi văn hóa, phá sản đạo đức, và ý muốn đang giảm sút đề cập từ trong sách này sang sách khác – thí dụ như từ Suy tàn của Phương Tây của Oswald Spengler vào năm 1918 cho tới Cuộc Đụng Độ Các Nền Văn Minh của Samuel P. Huntington và Tái lập Trật tự Thế giới năm 1996 – tất cả tuyên bố rằng ngày tàn của phương Tây đã gần kề.

Ngày nay, nhiều người điểm ra hàng loạt các cuộc khủng hoảng đã cản trở châu Âu, bao gồm cả sự sụp đổ Brexit đang diễn ra, là bằng chứng về sự suy tàn của phương Tây. Sách lược “Mỹ đầu tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc hoạch định chính sách đơn phương và lên án đối với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng – và thậm chí còn nhiều hơn thế – gây lo ngại về tương lai của phương Tây. Những tiếng cười chế nhạo vang lên chào đón sự tự hào của ông Trump tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khi ông nói về những thành tựu được cho là của chính quyền ông đã cho thấy mức độ suy sụp cường quốc như thế nào.

Tuy nhiên, đứng trước chuyện của “con sói kêu la” của các nhà bình luận về sự tàn lụn của phương Tây, điều chỉ nên thận trọng là khi hỏi nếu bốn cuốn sách này thực sự cung cấp những viễn kiến mới về tương lai của phương Tây không, hoặc nếu chúng chỉ là những bổ sung mới nhất cho các chủ đề ngày một tăng lên của một cáo phó trước đây. Điều phức tạp của bất kỳ đánh giá nào là “Phương Tây” và “Phương Đông” là các điểm tham chiếu không chính xác: đôi khi chỉ đơn thuần là các điểm địa lý, đôi khi ngụ ý nền văn minh theo nghĩa rộng và đôi khi hạn hẹp khi biểu thị các hệ thống kinh tế hoặc chính trị chuyên biệt.

Những nền tảng lung lay

Trong khi cả bốn tác giả thảo luận về các khu vực khác ở một mức độ nào đó – thí dụ như nói chung họ coi một nước Nga mạnh mẽ hơn là vấn đề, và mô tả Trung Đông phần lớn như là một khu vực xung đột – điểm chính của họ tập chú là sự căng thẳng giữa phương Tây và châu Á, với Trung Quốc là cường quốc chủ yếu đang trỗi dậy. Chính sự căng thẳng này đã đặt ra những dự đoán mới nhất về sự sụp đổ của phương Tây khác biệt với các suy diễn trước đây. Trong các nước thành công về mặt kinh tế của châu Á, thế giới ngày nay có một sự thay thế rõ ràng đối với phương Tây.

Winkler, tác giả nổi tiếng qua tác phẩm The Age of Catastrophe và là nhân vật hàng đầu của các nhà sử học Đức, ông cực kỳ cẩn trọng trong việc tập hợp các bằng chứng về tình trạng hiện tại có thể được luợng giá, mặc dù ông cũng là người ít tham vọng nhất trong việc đề xuất các câu trả lời. Ngược lại với việc thảo luận chung về nguồn gốc của phương Tây và Liên minh châu Âu, cuốn sách mới nhất của ông cung cấp một tài liệu chi tiết là làm thế nào mà trong bốn năm qua, phương Tây – và đặc biệt là Cơ quan Liên Âu – lâm vào một tình huống gây đe dọa nền tảng chung: nhân quyền, tinh thần trọng pháp, chủ nghĩa thế tục, nền dân chủ đại nghị, phân quyền và xã hội dân sự.

Winkler hỏi là cái gì đã thúc đẩy làm trỗi dậy chủ nghĩa phi tự do ở Hungary và Ba Lan; bộc phát chủ nghĩa dân tộc kiểu mới ở Thụy Điển, Phần Lan và Đức; cuộc đầu phiếu Brexit tại Vương quốc Anh; và nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump tại Hoa Kỳ? Thủ phạm chính mà ông xác định gồm có tình trạng bất bình đẳng kinh tế lan rộng và mất quyền kiểm soát về các thị trường tài chính quốc tế của các chính phủ quốc gia – các xu hướng bắt nguồn từ các chính sách tân tự do trong các thập niên 1970 và 1980 và thúc đẩy toàn cầu hóa sau năm 1989. Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng đã đóng vai trò quan trọng, bao gồm bằng cách làm suy yếu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông lâu đời đối với công luận.

Các thành phần cơ hội chính trị đã nắm bắt những phát triển này để làm suy yếu các định chế quan trọng đang duy trì sự đồng thuận theo luật pháp của phương Tây sau Thế chiến II. Kết quả là có một cuộc thử thách sâu xa về dân chủ theo bầu cử, tầm quan trọng của hệ thống tư pháp và xã hội dân sự. Nhưng Winkler không đưa ra câu trả lời cho vấn đề về việc phương Tây có thể chống lại sự suy sụp, vượt ra ngoài nhấn mạnh những giá trị chủ yếu bao gồm nền tảng luật pháp. Theo nghĩa này, nhà sử học có lẽ quá thận trọng. Tuy nhiên, Winkler để lại cho người đọc một cảm giác rằng trong khi tương lai của phương Tây là bất trắc, nó không nhất thiết phải suy vong.

Chiến tuyến cho tương lai

Nhận xét tương tự cũng không thể dành cho Fischer, người mà quan điểm là táo bạo và cởi mở hơn. Fischer là người sáng lập Đảng Xanh của Đức, cựu thành viên của quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao, và Phó Thủ tướng (dưới quyền Gerhard Schröder) – là một nhà chính trị lâu đời và hiện nay là một nhà tư vấn chính trị.

Trong tác phẩm Der Abstieg des Westens, Fischer tập trung vào sự trỗi dậy về mặt địa chính trị của Trung Quốc, sự suy tàn do chủ nghĩa của Mỹ, và sự yếu kém và bất ổn của cơ quan Liên Âu. Ông nhấn mạnh bản chất tạm thời của thời đại chúng ta: Hoà bình do Mỹ chế ngự kéo dài gần 70 năm, và trật tự mới vẫn chưa xuất hiện. Giai đoạn này giữa các thời đại thúc đẩy sự bất trắc, làm sinh ra sự bất an và tạo ra những cơ hội mới, cả tốt và xấu.

Cơ quan Liên Âu có thể nắm bắt thời điểm này của biến động kinh tế và địa chính trị để tăng khả năng hành động trên bình diện toàn cầu, bao gồm xây dựng một chính sách an ninh và đối ngoại chung đáng tin cậy và hoàn thành dự án hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, ba nước có thể đẩy châu Âu về phía trước không chỉ chia rẽ với nhau mà còn phải đối mặt với những cuộc đấu tranh nội bộ của chính họ: Anh đang bận tâm với Brexit; Pháp bị hạn chế bởi tình trạng bất động trong nước; và chính phủ Đức bị bao vây bởi những cuộc đấu tranh và thách thức từ hai cánh Tả và Hữu. Đặc biệt, các thành phần theo chủ nghĩa quốc gia tân thời đang khai thác những lo lắng, cảm xúc và những khát vọng thành hình từ sự thay đổi kỷ nguyên để mở rộng ảnh hưởng của họ.

Mối quan hệ mà Fischer nêu ra giữa chủ nghĩa dân tộc tân thời trong nền chính trị quốc nội ở châu Âu và Mỹ trên một mặt, và chính trị quốc tế trên mặt khác là một trong những điểm mạnh của phân tích của ông. Fischer khẳng định một cách đầy thuyết phục rằng cuộc chiến giữa các người theo chủ thuyết dân tộc tân thời và những người bảo vệ chủ nghĩa đa phương và dân chủ tự do sẽ quyết định số phận của phương Tây trong thế kỷ XXI. Đứng trước những phát triển chính trị gần đây – đặc biệt là cuộc bầu cử Brexit và nhiệm kỳ tổng thống của Trump – ông không lạc quan.

Không giống như Winkler, Fischer đưa ra các đề xuất cụ thể để đánh bại các người theo chủ nghĩa dân tộc tân thời, đặc biệt là ở châu Âu. Biện pháp đầu tiên là từ chối tham gia trò chơi theo tinh thần dân tộc tân thời. Thay vào đó, những người ủng hộ nền dân chủ tự do nên phát triển chương trình chính trị của họ, bao gồm một hợp đồng xã hội mới, bình đẳng hơn bao gồm các khoản đầu tư lớn vào tiện ích công cộng, đặc biệt là giáo dục.

Fischer kêu gọi Pháp và Đức dẫn đầu việc thành lập cơ quan Liên Âu theo hai tốc độ dựa trên chủ nghĩa liên chính phủ. Ông cũng thúc giục châu Âu dựa trên những kỹ năng ngoại giao phong phú và kinh nghiệm của họ để tham gia với Mỹ và châu Á theo những cách làm thúc đẩy lợi ích riêng.

Các vết thương tự phát?

Trong khi Fischer duyệt xét châu Âu chủ yếu trong bối cảnh các mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Goldberg – một nhà nghiêu cứu tại American Enterprise Institute và một biên tập viên cao cấp của Tạp chí National Review – tập trung đầu tiên và quan trọng nhất vào Hoa Kỳ. Nói ngắn gọn, cuốn sách của ông gây rối rắm. Nó trình bày một lập luận có thể dễ dàng bị loại bỏ như chưa chín mùi, rộng thênh thang và quá nông cạn.

Tuy nhiên, Goldberg là một tiếng nói chính trị hàng đầu ở Mỹ, được hỗ trợ bởi các tổ chức ủng hộ tinh thần cho phong trào bảo thủ. Vì vậy, thật đáng buồn, điều ông nghĩ là gây vấn đề cho tương lai của nước Mỹ nhiều hơn, nói thí dụ như so với phân tích lịch sử của Winkler về tương lai của châu Âu

Tiêu đề do Goldberg chọn là đang nói: sách của ông không nói về “sụp đổ” hay “tàn lụn” của phương Tây, mà là “tự sát”. Phương Tây không bị suy vi vì các lực lượng bên ngoài – liệu các đầu sỏ chính trị Nga hay bộ chính trị Trung Quốc đang tấn công không. Phương Tây đang tự hủy, bằng cách chọn “khi có tư cách được hưởng quyền lợi” vượt qua “lòng biết ơn”.

Theo quan điểm của Goldberg, mọi người có tư cách hữu quyền khi họ nghĩ tư cách thành viên của họ trong một bộ tộc, một quốc gia, một tầng lớp xã hội, một nhóm sắc tộc, hoặc bất kỳ thiểu số nào cho họ quyền được sử dụng nguồn lực hoặc một số tiện ích mong muốn. Tinh thần theo bộ tộc, dân tộc, dân túy theo cánh Tả và cánh Hữu, và chính trị bản sắc đều thúc đẩy cho sự phân hoá này. Trong lập luận của Goldberg, Cơ quan Liên Âu không quá quan trọng, nhưng khi nó xuất hiện ở đâu, nó chủ yếu được coi là một vấn đề, chính vì sự nhấn mạnh về quyền lợi, mà theo Goldberg – định nghĩa sinh hoạt của các trường đại học ưu tú ở Mỹ.

Goldberg khẳng định, để thịnh vượng trở lại, phương Tây phải đổi mới tập trung vào lòng biết ơn: xem cá nhân là trọng tâm đạo đức của xã hội. Được trang bị bằng lý luận, sự kiện, quy tắc của pháp luật và đạo đức, cá nhân nên được đánh giá trên giá trị riêng xứng đáng cho họ.

Theo ý của Goldberg, chọn lòng biết ơn quan trọng hơn là tư cách hữu quyền còn đúng với thời kỳ “Phép lạ” của chủ nghĩa tư bản tự do dân chủ – bắt nguồn từ thời kỳ Khai sáng và những tiến bộ của Cách mạng Công nghiệp – mang lại sự thịnh vượng kinh tế và tiến bộ xã hội chưa từng thấy. Goldberg dựa vào Karl Marx và Max Weber để giúp giải thích lý do tại sao và làm thế nào mà phép lạ đã xảy ra, nhưng trọng điểm của ông không phải là nguồn gốc của phép lạ, ông quan tâm nhiều hơn đến là mọi việc đang diễn ra sai lầm như thế nào.

Thay vì yêu mến và nuôi dưỡng thời kỳ Phép lạ – “con ngỗng đẻ trứng vàng,” khi Goldberg lặp đi lặp lại chuyện phép lạ – mọi người đang trở nên vô ơn. Một lý do chính là các gia đình không thể trao truyền những giá trị thích hợp cho con cái của họ, do ảnh hưởng đáng kể của các lỗi theo tiêu chuẩn bảo thủ: thuyết tương đối về đạo đức, tính đúng đắn về chính trị và hệ thống giáo dục chính trị. Hơn nữa, giới tinh hoa trí thức đang truyền bá tư tưởng chống tư bản, chống chính giới lâu đời. Theo Goldberg, lòng oán giận của dân chúng đang dâng trào và tham nhũng trong “đạo đức cốt lõi” của xã hội là kết quả. Nói ngắn gọn, Mỹ ung thối từ bên trong cội rễ.

Những gì Goldberg đang thực sự làm là đang cố tạo một lớp vỏ bọc trí thức để che giấu những thất bại to tát của phong trào bảo thủ ở Mỹ – những thất bại châm ngòi cho sự trổi dậy của ông Trump. Goldberg không thích ông Trump không phải vì những gì mà ông Trump tiêu biểu, mà là vì tính cách thái quá nơi con người của ông. Nhưng những gì Goldberg coi là toa thuốc trị liệu duy nhất có thể khôi phục an nguy chính trị cho Mỹ về – nhiều “đức hạnh” trong xã hội – là không thể thay thế cho sự tính toán thành thật của những người trí thức bảo thủ với tình trạng tổn thương của đảng Cộng hòa đối với việc nhậm chức của ông Trump.

Lý do hy vọng

Như tựa đề của cuốn sách, Mahbubani, cựu Đại sứ của Singapore tại Liên Hiệp Quốc và cựu Khoa trưởng của Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew thuộc Đại học Quốc gia Singapore, tìm cách gây khơi động. Chỉ trong 100 trang sách, nhưng sự kích hoạt của ông sẽ được đem lợi lâu dài hơn (giống như của sách Goldberg sẽ đem lợi vì sách còn ngắn hơn). Những gì cuốn sách của ông cung cấp trong cách phân tích được coi như đóng gói trong các khuyến nghị.

Trong khi khảo hướng của Mahbubani đối với cả Trung Quốc và phương Tây đều có ý nghĩa tốt, ông ta nhìn hai cách rất khác nhau. Có vẻ như Trung Quốc không thể làm sai, trong khi phương Tây không còn có thể làm bất cứ điều gì là đúng. Ví dụ, trong khi các xã hội phương Tây đang mất niềm tin vào chính phủ của họ, người Trung Quốc và người châu Á nói chung – đang khám phá ra đặc điểm của nền quản trị hữu hiệu

Mahbubani dường như suy nghĩ là Phương Tây bị các phương tiện truyền thông chụp mất, truyền thông quan tâm các vấn đề trong nước để đánh giá cao những thành tựu phi thường ở nơi còn lại của thế giới, bao gồm cả những tiến bộ lớn về giảm nghèo và gia tăng tầng lớp trung lưu mới. Mặc dù ít xã hội châu Á là có nền dân chủ, thành công kinh tế của họ nói lên vấn đề cho chính nó. Thực tế đó là sự kết hợp của các hệ thống chính trị phi dân chủ và các nền kinh tế phát triển mạnh đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất đối với tường thuật từ lâu đã làm suy yếû sự thống trị của phương Tây

Chẩn đoán của Mahbubani là khá nhiều theo chuẩn mực. Nhưng cho dù người ta có đồng ý với chẩn đoán này hay không, giá trị thực sự trong các đề xuất mà ông nêu ra cho phương Tây, có thể được mô tả bằng bốn từ: tối thiểu, thực tế, đa phương và đạo đức giả theo kiểu của Machiavellian

Theo Mahbubani, phương Tây phải lo cho phù hợp với những điều kiện trong thực tế là phương Tây không còn khả năng cai trị – theo cách tối đa, bá chủ – cho những nơi khác còn lại. Điều này sẽ đòi hỏi phương Tây phải tự phê bình trong khi công nhận ra rằng các chính sách thất bại của phương Tây trong thế giới đang phát triển từ năm 1989 – bao gồm ở Iraq, Libya và Syria – có nghĩa là hiện nay phương Tây hiếm khi được xem là một lực lượng có hiệu quả hoặc lành mạnh ở nước ngoài.Thật vậy, cách duy nhất để đảo ngược sự suy giảm ở vị trí địa chính trị của phương Tây là tái hợp pháp hóa các thể chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Điều này có thể quan trọng hơn đứng trước nhu cầu của châu Âu và Mỹ phải điều chỉnh với “khôn ngoan về mặt chiến lược” đối với các lợi ích đang phân hoá của họ: Mỹ phải tập trung vào Trung Quốc, trong khi châu Âu phải tập trung vào thế giới Ả rập và Nga.

Tương lai chưa soạn thảo

Phương Tây đánh mất tương lai? Cuối cùng là một một lời kêu gọi cho phương Tây xuống ngựa và nhận ra thực tế về vị trí của mình trong thế giới ngày nay. Đối với Mahbubani, phương Tây không phải là quá hỗn loạn và bất an. Tuy nhiên, phương Tây có thể và sẽ hồi phục – một sự phát triển sẽ tốt đẹp cho thế giới.

Goldberg cũng tin rằng phương Tây – mà đối với ông, xoay quanh qua Hoa Kỳ – có thể đảo ngược sự suy vi của mình, nhưng chỉ khi nào phương Tây trở về kiểu đạo đức Ki Tô giáo mà ông tin rằng nền tảng là “Phép lạ” của chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do. Tuy nhiên, với chủ nghĩa dân tộc tân thời và chủ nghĩa dân tộc dân túy trong khắp phương Tây, Goldberg có thể ít hy vọng hơn Mahbubani.

Đối với Fischer, bởi cuộc khủng hoảng mà phương Tây phân hoá quá mức và cạn kiệt để có thể theo đuổi hành động tập thể. Trước tình hình này, chúng ta có thể bị hướng tới một sự hỗn loạn về địa chính trị và xung đột có vũ trang – một kết luận được phản ánh trong cuộc thảo luận ngày càng nhiều về chủ đề “Bẫy Thucydides”, mà trong đó thách thức của cường quốc đang trổi dậy (Trung Quốc) đặt ra cho một cường quốc đang thành hình (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, các biện pháp có thể được thực hiện để thúc đẩy phương Tây, đặc biệt là các cải cách về hội nhập châu Âu và NATO lớn hơn, mở rộng vai trò của châu Âu trong an ninh toàn cầu.

Cho dù với tất cả các tinh thần học thuật và các quan sát sắc sảo, Winkler không trả lời được vấn đề cơ bản về tương lai của phương Tây. Ông ngụ ý rằng sự thay đổi sắp tới sẽ gập ghềnh, bởi vì phương Tây có thể không trỗi dậy trước thử thách sắp tới. Tuy nhiên, phương Tây có thể kết thúc trong cảnh hỗn loạn. Có lẽ Trump sẽ vung tay quá trán, dẫn đến việc Đảng Cộng hòa xoay lại chống ông Trump. Có lẽ những cơn gió chính trị sẽ quay lưng lại với những người theo cuộc đầu phiếu Brexite và những nhà lãnh đạo phi tự do châu Âu ở Hungary, Ba Lan, Ý và những nơi khác.

Đối với tất cả các khác biệt, cả bốn cuốn sách đều dự đoán một tương lai rõ ràng đen tối hơn là được trình bày trong các công trình phân tích lịch sử theo cách vĩ mô gần đây. Ví dụ, Homo Deus của Yuval Noah Harari tuyên bố là thời đại vàng son sắp tới mà trong đó nhân loại chinh phục nạn đói, bệnh dịch hạch và chiến tranh. Nếu không có gì khác, sự phổ biến của cuốn sách của Harari – chắc chắn đã bán được nhiều bản hơn bốn cuốn này cộng lại –bgiúp nhắc nhở chúng ta rằng bất kể điều gì xảy ra với bất kỳ khái niệm nào của phương Tây mà chúng ta yêu chuộng, thì di sản lý trí và tự do của phương Tây sẽ tồn tại.

.

Nguyên tác: The Decline of the West, Again
Tác giả: Helmut K. Anheier (Giáo sư Xã hội học, Trường Quản trị Hertie Berlin và Viện Max Weber, Đại học Heidelberg).

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

_______________

Sách tham khảo:

Heinrich August Winkler, Zerbricht Der Westen?: Über die gegenwärtige Krise in Europa und Amerika, Munich, C.H. Beck, 2018

Joschka Fischer, Der Abstieg des Westens: Europa in der neuen Weltordnung des 21. Jahrhunderts, Cologne, Kiepenheuer & Witsch, 2018

Jonah Goldberg, Suicide of the West: How the Rebirth of Tribalism, Populism, Nationalism, and Identity Politics Is Destroying American Democracy, New York, Crown Forum, 2018

Kishore Mahbuhani, Has the West Lost It? A Provocation, London, Allen Lane, 2018

 


Cái Đình - 2018