Nguyễn thị Cỏ May


Paris kỷ niệm Ngày Quốc tế Bất Bạo động

 

 

Hôm 2-10, Paris long trọng tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Bất Bạo động. Cộng đồng Người Việt nam ở Paris cũng tổ chức kỷ niệm ngày 2-10 trước Nhà Thờ Đức Bà ở Paris từ 18 giờ tới 20 giờ, qui tụ khá đông đồng bào tới tham dự. Tiếp theo có lễ thắp nến để đẩy lui vô minh của những người cộng sản cầm quyền ở Việt nam vẫn chủ trương bạo động và cũng để tưởng nhớ những người đã hi sanh hoặc tử nạn dưới sự đàn áp thô bạo của đảng cầm quyền.

Những hình ảnh nạn nhơn của chế độ bạo lực ở Việt nam được chưng bày trên nhiều bích chương như Lm Nguyễn văn Lý bị công an xã hội chủ nghĩa bịt mìệng ngay trước tòa án trong phiên xử khi ông trả lời với tòa, hình ảnh những nhà tranh đấu trẻ cho Dân chủ, Nhơn quyền, những blogers,... Những hình ảnh này đã làm cho không ít du khách ngoại quốc dừng chơn lại xem và hỏi thêm tình tiết của nạn nhơn...

 

Tại sao ngày 2-10?

Liên Hiệp Quốc chọn ngày 2-10 làm Ngày Quốc tế Bất Bạo động là để tưởng niệm ngày sanh của Thánh Cam-địa (Mahatma Gandhi), vị lãnh đạo Phong trào tranh đấu giành độc lập cho Ấn độ và ông trở thành người đầu tiên chủ xướng triết lý và chiến lược bất bạo động. Chính sự thành công giành độc lập ở Ấn độ làm cho phong trào tranh đấu bất bạo động đã trở thành chất xúc tác cực kỳ quan trọng cho nhiều phong trào tương tợ bùng nổ ở nhiều nơi khác trên thế giới dẩn đến sự tan rã hay sụp đổ Đế quốc Anh. Và từ đó Đế quốc Anh được thay thế bằng “Khối thịnh vượng chung” (Commonwealth des nations). Triết thuyết tranh đấu bất bạo động của Thánh Cam-địa đã tạo nguồn cảm hứng hình thành những phong trào Dân quyền ở Mỹ vào các năm 1955-1968, do Mục sư Martin Luther King lãnh đạo, phong trào tranh đấu Dân chủ ở Miến điện do Bà Aung Suu Kyi cầm đầu và phong trào Quốc dân Đại hội Phi châu chống lại sự phân liệt Nam phi do Ông Nelson Mandela lãnh đạo, mặc dầu những vị lãnh đạo này không hoàn toàn theo sát nguyên tắc của Gandhi về bất bạo động và bất phản kháng.

Ngày nay, sự tha thứ, sự bao dung hòa giải hãy còn xa lạ với các chế độ độc tài, nhứt là độc tài cộng sản như ở Tàu mà Tây tạng, Tân cương,... là nạn nhơn, ở Việt nam, những người Dân chủ, những người chống Tàu bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, những nhà bất đồng chánh kiến, nhà báo tự do, những blogers,... vẫn còn là nạn nhơn thảm khóc của chế độ.... Hơn nữa, chế độ cộng sản hà nội cũng khủng bố cả dân chúng chớ không riêng gì những người bất đồng chánh kiến.

Do đó giải quyết bất bạo động những mối xung đột vẫn là một thách thức lớn để đem lại cho mọi người một nền hòa bình bền vững. Tiến trình này phải bắt đầu bằng cách xây dựng một nền văn hóa bất bạo động và hòa bình để có thể giúp xóa tan tận gốc những mầm móng xung đột và bất bao dung. Mọi người phải được giáo dục để họ ý thức sức mạnh của bất bạo động nhờ mỗi chúng ta là một người mang tới cho họ một thông điệp bất bạo động: " Sự bất bạo động đang ở ngay trong người bạn, trong văn hóa của bạn, trong tín ngưỡng và phẩm giá của bạn " (Gandhi).

 

Bất bạo động

Định nghĩa “Bất Bạo động” khá đơn giản: “Bất bạo động là một triết thuyết làm cho sự bạo động không có giá trị và mất tính chính đáng của nó, cổ súy một thái độ kính trọng kẻ khác trong cuộc xung đột và một chiến lược hành động chánh trị để thanh toán sự xung đột”.

Từ năm 1921, Thánh Gandhi ỏ Ấn độ đã làm cho mọi người biết tới sự bất bạo động qua khái niệm của từ ngữ tiếng phạn (sanskrit) là “ahimsâ” (a = phủ nhận, từ khước, himsâ = hung bạo). Đây là một trong những khái niệm nền tảng của ấn giáo và phật giáo.

Khái niệm bất bạo động được nhiều người công khai xử dụng hay chọn làm nguyên tắc tranh đấu, trong đó có Mục sư Martin Luther King tranh đấu bảo vệ quyền làm người của người mỹ da đen, vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 sống lưu vong liên tục tranh đấu phục quốc Tây tạng, Lech Walesa, Václav Havel chống chánh phủ cộng sản giành độc lập, Nelson Mandela ở Nam phi, bà Aung San Suu Kyi ở Miến điện,… Và quả nhiên chế độ cộng sản hung hãn hay chế độ bạo ngược đều đã sụp đổ.

Sự bất bạo động còn được Thánh Gandhi định nghĩa như “sự bất hợp tác với bất kỳ việc gì mà người ta thấy có hại cho xã hội và con người”. Phải chăng ngày nay đó là “bất tuân dân sự” (la désobéissance civile).

Ngày 10 tháng 11 năm 1998, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, để hưởng ứng lời kêu gọi của những người được giải Nobel Hòa bình, đã biểu quyết một Quyết Nghị lấy thập niên 2001-2010 làm “Thập niên Quốc tế cổ súy cho một nền văn hóa bất bạo động và hòa bình dành cho trẻ con khắp thế giới”. Năm 2007, Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 2-10, ngày sanh của Thánh Gandhi, từ nay trở đi sẽ là “Ngày Quốc tế bất bạo động”.

Về bất bạo động, Mục sư Martin Luther King định nghĩa: “Đó là một vũ khí mạnh và chánh đáng giải quyết dứt khoát mọi xung đột mà không làm tổn thương con người, trái lại còn nâng cao giá trị con người xử dụng nó. Nó là một lưỡi gươm chữa lành bịnh”

Thánh Gandhi nói thêm “Bất bạo động là một thứ Tình yêu thuần khiết”.

Riêng Giáo sư Jacques Samelin ở Harvard và Sc.Po Paris, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về bạo động, đưa ra quan niệm “đề kháng dân sự” (résistance civile) để hàm ý tranh đấu giải quyết những xung đột bằng bất bạo động vì “bất bạo động” tự nó chưa đủ ý nghĩa.

 

Phong trào bất bạo động ở Âu châu

Pháp, có lẽ phong trào bất bạo động lâu đời nhứt là chi nhánh của Phong trào Quốc tế Hòa giải ra đời năm 1923. Ông Lanza del Vasto, bạn của Thánh Gandhi, thành lập “Communauté de l’Arche” năm 1948. Dựa theo “Communauté de l’Arche”, tổ chức “Hành động công dân bất bạo động” ra đời trong chiến tranh Algérie, do ông Joseph Pyronnet lãnh đạo.

Các triết gia, học giả như Jean-Marie Muller, Jean Toulat, Jacques Samelin và Christian Mellon, và nhiều người khác nữa đã nghiên cứu để khai triển một lý thuyết về “bất bạo động” và áp dụng nó vào chánh trị qua những “nhóm tranh đấu bất bạo động” từ những năm 1970. Năm 1972, nông dân vùng Larzac đã phổ biến thuyết bất bạo động.

Gần đây, năm 2013, nhơn lúc thảo luận để thông qua luật “hôn nhơn cho mọi người”, phong trào công giáo đã xử dụng lại kỹ thuật bất bạo động chống lại chánh phủ Pháp.

Một Tổ chức như “Những người bất tuân dân sự” đề nghị cho những ai muốn tranh đấu có thể tham dự những khóa huấn luyện về kỹ thuật bất bạo động và Bất tuân dân sự.

Bỉ (Belgique)

Ở Bỉ, khác hơn ở Pháp, có nhiều phong trào bất bạo động như Mir-Irg là một tổ chức lâu đời, chi nhánh của Phong trào Quốc tế Hòa giải hay Tổ chức Quốc tế của Những Người phản kháng chiến tranh có nguồn gốc từ những phong trào vô chánh phủ… Đại học Hòa bình đặt cơ sở tại thành phố Namur, do Lm Dominique Pire, giải thưởng Nobel Nhơn quyền, thành lập. Ngoài công việc tranh đấu, cơ sở này còn tổ chức nhiều lớp huấn luyện về bất bạo động.

Thụy sĩ

Ở Thụy sĩ có “Trung tâm hành động bất bạo động” thành lập năm 1968. Đây là một tổ chức vừa hành động, vừa theo đuổi những hoạt động tâm linh và có xu hướng chánh trị.

Ở Thụy sĩ, những người tranh đấu bất bạo động có thể được chia làm 2 xu hướng: xu hướng thứ nhứt gồm những người chọn bất bạo động như phương pháp chánh trị và xã hội, xu hướng thứ hai là những người quan niệm bất bạo động là một nếp sanh hoạt tâm linh cần phải được hiểu sâu xa, nó liên hệ với cá tánh và đạo đức con người. Nên Gandhi mới quả quyết sự “bất bạo động là một phẩm chất của con tim chớ không phải là kết quả của khối óc suy nghĩ.”.

Sự bất bạo đông lại cũng không đồng nghĩa với tinh thần chủ hòa hay chủ bại.

 

Hiệu quả của tranh đấu bất bạo động

Tranh đấu giải quyết những xung đột bằng phương pháp bất bạo động tuy được cho là tốt hơn và hiệu quả hơn vì nó tránh làm tổn thương đối phương và thiệt hại xã hội nhưng vẫn bị môt số người công kích. Họ cho rằng bất bạo động là một lý tưởng sai lầm vì như vậy cho rằng đối phương có lòng bao dung, tôn trọng sự công bằng. Hơn nữa, ảnh hưởng tư tưởng mác-xít, họ còn cho rằng chủ trương bất bạo động là muốn áp đặt lên giai cấp vô sản cái đạo đức tư sản trong lúc đó bạo lực vẫn là quyền tự vệ chánh đáng và hợp pháp. Như vậy phương pháp bất bạo động trong lịch sự gần đây có đem lại kết quả khả quan không?

Chỉ sơ lược kể vài thành tích bất bạo động để thấy khi dấn thân tranh đấu có nên chọn phương pháp bất bạo động trước kẻ thù hung hãn, bạo ngược hay không?

Cuối thập niên 80, chính tranh đấu bất bạo động đã làm sụp đổ trọn vẹn chế độ cộng sản từ Ba-lan tới Mạc-tư-khoa. Tiếp theo là những cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine, Cách mạnh Bông lài ở Tunisie,…

Đến một lúc nào đó, trước trọng tài dư luận, sức mạnh của bạo lực sẽ không còn hiệu lực nữa. Bất bạo động sẽ thắng, khác hơn bạo lực thắng bạo lực, là không để lại những hậu quả phức tạp, do mọi bên được hòa giải thật sự.

Vìệt nam đã có những người, những nhóm tranh đấu bất bạo động. Nếu tiếp tục, lớn mạnh trong tinh thần vô úy chắc chắn sẽ hóa giải được áp lực cộng sản trước mắt. Chẳng những hóa giải, mà còn tiêu diệt cộng sản tận gốc bởi nguồn gốc của cộng sản là khủng bố, phương pháp tranh đấu của cộng sản là dối trá và bạo lực. Dối trá để che dấu bạo lực, bạo lực để làm cho dối trá được mọi người tin.

 

Nguyễn thị Cỏ May

 

 


Cái Đình - 2015