Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Những thử thách của Chính Sách Ɖối Ngoại của Donald Trump

Tranh tường Vladimir Putin và Donald Trump. Hình: EPA

.

CAMBRIDGE - Trong thời gian vận động tranh cử, Donald Trump đặt nghi vấn với các đồng minh và cơ chế hiện đang củng cố trật tự thế giới tự do nhưng ông đề xuất rất ít kế hoạch đặc biệt. Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất mà việc thắng cử gợi lên là có phải chăng thời kỳ dai dẳng của của sự toàn cầu hóa, bắt đầu từ khi chấm dứt Thế Chiến thứ hai, về cơ bản đã trôi qua?

Không nhất thiết là như thế. Ngay cả khi các hiệp ước như hiệp ước thương mãi với các quốc gia Á Châu (TPP) và Âu Châu (TTIP) có thể thất bại và sự toàn cầu hóa về mặt kinh tế có thể trì trệ, nhưng khoa học kỹ thuật vẫn thúc đẩy sự toàn cầu hóa về mặt môi sinh, chính trị và xã hội dưới hình thức của sự thay đổi khí hậu, khủng bố quốc tế và di dân – dẫu cho ông Trump có thích hay không. Trật tự thế giới là một điều hơn hẳn kinh tế và Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò trọng tâm.

Người Mỹ vẫn thường hiểu sai về vị trí của mình trên thế giới. Chúng ta đong đưa giữa chủ nghĩa thắng lợi và những nản lòng về sự suy thoái. Sau khi Liên Sô phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957, chúng ta đã vội cho rằng mình đã bị suy sụp. Trong thập niên tám mươi chúng ta nghĩ rằng người Nhật cao đến hơn 3 mét. Sau thời kỳ Ɖại Suy Thoái vào năm 2008 nhiều người Mỹ tin rằng Trung Quốc trở thành quốc gia có thế lực vượt hơn Hoa Kỳ.

Mặc dù với sự cường điệu ngôn từ của Donald Trump trong vận động bầu cử, Hoa Kỳ không ở vào hoàn cảnh suy thoái. Do di dân, Hoa Kỳ là nước phát triển mạnh duy nhất ở giữa thế kỷ này không bị suy thoái về nhân khẩu. Sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng đúng hơn là đang giảm thiểu thay vì gia tăng. Hoa Kỳ là quốc gia đứng hàng đầu trong trong các ngành khoa học kỹ thuật (sinh học, nano, tin học) và chúng sẽ định hình thế kỷ này. Các trường đại học của Hoa Kỳ đang chiếm ưu thế trong bảng sắp hạng trên thế giới.

Nhiều vấn đề quan trọng sẽ gây trở ngại cho chương trình trong chính sách đối ngoại của Trump, nhưng một vài vấn đề cơ bản sẽ có thể sẽ nổi bật – nhất là các liên hệ to tát về quyền lực giữa Trung Quốc và Nga và tình trạng hỗn loạn ở Trung Ɖông. Việc giữ vững sự quân bình quân sự ở Âu Châu và Ɖông Á là cội nguồn quan trọng của ảnh hưởng Hoa Kỳ, nhưng Trump đã có lý khi cho rằng nỗ lực để kiểm soát chính trị nội bộ của các dân tộc Trung Ɖông là phương thức đưa đến sự thất bại.

Trung Ɖông đang kinh qua một tập hợp phức tạp của sự nhồi nhét những cuộc cách mạng từ các lằn ranh giới nhân tạo của thời kỳ hậu thuộc địa; sự xung đột tôn giáo giữa các giáo phái, và sự hiện đại hóa trì trệ được mô tả trong các Báo Cáo Về Sự Phát Triển Con Người Á Rập của Liên Hiệp Quốc. Các hỗn loạn ở nơi đó có thể kéo dài hàng chục năm và sẽ tiếp tục dung dưỡng khủng bố Hồi Giáo cực đoan. Ấu Châu vẫn không ổn định trong suốt 25 năm sau cuộc Cách Mạng Pháp, và những can thiệp quân sự bởi những thế lực bên ngoài chỉ làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Nhưng ngay cả với sự giảm thiểu nhập khẩu năng lượng từ Trung Ɖông, Hoa Kỳ cũng không thể quay lưng lại trong vùng, bỏ rơi những quyền lợi ở Do Thái, hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhân quyền,… Cuộc nội chiến ở Syria không chỉ là một thảm họa về nhân đạo, nó cũng gây bất ổn trong vùng và cho cả Ấu châu. Hoa Kỳ không thể làm ngơ trước những sự kiện như thế, nhưng chính sách của Hoa Kỳ nên là một chính sách ngăn chận, với những kết quả ảnh hưởng bởi sự thúc đẩy và tăng cường đồng minh của chúng ta, hơn là cố gắng khẳng định sự kiểm soát quân sự trực tiếp, điều có thể vừa gây tốn kém vừa phản tác dụng

Ngược lại, sự quân bình thế lực trong vùng ở Á Châu làm cho Hoa Kỳ được đón nhận ở nơi đó. Sự vươn lên của Trung Quốc gây lo ngại cho các quốc gia Ấn Ɖộ, Nhật, Viêt Nam và các quốc gia khác. Ɖiều hòa sự bành trướng toàn cầu của Trung Quốc là một trong những thử thách lớn trong chính sách đối ngoại của thế kỷ, và chiến thuật song hành dual-track (1) “hội nhập nhưng bảo đảm”, được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ủng hộ – bằng phương cách này Hoa Kỳ mời Trung Quốc hội nhập vào trật tự thế giới tự do, trong khi Hoa Kỳ tái xác nhận hiệp ước an toàn với Nhật – vẫn là một sự tiếp cận hợp lý.

Không như những thế kỷ vừa qua, khi sự bành trướng của Ɖức (vượt qua Anh vào khoảng 1900) đã gieo rắc sự sợ hãi và góp phần vào hiểm họa của 1914, Trung Quốc sẽ không dễ dàng vượt qua chúng ta trong tổng lực. Ngay cả nếu như nền kinh tế của Trung Quốc sẽ trội vượt hơn Hoa Kỳ toàn bộ vào khoảng 2030 hay 2040, thì lợi tức đầu người của dân Trung Quốc vẫn còn kém xa. Hơn nữa Trung Quốc sẽ không ngang bằng “cương lực” quân sự hay “nhu lực” thu hút của Hoa Kỳ. Như Lý Quang Diệu đã từng nói rằng, bao lâu Hoa Kỳ còn tiếp tục mở cửa và thu hút nhân tài thế giới thì “Trung Quốc chỉ muốn là cứ để họ đi trước cho hao tài tốn của” chứ không muốn thay thế Hoa Kỳ.

Bởi lý do này Hoa Kỳ không cần một chính sách ngăn chận Trung Quốc. Quốc gia duy nhất có thể kiềm chế Trung Quốc chính là Trung Quốc. Khi quốc gia này thúc đẩy những xung đột lãnh thổ giữa họ với các quốc gia láng giềng thì chính Trung Quốc tự kiềm chế chính mình. Hoa Kỳ cần phải phát động thế chủ động kinh tế ở Ɖông Nam Á, tái xác nhận những liên minh với Nhật và Hàn Quốc, và tiếp tục cải thiện các quan hệ với Ấn Ɖộ.

Cuối cùng hãy còn nước Nga. Ɖó là quốc gia đang ở vào sự suy thoái, nhưng với kho vũ khí hạt nhân có khả năng hủy diệt Hoa Kỳ thì đó là một sự đe dọa tiềm tàng Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Nga hầu như lệ thuộc vào lợi tức thu nhập của các nguồn năng lượng, là “một nền kinh tế một vụ mùa” với các cơ chế đầy tham nhũng và các vấn nạn về y tế và nhân khẩu không thể khắc phục được. Những can thiệp của tổng thống Putin trong các quốc gia láng giềng và Trung Ɖông, việc tấn công trên mạng vào Hoa Kỳ và các quốc gia khác, dẫu cho có dụng ý nhằm làm lớn mạnh nước Nga một lần nữa, hầu như làm xấu đi các viễn ảnh trong thời gian dài của quốc gia này. Nhưng trong thời gian ngắn các quốc gia suy thoái thường chấp nhận các rủi ro và vì thế họ trở thành nguy hiểm hơn – bằng chứng là Ɖế Quốc Áo Hung vào năm 1914.

Ɖiều này tạo nên một chính sách khó xử. Một mặt, điều quan trọng là phải có sự phản kháng chống lại các thách thức của Putin thay đổi việc ngăn cấm các quốc gia sử dụng quân đội để chiếm lãnh thổ của các quốc gia láng giềng sau năm 1945. Cùng lúc Trump có lý khi cho rằng phải tránh sự cô lập Nga hoàn toàn, một quốc gia mà chúng ta có những quyền lợi trùng lấp nhau khi nói đến vần đề an toàn vũ khí hạt nhân, hạn chế các loại vũ khí sát thương hàng loạt, chống khủng bố, vấn đề Bắc Cực, những vấn đề trong vùng như Iran và Afghanistan. Các biện pháp chế tài về tài chánh và năng lượng cần thiết cho sự ngăn trở; nhưng chúng ta cũng có những quyền lợi thực sự được thăng tiến tốt nhất bằng sự giao dịch với Nga. Chẳng ai có lợi lộc gì do một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.

Hoa Kỳ không bị suy thoái. Nhiệm vụ trước mắt của chính sách đối ngoại cho Trump sẽ là điều chỉnh lại sự cường điệu ngôn ngữ của mình và tái khẳng định với các đồng minh của Hoa Kỳ và các quốc gia khác sự duy trì vai trò của mình trong trật tự thế giới tự do.

Nguyên tác: Donald Trump’s Foreign-Policy Challenges, Joseph S. Nye
Trích từ: https://www.project-syndicate.org/
Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Anh

_____________

Joseph S. Nye, Jr., là cựu cố vấn Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và chủ tịch của Hội Ɖồng Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ, giáo sư Ɖại Học Harvard. Ȏng là tác giả của tác phẩm Is the American Century Over? (Thế Kỷ Của Hoa Kỳ Ɖã Tàn Phai?)

Chú thích

(1) Từ kinh tế: trong một hệ thống kinh tế - của Trung Quốc chẳng hạn - nhà nước kiểm soát những khu vực then chốt và cho phép tư nhân kiểm soát một cách giới hạn các khu vực khác (NTQA)


Cái Đình - 2016