Phạm Ðình Lân


Những khó khăn bao vây Putin

Vladimir Putin sinh năm 1952, tuổi Nhâm Thìn. Ông được cách ‘Nam Nhâm, Nữ Quí’ với tuổi con rồng, một con vật tưởng tượng có sức mạnh ghê gớm nhưng cũng gây tác họa khủng khiếp. Từ một sĩ quan Mật vụ KGB thời Cộng Sản, Putin vươn lên thành một nhà lãnh đạo có tầm vóc quốc tế từ năm 1999 đến nay trong các chức vụ thủ tướng và tổng thống nước Nga thời hậu Cộng Sản.

Năm 2012 ông đắc cử tổng thống Nga trong nhiệm kỳ ba (1). Ông không che giấu được chánh sách độc tài của mình khi đưa ba thiếu nữ trong ban nhạc Pussy Riot ra tòa lãnh án tù vì dám trình diễn những bản nhạc chống Putin trước nhà thờ Chính Thống Giáo ủng hộ Putin trong cuộc bầu cử năm 2012. Việc xử án và giam cầm ba nữ ca sĩ Nadezhda Tolokonnikova, Yekaterina Samutsevich và Maria Alyokhina gây một phản ứng bất lợi cho Putin trong cộng đồng thế giới. Ngày 10-10-2012 Yekaterina Samutsevich được tự do trong khi hai người kia bị giam cầm ở hai khám đường ở hai địa điểm khác nhau.

Những khó khăn bao vây Putin hiện nay là Thế Vận Hội Mùa Ðông ở Sochi vào ngày 07-02-2014, những cuộc biểu tình chống chánh quyền Ukraine thân Nga và việc chấm dứt nội chiến ở Syria.

Khó khăn thứ nhất: Syria

Cuộc nội chiến Syria kéo dài ba năm nay làm cho tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhức đầu vì có trên 130.000 người bị chết và 07 triệu người tỵ nạn sống thiếu ăn, thiếu nước, thiếu thuốc men ở các quốc gia láng giềng. Tổng thống Bashar Assad được Nga, Iran yểm trợ đắc lực. Nga có mặt ở một hải cảng của Syria. Nga có bang giao tốt với Syria từ thời Sô Viết. Họ bán võ khí, xe tăng, phi cơ và huấn luyện phi công cho Syria. Iran giúp Assad vì cùng phái Hồi Giáo Shiite và xem Syria là cửa ngõ để Iran phát huy ảnh hưởng ở Trung Ðông và vùng Ðịa Trung Hải. Iran cung cấp võ khí cho Hezbollah ở Nam Lebanon qua ngã Syria. Vì vậy Hezbollah đưa người sang giúp cho Assad chống phe nổi dậy gồm người Hồi Giáo Sunni trong nước lẫn ngoài nước. Ngoài ra trong hàng ngũ phe nổi dậy còn có cả khủng bố Al Qaeda nữa. Cuộc nội chiến Syria trở nên phức tạp vì có nhiều màu sắc khác nhau: chánh trị (chống chánh sách cai trị của nhà độc tài cha truyền con nối Assad), tôn giáo (khác biệt giữa Hồi Giáo Sunni và Shiite), quốc tế (khủng bố Al Qaeda, Hồi Giáo Sunni ngoài Syria, Hezbollah <Hồi Giáo Shiite từ Lebanon đến>). Tháng 08 vừa qua Hoa Kỳ suýt tấn công Syria vì Assad dùng võ khí hóa học giết hại thường dân kể cả trẻ em. Putin thành công trong việc bảo vệ Assad và Syria không bị Hoa Kỳ tấn công và giúp Hoa Kỳ vượt qua cảnh khó xử bằng cách đề nghị giải giới võ khí hóa học của Syria. Tháng 06 năm 2013 một hội nghị quốc tế được triệu tập ở Geneva để tìm một giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến Syria. Hội nghị chưa có kết quả cụ thể nào. Ðó là hội nghị Geneva I. Ngày 22-01-2014 hội nghị Geneva II được triệu tập với sự hiện diện của Ngũ Cường trong tổ chức LHQ và 25 quốc gia khác đa số là các quốc gia Hồi Giáo. Thoạt tiên tổng thơ ký LHQ Ban Ki Moon mời Iran tham dự hội nghị Geneva II nhưng bị phe nổi dậy chống đối kể cả Hoa Kỳ. Chánh phủ Syria tham dự hội nghị do áp lực của Nga. Phe nổi dậy ngoại trừ nhóm khủng bố có liên hệ đến Al Qaeda tham dự hội nghị do sự thúc đẩy của Hoa Kỳ. Ban Ki Moon đình chỉ việc mời Iran tham dự hội nghị khiến tổng trưởng Ngoại Giao Nga Lavrov và thủ tướng Medvedev cho rằng hội nghị không thể thiếu sự có mặt của Iran được. Hội nghị bắt đầu với những khó khăn tiên khởi. Ðó là điều kiện tiên quyết về sự không có mặt của Assad trong chánh phủ chuẩn tiếp đặc trách việc tổ chức bầu cử trong tương lai. Giữa Hoa Kỳ và Nga chưa có điểm chung về vai trò và sự vắng mặt của tổng thống Assad trong chánh phủ chuẩn tiếp. Nếu Assad ra đi, đó là sự thất bại của Nga. Sự hiện diện của Nga ở cảng Tartus, ảnh hưởng và quyền lợi của họ ở Syria sẽ xóa mờ. Nhưng sự ra đi của nhà độc tài Syria cũng không đảm bảo hòa bình trong vùng nhất là đối với ba quốc gia láng giềng như Do Thái, Lebanon và Iraq. Mùa Xuân Ả Rập hay cách mạng Hoa Lài không mang lại dân chủ, phồn vinh và hòa bình cho các quốc gia Hồi Giáo ven Ðịa Trung Hải nhưng gây ít nhiều thiệt hại cho Nga ở Libya và có thể ở Syria nữa.

Khó khăn thứ nhì: Ukraine

Ukraine là một cựu Cộng Hòa Sô Viết có liên hệ địa lý, lịch sử, tôn giáo và chủng tộc với Nga. Ukraine độc lập sau khi Liên Sô sụp đổ năm 1991. Từ khi độc lập đến nay kinh tế nước này chưa được vững mạnh. Về chánh trị dân chúng ở đông bộ Ukraine vẫn còn hướng về Nga. Trái lại dân chúng ở tây bộ hướng về Liên Hiệp Âu Châu (EU). Năm 2004 người Ukraine vùng lên trong cuộc cách mạng Da Cam chống cuộc gian lận bầu cử tổng thống do Viktor Yanukovych gây ra. Cuộc cách mạng Da Cam thành công. Yushchenko được bầu làm tổng thống. Bà Yulia Tymoshenko được bổ nhiệm làm thủ tướng. Ðến năm 2010 Viktor Yanukovych, một nhà chánh trị thân Nga bị tố gian lận trong cuộc bầu cử năm 2004, đắc cử tổng thống. Tháng 11 năm 2013 Liên Hiệp Âu Châu chấp nhận Ukraine gia nhập vào Liên Hiệp nhưng tổng thống Yanukovych thờ ơ. Ông hướng về Nga và ký thỏa ước kinh tế với Nga. Dân chúng Ukraine biểu tình chống lại đường lối của tổng thống Yanukovych. Cuộc biểu tình càng lúc càng trở nên bạo động. Người biểu tình đòi tổng thống Yanukovych từ chức giống như những người biểu tình ở Bangkok, Thái Lan, đòi nữ thủ tướng Yingluck do dân bầu phải từ chức. Những người biểu tình là những người ủng hộ nữ thủ tướng Yulia Tymoshenko (thân Liên Hiệp Âu Châu) hiện bị cầm tù vì tội tham nhũng, đảng viên đảng Tổ Quốc của Arveniy Yatsenyuk và đảng Udar do Vitaly Klitschko, một cựu võ sĩ, đứng đầu. Trong số những người chống chánh phủ có những thành phần hữu phái cực đoan, bài ngoại, bài Do Thái, hay khuynh hướng Tân Quốc Xã. Cuộc biểu tình có vẻ quyết liệt mặc cho cảnh sát mạnh tay đàn áp và bộ Nội Vụ ra lịnh cấm biểu tình. Trời băng giá nhưng hàng trăm ngàn người vẫn xuống đường. Họ giật sập tượng của Lenin, đập phá chướng ngại vật do chánh quyền dựng lên, đốt vỏ xe hơi. Thủ đô Kiev rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Người Ukraine kỷ niệm 80 năm HOLODOMOR tức bị nạn đói diệt chủng do Stalin gây ra cho tiền nhân họ trong thập niên 1930. Hàng chục triệu người chết đói. Trí thức, lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo chánh trị Ukraine bị Stalin thủ tiêu. Tiếng Ukraine không được dậy trong trường học. Putin là người ngưỡng mộ Stalin. Ông nội của ông nấu bếp cho nhà độc tài này. Ðó là nguồn gốc sâu xa của những cuộc biểu tình của người Ukraine muốn xa lánh chánh sách thân Nga của chánh phủ Ukraine hiện nay. Việc giật sập tượng Lenin sau 20 năm độc lập của Ukraine nói lên ước muốn đó. Những người biểu tình cho rằng họ không thể hy sinh TỰ DO của họ để hưởng chất đốt rẻ của Nga. Khí thế của phe biểu tình chống chánh sách thân Nga quá mạnh đến nỗi tổng thống Yanukovych đề nghị giải tán chánh phủ để bổ nhiệm thủ lãnh đảng Tổ Quốc là Arseniy Yatsenyuk làm thủ tướng và thủ lãnh đảng Udar là Vitaly Klitschko làm phó thủ tướng!

Nếu phe thân Liên Hiệp Âu Châu thắng thế thì NATO (North Atlantic Treaty Organization: Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương) có mặt ở Ukraine sát nách Nga. Việc Nga sử dụng các hải cảng, quân cảng trên Hắc Hải sẽ bị hạn chế.

Khó khăn thứ ba: Thế Vận Hội Mùa Ðông ở Sochi

Năm 1980 Liên Sô tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè thất bại nặng nề vì bị các nước dân chủ Tây Phương tẩy chay do việc xâm lăng Afghanistan mà ra. Tháng 02 năm 2014 Nga là quốc gia tổ chức Thế Vận Hội Mùa Ðông ở Sochi. Nga cố gắng để xứng đáng là một đại cường góp mặt trong các vấn đề trọng đại trên thế giới. Ít ra năm 2008 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thành công trong tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè. Nga phải làm một cái gì để thu lợi đồng thời tạo uy tín quốc tế dưới sự lãnh đạo của Putin. Nga đầu tư 50 tỷ Mỹ kim trong việc tổ chức Thế Vận Hội Sochi này (mở rộng đường xá, tân trang phi trường, xây thêm khách sạn, lập đường trượt tuyết v.v...). Thợ xây cất làm việc 24/24 và 7 ngày/tuần. 70.000 nhân viên được huy động để phục vụ cho Thế Vận Hội. Thế Vận Hội Sochi là niềm hãnh diện dân tộc trong lịch sử Nga. Vì Thế Vận Hội mà Putin phải tỏ thái độ hiền hòa đối với những người đồng tính. Ông trả tự do cho nhà tỷ phú Michail Khodorkovsky. Ông này dám chống lại Putin và bị cầm tù 10 năm (2003- 2013). Khi được tự do ông vội vã sang Ðức viện lẽ thăm mẹ ông sống ở đó! Thực tế có lẽ ông quá sợ cảnh tù tội ở Nga dù đó là nhà tù của Nga hoàng Nicholas II, của Lenin, Stalin hay của Putin. Tất cả đều khủng khiếp như nhau. Putin cũng ra lịnh thả hai nữ ca sĩ trong ban nhạc Pussy Riot là Nadezhda Tolokonnikova và Maria Alyokhina. Vừa ra khỏi cửa khám cô Nadezhda Tolokonnikova la lên: “Nước Nga không Putin!

Từ 15-10 đến ngày 29 và 30 tháng 12 năm 2013 bom tự sát nổ ở thành phố Volgograd 3 lần. Volgograd cách Sochi 600 km. Hai cuộc nổ bom ngày 29 và 30-12 vừa qua làm thiệt mạng 34 người và bị thương 86 người. Nhóm Hồi Giáo Vilayat Dagestan nhận trách nhiệm về hai vụ nổ bom này và đe dọa sẽ còn cho nổ thêm nữa tuy không nói là nổ ở nơi nào và lúc nào nhưng các quan sát viên lo ngại khủng bố có thể nhắm vào Thế Vận Hội Mùa Ðông ơ Sochi, một thành phố nghỉ mát ở miền đông Hắc Hải và nằm về phía tây dãy Caucasus trong khi Dagestan, nơi có nhiều tín đồ Hồi Giáo, nằm ở phía bắc dãy núi này.

Sự lo ngại khủng bố tấn công Thế Vận Hội Mùa Ðông làm cho thế giới không quan tâm và bàn bạc nhiều đến Thế Vận Hội Sochi sẽ tổ chức vào ngày 07-02 đến 23-02-2014 này. Hoa Kỳ đề nghị hợp tác với Nga trong việc bảo vệ an ninh cho Thế Vận Hội nhưng Nga khước từ. Ba tuần lễ trước khi Thế Vận Hội khai mạc còn 30% vé không bán hết. Ban tổ chức dự trù bán 1,1 triệu vé nhưng số vé còn tồn đọng là 330.000 vé trong khi chỉ còn 03 tuần nữa Thế Vận sẽ khai mạc. Thế Vận Hội Vancouver năm 2010 bán 1,5 triệu vé tức 97% vé đã in.

Ngày 25-01-2014 bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Hagel, đưa ra kế hoạch cứu lực sĩ và khán giả Hoa Kỳ ở Thế Vận Hội trong trường hợp an ninh xấu nhất. Người ta ước lượng có 10.000 người Hoa Kỳ có mặt trong Thế Vận Hội với tư cách khán giả. Vì vậy, theo ông bộ trưởng Hagel, có thể phải dùng đến tàu Hải Quân vào Hắc Hải mới đủ khả năng cứu giúp người Hoa Kỳ.

Về phía Nga người ta lạc quan về tình hình an ninh Thế Vận Hội. Tổng thống Obama không dự Thế Vận Hội. Nhưng Nga cho biết có 60 vị lãnh đạo quốc gia tham dự Thế Vận Hội trong ngày khai mạc. Thủ tướng Abe của Nhật hứa với Putin ông sẽ tham dự.

Tháng 02 năm 2014 trên thế giới có những sự kiện quan trọng đầy thử thách như:

  1. An ninh Thế Vận Hội Mùa Ðông Sochi. Nếu Thế Vận Hội Mùa Ðông Sochi thất bại, uy tin của Putin xuống thấp. Nó ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế Nga.
  2. An ninh cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập
  3. An ninh cuộc bầu cử ở Thái Lan (bị đình hay không tổ chức được). Phe biểu tình chống chánh phủ nhất quyết đòi nữ thủ tướng Yingluck phải từ chức. Họ không muốn bầu cử vì thấy trước sự thắng cử của nữ thủ tướng, lý do là gia đình họ Shinawatra được đông đảo người nghèo và nông dân miền Bắc Thái ủng hộ. Nếu tình trạng bất ổn kéo dài quá lâu, quân đội có thể đảo chánh như đã làm năm 2006 gần đây với Thaksin Shinawatra, anh của nữ thủ tướng Yingluck. Phe biểu tình cho rằng chánh phủ của bà Yingluck do Thaksin điều khiển trong bóng tối. Phe chống Yingluck Shinawatra gồm những người bảo hoàng, tư sản, trí thức giàu có, tướng lãnh trong quân đội. Hầu hết họ là thị dân đối lại với nông dân ủng hộ Yingluck ở miền Bắc.
  4. Phe chống chánh phủ ở Ukraine đòi tổ chức bầu cử. Không biết yêu sách này có kết quả hay không.

Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.

__________________

(1) Hiến pháp Nga chỉ cho tổng thống đương nhiệm tái tranh cử một lần mà thôi. Năm 2008 Putin đưa Medvedev ra tổng thống để ông giữ chức thủ tướng. Năm 2012 ông ra tranh tổng thống và đắc cử. Lần thứ ba làm tổng thống Putin được giữ chức vụ này trong 06 năm theo sự tu chính hiến pháp trước khi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

 


Cái Đình - 2014