Đoàn Viết Hoạt
Nhận định về tình hình trong nước hiện nay
.
Tình hình trong nước hiện nay khác rất xa với cách đây 10, 20 năm.
Từ hơn 10 năm nay, tôi thường theo dõi, liên lạc, thảo luận với nhiều người, thuộc nhiều nhóm khác nhau, kể cả trong đảng CS, thuộc nhiều lứa tuổi. Từ những kinh nghiệm và hiểu biết này tôi có một số nhận xét như sau:
Trước hết tôi thấy hiện nay tại Việt Nam có 2 quan điểm chính trị ở 2 tầng khác nhau, một là trên mặt tầng, của đảng và nhà nước, và hai là dưới đáy tầng xã hội, của quần chúng. Tình hình đã bắt đầu đa dạng, không còn “nhất trí, một lòng vì đảng” như cách đây 10, 20 năm nữa. Mỗi tầng chính trị này cũng đều không thuần nhất. Trên mặt tầng, nhìn bề ngoài thì có vẻ vẫn ổn định, vững vàng, nhưng bên trong ít nhất cũng có hai khuynh hướng, một là chính thống, nghĩ và nói theo lãnh đạo, dù bên trong có còn tin tưởng tuyệt đối vào lãnh đạo như trước đây nữa hay không thì khó mà biết; hai là nghĩ khác lãnh đạo rồi nhưng chưa dám nói công khai (dù có thể nói với những người tin cậy), chưa dám nói khác hay chống lại vì sợ mất quyền lợi và có thể cả sinh mạng. Có nhiều người, thường là trí thức có tên tuổi, dù vẫn còn là đảng viên, dù không chống lại đảng, nhưng đã công khai nói lên những quan đểm chính trị khác với lãnh đạo đảng, như mới đây 127 trí thức, nhà giáo, nhà văn cùng nhau gửi Bộ Chính Trị thư góp ý về bản Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại Hội XIII của đảng CS, hay góp ý của CLB Lê Hiếu Đằng, một tổ chức đã tồn tại từ nhiều chục năm nay. (1)
Ngoài đảng, trong xã hội, thì những tiếng nói khác biệt với, và cả chống đối lại, những quan điểm của ban lãnh đạo đảng, được phổ biến công khai trên mạng. Hệ thống thông tin điện tử toàn cầu đã tạo ra một không gian tự do thông tin và tư tưởng mà dù đảng có tìm mọi cách để ngăn chặn, như tạo bức tường lửa, nhưng giới trẻ trong nước vẫn có đủ khả năng để vượt qua được. Về phía đa số quần chúng, giới binh dân, họ có thể tự do xây dựng cuộc sống của họ miễn không chống lại chế độ. Không gian họat động tự do của họ ngày càng được mở rộng vừa vì nhu cầu phát triển đất nước, vừa vì giao lưu quốc tế ngày càng dễ dàng. Chỉ cần quan sát việc cứu trợ nạn lụt miền Trung hiện nay chúng ta đã thấy, người dân chủ động đến với nhau và giúp đỡ nhau như thê nào. Người Việt hải ngoại, dù chống Cộng cực đoan đến đâu, trước cảnh thân nhân lâm nạn, không thể không cứu giúp, hỗ trợ, có khi còn tích cực và hữu hiệu hơn chính quyền sở tại. Một xã hội của người dân và do người dân xây dựng đang hình thành ở trong nước và giữa trong và ngoài nước, không chống lại chính quyền nhưng độc lập với chính quyền và không cần đến chính quyền. Một xã hội dân sự trong thực tế đang ra đời, và nếu giới “đấu tranh” biết vận dụng, có thể chuẩn bị cho một môi trường và một thế đứng mang tính dân chủ (của dân và do dân), cho cuộc vận động dân chủ hóa hiện nay, và cho việc xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ trong thời kỳ hậu cộng sản. Và từ nhiều năm nay nhiều nhóm hoạt động trong nước đang âm thầm thực hiện việc này, đưa cuộc “đấu tranh” sang một giai đoạn mới với những mục tiêu và phương thức mới phù hợp tình hình trong nước hơn. Theo chúng tôi cần chuẩn bị cho những gì có thể sắp và sẽ xẩy ra, nếu không chúng ta có thể sẽ trở tay không kịp với những “đổi mới” của ban lãnh đạo CS, như trước đây, tạo cơ hội cho ban lãnh đạo cộng sản tiếp tục giữ được vị thế chủ động.
Để có được những chuẩn bị thích hợp và kịp thời, chúng ta thử dự liệu xem ban lãnh đạo cộng sản có thể tiếp tục “đổi mới” như thế nào? Theo tôi hiện nay họ đã nới lỏng phần nào không gian “bất đồng chính kiến” rồi, để cho những tiếng nói không thuận với đảng được phổ biến mà không đàn áp bắt bớ miễn ôn hòa không kêu gọi lật đổ, không công kích các nhà lãnh đạo. Họ nhằm 2 mục tiêu, một là tạo môi trường cho bộc lộ hết các cá nhân, nhóm có các ý kiến bất đồng, và hai là để chuẩn bị các phương án đối phó thích hợp và hữu hiệu, hoặc vô hiệu hóa hoặc dẹp bỏ. Trong thời gian chuẩn bị cho Đại Hội đảng, như những lần trước, họ kêu gọi góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị của đảng. Ngoài Thư Gửi Bộ Chính Trị của 127 người có tên tuổi, và góp ý của Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm cộng sản miề Nam hậu thân của nhóm Cựu kháng chiến Nguyễn Hộ, chúng ta còn thấy xuất hiện nhiều bài khác trên mạng, như bài viết của bác sĩ Nguyễn Đan Quế đưa ra một quan điểm chính trị hoàn toàn khác với quan điểm cộng sản, hoặc bài viết coi trường đảng như trường lú lẫn. (2)
Trong chiều hướng này những ý kiến “đối trọng” (chưa đủ mức “đối lập”) ôn hòa, không có tổ chức, hay tổ chức lỏng lẻo ít thành viên, sẽ được “làm ngơ” cho phổ biến, tất nhiên, chỉ trên mạng. Ban lãnh đạo cộng sản cũng có thể dự trù trường hợp một lực lượng đối lập có tổ chức có thể xuất hiện, xuất phát từ trong số những cán bộ, đảng viên bất đồng. Tức là họ có thể tạo ra, hoặc cho phép ra đời một đảng đối lập “thân hữu, anh em”, vừa đáp ứng yêu cầu đối ngoại với Tây phương, vừa như một cách để giải tỏa những ức chế chính trị trong nội bộ đảng, và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, bế tắc trong chủ trương đường lối kiến thiết hiện nay mà ho cũng thấy là đã lỗi thời. Với giải pháp này họ sẽ chỉ cho phép một đảng đối lập, và có thể triệt tiêu hay gây khó khăn và làm chậm lại sự xuất hiện đối lập thứ hai của phe không hay chống cộng sản.
Đây là kế sách rất táo bạo, và tôi không ngạc nhiên nếu nó xẩy ra, nếu nhìn lại cách hành xử nhiều mưu mô thủ đoạn của những người cộng sản Việt. Tuy nhiên, khách quan mà nói, tôi chưa thấy nó có thể xẩy ra trong ngắn hạn vì tình thế chưa bắt buộc, và ban lãnh đạo cộng sản chắc chắn còn e ngại rằng họ có thể mất dần thế chủ động. Chưa kể có thể gặp phản ứng can thiệp của Trung cộng vì họ không muốn có thêm “ổ” phản kháng ngoài Đài Loan và Hồng Kông đang gây khó khăn cho họ. Tuy nhiên, hiện nay, mở rộng hơn không gian “tự do” (trong những lãnh vực còn kiểm soát được) đang là đối sách của họ.
.
Đoàn Viết Hoạt
_____________
(2) Nguyễn Đan Quế:
Nguồn: Chuyển Hóa, 04/12/2020
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/nhandinhvetinhhinhtrongnuoc.htm