Nguyễn thị Quỳnh Anh
Người mơ Hòa Bình
.
Tám năm dài Obama đã dồn nỗ lực cho lý tưởng của mình để mong trở thành vị “tổng thống Hòa Bình” đầu tiên của Hoa Kỳ.
Ȏng sẽ cảm thấy nản lòng như thế nào khi giờ đây một đồng minh trung thành là Phi Luật Tân đã quay lưng lại.
Tổng thống Barack Obama trong một phiên họp kín với các nguyên thủ quốc gia trong khối ASEAN (2012)
Barak Obama - bước nhảy sang Á Châu
Trong giờ phút cuối thì đến lượt quốc gia khiêm nhường là Lào. Vào tuần lễ sau cùng của ông trên đất nước Á Châu trong tư cách tổng thống Hoa Kỳ, Obama đã hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ dọn dẹp tất cả những trái bom đã rơi ở Lào trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Những quả bom này vẫn còn gây ra nhiều nạn nhân cho đến ngày hôm nay. Sau bốn mươi năm đã đến lúc cao điểm cho sự giúp đỡ của Hoa Kỳ mặc dù những vết thương cũ chưa hoàn toàn lành lặn, tổng thống Obama đã nhỏ nhẹ cho biết điều đó.
Gieo trồng thiện ý nơi kẻ thù xưa – việc đó thích hợp với điều được xem như đặc điểm chính yếu của chính sách đối ngoại của tổng thống Obama: “xoay trục” sang Á Châu. Sau hai trăm năm dài hầu như chỉ hướng về Âu Châu, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố vào năm 2010 rằng sự quan tâm trên hết nên hướng về phần thế giới theo như các phân tích là sẽ có tiếng nói quyết định về mặt chính trị và kinh tế trong những thập niên tới. Nơi mà sự tăng trưởng lớn nhất – của dân chúng cũng có nghĩa là của thị trường – có thể được người ta trông chờ.
Hồi tỉnh lại từ sự can thiệp tốn kém ở Trung Ɖông và nghi ngại về phía Âu Châu lúc nào cũng chia rẽ, gập ghềnh từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, Á Châu trở nên lý tưởng cho Obama để có thể ăn mừng sự lạc quan tận xương tủy của Hoa Kỳ. Nơi đây các thị trường có thể được mở ngỏ cho sự đầu tư của công ty Hoa Kỳ – và biết đâu những nguyên tắc dân chủ và nhân quyền sẽ được truyền đạt đến con người ở đây. Trong mọi trường hợp có nhiều cơ hội cho sự hòa giải với kẻ cựu thù và thắt chặt hơn bang giao với các cựu đồng minh, Nhật và Nam Hàn trên hết. Obama, đứa con của đất Hạ Uy Di nằm bên bờ Thái Bình Dương, đã tuyên bố ước vọng muốn được trở thành vị “tổng thống Hòa Bình” đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc.
Giờ đây, gần đến giai đoạn chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống thì câu hỏi được đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra? Từ “xoay” trong lúc này đã bị Tòa Bạch Ốc từ bỏ không sử dụng bởi vì rõ ràng là nó gợi lên nỗi lo sợ bị bỏ rơi của các đồng minh Âu Châu. “Tái cân bằng” là ngôn từ hiện nay của Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên từ ngữ này không xóa mờ được nội dung của chiến lược vẫn luôn được bảo vệ một cách mạnh mẽ và sự thực hiện nó đã được ca ngợi. Một “thành công lịch sử”, Michael Fuchs đã viết mới đây trong một tiểu luận phổ biến trên New Republic. Ɖã từng là cựu cộng tác viên soạn thảo chính sách Á Châu của Obama, trong lúc này trực thuộc viện nghiên cứu cấp tiến Center for American Progress thì ông Fuchs chưa phải là một tư tưởng gia khách quan nhất nhưng các luận cứ do ông đưa ra phần lớn có giá trị.
Rất đúng khi ông cho rằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Á Châu trong thời gian sau tổng thống Bush đã bị suy giảm. Đó là do bởi cuộc khủng hoảng tài chánh nên Hoa Kỳ chỉ bận rộn với chính mình. Trong lúc đó Trung Quốc phát triển – càng mạnh mẽ thêm nhờ tổ chức thành công Thế Vận Hội – ảnh hưởng của mình ở Á Châu một cách vững chắc. Trong vòng tám năm sau, ông Fuchs đã lạc quan nhận thấy rằng Hoa Kỳ thành công trong liên hệ bang giao tốt hơn với một số lớn quốc gia. Miến Ɖiện, trong thời kỳ dưới sự lãnh đạo của các tướng lãnh quân phiệt, chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhiều năm, sau bầu cử đã đặt những bước tiến hướng về Hoa Kỳ và Tây Phương; Việt Nam, cựu thù và vẫn còn là quốc gia cộng sản, đã hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và được tưởng thưởng với việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Cả về những liên hệ với Mã Lai, Phi Luật Tân, Nhật, Nam Hàn và Úc ít nhiều những phê phán thuận lợi có thể được công bố sau tám năm Obama. Ngoại giao là nền móng được thực hiện cho những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại, ông Fuchs đã reo mừng như thế.
Con voi Trung Quốc
Nhưng điều trên được tính toán bên ngoài con voi trong căn phòng Á Châu: Trung Quốc. Nhất là sau khi Tập Cận Bình là tổng bí thư vào đầu năm 2013 thì quốc gia này đã dứt khoát cho mọi người thấy mình là một cường quốc trong vùng. Sự trung thực phải được nói lên ở đây, rằng câu chuyện lớn về những năm “xoay trục” ở Á Châu không được viết bởi Obama mà là do lãnh tụ Trung Quốc. Ȏng này đã đánh thức chủ nghĩa quốc gia, cái mà trong chính sách đối ngoại của ông được diễn dịch trong thành ngữ: một cường quốc đang lên phải có một tầm ảnh hưởng lớn hơn, bắt đầu ở trong vùng của mình. Với việc giành chủ quyền trên Biển Ɖông, một dãy các quốc gia láng giềng từ Nhật qua Việt Nam cho đến Phi Luật Tân đều bị dồn vào thế kẹt. Nhất là việc giành chủ quyền lại đi đôi với việc xây dựng các đảo nhân tạo và các chuyến du lịch của lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc ở các địa điểm bị giới hạn cho những kẻ khác. Chiến thuật “thay đổi các sự kiện trên mặt đất” thoạt nhìn dường như không phải hoàn toàn bất lợi cho Hoa Kỳ; các quốc gia như Phi Luật Tân và Việt Nam đều đi tìm sự hợp tác cao độ với Hoa Kỳ.
Nhưng Trung Quốc có thể thật sự bị ngăn trở như thế nào thì Hoa Kỳ đã và hiện giờ vẫn chưa có câu trả lời. Với tàu chiến hải quân tuần hành qua các đảo nhân tạo và tuyên bố “tự do hàng hải”? Ɖiều đó không thể nào thuyết phục các đồng minh Á Châu. Kể cả ngọn gió thuận chiều mà Hoa Kỳ và các đồng minh nhận được vào tháng 6 vừa qua cũng không mạnh mẽ lắm. Khi đó Tòa Trọng Tài ở the Hague, Hòa Lan đã bác bỏ việc giành chủ quyền của Trung Quốc trong một phiên tòa do Phi Luật Tân thưa kiện. Một bản án quan trọng nhưng nó rất khó diễn dịch trong sự đẩy lui Trung Quốc bởi một sự kiện là tân tổng thống Phi Luật Tân Duterte trước hết muốn kết bạn với Trung Quốc. Ɖiều này là một mong ước dễ hiểu thật sự của tất cả đồng minh Á Châu của Hoa Kỳ. Trong những mức độ khác nhau họ đều bị lệ thuộc về thương mại với Trung Quốc – và sự lệ thuộc này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới, kể cả nếu sự phát triển kinh tế của Trung Quốc giảm đi.
Câu trả lời mà Obama đã trình bày rõ ràng cho câu hỏi về lệ thuộc thương mãi có thể được tóm gọn trong ba từ: TPP (Trans-Pacific Partnership – Hiệp Ɖịnh Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương). Hiệp định thương mại này, đặc biệt không có sự tham gia của Trung Quốc, được dùng để thuyết phục các đồng minh Á Châu về phương diện chính trị cũng như kinh tế. Cùng đồng hành với Hoa Kỳ sẽ đưa đến nhiều hợp tác chính trị hơn, mức phát triển kinh tế cao hơn và chiếm được một vị trí lãnh đạo trên lãnh vực của các tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Trung Quốc chỉ chạy theo đuôi, đó là hy vọng của Tòa Bạch Ốc.
Các đồng minh Á Châu có thể thật sự tin tưởng vào điều này? Một đòi hỏi quá nhiều trong lúc cả hai ứng cử viên tổng thống Trump và Clinton đều cho biết muốn hủy bỏ hiệp định thương mại này.
“Cho những thân hữu của Hoa Kỳ thì việc phê chuẩn TPP chỉ là chuyện thử nghiệm sự tin cẩn của quí vị”, thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong đã phát biểu gần đây ở Washington. Nếu người Mỹ không còn giữ đúng các giao ước trên lãnh vực thương mại nữa thì sự bảo đảm an toàn của Hoa Kỳ còn có giá trị gì? “Nếu đó là một vấn đề sinh tử thì tôi phải lệ thuộc ai?” Tình trạng không rõ ràng về sự hứa hẹn của Hoa Kỳ khá lớn – đối với các đồng minh Á Châu của Hoa Kỳ thì sự “xoay” hãy còn lâu lắm mới có thể đủ thuyết phục họ.
Nguyên tác: Pacifische Dromer, Fokke Obbema
Trích từ: De Volkskrant, 09-09-2016
Người dịch: Nguyễn thị Quỳnh Anh