Đào Viên
Muốn gia nhập đoàn quân Thánh chiến
Tha thứ cho kẻ khủng bố là việc của Chúa. Tiễn chúng về với Chúa là việc của tôi.Vladimir Putin - Tổng Thống Nga
Lời nói đầu-
Sau cuộc đánh phá World Trade Center bằng phi cơ ngày 11 tháng 9, 2001, của nhóm khủng bố Al-Queda, tiếp theo là chiến cuộc tại Afghanistan và Iraq, cả một vùng Trung Đông gồm các nước Syria, Iraq, Turkey, Pakistan, là những quốc gia theo đạo Islam, trở nên rối loạn, không còn hòa bình như trước nữa. Người Muslim tập hợp nhau lại thành những tổ chức, những đảng phái chống người Tây phương, đôi khi họ còn chống lẫn nhau, người Sunni chống người Shiite. Al-Queda chỉ là một giáo phái Islam. Đáng kể nhất, cũng là quá khích đáng sợ nhất là giáo phái của người Sunni. Kể từ đó người Muslim Sunni đã thành lập ra những đoàn quân tự nhận là quân Thánh chiến Hồi giáo, sẵn sàng tử vì đạo. Họ tìm cách chiếm giữ những mảnh đất để biến thành đất Hồi giáo, theo luật lệ Sharia Hồi giáo, cai trị bởi một ông Đạo Caliph Hồi giáo. Ngoài ra, họ còn ra ngoài vùng chiếm đóng đánh phá các nước Tây phương reo rắc khủng bố kinh hoàng bất kể sống chết.
Mới đây ngày 13 tháng 11, 2015, tại Paris thủ đô nước Pháp nhiều cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra tại ít nhất 6 trọng điểm, do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS, Islamic State) làm 129 người thiệt mạng, gần 400 bị thương (gần 100 trong tình trạng nguy kịch).
Người ta đã tìm ra thủ phạm là một số người Bỉ. Bài viết dưới đây nói về một thanh niên người Bỉ muốn gia nhập đoàn quân Thánh chiến của Nhà Nước Hồi giáo Iraq và Syria ISIS (Islamic State of Iraq and Syria). Để cho rõ nghĩa trong bài viết này, nhiều danh từ Ả Rập được dùng trực tiếp :
- Jihad có nghĩa là cuộc Thánh chiến Hồi giáo
- Jihadi có nghĩa là người chiến sĩ Hồi giáo
- Islam có nghĩa là đạo Hồi hay Hồi giáo
- Muslim có nghĩa là người theo đạo Islam
- Imam hay Emir có nghĩa là ông Đạo giảng đạo Islam
- Jyza có nghĩa là thuế người ngoại đạo phải đóng cho chính quyền Hồi giáo.
- Sharia có nghĩa là Luật lệ Hồi giáo
- Kunya có nghĩa là bí danh
- Caliph có nghĩa là ông Đạo trưởng, Thủ lãnh cao nhất một vùng Hồi giáo
- Djellabah là một áo choàng dài và rộng có mũ, rất truyền thống tại Algeria và Maroc
***
Nhân vật chính
Năm 2009, Jejoen Bontinck chỉ là một cậu bé 14 tuổi, người Bỉ, rất thích nghệ thuật khiêu vũ của Mỹ nhất là nghệ sĩ Michael Jackson. Jejoen đã cùng với bố là ông Dimitri Bontinck đến thành phố Antwerp để tham dự một cuộc thi khiêu vũ của đài truyền hình Bỉ. Jejoen đã vận quần áo giống như tài tử Michael Jackson, tay cũng đeo găng trắng, rồi đi “Moonwalk” y như Michael Jackson trước sự hoan hô của cử tọa. Một trong 3 vị giám khảo là cô Veronique de Kock, một hoa khôi của nước Bỉ, công nhận Jejoen có tài và tiên đoán sau này cậu sẽ nổi tiếng.
Màn biểu diễn của Micheal Jackson: Xem Moonwalk tại phút thứ 0.48 và 1.37
Bốn năm sau, 2013, quả nhiên Jejoen được báo chí, giới truyền thông nói đến rất nhiều: không phải là một tài tử khiêu vũ mà ngược lại. Anh là người đã tham gia vào một chương trình khuyến khích những người trẻ Bỉ quốc, sang Syria, gia nhập đoàn quân chống chính quyền Bashar al-Assad. Người ta ước tính đã có khoảng bốn ngàn thanh niên Âu châu đã sang Syria chiến đấu, trong số này khoảng bốn trăm là người Bỉ và một trăm đến từ Hoa kỳ.
Jejoen là ai? tại sao anh biết đến chương trình này?
Nước Bỉ và nước Hòa Lan
Jejoen được sinh ra tại Nigeria. Mẹ anh là người Nigeria theo Thiên Chúa giáo La mã. Khi anh được một tuổi thì gia đình trở về Bỉ, thành phố Antwerp (tiếng Pháp là Anvers) và anh được bố mẹ cho vào học một trường nhà dòng Jesuit có tiếng là trường Our Lady College. Khi Jejoen được 15 tuổi anh học Toán rất dở cho nên anh phải vào học một trường kém hơn. Tại đây anh quen một cô gái người xứ Maroc. Cô ta là người Ả Rập theo đạo Islam. Cô giới thiệu đạo Islam với Jejoen. Ít lâu sau cô bảo anh là nếu còn muốn đi lại gặp mặt cô ta thì anh phải cải đạo sang đạo Islam. Sau một thời gian tìm hiểu Islam, ngày 1 tháng Tám 2011, ngày đầu tiên của Ramadan, Jejoen đến đền Hồi giáo De Koepel xim cải đạo thành người Muslim,
Chữ De Koepel có nghĩa là “Cái Vòm”. Đền này được thành lập từ năm 2005 tại thị xã Antwerp. Hồi đó, không có ông Imam nào giảng pháp bằng tiếng Bỉ-Hoà Lan. Bởi vậy người mới cải đạo như Jejoen bị khó khăn khi nghe pháp.
Mỗi thứ Sáu, tầng dưới của đền De Koepel là dành cho đàn ông và con trai đến cầu nguyện. Đàn bà và con gái phải lên tầng trên cầu nguyện và nghe một ông “Imam” nói pháp. Anh Jejoen từ ngày cải đạo, mỗi ngày anh đều lễ lạy và cầu nguyện 5 lần và rất chăm chỉ đến nghe ông Imam Sulayman Van Ael giảng pháp.
Sharia4Belgium
Ba tháng sau khi Jejoen cải đạo, một người láng giềng Ả Rập tên là Azeddine mời anh đến thăm trụ sở của một tổ chức Hồi giáo là Sharia4Belgium ở số nhà 117 đường Dam Bruggestraat. Tổ chức này thành lẩp trước đó không lâu, có mục đích là thay đổi xã hội Bỉ thành một xã hội Hồi giáo giống như thành phố Raqqa bên Syria hay Mosul bên Iraq, trong đó Thượng Hạ Viện được thay thế bằng một Hội đồng Hồi giáo Shura, Thủ tướng sẽ là một ông Caliph, mọi người dân sẽ phải cải đạo thành người Muslim, nếu không thì phải đóng thuế gọi là “jyza”
Fouad Belkacem
Người cầm đầu tổ chức Sharia4Belgium là Fouad Belkacem, 33 tuổi. Belkacem sinh ra tại Bỉ, bố mẹ là người Maroc. Hồi còn là một thanh niên, Belkacem là một tên du thủ du thực, mặc quần jean, đã từng bị bắt vì tội ăn cắp rồi bị bỏ tù. Ra tù anh ta làm nghề bán xe. Ngày nay Belkacem đóng vai ông đạo, một Imam, để râu dài, mặc áo choàng dài rộng, gọi là áo djellabah
Năm 2010, Belkacem sang Luân đôn gặp Anjem Choudary, một ông đạo Hồi giáo lãnh đạo một nhóm Hồi giáo lâu đời bên Anh, để học hỏi cách tổ chức Sharia4Belgium. Năm 2011 khi Jejoen đến Sharia4Belgium thì Belkacem đã đưa tổ chức này thành một nhóm quá khích. Nhóm này công nhiên đem quốc kỳ Hoa kỳ ra đốt để kỷ niệm cuộc đánh phá 9/11 bằng phi cơ tòa nhà World Trade Center. Belkacem còn cho đăng lên YouTube những bài pháp đòi đánh phá những người đồng tính luyến ái.
Một hôm Belkacem hỏi Jejoen anh đã sẵn sàng học tiếng Ả rập và kinh Koran chưa. Jejoen đồng ý thế là Belkacem tổ chức ngay một lớp huấn luyện 24 tuần về kinh Koran và đạo Islam. Giống như những người khác trong Sharia4Belgium, Jejoen được cho một tên Ả Rập là Sayfullah Ahlu Sunna, ngoài ra anh còn một tên bí danh Ả Rập khác gọi là “kunyas”. Giữa nhóm jihad với nhau, họ toàn dùng tên “kunyas” để dấu tung tích. Jejoen có “kunya” là Abu Assya. “Kunya” cuả Belkacem là Abu Imran.
Jejoen được dạy là thế giới được chia ra làm hai hạng người: Muslim và không phải là Muslim hay là Muslim và Infidels; có hai chế độ: một là Luật Sharia, hai là Dân Chủ (Democracy). Kể từ ngày ấy, Jejoen dành hầu hết thì giờ sinh hoạt với nhóm Sharia4Belgium. Anh còn được cho biết là không
Ông Dimitri Bontinck
nên chia sẻ với bố mẹ chuyện này. Khi Dimitri, bố Jejoen, hỏi anh đi đâu vắng nhà luôn vậy, anh trả lời đến nhà bạn chơi hay đi chơi game. Jejoen về nhà rất trễ, sáng không dậy sớm được, nên anh bỏ bê trách nhiệm trong nhà cũng như trong trường. Anh thấy nhiều bạn bè trong nhóm Sharie4Belgium bỏ học luôn
Ông Dimitri khám phá ra ông con đã gia nhập Sharia4Belgium vào cuối năm 2011. Một ông bố khác tên là Micheal Delafortrie có hai con mang tên hai lãnh tụ Al Queda, đã bị cảnh sát Bỉ bắt vì tội tìm cách bán một cây súng Kalashnikov trên mạng. Thế là Belkacem họp báo bênh vực cho Delafortrie. Hôm ấy Dimitri xem cuộc họp báo này trên TV mới thấy con mình là Jejoen đang ngồi cạnh Belkacem. Dimitri gọi Cảnh sát nói là con mình còn là vị thành niên và yêu cầu chính quyền gỡ con ra khỏi sự dụ dỗ của Belkacem. Tuy nhiên Cảnh sát cho biết họ không làm gì được.
Tháng Hai 2012, ông hiệu trưởng trường Trung học Jejoen đang học, báo cho Cảnh sát biết là trò Jejoen đang dọa sẽ “thanh trừng” – nghĩa là cải đạo – toàn trường. Ông tòa ra lệnh cho Jejoen phải đến gặp một vị cố vấn tinh thần để được khuyên nhủ bỏ ý nghĩ ấy đi. Ông Dimitri cho là vô ích bởi vì bà cố vấn đó không biết gì về đạo Islam, thì làm sao khuyên bảo Jojoen được. Hai vợ chồng ông Bontinck bèn đến trụ sở của tổ chức Sharia4Belgium để tìm xem có dấu hiệu gì là bất hợp pháp không. Cảnh sát Bỉ cũng đến khám xét nhưng không tìm thấy gì.
Một trong những chương trình huấn luyện của Belkacem là cho lũ thanh thiếu niên trong Sharia4Belgium xem video những bài giảng pháp của những ông Imam như Anwaral-Awlaki, người Hoa kỳ, những đoạn phim nói vế cuộc chiến tại Afghanistan, Chechnya của những jihadi được mô tả như những anh hùng tử vì đạo Islam chống bọn ngoại đạo. Belkacem còn thảo luận trong bưổi họp là các em sau này muốn đi chiến đấu ở đâu. Nhiều nơi như Lybia, Somalia, Seychelles đang thiếu jihadi. Ngồi nghe cả tháng nhửng lời tuyên truyền nhồi sọ, nhóm thanh thiếu niên Bỉ thấy làm một jihadi tử vì đạo là một chuyện bình thường.
Belkacem dành 4 tuần lễ cuối của lớp học cho chuyện mọi người phải biết trung thành với đạo hữu Muslims, cứ việc phản phúc với kẻ ngoại đạo. Những ai làm trái với lý tưởng Islam sẽ bị khai trừ khỏi đạo, từ đó mọi người phải biết nghe lời dạy bảo của cấp trên. Cuối khóa, mọi người phải qua một kỳ thi tốt nghiệp, trả lời những câu hỏi như: “Đạo Islam là đạo thế nào?”, “Có nên đi bầu không?“. Học trò trong lớp được dạy là không nên đi bầu vì bầu cử là một hình thức công nhận Dân Chủ, trái với Sharia.
Cảnh sát Bỉ đã tìm thấy một bài làm thi tốt nghiệp của một thanh niên có số điểm rất cao là 84%. Anh này hiện đang sống tại Raqqa, Syria thủ đô của Nhà Nước Hồi giáo
Sharia4Belgium đang sinh hoạt
Trong lớp học không bao giờ Belkacem bảo học viên phải sang Syria chiến đấu , nhưng giải thích rằng chiến đấu tử vì đạo là một nghĩa vụ cao cả của một người Muslim. Tuy nhiên Cảnh sát Bỉ vẫn bắt và tống giam Belkacem về tội khuyến khích hận thù. Sharia4Belgium không còn lãnh tụ, các thành viên của Sharia4Belgium không còn họp hành với nhau nữa.
Ra đi muốn làm Jihadi
Tháng Hai 2013, Jejoen vừa được 18 tuổi. Anh nằm mơ thấy Azeddine là người bạn đã giới thiệu anh tham gia tổ chức Sharia4Belgium. Hai người bạn đã không gặp nhau trên 5 tháng. Ít lâu sau Jejoen nhận được một cú điện thoại có ba số đầu là 963 là số điện thoại bên Syria. Người gọi chính là Azeddine. Anh hỏi bạn có những ai bên đó, Azeddine cho biết tất cả mọi người đã sang Syria rồi.
Sau đó Jejoen nói dối bố anh là muốn đi Amsterdam bên Hòa Lan, để thăm một người bạn. Anh dùng cái va li của bố anh để đựng những quần áo ấm, đem chăn để ngủ, đèn bấm và một cái ống nhòm. Một người bạn khác đang ở Syria bảo anh là hãy chờ ở biên giới giữa Thổ nhĩ kỳ và Syria, sẽ có người đến đón.
Ngày 21 tháng 2 anh rời nhà ra đi. Anh nghĩ một ngày nào đó anh sẽ tử vì đạo và sẽ được lên Thiên đàng. Anh rất tin tưởng lời dạy của Belkacem là làm một việc tốt sẽ xóa tan việc xấu mà tử vì đạo là việc tốt nhất trong các việc làm của người Muslim.
Đến phi trường Schiphol ở Amsterdam, Jejoen mải ăn hamburger nên lỡ chuyến bay đi Istambul nước Thổ nhĩ kỳ. Anh quên không mang theo hộ chiếu, nhưng với chứng minh thư là dân Bỉ nên không sao. Anh được bạn bè trong nhóm dặn là sẽ có hai bạn jihadi đến đón. Sau cùng anh gặp hai người Jihadi rồi tất cả lấy một chiếc xe buýt về Antakya là một thành phố ngay sát biên giới với Syria.
Sau cùng có một hướng dẫn viên đưa anh đến một làng nhỏ trên núi bảo ngồi chờ đó cùng với một số thanh niên khác, bao giờ có dấu báo hiệu qua được biên giới an toàn mới đi tiếp đươc. Sang đến Syria, anh liên lạc ngay với nhóm Sharia4Belgium đến đón. Đêm ngày 22 tháng Giêng anh lên một chiếc xe khác, và anh gặp lại được các bạn người Bỉ đã sang trước. Anh rất lấy làm lạ khi thấy họ có nhiều súng ống trên tay. Anh không dám hỏi là anh sẽ được phát súng như họ không. Chẳng bao lâu chiếc xe dừng lại trước một căn villa lớn kín cổng cao tường, trong thị trấn Kafr Hamra ngay sát thành phố Aleppo. Vào trong nhà anh Jejoen thấy rất nhiều bạn trẻ đến từ nhiều nước khác nhau Bỉ, Hòa Lan, Pháp, Tây Ban Nha. Thế rồi anh được đưa đến gặp ông Amr al-Absi, là ông Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Mujahideen Shura Council. Hội đồng này có trách nhiệm biến cải những vùng được chiếm đóng thành một vùng của Quốc gia Hồi giáo Syria. Anh Jejoen hỏi thăm mọi người mới biết ông Chủ tịch Hội đồng đã từng tham dự nhiều trận Thánh chiến. Ông ta bị thương khá nhiều, như gẫy xương sườn, chân bị bắn què, cho nên anh thấy ông ta đi lại khó khăn.
Ông Amr al-Absi và Houssien
Absi có gia đình trong thành phố Aleppo. Ông ta thực ra là người xứ Saudi Arabia, sinh năm 1979, di cư sang Afghanistan gia nhập nhóm phiến quân Al-Queda. Năm 2007 Absi sang Syria hoạt động cho Al Queda nhưng bị chính quyền Assad bắt. Bốn năm sau, tháng Sáu 2011, Absi được thả ra, để rồi trở thành lãnh tụ một đội quân Thánh chiến Jihad đồn trú tại thành phố Homs
Tại căn nhà villa Kafr Hamra, Absi chia bọn thanh niên mới đến thành hai nhóm khác nhau. Một nhóm là dân người Âu châu, trong đó có nhóm Sharia4Belgium. Nhóm kia là nhóm người Ả Rập. Tất cả không ai biết tên thật của Absi. Mọi người đều gọi ông ta là Ông Đạo Sheikh hay Emir hay bí danh “kunya” của ông là Abu Asir. Absi là người nắm giữ tiền bạc của Hội đồng. Ông mua sắm khí giới cho chíến sĩ Hồi giáo, trông nom đến sức khỏe cả nhóm kể cả tiền bệnh viện phí và tiền thuốc men
Absi chiếm lãnh một phương, một trang trại rộng lớn, tại đây Absi tổ chức những lớp huấn luyện 20 ngày: vừa tập thể dục vừa huấn luyện quân sự như cách dùng súng. Mỗi sáng mọi người phải chạy một tiếng rưỡi theo một huấn luyện viên người Ai cập. Tiếp theo là lớp dạy tháo súng ra lắp súng vào, tập trận giả trong hai tiếng đồng hồ. Nghỉ ngơi một chút rồi phải cầu nguyện song mới được dùng cơm. Chiều đến sẽ có những học giả đến giảng pháp, nói chuyện về kinh Koran, về Hồi giáo. Ngôn ngữ chính dùng trong lớp là tiếng Ả Rập, nhưng có những jihadi dịch sang tiếng Hòa Lan cho người Âu châu nghe. Đến tối nhóm Âu châu phải lãnh việc canh gác an ninh cho cả nhóm.
Tổ chức Hồi giáo của Absi hay đứng ra chặn đường bắt dân chúng người Syria hay người ngoại quốc để làm con tin phải chuộc tiền. Tùy theo đối tượng là những ai, tiền phải nộp để được thả ra thay đổi. Thông thường là 70.000 tiền euros, có khi lên đến cả triệu Đô la. Họ đã thả một người Armenian theo Thiên chúa giáo sau khi gia đình nộp 30.000 euros. Thế nhưng khi họ bắt được một người Ả Rập theo dòng Hồi giáo Shiite là họ giết liền. Giết người xẩy ra thường xuyên dường như để khống chế thường dân trong vùng.
Anh Jejoen trông thấy những cảnh tượng giết người, bắt cóc, thủ tiêu không thương tiếc, đã chỉ muốn bỏ về. Sang đến ngày thứ ba đến trại huấn luyện chiến sĩ Jihad, anh Jejoen được phát một cái băng đen buộc trên đầu với mầy hàng chữ Ả Rập mà anh không hiểu. Một hôm sau lễ cầu nguyện, anh hỏi một trong những lãnh tụ của nhóm là anh có thể trở về Bỉ đưọc không, vì anh đang ốm. Người chiến sĩ jihad tỏ ra rất ngạc nhiên nhưng trả lời là anh không thấy chi trở ngại. Thế nhưng Houssien Elouassiki, là cánh tay phải của Absi, tỏ ra không đồng ý. Houssien yêu cầu Jejoen đưa lại thẻ chứng minh thư và cái điện thoại di động. Jejoen đưa lại thẻ chứng nhận cho Houssien, nhưng không đưa điện thoại di động, lấy cớ là anh không có.
Sáng sớm ngày 3 tháng Ba 2015, là ngày thứ bẩy anh tới Syria, sau buổi lễ cầu nguyện đầu tiên trong ngày, Jejoen ngồi ăn sáng với người bạn là Azeddine và Houssien. Mọi người ăn vừa song, Azeddine và Houssien túm lấy anh, bể quặt tay anh ra sau, rồi dẫn anh đến một cái hầm đá, đưọc dùng làm một nhà tù, tại đây họ lấy dây xích sắt buộc chân anh lại. Họ cũng chẳng thèm nói tại sao họ phải làm vậy.
Hai tuần lễ sau, Houssien Elouassaki mới đến hỏi cung anh Jejoen. Houssien nói đến mấy cái text anh viết trong máy vi tính điện thoại di động để buộc tội anh. Hắn cũng chẳng nói bao giờ anh được thả. Thêm hai ba tuần sau, anh thấy có một số bạn bè khác trong nhóm Sharia4Belgium đến nhà tù và bảo cho anh biết là bố anh, ông Dimitri Bontinck, vừa mới tới, và hỏi anh làm sao Dimitri lại biết là anh đang ở đây?
Đi tìm con
Trở lại chuyện Dimitri Bontinck ở tại Bỉ. Sau khi biết là ông con trai đã nói dối bố đi Amsterdam, ông Dimitri tìm cách đi tìm Jejoen. Ông biết là nhiều thành viên của tổ chức Sharia4Belgium đã sang Syria và ông đoan chắc là Jejoen cũng đang ở bên đó. Một hôm, ông ta thấy một đoạn phim trên YouTube có hình ảnh nhiều chiến sĩ Hồi giáo jihadi trên một thửa ruộng có nhiều hoa hướng dương. Trong số những người này có một thanh niên trông giống Jejoen. Thế là ông ta quyết định sang Syria tìm con.
Nhà báo Narcisco Contreras
Ông đăng trên báo Bỉ quyết định này. Thế là có hai nhà báo là Joanie Rijke va Narciso Contreras đến gặp Dimitri để nói là họ muốn giúp. Hai nhà báo này đã từng sang Syria nhiều lần, làm quen với những kháng chiến quân địa phương, và viết nhiều bài báo về cuộc chiến ở đó. Đổi lại họ muốn được độc quyền viết bài phóng sự về cuộc đi tìm con vô tiền khoáng hậu này.
Sang đầu tháng Tư, cả ba người đã tới Syria, ở tại thành phố Aleppo.
Một tuần lễ sau, trong một đêm không trăng không sao, họ tới trước cửa nhà villa của Absi. Lính gác bảo hai nhà báo ở lại trong xe, chỉ một mình ông bố đi tìm con là được vào trong nhà. Vào đến nơi, Dimitri trông thấy nhiều bạn hữu của con mình, đầu chít khăn đen Hồi giáo, nằm ngồi ngổn ngang trong một căn phòng rộng, có đứa cầm súng AK-47 có đứa chơi game trên máy vi tính. Chưa thấy Jejoen đâu.
Absi ngồi trên một cái ghế đệm, vì chân còn đau, mời Dimitri đến gần để nói là trong này không có người nào là người Bỉ cả. Thất vọng Dimitri sửa soạn ra về thì Absi búng ngón tay ra hiệu thì ngay lập tức mấy tên chiến sĩ jihadi, chụp kín một cái khăn lên đầu Dimitri rồi bắt đầu khóa tay, cởi áo, tụt quần, đánh đập một hồi để lấy khẩu cung. Ai cho anh biết địa chỉ này? Có phải lả Jejoen đã cho anh biết căn cứ huấn luyện của chúng tôi không? Bọn này hỏi cung bằng tiếng Anh, giữ hộ chiếu, lấy điện thoại di động của Dimitri. Họ dọa Dimitri là nếu họ thấy trên điện thoại di động những tin tức đề cập đến Cảnh sát là họ sẽ giết anh liền.
Nhà báo Joanie Rijke
Dimitri thấy có chút ánh sáng bên ngoài cái khăn chụp đầu, dường như họ đang quay phim cuộc lấy khẩu cung này. Vì đã thấy trước đây, cảnh tượng ISIS quay phim tù nhân trước khi giết, Dimitri rất sợ mình sắp bị hành hình. Sau cùng họ bỏ cái khăn chụp đầu ra trả lại cái hộ chiếu, mời uống trà và thả Dimitri ra về. Khi ra xe ông bố mới biết là người tài xế cũng như một nhà báo đã bị hành hung và dọa nạt sẽ bị giết nếu còn quay trở lại. Dimitri trở về Bỉ, không thấy con đâu.
Chuyện bố của Jejoen tìm đến được địa chỉ của Absi làm cho nhóm chiến sĩ Hồi giáo tin là Jejoen là một thám tử làm việc cho sở Cảnh sát. Tuy nhiên ít ngày sau Jejoen được Absi thả ra với điều kiện phải trở lại lớp huấn luyện và tỏ ra trung thành với nhóm khủng bố.
Một hôm một tên jihadi người Bỉ đến nói với Jejoen là hắn rất nhớ nhà và nhờ anh giúp hắn đi trốn. Jejoen đồng ý và nói cả hai người sẽ cùng trốn khỏi trại. Không ngờ đó chỉ là một cái bẫy giả bộ như thật. Jejoen bị bắt trở lại và bị giam lại trong tù. Hàng ngày anh lại bị nhóm jihadi đến hành hạ, dùng dây điện trói anh lại và đánh đập khiến anh không đi được.
Đoàn quân Jihadis tại Raqqa
Trong khi đó, những tổ chức khủng bố như Al Queda, al-Nusra đã tổ chức lại và ISIS Quốc Gia Hồi giáo Iraq và Syria (Islamic State of Iraq and Syria) ra đời. Jejoen được ISIS chuyên chở đến một nhà tù khác tại Aleppo. Nhà tù này là một cái hầm của một bệnh viện nhi đồng trước đây. Vào đây, anh thấy rất nhiều tù nhân, đủ các quốc tịch khác nhau bị giam trong đó. Họ đều bị xiếng xích cột chặt vào những máy sưởi kê sát tường. Một trong những người này là nhà báo người Hoa Kỳ James Foley. Ông này sau này bị một tên jihadi người Hoa kỳ cứa cổ chết
Sang tháng 9 một lãnh tụ ISIS người Hòa Lan đến bảo anh Jejoen rằng anh có thể được thả ra nếu anh bằng lòng đi chiến đấu tại vùng Sheikh Najjar ở Aleppo, tại đây đang có giao tranh. Thế là anh được thả ra, đi theo một số chiến sĩ Hồi giáo. Anh cũng tham dự một số trận chiến ngắn. Trong những ngày giờ rảnh rỗi, anh tìm hiểu quanh vùng đang ở để một mặt, mọi người quen mặt anh là một jihadi. Mặt khác anh tìm cách trốn ra khỏi vùng kiểm soát của ISIS.
Ngày trở về
Ngày mồng 7 tháng 10 anh gửi một điện thư đến cho Bố anh: “Bây giờ con có thể ra đi đưọc rồi”
Dimitri hỏi “Đi đâu?”. Câu trả lời vắn tắt: “Thổ Nhĩ Kỳ“. Thế là ông Dimitri Bontinck phải vận dụng trí óc tìm ra một hành trình an toàn nhất cho Jejoen trở về nhà. Sau cùng kế hoạch là Jejoen cần tránh đến biên giới Thổ/Syria, gần nhưng có nhiều Jihadi, mà hãy lấy xe buýt đến một cái bệnh viện gần Bab al-Hawa biên giới, tại đó sẽ có giao liên của bố đến đón. Ông Dimitri liền đến thành phố Reyhanli gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đưa cho người giao liên địa phương 300 Đôla và cái hộ chiếu của Jejoen. Ngày hôm sau, người giao liên đưa Jejoen vượt qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ, và dẫn anh đến phòng khách sạn để gặp bố anh.
Hai bố con
Hai bố con gặp nhau rất mừng. Người bố an ủi con là trở về Bỉ sẽ không có vấn đề gì. Nhưng thực ra vấn đề không gản dị như vậy.
Ông James Foley sắp bị giết
Về đến Antwerp nước Bỉ, Cảnh sát Bỉ đã đến bắt Jejoen tại nhà mẹ anh. Anh được ban điều tra của nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và Anh Cát Lợi, đến hỏi cung về những chuyện xẩy ra tại Syria, những việc anh đã làm, những tù nhân của ISIS, nhất là số phận của ông James Foley.
Những khai báo của Jejoen đưa đến kết luận của Công tố viện, tố cáo 46 thành viên của Sharia4 Belgium với nhiều tội danh khác nhau, từ dự mưu ám sát nhân viên công quyền Bỉ, bắt cóc người (Jejoen Bontinck), tống tiền, khủng bố, chiến đấu cho nhóm khủng bố… Anh Jejoen bị tội danh là một jihadi chiến đấu cho ISIS ở Aleppo. Chỉ có 8 thành viên của Sharia4Belgium là có mặt tại Bỉ và ra đứng trước tòa. Những người khác vắng mặt vì đang ở Syria làm Jihadi hoặc đã chết.
Tòa chỉ xứ án vào tháng 9, khoảng gần một năm sau khi Jejoen trở về Antwerp. Ngày 10 tháng 12, gần cuối phiên tòa, hai Cảnh sát viên dẫn Belkacem tới tòa, hai tay bị trói. Sau 20 phút, ông Tòa cho Belkacem nói lời cuối. Belkacem thản nhiên nói: “Tôi là một người Muslim. Tôi không phải là một tên khủng bố” Hắn vừa nói song, một người ngồi xem phiên tòa la lên “Nói dối! Nói láo!”. Belkacem thản nhiên hỏi lại: “Có phải là một cái tội cho một người chỉ vì rao giảng tín lý của mình không?”
Ngày 11 tháng 2 Tòa xử: tổ chức Sharia4Belgium là một tổ chức khủng bố. Jejoen Bontinck bị 4 tháng án treo, còn Belkacem bị 12 tháng tù ở.
Tin mới nhất
Tổng thống Nga Ông Putin
Sau khi biết rằng nhóm khủng bố ISIS Ai Cập là thủ pham đặt bom hạ máy bay của Nga cất cánh từ Sharm El-Sheikh, Ai Cập bay về St. Petersburg, khiến 224 người thiệt mạng, ông Vladimir Putin, Tổng thống Nga đã hạ lệnh trả đũa.
Tướng lĩnh IS hoảng loạn tháo chạy dưới “mưa” bom
(VnMedia) – Các tướng lĩnh của nhóm khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đang nháo nhào, hoảng loạn tìm cách tháo chạy khỏi “thủ phủ” Raqqa của chúng, do không cầm cự nổi trước những cuộc oanh kích dồn dập của Nga.
Người dân địa phương chứng kiến cảnh tướng lĩnh cấp cao và thủ lĩnh của IS nháo nhào tháo chạy khỏi thành phố Raqqa, sau khi nhóm này phải hứng chịu hàng loạt tổn thất nghiêm trọng dưới chiến dịch không kích của Không quân Nga và loạt trận tấn công bằng tên lửa của Hải quân Nga nhằm vào các mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria”, hãng thông tấn FARS của Iran hôm qua (19/11) đưa tin.
“Các nguồn tin tình báo cũng đã xác nhận thông tin được dân thường địa phương cung cấp ở trên về việc giới tướng lĩnh, chỉ huy của IS đang chạy khỏi nơi gọi là thủ phủ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng, sau khi hàng trăm chiến binh khủng bố chạy khỏi đây vào ngày trước đó”, hãng tin FARS cho biết.
Trong các thông tin trước đó, FARS cho biết, tên đầu sỏ cấp cao nhất của IS – Abu Bakr al-Baghdadi cũng đã phải bỏ của chạy lấy người, rời “thủ phủ” Raqqa đến Mosul ở Iraq.
Mưa bom của Không quân Nga
Gần đây còn có thông tin về việc các đơn vị của IS lần lượt rút lui, tháo chạy khỏi khu vực phía nam đông người Kurd của tỉnh al-Hasakah sau khi quân chính phủ phát động một cuộc tấn công vào đây dưới sự hậu thuẫn của Không quân Nga. Trước đó nữa, lực lượng vũ trang người Kurd và Ả-rập cũng đã đánh đuổi các chiến binh IS ra khỏi khu vực phía bắc của al-Hasakah.
Ông Andrey Kartapolov – người phụ trách các chiến dịch quân sự chính của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, cho biết, loạt trận không kích dồn dập, quy mô lớn của chiến đấu cơ Nga đã phá hủy hoàn toàn hệ thống chỉ huy của lực lượng khủng bố IS ở nhiều tỉnh của Syria.
“Bộ máy chỉ huy của bọn khủng bố ở tỉnh Homs đã hoàn toàn bị xóa sổ do những tổn thất nặng nề. Chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp từ chối không tuân theo nhiệm vụ được giao”, ông Kartapolov nói thêm.
Theo vị tướng của Nga, các chiến binh dưới quyền điều hành của chỉ huy chiến trường Abu Musab al-Suri từ nhóm Jabhat al-Nusra đã không chịu tuân theo lệnh phá hủy các đơn vị quân đội của Syria ở gần khu vực đông dân Deir Hanna. Tổn thất lớn về người đã buộc giới chỉ huy của IS đưa thi thể của chiến binh thiệt mạng ra khỏi chiến trường vào buổi đêm và ném xuống cống.
“Theo như tôi biết, do tổn thất quá lớn nên chúng không thể chôn cất toàn bộ các chiến binh theo phong tục của đạo Hồi. Giới tướng lĩnh đã quyết định ném thi thể các chiến binh khủng bố xuống các hệ thống đường cống“, ông Kartapolov cho các phóng viên biết tại một cuộc họp báo.
Ba chỉ huy chiến trường của IS bị tiêu diệt
IS thừa nhận, 3 chỉ huy chiến trường của chúng đã bị tiêu diệt trong chiến dịch không kích của Nga ở tỉnh Aleppo. “Lực lượng chiến binh đã thừa nhận cái chết của ‘Abu Nurlbagasi’, ‘Muhammad ibn Khayrat’ và ‘Al-Okab’ như là kết quả của chiến dịch không kích nhằm vào tỉnh Aleppo”, ông Kartapolov cho hay.
Chỉ huy IS “Ahmad Zia” bị tiêu diệt trong cuộc không kích ở gần núi Jubb al Ahmar trong khi tên khủng bố cấp cao khác – “Abu Bakr” được chôn cất hôm 18/11 sau khi bị giết chết trong “cơn mưa” bom của Nga.
Theo vị tướng của Nga, quân đội nước này đã sử dụng vệ tinh để kiểm tra hoạt động nhằm bắn mục tiêu ở Syria. Họ đã nhận được thông tin về tổn thất rất lớn mà lực lượng khủng bố đang phải hứng chịu.
Phi đội máy bay ném bom chiến lược của Nga ngày hôm qua đã tiến hành đợt không kích dữ dội liên tiếp thứ ba kể từ khi lực lượng này chính thức xung trận.
Một vài nhận định
Jejoen khi được trở về Bỉ
a) Tại sao người Bỉ trẻ tuổi như anh Jejoen Botninck lại muốn cải đạo và gia nhập tổ chức khủng bố IS? Phần lớn có lẽ không khí gia đình của anh đã đưa đẩy anh đến chỗ đó. Ông bố dường như không để ý, trông nom đến cậu con trai. Cậu này đi đâu, gặp ai, bạn bè là những ai, đi sớm về trễ, ông Dimitri chỉ biết đến khi quá trễ. Chủ nghĩa Cá nhân (individualism) vẫn là đặc điểm của văn hóa Tây phương. Hai vợ chồng ông Dimitri ít lâu sau đã chia tay (ly dị). Thêm vào đấy, Jejoen học kém, không coi trọng việc học hành, không suy nghĩ sâu xa, đi tìm thú vui ở chỗ khác. Cũng may là Jejoen khi trực tiếp thấy rõ sự tàn ác của ISIS, tính thiện sẵn có của niềm tin tôn giáo trong anh, được nuôi dưỡng khi còn ấu thơ, đã làm anh sớm tỉnh ngộ .
b) Với sức mạnh quân sự của Tây Âu (Pháp, Mỹ, Nga, Đức…) đánh tan quân đội Nhà Nước Hồi giáo không phải là chuyện khó, Điều này đã được minh chứng bởi Không quân và Hải quân Nga mới đây. Nhiều chiến lược gia Tây Âu đã tính ra chỉ cần khoảng 50.000 quân đội, với không quân trợ lực, và khoảng hai tháng chiến đấu là có thể phá tan tiền đồn, bộ chỉ huy cho đến hậu cần của ISIS. Làm song việc này, vấn đề đặt ra sẽ phải làm gì với trách nhiệm giữ đất đai vừa chiếm được.
Kinh nghiệm qua hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan cho thấy rất nhiều khó khăn cho kẻ thắng cuộc. Làm sao rút lui cho người địa phương cai trị lấy nhau. Làm sao ISIS hay một tổ chức khủng bố Hồi giáo khác không trở lại? Nhiều quan sát viên chiến lược đã nghĩ tới những việc trước kia không để ý đến:
– Cuộc chiến tại Syria giữa nhiều phe, được sự ủng hộ dối nghịch của Nga, Mỹ, Thổ nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia cần đi đến một sự nhân nhượng lẫn nhau.
– Giúp dân tộc Kurd, một dân tộc đối trọng với người Muslim, nhiều hơn nữa, kể cả việc chiếm thêm đất đai của ISIS.
– Giúp chính quyền Iraq giữ được thăng bằng giữa người Sunni và người Shiite.
– Phải có một chiến dịch tuyên truyền cho rằng nền Dân Chủ Tây phương không nhất thiết ngược với Sharia Hồi giáo. Tất cả những tổ chức Sharia4Belgium, Sharia4England, Sharia4 Egypt đã bóp méo lời của Tiên Tri Mohammed, không đúng với Allah; giống như người Muslim tại Nam Dương quần đảo chủ trương.
– Chiến dịch tuyên truyền phải đặt nặng trong các cơ sở giáo dục có người theo đạo Hồi như người Algeria, Moroco, Tunisia, Lybia, theo học.
c) Riêng về nước Bỉ, hiện nay trong nước có 3 dân tộc khác nhau, nói 3 thứ tiếng khác nhau: Pháp, Đức và Hòa Lan (Flemish). Nền chính trị Bỉ rất lỏng lẻo, cho nên Bỉ đã là đất dụng võ của những tổ chức khủng bố như IS. Muốn diệt trừ IS, Pháp và Đức phải giúp Bỉ (một nước tương đối nghèo hơn) diệt trừ IS trong đất Bỉ.
Đào Viên
(Trích từ web Vườn Đào Kết Bạn)