Phạm Đình Lân
Một thoáng suy nghĩ về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016
Thật quá sớm để có suy nghĩ quanh vấn đề này trước cuộc bầu cử trên 18 tháng giữa lúc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chưa chọn ứng cử viên. Đến năm 2016 đảng Dân Chủ nắm quyền Hành Pháp 8 năm dưới thời tổng thống Barack Hussein Obama, vị tổng thống Da Đen đầu tiên của Hoa Kỳ.
Có nhiều yếu nhân trong đảng Cộng Hòa muốn ra tranh cử để giành lại ghế tổng thống trong tay đảng Dân Chủ. Trong số này có các ông: Jeb Bush (cựu thống đốc), Marco Rubio (nghị sĩ), Ted Cruz (nghị sĩ), Rand Paul (nghị sĩ), Scott Walker (thống đốc), Rick Perry (thống đốc), Lindsey Graham (nghị sĩ), Rick Santorum (cựu nghị sĩ), John Kasich (thống đốc). Nghị sĩ Ted Cruz của Texas, nghị sĩ Rand Paul của Kentucky, nghị sĩ Marco Rubio của Florida đã chánh thức tuyên bố ra tranh cử.
Về phía đảng Dân Chủ bà Hillary Clinton là khuôn mặt nổi bật nhất của đảng. 60% đảng Dân Chủ ủng hộ bà trong khi phó tổng thống Joe Biden, người đáng lý đương nhiên được ra tranh chức tổng thống năm 2016, chỉ được 10%. Khác với phó tổng thống Dick Cheney dưới thời tổng thống Bush II đầy uy quyền, phó tổng thống Joe Biden là cái bóng mờ như hiến pháp đã định dưới thời tổng thống Obama. Khả năng đắc cử của ông Biden rất thấp so với bà Hillary Clinton. Hơn nữa đến năm 2016 ông Biden 74 tuổi. Bà Hillary Clinton được 69 tức bằng tuổi với cố tổng thống Reagan trong cuộc bầu cử năm 1980. Cho đến giờ phút này ông Biden cũng không công khai thông báo ông có ý định ra tranh cử tổng thống năm 2016 hay không. Thỉnh thoảng trong đảng Dân Chủ xảy ra vài trường hợp đặc biệt trong các kỳ bầu cử tổng thống:
1. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đắc cử 4 lần từ năm 1932 đến 1944. Ông mất sau khi nhậm chức tổng thống lần thứ tư vài tháng nên chưa chứng kiến sự bại trận của phe Trục.
2. Năm 1952 rồi 1956 Adlai Ewing Stevenson (1900 - 1965) được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử đương đầu với tướng Dwight David Eisenhower của đảng Cộng Hòa và bị thất cử hai lần liên tiếp.
3. Năm 1980 nghị sĩ Edward Kennedy tham dự cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ để được đề cử ra tranh chức tổng thống với đương kim tổng thống Jimmy Carter (DC). Edward Kennedy chỉ được 37% phiếu bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ này.
4. Giả sử phó tổng thống Biden quyết định ra tranh cử tổng thống năm 2016, liệu ông có thắng nổi bà Hillary Clinton như tổng thống Carter đã thắng nghị sĩ Edward Kennedy năm 1980 với tỷ lệ 53- 37 trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng không? Các đảng viên đảng Dân Chủ thúc đẩy bà Hillary sớm công bố chánh thức ra tranh cử và cho thấy tỷ lệ 60% ủng hộ trong nội bộ đảng Dân Chủ đối với bà Hillary Clinton nhằm thiết lập trước một rào cản ngăn chặn phó tổng thống Biden ra tranh tổng thống. Có lẽ đảng ước lượng ông không thể đắc cử, trái lại bà Hillary có nhiều hy vọng đắc cử hơn?
Những yếu nhân trong đảng Dân Chủ khả dĩ ra tranh với bà Hillary trong cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới là cựu nghị sĩ Jim Web (2007 - 2013), nữ nghị sĩ Massachusetts là bà Elizabeth Warren (2012 -), William O’ Malley, thống đốc Maryland... Các vị này rất lỗi lạc nhưng tên tuổi chưa quen thuộc trong quần chúng như bà Hillary Clinton nên khả năng loại bà Hillary Clinton trong kỳ bầu cử sơ bộ năm 2016 sẽ không trơn tru ngoại trừ trường hợp bất ngờ nào đó xảy ra như chuyện Lewinsky, chuyện Bengazhi, chuyện email, chuyện ngoại quốc đóng góp trong Clinton Foundation chẳng hạn. Trong trường hợp ứng cử viên đảng Dân Chủ không phải là bà Hillary Clinton, khả năng đắc cử của nhân vật X nào đó trong đảng Dân Chủ chắc chắn không cao như mong mỏi.
Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016 đảng Dân Chủ như sắp có một nữ tổng thống đầu tiên cho Hoa Kỳ. Điều này đáng lý xảy ra năm 2008 nhưng lúc ấy Hoa Kỳ còn tiến xa hơn bằng cách chọn một tổng thống Da Đen đầu tiên cho Hoa Kỳ. Vị tổng thống này mang cái tên đầy màu sắc Kenya và Ả Rập. Đây là sự thể hiện tinh thần dân chủ đại đồng của Hoa Kỳ, chưa cường quốc nào trên thế giới thực hiện được.
Đối thủ đáng sợ đối với đảng Cộng Hòa là bà Hillary Clinton. Do đó đảng Cộng Hòa phải tìm mọi ưu và khuyết điểm của bà Hillary Clinton để tấn công và phòng thủ khi chọn ứng viên ra tranh với bà. Nếu nhắm vào khuyết điểm của bà để tấn công khiến bà không được đảng Dân Chủ chọn ra tranh cử trong kỳ bầu cử sơ bộ như đã xảy ra năm 2008 thì đảng Cộng Hòa có nhiều hy vọng nắm lấy quyền Hành Pháp.
Ưu điểm của bà Hillary Clinton
– Có học vị cao (tiến sĩ luật khoa đại học Yale)
– Có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động trên lãnh vực pháp luật, xã hội, y tế, chánh trị, ngoại giao.
– Ɖệ nhất phu nhân Arkansas trong 12 năm (1979 - 1981; 1983 - 1993)
– Ɖệ nhất phu nhân Hoa Kỳ trong 8 năm (1993 - 2001)
– Nghị sĩ tiểu bang New York (2001 - 2009)
– Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, tức nhân vật thứ tư trong nước từ năm 2009 đến 2013.
Với tư cách đệ nhất phu nhân Arkansas, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, nghị sĩ và bộ trưởng Ngoại Giao, bà du hành và có quan hệ ngoại giao trên 100 quốc gia trên thế giới.
– Bà Hillary Clinton được mô tả như một phụ nữ lỗi lạc, hăng say hoạt động và có nhiều sáng kiến. Chương Trình Bảo Vệ Y Tế của bà dưới thời tổng thống Clinton bị Quốc Hội bác bỏ. Nhưng nó mở đường cho sự hanh thông của Obamacare dưới thời tổng thống Obama. Trước năm 1968 bà thuộc đảng Cộng Hòa. Nhưng sau năm 1968 bà trở thành một đảng viên xông xáo của đảng Dân Chủ. Bà là tác giả của nhiều quyển sách ấn hành từ thập niên 1990 đến 2000. Năm 2003 tác phẩm Living History của bà được nhà xuất bản Simon & Schuster ứng trả trước 8 triệu Mỹ Kim. Sách được phát hành không bao lâu đã bán sạch một triệu quyển và được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Năm 2014 quyển Hard Choice của bà bán được 250.000 quyển.
– Về sự ủng hộ tài chánh, bà Hillary Clinton có vẻ có nhiều tự tin. Trong một cuộc bầu cử quan trọng trong một quốc gia rộng lớn ứng cử viên được ủng hộ tài chánh dồi dào sẽ có nhiều ưu thế.
– Nếu mọi việc đều suông sẻ, bà được ưu thế lớn hơn đối thủ của bà bên phía đảng Cộng Hòa về thời gian chuẩn bị và tổ chức guồng máy vận động bầu cử vì bà đã chuẩn bị từ 4 năm trước và đã có sẵn bộ máy vận động đã có từ năm 2008. Về phần ông Obama, ông ước muốn bà Hillary Clinton đắc cử hơn là một tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa có thể gây nhức đầu cho ông. Vì thế ông sẽ giúp đỡ cho bà trong khả năng của ông.
– Bà Hillary Clinton có khả năng được nhiều phiếu của đảng Dân Chủ, nghiệp đoàn, thị dân, phụ nữ, thanh niên nam nữ yêu chuộng ‘chủ nghĩa tự do’, tập thể người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Latinos. Những người có lợi tức thấp, người mới nhập cư và người chủ trương hôn nhân đồng tính không có gì để phiền trách bà cả. Người Hoa Kỳ gốc Do Thái có thể phiền tổng thống Obama và vài thành viên của đảng Dân Chủ về vấn đề Iran nhưng không đến nỗi ghét lây đến bà. Khi ra tranh cử năm 1992 chồng bà, cựu tổng thống Clinton, thường hay đội cái mũ chụp trên đỉnh đầu của người Do Thái. Rể của bà là người Mỹ gốc Do Thái. Đa số nghệ sĩ Hollywood có vẻ có cảm tình với vợ chồng cựu tổng thống Clinton vì tinh thần trẻ trung và tư tưởng tự do phóng khoáng của họ.
Nhược điểm
1. Đến năm 2016 bà Hillary Clinton lên 69 tuổi, tuổi tương đối cao so với các ông Jeb Bush, Marco Rubio, Ted Cruz, Scott Walker.
2. Tuổi cao gắn liền với sức khỏe kém. Tổng thống Hoa Kỳ cần phải có nhiều sức khỏe vì phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nhọc chẳng những đối với quê hương mình mà còn đối với các nước khác trên thế giới nữa. Các cựu tổng thống Clinton, Bush II, Obama khi đắc cử đều ở tuổi 40. Sau 8 năm phục vụ tất cả đều sớm già yếu với mái tóc trắng bạc. Các nước dân chủ như Do Thái, Đức, Anh từng có những nữ thủ tướng lỗi lạc. Bà Golda Meir sinh năm 1898 và giữ chức vụ thủ tướng năm 1969 khi bà ở vào tuổi 71. Bà Thatcher sinh năm 1925 và giữ chức thủ tướng năm 1979 khi bà được 54 tuổi. Bà Merkel sinh năm 1954 và giữ chức vụ thủ tướng năm 2005 khi bà được 51 tuổi. Các nước nói trên không to lớn và không có nhiều vấn đề rắc rối như Hoa Kỳ. Hai trong ba vị nữ lãnh đạo nói trên đều ở tuổi 50 trong khi bà Goldar Meir đi vào tuổi 70. Bà Goldar Meir bị phiền trách trong cuộc chiến tranh năm 1973 mặc dù kết quả sau cùng của cuộc chiến là sự chiến thắng của Do Thái. Nhưng trong những phút đầu cuộc chiến Do Thái bị quân Ai Cập áp đảo ở phía Nam và quân Syria tấn công ở phía Bắc.
3. Không một người phụ nữ thông minh, năng động và có công danh nào mà không có người ganh ghét nhất là những người đồng phái và đối thủ chánh trị. Có người có cảm tình với cựu tổng thống Bill Clinton nhưng không có cảm tình với bà Hillary. Đây là cơ hội để bà dùng khả năng lý luận, thuyết phục và sự hiểu biết luật pháp để biện hộ cho chính bà từ chuyện Lewinsky, Benghazi, email đến chuyện White Water, Clinton Foundation, sự gắn bó của bà với chánh sách đối ngoại của tổng thống Obama. Phần lớn các chuyện ghi trên đã thành lịch sử xa xưa. Chánh sách đối ngoại dưới thời tổng thống Obama không có kết quả rõ rệt ở Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á, Đông Á và Nam Mỹ Châu trước Nga, Iran, Trung Quốc, khủng bố Hồi Giáo và không tạo được uy thế siêu cường quốc của Hoa Kỳ trên thế giới như đã có sau Đệ Nhị Thế Chiến.
4. Nhân vật xuất sắc và nổi tiếng lúc nào cũng là đối tượng của muôn ngàn sự tấn công chánh trị từ mọi phía. Trong một đội banh người cầu thủ xuất sắc khó làm bàn vì bị nhiều đối thủ bao vây. Tai nạn xe cộ thường xảy ra trên đường vắng và rộng thênh thang vì người lái thiếu tập trung khi lái. Người nổi tiếng và xuất sắc cũng có khuyết điểm nghiêm trọng của họ: sự chủ quan. Năm 1960 một phó tổng thống đầy kinh nghiệm chánh trị như Nixon bị một nghị sĩ trẻ tuổi John F. Kennedy, không có kinh nghiệm chánh trị nhưng có nhiều tiền và có khả năng hấp dẫn quần chúng, nhất là nữ phái, bằng lời nói duyên dáng của mình đánh bại. Năm 2000 phó tổng thống Al Gore chủ quan về những ưu thế của mình trước thống đốc Bush để chuốc lấy sự thất bại vì thua đối thủ không tới 550 phiếu! Giả sử lúc ấy ông chỉ cần thắng ở tiểu bang sinh quán của ông là Tennessee để được 9 phiếu cử tri đoàn thì ông được đắc cử. Chắc chắn vào năm 2008 bà Hillary Clinton không nghĩ rằng bà bị loại trong kỳ bầu cử sơ bộ trước một nghị sĩ Da Đen mới tuyên thệ nhận nhiệm chức chưa được nửa nhiệm kỳ: Obama.
Ai là ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa?
Giả sử bà Hillary Clinton được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh tổng thống năm 2016, ai trong số những yếu nhân của đảng Cộng Hòa sẽ được đề cử?
Trước khi thử tìm câu trả lời này chúng ta lược qua về đường lối của đảng Cộng Hòa.
Nói theo từ ngữ chánh trị Âu Châu, đảng Dân Chủ thuộc tả khuynh và đảng Cộng Hòa thuộc hữu khuynh. Đảng Cộng Hòa mang những đặc điểm sau đây:
1. Bảo thủ với chủ trương:
– Tôn giáo: đạo Tin Lành. Ông Romney là người theo đạo Mormon đầu tiên được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống. Trong cuộc bầu cử năm 2012 ông thua ngay tại tiểu bang sinh quán (Michigan), tại tiểu bang trú quán và là nơi ông từng là thống đốc (Massachusetts) và tại tiểu bang quyết định sự thắng cử của ứng cử viên Cộng Hòa và là nơi có thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa (Ohio).
– Chánh trị: nặng về chủ nghĩa cô lập (Isolationism). Đảng Dân Chủ tham gia hầu hết các cuộc chiến tranh lớn trên thế giới như Đệ Nhất Thế Chiến (tổng thống Wilson), Đệ Nhị Thế chiến (Roosevelt), Chiến Tranh Triều Tiên (Truman), Chiến Tranh Việt Nam (Johnson). Cuba bị xích hóa dưới thời tổng thống Eisenhower (CH). Miền Nam Việt Nam bị xích hóa dưới thời tổng thống Ford (CH). Suốt 8 năm cầm quyền của tổng thống Bush II Hoa Kỳ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề Đông Nam Á. Tổng thống Obama tuy đề cập đến việc xoay trục sang Á Châu nhưng vẫn chưa thấy hành động cụ thể của sự xoay trục này.
– Chủng tộc: người Da Trắng Anglo- Saxon lãnh đạo
2. Ɖược phiếu của cử tri Cộng Hòa, những người có khuynh hướng tôn giáo chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính, những người có lợi tức đồng niên cao (không thuận lợi cho chánh sách trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, Obamacare v.v), dân nông thôn, những người thích sở hữu võ khí và phát huy tinh thần ‘người hùng’. Địa bàn của Cộng Hòa là các tiểu bang miền Nam, miền Trung Tây và các tiểu bang núi non và thưa dân như Wyoming, Montana, Idaho, North Dakota, South Dakota. Trong hai kỳ bầu cử tổng thống năm 2008 và 2012 ứng cử viên đảng Cộng Hòa không được phiếu của người Hoa Kỳ gốc Phi Châu lẫn Latinos.
3. Càng bảo thủ tư tưởng càng già nua tẻ nhạt trong một quốc gia trẻ luôn luôn khao khát sự mới lạ qua những tư tưởng mới, những phát minh và sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật. Đó là lý do cho thấy tại sao đảng Cộng Hòa không được nhiều phiếu của phụ nữ và giới trẻ. Trong cuộc tranh giành phiếu với ứng cử viên đảng Dân Chủ, các ứng cử viên đảng Cộng Hòa bắt đầu tranh cãi lẫn nhau về lập trường của họ đối với hôn nhân đồng tính, đối với các nước bạn (Do Thái, Saudi Arabia...), nước đồng minh (Nhật, Liên Âu...), nước cạnh tranh (Nga, Trung Quốc...), và nước thù nghịch với Hoa Kỳ như Cuba, Iran, Venezuela v.v… Năm 1992 ông Perot của đảng Cộng Hòa ra tranh cử làm cho tổng thống Bush I mất 19% phiếu để chịu thất bại trước vị thống đốc trẻ của Arkansas là Bill Clinton. Trong đảng Cộng Hòa có đảng Tea Party và có nghị sĩ Rand Paul, Ted Cruz vừa công bố ra tranh tổng thống. Tea Party (Trà Đảng) được xem là nhóm bảo thủ cực đoan, giáo điều. Vài nhân vật quan trọng trong đảng bất đồng ý kiến với nhau: ông Jeb Bush không cùng đường lối với ông Jame Baker, cựu ngoại trưởng thời tổng thống Bush II vì bị áp lực của đảng Cộng Hòa. Đảng Cộng Hòa thúc đẩy ông phản đối sự chỉ trich của ông Jame Baker đối với thủ tướng Netanyahu của Do Thái. Ông Mc Cain bất đồng ý kiến với nghị sĩ Rand Paul và nghị sĩ Ted Cruz.
Jeb Bush có lẽ là người vận động tài chánh hữu hiệu hơn các ứng cử viên Cộng Hòa khác. Vị thế của gia đình Bush trong đảng Cộng Hòa rất lớn. Gia đình này có hai tổng thống Hoa Kỳ (Bush I và Bush II). Tổng thống Bush I thành công trong việc đánh đuổi quân Iraq ra khỏi vương quốc dầu hỏa Kuwait và chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Đông Âu năm 1989 và Liên Sô năm 1991. Nhưng kinh tế Hoa Kỳ suy kém. Tám năm cầm quyền của tổng thống Bush II đánh dấu bằng sự tấn công của khủng bố Al Qaeda vào World Trade Center, chiến tranh Afghanistan và Iraq. Hoa Kỳ trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Kinh tế suy thoái trước sự vươn lên của Trung Quốc. Như đã nói, đảng Cộng Hòa khó được phiếu của người Hoa Kỳ gốc Phi Châu cũng như người Latinos. Riêng cựu tổng thống Bush II và Jeb Bush có thể được phiếu của người Latinos vì cả hai đều có vợ gốc Mễ Tây Cơ và nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát. Cả hai đều là thống đốc của hai tiểu bang có nhiều người Latino (Texas và Florida). Jeb Bush sinh năm 1953, tốt nghiệp BA về ngôn ngữ Tây Ban Nha, thống đốc Florida từ năm 1999 đến 2007.
Để đương đầu với người có nhiều kinh nghiệm chánh trị già dặn như bà Hillary Clinton và để chia phiếu phụ nữ của bà, đảng Cộng Hòa kỳ này có nhiều ứng viên trẻ, có ngoại hình dễ nhìn như Marco Rubio, Ted Cruz, Scott Walker.
Marco Rubio sinh năm 1971 trong một gia đình người Cuba. Ông học luật ở Miami và đắc cử nghị sĩ Florida năm 2012.
Ted Cruz sinh năm 1970, tốt nghiệp tiến sĩ luật trường đại học Harvard hạng Magna Cum Laude, giáo sư luật, đắc cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ năm 2013. Cha ông là người Cuba. Mẹ là người mang dòng máu Ái Nhĩ Lan và Ý. Cha ông là một người giàu có nhờ khai thác dầu hỏa. Ông ra đời ở Canada. Ông đạt các tiêu chuẩn để trở thành tổng thống Hoa Kỳ: ngoại hình đẹp, xuất thân từ gia đình giàu có, có gốc Hispanic, đạo Christ, học giỏi và từng theo học những đại học trứ danh của Hoa Kỳ như Princeton, Harvard. Ông có bị hạn chế vì sinh ở Canada không? Ông Mc Cain há không sinh ở Panama sao? Uy tín của Ted Cruz ở Texas rất lớn nhưng tên tuổi của ông chưa được toàn thể dân chúng Hoa Kỳ ở các tiểu bang khác biết đến nhiều. Ông và nghị sĩ Rand Paul được Tea Party ủng hộ. Cả hai đều ra tranh cử để được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh chức vụ tổng thống năm 2016.
Scott Walker sinh năm 1967, đắc cử thống đốc Wisconsin năm 2010.
Trong cuộc thăm dò dư luận đảng Cộng Hòa vào hậu bán tháng tư năm 2015 ta có vài kết quả dưới đây:
Marco Rubio: 15% Jeb Bush: 13% Scott Walker: 11%
Ted Cruz: 9% Rand Paul: 8% Chris Christie: 7%
Mike Huckabee: 7% Rick Perry: 3% Rick Santorum: 2%
Nếu một trong những yếu nhân Cộng Hòa ghi trên trở thành ứng cử viên chánh thức của đảng và nếu bà Hillary Clinton là ứng cử viên của đảng Dân Chủ thì ta có những kết quả sơ khởi như sau:
Hillary - Rubio: 45- 43
Hillary - Christie: 45- 40
Hillary - Rand Paul: 46- 42
Hillary - Huckabee: 47- 42
Hillary - Jeb Bush; 46- 39
Hillary - Scott walker: 46- 41
Hillary- Ted Cruz: 48- 41
Nhìn chung Hillary Clinton vẫn có nhiều điểm trội trong dư luận. Từ đây đến ngày bầu cử còn trên một năm rưỡi, nhiều biến chuyển không tiên đoán trước dễ dàng.
Trong các cuộc thăm dò dư luận năm 1948 ông Truman (DC) luôn luôn bị xem là thất cử trước ông Dewey (CH) nhưng ông đã thắng. Năm 1960 ông Kennedy trẻ và ít kinh nghiệm chánh trị đã thắng ông Nixon từng làm phó tổng thống 8 năm với nhiều kinh nghiệm trong bang giao quốc tế. Năm 1992 ông Bill Clinton, một thống đốc trẻ của một tiểu bang nghèo nàn ở miền Nam đã đánh bại ông Bush I từng là đại diện Hoa Kỳ ở Trung Hoa lục địa, giám đốc CIA, phó tổng thống 8 năm, tổng thống 4 năm với chiến thắng trong Chiến Tranh Vùng Vịnh và sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Đông Âu và Liên Sô. Năm 2000 ông Bush II đã đánh bại ông Al Gore từng là dân biểu, nghị sĩ năm phó tổng thống thời Bill Clinton. Năm 2008 ông Obama, một người Da Đen đã loại bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ và đắc cử tổng thống Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ không mấy khó khăn trước ‘người hùng’ Mc Cain và nhà triệu phú Romney.
Điều có thể xảy ra là đảng Cộng Hòa có thể đề cử một người trẻ và năng nổ có khả năng được phiếu của thanh niên nam nữ và người Latinos. Còn kết quả ra sao phải chờ thời gian mới rõ. Bà Hillary Clinton tuổi Hợi; ông Jeb Bush tuổi Tỵ (Rắn) và Rubio tuổi Hợi. Nếu hai trong ba vị này ra tranh cử năm Thân (2016) thì cuộc tranh cử gay go và vất vả vô cùng vì Tỵ, Hợi và Thân xung phá nhau mãnh liệt. Một yếu tố tâm lý xã hội cần lưu ý là dân chúng bỏ phiếu vì quyền lợi thiết thực của cuộc sống. Tỷ lệ thất nghiệp 5,5% và giá xăng $2,50 một gallon thời Obama so với 9% thất nghiệp, $4,50 một gallon xăng và sự suy thoái kinh tế thời tổng thống Bush II không thể là nhược điểm của chánh quyền Dân Chủ được. Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI người Hoa Kỳ mất nhiều niềm tin vào Hành Pháp lẫn Lập Pháp nhất là các nhà lập pháp. Do vậy dân chúng khó trao quyền Hành Pháp và Lập Pháp cho một đảng nào bằng lá phiếu của họ. Ho đã trao Hạ Viện và Thượng Viện tức quyền Lập Pháp cho đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2014. Liệu đảng Cộng Hòa có đầy đủ hấp lực để dân chúng trao quyền Hành Pháp cho họ kiểm soát vào năm 2016 không? Chuyện này có thể xảy ra nếu ứng cử viên đảng Dân Chủ không phải là Hillary Clinton. Trong trường hợp ngược lại đảng Dân Chủ sẽ nắm Hành Pháp và đảng Cộng Hòa nắm Lập Pháp. Đó là quân bình chánh trị phản ảnh trung thực trạng thái hoài nghi và dè dặt của dân chúng vậy.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I