Phan Văn Song
Một ngôi sao đang rụng?
Aung San Suu Kyi còn xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình không?
“La gloire du passé est une illusion – Ánh hào quang của quá khứ chỉ là một ảo tưởng.
Il en va de même pour la gloire du présent – ánh hào quang của hiện tại của thế thôi”. Edward Johnston 1990
.
Tuần cuối, tháng 11 qua, Giáo Hoàng Thiên Chúa Giáo La mã Phan Xi Cô – Francis – François ghé thăm Miến Điện và gặp khôi nguyên Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi. Một biểu tượng Hòa Bình và Nhơn Ái đi gặp một biểu tượng Hòa Bình đấu tranh chống độc tài quân phiệt đòi quyền Dân Chủ, Tự Do, đòi tự quyết cho người dân Miến của mình. Hai ngôi sao sáng nhơn loại gặp nhau. Giáo Hoàng Francis – Phan Xi Cô, ngày nay, đang là ngôi sao đang lên trên nền trời đòi Hòa Bình và Bình Đẳng cho nhơn loại và bà Aung San Suu Kyi, trái lại, từ những thời gian gần đây – từ ngày ra tù, từ ngày đảng do bà lãnh đạo, cầm quyền đất nước Miến Điện, từ ngày mặc dù không được quyền ứng cử chức Tổng Thống, nhưng vẫn được có những chức vụ đại diện quốc gia Miến Điện, như Ngoại Trưởng, như tiếng nói đại diện quốc gia, bà mặc nhiên (de facto) được thế giới xem như người lãnh đạo của quốc gia Miến Điện – đang là một ngôi sao trên đường đi xuống, tuy chưa hẳn là một vì sao đang rụng hay có thể sắp tắt – chỉ vì, đụng phải cái thực tế chánh trị phũ phàng, đầy du di, vòng vo, thương thuyết, phải đu giây, phải đứng giữa, phải đi hàng hai, kẹt với quyền lợi của đảng, kẹt với ánh hào quang chức vụ, kẹt với... tiếng tăm do quốc tế tặng, quyền thế do quốc gia trao, tên tuổi truyền thống gia đình, tập quán truyền thống địa phương hay tình hình chánh trị thế giới?!!!
Nếu Bà không một lời tố cáo những sự đàn áp chống người Rohingyas của quân đội Miến Điện. Vì Bà bị kẹt trong thế chánh trị. Vì Bà bị kẹt làm kẻ đứng giữa. Giữa cái quá khứ sắc tộc, tôn giáo, đảng phái chánh trị và... vai trò tên tuổi của Bà trên thế giới; giữa cái hào quang đầy ảo tưởng, hy vọng, mơ mộng của cái khôi nguyên một Giải Nobel Hòa Bình và... cái thực tế chánh trị của một quốc gia và một dân tộc hay nhiều dân tộc đang trên đường đi tìm một sự chung sống trong hài hòa, cân bằng.
Phải giải quyết, phải đi tìm một chỗ đứng cho một cộng đồng người Rohingyas, thiểu số Hồi giáo trong một thế giới Phật Giáo ít nhiều quá khích dân túy, quốc túy. Câu hỏi phải đặt là: – Có phải cộng đồng người Rohingyas, tuy là một thiểu số, tuy là Hồi giáo, nhưng cũng là một thành phần của đại gia đình đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ của quốc gia Miến Điện? Hay, chỉ là một cộng đồng di cư kiếm sống, từ Bangladesh láng giềng qua, thoạt đầu tạm trú, dần dần sanh sôi nẩy nở, tạo thành một tiểu bang, chung sống với liên bang đa sắc tộc, đa tôn giáo Miến Điện?
Quyền lợi chánh trị nào buộc bà PHẢI ngậm miệng không nói gì, trong khi gần 500.000 người Rohingyas chen chúc trong những lều tỵ nạn ở xứ láng giềng Bangladesh đã từ trong nhiều tháng qua? Quyền lợi chánh trị nào cũng buộc bà phải ngậm miệng không nói gì trong lúc quân đội Miến Điện càng ngày càng đàn áp dữ dội người Rohingyas, viện cớ những người Rohingyas tuy tự nhận là người Miến Điện, nhưng vì là Hồi giáo, nên không phải là người Miến Điện, nên phải tẩy sạch khỏi đất nước Miến? Do đó, dư luận thế giới xem đây là một cuộc tẩy sạch chủng tộc – épuration ethnique – ethnical cleaning!
Và cũng do đó, dư luận thế giới đang ầm ĩ chống bà Aung San Suu Kyi. Thế giới chống bà, vì thất vọng, vì bà là cái biểu tượng, đã một thời, là hình tượng đại diện (thế giới dân chủ) chống chủ nghĩa độc tài cùng chế độ quân phiệt. Ủng hộ bà cũng là bảo vệ những quyền căn bản của con người và quyền dân chủ. Ủng hộ bà để cùng đòi hỏi Miến Điện phải đi đến một chế độ và một xã hội dân chủ mẫu Âu Mỹ (như quốc tế – phần đông thuộc Âu Mỹ da trắng, thiên chúa giáo mong muốn)? Nay chống bà, vì thế giới (ẤY ) bất lực trước cái NẠN Hồi Giáo quá khích đang bành trướng chủ nghĩa Daech khắp trên thế giới! Trách bà để khỏi tự trách mình đó chăng?
Đó là ý kiến thế giới. Nhưng còn ý kiến người dân Miến Điện?
1/ Daw Suu – Dì Suu:
Ý kiến người dân Miến Điện? Một sáng chúa nhựt của tháng 9 (2017), vừa qua, hàng ngàn người (dân Miến Điện) ào ào xuống đường, tuần hành, biểu tình tập họp tại Công viên Maha Bandula, Rangoon, với biểu ngữ, áo thun vẽ, với hình ảnh, bích chương, tất cả hình bà Aung San Suu Kyi, người lãnh tụ “thực thụ” của Miến Điện ngày nay. Một khẩu hiệu, và chỉ một khẩu hiệu, nhơn lên nhiều lần, lặp lại nhiều lần “Chúng tôi ủng hộ Daw Suu – Dì Suu của chúng tôi”.
Thành phần tham dự? Giới trẻ, giới trung, giới già, có cả những thầy chùa, ông sư, chú sãi nữa. “Chúng tôi ủng hộ Daw Suu, chống dư luận thế giới đang phao tin đồn thất thiệt đối với Bà” một bô lão, tuổi độ 60, đang nổi cơn phẫn nộ chống dư luận thế giới về cái vụ khủng hoảng người Rohingyas. Thật vậy, từ năm 2012, một phần không nhỏ của cái cộng đồng người Miến Hồi giáo nầy phải vượt biên tỵ nạn tại Bangladesh láng giềng để thoát khỏi sự đàn áp của quân đội Miến Điện. Riêng chỉ hai tháng qua của năm 2017 nầy thôi, gần 500.000 người đã vượt biên giới. “Nhà bị đốt, phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ con bị giết, đập đầu cắt cổ...” là những chuyện được người tỵ nạn kể lại cho cộng đồng báo chí thế giới. “Láo khoét! thêu dệt!” dư luận “người dân bình thường Miến” trả lời. Và cũng nhơn dịp, cũng tố cáo luôn vai trò của l’Arakan Rohingya Salvation Army (Arsa) – Mặt trận Cứu Nguy Dân tộc Rohingya của Tiểu bang Arakan, một tổ chức người Miến Hồi giáo, ngày 25 tháng 8 năm nay, đã trong một cuộc tấn công, đánh trên 30 đồn cảnh sát, làm ít nhứt là 89 người thiệt mạng.
Và vì lý do đó, tạo một ngọn sóng đàn áp khổng lồ của quân đội Miến chống thường dân Rohingyas. “Những người ngoại quốc nào đi chỉ trích Daw Suu – Dì Suu đều không hiểu một tý gì về hệ thống chánh trị nước Miến Điện cả!” vị bô lão 60 tuổi trên, tiếp tục giận dữ phát biểu.
Một phần nào, lão ta có lý! Vì, một là, uy quyền trách nhiệm của Bà, tuy là một lãnh đạo chánh quyền Miến đó, tuy là người đầy biểu tượng với thế giới đó, nhưng thực tình mà nói, uy thế Bà rất ít, và hầu như không có, đối với quân đội Miến Điện – cựu đối thủ chánh trị, và nay đồng lãnh đạo với bà, xưa đã cầm tù bà suốt bao chục năm nay… nay thả bà ra, chỉ để tạo uy thế cho bà để dễ dàng sử dụng hình ảnh dân chủ của bà để “tử tế hóa hình ảnh chế độ quân phiệt” đó thôi!
“Giữa Bà Aung San Suu Kyi và Tướng Min Aung Hlaing (Tổng tư lệnh quân đội Miến Điện), chính ông Tướng là người mới có thực quyền. Hiến pháp đã – chữ đen giấy trắng – nói rõ”
Bác sĩ Yan Myo Thein, nhà nghiên cứu chánh trị và cựu lãnh tụ của phong trào sanh viên năm 1988 phân tách.
Hai là, từ trong bầu không khí chống trung ương cố hữu, cư dân Tiểu bang Arakan, nơi đã xảy ra cuộc bạo động, nơi có cư dân đa số là Hồi giáo, từ nay đã chuyển biến sang thành một tinh thần độc lập tự trị địa phương. Và, dù sao, chánh quyền trung ương ở thủ đô Nay Pyi Taw, cũng không kiểm soát nổi cái Tiểu bang ấy, một vùng đất chỉ mới nhập vào đất Miến từ năm 1785, và biệt lập bởi một rặng núi khá cao nầy. Nói tóm lại, bà Aung San Suu Kyi, và tất cả những người có thiện chí, dẫu có quyết tâm gì gì đi nữa, cũng không làm sao dẹp được sự chống đối của người Hồi Giáo chống trung ương và sự đàn áp hay tàn sát người Rohingyas bởi quân đội Miến!
Nhưng bà có thể tối thiểu dùng ánh hào quang của biểu tượng quốc tế do thế giới tạo cho bà để kết án những sự đàn áp của các quân nhơn Miến đối với thường dân Rohingyas, xứng đáng với cái vai trò khôi nguyên của một Giải Hòa bình, và cái tiếng tăm người hùng bảo vệ các quyền con người?
Tổng Giám mục Nam Phi Desmond Tutu, khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình 1984, đã phải viết riêng cho bà bức thư tuy khuyên lơn, nhưng đầy trách móc sau đây: “Nầy bà chị ơi, nếu cái giá chánh trị phải trả để bà chị bước lên cái bực thang tuyệt đỉnh của quyền lực của quốc gia Miến Điện là sự im lặng của chị; thật tình giá ấy quá đắt!”
Giải Nobel một thời (1991), giải Nobel suốt đời. Nếu ngày xưa, trong gần 20 năm, bà được thế giới ngưỡng mộ bao nhiêu, thì ngày nay, bà lại bị chống đối bấy nhiêu.
Thật là “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần!” (Kim Vân Kiều).
2/ Một biểu tượng, một thần tượng hay chỉ là một ngẫu tượng?
– une icône, une idole, ou tout simplement une statue?
Hai mươi năm (1990 - 2010) đấu tranh, bà bị nhóm quân phiệt Miến Điện giam lỏng, biệt lập thân thể bà, nhưng bà vẫn được tự do tư tưởng chánh trị. Nhưng ngày nay, bà tuy đã được tự do thân thể, nhưng tư tưởng và hành động chánh trị bà lại bị nhốt, bị đóng khung – bởi thực trạng đầy thực tế chánh trị quốc gia? Và cũng bởi hình ảnh do cái nhìn đầy lý tưởng của quốc tế?
Aung San Suu Kyi có phải bị ám ảnh bởi cái nhìn quốc tế nhốt bà không? Giải Nobel Hòa Bình khi xưa đã giúp bà giữ tự do tư tưởng chánh trị của bà, nay cũng chính giải Nobel Hòa bình đang chống hành động chánh trị của bà!
Bà đúng thật là một biểu tượng của tình yêu nước, yêu tự do dân chủ. Thân thể tuy ốm yếu, mảnh khảnh đấy, nhưng bà có một nghị lực phi thường, với một thái độ “bất bạo động” nhưng cứng rắn trước cường lực bọn quân phiệt. Với một vẻ đẹp đầy duyên dáng, quyến rũ trong bộ quốc phục miến điện, luôn luôn một cành hoa tươi trên mái tóc, bà suốt trong thời gian 1990 đến nay là một thần tượng của dư luận thế giới. Với một giọng Anh quốc Oxford tuyệt vời, chính xác, trộn với cái hài hước – humour – đầy chất anh quốc, bà đã thâu phục bao sự ngưỡng mộ của thiên hạ. Bà đối thoại trực tiếp với phương Tây; không cần thông qua trung gian một thông dịch viên nào.
Từ những ngày đầu đấu tranh khó khăn – 1995 - 2000, hay những năm hoàn toàn bị biệt lập, các nhà ngoại giao, các nguyên thử quốc gia, hay cả các nhà báo đều sắp hàng hãnh diện đến hầu chuyện với bà – “Người Mệnh Phụ thành phố Rangoon- la Dame de Rangoon” – Bà là một biểu tượng, Bà là một thần tượng! Hình bà được treo trước các sảnh đường, trước các cổng các Tòa Thị Xã, Tòa Thị Chính, sách viết về bà, tranh vẽ về bà, và cả một cuốn phim về bà (The Lady do Luc Besson đạo diễn ra lò năm 2011 và do vợ người bạn thân thằng cả tôi, Jean Todd, là nữ tài tử người Mã lai, Michelle Yeoh đóng vai bà).
Sự ngưỡng mộ bà đã vượt khỏi tầm vóc cuộc đấu tranh dân chủ của Miến Điện. Từ một biểu tượng đấu tranh dân chủ cho Miến Điện, bà đã biến thành một thần tượng – của cả thế giới! Do sự bất khuất của bà đối với bọn quân phiệt. Thế giới thần tượng hóa bà như là một Rock Star, như một Movie Star, như là một bà thánh tân thời! Quá xa rời thực tế Miến Điện! Quên hẳn thực tế đấu tranh dân chủ thuở ban đầu!
Bà là “Lương tâm một quốc gia và nữ anh hùng của nhơn loại – the conscience of a country and a heroine for humanity” như vị Chủ tịch – Speaker – của Hạ viện Anh quốc John Bercow chúc mừng khi đón bà đến thăm London, năm 2012.
Bà càng tạo sự ngưỡng mộ cho cả thế giới, khi dư luận thế giới biết rõ cái giá của sự hy sanh của bà đối với tổ quốc bà. Ngày bà rời gia đình để trở về nước đấu tranh, hai con trai bà đều vị thành niên, 15 và 11 tuổi. Ngày nay, với Kim người con út, đang bị bệnh nghiện rượu hoành hành, với Alexander, người trưởng đi tu, không màng danh vọng, và đáng tội nghiệp hơn cả, khi Michael Aris, chồng bà bị ung thư năm 1997 và mất năm 1999, không gặp lại bà! Quả thật là tất cả một sự hy sanh! Càng cao quý vì đấy cũng là một lựa chọn! Chế độ quân phiệt đã luôn luôn đề nghị cho bà rời Miến Điện lúc nào bà muốn, nhưng đi là không được trở về. Và bà luôn luôn từ chối! “Tôi không bao giờ rời bỏ nhơn dân của tôi, tôi phải chia sẻ sự đau khổ nầy. Tôi không bao giờ nghĩ đến rời xa Miến Điện”.
Nhưng, trái với suy nghĩ quần chúng, cá nhơn Bà, Bà luôn luôn không chấp nhận là một thần tượng hay một biểu tượng . “Tôi không phải là Mẹ Têrêxa”.
Bà cương quyết không chấp nhận là một biểu tượng hay một thần tượng người đời gán cho bà trong một buổi phỏng vấn ở đài BBC, tháng tư năm nay: “tôi lúc nào cũng là một nhà hoạt động chánh trị, bắt đầu sự nghiệp, tôi đã là một nhà lãnh đạo một đảng chánh trị rồi, khó có ai nói ngược lại được rằng tôi không phải là người làm chánh trị”.
Và năm 2012, cũng trong một cuộc phỏng vấn, tại vườn riêng nhà bà, để trả lời một nhà báo người Pháp, khi vị nầy tỏ lo ngại rằng khi bà trở lại “tham chánh” hoặc với “chánh trường” bà sẽ bị gặp những sự “dan díu”, hay những “dàn xếp – compromis” sẽ làm lu mờ hình ảnh biểu tượng của bà đi! “Tôi không tha thiết gì đến tôi là biểu tượng – icône, hay là một thần tượng – idole gì gì cả vàbà tiếp theo “Tôi sẵn sàng làm bẩn tay tôi”.
Và nếu ngày nay trong vai trò lãnh đạo quốc gia, bà đang phải bẩn tay?
Bà chỉ còn là một pho tượng, một ngẫu tượng cho một Miến Điện Dân chủ tương lai?
Một công nương và một người của một nhóm phái – un clan:
Được ngưỡng mộ ở cả hai nơi, cả Âu lẫn Á, nhưng với hai lý do khác nhau! Ở Á, ở Miến Điện, bà là trưởng nữ của Tướng Aung San, người “cha già Dân tộc”, người đã giải phóng Miến Điện khỏi ách đô hộ Anh. Khi ngài bị ám sát mất năm 1947, Suu Kyi chỉ mới 2 tuổi. Và nàng lớn lên, được nuôi dưỡng trong ánh hào quang người cha anh hùng ấy, và nghĩ rằng nàng sẽ có một vận mạng chánh trị. Ngày nay, trong những trả lời với báo chí quốc tế bà không bao giờ dùng từ “Miến Điện” hay “dân Myanmar” mà luôn luôn bà dùng từ “dân tộc tôi – my people”! Nếu Âu Mỹ xem nàng như một nhà đấu tranh, thì dân Miến xem nàng như một công nương! Một cô nương thuộc một nhóm phái – một clan, thường gặp ở Á đông, như bà Indira Gandhi hay bà Benazir Bhutto.
3/ Con đường Dân chủ của Miến vẫn còn lắm khó khăn:
Daw Suu của quần chúng Miến Điện phải điều hành chung cùng Quân đội (Quân Phiệt?): Dù với tất cả lòng nhơn ái nào, dù với lời người khuyên đầy sức thuyết phục nào, kể cả với Giáo Hoàng Phan Xi Cô, bằng chứng là cả Giáo Hoàng cũng tránh không nói tên Rohingyas! Bà cũng không thể theo lời khuyên thế giới, hay vì tên tuổi hào quang của Khôi nguyên Giải Nobel để cứu trợ người Rohingyas.
Daw Suu là do dư luận quần chúng Miến tạo thành! Và quần chúng Miến vốn đa số rất Phật Giáo, và rất chống Hồi Giáo, và khi đã quyết tâm nghĩ rằng người Rohingyas là những người di dân tỵ nạn lậu, thì khó lay chuyển nổi (Lại thêm những chuyện như Daech, như những đột kích khủng bố như Paris, London... và ngay ở Miến tháng chín qua!). Chớ quên gần đây, năm ngoái, cũng đã có một phong trào Phật Giáo quá khích do những ông sư quá khích hô hào, lãnh đạo, đe dọa người đạo Phật nếu không chống Hồi giáo, Phật Giáo sẽ bị diệt chủng.
“Và lý do gì Daw Suu đứng về dư luận thế giới, bảo vệ người Hồi, và chống lại dư luận Miến?” Maung Saung Hka, ủy viên chánh trị đảng Liên minh Quốc gia Dân chủ, nói rõ lập trường đảng cầm quyền “làm như vậy, Daw Suu sẽ gặp khó khăn ngay với Quân đội, đã là một cân bằng tương quan lực lượng rất mong manh ngay từ đầu rồi. Mất dân, mất người đỡ đầu, bà sẽ mất tất cả!”.
Tương lai Miến Điện: Năm 2020, sẽ có Tổng tuyển cử ở Miến Điện, Aung San Suu Kyi đặt sự cải tổ Hiến Pháp là trọng tâm của chánh quyền bà. Bà cần sự hổ trợ của quân đội. Quân đội Miến, nắm 25% ghế ở Quốc Hội Miến, nắm toàn bộ các đường giây dính líu với Đảng đối lập, là Đảng Thống nhứt, Đoàn kết và Phát triển – đa số là các cựu quân nhơn. “Quân đội đang lợi dụng khủng hoảng Rohingyas để thành lập thiết quân luật và lấy quyền về lại mình” Tiến sĩ Wai Phyo Aung, một nghị viên thuộc Liên minh Quốc gia Dân chủ do bà lãnh đạo nhận định.
Có lẽ vì vậy, mà Khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đành phải hy sanh đám người Rohingyas, hy sanh bỏ ngoài tai những can gián thế giới để giữ Tự do Dân chủ cho toàn dân Miến.
Vì Tương Lai Miến Điện Dân Chủ, Daw Suu PHẢI là DAW SUU của nhơn dân Miến, KHÔNG CÒN, và KHÔNG CẦN là Khôi Nguyên của một Giải Nobel Hòa Bình với cái chuẩn Âu Mỹ nữa! Đến cả Giáo Hoàng, khi đến Miến, cũng hiểu vậy, và vì vậy, cũng tránh nói đến cái tên Rohingya khi nói chuyện ở Miến. Tất cả chỉ làm sao PHẢI tránh chế độ Quân Phiệt trở về…
Để Kết luận: Và Việt Nam:
Giáo hoàng Phan Xi Cô tế nhị đã hiểu Daw Suu và đã hiểu quyền lợi nhơn dân Miến! “Ai ai cũng biết rằng Daw Suu không thể có toàn quyền phát ngôn, cũng như không có toàn quyền hành động, trong một chánh phủ vẫn còn quân đội kiểm soát. Hãy giúp đỡ bà, và chúng tôi (nhơn dân Miến), chớ ép buộc chúng tôỉ” Tiến sĩ Wai Phyo Aung tiếp lời.
Nói chuyện người đâm nghĩ đến chuyện mình, chuyện đất nước Việt Nam ta.
Cũng đồng thời, cũng bị một nhà cầm quyền áp chế – ở ta, do ngoại bang quân phiệt Tàu cộng cưỡng ép – đáng lý phải chống đỡ. Đằng này, nay lại sai một tên vô lại, đầy học hàm, chức vụ mua được hay tự phong? Tự biên tự diễn đề nghị đổi cách viết chữ quốc ngữ ta, tạo phong trào chống đối! Để làm gì trong lúc Đất nước đang bị xâm chiếm? Nếu không là để che lấp tất cả những tội ác,... đàn áp bắt người, bán đất bán biển, bán đảo cho Tàu Cộng. Cái tội bán chữ quốc ngữ tạo phản ứng rầm rộ ĐỂ bịt mắt, che lấp tội bán nước.
Thay vì, như Miến Điện, đối với khủng hoảng người Rohingyas, Daw Suu biết phân biệt, cân lượng giữa khủng hoảng Rohingya nhơn đạo và Tương lai đất Miến.
Còn ở Việt Nam ta! Hãy cảnh giác thiệt hư xem tại sao Việt Cộng cho RA cái trò cải tổ chữ cà chớn nầy? Ngay những lúc nầy? Chỉ để che lấp trò bán nước? Thế thôi! Hay…? Gì Khác?….
Cẩn thận! Cảnh Giác!
.
Hồi Nhơn Sơn, Mùa Vọng 2017
Phan Văn Song