Đào Viên


Một cuộc nội chiến bao giờ mới chấm dứt?

.

I appeal to all men and women, whether they be eminent orb humble,
to declare they will refuse to give any further assistance to war or the preparation of war.

Albert Einstein

1) Một thắng lợi chưa đi đến đâu

Một buổi sáng tháng Chạp năm 2016, một nhóm lính tráng đến đập cửa một căn nhà ở thành phố phía Đông Aleppo.

Aleppo là một tỉnh lớn thứ hai của nước Syria. Phía Đông là địa bàn hoạt động của nhóm binh sĩ Chống đối chính quyền Trung Ương của Tổng thống Bashar al-Assad. Phía Tây Aleppo còn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Assad. Ở giữa là nơi chém giết của cả đôi bên. Phía bắc Aleppo là nơi có thủ phủ Raqqa của đạo quân Hồi giáo quá khích ISIS

Trong nhà có tiếng người đàn ông hỏi: “Các anh là ai?” Một người lính trả lời: “ Chúng tôi là quân đội Syria Arab đây. Bây giờ đã yên rồi. Anh có thể ra được rồi. Bọn chúng đi hết rồi.

Syria Arab Army là đội quân của chính quyền trung ương tại thủ đô Damascus.

Cửa nhà bỗng mở rộng, một người đàn ông trung niên bước ra. Mặt mũi có vẻ cương quyết. Bộ quần áo rách mướp cũ kỹ, hàm răng ố vàng, mất vài chiếc. Anh ta có vẻ do dự, nhưng sau khi được mấy người linh khuyến khích, anh bước hẳn ra ngoài bước ra giữa đường phố. Anh nhìn khắp phương trời, úp tay vào mặt mà khóc. Anh nói với người lính Syria Arab của chính quyền Bashar al-Assad là đã bốn năm rưỡi nay, chưa bao giờ anh mở cửa nhìn ra ngoài phố.

Chiến cuộc hôm ấy đem thắng lợi cho ông Bashar al-Assad, sau bao nhiêu tháng dội bom, bắn phá phía Đông Aleppo. Hầu hết dân chúng đã di tản đi nơi khác. Riêng người đàn ông trung niên, gầy gò, già trước tuổi này đã một mình ở lại.

Ông ta sống ra sao? Trong nhà còn chút lương thực khô lấy ra ăn nốt. Sau nhà có mảnh đất nhỏ có trồng ít rau đậu, lấy vào ăn dần. Trông ông ta mọi người nhớ đến nhân vật Robinson Crusoe một mình sống trên hoang đảo.

Ông Abu Sami trong nhà

Ông này tên là Abu Sami, một trí thức Ả rập, trước kia là giáo sư đại học Aleppo University. Lúc đầu, khi cuộc chiến chưa gay cấn lắm, nhóm Chống đối chính quyền Assad chưa tiến chiếm vùng ông đang ở, ông Sami thỉnh thoảng còn còn thấy mặt người: cháu ông còn đến thăm và mang đến cho ông Chú một ít bánh mì và thịt cừu. Nhưng kể từ năm 2013, khi bom đạn dội vào vùng này thường xuyên và dữ dội hơn, ông không còn nhìn thấy ai nữa. Dần dà nhà hết điện, hết nước sạch trong nhà. Ông ta phải hứng nước mưa, đun sôi để uống dần. Sau nhà có vườn, ông bắt đầu trông một ít rau và cây ăn trái. Ốm đau à? Ông phải tự chữa bệnh bằng lá aloe vera. Một lần răng bị sâu, đau quá không chịu nổi, ông Sami phải lấy kìm vặn và nhổ cái răng sâu ấy đi. Với kinh nghiệm, khi nghe thấy tiếng phi cơ hay bắt đầu có tiếng súng, ông lấy chăn dầy cuốn vào người, chui dưới gần giường để đề phòng.

Ở nhà suốt ngày ông làm gì? Đọc sách cho qua ngày tháng. Là một nhà giáo, ông có rất nhiều sách báo trong nhà. Từ sách triết học của Sigmund Freud, tiểu thuyết của Henry Miller, qua sách nghệ thuật Robert Brustein, đến kịch bản cổ điển của Shakespear, tiếng Anh và Molière viết bằng tiếng Pháp.

Với nhiều tiềm năng của một trí thức gia như ông Sami, tại sao ông không di tản đi nơi khác, an bình hơn, như mọi người, mà vẫn cố thủ trong nhà cả năm cả tháng như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: đây là nhà của tôi, bỏ đi người khác sẽ đến ở, mất nhà, vả lại chiến cuộc sẽ chấm dứt nay mai, không tháng này thì tháng sau, năm nay không xong thì năm tới sẽ xong. Chiến tranh sẽ chấm dứt, phải chờ thôi.

Ra ngoài, đi di tản có chắc gì sẽ sống còn không? Ông Sami đứng trên lầu (gác) đã thấy một ông hàng xóm láng giềng bị một nhóm lạ mặt vào nhà quát tháo, rồi lôi ông đi mất. Một tiếng sau, chúng mang xác ông để trước nhà.

2) Trở lại nguyên do ban đầu

Chiến cuộc Syria bắt đầu từ tháng Ba năm 2011. Sau năm năm nội chiến, hơn 250.000 dân Syria đã bỏ mạng và trên 11 triệu dân đã phải chạy trốn vì chiến cuộc ngày càng leo thang giữa chính quyền của Tổng Thống Bashar al-Assad và nhóm ly khai chống đối. Ấy là chưa kể đến nhóm khủng bố cực đoan ISIS. cũng nhẩy vào tham chiến.

Câu chuyện bắt đầu rất nhỏ không đáng kể, tại thị trấn Dera’a. Mấy thanh thiếu niên viết bậy trên tường trong trường, ủng hộ phong trào cách mạng Ả Rập từ Morocco. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cho cảnh sát công an vào trường đánh đập và bắt đi những thanh thiếu niên này. Dân chúng biểu tình phản đối. Quân đội xả súng bắn chết nhiều người dân. Từ đó câu chuyện trở thành một vấn nạn quốc gia: một cuộc nội chiến lan rộng mỗi ngày.

Syria President Bashar al-Assad

Dân chúng yêu cầu Tổng thống al-Assad từ chức. Chính quyền dùng sức mạnh để đàn áp kẻ chống đối. Chỉ năm tháng sau, phe chống đối đã quy tụ được cả trăm ngàn người, tổ chức thành nhiều đội quân, có vũ khí, đánh đuổi quân chính quyền ra khổi một số địa điểm để chiếm giữ. Cuộc nội chiến lan rộng tới thủ đô Damascus và thị trấn Aleppo là một đô thị lớn, đông người, chỉ sau Damascus.

Đến tháng Sáu 2013, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ) 90.000 người đã thiệt mạng. Sang đến tháng 8, 2015 số người này tăng đến 250.000.

Syria là một quốc gia Ả rập theo đạo Hồi (Islam). Đạo Hồi có nhiều phe phái khác nhau. Đa số dân Syria theo đạo Hồi Sunni. Riêng gia đình al-Assad của Tổng thống lại theo đạo Shia Alawite. Yếu tố tôn giáo đã làm cho cuộc nội chiến khó gỡ ra hơn. Những quốc gia trong vùng gần cận với Syria cũng theo Hồi giáo, cũng chia ra làm nhiều hai phe Sunni và Shia (hay Shiite), ủng hộ bên này, chống lại bên kia. Do đó người ngoại quốc đã nhúng tay vào cuộc nội chiến khiến cho sự tìm kiếm hòa bình cho Syria là chuyện rất xa vời.

Bản đồ Syria (2016) với nhiều phe chống đối nhau

3) Những người tham gia cuộc nội chiến

Người ta đã thấy ít ra có năm lực lượng đáng kể:

a)   Chính quyền Bashar al-Assad với đội quân Syria Arab Army;
b)   Tổ chức Phe chống đối Syria Rebel Forces,
c)   Chiến sĩ Quốc Gia Hồi giáo ISIS (Islamic State in Iraq and Syria),
d)   Chính quyền Iraq,
e)   Đội quân người Syria, Iraq có gốc là dân tộc Kurd.

Chưa kể đến những tài trợ, khí giới, đôi khi nhân lực từ:

a) Lebanon, Ba Tư (Iran), Nga giúp chính quyền Assad,
b) Thổ Nhĩ kỳ, Saudi Arabia, Qatar, Jordan, Hoa kỳ, Anh, Pháp, giúp phe Chống đối.

Liên Hiệp Quốc cho rằng phải cần đến $3,2 Tỷ Mỹ kim để trợ giúp 13,5 triệu dân Syria, trong đó có 6 triệu là trẻ em. 70% dân chúng không có nước sạch để uống, Một phần ba dân Syria không đủ thức ăn tối thiểu. Hơn hai triệu trẻ em thất học vì trường sở không có.

Giúp đỡ dân chúng không dễ dàng gì bởi lẽ ngưởi Syrian nghi ngờ lẫn nhau. Nhiều nơi không muốn nhận trợ cấp. Lối vào tìm giúp dân di tản nhiều khi rất khó vào, vì chiến tranh, vì bất đồng chính kiến. Ngay trong nội bộ phe Chống đối, số người cực đoan không chịu nhân nhượng với chính quyền Assad lấn át phe chủ trương hòa hoãn. Thêm vào đó đạo quân cực kỳ dã man của Chính quyền Hồi giáo ISIS chỉ muốn độc quyền cướp trợ giúp của người ngoài. ISIS, với những chiến sĩ không phải là dân Syria, gây chiến với cả phe Chống đối Rebel Force lẫn chính quyền Trung Uơng Assad.

Môt ủy ban điều tra của Liên hiệp quốc đã thấy trong cuộc nội chiến này, tất cả mọi bên đều phạm những tội ác chiến tranh như cướp của, giết người, tra tấn, hãm hiếp, dùng người dân như một khí giới chiến tranh như chặn đường tiếp tế lương thực, nước uống, bắn hỏa tiễn bất phân biệt vào nơi đông dân, dội bom phá hủy nhà thương, bệnh viện… Liên Hiệp quốc yêu cầu mọi bên ngưng chiến tại những nơi đông dân, nhưng chẳng bên nào đồng ý.

Barrel Bomb of Assad Government

Chiến tranh leo thang chính quyền trung ương dùng một thứ khí giới đặc biệt là “bom thùng” (barrel bomb) giết người nhiều hơn reo khủng bố lên dân chúng. Trong năm 2013, hơi độc sarin, khí giới hóa học xuất hiện, làm chết rất nhiều thường dân nhất là trẻ em. Đôi bên tố cáo lẫn nhau. Để giảm bớt cường độ giết người bằng hơi độc, Tổng thống Assad công khai tuyên bố sẽ hủy bỏ tất cả những khí giới hóa học của mình. Trong khi ấy nhóm Hồi giáo cực đoan ISIS dùng những thủ đoạn khủng bố khác như công khai cứa cổ tù binh, chặt chân chặt tay con tin, giết người hàng loạt, kể cả một số người Tây Âu.

4) Hòa bình sẽ đến

Rút cục không bên nào đủ sức áp đảo – chưa nói đến toàn thắng – nổi bên kia. Liên Hiệp quốc cho rằng mọi bên phải nhân nhượng lẫn nhau thi mới có hòa bình được.

Năm 2012 Liên Hiệp quốc đề nghị một thỏa ước gọi là 2012 Geneva Communique, thành lập một thứ Chánh phủ Lâm thời để đôi bên ngồi vào bàn hội nghị nhân nhượng lẫn nhau đi đến Hòa Bình. Đầu năm 2014, sau hai lần hội họp, thỏa ước tan vỡ, ông Lakhdar Brahimi, người xứ Algerie, đặc phái viên Liên hiệp Quốc tố cáo chính quyền Assad từ chối thảo luận những yêu sách của phe Chống Đối. Người kế vị ông Brahimi là ông Staffan de Mistura, người Ý đại lợi, đành phải đưa ra phương sách đôi bên thảo luận Ngưng Chiến “từng phần”.

Nhà thương bị ném bom

Năm 2015 dề nghi thành lập một vùng “freeze zone” tại Aleppo không được chấp thuận. Tuy nhiên đến tháng Chạp năm 2015 có một cuộc ngưng chiến tại Homs al-Wair.

Cho đến nay, Chính quyền Assad với sự tiếp tay trực tiếp cùa Nga, đã kiểm soát được toàn tỉnh Aleppo là tỉnh lớn nhất sau thủ đô Damascus. Tuy nhiên phe Chống đối vẫn có mặt và hoạt động trên khoảng 15% xứ Syria. Tình báo Hoa kỳ nói là có trên 50.000 chiến sĩ phe Chống đối, ôn hòa hơn, vẫn hoạt động tại phía bắc thành phố Ibdib và ngoại ô phía Tây Aleppo. Một phần của ba thành phố Homs, Dera’a, Gouta sát nách Damacus vẫn có phe Chống đối.

Lực lượng người Syria gốc Kurd, đứng giữa, không ủng hộ hay chống đối phe nào, chiếm giữ phía Đông Bắc Syria, biên giới Syria-Thổ nhĩ kỳ.

Quân đội của ISIS, mặc dầu bị tổn thất nhiều do không quân Nga, Mỹ đánh phá, vẫn giữ vững vùng phía bắc Syria, với thủ phủ là Raqqa.

5) Tại sao không chấm dứt.-

Tại sao cuộc nội chiến kéo dài lâu đến vậy? nhiều người chết quá vậy? Xét cho cùng đây không phải chỉ là một chiến cuộc giữa những người ủng hộ và những người chống đối ông Assad.

Lý do chính yếu là sự can thiệp vào nội tình Syria từ các quốc gia Ả rập láng giềng và các đại cường Tây Âu. Chính những sự giúp đỡ về tài chánh, quân sự, chính trị cho chính quyền, cho phe Chống đối đã làm gia tăng, kéo dài cuộc nội chiến, khiến cho những chiến sĩ đôi bên trở thành quân cờ trên bàn cờ thế giới.

Người Hồi giáo Shia xứ Ba Tư (Iran) muốn giúp chính phủ Shia Alawite của Tổng thống Assad được vững mạnh đã bỏ ra cả tỷ Mỹ kim để tài trợ, khí giới đạn dược. Syria còn là lối giao thông từ Ba Tư đến Lebanon nơi đó có nhóm Hồi giáo Shia Hezbolla đang cần giúp đỡ. Vì vậy Hezbolla đã gửi chiến sĩ đên Syria giúp chính quyền Trung ương chống lại phe ‘Chống đối’.

Người Hồi giáo Sunni xứ Saudi Arabia muốn chống lại ảnh hưởng của Hồi giáo Shia Ba Tư đã trở thành người đỡ đầu, giúp đỡ tiền bạc khí giới cho phe chống đối, kể cả nhóm Hồi giáo cực đoan ISIS.

Thổ nhĩ Kỳ không chịu ngồi yên, khi thấy dân Syrian gốc Kurd chiếm giữ một góc riêng của Syria có thể có hại cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng nhẩy vào tham chiến cùng phe Chống đối, đánh quân đội Syria gốc Kurd.

Hoa kỳ, dưới thời tổng thống Barack Obama, thấy Syrian Arab Army của chính quyền Assad phạm nhiều tội ác, cũng tìm cách giúp phe Chống đối ôn hòa, không bằng bộ binh mà bằng không quân, đến oanh kích một số địa điểm mà Hoa Kỳ cho là có khí giới hóa học của chính quyền

Người Nga, không muốn Hoa kỳ độc quyền có mặt tại Syria, cũng vào tham chiến. Ông Vladimir Putin Tổng thống Nga lấy cớ Syria có quá nhiều tên “khủng bố” xâm nhập, nên ông phải giúp chính quyền trung ương Assad, cho không quân Nga đánh phá những nơi của nhóm Chống đối mà ông gọi là bọn khủng bố. Không quân Nga đã giúp rất nhiều chính quyền Assad chiếm lại Đông Aleppo.

Aleppo tan hoang, không còn gì

Chiến cuộc tại Syria như vậy đi đến chỗ bế tắc. Nước Syria mỗi ngày đi đến suy vong. Tại hầu hết các vùng, bất cứ còn về tay phe nào, hạ tầng cơ sở cần thiết cho sự sống, hư hao dần, dân chúng sẽ bỏ đi hết thì còn gì là Syria nữa.

6) Một người Syria can đảm

Có một người Syria nghĩ đến điều này nên đã cố gắng làm một số chuyện hầu cứu vãn lại tình thế. Ông này có thể gọi là người đối nghịch với ông giáo sư đại học Abu Sami, người đã cố thủ trong căn nhà của mình tại Đông Aleppo, không ra ngoài, chỉ để giữ nhà..

Ông ta là một kỹ sư 57 tuổi tên là Tarif Attora. Attora mầy mò làm sao đã tạo dựng lên một nhóm người trẻ có tên là Aleppo People Initiative. Họ làm những gì? Họ sửa chữa những đường giây dẫn điện, những ống nước vào nhà, đem thức ăn và thuốc men đến cho những ai cần đến. Họ làm chuyện từ thiện này trong mọi địa bàn hoạt động, phe chính quyền lẫn phe chống đối. Có lẽ họ là những người được cả mọi bên nể nang hơn cả.

Ông Attora bắt đầu làm công việc này tháng Bẩy, năm 2012. Ông tụ họp được khoảng 30 người, toàn là dân Aleppo, có người theo phe Assad, có người theo phe Chống đối, do đó họ đã cãi nhau dữ dội vì dị biệt chính trị. Ông Attora chỉ muốn mọi người thảo luận đề tài giúp dân và cứu vãn sự tan rã của quốc gia Syria.

Mọi người đồng ý. Họ nói chuyện với công ty Điện và công ty Nước, với lãnh đạo trong cuộc chiến. Hai công ty Điện, Nườc bằng lòng cung cấp dây điện, ống nước, nhưng không giúp những thứ khác, nhất là nhân công và xe cộ. Nhóm Aleppo People Initiative hoạt động ngay. Có sáu đoàn viên tử nạn và nhiều người khác bị thương, kể cả ông trưởng đoàn Attora.

Ông Attora trong khi hành sự tại những vùng gọi là “hot zones” đã suýt chết nhiều lần. Lưng vẫn còn đau vì những miếng đạn vào lưng. Nhiều người cho ông thuộc phe Chống đối. Ông nói với mọi người: “Là gì đi chăng nữa, tôi không bao giờ phá đất nước này để làm cho nước Syria lùi lại cả trăm năm.”.

Ông còn nói thêm: “Chúng ta đang phục vụ cho quyền lợi chính trị của người ngoại quốc. Biết hay không biết cũng thế thôi. Nhưng chúng ta phải đề cao cảnh giác, phải thấy những lỗi làm đã làm, sửa lại những lỗi đã phạm, đừng đề quốc gia này phải suy vong”.

Bao giờ người Syria không còn giết nhau nữa? một câu hỏi chưa có trả lời

Đào Viên
(trích từ website Vườn Đào Kết Bạn của tác giả – daovien.wordpress.com)


Cái Đình - 2017