Hiếu Chân
Lo sợ khủng hoảng dân số, nhiều nước khuyến khích sinh đẻ
Hôm Thứ Hai 31 Tháng Năm 2021, Trung Quốc nói sẽ cho các gia đình có được ba đứa con thay vì hai con như hiện nay. Ở Mỹ, trẻ em bắt đầu nhận được tiền trợ cấp hằng tháng của chính phủ, từ $250 đến $300 mỗi em. Tại Đức, khi sinh con, không chỉ người mẹ được nghỉ làm việc được hưởng lương suốt một năm người cha cũng được nghỉ bốn tháng để phụ chăm con nhỏ…
Chính phủ Joe Biden khuyến khích phụ nữ Mỹ sinh con,
ban hành các quy định để phụ nữ được nghỉ thai sản được hưởng lương,
đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc trẻ em và phụ cấp chăm sóc trẻ em…
(Hình minh họa: Jonathan Borba/Unsplash)
Thay vì giới hạn sinh đẻ, nhiều quốc gia đã chuyển sang chính sách khuyến khích sinh đẻ để đối phó với một khuynh hướng thay đổi lớn trên toàn cầu: dân số suy giảm. Cuộc khủng hoảng, tuy ít được chú ý trong cuộc sống bộn bề thời đại dịch, nhưng đặt ra nhiều bài toán khó và báo hiệu một tương lai không mấy lạc quan.
Trong nhiều thế kỷ qua, nhân loại thường xuyên bị bóng ma “nhân mãn” (mãn, từ Hán-Việt nghĩa là tràn đầy) ám ảnh: sinh đẻ quá nhiều làm cạn kiệt nguồn lương thực thực phẩm mà đất đai sản sinh ra được. Hầu như học sinh trung học nào cũng biết tới công thức nổi tiếng của nhà dân số học người Anh Thomas Robert Malthus (1766-1834): “Dân số tăng theo cấp số nhân trong khi lương thực chỉ tăng theo cấp số cộng.”
Trong tác phẩm “An Essay on the Principle of Population” (1798), ông Malthus khẳng định, nạn đói và chiến tranh là tất yếu. Khi không thể gia tăng mạnh sản lượng lương thực, thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu của khối dân số ngày càng đông đảo thì cuộc tranh giành tài nguyên giữa các bộ lạc, các quốc gia sẽ dẫn tới chiến tranh. “Bóng ma Malthus” (Malthus Spectre), “Bẫy Malthus” (Malthus Trap), “Thảm họa Malthus” (Malthus Catastrophe)… là những khái niệm quen thuộc trong nghiên cứu xã hội học suốt mấy thế kỷ qua.
Gần đây, nhà sinh học nổi tiếng của Đại Học Stanford, Paul R. Ehrlich, trong cuốn sách bestseller “The Population Bomb” (1968) cảnh báo sự gia tăng dân số trên trái đất đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, tăng trưởng dân số đã vượt xa mức tăng sản lượng lương thực và các tài nguyên thiết yếu khác. Nếu xu hướng tăng dân số kéo dài thì môi trường sẽ bị hủy hoại và nền văn minh có nguy cơ sụp đổ. Thế kỷ 20 – chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh có mức độ hủy diệt khủng khiếp nhất từ thời thượng cổ tới nay… – cũng là thời kỳ dân số thế giới tăng trưởng nhanh nhất: từ 1,6 tỷ người vào năm 1900 tăng đến 6 tỷ người vào năm 2000; tuổi thọ cũng tăng lên và tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm mạnh.
Lo sợ nạn “nhân mãn,” một số quốc gia, nhất là các nước cộng sản, đã ban hành những chính sách kiểm soát dân số hết sức khắc nghiệt. Trung Quốc quy định mỗi gia đình chỉ được phép sinh một đứa con, vi phạm sẽ bị trừng phạt rất nặng; Việt Nam quy định mỗi gia đình chỉ đẻ từ một đến hai đứa con; sinh con thứ ba có thể bị mất việc làm trong nhà nước, bị khai trừ đảng và nhiều hình thức kỷ luật khác. Chính sách kiểm soát sinh đẻ có tác dụng làm chậm đà tăng dân số nhưng kéo theo nhiều tác hại nặng nề, chẳng hạn như tình trạng lão hóa, suy giảm lực lượng lao động và mất cân bằng giới tính nam và nữ… không thể sửa chữa được.
Cảnh báo của ông Malthus trước kia và ông Ehrlich gần đây không sai nhưng tình hình thực tế không đến mức bi quan như vậy. Các cuộc cách mạng công nghiệp, “cách mạng xanh” trong nông nghiệp đã làm năng suất lao động tăng lên nhiều lần và thay đổi tận gốc hoạt động kinh tế của nhân loại.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới những thập niên gần đây đã cao hơn tốc độ tăng dân số và nhiều trăm triệu người đã được thoát ra khỏi cảnh đói nghèo cùng cực. Đặc biệt, lối sống hiện đại ở các nước phát triển không khuyến khích sinh đẻ và dân số thay vì tăng lên đã bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống – một sự đảo ngược chưa từng thấy trong lịch sử.
Trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đang đối mặt với chuyện dân số chững lại, tỷ lệ sinh giảm. Các nhà nhân khẩu học dự đoán vào nửa sau của thế kỷ hoặc có thể sớm hơn, dân số toàn cầu sẽ lần đầu tiên rơi vào tình trạng suy giảm liên tục. Công thức “dân số tăng theo cấp số nhân” của ông Thomas R. Malthus sẽ không còn đúng nữa.
***
Cơ quan Dân Số Liên Hiệp Quốc dự báo dân số thế giới sẽ ngừng tăng trưởng vào năm 2050 và đạt mức đỉnh là 9,15 tỷ người (năm 2020 là 7,8 tỷ người). Để ổn định đà tăng dân số, người ta tính ra, mỗi phụ nữ cần sinh hai đứa con; “tỷ lệ thay thế” (replacement rate) là 2,1; nơi nào phụ nữ sinh ít hơn 2,1 đứa con thì dân số sẽ giảm và ngược lại.
Vận dụng lý thuyết này, các nhà khoa học chỉ ra bốn xu hướng lớn về dân số thế giới, làm thay đổi cục diện chính trị và kinh tế trong bốn thập niên tới.
Một là, dân số của các nước phát triển sẽ giảm khoảng 25%; sức mạnh kinh tế sẽ chuyển dịch sang các nước đang phát triển.
Hai là, lực lượng lao động của các nước phát triển sẽ lão hóa và suy giảm, hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng nhu cầu lao động nhập cư.
Ba là, phần lớn sự gia tăng dân số của thế giới trong các thập niên tới sẽ diễn ra ở các nước ngày nay là nước nghèo, trẻ và phần lớn theo Hồi Giáo – những khu vực thiếu thốn nền giáo dục có phẩm chất tốt, thiếu vốn liếng và cơ hội làm việc.
Và cuối cùng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, phần lớn dân số sẽ sống ở những vùng đô thị; những thành phố lớn nhất thế giới sẽ tập trung ở các quốc gia nghèo nhất, nơi điều kiện an ninh, vệ sinh và chăm sóc y tế đều yếu kém hoặc thiếu thốn.
Tất cả những yếu tố này đều tác động rất mạnh tới sự phát triển kinh tế-xã hội và cán cân quyền lực toàn cầu trong ba, bốn thập niên sắp tới.
Nhìn vào thực tế lịch sử, người ta thấy tỷ lệ tương đối về dân số của các nước công nghiệp pháp triển (tập trung ở Châu Âu và Bắc Mỹ) đã suy giảm khá mạnh và tiếp tục suy giảm trong tương lai. Nếu như năm 1913, dân số Châu Âu và Bắc Mỹ chiếm 33% tổng dân số thế giới thì con số này chỉ còn 17% năm 2007 và dự tính sẽ chỉ còn 12% vào năm 2050. Cùng với đà suy giảm dân số là sự suy giảm sức mạnh kinh tế.
Theo nhà kinh tế học Angus Madison, vào đầu thế kỷ 19, Châu Âu và Bắc Mỹ làm ra 32% tổng sản lượng (GDP) toàn cầu; con số này tăng lên tới 68% vào năm 1950 nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế tạo; sau đó giảm xuống 47% năm 2003 và đang tiếp tục suy giảm, dự kiến chỉ còn dưới 30% vào năm 2050.
Chính vì thế, động lực tăng trưởng kinh tế của thế giới đang chuyển dịch từ các nước Châu Âu và Bắc Mỹ sang các nền kinh tế mới nổi, trước đây là những nước nghèo, chậm phát triển như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tính toán của Ngân Hàng Thế Giới (WB), đến cuối thập niên 2020, thành phần trung lưu ở các nước này sẽ lên tới 1,2 tỷ người, đông hơn tổng dân số của cả Châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.
Vì thế, đừng ngạc nhiên và lo sợ khi thấy các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng với tốc độ thật ấn tượng trong khi các nước Mỹ, Canada, Châu Âu có vẻ như bị trì trệ, thậm chí suy thoái, cuộc sống ngày càng nghèo đi so với các thế hệ trước.
***
Hoa Kỳ là một trường hợp rất thú vị. Sau khi Liên Xô tan rã đầu thập niên 1990, Mỹ trở thành nước đông dân thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý là hai thập niên sau Chiến Tranh Lạnh (1990-2010), dân số Mỹ nói chung và lực lượng lao động (dân số từ 20 - 64 tuổi) nói riêng đều tăng nhanh hơn các đối thủ Nga và Trung Quốc nhờ tỷ lệ sinh đẻ cao và lượng người nhập cư lớn. Nhưng xu hướng này đã chững lại và đang bắt đầu đảo ngược, đặt ra bài toán khó cho những nhà hoạch định chính sách ở Washington.
Theo kết quả Điều Tra Dân Số 2020 (Census 2020) mới công bố, trong 10 năm 2010 - 2020, dân số Mỹ mỗi năm chỉ tăng thêm 0,74%, thấp hơn mức tăng 1% của thập niên trước nhưng cao hơn Trung Quốc (0,53%). Lượng người nhập cư gần như không thay đổi, khoảng 1 triệu người mỗi năm, cho nên sự suy giảm tốc độ tăng dân số chủ yếu do người dân Mỹ ít đẻ hơn trước.
Census ghi nhận, mức tăng dân số tự nhiên (lấy số sinh trừ cho số tử) của Mỹ là 1,7 triệu người trong thập niên 2000 - 2009, giảm xuống 1,2 triệu người trong thập niên 2010 - 2019 và năm 2019 chỉ còn 900.000 người, mức tăng thấp nhất kể từ khi hệ thống đăng ký hộ tịch bắt đầu được thực thi năm 1933.
Tỷ lệ sinh của người Mỹ có vấn đề. So với năm 2007 số trẻ em sinh ra năm 2020 đã giảm đi hơn nửa triệu em; từ 4,3 triệu trẻ xuống còn 3,6 triệu trẻ. Trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tỷ lệ sinh của phụ nữ Mỹ duy trì liên tục ở mức bằng tỷ lệ thay thế (2,1 con cho một phụ nữ), nhưng con số này giảm xuống mức 1,7 vào năm 2019 và 1,64 vào năm 2020 – thấp hơn 20% so với tỷ lệ thay thế cần thiết để duy trì sự ổn định dân số.
Ngày nay, thật không hiếm khi nhìn thấy chung quanh chúng ta những gia đình Mỹ chỉ có một đứa con, thậm chí không sinh con và nhiều nam nữ đã trưởng thành chỉ thích cuộc sống độc thân.
Trẻ em ít được sinh ra nhưng người già ngày càng nhiều. Số người đã hết tuổi lao động hiện chiếm khoảng 15% tổng dân số Mỹ nhưng có xu hướng tăng lên do chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ kéo dài. Dự tính vào năm 2050 số người Mỹ cao tuổi sẽ chiếm khoảng 30%, bằng tỷ lệ hiện nay của Nhật Bản. Sự gia tăng số người cao tuổi là một thách thức không nhỏ cho hệ thống y tế và an sinh xã hội.
Chính phủ Joe Biden đã bước đầu tìm kiếm lời giải cho những thách thức về dân số. Kế hoạch American Family Plan mà ông Biden đang vận động Quốc Hội phê chuẩn có các biện pháp khuyến khích phụ nữ Mỹ sinh con, ban hành các quy định để phụ nữ được nghỉ thai sản được hưởng lương, đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc trẻ em và phụ cấp chăm sóc trẻ em, miễn phí giáo dục công lập tới hết bậc đại học và trợ cấp hằng tháng bằng tiền mặt cho trẻ em dưới 18 tuổi… Tất cả nhằm giảm gánh nặng nuôi con cho các gia đình và cân bằng cơ cấu dân số; nhiều nước đã làm như vậy chứ không riêng gì Mỹ.
Tuy vậy, trong trường hợp nước Mỹ, các nhà dân số học không quá lo lắng vì các mô hình tính toán cho thấy dù tỷ lệ sinh đẻ của người Mỹ giảm, dân số Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng ít nhất một thế hệ nữa, sẽ đạt đỉnh vào năm 2047, lúc đó nước Mỹ có khoảng 350 triệu người. Số người trong độ tuổi lao động vẫn tiếp tục tăng nhẹ nhờ làn sóng người nhập cư.
Nhiều quốc gia khuyến khích sinh đẻ để đối phó với việc dân số suy giảm.
(Hình minh họa: Kelly Sikkema/Unsplash)
Nhìn ra thế giới, một cuộc khủng hoảng dân số đang hình thành với nhiều hệ lụy. Do dân số sụt giảm, tại Ý, nhiều khu phụ sản ở các bệnh viện đã ngừng hoạt động. Những thành phố ma đang xuất hiện ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Các trường đại học Nam Hàn không tìm đủ số sinh viên và ở Đức hàng trăm ngàn ngôi nhà ở đã bị san bằng, biến thành công viên…
Nam Hàn là một ví dụ đáng chú ý. Tỷ lệ sinh của Nam Hàn giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,92 vào năm 2019 – tức là mỗi phụ nữ sinh chưa tới một đứa con, thấp nhất trong các nước phát triển. Mỗi tháng trong 59 tháng qua, tổng số trẻ sơ sinh được sinh ra trên cả nước đều đã giảm xuống mức kỷ lục. Nếu như vào năm 1992, Nam Hàn có khoảng 900.000 thanh niên tuổi 18 thì con số đó hiện nay chỉ còn 500.000 người. Hậu quả là các trường đại học Nam Hàn không thể tuyển đủ số sinh viên, dù đã hào phóng ban phát học bổng và tặng điện thoại đời mới cho những thanh niên ghi danh theo học. Ở nhiều thị trấn vùng nông thôn Nam Hàn có rất nhiều trường học phải đóng cửa bỏ hoang vì không có đủ trẻ em.
Để khuyến khích sinh đẻ, chính phủ Nam Hàn đã phát tiền thưởng cho trẻ sơ sinh, tăng tiền trợ cấp cho trẻ em và trợ cấp y tế cho các phương pháp điều trị sinh sản và mang thai. Chính phủ cũng đang xây dựng hàng trăm nhà trẻ và trung tâm chăm sóc trẻ em vào ban ngày. Tại Seoul, tất cả các toa xe buýt và tàu điện ngầm đều có những chiếc ghế màu hồng dành riêng cho phụ nữ mang thai. Nhưng theo Phó Thủ Tướng Hong Nam-ki, chính phủ Nam Hàn đã chi ra hơn $178 tỷ trong 15 năm qua để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con mà vẫn không đạt được mục đích.
Trung Quốc là một ví dụ nổi bật khác. Khi bắt đầu mở cửa kinh tế năm 1979, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đề ra biện pháp khống chế đà tăng dân số, quy định mỗi gia đình chỉ có một đứa con. Chính sách khắc nghiệt đó đã gây ra tác hại nặng nề cho xã hội Trung Quốc. Vốn có truyền thống Khổng Giáo “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai là có con, mười con gái cũng như không), khi chỉ được sinh một đứa con, người dân Trung Quốc chỉ muốn con trai, làm cho mất cân bằng giới tính sơ sinh trở nên hết sức trầm trọng; hiện Trung Quốc “thừa” hơn 30 triệu nam thanh niên không thể cưới vợ vì không đủ phụ nữ.
Thay vì để cho việc sinh sản của công dân diễn ra tự nhiên theo quy luật của trời đất, Trung Quốc ra sức hạn chế sinh đẻ khiến cho tháp dân số bị đảo ngược: số người trẻ, người trong độ tuổi làm việc ngày càng ít đi trong khi số người già gia tăng nhanh. Theo mô hình nghiên cứu của một số nhà nhân khẩu học đăng trên tạp chí y khoa The Lancet năm ngoái, dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 1,41 tỷ người hiện nay xuống còn khoảng 730 triệu người vào năm 2100, ít hơn dân số của nước Nigeria ở Châu Phi; trong đó số người già trên 85 tuổi sẽ đông hơn thanh niên 18 tuổi.
Cuộc tổng điều tra dân số của Trung Quốc năm 2020 vừa công bố đã cho thấy cuộc khủng hoảng trầm trọng của nước này: năm ngoái chỉ có 12 triệu đứa trẻ được sinh ra, mức thấp nhất trong 60 năm qua. Với tỷ lệ sinh là 1,3, rất thấp so với tỷ lệ thay thế 2,1; dự báo số trẻ sinh ra ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong những năm sắp tới. Trung Quốc dựa vào một lực lượng lao động đông đảo để vận hành nền sản xuất và thị trường tiêu thụ, thực hiện tham vọng của Bắc Kinh về một siêu cường kinh tế và quân sự nhưng dân số lão hóa nhanh và tỷ lệ sinh thấp đe dọa làm tiêu tan tham vọng đó. “Trung Quốc chưa giàu đã già” là lời nhận xét chí lý về cuộc khủng hoảng dân số hiện nay ở Hoa Lục.
Chính quyền Trung Quốc thấm thía những tác hại của chính sách kiểm soát sinh đẻ, nhưng đã muộn. Năm 2016, Bắc Kinh thay quy định “mỗi gia đình chỉ có một con” sau 37 năm thực hiện bằng quy định “mỗi gia đình có hai con” nhưng tình hình không được cải thiện. Cũng như ở nhiều nước khác, giá nhà ở, chi phí nuôi dưỡng con cao ngất, cạnh tranh căng thẳng trên thị trường lao động là những yếu tố khiến những gia đình trẻ Trung Quốc ngần ngại, không muốn sinh con.
Lần này, đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong phiên họp ngày Thứ Hai, 31 Tháng Năm, thừa nhận chính sách kiểm soát sinh đẻ đã gây nguy hiểm cho tương lai của đất nước, và quyết định cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh ba đứa con. Chi tiết của quyết định chưa được công bố, ngoại trừ phát biểu của ông Tập Cận Bình, hứa hẹn sẽ có các biện pháp làm giảm chi phí giáo dục con cái, cải thiện chăm sóc y tế cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm thuế và hỗ trợ các gia đình đông con về chi phí nhà ở… Trung Quốc cũng đang nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, hiện là 60 tuổi ở nam và 55 tuổi ở nữ.
Thế nhưng khi thông tin về “sinh ba đứa con” được công bố, dư luận trên các mạng xã hội Trung Quốc tỏ vẻ không mấy hào hứng; người ta sợ chính quyền buộc người dân phải đẻ thêm con cũng bằng cách thức đã dùng để buộc người dân giảm đẻ: cưỡng bức và trừng phạt. Theo ý kiến các chuyên gia Trung Quốc, quy định đẻ 1, 2, hoặc 3 con không giải quyết được vấn đề mà giải pháp là chính quyền phải trả lại cho người dân quyền tự do đối với cơ thể họ, không đẻ hoặc đẻ bao nhiêu đứa con là quyết định cá nhân của họ, tùy vào hoàn cảnh của từng người, mà chính quyền không nên can thiệp.
***
Suy giảm dân số cũng có mặt lợi ích. Một hành tinh ít người hơn sẽ giảm bớt áp lực về tài nguyên, làm chậm tác động tàn phá của biến đổi khí hậu và giảm gánh nặng gia đình cho phụ nữ. Nhưng cuộc sống kéo dài hơn và mức sinh thấp làm cho xã hội có ít người lao động hơn, nhiều người hưu trí hơn, sẽ đe dọa cách tổ chức xã hội hiện nay trong đó người trẻ đi làm, đóng thuế để giúp nuôi cho người già.
Frank Swiaczny, một nhà nhân khẩu học người Đức từng là trưởng ban phân tích xu hướng dân số của Liên Hiệp Quốc, nhận xét: “Các quốc gia cần học cách chung sống và thích ứng với sự suy giảm dân số.” Chung sống thì đã đành, nhưng làm gì để thích ứng với cuộc khủng hoảng đặc biệt này thì còn tùy vào lựa chọn của từng quốc gia, từng cá nhân chúng ta.
.
Hiếu Chân
(Trích từ: www.nguoi-viet.com, 01.06.2021)
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/losokhunghoangdanso.htm