Vũ Hiến


Lá bài đất hiếm

Tháng 5 năm ngoái, giữa lúc cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một leo thang
thì chính quyền Donald Trump bất ngờ tuyên bố đưa công ty Huawei vào trong danh sách đen.
Một tuần sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm một công ty chế biến đất hiếm.

.

Trong chuyến viếng thăm này, Tập nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đất hiếm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lời phát biểu này được nhiều người diễn dịch như một ám chỉ đe doạ trong việc hạn chế xuất cảng đất hiếm từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Ðể củng cố thêm cho sức mạnh của lời đe doạ trên, nhiều tổ chức chính phủ và hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đồng thanh phụ hoạ và cho biết Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để trả đũa bằng biện pháp trên. Với cuộc chiến thương mại đang vượt ra khỏi phạm vi của những đòn đánh thuế lẫn nhau và đang bước qua những vấn đề khác như tiền tệ, thì đất hiếm rất có thể là món vũ khí mới trong cuộc xung đột kinh tế giữa hai nước.

Thế nhưng sau đó bỗng dưng phía Trung Quốc không thấy nhắc nhở gì tới đất hiếm nữa. Vậy, chuyện gì đã xảy ra để đến nỗi họ phải tắt tiếng nói? Phải chăng Trung Quốc đã quá vội vã đưa ra lời đe doạ vì thực ra đất hiếm không còn là món hàng độc quyền của Trung Quốc như 10 năm trước đó?

Trước hết, ta hãy thử tìm hiểu đất hiếm là gì.

Ðất hiếm là tên gọi chung của một nhóm gồm 17 thứ kim loại, trong đó có 15 thứ nằm trong bảng tuần hoàn cùng với yttrium và scandium, là hai thứ cũng có mang những tính chất hoá học tương tự.

Trong lãnh vực thương mại, đất hiếm lanthanum được sử dụng ở Hoa Kỳ làm chất xúc tác để phân huỷ dầu thô thành những loại chất đốt lỏng nhẹ hơn như xăng, dầu diesel và dầu hỏa. Cũng thế, đất hiếm neodymium, praseodymium và dysprosium được dùng để sản xuất nam châm cực mạnh, là bộ phận hỗ trợ quan trọng cho động cơ kéo của xe điện, máy phát điện của quạt gió, các đồ gia dụng tiết kiệm năng lượng, thiết bị điện tử và nhiều thứ công nghệ hiện đại khác.

Trong lãnh vực quốc phòng, đất hiếm được sử dụng khá rộng rãi trong nhiều ứng dụng. Thí dụ, đất hiếm yttrium dùng để sản xuất những lớp tráng ngăn nhiệt bên ngoài các bộ phận của máy phản lực để tránh không bị chảy trong khi máy hoạt động. Những loại đất hiếm khác được dùng để sản xuất chất phốt pho cho màn hình điện tử trong ngành hàng không, pha lê trong suốt cho các hệ thống hướng dẫn vũ khí bắn từ xa và nam châm sử dụng trong máy điều khiển phần đuôi của hoả tiễn hay các bộ phận máy bay.

Công nhân khai thác mỏ đất hiếm tại Trung Quốc – nguồn Getty Images

Do đó, vì kim loại đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghệ thương mại và quốc phòng, và nguồn cung cấp từng có thời kỳ gần như là độc quyền bởi một quốc gia duy nhất, nên đất hiếm đóng một vai trò chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Mặc dù gọi là đất hiếm nhưng trên thực tế chúng không hẳn là hiếm trong thiên nhiên. Theo tổ chức Khảo sát Ðịa chất Hoa Kỳ, các kim loại của đất hiếm tương đối có khá nhiều nằm dưới lớp vỏ của trái đất. Ðược gọi là hiếm vì chúng nằm chung lẫn lộn với những khoáng chất khác dưới lòng đất, khiến cho công việc khai thác trở nên tốn kém, và hơn nữa, gây tổn hại cho môi trường vì thường nằm lẫn lộn với những kim loại có chất phóng xạ như thorium và uranium.

Trước khi nguyên tố đất hiếm có thể được sử dụng cho mục đích thương mại hoặc quân sự, chúng cần phải trải qua một số giai đoạn chế biến phức tạp, tốn kém và hại cho môi trường. Hỗn hợp đất hiếm được khai thác từ các quặng mỏ như Bayan Obo thuộc miền bắc Trung Quốc hoặc Mount Weld ở Úc trước khi các nguyên tố riêng lẻ được tách ra bằng hoá chất, và thường được thực hiện tại nhiều cơ sở khác nhau. Các kim loại hiếm sau khi đã được chế biến thì bán lại cho công ty sản xuất để sử dụng chúng làm thành phần trong các thiết bị công nghệ cao.

Trung Quốc hiện nay là quốc gia sản xuất đất hiếm đứng đầu thế giới. Họ còn có mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới, được ước tính chiếm 37 phần trăm tổng số đất hiếm toàn cầu. Việt Nam và Brazil mỗi nước chiếm 18 phần trăm lượng dự trữ, và Hoa Kỳ chỉ có 1,17 phần trăm. Các công ty Trung Quốc kiểm soát hơn 85 phần trăm chuỗi cung cấp của ngành chế biến đất hiếm và sản xuất khoảng hơn 70 phần trăm nguồn cung cấp kim loại đất hiếm của thế giới trong năm 2018. Tuy nhiên, số lượng này đã giảm xuống khá thấp so với con số ngất ngưởng 97 phần trăm năm 2009, lý do là vì một số quốc gia khác đã nhảy vào (hay nhảy vào lại) thị trường. Úc và Hoa Kỳ, theo thứ tự, là hai nguồn cung cấp đứng thứ nhì và thứ ba thế giới vào năm ngoái, sản xuất khoảng 12 phần trăm và 9 phần trăm các nguyên tố đất hiếm toàn cầu.

Từ thập niên 1960 đến 1980, Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất nguyên tố đất hiếm đứng đầu thế giới, nhưng từ năm 2014 đến 2017, Hoa Kỳ đã nhập cảng 80 phần trăm nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, sự thay đổi quá lớn này không phải là ngẫu nhiên mà chính là hậu quả của một kế hoạch có phối hợp của chính phủ Trung Quốc nhằm làm tràn ngập thị trường đất hiếm toàn cầu một cách chiến lược. Sự hỗ trợ của nhà nước cùng với chi phí lao động thấp và các luật lệ bảo vệ môi trường lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho việc chiếm lĩnh thị trường đất hiếm của Trung Quốc. Năm 1987, cựu lãnh tụ Ðặng Tiểu Bình đã từng nói câu nổi tiếng là trong khi “Trung Ðông có dầu lửa, Trung Quốc có đất hiếm,” như lời báo trước rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng nó để khống chế chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp này.

Quang cảnh một mỏ khai thác đất hiếm – nguồn greenbiz.com

Trước đây, Trung Quốc cũng đã từng sử dụng đất hiếm như một vũ khí để chống lại quốc gia khác. Năm 2010, Bắc Kinh đã cắt nguồn xuất cảng sang Nhật Bản sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc đụng với một tàu tuần duyên Nhật Bản gần chuỗi đảo đang có tranh chấp. Sau sự kiện này, Nhật Bản đã thực hiện các kế hoạch để đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong nước và tài trợ cho các liên doanh tại Ấn Ðộ và Úc. Năm 2017, Việt Nam là quốc gia cung cấp đất hiếm lớn nhất của Nhật Bản.

Khi Bắc Kinh ra lệnh cắt giảm xuất cảng cũng trong năm 2010, giá đất hiếm đột ngột tăng vọt và việc này đã thúc đẩy các nước khác gia tăng sản lượng của họ và tìm cách bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Biện pháp cắt giảm này cũng đã làm sụt giảm nhu cầu cần đất hiếm của thế giới khi các nhà sản xuất đi tìm những phương thức sản xuất sử dụng ít khoáng chất đất hiếm hơn trong các sản phẩm của họ.

Kể từ đó, nhiều công ty khai thác mỏ đã có những kế hoạch tự chế biến lấy đất hiếm, và khi trận chiến thương mại nổ ra thì họ đã chuẩn bị để sẵn sàng đối phó. Năm 2020, công ty khai thác mỏ MP Materials đã cho mở cơ xưởng chế biến đất hiếm tại Mountain Pass, California. Ðến năm 2022, nhiều cơ sở khai thác mỏ và chế biến đất hiếm khác được dự tính đi vào hoạt động trong nước Mỹ, điển hình có công ty Blue Line Corp tại tiểu bang Texas.

Lệnh cấm hoàn toàn đối với việc xuất cảng đất hiếm sang Hoa Kỳ là một biện pháp không thực tế là vì, thứ nhất, nhu cầu cần đất hiếm cho công việc sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ chiếm 9 phần trăm so với nhu cầu toàn cầu, và thứ hai, các công ty Mỹ có thể lấy nguồn cung cấp từ các quốc gia như Mã Lai Á và Nhật Bản, mặc dù với chi phí cao hơn nhiều, nhưng sẽ không thể làm tê liệt hoạt động sản xuất trong nội địa nước Mỹ.

Một điều quan trọng khác là trong tương lai gần, chính phủ Hoa Kỳ sẽ có ngân sách trợ giúp cho các cuộc nghiên cứu đi tìm những nguyên liệu khác để thay thế đất hiếm như Nhật Bản đã làm trước đó sau khi có những tranh chấp với Trung Quốc. Tìm ra được nguyên liệu thay thế hay phát triển phương thức sản xuất không cần đến đất hiếm sẽ làm suy yếu thị trường đất hiếm của Trung Quốc.

Có lẽ Trung Quốc đã nhìn thấy những điều này cho nên họ chỉ mạnh miệng trong một thời gian ngắn và sau đó thì im hơi lặng tiếng.

.

Vũ Hiến
Trích từ: https://baotreonline.com, 08.09.2020

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/labaidathiem.htm


Cái Đình - 2020