Mạnh Kim
Khi Facebook ‘tái định dạng’ dân chủ
Từng được xem là công cụ khuếch trương dân chủ nhưng yếu tố dân chủ và tự do ngôn luận đang được xem là những vấn đề lớn nhất đối với Facebook. Thay vì được cổ súy, dân chủ, trong một số trường hợp, đang bị bẻ gãy. Thay vì được ủng hộ, tự do ngôn luận, trong không ít trường hợp, đang bị bịt chặn. Tại Liên hoan phim Tribeca vào tháng 4-2018, đạo diễn-kịch tác gia Jonathan Nolan đã so sánh Facebook với Cuba (khi đề cập đến việc thu thập dữ liệu cá nhân cho mục đích đàn áp hoặc hỗ trợ đàn áp); trong khi nhà đầu tư tài chính George Soros phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos vào đầu năm 2018 rằng, Facebook đã trở thành “mối đe dọa”, với sức mạnh độc quyền, khi thỏa hiệp với các thể chế độc tài…
Nếu Facebook là một quốc gia, nó có dân số đông nhất hành tinh. Hơn 2,2 tỷ người, chiếm 1/3 dân số toàn cầu, truy cập Facebook ít nhất một lần mỗi tháng. Lịch sử doanh nghiệp Mỹ chưa từng có công ty nào có người sử dụng nhiều như vậy. Mark Zuckerberg, với tư cách chủ tịch kiêm CEO, đã kiểm soát khoảng 60% lá phiếu cổ đông. Tài sản cá nhân Zuckerberg đã tăng đến hơn 60 tỷ USD. Tuy nhiên, như Louis Brandeis (chánh án Tối cao pháp viện Hoa Kỳ từ 1916-1939) nói vào năm 1915 rằng, sự nguy hiểm của các tập đoàn khổng lồ là họ có thể đạt đến cấp độ gần như tự trị đến mức các nguồn lực xã hội lẫn công nghiệp đang tồn tại không đủ khả năng để đối phó. Tim Wu, giáo sư luật Đại học Columbia, gần đây cũng nói rằng không lĩnh vực nào minh họa rõ ràng cho sự đe dọa đối với dân chủ bằng các ông lớn công nghệ (New Yorker, 17-9-2018).
Facebook đã và tiếp tục làm thay đổi đáng kể xã hội; tuy nhiên, ngày càng nó càng có những ảnh hưởng tiêu cực trong đó có hiện tượng kích động bạo lực và lan truyền tâm lý thù ghét, chưa kể tình trạng “fake news”. Không phải tự nhiên mà Chamath Palihapitiya (cựu phó chủ tịch Facebook) phát biểu vào tháng 11-2017 rằng, Facebook “đang tiêu diệt xã hội”. Tại Ấn Độ, dịch vụ WhatsApp của Facebook đã kích động các cuộc bạo loạn, treo cổ và đánh chết người. Tại Libya, người ta dùng Facebook để buôn lậu súng. Tại Sri Lanka, sau vụ Phật giáo tấn công dã man vào cộng đồng Hồi giáo xuất phát từ một tin đồn sai lệch trên Facebook, một cố vấn tổng thống đã phải thốt lên: “Vi trùng là chúng ta nhưng Facebook là cơn gió”.
Chẳng nơi nào mà ảnh hưởng Facebook trở thành tác nhân gián tiếp kích động bạo động với mức độ dữ dội và nguy hiểm bằng Myanmar, nơi cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya bị giết, hiếp và tra tấn tàn bạo bởi các nhà sư Phật giáo cực đoan. Chuyện bắt đầu vào năm 2014, khi một nhà sư tên Wirathu chia sẻ một thông tin sai về một vụ hiếp dâm và sau đó cảnh báo “có một cuộc thánh chiến chống lại chúng ta”. Thế là bùng lên cơn sốt điên cuồng truy lùng tiêu diệt người Rohingya. Cơn sốt này được châm dầu liên tục từ những kêu gọi kích động hàng ngày trên Facebook. Đến tháng 3-2017, khoảng một triệu người Rohingya đã phải chạy trốn khỏi Myanmar. Vụ việc hiện vẫn là một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất Myanmar kể từ khi nước này bắt đầu mở cửa đón làn gió dân chủ. Nói về ảnh hưởng Facebook lên vụ Rohingya, một nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã phải thở dài: “Tôi e rằng Facebook đang biến mình thành quái vật”.
Thật ra không chỉ ở một nước “dân chủ non trẻ” như Myanmar thì mới xảy ra ảnh hưởng tiêu cực của Facebook. Không khí gieo rắc tâm lý thù địch cũng xuất hiện ở các nước có bề dày dân chủ và văn minh. Một bài báo New York Times (21-8-2018) cho biết, ngọn lửa thù hận và chống người tỵ nạn bùng lên tại Đức thời gian qua đã được thổi mạnh thêm nhờ cơn gió lốc Facebook. Cuộc chiến ngôn ngữ đầy không khí “chém giết” và “thù địch” giữa phe “pro-Trump”và “anti-Trump” tại Mỹ cũng là một ví dụ nữa.
Một trong những vấn đề rất được quan tâm thời điểm hiện tại là có hay không việc Facebook “đi đêm” với một số chính phủ? Facebook từ lâu được xem là công cụ hữu hiệu cho tiếng nói dân chủ, đặc biệt ở những quốc gia mà báo chí nhà nước kiểm soát tuyệt đối ngôn luận. Tuy nhiên, giá trị dân chủ mà Facebook mang lại dường như đang teo hẹp, nhường chỗ cho sự “phát triển” của khuynh hướng “chìu lòng” hoặc “kết thân” của Facebook với một số nhà nước độc tài. Từ khi xảy ra vụ đảo chính quân sự năm 2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ đến nay, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nhốt tù hàng ngàn người dám lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, Facebook vẫn hợp tác trong việc đàn áp tự do thông tin tại nước này. Facebook đã không chỉ không đi theo cách của Wikipedia (bị chặn hoàn toàn sau khi từ chối hiệu chỉnh hoặc xóa bài có nội dung “bất lợi” đối với chính quyền Thổ), mà còn tuân thủ yêu cầu xóa 1.823 bài vào năm sau vụ đảo chính (Washington Post 13-4-2018).
Tháng 12-2014, một trang Facebook của Alexei Navalny, đối thủ chính trị của Vladimir Putin, đã bị Facebook khóa chặn theo yêu cầu từ Chính phủ Moscow (trang này được lập để kêu gọi biểu tình chống Putin). Một lần nữa, có hay không việc Facebook bí mật hợp tác với chính quyền vài nước để xóa bài hoặc khóa các tài khoản đăng tải thông tin “bất lợi” cho nhà nước sở tại? Trong thực tế, từ tháng 7-2015 đến tháng 12-2015, Facebook đã chặn khoảng 55.000 bài tại chừng 20 quốc gia. Cần nhắc lại, trong một bài viết ngày 22-11-2016, New York Times cho biết, Facebook đã bí mật phát triển một phần mềm để xóa bài dựa trên khu vực địa lý (công cụ này, được thiết kế để giúp Facebook kiếm được giấy phép hoạt động tại Trung Quốc, sau đó bị bỏ).
Tại Việt Nam, hàng loạt tài khoản thời gian gần đây đã bị “án treo” (30 ngày) hoặc thậm chí bị khóa vĩnh viễn, trong đó có các “nạn nhân” Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Chu… và mới đây nhất là Trương Châu Hữu Danh. Có một điểm chung giữa các facebooker này: họ có lượng follow cao, với bài viết đề cập những vấn đề nóng bỏng và họ bị xem là cái gai trong mắt chính quyền. Facebook Việt Nam có vai trò gì trong những “sự cố kỹ thuật” trên? Thật khó có câu trả lời chính xác nhưng hiện tượng này đã xảy ra thường xuyên và dày đặc hơn từ khi Facebook Việt Nam được điều hành bởi bà Lê Diệp Kiều Trang và từ khi chính quyền Việt Nam công bố dự luật An ninh mạng.
Facebook đã đóng góp đáng kể cho sự tái nhận thức trước nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt tại những quốc gia mà thông tin luôn bị bưng bít, nhưng Facebook ngày nay đã không còn là một mạng xã hội giúp kết nối và tạo ra những cộng đồng lành mạnh như ban đầu. Yếu tố lợi ích cộng đồng dường như đang phải ít nhiều nhường chỗ cho lợi ích doanh thu. Trong khi đó, Facebook đang là công ty duy nhất thế giới có sức ảnh hưởng xã hội lẫn khả năng chi phối tâm lý con người mà không công ty công nghệ nào có thể địch lại. Facebook đã trở thành một thế lực khủng khiếp với mức độ phủ bóng toàn cầu có thể điều khiển trực tiếp hoặc gián tiếp không chỉ hành vi xã hội mà cả xu hướng chính trị. “Khi một sức mạnh tư nhân được tập trung mà có thể kiểm soát những gì chúng ta thấy và nghe thì quyền lực của nó đủ để cạnh tranh hoặc thậm chí vượt qua cả một nhà nước dân cử” – Tim Wu, giáo sư luật Đại học Columbia, nói.
Facebook vẫn tiếp tục trao “chìa khóa” dân chủ hay tước đoạt nó khỏi tay người dân ở các quốc gia độc tài? Đây chưa phải là câu hỏi đáng chú ý nhất thời điểm hiện tại. Facebook có lẽ đang định dạng một hình thái dân chủ với “độ mở” mà nó muốn, theo cách ít nhiều phù hợp với yêu cầu riêng, đặc biệt đối với các nước độc tài. Đó có thể là giải pháp mà Facebook áp dụng để cân bằng giữa việc phục vụ xã hội và lợi ích doanh thu. Facebook sẽ xê dịch cán cân này ở từng thời điểm cụ thể và tùy trường hợp cụ thể. Dù chưa đến mức giết chết dân chủ từ trong trứng nước nhưng chắc chắn Facebook không còn là nơi lý tưởng để dân chủ được ươm mầm hoặc được phép khai sinh một cách tự do. Sẽ là một thảm họa đối với dân chủ và tự do ngôn luận nếu một tay độc quyền đa quốc gia bắt tay với một tên độc tài chuyên chế. Điều này dù sao cũng không thể xảy ra theo cách cả hai cùng muốn, vì tay độc quyền đa quốc gia trong trường hợp này là một công ty Mỹ chịu sự kiểm soát của luật pháp Mỹ, Quốc hội Mỹ và báo chí Mỹ.
.
Mạnh Kim
Trích từ voatiengviet.com, 19.09.2018
(Mạnh Kim là nhà báo độc lập với hơn 20 năm trong nghề chuyên mảng thời sự chính trị quốc tế, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước lẫn hải ngoại. Vài năm gần đây, anh tập trung vào các vấn đề thời sự Việt Nam trong tình hình đất nước có nhiều biến động gay gắt).