Việt Thịnh


Kết quả chuyến thăm Việt Nam của bà Kamala Harris

.

Bà Kamala Harris cam kết ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris rời Hà Nội chiều 26/8 kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi điểm lại một số nét nổi bật trong chuyến công du này:

- Không có tuyên bố hai bên trở thành đối tác chiến lược.

- Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng và đóng góp vai trò lớn hơn trong khu vực. Đây là một tuyên bố rõ ràng về sự ủng hộ của Mỹ với Việt Nam.

- Mỹ thuê một khu đất rộng 3,2ha ở Hà Nội trong 99 năm để làm đại sứ quán mới. Đồng thời Việt Nam cũng sẽ xây dựng một đại sứ quán mới ở Washington DC. Trung Quốc định thuê đất 99 năm thì người Việt Nam biểu tình phản đối nhưng Mỹ thuê đất 99 năm thì chắc không ai phản đối.

- Mỹ tặng thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam, tăng tổng số vaccine Mỹ viện trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều. Ngày 26/8, 770.000 liều đã ngay lập tức được chuyển đến Hà Nội và Sài Gòn. Đây là “món quà” Mỹ đã chuẩn bị từ trước chuyến thăm.

- Cũng trong chuyến thăm này bà Kamala Harris đã khai trương văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Đông Nam Á tại Hà Nội.

- Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ trong 7 tháng năm 2021 đạt 62,5 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2020. Trước đây đối tác thương mại số 1 của Việt Nam là Trung Quốc nhưng trong giao thương với Trung Quốc, Việt Nam luôn bị tình trạng nhập siêu. Nhưng mấy năm gần đây Mỹ đã thành đối tác thương mại số 1 với Việt Nam, và thương mại với Mỹ có lợi cho Việt Nam vì Việt Nam luôn đạt tỷ lệ xuất siêu hơn nhập siêu. Việt Nam ngày càng phụ thuộc hơn vào thương mại với Mỹ.

- Mỹ sẽ giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

- Về mặt hợp tác quốc phòng - an ninh, Mỹ sẽ chuyển giao cho cảnh sát biển Việt Nam thêm một tàu cũ của lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ US Coast Guard. Đây là tàu USCGC Munro, là tàu thứ 3 thuộc lớp Hamilton mà Mỹ đã chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

Chuyến thăm của bà Kamala Harris phó tổng thống Mỹ đem đến cho Việt Nam nhiều hỗ trợ về chống dịch Covid-19 và an ninh trên biển. Biển Đông đang là điểm nóng nhất trên thế giới, là nơi “đối đầu” giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước dân chủ. Một bên quyết chiếm cho bằng được Biển Đông, một bên thì quyết giữ cho bằng được. Việt Nam là quốc gia có liên quan lớn nhất đến Biển Đông nên dù muốn dù không cũng phải đứng về phía Mỹ và các nước dân chủ để giữ Biển Đông. Việt Nam mất Biển Đông là mất tất cả. Dù không có tuyên bố nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược nhưng quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang một trang sử mới. Việc Mỹ và Việt Nam không công khai việc nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược chỉ là để tránh chọc giận và khiêu khích Trung Quốc.

Việc Mỹ thuê đất trong 99 năm làm đại sứ quán mới và mở văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội cho thấy là Mỹ đang đặt trọng tâm của quan hệ ngoại giao ở khu vực Châu Á vào Việt Nam và Đông Nam Á.

Chuyến đi của bà Kamala Harris phủ bóng bởi cuộc triệt thoái của Mỹ tại Afghanistan khiến chính quyền Kabul thân Mỹ sụp đổ chỉ trong 10 ngày. Sự kiện này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ và cả thế giới. Câu hỏi mà thế giới quan tâm là có phải Mỹ rút lui khỏi “bãi lầy” Trung Đông để chuyển mọi ưu tiên sang khu vực Đông Nam Á không? Tại Hà Nội cũng như tại Singapore bà Kamala Harris đã khẳng định điều đó. Rõ ràng Trung Quốc là mối ưu tư và bận tâm lớn nhất của Mỹ trong lúc này. Báo chí Trung Quốc liên tục công kích Mỹ trong suốt chuyến thăm này cho thấy sự đối đầu giữa hai cường quốc.

Việt Nam rõ ràng đã ngả sang phía Mỹ nhưng vẫn e dè Trung Quốc, thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp đại sứ Trung Quốc trước khi bà Kamala Harris đến Hà Nội để nhắc lại cam kết “Việt Nam không liên minh với nước khác để chống lại nước thứ ba”. Trung Quốc cũng thừa biết Việt Nam đã “bỏ Tàu theo Mỹ” nhưng họ cũng không thể làm gì được vì bản thân họ cũng đang gặp khó khăn và phải co cụm lại.

Ưu tư quan trọng nhất trong chuyến thăm này với chính quyền Việt Nam đó là thúc đẩy phát triển kinh tế và giao thương giữa hai nước. Việt Nam đang trở thành công xưởng tiếp theo của Mỹ và thế giới. Các công ty Mỹ đã và đang rời bỏ Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam và Đông Nam Á. Đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng xấu cho quá trình này. Bà Harris cam kết Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới và đó cũng là hy vọng lớn để Việt Nam nhanh chóng không chế đại dịch và tiếp tục sản xuất. Nếu đại dịch kéo dài sẽ gây đổ vỡ và gián đoạn cho chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt Nam.

Theo chúng tôi thì quan hệ Việt-Mỹ đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất. Chính quyền Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội này. Khúc mắc lớn nhất giữa hai nước đó là vấn đề nhân quyền và dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam dù đã xoay trục sang Mỹ và các nước dân chủ nhưng vẫn không hề có kế hoạch và lộ trình dân chủ hóa đất nước. Đó là một tội ác. Trước đây vì thiếu hiểu biết mà Đảng cộng sản Việt Nam đã vấp nhiều sai lầm, điều đó có thể hiểu và tha thứ. Nhưng hiện tại, việc ngoan cố duy trì chế độ toàn trị là không thể hiểu và chấp nhận. Người Mỹ rất thiếu kiên nhẫn. Cơ hội phát triển đất nước hoàn toàn có thể bị đánh mất.

.

Việt Thịnh
Nguồn: Thông Luận, 27.08.2021

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/ketquachuyenthamvn.htm


Cái Đình - 2021