Phạm Ɖình Lân
Hoa Kỳ và sự thành bại
.
Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ ra đời vào thập niên 70 của thế kỷ XVIII với 13 tiểu bang nguyên thủy nằm dọc theo bờ Ɖại Tây Dương. Từ đó đến giữa thế kỷ XIX Hoa Kỳ bành trướng lãnh thổ về phía nam và phía tây để có 48 tiểu bang chạy dài từ Ɖại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Năm 1867 Hoa Kỳ mua Alaska của Nga. Năm 1898 quần đảo Hawaii được sát nhập vào Hoa Kỳ. Cũng năm này Hoa Kỳ bảo hộ Phi Luật Tân, một thuộc địa của Tây Ban Nha sau khi nước này bị Hoa Kỳ đánh bại vào năm 1898.
Hoa Kỳ sớm trở thành một quốc gia giàu mạnh về kinh tế và quân sự trên thế giới nhờ sự đóng góp công sức của những người có quá khứ bị trị bởi người Anh ở Bắc Mỹ và những người di dân bị áp bức chánh trị, kỳ thị tôn giáo và nghèo khốn về kinh tế từ Âu Châu đến. Hoa Kỳ âm thầm bành trướng lãnh thổ từ Ɖại Tây Dương sang Thái Bình Dương và xuyên Thái Bình Dương đến tận Ɖông Nam Á trong vòng 122 năm (1776 - 1898).
Ngay từ năm 1823 tổng thống Monroe đã đưa ra chủ nghĩa Monroe tóm lược bằng khẩu hiệu Châu Mỹ của người Mỹ Châu nhằm gạt bỏ thế thượng phong của các cuờng quốc Âu Châu trên lục địa Mỹ Châu.
Mãi đến năm 1917 Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Woodrow Wilson (DC) mới rời khỏi chánh sách tự cô lập để tham gia đệ nhất thế chiến bên cạnh Anh và Pháp chống lại Ɖức. Ɖức bại trận và ký hiệp ước đình chiến năm 1918. Hoa Kỳ nổi bật trong Tam Cường (Anh-Pháp-Hoa Kỳ) tại hội nghị Versailles. Sáng kiến thành lập Hội Quốc Liên của Hoa Kỳ được hội nghị chấp thuận. Nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ do đảng Cộng Hòa kiểm soát, không phê chuẩn hiệp ước Versailles 1919. Hoa Kỳ trở lại với chủ nghĩa cô lập. Hội Quốc Liên ra đời do sáng kiến của Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ không hiện diện trong tổ chức quốc tế này.
Ɖệ nhị thế chiến do Ɖức khởi động năm 1939. Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của tổng thống Franklin Delano Roosevelt (DC) chỉ tuyên chiến với phe Trục sau khi bị Nhật tấn công ở Pearl Harbor ngày 07-12-1941. Nhờ sự tham chiến của Hoa Kỳ, các quốc gia Dân Chủ đánh bại phe Trục Ɖức-Ý-Nhật vào năm 1945. Hoa Kỳ trở thành đại cường quốc trên thế giới sau đệ nhị thế chiến. Hoa Kỳ và Liên Sô cầm đầu hai khối đối nghịch nhau: khối tư bản bao gồm các quốc gia dân chủ Tây Phương do Hoa Kỳ đứng đầu và khối Cộng Sản theo chủ nghĩa Marx-Lenin cùng kinh tế chỉ huy do Liên Sô đứng đầu.
Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô bắt đầu vào năm 1949. Ɖó là năm NATO ra đời. Lục địa Trung Hoa đặt dưới sự kiểm soát của Cộng Sản Trung Hoa do Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) lãnh đạo.
Triều Tiên
Năm 1950 Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên sau khi Bắc Hàn xua quân tấn công Nam Hàn. Chí nguyện quân Trung Hoa Cộng Sản giúp Bắc Hàn ngăn chận quân Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc bắc tiến đến tận sông Yalu (Áp Lục), biên giới giữa lục địa Trung Hoa và Bắc Hàn. Hiệp định đình chiến được ký kết ở Panmunjom (Bàn Môn Ɖiếm) ngày 27-07-1953 đưa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên trở về vĩ tuyến 38, đường ranh phân chia bán đảo sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Trong cuộc chiến tranh này Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản hòa nhau theo đúng chánh sách của Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ngăn chận và chịu đựng hơn là chiến thắng.
Ɖường ranh phân chia Bắc Hàn và Nam Hàn ở vĩ tuyến 38 (Ảnh: https://nl.wikipedia.org/)
Cuba
Cuba là một hòn đảo gần tiểu bang Florida. Hòn đảo này là thuộc địa của Tây Ban Nha. Năm 1898 chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha bùng nổ. Tây Ban Nha bại trận. Cuba được độc lập dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ (1902).
Fulgencio Batista y Zaldivar (1901 - 1973) xuất hiện trên sân khấu chánh trị Cuba trong cuộc Nổi Dậy của các Trung Sĩ năm 1933. Ông được Hoa Kỳ ủng hộ nên nắm vai trò lãnh đạo Cuba từ năm 1940 đến 1959. Năm 1953 Fidel Castro, một tiến sĩ luật khoa 27 tuổi, cầm đầu một cuộc đối kháng chánh quyền Batista. Sau sáu năm sau Fidel Castro thành công trong việc lật đổ Batista để biến đảo Cuba trở thành một nước Cộng Sản đầu tiên ở Tây Bán Cầu nằm sát nách Hoa Kỳ. Cuộc nổi dậy của Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro diễn ra trong nhiệm kỳ thứ nhất của tổng thống Eisenhower (CH) và kết thúc thành công trong nhiệm kỳ thứ nhì của vị tổng thống gốc tướng lãnh khả kính này. Sự thành công của Fidel Castro ảnh hưởng ít nhiều đến đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống giữa Richard Nixon (CH) và John F. Kennedy (DC) năm 1960.
Việt Nam
Trong đệ nhị thế chiến các sĩ quan OSS, tiền thân của CIA sau này, có liên lạc với ông Hồ Chí Minh, người lãnh đạo Mặt Trận Việt Minh hoạt động kháng Pháp và Nhật ở Việt Bắc. Trước đệ nhất thế chiến ông Hồ Chí Minh (lúc ấy chưa mang bí danh này) đã từng đến Boston và sống ở Anh nên ông nói được tiếng Anh. Do sự giới thiệu của Charles Fenn, trung úy OSS (Office of Strategic Service) người Anh có quốc tịch Mỹ, Hồ Chí Minh cộng tác với OSS dưới bí danh Lucius (Minh – Sáng). Khi ông Hồ Chí Minh về Hà Nội, ông vẫn có những liên lạc mật thiết với các sĩ quan OSS, đặc biệt với trung tá Archimedes Patti (1913 - 1998). Ɖiều đáng nói là trong bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập mà ông Hồ đọc tại Hà Nội ngày 02-09-1945 mở đầu bằng câu mở đầu của Bản Tuyên Ngôn Ɖộc Lập Hoa Kỳ năm 1776.
Sự thân thiện giữa các sĩ quan OSS Hoa Kỳ và Hồ Chí Minh phai nhạt khi chiến tranh Việt-Pháp bắt đầu. Hoa Kỳ thừa biết sớm muộn gì lục địa Trung Hoa cũng bị xích hóa dưới sự lãnh đạo của Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) nên giúp đỡ Pháp với hy vọng ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản ở Ɖông Nam Á. Vả chăng Hoa Kỳ thừa biết ông Hồ Chí Minh là cán bộ do Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản đào tạo. Lá cờ đỏ sao vàng và quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nói lên tất cả lý lịch Cộng Sản của ông Hồ và tân chế độ.
Chuyện gì đến phải đến. Năm 1949 chánh phủ Quốc Dân Ɖảng do Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) lãnh đạo sụp đổ. Mao Zedong biến Trung Hoa lục địa thành một nước Cộng Sản Á Châu đông dân nhất thế giới. Mao muốn tái lập ảnh hưởng ở Việt Nam nên vội vã công nhận chánh phủ kháng chiến do ông Hồ lãnh đạo, đồng thời giúp đỡ nhân lực (cố vấn chánh trị và quân sự), vật lực (võ khí, thuốc men, lương thực v.v.) cho Việt Minh. Trung Hoa mất ảnh hưởng ở Việt Nam từ khi hiệp ước Patenôtre được ký kết năm 1884.
Hoa Kỳ đài thọ 80% chiến phí cho Pháp trong chiến tranh Việt-Pháp và suýt dùng tiềm năng quân sự để giải vây Ɖiện Biên Phủ. Pháp bại trận. Việt Nam bị qua phân. Phân nửa nước phía bắc vĩ tuyến 17 là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa “thân thiện” với Trung Quốc và Liên Sô. Phân nửa phía nam vĩ tuyến 17 là Việt Nam Cộng Hòa “thân thiện” với Pháp và Hoa Kỳ. Năm 1956 quân đội viễn chinh Pháp rời khỏi miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ có ảnh hưởng tuyệt đối trên phần đất rộng 175.000km2 này.
Miền Bắc là thành trì của chủ nghĩa Marx-Lenin, lăm le nam tiến để xích hóa miền nam Việt Nam và các nước Ɖông Nam Á.
Miền Nam là “tiền đồn chống cộng” ở Ɖông Nam Á.
Năm 1956 không có tổng tuyển cử. Chiến tranh nhen nhúm ở nông thôn miền Nam Việt Nam. Năm 1960 Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng ra đời. Thành phần lãnh đạo Mặt Trận đều là những người sinh ở phía nam vĩ tuyến 17 để dư luận quốc tế thấy đây là cuộc nổi dậy của những người miền Nam Việt Nam. Miền Bắc xem như không hay biết hay nhúng tay vào cuộc nổi dậy để phải mang tiếng vi phạm hiệp định Geneva.
Năm 1963 có hai biến cố lớn ở miền Nam Việt Nam: trận đánh Ấp Bắc và cuộc đảo chánh lật đổ tổng thống Ngô Ɖình Diệm.
Năm 1964 Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc. Ngoài chiến trường có trận đánh Bình Giả. Ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Ɖà Nẵng có nhiều cuộc biểu tình chống chánh phủ Sài Gòn dưới thời tướng Nguyễn Khánh. Ngoài ra thời gian 1964 - 1965 còn có cuộc chỉnh lý lật đổ nội các Nguyễn Ngọc Thơ và các tướng Trần Văn Ɖôn, Tôn Thất Ɖính, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và các cuộc đảo chánh chống tướng Nguyễn Khánh.
Từ năm 1965 đến 1975 cuộc chiến trở nên đẫm máu với cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân (1968), trận Khe Sanh (1968), mùa hè đỏ lửa (1972). Hàng trăm ngàn quân Hoa Kỳ đến chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Tháng 12 năm 1972 Hà Nội và Hải Phòng bị dội bom bằng B-52.
Phong trào phản chiến dấy lên ở Hoa Kỳ, Pháp, Anh. Ở miền Nam Việt Nam ký giả biểu tình. Học sinh, sinh viên biểu tình. Ni sư Huỳnh Liên biểu tình. Linh mục Trần Hữu Thanh biểu tình. Thương phế binh biểu tình.
Phía Hoa Kỳ ký kết Hiệp Ɖịnh Paris (Ảnh Wikipedia)
Hòa đàm Paris giữa Hoa Kỳ và VNDCCH nhóm họp sau cuộc tổng công kích năm Mậu Thân. Ɖến năm 1969 ông Trần Văn Lắm, đại diện Việt Nam Cộng Hòa và bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam hay nôm na là Mặt Trận Giải Phóng được tham dự hòa đàm. Mãi đến ngày 27-01-1973 hiệp định Paris vãn hồi hòa bình được bốn phe tham chiến ký kết. Các phi công Hoa Kỳ bị bắt ở miền Bắc được tự do và hồi hương. Ngày 29-03-1973 toàn thể quân sĩ Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Hai năm sau miền Nam Việt Nam sụp đổ (30-04-1975).
Afghanistan
Afghanistan là một quốc gia trung-nam Á có nhiều núi non và sa mạc. Ɖất đai khô hạn và ít sông ngòi. Xứ không có biển. Ɖa số dân Afghanistan theo đạo Hồi phái Sunni. Xứ được xếp hạng 113/190 quốc gia trên thế giới nhưng nổi tiếng về việc trồng thẩu.
Chế độ quân chủ bị lật đổ năm 1973. Afghanistan có một nền Cộng Hòa èo uột do Daoud Khan lãnh đạo. Năm 1978 Daoud Khan bị Cộng Sản Afghanistan lật đổ.
Noor Tarak (1917 - 1979), một đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Afghanistan lên thay Daoud Khan. Noor Tarak bị nội bộ thanh toán chết năm 1979.
Hafizullah Amin (1929 - 1979), một đảng viên cao cấp khác của đảng Cộng Sản Afghanistan lên thay. Ɖến lượt ông này cũng bị ám sát chết khi Liên Sô xâm lăng Afghanistan.
Liên Sô đưa Babrak Karmai (1929 - 1996) lên thay Hafizullah Amin. Ɖến năm 1986 Muhammad Najubullah thay thế Barak Karmal. Ông từ chức năm 1992. Năm 1996 ông bị Taliban xử treo cổ.
Trong thời kỳ Afghanistan bị Liên Sô xâm lăng, Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây Phương lên án cuộc xâm lăng này của Liên Sô. Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương đồng loạt tẩy chay Thế Vận Hội Moscow vì sự xâm lăng Afghanistan của Liên Sô. Hoa Kỳ giúp cho kháng chiến Afghanistan chống lại Liên Sô. Quốc gia thủ lãnh khối Cộng Sản thế giới bị sa lầy ở Afghanistan, đành phải rút quân ra khỏi nước này năm 1988. Sự bại trận của Liên sô ở Afghanistan dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Ɖông Âu năm 1989 và ở Liên Sô năm 1991.
Sau khi Liên Sô rút quân khỏi Afghanistan, các phe kháng chiến bắt đầu tranh giành quyền lực. Ɖến năm 1996 phe Taliban của Mullah Mohammad Omar (1960 - 2013) cướp chánh quyền và biến Afghanistan thành một quốc gia Hồi Giáo tôn trọng luật Sharia chặt chẽ. Phụ nữ không được ra đường một mình, phải mặt quần áo phủ kín mặt. Phụ nữ không được đi học, không được giữ chức vụ gì trong guồng máy công quyền. Thả diều, nghe nhạc ngoại quốc, nghe ra-dio, xem phim của các nước Tây Phương… đều bị nghiêm cấm. Tử tội bị xử ném đá hay treo cổ.
Taliban biến Afghanistan thành pháo đài Hồi Giáo chống lại văn hóa Christ. Họ dung chứa Al Qaeda cho nổ bom nhắm vào Hoa Kỳ và các nước Tây Phương. Dư luận Hoa Kỳ căm tức Taliban dung chứa Al Qaeda tấn công vào World Trade Center ở New York ngày 11-09-2001. Ɖó là nguồn gốc sự xâm lăng của Hoa Kỳ và các nước NATO nhắm vào Afghanistan vào tháng 10 năm 2001. Taliban bị đánh bại nhưng họ không đầu hàng mà tiếp tục chiến đấu chống quân Hoa Kỳ và NATO cùng quân của chánh phủ Afghanistan ở Kabul do Hoa Kỳ yểm trợ.
Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến ở Nam Việt Nam từ năm 1965 đến 1973 (8 năm) và xem đó là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Kinh phí cho chiến tranh là 168 tỷ, tương đương với 843 tỷ bây giờ (2021).
Cuộc chiến tranh Afghanistan kéo dài gần 20 năm và Hoa Kỳ phải chi gần 2.000 tỷ Mỹ kim nhưng càng ngày lãnh thổ kiểm soát càng thu hẹp. Vài cơ quan chánh phủ ở Kabul bị tấn công hay bị đặt bom.
Tổng thống Obama (DC) có chương trình rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 và Afghanistan vào năm 2014. Việc rút quân Iraq được thực thi đúng theo lịch trình. Riêng Afghanistan có nợ với dư luận Hoa Kỳ về vụ 11 tháng 09 năm 2001 (tức vụ 911 theo cách đề ngày của người Hoa Kỳ) nên Hoa Kỳ rút quân ở đó nhưng còn lưu lại trên 8.000 quân. Khí thế của Taliban càng ngày càng đậm nét đến nỗi vị tổng thống với những thiên hùng ca thời đại phải cho ông Zalmay Khalizad thương thuyết và ký kết với đại diện Taliban là Abdul Ghani Baradar thỏa ước ở Doha, thủ đô Qatar, ngày 29-02-2020. Theo đó Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi Afghanistan vào ngày 01-05-2021. Ông Joe Biden của đảng Dân Chủ đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 03-11-2020 tôn trọng thỏa ước Doha nhưng ấn định ngày rút quân khỏi Afghanistan là 31-08-2021.
Quân đội Mỹ rời khỏi Căn Cứ Không Quân Bagram ở Afghanistan
sau 20 năm chiến tranh (Ảnh: https://curacaonieuws.nu/)
Hai mươi năm sau ngày bị đánh bật ra khỏi Kabul, Taliban trở lại Kabul với tư cách đạo quân chiến thắng (15-08-2021). Tổng thống Ashraf Ghani rời Kabul bằng phi cơ sang Tachkent, Uzbekistan. Từ đó ông bay sang United Arab Emirates và xin tỵ nạn ở đó.
***
Từ hậu đệ nhị thế chiến đến nay Hoa Kỳ gặp các thử thách lớn dưới đây trên thế giới:
Thử thách |
Thời gian |
Kết quả |
Trung Hoa |
1946 - 1949 |
Thất bại |
Triều Tiên |
1950 - 1953 |
Huề |
Việt Nam |
1946 - 1954 |
Thất bại |
Cuba |
1953 - 1959 |
Thất bại |
Việt Nam |
1954 - 1975 |
Thất bại |
Afghanistan |
2001 - 2021 |
Thất bại |
Hoa Kỳ là một nước dân chủ sớm thực thi câu Ý dân là ý Trời.
Hoa Kỳ là một nước kỹ nghệ hàng đầu trên thế giới nên luôn luôn tôn vinh sáng kiến và tổ chức.
Hoa Kỳ là một cường quốc kinh tế nên nhìn các vấn đề qua con số, qua sự cân phân lời, lỗ, lợi, hại, kết quả và hậu quả.
Hoa Kỳ rất thực dụng nên tôn trọng sự công bằng, sự sòng phẳng và tôn trọng luật pháp.
Quan niệm THẮNG-THUA của Hoa Kỳ đôi khi nghịch chiều với phần còn lại của thế giới. Hoa Kỳ không thích triết lý cao xa và mơ hồ. Nhưng họ có cái nhìn về tương lai rất sắc bén.
***
Hoa Kỳ giúp cho Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng chống sự xâm lăng của Nhật trong đệ nhị thế chiến. Sau chiến tranh Trung Hoa bị tàn phá nặng nề. Tham nhũng, kinh tế suy lụng, nạn lạm phát hoành hành khiến cho dân chúng lầm than đói khổ. Uy thế của Cộng Sản Trung Hoa lên cao. Cuộc nội chiến Quốc-Cộng tái diễn năm 1946 và kết thúc năm 1949. Hoa Kỳ không thể giúp cho Chiang Kaishek giữ chánh quyền nhưng chỉ giúp ông giữ đảo Taiwan.
Sự thất bại có tính toán của Hoa Kỳ làm cho Trung Hoa trở thành quốc gia Cộng Sản to lớn và đông dân nhất thế giới. Ɖó là danh dự và thắng lợi của khối Cộng Sản. Lúc ấy Trung Hoa có 540 triệu dân. Hoa Kỳ trao cho Liên Sô, quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cưu mang 540 triệu người Trung Hoa nghèo đói dưới sự lãnh đạo của Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông), một người Cộng Sản tỏ ra bất phục tùng Stalin.
Ɖến năm 1957 hai quốc gia Cộng Sản to lớn có đường biên giới chung nguyền rủa và xuyên tạc nhau để đi đến bắn giết nhau như đã xảy ra trên đảo Damansky năm 1969.
Việc Hoa Kỳ và Trung Quốc đụng độ nhau trên chiến trường Triều Tiên do ước muốn của Stalin mà ra, khi đại diện của Liên Sô tại Liên Hiệp Quốc là Yakov Malik (1906 - 1980) bỏ phòng họp đi ra để không dùng quyền phủ quyết ngăn chận việc Hoa Kỳ và quân Liên Hiệp Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên trước sự tấn công vũ bão của Bắc Hàn.
Tổng thống Harry Truman chỉ muốn cầm chân Trung Quốc chớ không muốn dùng sức mạnh võ khí nguyên tử thiêu hủy nước này như lời đề nghị của đại tướng Mc Arthur. Tướng Mc Arthur bị cách chức vì sự đề xuất này.
Nga và Trung Quốc là hai nước láng giềng có quá khứ lịch sử không mấy tốt đẹp. Stalin là nhà độc tài. Mao Zedong là nhà độc tài Cộng Sản theo truyền thống nông nghiệp độc lập với chủ nghĩa Stalinism. Mao tự xem ngang hàng với Stalin chớ không phải là người phục tùng Stalin như các nhà lãnh đạo Cộng Sản khác. Sự xung đột ý thức hệ giữa Trung Quốc và Liên Sô diễn ra từ năm 1957. Trung Quốc xem Khrushchev là người khai sinh ra chủ nghĩa xét lại (Revisionism). Trung Quốc càng mạnh, sự lo lắng của Nga càng gia tăng.
Sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953, Hoa Kỳ có lối 30.000 quân ở Nam Triều Tiên trực diện với Trung Quốc, Bắc Hàn và Liên Sô.
***
Hoa Kỳ rơi vào mâu thuẫn khi chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất bùng nổ (1946 - 1954). Mâu thuẫn vì Hoa Kỳ chủ trương chống chủ nghĩa thuộc địa (Colonialism) lại yểm trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam. Họ hành xử mâu thuẫn như vậy vì lý lịch Cộng Sản của ông Hồ Chí Minh, người được Liên Sô đào tạo?
Cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ (Tư Bản) và Liên Sô (Cộng Sản) bắt đầu vào năm 1949. Cùng năm này NATO (Minh Ước Bắc Ɖại Tây Dương) ra đời. Cộng Sản Trung Hoa chiếm lục địa. Ở Việt Nam cựu hoàng Bảo Ɖại hồi loan lãnh đạo chánh phủ quốc gia. Hoa Kỳ yểm trợ Pháp như ngăn chận sự phát triển của chủ nghĩa Cộng Sản ở Ɖông Nam Á.
Pháp bại trận. Việt Nam bị chia đôi. Hào quang Ɖiện Biên Phủ mất nhiều ánh sáng. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc vĩ tuyến 17 đánh đuổi một đế quốc bạch chủng để chịu sự chi phối sâu đậm của hai đế quốc to lớn và đông dân, một thuộc bạch chủng và một thuộc hoàng chủng!
Pháp rời khỏi Nam Việt Nam năm 1956. Hoa Kỳ có ảnh hưởng tuyệt đối ở miền Nam Việt Nam.
***
Hoa Kỳ trực chiến trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai từ năm 1965 đến 1973 nhưng không có kết quả như ý. Hiệp định Paris là lối thoát danh dự của Hoa Kỳ giúp cho tổng thống Richard Nixon hoàn thành lời hứa đưa quân sĩ Hoa Kỳ về nước và Việt Nam hóa chiến tranh khi ra tranh cử năm 1968.
Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973 (Ảnh: http://nghiencuuquocte.org/)
Miền Nam Việt Nam sụp đổ. Cộng Sản Việt Nam thắng cuộc nhưng:
Hoa Kỳ chấp nhận thất bại trong canh bạc nhỏ ở Việt Nam để kéo một quốc gia Cộng Sản to lớn và đông dân về phía họ và từ đó thắng canh bạc lớn: thắng lợi trong Chiến Tranh Lạnh mà không cần phải dùng đến súng ống và bom đạn.
Hoa Kỳ thắng hay thua? Họ thua sao người thắng họ (Việt Nam) ước muốn họ bang giao và giúp đỡ? Người thắng tự xem mình là anh hùng sao lại phải khép nép e dè trước Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển đảo và việc khai thác tài nguyên (hải sản, dầu khí) trong lòng biển do mình làm chủ?
***
Ở Cuba chánh quyền Batista được sự ủng hộ của Hoa Kỳ đã thua. Hoa Kỳ tôn trọng dân ý của Cuba, nghĩa là dân không ưa thích Batista. Họ không dùng sức mạnh quân sự của mình để đè bẹp Fidel Castro. Tổng thống Kennedy chỉ phản ứng mạnh với Liên Sô khi Khrushchev ra lịnh thiết lập các giàn hỏa tiễn nhắm vào Hoa Kỳ. Mao vui mừng vì Trung Quốc sẽ hưởng lợi nếu Hoa Kỳ và Liên Sô xung đột võ trang. Mao gọi Hoa Kỳ là “Cọp Giấy” để khích tướng Khrushchev. Ông này khôn ngoan khi lặng lẽ tháo gỡ hỏa tiễn ở Cuba vì “con cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử”.
Thật khó so sánh chế độ độc tài Batista với chế độ độc tài Cộng Sản của Fidel Castro để xác định chế độ nào tốt hơn. Chỉ biết rằng dưới chế độ độc tài Batista kinh tế Cuba vững vàng hơn dưới chế độ độc tài Fidel Castro. Dưới thời Batista Cuba nổi tiếng về việc sản xuất và xuất cảng đường, thuốc xì-gà và các nông sản khác. Thị trường tiêu thụ lớn của Cuba trước 1959 là Hoa Kỳ. Người Hoa Kỳ du lịch sang Cuba hàng tuần giúp cho đảo quốc này có một nguồn ngoại tệ dồi dào. Ɖời sống của người Cuba thời Batista cao hơn đời sống của người Cuba dưới chế độ Cộng Sản.
Cuba Cộng Sản trông đợi vào sự viện trợ từ Liên Sô để tự biến mình thành tiền đồn Cộng Sản ở Tây Bán Cầu. Ɖảo quốc này khốn đốn khi Liên Sô sụp đổ năm 1991.
Batista thất bại trước Fidel Castro. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên đảo Cuba không còn nữa nhưng Hoa Kỳ vẫn hiện diện ở Guantánamo gồm phần đất và biển trong vịnh cùng tên rộng 117km2 do Hoa Kỳ thuê của Cuba từ năm 1903. Tiền thuê năm 1934 là 2.000 Mỹ kim và năm 1974 là 4.085 Mỹ kim.
***
Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan đúng thời hạn (31-08-2021) mặc dù có xảy ra vụ nổ bom tại phi trường Kabul làm chết 13 quân si Hoa Kỳ.
Cuộc chiến Afghanistan chấm dứt sau 20 năm dài. Tổn phí chiến tranh lên gần 2.000 tỷ Mỹ kim (2 trillion). Số quân thương vong nhỏ hơn số thương vong ở Việt Nam từ năm 1965 đến 1973.
Afghanistan là quốc gia khép kín, ít sông, không biển nhưng đó là nơi Alexander Ɖại Ɖế, Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn), đế quốc Nga, Anh, Liên Sô và ngày nay Hoa Kỳ đều nếm mùi thất bại ở đó. Taliban sẽ sở hữu một số võ khí tối tân, phi cơ, phi cơ không người lái, xe tăng, quân xa v.v.. Nhưng theo chánh phủ Hoa Kỳ, phi cơ, xe tăng hay quân nhu, quân cụ bị phá hủy nên không còn sử dụng được.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan và sau chiến thắng của Taliban?
1- Cuộc nội chiến giữa Taliban và nhóm kháng chiến do phó tổng thống chánh phủ Kabul là Amrullah Saleh (1972 - ) trong tỉnh Panjshir đang diễn ra giống như cuộc nội chiến sau khi quân Liên Sô rút khỏi Afghanistan. Trong các nhóm cực đoan chống Hoa Kỳ, NATO và chánh phủ Kabul do Hoa Kỳ yểm trợ gồm những phần tử cực đoan như Taliban, tàn dư Al Qaeda và IS. Cuộc tranh giành quyền lãnh đạo giữa những phần tử cực đoan khó tránh được.
2- Chánh quyền Taliban không được nhiều nước trên thế giới nhìn nhận nếu khăng khăng giữ đường lối kém linh động như bắt phụ nữ phải mặc burqas, che kín mặt chỉ chừa hai lỗ ở mắt. Nữ phái không được đi học. Chánh sách của Taliban sẽ làm cho người Afghanistan luyến tiếc quá khứ dẽ thương của 20 năm qua.
3- Nếu Taliban tiếp tục chứa chấp những phần tử được xem là khủng bố thì phi cơ không người lái của Hoa Kỳ có lý do để hoạt động trên vòm trời Afghanistan.
4- “Bò ngã nhiều gã cầm dao”. Trung Quốc là quốc gia sốt sắng kết giao thân thiện với Taliban. Họ nhắm vào các quặng mỏ của Afghanistan, vị trí địa lý của nước này với Xinjiang (Tân Cương). Trung Quốc sốt sắng kết thân với Taliban vì sợ nhóm này tung khủng bố vào Tân Cương quấy rối Trung Quốc. Nga, Ấn Ɖộ, Iran, Pakistan cũng vào Afghanistan. Taliban, Pakistan, Iran đều theo đạo Hồi. Taliban có liên hệ gắn bó với Pakistan hơn Iran: 1. Vì Taliban và Pakistan theo phái Sunni. Iran theo phái Shiite. 2.Taliban hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan và Pakistan trong thời kỳ chống quân Hoa Kỳ, NATO và chánh phủ Afghanistan do Hoa Kỳ yểm trợ.
Hoa Kỳ và NATO rút khỏi Afghanistan. Trung Quốc, Pakistan, Nga, Ấn Ɖộ, Iran nhảy vào. Sớm muộn gì Trung Quốc và Nga cũng đụng chạm nhau. Ấn Ɖộ và Pakistan kình báng nhau. Iran theo đạo Hồi phái Shiite không ưa thích Pakistan theo đạo Hồi phái Sunni. Ɖó là hai nước đồng đạo, khác phái không thân thiện nhau. Afghanistan khó tránh được những mâu thuẫn về quyền lợi và ảnh hưởng giữa Nga-Ấn Ɖộ-Iran một bên và Trung Quốc-Pakistan phía bên kia. Mối tình Trung Quốc-Taliban khó bền vững. Taliban tự xem là thành trì của Hồi Giáo và luật Sharia nên khó thân thiện với Hán tộc gọi đạo của họ là Bái Nguyệt Giáo, ăn thịt heo mà tôn giáo của họ ngăn cấm và hiện đang có chánh sách tập trung và đàn áp người Uygur Hồi Giáo ở Sinkiang (Tân cương).
***
Trên thế giới có người Ái Mỹ (Americanophile) và người Ố Mỹ (Americanophobe). Cả hai đều nghĩ là Hoa Kỳ suy yếu và mất đi vai trò lãnh đạo thế giới mỗi khi gặp những khó khăn hay thất bại như trường hợp Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam (1975) và Afghanistan (2021).
Khi Nhật Bản, Cộng Ɖồng Kinh Tế Âu Châu vươn lên, người Ái Mỹ và người Ố Mỹ đều nghĩ Hoa Kỳ đã mất địa vị cường quốc kinh tế số 1 trên thế giới. Cảm giác ấy hiện đang xảy ra với Trung Quốc.
Thực tế Hoa Kỳ có mất địa vị đại cường quân sự và kinh tế trên thế giới không? Câu trả lời là KHÔNG.
Nếu Hoa Kỳ suy yếu và mất uy tín thì Hoa Kỳ khó có nhiều đồng minh trên thế giới trong cuộc chiến tranh đánh đuổi quân Iraq xâm lăng Kuwait năm 1991 và trong chiến tranh Afghanistan, quốc gia dung chứa khủng bố Al Qaeda, năm 2001.
Hoa Kỳ thắng Liên Sô trong Chiến Tranh Lạnh mà không dùng đến xung đột võ trang. Thua canh bạc nhỏ để thắng canh bạc lớn là cách đánh bài thượng thừa của người cờ bạc. Bây giờ Hoa Kỳ đang chơi canh bạc tương tự với Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ nhì và cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới. Hoa Kỳ thành lập liên minh gồm các nước Âu Châu, Á Châu và Úc Châu để sẵn sàng nghinh chiến với Trung Quốc nếu bị nước này tấn công nhưng họ vẫn ước muốn hòa bình và có một cuộc cạnh tranh công bằng về kinh tế lẫn quân sự với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Họ từ bỏ Afghanistan khô khan, hướng về vùng Ấn Ɖộ Dương và Thái Bình Dương để được hưởng quyền tự do lưu thông trên biển cả. Nếu Trung Quốc làm càn, tấn công tàu bè của họ thì họ có số đồng minh lớn hơn Bát Quốc Liên Quân vào năm 1901 đáp trả lại.
Hoa Kỳ là quốc gia trải qua nhiều khủng hoảng kinh tế, chánh trị, chủng tộc, thậm chí từng trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu vào thế kỷ XIX. Sau bốn năm dưới thời tổng thống Donald Trump vấn đề chủng tộc có vẻ sống dậy. Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cơ hồ như không có điểm chung về mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Dịch Covid-19 đã giết trên 600.000 người Hoa Kỳ, tức 10 lần hơn số binh sĩ chết trên chiến trường Việt Nam và Afghanistan cộng lại mặc dù không có chiến tranh. Chuyện nhỏ như vấn đề chích ngừa dịch bịnh hay mang khẩu trang cũng gây tranh cãi và thiếu nhất trí khiến dịch bịnh nhì nhằng tổn hại đến mọi sinh hoạt trong nước. Dẫu thiên nan vạn nan con thuyền Hoa Kỳ vẫn giương cao ngọn cờ DÂN CHỦ và TRỌNG PHÁP để mạnh tiến về phía trước.
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/hoakyvasuthanhbai.htm