Phạm Đình Lân


Hoa Kỳ và Liên Âu trước hiểm họa khủng bố

 

Trong tình hình hiện nay trên thế giới Hoa Kỳ và Liên Âu nhức đầu vì vấn đề khủng bố Al Qaeda, ISIS, Fajr Libya (Bình Minh Libya), Boko Haram, Al Shabaad, Do Thái- Palestine, khủng hoảng Ukraine ,v.v.  Còn gì tốt đối với Trung Quốc bằng sự xung đột võ trang giữa Nga và NATO + Hoa Kỳ giữa lúc khủng bố Hồi Giáo chổi dậy. Trung Quốc sẽ nhảy múa ở Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đều thúc thủ ?...

 

Người Hồi Giáo không phải là những người khủng bố. Nhưng những người khủng bố đều là Hồi Giáo.
Từ khi xảy ra vụ đánh sập tháp đôi World Trade Center ở New York ngày 11-09-2001 khắp thế giới bắt đầu lưu ý đến tổ chức khủng bố Al Qaeda và tên tuổi của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Al Qaeda được chánh phủ Taliban ở Afghanistan cho sử dụng lãnh thổ Afghanistan để lập những trung tâm huấn luyện khủng bố hoạt động khắp nơi trên thế giới. Trung tâm thu hút nhiều người Hồi Giáo gốc Á Rập ở Trung Đông, Phi Châu và Đông Nam Á. Năm 2001 quân Hoa Kỳ và NATO lật đổ chánh phủ Taliban ở Afghanistan và mở những cuộc tấn công nhắm vào sào huyệt của Al Qaeda ở miền núi. Al Qaeda trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ và các nước Liên Âu.

 

Nguồn gốc hận thù

Các nước Hồi Giáo dù thuộc phái Sunni hay Shiite đều không có thiện cảm với các nước Tây Phương vì :

 

Chiến tranh chống khủng bố & sự bành trướng của các tổ chức khủng bố Hồi giáo

Năm 2001 Hoa Kỳ tấn công Taliban ở Afghanistan. Taliban thua nhưng không đầu hàng. Thủ lãnh Taliban là Mullah Omar và trùm khủng bố Osama Bin Laden đều vô sự và lẩn trốn ở miền núi dọc theo biên giới Pakistan.

Năm 2003 liên quân Anh-Hoa Kỳ lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein ở Iraq. Saddam Hussein là người Hồi Giáo Sunni. Dưới thời cai trị của ông người Iraq Hồi Giáo Shiite ở phía Nam và người Kurds, Hồi Giáo Sunni ở phía đông bắc Iraq bị kỳ thị và đàn áp. Saddam Hussein thua trận nhưng không đầu hàng. Ông lẩn trốn ở Tikrit, sinh quán của ông và bị bắ̀t vào tháng 12 năm 2003. Năm 2006 ông bị xử treo cổ. Iraq trở thành địa bàn hoạt động của Al Qaeda Hồi Giáo Sunni vừa chống liên minh Anh-Hoa Kỳ, vừa chống chánh quyền Shiite ở Baghdad. Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq cuối năm 2011 và sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Hoa Kỳ chỉ xài lối 1.000 tỷ Mỹ kim cho hai cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan (2001-2014) và Iraq (2003-2011). Họ phải mất 21 năm cho hai cuộc chiến tranh nói trên để trở thành quốc gia mang nhiều nợ nhất thế giới. Hoa Kỳ chưa rút khỏi Afghanistan thì Taliban đã sống dậy chẳng những ở Afghanistan và còn ở Pakistan nữa. Họ phục kích quân Hoa Kỳ và NATO, tấn công các cơ quan của chánh phủ Kabul do Karzai lãnh đạo. Họ khủng bố dân chúng, tách rời dân chúng khỏi chánh phủ Karzai và lực lượng Tây Phương có mặt trên lãnh thổ Afghanistan (Hoa Kỳ và NATO), xuyên tạc những phúc lợi do Hoa Kỳ và NATO mang lại cho Afghanistan bằng cách bắn phá trường học, uy hiếp không cho nữ phái đi học bằng những cảnh giết chóc, đánh đập hay tạt ác xít ghê rợn. Một số lính của chánh phủ Kabul làm lực lượng thứ 5 cho họ. Taliban gây thiệt hại vật chất và nhân mạng cho Hoa Kỳ và NATO khá nhiều. Họ tấn công vào cơ quan chánh phủ, cơ quan tình báo Afghanistan, khách sạn ở Kabul, nơi có nhiều chuyên viên ngoại quốc tạm trú. Khó đoán được việc gì sẽ xảy ra sau khi Hoa Kỳ rút khỏi nước nầy vào cuối năm 2014. Trong Chiến Tranh Việt Nam II, Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam ngày 29-03-1973. 25 tháng sau VNCH sụp đổ! Afghanistan có may mắn hơn không?

Hoa Kỳ rút khỏi Iraq cuối năm 2011. Chánh phủ của phái Shiite ở Baghdad mải mê kỳ thị phái Sunni, mạnh tay với các sắc tộc khác trong nước và với các phần tử thuộc chế độ Saddam Hussein. Hậu quả là người Kurds thuộc Hồi Giáo Sunni muốn thành lập một quốc gia độc lập ở phía đông bắc. Người Iraq Hồi Giáo Sunni ở phía tây bắc bày tỏ cảm tình với nhóm khủng bố ISIS thuộc Hồi Giáo Sunni. Tháng 6 năm 2014 nhóm ISIS (Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Syria) chiếm Mosul, thành phố thứ nhì ở Iraq hai năm rưỡi sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq. Sự thất trận của quân đội Iraq ở Mosul rất thê thảm. Hàng ngàn binh sĩ buông súng bỏ chạy thay vì giao tranh với nhóm ISIS có liên hệ với nhóm khủng bố Al Qaeda. Nhóm ISIS rất mạnh trong cuộc nội chiến ở Syria. Nhóm nầy liên hệ chặt chẽ với Al Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda đã chiếm thành phố Ar-Raqqah và giật sập tượng của cố tổng thống Hafez al-Assad. Không bao lâu chính ISIS kiểm soát thành phố. Họ chặt đầu hàng trăm quân sĩ Syria bị bắt sau khi thua trận, cho nổ sập các giáo đường Hồi Giáo Shiite và các giáo đường Thiên Chúa Giáo. Tín đồ Thiên Chúa Giáo hoảng sợ bỏ chạy trốn. ISIS chặt đầu người treo dọc theo các nẻo đường thành phố và đóng đinh những người phi Hồi Giáo Sunni! Sự hung bạo của ISIS khởi đầu ngay từ lúc chiếm thành phố Al-Raqqah vào tháng 03 năm 2013. ISIS tự giới thiệu và gây khủng khiếp cho cộng đồng nhân loại bằng cách chặt đầu, đóng đinh những người theo đạo Christ hay theo đạo Hồi thuộc phái Shiite hay Alawite. Người theo đạo Thiên Chúa phải cải đạo và đóng thuế bảo hộ. Nếu không sẽ bị chặt đầu. Việc ISIS cắt đầu hai ký giả Hoa Kỳ Jim Foley và Steven Sotloff gây chấn động dư luận thế giới.
Hiện nay trên thế giới có quá nhiều tổ chức khủng bố Hồi Giáo được Hoa Kỳ, Liên Âu và Do Thái ghi nhận: tổ chức Hamas (Hồi Giáo Sunni của người Palestine) Hezbollah (Hồi Giáo Shiite ở Lebanon), Al Qaeda của Osama Bin Laden có nhiều chi nhánh khắp nơi trên thế giới, Taliban Afghanistan, Taliban Pakistan, Al Shabaab ở Somalia gây cuộc nổ bom ở Nairobi, Kenya năm 2013 và nhiều lần tấn công vào thủ đô Somalia. Ngày 1-09 vừa qua thủ lãnh nhóm nầy là Ahmed Godane bị phi cơ không người lái bắn chết. Ngoài ra còn phải kể đến tổ chức Boko Haram ở miền bắc Nigeria. Theo gương ISIS, Boko Haram cũng tuyên bố thành lập Quốc Gia Hồi Giáo (caliphate) ở Nigeria. Thủ lãnh nhóm Boko là Mohammed Yusuf.

Mùa Xuân Á Rập năm 2011 không đem lại dân chủ cho các nước Bắc Phi và Trung Đông mà tạo môi trường hoạt động và phát triển cho các tổ chức Hồi Giáo cực đoan.

Tổng thống Mubarak bị lật đổ ở Ai Cập. Đó là cơ hội nắm chánh quyền của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo với tổng thống Morsi.

Nhà độc tài Qadafi bị lật đổ và bị giết. Chánh phủ Libya thời hậu Qadafi không đủ sức đương đầu với nhóm Hồi Giáo quá khích Libya. Tháng 07 năm 2014 Hoa Kỳ rời khỏi tòa đại sứ ở Tripoli. Hai nhóm Hồi Giáo quá khích hoạt động ở Lybia. Cả hai đều không hợp tác với nhau. Nhóm Ansar al Shariah là nhóm tấn công vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Benghazi ngày 11-09-2012 giết đại sứ Christopher Stevens. Nhóm quá khích thứ hai là nhóm Fajr Libya(Bình Minh Libya) hiện có mặt ở thủ đô Tripoli của Libya. Chánh phủ và quốc hội Libya phải di tản về phía đông nước nầy. Nhóm Bình Minh Libya chiếm phi trường Tripoli. Có 11 phản lực cơ thương mại bị mất. Người ta lo ngại nhóm nầy gây một biến cố 11-09 mới ở nơi nào đó với các phi cơ nầy.

Cuộc nội chiến ở Syria có 75% Hồi Giáo Sunni oán ghét chế độ gia đình trị Assad thuộc nhóm thiểu số Alawites.

Trùm khủng bố Osama Bin Laden bị giết chết ở Pakistan năm 2011 nhưng tổ chức nầy hoạt động mạnh ở Trung Đông và Bắc Phi dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Ai Cập Ayman al Zawahiri. Al Nusra trong cuộc nội chiến ở Syria là một bộ phận của Al Qaeda. Al Nusra bị lép vế trước ISIL (Islamic State of Iraq and Levant) chuyển thành ISIS (Islamic State of Iraq and Syria) ở miền bắc Syria. ISIS rất mạnh ở miền bắc Syria mặc dù họ có không đến 10.000 người. Nhưng đây là những người Hồi Giáo cực đoan, thiện chiến và bạo tợn khi dùng cảnh giết người đẫm máu để làm cho kẻ thù khiếp sợ. Trong trận đánh Mosul vào tháng 6 năm 2014 quân số ISIS nhỏ hơn quân số của quân đội Iraq rất nhiều nhưng quân sĩ Iraq không dám giao tranh mà buông súng bỏ chạy để bị bắt và bị bắn hàng loạt cả ngàn người! Trong hàng ngũ ISIS có nhiều người Hồi Giáo ở nước ngoài về Syria hay Iraq tham gia vào lực lượng khủng bố nầy. Trong số nầy có nhiều người từ Tunisia, Lebanon, Saudi Arabia, Yemen, Chechnya, Morocco, Libya, Iraq và có cả những người Hồi Giáo mang quốc tịch Anh và Hoa Kỳ nữa. Tất cả các tổ chức khủng bố Hồi Giáo đều hành động tương tự như nhau: sắt máu, nổ bom tự sát, bắt cóc, bắt con tin để nhận tiền chuộc hay trao đổi tù nhân, khủng bố dân chúng để buộc họ phải qui phục, dùng luật Sharia ở những vùng do họ kiểm soát, tàn sát người không Hồi Giáo kể cả Hồi Giáo khác phái, nuôi dưỡng sự căm thù Tây Phương v.v… Thực chất họ muốn cướp chánh quyền, làm chủ các giếng dầu (Bình Minh Libya nhắm vào các giếng dầu ở đông bộ Libya;Boko Haram nhắm vào giếng dầu ở miền Nam Nigeria; ISIS thừa hưởng các giếng dầu ở miền bắc Iraq) và vĩnh cửu quyền hành bằng sự suy tôn lãnh tụ dưới dạng Thần Thánh như lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng mình là hậu duệ của giáo chủ Mohammed. Ông cổ xúy chống Tây Phương tận cốt tủy nhưng ông mang trên tay một đồng hồ Rolex đắt tiền do Thụy Sĩ sản xuất!

Tổng thống Obama ví khủng bố Hồi Giáo như ung thư nghĩa là có nhiều rễ, nhánh khắp nơi. Cha ông là người Kenya theo Hồi Giáo Sunni. Kế phụ của ông là người Indonesia theo Hồi Giáo Sunni. Bản thân ông từng sống và học ở Indonesia, quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới. Trước sự bành trướng và hành động tàn bạo của ISIS ở Syria và bắc Iraq ông bình thản nói rằng ông chưa có sách lược ứng phó với ISIS. Đảng Cộng Hòa nhao nhao phản đối ông. Nếu biện hộ dùm cho ông Obama, ta phải công nhận đây không phải là chuyện dễ dàng có thể giải quyết đầu hôm sớm mai. Từ 14 năm qua Hoa Kỳ và NATO vẫn nỗ lực giải quyết khủng bố quốc tế nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Trái lại việc động binh tạo cho Hoa Kỳ còn nhiều khó khăn bao vây chưa biết phải giải quyết theo thứ tự ưu tiên nào: vấn đề Do Thái-Palestine, vấn đề Nga-Ukraine, Nga-NATO, vấn đề Trung Quốc - Nhật Bản, Trung Quốc - các quốc gia Đông Nam Á, vấn đề nguyên tử Iran, vấn đề nguyên tử Bắc Hàn, vấn đề nội bộ v.v…

Để tránh tổn phí chiến tranh và thiệt hại nhân mạng, Hoa Kỳ dùng phi cơ không người lái để chống khủng bố. Nhiều thủ lãnh khủng bố ở Afghanistan, Pakistan, Yemen, Iraq được báo cáo đã bị giết chết nhưng không vì thế mà khủng bố bị tiêu diệt. Chống khủng bố Hồi Giáo khó khăn hơn chống du kích Cộng Sản ở Nam Việt Nam trước kia vì màu sắc tôn giáo và dân chúng Hồi Giáo nhất tề bất thiện cảm với Tây Phương nên dùng phương pháp đếm xác chết không đạt được kết quả mỹ mãn. Sự hung hãn và khát máu của ISIS giúp cho nhóm nầy thành công trong việc kiểm soát một diện tích lãnh thổ rộng lớn giữa hai sông Tigris và Euphrates bao gồm miền bắc Iraq và bắc Syria. ISIS cạnh tranh ảnh hưởng với Al Qaeda. Họ chê Al Nusa, một cánh của Al Qaeda trong cuộc nội chiến Syria chưa đủ đẫm máu để trở nên hữu hiệu và thành công. Thủ lãnh Al Baghdadi của ISIS xóa hình ảnh của lãnh tụ Al Qaeda là bác sĩ Al Zawahiri. Baghdadi tự xem ông là đại diện của Hồi Giáo trong cuộc thánh chiến với Tây Phương để Hồi Giáo hóa thế giới trong khi Zawahiri đặt mình dưới Mullah Omar của Taliban. Đầu tháng 9 năm 2014 Zawahiri tuyên bố nới rộng phạm vi hoạt động của khủng bố Hồi Giáo sang lục địa Ấn Độ vì tân thủ tướng Modi của nước nầy là người quốc gia không mấy thiện cảm với những người Hồi Giáo quá khích. ISIS tự tạo cho họ nhiều kẻ thù: Đó là những người Hồi Giáo Shiite, các nước Hồi Giáo Sunni ôn hòa kể cả người Kurds thuộc Hồi Giáo Sunni, đạo Christ (Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Anh Giáo) và các tôn giáo khác. Các nước Châu Âu, Iran, Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập, Kuwait, Morocco... xem ISIS là hiểm họa. Đó là yếu điểm của ISIS tuy rằng họ có nhiều tiền bạc nhờ bán dầu hỏa, bán đồ cổ, tịch thu tiền và vàng thỏi trong các ngân hàng ở Mosul và các thành phố nằm giữa hai sông Tigris và Euphrates. ISIS có nhiều võ khí và xe tăng Nga và Hoa Kỳ lấy từ quân đội Syria và Iraq bại trận. ISIS làm xáo trộn sự phân biệt bạn thù ở Trung Đông. Hoa Kỳ, Saudi Arabia, Do Thái, Jordan không phải là bạn của Iran, Syria của Assad, tổ chức Hezbollah, nay tất cả các nước ấy đều xem ISIS là kẻ thù chung nhưng họ vẫn chưa phải là bạn. ISIS không phải bất khả bại. Bằng chứng họ không chiếm được Baghdad của chánh quyền Hồi Giáo Shiite và bị quân Kurds đẩy lui tại đập nước Mosul và Kirkuk nhờ sự yểm trợ của không quân Hoa Kỳ.

Việc Hoa Kỳ hợp tác với Iran và Syria của Assad để chống ISIS là điều khó thực hiện. Phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc ở Iraq chỉ nhằm mục đích bảo vệ Irbil và Baghdad thì không thể diệt ISIS được. Đưa quân vào bắc Syria nơi ISIS có cơ sở vững chắc, nơi Al-Raqqah được xem là thủ đô của quốc gia Hồi Giáo (Islamic State) thì gặp:

1. khó khăn nếu không có sự hòa thuận của Assad. Mặc dù Assad không còn kiểm soát vùng nầy nhưng đó là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Syria.
2. sự đề kháng dữ dội của những người cuồng tín chiến đấu theo lối thánh chiến ‘tử đạo’ thì bị sa lầy.

Việc phi cơ Hoa kỳ oanh tạc ở Iraq để yểm trợ cho quân đội Iraq và quân Kurds đánh nhau với quân ISIS thực hiện dễ dàng vì ít nhiều Hoa Kỳ cũng còn ảnh hưởng đối với chánh phủ Baghdad và người Kurds ở phía bắc Iraq.

Ở Syria thì khác vì Hoa Kỳ chỉ có ảnh hưởng với quân đội Quốc Gia Syria Tự Do với lối 70.000 - 80.000 đang chống chánh quyền Assad. Giả sử có sự thảo luận giữa Syria và Hoa Kỳ, Hoa Kỳ dùng phi cơ trên hàng không mẫu hạm đậu ngoài khơi Địa Trung Hải oanh tạc ISIS để yểm trợ cho quân đội Syria của Assad đánh nhau bằng lục chiến với ISIS. Sau khi thắng trận sẽ giải quyết tiếp những khó khăn còn tồn đọng giữa Quân Đội Syria Tự Do và quân đội của Assad? Trong trường hợp nầy cuộc giành công chiến thắng giữa hai lực lượng đối nghịch sẽ trở nên đẫm máu.

Giải pháp trông đợi của tổng thống Obama là lập liên minh Hoa Kỳ, các nước Âu Châu (kể cả Canada và Úc), Ả Rập (Saudi Arabia, Jordan, Qatar)  như tổng thống Bush I đã làm năm 1991 khi phát động chiến tranh chống Iraq xâm lăng Kuwaitđể chống lại ISIS. Anh luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ trong vấn đề nầy.Thủ tướng Cameron tuyên bố không hèn nhát trước những hành động man rợ của khủng bố khiến cho tổng thống Obama cương quyết phá vỡ và đập tan ISIS khác với lời tuyên bố yếu ớt trước đó. Nhân vụ ISIS cắt đầu hai ký giả Jim Foley và Steven Sotloff (có song tịch Hoa Kỳ và Do Thái) Do Thái chứng minh cho thế giới thấy sự đau khổ của họ trước nạn khủng bố Hồi Giáo Sunni hay Shiite từ Fatah, Hamas (Sunni) đến Hezbollah  (Shiite). Tổng thống Obama không qui tụ nhiều đồng minh như tổng thống Bush I năm 1991. Pháp sẽ miễn cưỡng hơn là sốt sắng vì tháng 8 năm 2013 Pháp sốt sắng ủng hộ Hoa Kỳ trong việc tấn công Syria đã vượt lằn ranh đỏmà tổng thống Obama đã vạch nhưng chính tổng thống Obama làm cho họ thất vọng vì có giải pháp giải giới võ khí hóa học của Putin. Năm 1991 Liên Sô trên đà sụp đổ. Năm 2014 Liên Bang Nga của Putin trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng Ukraina khiến cho các quốc gia NATO và các thành viên Đông Âu của tổ chức nầy trước kia nằm trong khối Cộng Sản nơm nớp lo sợ chiến tranh sẽ bùng nổ giữa Nga và NATO.

Nga và Trung Quốc đều có liên hệ với các dân tộc Hồi Giáo. Nga có vấn đề Chechnya. Putin giải quyết vấn đề Chechnya bằng võ lực như các chánh quyền Liên Sô đã làm trước kia.

Trung Quốc có vấn đề Tân Cương (Xinjiang). Trung Quốc là một đất nước Cộng Sản to lớn và đông dân đã Hán hóa người Hồi Giáo ở Tân Cương. Họ dùng bạo lực để trấn áp những cuộc đấu tranh của những người Hồi Giáo địa phương và dùng những bản án tử hình để đáp trả những vụ nổ bom, chém người do người Hồi Giáo Tân Cương gây ra ở Thiên An Môn (Tianamen) và ga xe lửa Vân Nam (Yunnan).

Do Thái có vấn đề với Hamas và Hezbollah. Họ giải quyết các cuộc bắt cóc, khủng bố và pháo kích của Hamas và Hezbollah bằng cách xây bức tường phân cách dải Gaza với biên giới Do Thái và bằng cách oanh tạc và tấn công vào Gaza hay miền nam Lebanon. Do Thái có nhiều kinh nghiệm chống khủng bố hơn Hoa Kỳ và Anh. Anh và Hoa Kỳ có một số công dân Hồi Giáo mang quốc tịch Anh hay Hoa Kỳ hoạt động cho khủng bố Al Qaeda hay ISIS nhưng Do Thái không có. Hoa Kỳ phải mất 10 năm mới giết trùm khủng bố Osama Bin Laden. Do Thái thanh toán các lãnh tụ quá khích của Fatah, Hamas và Hezbollah tương đối nhanh chóng hơn nhờ địa bàn hoạt động nhỏ hẹp, tin tức tình báo chính xác và hành động kiến hiệu của các đội đặc công. Phương thức chống khủng bố của Do Thái và Hoa Kỳ có chút khác biệt dựa trên hai phương châm khác nhau: Một bên chủ trương phòng bịnh (Do Thái); bên kia chủ trương có bịnh mới cha (Hoa Kỳ). Cách giải quyết của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương không ngoạn mục và gọn gàng như Do Thái đã làm vì họ bị ràng buộc bởi các nguyên tắc dân chủ và vì họ sợ khủng bố trả thù bằng cách đặt bom phá hủy các cơ sở kinh doanh của họ khắp nơi trên thế giới. Đó là phong thái bình thản và lòng tự tin của người dám nuôi dã thú nên không sợ chúng dù có bị chúng gây chút thương tích. Còn việc nuôi dã thú để làm gì thì chỉ có người nuôi và người chung quanh biết mà thôi.

***

Thế giới rơi vào cảnh đại loạn. Càng loạn Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu càng bận rộn. Kinh tế các nước ấy càng bị đe dọa và suy yếu. Đó là thời cơ tốt cho Trung Quốc vươn lên. Trong cuộc khủng hoảng Cuba vào thập niên 1960 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) ước muốn thấy Hoa Kỳ và Liên Sô giao chiến để giành lấy quyền lãnh đạo thế giới bằng cách khích tướng Khrushchev rằng Hoa Kỳ là con cọp giấy. Khrushchev không rơi vào bẫy chánh trị của Mao khi đáp lại rằng: “Đó là con cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử”. Trong tình hình hiện nay trên thế giới Hoa Kỳ và Liên Âu nhức đầu vì vấn đề khủng bố Al Qaeda, ISIS, Fajr Libya (Bình Minh Libya), Boko Haram, Al Shabaad, Do Thái-Palestine, khủng hoảng Ukraine, v.v…  Còn gì tốt đối với Trung Quốc bằng sự xung đột võ trang giữa Nga và NATO + Hoa Kỳ giữa lúc khủng bố Hồi Giáo chổi dậy. Trung Quốc sẽ nhảy múa ở Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đều thúc thủ? Giấc mơ Trung Quốc sắp thành hiện thực như ước muốn của Xi Jinping (Tập Cẩn Bình)? Nếu đúng như vậy đó là ý của NGƯỜI. Nếu ngược lại là ý của TRỜI vì diễn biến thật của giấc mơ luôn luôn trái ngược với điều mà người ta mơ.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2014