Lê Minh Nguyên
Guyana và lời nguyền tài nguyên
Guyana là một quốc gia vùng Nam Mỹ, nằm về phía đông của Venezuela, có bờ biển ngó ra Caribbean, diện tích đất 214.969 cây số vuông, khoảng 2/3 VN, nhưng chỉ có khoảng 738.000 dân và tổng sản lượng quốc gia/GDP khoảng $3,5 tỷ đôla năm 2017, “per capita” trung bình là 8.300 đôla cho mỗi đầu người, cao hơn VN.
Khởi thuỷ Guyana là thuộc địa của Hoà Lan, đến năm 1815 trở thành thuộc địa của Anh. Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ năm 1834, người da đen Phi Châu, gần 30%, sống tập trung ở các vùng đô thị. Cu li người Ấn được đưa vào để làm trong các đồn điền trồng mía chiếm gần 40%. Dân lai chủng chiếm khoảng 20% và thổ dân da đỏ khoảng 10%. Thủ đô là thành phố biển Georgetown. Kinh tế chủ yếu là xuất khẩu vàng, gạo và bauxite (http://bit.ly/2Lcs2rX).
Guyana độc lập năm 1966, các chính quyền theo khuynh hướng xã hội từ đó đến nay.
Kỳ bầu cử được coi là tự do và không gian lận xảy ra năm 1992 với đảng Dân Tiến (People’s Progressive Party), có căn cứ địa là dân Guyana gốc Ấn. Đảng này nắm quyền 23 năm rồi bị mang tiếng tham nhũng.
Đảng đối lập Nghị Hội Quốc Dân (People’s National Congress) có căn cứ địa là dân Guyana gốc Phi Châu thắng cử tổng thống năm 2015 với tổng thống hiện tại là David Granger.
Do sự khác biệt văn hoá khá lớn của các chủng tộc nên chính trị Guyana thường hay sóng gió. Nhưng dù sao Guyana cũng tiến bộ hơn chính trị độc tài độc đảng ở Việt Nam.
Guyana vừa trúng số độc đắc, nhưng những chuyên gia về xây dựng quốc gia dân tộc lo lắng rằng nó có thể rủi nhiều hơn may, vì trong lịch sử thế giới có những nước lạm dụng sự may mắn này để rồi vẫn nghèo nàn chậm tiến, không xây dựng được quốc gia dân tộc, như Nigeria, Angola, Venezuela... chẳng hạn, họ chỉ dựa vào dầu mà không biết đa dạng hoá nền kinh tế, mắc phải lời “nguyền tài nguyên” (resource curse).
Công ty ExxonMobil đã tìm được các mỏ dự trữ dầu thô trong cát ở ngoài khơi Guyana, mỏ Liza-1, cách bờ 120 dặm với trữ lượng khoảng 3,2 tỷ thùng dầu. ExxonMobil bắt đầu thu hoạch, với ước tính là năm 2020 ngân khố Guyana thu vào cho giai đoạn đầu với mới một mỏ là 300 triệu đôla trở lên, bằng khoảng 1/4 ngân sách nhà nước. Các chuyên gia Na Uy tiên đoán lạc quan hơn, cho rằng Guyana có thể thu đến 5 tỷ đôla một năm kể từ những năm cuối của thập niên 2020s.
Guyana đang có tranh chấp biên giới với Venezuela và đang kiện Venezuela ra Toà Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice). ExxonMobil cũng đang có tranh chấp với Venezuela vì năm 2007 tổng thống Hugo Chávez tịch thu tài sản của họ, cho nên việc Guyana cho ExxonMobil khai thác giúp cho Guyana có thêm đồng minh.
Tuy nhiên, theo hợp đồng với ExxonMobil thì Guyana bị lép vế. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế/IMF cho rằng ExxonMobil được lợi hơn. Theo hợp đồng thì Guyana nhận 2% tiền thuê mỏ (royalty), lợi nhuận chia 50/50, và 1 triệu đôla thu phí mỗi năm. Công ty nghiên cứu Open Oil ở Đức cho rằng tổng cộng không quá 54% lợi nhuận, kém hơn Ghana 64% cũng ở trong trường hợp tương tự (http://bit.ly/2LbrvD3).
Guyana ký thoả thuận với ExxonMobil tháng 6/2016 nhưng giấu kín đến hơn một năm, sau đó nó bị tiết lộ là ExxonMobil đã trả cho chính quyền Guyana 18 triệu đôla tiền thưởng (bonus) để ký.
Dầu mang lại sự giàu có nhưng cũng là con dao hai lưỡi, thường được coi là “lời nguyền tài nguyên” đã làm hư hỏng nhiều quốc gia. Những nước có lợi tức duới-trung lưu (lower-middle income) như Guyana thường gặp khó khăn lớn trong việc biến sự giàu có đó thành lợi ích cho nhân dân. Việt Nam là một trường hợp điển hình, dầu khai thác ngoài khơi chỉ phục vụ cho các nhóm lợi ích trong Đảng CSVN, Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh là trường hợp điển hình.
Những vấn nạn do tài nguyên gây ra được thể hiện bằng nhiều dạng thức: Giá cả lên xuống thất thường trên thị trường toàn cầu làm chao đảo ngân sách và kinh tế quốc gia. Dầu và khoáng sản vì có giá trị cao nên làm cho các lãnh vực khác không có cơ hội phát triển. Những người nắm quyền và các nhóm lợi ích phía sau thường không ngăn được lòng tham. Trong nhiều trường hợp các nhà đầu tư quốc tế thông đồng với tham nhũng. Các viên chức địa phương thủ lợi cá nhân.
“Lời nguyền tài nguyên” không thể xảy ra ở những quốc gia dân chủ pháp trị, có kinh tế đa dạng, có các định chế quốc gia vững chắc, như Na Uy hay Canada... Trong các trường hợp tồi tệ, lời nguyền tài nguyên có thể đưa tới đụng độ vũ trang.
Sự cạnh tranh chính trị giữa người dân gốc Phi và gốc Ấn từ khi độc lập đến nay đã làm cho Guyana không phát triển được. Hiện nay các định chế chính quyền còn yếu đuối, sự chia rẽ sắc tộc còn nặng nề, và sự vận hành còn rất thiếu minh bạch thì khi một khối tiền khổng lồ đột ngột xuất hiện, nó sẽ làm cho sự bất bình đẳng trong xã hội càng trở nên nghiêm trọng, tham nhũng càng tràn lan, và bất ổn xã hội càng dễ bùng phát.
Trừ khi giới lãnh đạo Guyana có ý chí và quyết tâm xây dựng quốc gia dân tộc thật mãnh liệt như dân Nhật hay dân Do Thái, đặt nó lên trên tất cả các thứ khác như quyền lực, quyền lợi, địa vị... thì lời nguyền tài nguyên mới mong giải được. Tuy nó không quá tầm tay nhưng rất là khó bắt.
.
Lê Minh Nguyên
12/7/2018