Quang Huân
Facebook sẽ bị lật đổ bởi một mạng xã hội phi tập trung?
Với ý tưởng mạng xã hội sử dụng công nghệ blockchain,
bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hiển thị quảng cáo được điều hướng theo các dữ liệu cá nhân
cũng không thể thực hiện được nếu chỉ thông qua một bên trung gian như trường hợp của Facebook.
Đã tới lúc nghĩ về một mạng xã hội phi tập trung, nơi không có cơ sở dữ liệu trung tâm như Facebook đang làm hiện nay
Facebook được Mark Zuckerberg tạo ra từ ký túc xá đại học Harvard vào tháng 2/2004. Chỉ một thời gian ngắn, nó đã trở thành nơi tuyệt vời để bất kỳ ai cũng có thể kết nối các mối quan hệ, từ bạn học cũ hay người thân, cho tới mở mang những mối quan hệ mới và theo dõi những người họ ngưỡng mộ.
Trong khi người dùng thỏa mãn với các trải nghiệm tương tác trên nền tảng của Facebook, công ty này lại kiếm tiền bằng cách khai thác các quảng cáo nhắm tới sở thích, thị hiếu mà người dùng bộc lộ trong quá trình sử dụng. Bằng cách đó, Facebook nhanh chóng trở thành một công ty khổng lồ, với hơn 40 tỷ USD doanh thu và gần 16 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2017. Sau gần 15 năm hoạt động, Facebook nhanh chóng lọt vào top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới.
Nhiều người đã nghĩ tới sự trường tồn của trang mạng xã hội này bởi sự kết nối tương tác chặt chẽ của hàng tỷ người dùng trong không gian Facebook. Tuy nhiên, vụ bê bối rò rỉ dữ liệu cá nhân gần đây với Cambridge Analytica – một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Anh – đã khiến không ít người suy nghĩ lại. Trong quá trình tiến bộ thần tốc và mạnh mẽ của internet, Facebook cũng chỉ là một dấu chấm nhỏ có thể tan biến bất cứ lúc nào.
America Online hay Yahoo! – những biểu tượng đã sụp đổ
Thật vậy, nếu nhìn vào lịch sử internet, ta thấy con người bắt đầu từ việc gửi các email thông qua phương thức truy cập quay số (dial-up modem), một phương thức kết nối mạng sử dụng đường dây điện thoại được cung cấp bởi các công ty dịch vụ di động mà nổi tiếng nhất là America Online (AOL). Rồi mạng lưới toàn cầu (world wide web – www) xuất hiện, cho phép con người có thể tạo ra và truy cập các website, đồng thời đánh dấu kỷ nguyên cạnh tranh mạnh mẽ của AOL.
Đầu thế kỷ này, chúng ta cũng đã chứng kiến sự bùng nổ và suy tàn của Yahoo!, một công cụ cho phép con người có thể tương tác trực tiếp với nhau thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi. Hay sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là Google. Sau đó là kỷ nguyên mạng xã hội. Rút kinh nghiệm từ một số công ty đi đầu chưa thành công như Myspace hay LinkedIn, Mark Zuckerberg đã tạo ra Facebook, là nơi mà cả thế giới có thể tụ họp với đủ các dịch vụ trong mọi lĩnh vực.
Những tai tiếng liên quan tới việc Facebook lạm dụng thông tin cá nhân người dùng đã xuất hiện từ nhiều năm nay, khi mà mạng xã hội này thực sự gây chú ý với hàng trăm triệu lượt người truy cập mỗi ngày. Sự kiện gần đây thực ra chỉ là giọt nước tràn ly, đẩy vấn đề bảo mật thông tin của Facebook lên một mức độ nghiêm trọng hơn.
Bắt đầu từ việc Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook nhằm cố gắng can thiệp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hậu quả đã dẫn tới 2 phiên điều trần kéo dài tổng cộng 10 giờ đồng hồ của Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ. Một câu hỏi then chốt rút ra sau 2 buổi điều trần đó là làm thế nào để mọi người có thể tin tưởng vào một mạng xã hội với một trung tâm cơ sở dữ liệu được một bên như Facebook kiểm soát.
Điều khoản sử dụng Facebook nêu rõ, như Mark đã nói trước Quốc hội, người dùng sở hữu thông tin của chính họ. Tuy vậy, mọi thông tin người dùng cập nhật trên Facebook cũng được lưu trữ tại máy chủ trung tâm. Nhận thức của người dùng tăng lên đã khiến không ít người nâng cao cẩn trọng khi chia sẻ thông tin lên Facebook cũng như các mạng xã hội nói chung.
Mạng xã hội phi tập trung
Còn quá sớm để khẳng định Facebook chuẩn bị bước vào giai đoạn suy thoái như AOL hay Yahoo!, nhưng thời điểm đó chắc chắn sẽ tới. Các ý tưởng thay thế Facebook đã xuất hiện, mặc dù chưa có nhiều dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào những dự án này. Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một làn sóng mới về sự phi tập trung, những mạng lưới ngang hàng và không có cơ quan trung ương. Đó là nơi mà mọi người cùng kết nối nhưng không có ai sở hữu các kết nối. Và mạng xã hội cũng cần phải được xây dựng trên cơ chế này.
Giáo sư Leonard Kleinrock của Đại học California tại Los Angeles (UCLA), một trong những người góp phần phát minh ra internet, đang làm việc với một công ty tên là Sunday Group về một dự án gần giống như mạng xã hội, nhưng với đặc tính phi tập trung mạnh mẽ . Đó là nơi mọi người tạo thành các nhóm dựa trên những sở thích chung như âm nhạc hoặc ẩm thực. Mọi người cũng có thể tìm ra người thân hay xây dựng mạng lưới chuyên môn.
Dự án của ông sử dụng nền tảng blockchain, công nghệ vận hành cho đồng Bitcoin, vốn nổi tiếng và được ưa thích nhờ tính phân tán của nó. Chỉ trong mạng blockchain, mỗi người mới thực sự có thể kiểm soát việc chia sẻ thông tin cá nhân của mình.
Với ý tưởng mạng xã hội sử dụng công nghệ blockchain, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hiển thị quảng cáo được điều hướng theo các dữ liệu cá nhân cũng không thể thực hiện được nếu chỉ thông qua một bên trung gian như trường hợp của Facebook. Để có dữ liệu cá nhân người dùng, họ phải tiếp cận trực tiếp với từng cá nhân để có được sự chấp thuận chia sẻ có họ.
Quy luật Metcalfe
Tất nhiên, một công cụ mới được tạo ra sẽ phải bao gồm những trải nghiệm tương tự mà người dùng đã có khi sử dụng Facebook. Đó là cảm giác được kết nối và tương tác với những người xung quanh, bạn bè hoặc người thân theo một cách tự nhiên nhất, như Facebook đã làm được trong nhiều năm nay.
Robert Metcalfe, một trong những nhà phát minh góp phần tạo ra mạng Ethernet, đã đề xuất một quy luật cho rằng giá trị của một mạng lưới tăng lên tỷ lệ với bình phương của số lượng người dùng. Đó chính là quy luật Metcalfe. Theo ông, Facebook cũng tuân theo quy luật này.
Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, hiệu ứng mạng sử dụng công nghệ blockchain cũng tuân theo quy luật Metcalfe. Càng nhiều người tham gia mạng blockchain, sự phổ biến và giá trị của mạng càng tăng lên nhiều hơn .
Tất nhiên, Facebook đã sớm nghĩ tới tương lai cạnh tranh của công nghệ blockchain trong lĩnh vực mạng xã hội. Nhưng sự phát triển này mâu thuẫn trực tiếp với lợi ích của Facebook, nên viễn cảnh đó là thứ mà họ cần ngăn chặn. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để tương lai này trở thành hiện thực.
Vì sao Facebook chưa vội lo ngại cạnh tranh?
Vấn đề đó là, đa phần những người tham gia mạng lưới blockchain đều là bị hấp dẫn bởi sự tăng giá không ngừng của Bitcoin. Khi sự tăng giá này trở thành bong bóng và đổ vỡ, rất có thể nhiều người không còn mặn mà với việc tham gia mạng lưới nữa.
Và không giống như các website, blockchain hiện chưa thân thiện với đa số người dùng phổ thông. Những ai say mê công nghệ này sẽ phải sắm một máy tính với các chip đồ họa đắt tiền từ NVIDIA hay Advanced Micro Devices.
Một vấn đề khác nữa đó là thông tin đưa vào blockchain không thể xóa hay sửa đổi. Điều đó có nghĩa là nếu thực sự có một mạng xã hội dựa trên công nghệ này, những bức ảnh hay những kỷ niệm tồi tệ mà bạn đã chót đưa lên mạng sẽ ở đó mãi mãi.
Tim O’Reily, CEO của O’Reily Media, nhận định mặc dù về mặt lý thuyết có thể tạo thành một mạng xã hội dựa trên công nghệ blockchain, nhưng trên thực tế thì không .
Thêm một vấn đề nữa đó là tốc độ xử lý các giao dịch của mạng blockchain hiện vẫn bị giới hạn. Và triển vọng phát triển trong tương lai cũng không thể đáp ứng được số lượng tương tác khổng lồ mà một trang mạng xã hội phổ biến như Facebook đang tạo ra mỗi ngày.
Ngay sau khi kết thúc phiên điều trần thứ nhất, cổ phiếu Facebook đã tăng giá trở lại. Có thể việc tẩy chay hoàn toàn mạng xã hội được một công ty như Facebook phát triển là chưa khả thi ở thời điểm hiện tại. Nhưng tương lai Facebook bị thay thế đã tới rất gần.
Internet là nơi chứng kiến sự thay đổi với tốc độ chóng mặt. Các ý tưởng thành công hình thành những công ty khổng lồ trong thời gian vô cùng ngắn, để không lâu sau đó sẽ bị thay thế bởi những ý tưởng mới.
.
Quang Huân
(Trích từ: http://cafef.vn)