Phạm Đình Lân
Đông Nam Á và Hoa Kỳ
.
Đông Nam Á chia ra làm hai vùng:
1. Đông Nam Á lục địa gồm: Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Tây Mã Lai.
2. Đông Nam Á quần đảo gồm: quần đảo Phi Luật Tân, quần đảo Indonesia, Đông Mã Lai, Singapore, Đông Timor, Brunei, Christmas Islands.
Tổng diện tích Đông Nam Á là 4,5 triệu km2 với 625 triệu dân.
Các quốc gia Đông Nam Á ngoại trừ Thái Lan là cựu thuộc địa của Anh, Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha. Quần đảo Phi Luật Tân, cựu thuộc địa của Tây Ban Nha, trở thành thuộc địa của Hoa Kỳ sau khi Tây Ban Nha bị Hoa Kỳ đánh bại trong chiến tranh Cuba năm 1898. Phi Luật Tân được độc lập vào năm 1946 nhưng vẫn giữ quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ.
Sau đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ đặt chân lên lục địa Đông Á trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) và Nam Việt Nam sau khi Việt Nam bị qua phân (1954) và trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1960 - 1975).
Năm 1954 SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á – Southeast Asia Treaty Organization) ra đời như một bức tường ngăn chặn làn sóng Cộng Sản đặc biệt là Cộng Sản Trung Quốc tràn xuống các nước Đông Nam Á sau khi Pháp bị đánh bại trong trận Điện Biên Phủ. Các quốc gia thành viên của SEATO là Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Pakistan. Khác với NATO (North Atlantic Treaty Organization – Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) SEATO là một liên minh lỏng lẻo vì không có quân đội. Năm 1956 Pháp rút quân ra khỏi Nam Việt Nam. Năm 1957 Anh trao trả độc lập cho Mã Lai sau khi Cộng Sản Mã Lai bị đánh dẹp. Pakistan là một thành viên bất đắc dĩ. Họ kình chống Ấn Độ và tỏ ra thân thiện với Trung Quốc. Vả lại Pakistan không phải là một quốc gia Đông Nam Á. Năm 1972 Pakistan chánh thức rời khỏi SEATO. Trong chiến tranh Việt Nam lần thứ hai Hoa Kỳ rất cô đơn. Anh và Pháp bàng quan trước cuộc chiến. Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan chỉ gởi quân tham chiến tượng trưng. Phi Luật Tân chỉ có đoàn Dân Sự Vụ chớ không có quân đội.
Trong hai thập niên từ 1950 đến 1970 Trung Quốc không mạnh về phương diện quân sự nhưng họ có nhiều ưu thế khác:
a. Đông Nam Á là nơi có nhiều kiều dân người Hoa sinh sống. Hoa kiều và Ấn kiều do người Anh mộ làm lao động ở Mã Lai, Singapore trong các hầm mỏ, đồn điền cao su. Hoa kiều có mặt khắp các quốc gia Đông Nam Á từ Phi Luật Tân đến Miến Điện và từ Việt Nam xuống Indonesia.
b. Kinh tế các nước Đông Nam Á phần lớn do người Hoa kiều nắm giữ. Họ là những thị dân, những thương gia và nhà kinh doanh thiên phú, những người lao động cần cù để cải thiện cuộc sống từ nghèo sang giàu, từ không học vấn đến con cái thành đạt về học vị và tiền bạc để có vai trò quan trọng trong chánh quyền các quốc gia nơi họ cư trú.
c. Các đảng Cộng Sản ở Đông Nam Á đều theo chủ nghĩa Mao (Maoism) kể cả đảng Cộng Sản Đông Dương mặc dù Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong đều được Liên Sô huấn luyện, đào tạo, có tên Nga và được xem là công dân Liên Sô. Thủ lãnh đảng Cộng Sản Mã Lai là Chen Ping, một người Hoa. Trên đảng kỳ của đảng Cộng Sản Phi Luật Tân có hình của Mao Zedong (Mao Trạch Đông). Dưới thời tổng thống Sukarno, Indonesia là quốc gia có số đảng viên Cộng Sản Maoist chỉ thua Trung Quốc mà thôi.
Hoa Kỳ không thành công trong việc ngăn chặn Cộng Sản miền Bắc chiếm lấy miền Nam Việt Nam năm 1975 nhưng trước đó 10 năm họ thành công trong việc phá vỡ đảng Cộng Sản lớn nhất Đông Nam Á: đảng Cộng Sản Indonesia.
SEATO có tên mà không có thực lực. Ngay khi tổ chức này còn hiện hữu các nước Indonesia, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore và Thái Lan ra tuyên cáo ở Bangkok để thành lập ra ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) ngày 08-07-1967. Từ năm 1984 đến 1999 ASEAN có thêm 05 hội viên căn cứ vào thứ tự năm gia nhập hội như sau: Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào (1997), Miến Điện (1997), Cambodia (1999). Việt Nam và Lào là hai quốc gia Cộng Sản trong ASEAN.
Sự rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Nam Việt Nam và sự sụp đổ của phần đất này tưởng chừng như các nước Đông Nam Á sắp bị xích hóa dưới Cờ Đỏ Búa Liềm của chủ nghĩa Marx - Lenin. Trái với sự suy đoán về sự sụp đổ của thuyết Domino, từ năm 1975 đến 1989 khối Cộng Sản Sô Viết và Cộng Sản Mao xung đột nhau dữ dội. Cộng Sản Việt Nam dựa vào Liên Sô xâm chiếm Cambodia bằng cách đánh bại Khmer Rouge theo chủ nghĩa Mao do Pol Pốt, một người Khmer mang dòng máu Hán tộc lãnh đạo. Năm 1979 chiến tranh giữa Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc bùng nổ ngoài biên giới Việt - Trung. Đến năm 1990, trước nguy cơ sụp đổ của Liên Sô, Nguyễn Văn Linh hướng dẫn phái đoàn Cộng Sản Việt Nam sang Chengdu (Thành Đô) xin tái hàng phục Trung Quốc cho đến ngày nay.
Sau khi rời khỏi Nam Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ còn căn cứ Subic Bay ở Phi Luật Tân. Đến năm 1992 Hoa Kỳ rời khỏi căn cứ này và chỉ thuê một ụ sửa tàu ở Singapore mà thôi. Hoa Kỳ không chú ý nhiều đến Đông Nam Á bằng Trung Đông và Âu Châu. Các nước Tây Phương nhất là Hoa Kỳ chú ý đến việc đầu tư ở Trung Quốc để được hưởng giá nhân công rẻ tiền. Bang giao với Trung Quốc, Hoa kỳ phải bỏ rơi Taiwan (Đài Loan) nhưng vẫn giao thương và thỉnh thoảng bán võ khí cho đảo này để tự vệ nếu bị Trung Quốc tấn công.
Sự vắng mặt của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam và Phi Luật Tân tạo điều kiện cho Trung Quốc phát huy ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Nhờ theo kinh tế thị trường, nhờ ngoại quốc đầu tư, Trung Quốc sớm trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới thay thế Nhật Bản và đe dọa sẽ vượt qua Hoa Kỳ trong thập niên sắp tới nếu vẫn giữ đà phát triển của thập niên 2000 - 2010. Sự phát triển kinh tế đi đôi với sự phát triển quân sự. Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới hơn hẳn Ấn Độ, một quốc gia có dân số tương đương với Trung Quốc nhưng bị Trung Quốc bỏ xa về nhiều mặt. Trung Quốc phát triển hải quân, hiện đại hóa quân đội bằng cách trang bị võ khí tối tân. Trung Quốc gây khiếp đảm cho các nước Đông Nam Á bằng cách tự nhận chủ quyền một vùng biển, đảo rộng 3 triệu km2 ở Biển Đông. Trước sự bành trướng của Trung Quốc các quốc gia trong vùng lo sợ. Người thì mua tàu chiến, tàu ngầm của Nga. Người thì mua phi cơ và hỏa tiễn của Nga. Người thì mua võ khí của Anh, của Pháp, tàu bè của Hòa Lan. Người thì mua súng của Do Thái. Sự đe dọa của con Rồng Đỏ Trung Quốc làm cho các nước sản xuất võ khí nhất là Nga có nhiều thân chủ. Nhưng các quốc gia mua tàu lặn, hỏa tiễn phi cơ không dám nói rõ họ mua những thứ đó để đánh ai? Vì Nga cũng bán những thứ đó cho Trung Quốc, quốc gia mà các nước Đông Nam Á e dè và lo sợ. Các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Taiwan, Brunei, Mã Lai đều tranh giành chủ quyền với nhau trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng nhưng chỉ có Phi Luật Tân đám lên tiếng thưa Trung Quốc. Việt Nam là nước có trên 90 triệu dân, nước Cộng Sản tự hào đánh tan hai đế quốc Tây Phương nhưng là nước khiếp sợ Trung Quốc hơn cả Brunei, Phi Luật Tân và Mã Lai!
Đường Lưỡi Bò và các đảo tại Biển Đông do TQ chiếm và đắp
Vô tình hay cố ý mà Hoa Kỳ có hai đường lối trái ngược ở Đông Á?
Ở Đông Bắc Á, một mặt Hoa Kỳ bang giao với Trung Quốc và không bang giao với Trung Hoa Dân Quốc tức chánh phủ Taiwan, mặt khác Hoa Kỳ vẫn có quân sĩ ở Đại Hàn và Okinawa và bán võ khí cho Taiwan. Bề ngoài có thể xem như Taiwan bị bỏ rơi. Nhưng nếu Trung Quốc dùng võ lực để chiếm lấy đảo này thì sẽ gặp ngay phản ứng của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hoa Kỳ và Nhật Bản đều muốn duy trì nguyên trạng nghĩa là Trung Quốc không gây chiến với Taiwan và Taiwan cũng đừng khiêu khích Trung Quốc bằng cách tuyên bố độc lập với một quốc hiệu riêng ít ra trong thời gian này.
Hoa Kỳ gần như không quan tâm đến Đông Nam Á: Miền Nam Việt Nam thất thủ (1975) và Hoa Kỳ rời khỏi căn cứ Subic Bay theo lời yêu cầu của nữ tổng thống Aquino (1992). Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam hàng loạt những cuộc biểu tình rầm rộ chống Mỹ diễn ra ở các thành phố lớn ở Miền Nam Việt Nam từ Huế vào Sài Gòn. Những khẩu hiệu US Go Home! được tìm thấy nhan nhản ở miền Nam Việt Nam và ở vài quốc gia Đông Nam Á. Cộng Sản Việt Nam ra sức đánh Mỹ cứu nước! Ở miền Nam thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa và ở Phi Luật Tân thời Marcos và hậu Marcos đều thấy những cuộc biểu tình chống Mỹ. Bây giờ trước sự hung hãn của Trung Quốc dân chúng các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á giữ sự im lặng vàng son. Nhiều người còn hy vọng viển vông rằng Hoa Kỳ sẽ đánh nhau với Trung Quốc để lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa trao lại cho Việt Nam. Đó là sự lạc quan trong trắng đáng thương hơn là dễ thương. Đừng quên rằng các tướng Công An ở Việt Nam được thăng chức và có vai trò quan trọng trong Bộ Chánh Trị (03 vị tướng Công An) và trong chánh phủ (Chủ tịch nước là đại tướng Công An) nhờ thẳng tay đàn áp những ai dám nhắc đến những chữ Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam!
Sau một thời gian gần như quên lãng Đông Nam Á, vấn đề xoay trục sang Á Châu Thái Bình Dương được tổng thống Barack Obama nêu ra năm 2008. Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh đến quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.
Hoa Kỳ được giới hạn bởi hai đại dương. Ở phía đông là Đại Tây Dương và phía tây có Thái Bình Dương.
Hướng về Đại Tây Dương tức là hướng về Âu Châu và Trung Đông tức hướng về các nước dân chủ Âu Châu Bạch Chủng và các giếng dầu Trung Đông và Do Thái. Ở Trung Đông Hoa Kỳ có hai loại đồng minh không ưa thích nhau. Đó là xứ Saudi Arabia Hồi Giáo giàu dầu hỏa nhất thế giới và xứ Do Thái, một ốc đảo dân chủ giữa đại mạc Ả Rập Hồi Giáo cừu dịch.
Hướng về Thái Bình Dương tức là hướng về Á Châu Thái Bình Dương.
Đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ là đảng có khuynh hướng tự do, cấp tiến. Đảng Dân Chủ đã phá vỡ chủ nghĩa cô lập của Hoa Kỳ khi tham gia đệ nhất thế chiến vào năm 1917 và đệ nhị thế chiến vào cuối năm 1941. Hoa Kỳ tham dự chiến tranh Triều Tiên năm 1950 dưới thời tổng thống Truman của đảng Dân Chủ, chiến tranh Việt Nam lần thứ hai dưới thời tổng thống Johnson (Dân Chủ). Hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq dưới thời tổng thống Bush II (CH) làm cho kinh tế Hoa Kỳ suy yếu nên trong 08 năm qua tổng thống Obama tìm cách rút quân ra khỏi Iraq và giảm quân ở Afghanistan để phục hưng kinh tế và tránh việc gia tăng nợ nần.
Tổng thống Obama có lý tưởng dân chủ và hòa bình của tổng thống Wilson (DC) và ước muốn phục hưng kinh tế và ổn định xã hội của tổng thống Franklin Delano Roosevelt (DC). Về đối ngoại ông chưa có những thành công sáng chói của tổng thống Roosevelt. Ông không chú trọng nhiều đến các biện pháp quân sự để đối đầu với Nga, Trung Quốc, Iran trong các vấn đề quốc tế như Syria, Crimea, Ukraine, việc xây đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Đối với khủng bố Hồi Giáo ông kiên nhẫn chờ đợi các nước Ả Rập Hồi Giáo, Liên Âu, Thổ Nhĩ Kỳ kể cả Nga từ từ thấm thía. Ông né tránh việc đưa quân can thiệp vào các vùng phức tạp như Trung Đông, Bắc Phi tức các quốc gia Hồi Giáo. Hoa Kỳ sẽ độc lập với các quốc gia Ả Rập sản xuất dầu hỏa để trở thành quốc gia sản xuất nhiều dầu hỏa nhất thế giới trong những năm sắp tới. Vấn đề an ninh vùng do các quốc gia trong vùng võ trang tự vệ hay khôn khéo tìm đồng minh giúp đỡ và bảo vệ. Kinh tế, tài chánh và giá dầu sụt giảm trở thành võ khí mà Hoa Kỳ dùng để đương đầu với Nga, Trung Quốc, Iran, làm giảm thái độ kênh kiệu của các quân vương dầu hỏa Vùng Vịnh Persian nhất là Saudi Arabia và các quốc gia chống đối Hoa Kỳ hùng hổ như Venezuela khi Hugo Chavez còn sống.
Tổng thống Obama xoay trục sang Á Châu. Hoa Kỳ tham dự các hội nghị thường niên của ASEAN như nhắc nhở với các quốc gia Đông Nam Á về sự trở lại của Hoa Kỳ như một sự cân bằng lực lượng quân sự với Trung Quốc trong vùng. Các quốc gia vừa mừng thầm vừa ngờ vực.
Singapore là quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có nhất trong Hiệp Hội ASEAN thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ là một điều tối cần thiết để đảm bảo an ninh các nước Đông Nam Á trước hiểm họa bành trướng của Trung Quốc.
Miến Điện say sưa trong giấc mơ quân phiệt.
Thái Lan bị ám ảnh bởi các cuộc đảo chánh triền miên từ năm 1932 đến giờ với đường lối nắng chiều nào nương theo chiều ấy. Thời chủ nghĩa đế quốc cực thịnh họ nương theo Anh, Pháp, nhìn theo gương canh tân và Tây phương hóa của Nhật để được độc lập. Trong đệ nhị thế chiến họ ngả theo Nhật. Thời hậu đệ nhị thế chiến họ ngả theo Hoa Kỳ. Sau khi Hoa Kỳ rời miền Nam Việt Nam họ hướng về Beijing (Bắc Kinh).
Mã Lai không tranh giành độc lập vẫn được Anh trao trả độc lập năm 1957, không võ trang chống Cộng Sản vẫn không mất vào tay Cộng Sản Mã mà thủ lãnh và đa số đảng viên đều là người Hoa. Mọi việc có người Anh lo liệu tốt đẹp. Sau khi độc lập còn được người Anh tặng cho Sarawak ở phía bắc đảo Borneo. 30% dân số Mã Lai gốc người Hoa. 75% dân thành phố Singapore là người Hoa. Singapore tách ra khỏi Mã Lai năm 1965 để trở thành xứ Singapore, một xứ nhỏ nhưng có lợi tức tính theo đầu người hàng năm trên 60.000 Mỹ Kim.
Indonesia lặn hụp giữa các khuynh hướng độc tài Sukarno, âm mưu cướp chánh quyền của Cộng Sản, độc tài quân phiệt (Suharto) và Hồi Giáo cực đoan.
Việt Nam đắm chìm trong khói lửa chiến tranh để bảo vệ hòa bình cho Liên Sô và Trung Quốc như lời tâng công của ông Lê Duẩn và sự tự hào của ông Nguyễn Minh Triết khi Việt Nam được gọi là Cuba Phương Đông với cảnh Cuba ngủ thì Việt Nam thức và ngược lại! Cộng Sản Việt Nam đinh ninh rằng họ chế ngự Cambodia và Lào. Bây giờ họ vỡ mộng. Lào nhận viện trợ của Trung Quốc để xây đập trên sông Mekong làm cho đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguồn nước ngọt để trở thành vùng đất vô sản xuất trong tương lai khi nguồn nước mặn lan dần vào nội địa. Cambodia tranh chấp biên giới với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và ngả theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
ASEAN rất rời rạc vì:
- có quá khứ xung đột lịch sử (Miến Điện - Thái Lan; Thái Lan - Cambodia; Thái Lan - Lào; Thái Lan - Việt Nam; Việt Nam - Lào; Việt Nam - Cambodia; Mã Lai - Indonesia);
- dị biệt văn hóa và tôn giáo (văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa; Ấn Giáo, Phật Giáo Tiểu Thừa, Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo Đại Thừa, Lão Giáo);
- dị biệt thể chế chánh trị (quân chủ, Cộng Hoà, Cộng Sản Việt Nam, Lào).
Các nước ASEAN đều là những nước đang mở mang. Kinh tế suy kém ngang nhau ngoại trừ Singapore. Nhưng Singapore là một đảo quốc rộng không quá 650 km2 với 06 triệu dân không thể xem là đại diện của ASEAN được.
Miến Điện từng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc suốt nửa thế kỷ qua. Khi Cambodia chủ trì hội nghị ASEAN họ cương quyết gạt bỏ vấn đề Biển Đông không cho vào nghị trình. Thực tế Hà Nội mừng thầm vì chính Hà Nội không muốn đề cập đến chuyện này vì sợ phật lòng Trung Quốc mặc dù bề ngoài cũng giả vờ nói đến chủ quyền trên các hải đảo trong Biển Đông. Indonesia, Miến Điện, Thái Lan im lặng vì cho rằng nước họ không nằm trên Biển Đông. Các nước tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa như Việt Nam, Brunei, Mã Lai còn im lặng thì trách chi Miến Điện, Thái Lan và Indonesia.
Giải thưởng Nobel Hòa Bình là sợi dây vô hình trói tay vị tổng thống Da Đen đầu tiên của Hoa Kỳ. Hoàn cảnh của tổng thống Obama và tổng thống Roosevelt thoạt mới nhìn có vẻ giống nhau. Thực tế khác nhau nhiều.
Tương đồng: Cả hai vị tổng thống lên cầm quyền để giải quyết khó khăn kinh tế. Tổng thống Roosevelt giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế 1929. Tổng thống Obama giải quyết sự suy thoái kinh tế và số nợ 15.000 tỷ Mỹ kim do tổng thống Bush II để lại.
Khác biệt: Tổng thống Roosevelt giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế khi Hoa Kỳ nằm trên đỉnh cao của sức mạnh kinh tế và quân sự và được vui hưởng thái bình. Tổng thống Obama đương đầu với sự suy thoái kinh tế khi Hoa Kỳ phải gánh vác hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ.
Sự nghiệp kinh tế - chánh trị của tổng thống Obama sau hai nhiệm kỳ là TPP (Trans Pacific Partnership - Đối Tác Thái Bình Dương) và sự quan tâm đến các nước Đông Nam Á. TPP gồm các nước có duyên hải trên bờ Thái Bình Dương. TPP không có Trung Quốc và Nga. Đó là một thỏa ước giao thương nhằm xóa bỏ quan thuế biểu giữa các quốc gia thành viên của TPP như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Mễ Tây Cơ, Peru, Chile, Việt Nam, Singapore, Mã Lai, Brunei, Úc và Tân Tây Lan (11 quốc gia thành viên không kể Hoa Kỳ). Hoa Kỳ chú trọng đến 10 quốc gia trong khối ASEAN bằng cách đặt một đặc sứ Hoa Kỳ bên cạnh ASEAN. Ngày 15 và 16-02-2016 có một phiên họp của các thành viên ASEAN tại Sunnylands, California theo lời mời của tổng thống Obama. TPP và phiên họp của ASEAN tại Sunnylands khẳng định quyết tâm xoay trục của Hoa Kỳ sang Á Châu. Sự chuyển trục của Hoa Kỳ sang Á Châu Thái Bình Dương được ngầm hiểu là một sự hạn chế sự đe dọa của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á khi tự nhận có chủ quyền không thể tranh cãi trên 3 triệu km2 Biển Đông và các hải đảo trên cái mà họ gọi là Lưỡi Bò Chín Đoạn và đắp đảo nhân tạo để thiết lập đường bay và căn cứ quân sự đe dọa an ninh các nước trong vùng kể cả Indonesia, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan ở Nam Bán Cầu. Nó không đơn thuần có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chánh trị và chiến lược khi vấn đề Biển Đông và việc xây đắp đảo trở thành một đề tài nóng bỏng. Hoa Kỳ thực sự muốn có ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Như đã thấy ASEAN có 10 quốc gia tổng cộng 4,5 triệu km2 với 625 triệu dân. GDP của ASEAN là 2,6 trillion Mỹ kim tức 2.600 tỷ. Đó là khu vực kinh tế đứng hàng thứ 7 trên thế giới chiếm 13% tổng sản lượng giao thương trên thế giới. Hoa Kỳ đầu tư 226 tỷ Mỹ kim ở các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN tiêu thụ 25% hàng xuất cảng của Hoa Kỳ. Có ít ra 500.000 công nhân Hoa Kỳ làm việc trong các công ty xuất cảng hàng Hoa Kỳ sang các nước Đông Nam Á này. Hoa Kỳ và Nhật sẽ rút nhiều vốn đầu tư ở Trung Quốc để đầu tư ở các nước trong khối ASEAN. Kinh tế và tiền tệ Trung Quốc đang trên đà xuống dốc. Trong vòng một năm qua có 1.000 tỷ (1 trillion) Mỹ kim trong quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chạy ra khỏi nước. Số tiền này bằng 25% tổng số dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Đồng yuan (đồng nguyên tức Nhân Dân Tệ) bất ổn định khiến các nhà đầu tư ngoại quốc lo sợ. Giá công nhân Trung Quốc không còn rẻ như 02 thập niên trước. Họ tự hào là công dân một đại cường quốc có 1,5 tỷ dân và đứng hạng nhì về phương diện kinh tế với một đạo quân võ trang hùng hậu và đông đảo nhất thế giới! Việt Nam, một thành viên TPP với 90 triệu dân, sẽ gánh chịu những khó khăn kinh tế và tài chánh mà Trung Quốc đang và sẽ trải qua bằng cách tiêu thụ hàng ế ẩm của Trung Quốc và đứng tên Việt Nam cho hàng Trung Quốc xuất cảng ra thị trường ngoại quốc. Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra vài món hàng xuất cảng của Việt Nam bị nghi ngờ là của Trung Quốc chớ không do Việt Nam sản xuất! Dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản và tài biện luận sắc bén của các nhà lý luận của đảng, Việt Nam ra tay anh hùng cứu thầy Trung Quốc bằng cách làm như trên nếu đó là sự thật. Nếu việc cứu thầy diễn ra lâu dài thì người ta không khen người học trò lý luận, triết lý Marx-Lenin lỗi lạc. Trái lại người ta khen ông thầy nhiều hơn vì thầy khéo đào tạo một người học trò nghèo, nhưng hiếu đễ không phải vì sự hiếu đễ thiên bẩm mà vì thiếu ánh sáng trí tuệ. Lời khen ông thầy vừa xong thì có lời phê phán ông thầy không lương thiện và tàn độc, không dạy cho trò cái khôn mà dạy sự ngu muội để nó hiếu đễ và nô dịch ngàn đời.
Hoa Kỳ cần thị trường và nhân công của vùng đất ven Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Sự hiện diện của hạm đội và oanh tạc cơ Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương nhằm đảm bảo an ninh trong vùng chống lại sự đe dọa và mọi hành vi càn dở của Trung Quốc. Khác với Trung Quốc, Hoa Kỳ không chiếm nước nào để sáp nhập vào nước họ. Trung Quốc cố sức phát triển hải quân theo gương Anh vào thế kỷ XIX để xây mộng đế quốc cổ điển. Hoa Kỳ thành công với Nhật Bản và Đại Hàn ở Đông Bắc Á. Đó là hai quốc gia có nền kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật cao. Sự thành công của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á chậm hơn. Đó là những quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, kinh tế chưa khả quan, xã hội bất công, giàu nghèo chênh lệch thái quá, trình độ dân trí còn khiêm tốn lại bảo thủ tư tưởng vì những ràng buộc tôn giáo và phong tục, tập quán cổ xưa.
Thuở ấu thời ông Obama sống ở Indonesia, quốc gia có số tín đồ Hồi Giáo cao nhất thế giới. Chắc chắn ông trải qua những kỷ niệm không mấy tốt đẹp ở nước này vì cái nhìn xa lạ của người kế phụ, người láng giềng và bạn học về một người có mẹ da trắng, cha da đen từ Hoa Kỳ đến sống ở Indonesia. Nhưng đó là kinh nghiệm quí giá của ông về vấn đề Á Châu và Hồi Giáo khi cậu bé Obama ngày nào đã trở thành tổng thống của một siêu cường quốc trên thế giới.
So với những người cực hữu của đảng Cộng Hoà, ông Obama đang hành xử theo tinh thần bài ngụ ngôn Phébus et Borée (Mặt Trời và Bắc Phong) của La Fontaine mà có thể ông chưa đọc qua nhưng đã nghe qua. Tính linh động khôn khéo giúp ông có những hành động tương tự như vậy. Nội dung bài ngụ ngôn đại cương như sau:
Có một người bộ hành mặc áo khoác. Thần Thái Dương và Thần Bắc Phong cá nhau làm cách nào cho người bộ hành cởi chiếc áo khoác.
Thần Bắc Phong cho gió nổi lên vừa mạnh vừa lạnh buốt xương. Người bộ hành bám chặt chiếc áo khoác của mình để khỏi bị gió cuốn đi.
Thái Dương Thần ra lịnh tăng nhiệt mặt trời. Trời oi bức khiến cho người bộ hành không thể nào tiếp tục mang chiếc áo khoác trên người được. Thái Dương Thần thắng cuộc.
Võ lực và bạo lực chưa hẳn là giải pháp tốt để giải quyết mọi vấn đề trên hành tinh này. Không thể đánh chết người mạnh và to lớn bằng sức lực. Nhưng nếu anh ta mất máu thì không ai đánh anh ta cũng tử vong. Kinh tế, tài chánh là máu huyết của một quốc gia. Kinh tế tài chánh suy sụp tựa như người thiếu máu huyết hay máu huyết bị nhiễm trùng nên dễ gần với Tử Thần vậy.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.