Phạm Đình Lân
Đông Á: Lò thuốc súng khổng lồ
Đông Á bao gồm các quốc gia ở cực đông Á Châu hướng ra Tây Thái Bình Dương. Đông Á bao gồm:
a. Đông Á lục địa: Nga, Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam
b. Đông Á quần đảo: Nhật Bản, Taiwan (Đài Loan), Phi Luật Tân.
Bán đảo Triều Tiên vẫn còn qua phân: Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) theo chế độ Cộng Sản. Đại Hàn (Nam Hàn – Nam Triều Tiên) có định chế chánh trị dân chủ vững chắc từ thập niên 1990. Hiện nay Bắc Hàn, Việt Nam, Phi Luật Tân là những quốc gia có nền kinh tế yếu kém. Bắc Hàn rơi vào tình trạng thiếu ăn trầm trọng nhưng nước này có trình độ khoa học kỹ thuật cao hơn Việt Nam và Phi Luật Tân. Nga và Trung Quốc là hai cường quốc nguyên tử và là hai cường quốc có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc. Bắc Hàn nuôi mộng nguyên tử trong vùng để đe dọa Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật. Bắc Hàn khoe làm bom khinh khí nhỏ và hỏa tiễn liên lục địa khả dĩ tàn phá Washington DC.
Trong quá khứ Đông Bắc Á là chiến trường giao tranh giữa Nhật - Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên (1894), Nga - Nhật (1904 ở Mãn Châu và 1905 trên eo biển Tsushima), sự thành lập Manchukuo (Mãn Châu Quốc - 1932), Nhật - Trung Hoa Quốc Dân Đảng (1937 - 1945). Sự phức tạp ở Đông Bắc Á hiện nay bao quanh các vấn đề:
a. tranh chấp Nhật-Nga về sự chiếm đóng của Nga trên quần đảo Kurils sau đệ nhị thế chiến. Trong những ngày gần đây Nhật lo ngại Nga thành lập một quân cảng trên quần đảo này.
b. tranh chấp chủ quyền giữa Nhật-Trung Quốc và Taiwan về chòm đảo đá không người ở Senkaku mà Trung Quốc gọi là Diaoyu (Điếu Ngư).
c. sự tự cô lập của Bắc Hàn đối với cộng đồng thế giới. Năm 1950 Bắc Hàn khởi động chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến tranh khốc liệt này đã được quốc tế hóa khi Trung Quốc đưa chí nguyện quân giúp Bắc Hàn và Hoa Kỳ chỉ huy quân Liên Hiệp Quốc đẩy lùi quân Cộng Sản Bắc Hàn và Trung Quốc về phía bắc vĩ tuyến 38. Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) là cuộc chiến tranh đẫm máu ở Đông Bắc Á sau đệ nhị thế chiến.
Ở Đông Nam Á Việt Nam là quốc gia Cộng Sản đầu tiên khi đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt. Ông Hồ Chí Minh là người được Liên Sô huấn luyện vào năm 1924 rồi tái huấn luyện vào năm 1934. Năm 1938, theo lịnh của Stalin, ông vượt biên giới Sô-Trung để đến chiến khu Yenan (Diên An) và nhờ Cộng Sản Trung Quốc giúp phương tiện đi về phía nam lập chiến khu dọc theo biên giới Việt-Trung để lôi cuốn sự chú ý của quân Nhật hướng về phương nam thay vì hướng về phía tây tấn công Liên Sô. Năm 1941 Stalin ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật vì bị Đức tấn công nhưng ông Hồ Chí Minh vẫn phải tuyên bố rằng Việt Minh vừa chống Pháp vừa chống Nhật (lúc bấy giờ chánh quyền Pháp ở Đông Dương thuộc chánh phủ Vichy thân phát xít Đức do thống chế Petain cầm đầu) nhằm hai mục đích:
1. giành chánh nghĩa đối với người Việt Nam
2. tranh thủ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ông không ngần ngại hợp tác với OSS, tiền thân của CIA sau này, dưới bí danh Lucius.
Ông Hồ Chí Minh luôn luôn trung thành với Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) và khiếp sợ Stalin nhưng ông vẫn bị Stalin bỏ rơi. Vì sao?
a. ông tôn sùng Lenin và gọi Lenin bằng cha, thầy, cố vấn vĩ đại để chứng tỏ ông là người Cộng Sản thuần thành xả thân cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản nhưng ông quên rằng Stalin là người nắm toàn quyền ở Liên Sô chớ không phải Lenin, một người bịnh sau khi bị ám sát năm 1918 cho đến ngày chết năm 1924. Ông Hồ Chí Minh cũng không hề biết Stalin không kính nể Lenin như ông tưởng!
b. Hồ Chí Minh tức Lin (theo tên Nga chớ không phải Lin là Lâm âm theo Hoa ngữ như vài nơi đã ghi) bị Maurice Thorez, lãnh tụ đảng Cộng Sản Pháp, tố cáo có tư tưởng Trotskyite. Ông suýt chết vì lời tố cáo độc hại này nếu không có sự đỡ đầu của Dimitrov, tổng bí thơ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản và cố vấn thân tín của Stalin lúc bấy giờ.
c. Stalin nghi ngờ Hồ Chí Minh (lúc ấy chưa mang bí danh này) hợp tác tình báo với Anh nên được Anh giúp đỡ bằng cách không dẫn độ về Việt Nam cho Pháp mà trục xuất về Liên Sô sau khi loan tin ông đã chết để đánh lạc hướng chánh quyền Pháp ở Đông Dương.
d. Anh và Pháp là hai quốc gia tư bản Tây Âu. Stalin vẫn theo truyền thống ngoại giao của Nga là lạnh với Anh và tương đối ấm với Pháp. Các hiệp ước Pháp - Liên Sô năm 1935 và 1944 cho thấy điều đó. Năm 1936 Stalin ủy nhiệm đảng Cộng Sản Pháp giám sát đảng Cộng Sản Đông Dương. Nên, năm 1945, Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, một quốc gia Cộng Sản đầu tiên ở Đông Nam Á, ông không được quốc gia nào trên thế giới công nhận kể cả Liên Sô!! Năm 1950 Stalin công nhận chánh phủ kháng chiến Hồ Chí Minh vì cạnh tranh ảnh hưởng với Mao Zedong (Mao Trạch Đông). Beijing (Bắc Kinh) công nhận chánh phủ Hồ Chí Minh sau khi nắm chánh quyền trên lục địa Trung Hoa được 03 tháng. Moscow chỉ công nhận chánh phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh sau khi lạnh lùng nhìn Việt Minh bị Pháp áp đảo gần 05 năm trên chiến trường Nam Bộ và Bắc Bộ. Từ năm 1945 đến 1975 suốt 30 năm liền Việt Nam có chiến tranh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam được biết dưới nhiều đảng danh khác nhau như: đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng Cộng Sản Đông Dương, đảng Lao Động Việt Nam. Việt Nam đã đánh bại hai đế quốc Tây Phương để canh giữ hòa bình cho Liên Sô và Trung Quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cambodia để được Liên Sô viện trợ 2 tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Tình hình Đông Á ngày nay căng thẳng hơn xưa với sự vươn lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Vào thế kỷ XIX Trung Quốc đặt dưới sự thống trị của nhà Mãn Thanh (Qing). Đến thập niên 1930 Trung Quốc vẫn còn là một quốc gia nông nghiệp nghèo khó; kỹ nghệ hầu như vắng bóng. Hiện nay Trung Quốc là cường quốc kinh tế hạng nhì và cường quốc quân sự hạng ba trên thế giới với tổng số dân 1,5 tỷ người. Trung Quốc có bom nguyên tử, bom khinh khí, có hàng không mẫu hạm, vệ tinh nhân tạo, kỹ nghệ sản xuất võ khí, phi cơ, xe tăng, tàu ngầm v.v… Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Sô ở miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 khi Việt Nam bị qua phân. Từ năm 1975 đến 1986 Lê Duẩn lãnh đạo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nghiêng hẳn theo Liên Sô. Chiến tranh giữa Trung Quốc và CHXHCNVN nổ bùng năm 1979 ngoài biên giới rồi ngoài khơi Trường Sa năm 1988. Trước khi Liên Sô sụp đổ Việt Nam phải hàng phục Trung Quốc và phải theo đúng Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng do Trung Quốc đưa ra để bám giữ quyền hành. Ảnh hưởng Trung Quốc trở nên tuyệt đối ở Việt Nam. Suốt 40 năm qua Việt Nam không có chiến tranh nhưng các tướng công an Việt Nam đều lên sao, vào Bộ Chánh Trị, làm Chủ Tịch nước nhờ mạnh tay đàn áp và bắt bớ những người Việt Nam nói đến Hoàng Sa và Trường Sa, có hành động hay ngôn từ chống Trung Quốc, đặt vòng hoa tưởng niệm bộ đội chết trong chiến tranh chống Trung Quốc ngoài biên giới năm 1979 và ngoài khơi Trường Sa năm 1988.
Sự chổi dậy của Trung Quốc giúp cho nước này phô bày mộng đế quốc cổ điển của họ. Mộng phục thù Nhật Bản và tái lập đế quốc thời Hán, Đường, Minh sống dậy trong tâm não các lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc. Việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, việc tự cho chủ quyền lịch sử trên 80% diện tích Biển Đông tức lối 3 triệu km2 biển, đảo làm cho các nước ASEAN thấp thỏm lo sợ. Nước nào cũng mua sắm phi cơ, tàu ngầm để tự vệ trước sự đe dọa quân sự của tàu chiến Trung Quốc. Thực tế không quốc gia ASEAN nào dám đề cập đến vấn đề Biển Đông. Việt Nam không dám nói đến tàu Trung Quốc đâm chìm các tàu đánh cá của ngư phủ Việt Nam cũng không dám thưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế như Phi Luật Tân. Nắm đũa ASEAN như bị bẻ gãy từng chiếc. Con đường bành trướng biển đảo của Trung Quốc ở Đông Nam Á có những bước khởi đầu nhung lụa. Trung Quốc đại thành công mà không tốn một viên đạn ở Việt Nam, một quốc gia Cộng Sản có trên 90 triệu dân. Tàu bè và phi cơ Trung Quốc không ngần ngại gây hấn Nhật Bản gần quần đảo Okinawa và Senkaku. Việc gây hấn với Nhật nhằm mục đích:
1. Thăm dò phản ứng và sức mạnh của Hải, Không Quân Nhật.
2. Kích thích lòng tự hào Hán tộc trước quốc gia nhỏ bé đã đánh bại Trung Quốc hai lần (1894, 1937) và chi phối chánh trường Trung Quốc trước và sau đệ nhất thế chiến
3. Thăm dò sự cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với Nhật
4. Cho các nước Đông Nam Á thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc để sớm hàng phục theo gương Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm.
Xi Jinping (Tập Cận Bình) là người có tham vọng làm đại lãnh tụ để được tôn sùng như Mao Zedong. Hơn cả Mao, Xi Jinping muốn dùng hệ thống tuyên truyền của đảng suy tôn ông và vợ ông (Cha Xi <Tập>, Mẹ Peng <Bành>). Giống như Mao Zedong ông Xi Jinping rất hiếu chiến và sẵn sàng triệt hạ uy tín của các bậc tiền bối, những đồng chí đồng đảng với ông. Mao dùng Cách Mạng Văn Hóa và Vệ Binh Đỏ diệt Liu Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ) vì thay thế ông trong chức Chủ Tịch Nhà Nước sau sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt, thống chế Peng Dehuai (Bành Đức Hoài) vì dám chỉ trích ông xa hoa và để cho con trai ông chết trên chiến trường Triều Tiên năm 1950 v.v… Xi Jinping dùng chiến dịch chống tham nhũng ngụy trang để bẻ gãy phe cánh cạnh tranh quyền lực với ông và hạ nhục hai vị lãnh đạo trước ông là Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), những người tiếp nối sự nghiệp của Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình). Tiêu chuẩn thẩm định sự trong sạch của các viên chức Cộng Sản rất mù mờ kniến người ta hoài nghi hiệu năng của chánh sách bài trừ tham nhũng của Xi Jinping. Chủ tịch Mao thẳng thắn xem các viên chức Cộng Sản tham nhũng như cá sống nhờ nước hay nước trong cá ốm vì thiếu vi sinh vật. Thực chất chiến dịch chống tham nhũng của Xi Jinping chỉ là sự thanh trừng nội bộ không hơn không kém. Đó là một dạng Cách Mạng Văn Hóa mà Mao đã dùng để diệt trừ các đồng chí mà ông ghét hay khả dĩ thay thế ông.
Muốn củng cố địa vị phải nhờ quân đội và dư luận quần chúng. Muốn như vậy ông phải có lập trường hiếu chiến và ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế cho ra vẻ Thiên Triều thời đại. Trong 03 năm cầm quyền Xi Jinping được báo chí các nước Tây Phương thổi phồng. Ông thấy các nước Tây Phương đang lùi bước trước ông. Anh và Hoa Kỳ đều trải thảm đỏ và bắn súng đồng tiếp đón ông và vợ ông. Trung Quốc xây đảo nhân tạo, lập đường bay và đặt giàn hỏa tiễn trên các đảo nhân tạo mặc dù Xi Jinping hứa với tổng thống Hoa Kỳ không quân sự hóa các đảo tân tạo (tháng 09 năm 2015). Trung Quốc chẳng những thao túng trên Biển Đông còn cho hàng trăm chiếc tàu lai vãng ngoài khơi bờ biển Mã Lai. Tàu đánh cá Trung Quốc bắt đầu vi phạm ngư trường của Indonesia, quốc gia có thái độ im lặng về vấn đề Biển Đông từ trước đến nay. Tàu chiến Trung Quốc lai vãng ngoài khơi Alaska. Gần đây tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Argentina. Tuần duyên Argentina cảnh cáo. Tàu Trung Quốc dùng chiến thuật đã dùng với Nhật Bản gần đảo Senkaku năm 2012 bằng cách đâm vào tàu Argentina và bị tuần duyên nước này bắn chìm.
Không ai ngăn cản Trung Quốc vươn lên trong hòa bình và cộng đồng sinh tồn với cộng đồng thế giới. Nhưng không ai ưa thích thái độ cao ngạo, gây hấn, đe dọa hòa bình và xem thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Từ một quốc gia nhận lãnh sự trợ giúp quốc tế vì chậm tiến, Trung Quốc sớm đánh mất cảm tình của cộng đồng thế giới. Ngay cả du khách Trung Quốc cũng không được cộng đồng thế giới yêu vì.
Ông Xi Jinping có thể nhầm vì quen tự xem mình là trượng phu nam tử Hán, người của trung tâm địa cầu. Các dân tộc còn lại là man di, mọi rợ. Nào là Rợ Hồ. Nào là Đông Tà (Nhật). Nào là Nam Di. Nào là Bạch Quỉ. Nào là hoàng đế chó Thanh (Qing). Nào là Cẩu Tập Chủng (ám chỉ Hoa Kỳ). Nào là Âu Dương Tây Độc v.v… Có lẽ ông nhầm tưởng Hoa Kỳ đã suy yếu vì có tổng thống Da Đen? Ông nghĩ rằng Nhật suy yếu vì gần 70 năm qua không được quyền có quân đội và kỹ nghệ quốc phòng; dân số Nhật không gia tăng trong khi tỷ lệ người già lên cao? Nhật mới tăng ngân sách quốc phòng 1% mà ông đã phải lên tiếng báo động. Hoa Kỳ không cần viết báo, không phát loa phóng thanh để tốn một lời chỉ trích Trung Quốc mà khắp thế giới khiếp sợ văn minh Trung Quốc qua sự ngạo nghễ của các lãnh tụ Cộng Sản ở Beijing (Bắc Kinh) và qua các du khách người Hán, những người giàu có, có thế lực và thuộc thành phần ưu tú quốc gia khi đến Kim Tự Tháp Ai Cập, điện Versailles, Musée de Louvres, khu Ginza, Tokyo, Bangkok khi vào ăn Buffet v.v… Ngay cả người Hoa ở Hong Kong cũng ngao ngán du khách lục địa mua hàng hóa theo lối vơ vét và dùng ngôn từ thô lỗ với người Hong Kong khi nghe những người này nói tiếng Quảng Đông (Cantonese).
Nhật không có kỹ nghệ quốc phòng trên nửa thế kỷ qua nhưng ở Á Châu Nhật là quốc gia duy nhất có truyền thống kỹ nghệ lâu đời. Nhật phục hồi kinh tế bằng sự phát triển kỹ nghệ thời bình sau 15 năm bại trận để trở thành một quốc gia có nền kinh tế cao hơn cộng đồng kinh tế Âu Châu cộng lại. Nhật thực sự ngao ngán chiến tranh mặc dù họ đã tung hoành ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong đệ nhị thế chiến. Chính nền kinh tế thời bình đã giúp cho Nhật phú túc hơn nền kinh tế của chính họ thời tiền chiến. Bây giờ trước sự đe dọa của Trung Quốc và trước thái độ ỡm ờ của Hoa Kỳ họ phải gia tăng ngân sách quốc phòng, gia tăng việc đóng tàu, hàng không mẫu hạm chở trực thăng, phi cơ chiến đấu để tự vệ. Quốc hội Nhật đã bỏ phiếu cho phép quân đội Nhật chiến đấu ngoài quần đảo Nhật khi một quốc gia đồng minh của Nhật bị một đệ tam quốc gia tấn công. Ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, cho rằng Hoa Kỳ không thể làm cảnh sát quốc tế mãi mãi mà nên để Nhật và Nam Hàn sản xuất bom nguyên tử để tự vệ. Không nên xem thường ý kiến này vẫn biết rằng nó có vẻ trắng trợn, sỗ sàng và xuất hiện quá sớm. Việc sản xuất bom nguyên tử đối với Nhật hay Nam Hàn không có gi khó khăn cả. Nếu Nhật và Nam Hàn có bom nguyên tử thì Đông Bắc Á có 05 quốc gia nguyên tử không kể Hoa Kỳ, quốc gia ngoài Á Châu nhưng có hàng chục ngàn quân ở Nam Hàn và Okinawa: Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn, Nhật, Nam Hàn?
Lò thuốc súng Đông Á có thể bùng nổ:
1. Do trò đùa dai của Bắc Hàn: Bắc Hàn càng thí nghiệm bom nguyên tử, hỏa tiễn thì Hoa Kỳ càng có duyên cớ đưa võ khí vào Nam Hàn để bảo vệ 28.000 quân sĩ Hoa Kỳ và Nam Hàn. Võ khí này nằm sát Bắc Hàn lẫn Trung Quốc. Nếu Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, chiến tranh bùng nổ. Các quốc gia lâm chiến gồm Trung Quốc và Bắc Hàn một bên và Hoa Kỳ Nam Hàn Nhật một bên khác. Nga ngồi chờ kết quả để dây máu ăn phần chớ không tham chiến vì trọng tâm sức mạnh của Nga nằm ở phía tây dãy Urals. Phía đông dãy Urals là Tây Bá Lợi Á rộng mênh mông nhưng thưa dân và băng giá. Nga không có lợi gì khi tham chiến. Đường lối này Stalin đã vạch ra trong đệ nhị thế chiến bằng cách ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật năm 1941. Đến khi Hoa Kỳ kết thúc chiến tranh bằng hai trái bom nguyên tử thì Liên Sô tuyên chiến với Nhật và xua quân chiếm quần đảo Kurils đến nay vẫn còn tranh chấp. Stalin rất dè dặt, lo sợ Nhật giáng một đòn chí tử như đã xảy ra năm 1905 thì chế độ Cộng Sản do ông lãnh đạo sụp đổ ngay. Putin là người ngưỡng mộ Stalin vì hân hạnh có ông nội nấu bếp cho Lenin và Stalin. Có lẽ ông Putin duy trì đường lối dè dặt của Stalin.
2. Do sự tấn công của Trung Quốc vào Taiwan để ép buộc nữ tổng thống của đảng Dân Chủ Tiến Bộ Tsai Yingwen (Thái Anh Vân) phải công nhận nguyên tắc Trung Quốc một nước. Quốc Dân Đảng (Kuomintang – Guomindang) thân Trung Quốc 85%, thân Hoa Kỳ 15%. Đảng Dân Chủ Tiến Bộ thân Nhật 50% và thân Hoa Kỳ 50%. Đảng chỉ muốn giao thương với lục địa chớ không muốn xem lục địa là anh em một nhà. Trong trường hợp Taiwan bị tấn công nghĩa là Trung Quốc thống nhất Taiwan bằng bạo lực, chắc chắn Nhật sẽ can thiệp như thể Taiwan là đồng minh của họ vậy.
3. Do một cuộc nổ súng nào trong hải phận hay trên không phận các đảo nhân tạo trong Biển Đông giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ, hay Trung Quốc - Nhật Bản hay một cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Phi Luật Tân.
Lửa chiến tranh bốc cháy ở một vùng sẽ lan rộng nhanh chóng sang hai vùng kia. Toàn Đông Á sẽ ngập tràn khỏi lửa đao binh.
Nhật Bản sẽ có vai trò quân sự quan trọng ở Đông Á. Bề ngoài Nhật có vẻ khiêm tốn và thầm lặng. Bên trong họ chuẩn bị đầy đủ để đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Có thể Nhật bị tấn công. Có thể đồng minh (Taiwan, Phi Luật Tân) của họ bị tấn công. Chắc chắn Nhật Bản chuẩn bị cuộc chiến tranh tự vệ đầy đủ nên họ mới dám nghĩ đến việc đưa quân can thiệp giúp cho nước đồng minh bị một quốc gia nào đó tấn công. Trong vài ngày qua Nhật thiết lập đài ra-đa trên đảo Yonaguni trong quần đảo Okinawa. Đảo Yonaguni rộng 30 km2 có 1.500 dân sống bằng nghề trồng mía và chăn nuôi bò. Nơi thiết lập đài ra-đa cách chòm đảo Senkaku 150 km về phía nam.
Trung Quốc có vẻ ồn ào hơn. Báo chí, các tướng lãnh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc lúc nào cũng có luận điệu hùng hổ và ngụy biện. Xi Jinping trong tư thế phải gây hấn để tự cứu mình. Trước kia Mao Zedong xem thường các bậc tiền bối như Chen Duxiu (Trần Độc Tứ), Li Dazhao (Lý Đại Triều), những đầu tàu trong Phong Trào Ngũ Tứ năm 1919 và sáng lập ra đảng Cộng Sản Trung Hoa. Li Da Zhao là cấp trên của Mao Zedong tại Đại Học Bắc Kinh và là người hướng dẫn chủ nghĩa Cộng Sản nhập môn cho Mao. Ngày nay Xi Jinping có vẻ bất kính với Deng Xiaoping, Jiang Zemin, Hu Jintao mặc dù ông là người thừa hưởng kết quả của chương trình Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping. Mao Zedong và Xi Jinping không có tầm nhìn xa và sự hiểu biết sâu rộng về các nước Tây Phương như Zhou Enlai (Châu Ân Lai) và Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) vì hai ông này từng học ở Pháp.
Sau 03 năm cầm quyền của Xi Jinping kinh tế Trung Quốc suy giảm. Thị trường chứng khoán rơi vào khủng hoảng. Hàng ngàn tỷ Mỹ kim (lối 25% trữ lượng ngoại tệ) rời khỏi Trung Quốc trong vòng một năm. Các nhà đầu tư ngoại quốc không còn hứng thú đầu tư ở Trung Quốc. Gia đình các đảng viên cao cấp Cộng Sản chuyển tiền sang Hong Kong, Âu Châu, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và tìm cách đưa con cái của họ ra khỏi lục địa. Hành động của họ như muốn nói lên rằng họ thụ hưởng giấc mơ Trung Quốc ở phương Tây. Ngay cả con gái của Xi Jinping cũng sống và học ở Hoa Kỳ. Nhiều sinh hoạt kinh tế, tài chánh tê liệt (sắt thép, than đá, địa ốc, ngân hàng). Hàng triệu công nhân các hầm mỏ, kỹ nghệ sắt thép bị mất việc. Nhiều công nhân ở nông thôn ra thành phố tìm công việc làm với hy vọng kiếm được nhiều tiền để nuôi gia đình ở nông thôn, đã trở về quê cũ với tay trắng vì không có công việc toàn thì, lương bổng kém lại phải thuê chỗ ở cao ngoài thành phố và bây giờ không còn việc làm nữa. Syria có nhiều thành phố bị tàn phá vì nội chiến, dân chúng bỏ đi nơi khác. Trung Quốc không có chiến tranh. Không thành phố nào ở Trung Quốc bị bom đạn tàn phá. Trái lại Trung Quốc có nhiều thành phố ma tân lập với gần 65 triệu cư xá lầu bỏ hoang không người mua và ở. Kết quả cụ thể của việc bài trừ tham nhũng không rõ rệt cũng không giải quyết được những khó khăn xã hội và kinh tế. Thỉnh thoảng có nhà máy bị nổ; hầm mỏ than sụp; người bán sách ở Hong Kong bị bắt vì phổ biến sách cấm nói Xi Jinping có từ 06 đến 08 thê thiếp như đã có sách nói ông Zhou Enlai là người đồng tính luyến ái; ký giả bị bắt cóc từ Thái Lan đưa về lục địa mặc cho chánh phủ Thái Lan phiền hà; thân nhân những người viết kiến nghị đòi Xi Jinping từ chức bị cầm tù; ký giả Yu Shaolei (Dư Thiếu Lôi) của Nam Phương Đô Thị Nhật Báo từ chức vì không còn muốn quì gối trước đảng nữa v.v… Lâu lâu báo đảng lại in nhầm từ ngữ như thế nào mà người đọc tin hiểu rằng chủ tịch Xi Jinping từ chức và người phụ trách bị trừng phạt theo kỷ luật đảng. Những chi tiết lặt vặt như trên thực sự rất quan trọng trong một nước Cộng Sản độc tài. Chúng nói lên sự chống đối tiềm tàng trong nội bộ đảng giữa phe Xi Jinping và phe của các lãnh tụ tiền nhiệm từ Mao Zedong, Deng Xiaoping, Jiang Zemin đến Hu Jintao rất gay gắt. Trong kiến nghị đòi Xi Jinping từ chức có đề cập đến sự an toàn của ông khiến cho người xem có cảm giác có âm mưu đảo chánh Xi Jinping trên lục địa. Tân Cương và Tây Tạng là những cơn sóng ngầm. ISIS xâm nhập vào Tân Cương dễ dàng từ Afghanistan để biến vùng này thành vùng huấn luyện khủng bố Hồi Giáo ở phương đông.
Trong hoàn cảnh trên Xi Jinping để cho lò thuốc súng nổ để cả nước hướng về chiến tranh hầu quên đi những khó khăn xã hội, kinh tế, chánh trị trước mắt không cần biết hậu quả cuộc chiến sẽ đi về đâu. Cũng có thể ông trở thành diều hâu do sự thúc đẩy của các tướng lãnh chỉ huy quân đội ủng hộ ông. Chiến tranh Đông Á vào thế kỷ XXI sẽ do Trung Quốc khởi động.
Nếu thành công Xi Jinping là hoàng đế thống trị từ Nhật Bản, Triều Tiên xuống tận Indonesia. Hy vọng thành công dựa vào 1,5 tỷ dân; số lượng phi cơ, tàu chiến, hỏa tiễn do Trung Quốc mua của Nga hay tự sản xuất với một quân đội đông đảo nhất hoàn cầu (2,5 triệu người).
Nếu thất bại thì bản đồ và thể chế chánh trị Trung Quốc có chút thay đổi. Lưỡi Bò Chín Đoạn đương nhiên bị cắt bỏ. Các nước tranh chấp hải đảo có mặt trong phe đồng minh thắng trận được nhận chủ quyền trên những đảo gần nước họ. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thần phục Trung Quốc và trung kiên với lập trường Ba Không sẽ không được gì cả. Hoàng Sa, Trường Sa gần Việt Nam sẽ được quốc tế hóa v.v… Chế độ Cộng Sản cáo chung ở Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam sau cuộc Đông Á Đại Chiến này.
Tại sao có thể thất bại được?
1. Một đạo quân thiện chiến không chỉ là một đạo quân đông người mà còn là một đạo quân có tinh thần kỷ luật cao và tinh thần chiến đấu dũng cảm. Hồng quân của ông Mao thành công vì đông đảo quần chúng nghèo chán ghét xã hội bất công, thối nát do thống chế Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) đại diện. Họ không được huấn luyện quân sự đầy đủ nhưng tinh thần chiến đấu của họ cao. Họ hăng say vì họ phải đấu tranh lật đổ chế độ bất công và thối nát với hy vọng cải thiện cuộc đời của họ. Từ 30 năm nay dân lục địa được no đủ nhờ có chế độ lai căng giữa Cộng Sản và Tư Bản. Sự hưởng thụ cuộc sống vật chất nhờ chuyển sang kinh tế thị trường làm cho họ quí sự sống hơn là xem thường nó như lúc nghèo đói. Chế độ một con trên lục địa Trung Hoa làm cho các thanh niên được gia đình nuông chiều như con cầu, con khẩn để nối dõi tông đường. Những thanh niên như vậy khó trở thành những chiến sĩ gan dạ, hào hùng được. Đạo quân thuần là những đứa con cầu tự sẽ khó lập chiến công nhất là trong một cuộc chiến tranh xâm lăng, ngang ngược và chà đạp luật pháp, công lý quốc tế và lương tri loài người. Tinh thần của họ giao động và suy sụp nhanh chóng khi bị dư luận thế giới lên án và phỉ nhổ.
2. Trung Quốc có nhiều tàu và phi cơ nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm về không chiến và hải chiến. Họ chưa đóng được hàng không mẫu hạm nên phải mua hàng không mẫu hạm cũ của Ukraine về sơn phết và trí súng. Từ việc biết đóng hàng không mẫu hạm đến việc xử dụng nó nhuần nhuyễn phải mất một thời gian khá dài. Trên lãnh vực này Trung Quốc còn đi sau Ấn Độ thì liệu họ có thừa sức đè bẹp Nhật hay Hoa Kỳ bằng Hải Quân và Không Quân của họ không?
3. Nếu Trung Quốc khởi động chiến tranh họ là kẻ xâm lăng. Họ sẽ rơi vào cảnh cọp lẻ không đương cự nổi cáo bầy đừng nói chi đến sư tử, beo, chó sói v.v…
Có những căn bịnh không chữa được bằng thuốc Đông Y hay Tây Y nên cần phải giải phẫu. Cuộc giải phẫu nào cũng có máu, đau đớn và rủi ro. Nhưng đó là phương cách cứu người bịnh cuối cùng của các bác sĩ. Hy vọng bịnh Đông Á có cách chữa trị mới êm dịu và kiến hiệu hơn là giải phẫu. Hy vọng không mất tiền sao không hy vọng?
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.