Phạm Đình Lân


Donald Trump: Tổng Thống Hoa Kỳ

 

Ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử ngày 08-11-2016. Sự thắng cử của ông làm cho dư luận Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới ngạc nhiên ngỡ ngàng. Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đánh dấu một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử bầu cử ở Hoa Kỳ với những nét đặc thù sau đây:

1. Hoa Kỳ là một quốc gia tư bản chủ nghĩa hàng đầu trên thế giới. Nhưng đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ có một tỷ phú được bầu làm tổng thống.

2. Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ nhưng đó là quốc gia có nền dân chủ lâu đời trên thế giới. Cách đầu phiếu của người Mỹ rất khó đoán. Đại cương họ thích người trẻ, đẹp, giàu có, có tư tưởng tiến bộ và mới lạ. Nhìn chung họ luôn luôn muốn có sự thay đổi, sự đổi mới không ngừng. Năm 1960 ông Kennedy, một nghị sĩ trẻ xuất thân từ một gia đình giàu có đã đánh bại ông Nixon, người có nhiều kinh nghiệm chánh trị sau 08 năm làm phó tổng thống cho tổng thống Eisenhower (CH). Năm 1992 ông Bill Clinton, một thống đốc trẻ ở Arkansas đã đánh bại đương kim tổng thống Bush I, cựu giám đốc CIA, đại diện Hoa Kỳ ở Trung Quốc, 08 năm phó tổng thống, 04 năm tổng thống, chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Đông Âu (1989) và Liên Sô (1991) và chiến thắng của Hoa Kỳ và đồng minh trước quân xâm lăng Iraq ở Kuwait (1991). Năm 2000 ông Bush II, một thống đốc Texas chưa hết 02 nhiệm kỳ, đã đánh bại ông Al Gore với 08 năm làm phó tổng thống. Năm 2008 ông Barack Obama, một nghị sĩ nửa nhiệm kỳ, đã trở thành tổng thống Da Đen đầu tiên của Hoa Kỳ sau khi thắng nghị sĩ Mc Cain, người được xem là người hùng trong hỏa ngục Cộng Sản trong chiến tranh Việt Nam II. Năm 2016 ông Donald Trump, một nhà tỷ phú làm giàu trong ngành địa ốc và khai thác đồ trường và hoàn toàn không có kinh nghiệm chánh trị đối nội lẫn đối ngoại, đã đánh bại bà Hillary Clinton, người có nhiều kinh nghiệm hành pháp, lập pháp, ngoại giao và các hoạt động trên lãnh vực luật học, y tế, giáo dục.

3. Ông Donald Trump là ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ ra tranh cử không được ngay cả đảng Cộng Hòa mà ông đại diện ủng hộ. Những người sớm ủng hộ ông là bà Sarah Palin; nghị sĩ Alabama, Session; thống đốc New Jersey, Christie; cựu thị trưởng New York, Guliani, cựu chủ tịch Hạ Viện, Newt Gingrich v.v… Trong khi hai tổng thống Bush I, Bush II, ứng cử viên tổng thống Romney, cựu ngoại trưởng Collin Powell, Rice (nữ ngoại trưởng) và nhiều nhân vật cao cấp của đảng Cộng Hòa không có thiện cảm với ông. Ông Trump đả phá mọi người từ tổng thống Bush đến nghị sĩ Mc Cain, tổng thống Obama, thân nhân gia đình tử sĩ, các tướng lãnh, đến các nhà truyền thông, ký giả báo chí, nhưng ông ngưỡng mộ tổng thống Putin của Nga và các nhà độc tài khác từ Qadafi của Libya, Saddam Hussein của Iraq, Assad của Syria v.v… Ông bị xem là kỳ thị phụ nữ, chống nhập cư người Latino, chống việc thu nhận người Hồi Giáo từ Syria đến. Ông vẫn đắc cử với tư cách người đấu tranh cho người Da Trắng lao động. Nhà tỷ phú đại diện cho giới công nhân lao động!

Putin không ngớt lời khen ông Trump. Báo chí Nga vận động cho ông thậm chí còn đe dọa cử tri Hoa Kỳ sẽ có chiến tranh nguyên tử nếu không bầu cho ông Trump. Đây là lần đầu tiên một cường quốc quân sự từng là đối tượng đối nghịch của Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh (1949 - 1991) trực tiếp can thiệp vào bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Nga tặc tin mật của đảng Dân Chủ đưa cho Assange tỵ nạn trong tòa đại sứ Ecuador ở London để ông Trump dùng để tấn công đối thủ của ông là bà Hillary Clinton. Snowden sống ở Nga chắc chắn giúp ích rất nhiều cho quốc gia chứa chấp ông ta để giúp cho ông Trump thắng cử. Tin Wikileaks cuối cùng được phổ biến vào ngày bầu cử là tin Chelsea, con gái của tổng thống Bill Clinton dùng tiền của Clinton Foundation để trang trải chi phí đám cưới!! Gần đến ngày bầu cử bà Hillary Clinton như con chim bị trúng hai mũi tên từ trong bắn ra và từ ngoài bắn vào. Mũi tên bên trong do ông Comey, giám đốc FBI, bắn ra ngày 28-10, và mũi tên độc của Wikileaks do Nga cung cấp từ ngoài bắn vào. Putin là người thành công với sự đắc cử của ông Trump.

Sự đắc cử của ông Trump làm cho các cơ quan thăm dò dư luận ngỡ ngàng và làm đảo lộn qui luật về sự dồi dào tài chánh qui định kết quả cuộc bầu cử. Người ta ví cuộc thăm dò dư luận năm 2016 với cuộc thăm dò dư luận sai vào năm 1948 giữa Truman và Dewey. Lúc ấy người ta cho rằng Thomas Dewey (CH) thắng Harry Truman (DC). Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược lại. Truman là nghị sĩ Liên Bang (1935-1945) và phó tổng thống của Franklin D. Roosevelt. Tháng 04-1945 tổng thống Roosevelt mất khi mới nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ tư không đầy ba tháng. Ông Truman hành sử chức vụ tổng thống cho đến cuộc bầu cử năm 1948. Thomas Dewey là thống đốc tiểu bang New York (1943- 1955). Năm 1944 rồi 1948 ông được đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử đối đầu với Franklin D. Roosevelt rồi Harry Truman của đảng Dân Chủ. Ông thất cử cả hai lần. Ông Trump giàu hơn ông Dewey nhưng ông Dewey có kinh nghiệm hành chánh và chánh trị nhiều hơn ông Trump. Đó là chút khác biệt giữa cuộc bầu cử năm 1948 và 2016 giữa Hillary Clinton và Donald Trump.

Người sốt sắng chia mừng thắng lợi của ông Trump là Putin trong khi NATO, Liên Âu, Nhật Bản, Đại Hàn, Taiwan (Đài Loan) có vẻ lo âu. Nếu Hoa Kỳ lạnh nhạt với NATO và Liên Âu thì Nga là nước hưởng lợi nhiều nhất. Crimea đã sáp nhập vào Liên Bang Nga, Ukraine đang rối ren vì sự vùng dậy của người Nga hay nói tiếng Nga ở đông bộ Ukraine. Ba tiểu quốc vùng Baltic có 27% người gốc Nga cư trú sẽ có số phận hẩm hiu mặc dù các nước này là thành viên của NATO. Sau khi hay tin ông Trump đắc cử giới chánh trị Moscow loan truyền tin sẽ có Thế Chiến Thứ Ba. Do Nga khai hỏa ở Âu Châu nhắm vào Ba Lan? Lithuania? Latvia? Estonia? Hỏa tiễn của Nga đã được bố trí ở Kaliningrad gần biên giới Ba Lan - Lithuania trên biển Baltic.

Nếu ông Trump thi hành đường lối mà ông vạch ra cho Á Châu khi tranh cử thì đường lối này có lợi cho Xi Jinping (Tập Cận Bình) rất nhiều. Chủ nghĩa tự cô lập (isolationism) và bảo vệ mậu dịch (protectionism) e không thích hợp với xu thế thời đại và sự phát triển không ngừng nghỉ của Hoa Kỳ trên mọi lãnh vực. Đó là cách kích thích tham vọng của Nga và Trung Hoa trên hai lục địa Á, Âu và chứng minh cho các nước hăng say gọi Hoa Kỳ là đế quốc thấy ích lợi của quốc gia mà họ từng gọi là ‘sen đầm thế giới".

Ông Donald Trump đã đắc cử. Đảng Cộng Hòa vẫn chiếm đa số ở Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện tương lai sẽ do tổng thống Trump đề cử. Đảng Cộng Hòa nắm ưu thế 5 - 4 so với đảng Dân Chủ tại Tối Cao Pháp Viện. Như vậy đảng Cộng Hòa nắm HÀNH PHÁP, LẬP PHÁP và TƯ PHÁP. Đó là cơ hội thuận lợi để ông Trump hoàn thành những lời hứa của mình khi ra tranh cử:

a. xây bức tường thành dọc theo biên giới Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ dài 3.000 km để ngăn ngừa sự nhập cư bất hợp pháp của người Latino. Kinh phí xây bức tường có thể lên đến hàng trăm tỷ Mỹ Kim. Mễ Tây Cơ trả kinh phí để xây bức tường này? - Dĩ nhiên, không phải. Hoa Kỳ có ngân sách thặng dư để xây bức tường này không?  - Câu hỏi tự nhiên có câu trả lời phủ định.

b. bãi bỏ Obamacare. Khi đắc cử ông Trump lại thấy vấn đề khác với điều ông nói khi ra tranh cử.

c. cưỡng bách hồi hương 13 triệu người Latinos nhập cư bất hợp pháp.

d. không nhận người ty nạn Hồi Giáo Syria.

e. thanh toán ISIS như ông Trump đã nói trong lúc vận động tranh cử khi ông chê các tướng lãnh và chánh quyền Obama không thắng nổi khủng bố Al Qaeda và ISIS.

Có thể những điều trọng đại trên không được thực thi nhanh chóng và trơn tru như đã hứa. Người ở ngoài chánh quyền trong tư thế đối lập thường có những lời phê phán và chỉ trích hấp dẫn người nghe. Nhưng khi có chánh quyền thì họ không làm gì khác hơn người mà họ chỉ trích. Không thực hiện được các điều trên là đánh mất niềm tin của những người ủng hộ ông trong lúc tranh cử.

Sau khi ông Trump đắc cử đảng Cộng Hòa có thuần nhất không?   

Hay có đảng Cộng Hòa nguyên thủy và đảng Cộng Hòa của ông Trump với các người ủng hộ ông như bà Palin, ông Christie, ông Carson, ông Guliani, ông Newt Gingrich, ông Rubio v.v... trong thời kỳ vận động tranh cử kể cả ba người con lớn của ông.   

Các nghị sĩ và dân biểu đắc cử trong kỳ bầu cử năm 2016 phần lớn tách rời khỏi ông Trump sau ngày 07-10 vì băng Access Hollywood. Không phải nhờ ảnh hưởng hay sự ủng hộ của ông Trump mà họ đắc cử hay tái đắc cử. Điển hình là trường hợp của nghị sĩ Mc Cain (Arizona), Portman (Ohio), dân biểu và chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan (Wisconsin) chẳng hạn.

Về phần ông Trump, ông đắc cử mặc dù có một số đảng viên Cộng Hòa chẳng những lãnh đạm mà còn chống lại ông nữa. Ông là người từng làm chủ đồ trường. Ông biết cửa nào thắng canh bạc để đặt tiền. Đó là cửa Ohio, Florida, North Carolina, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Iowa. Ông đã thắng tất cả các cửa ghi trên.

Ông Trump được tổng thống Putin của Nga, anh dị bào của tổng thống Obama ở Kenya, tổng thống Duterte của Phi Luật Tân hoan nghinh trong khi dân chúng Hoa Kỳ xuống đường biểu tình chống ông ở các thành phố lớn sau khi nghe tin ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống đắc cử được dân chúng đón rước bằng những cuộc xuống đường rầm rộ. Phản ứng lẫn lộn giữa sợ hãi, thất vọng, lo âu, buồn nôn, giận dữ và bạo động.   

Là một tỷ phú tự hào với sự thành công về sự nghiệp của mình ông Trump chỉ huy đảng Cộng Hòa hay ghép mình vào đường lối do đảng vạch ra? Điều chắc chắn là ông Trump chọn cách thứ nhất. Nhiều đảng viên Cộng Hòa bỏ rơi ông nhưng ông vẫn đắc cử. Với cá tính của ông khó lòng ông phục tùng những người từng được xem là cây cổ thụ trong đảng. Các đảng viên chính thống của đảng Cộng Hòa khó tránh khỏi việc đụng chạm với tổng thống Trump.

Ngay từ tháng 09 năm 2016 giáo sư Sử Học Allan Lichman của đại học American University ở Washington DC tiên đoán ông Trump đắc cử. Sự tiên đoán này có vẻ lẻ loi, đơn độc giữa lúc khí thế của bà Hillary Clinton lên cao. Nhưng giáo sư Allan Lichman tiên đoán đúng tất cả các cuộc bầu tổng thống từ năm 1984 đến nay bằng một hệ thống phân tích dựa trên 13 khóa chủ điểm quyết định kết quả của một cuộc bầu cử có tầm vóc quốc gia. Cách đánh giá của ông Allan Lichman vừa khách quan vừa khoa học khác với những người thăm dò dư luận bằng cách lấy ý kiến của vài trăm hay vài ngàn người được hỏi đến. Dư luận không có tác giả nên biến thiên từng phút, từng giây. Vì lý do gì đó, đôi khi người được hỏi trả lời ngược lại với điều mà họ ôm ấp trong lòng. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 08-11 vừa qua cho thấy giáo sư Allan Lichman đã tiên đoán chính xác. Ông là tiến sĩ Sử học tốt nghiệp đại học Harvard và dạy đại học American University ở Washington DC, một trong những đại học hàng đầu của Hoa Kỳ.

Do cảm nghĩ tận đáy lòng, giáo sư Allan Lichman cho rằng tổng thống Donald Trump có thể bị Quốc Hội của đảng Cộng Hòa bãi miễn. Từ bãi miễn (impeachment) cũng được nhà bình luận David Brook của New York Times và giáo sư Christopher Lewis Peterson của trường đại học Utah đề cập trong một bài viết dài 23 trang với những lý do pháp lý mà Quốc Hội dựa vào để đặt vấn đề nêu trên. Như vậy người ta tiên đoán sẽ có sự va chạm mạnh giữa tổng thống Trump và Quốc Hội Cộng Hòa về một chuyện nghiêm trọng nào đó chăng?

Trước mắt tổng thống đắc cử Donald Trump có quá nhiều vụ kiện thưa xảy ra trước khi ông nắm chức tổng thống. Có những vụ ông bị người khác kiện. Có những vụ do ông kiện. Ông không được hưởng quyền đặc miễn vì những vụ kiện đó đã có trước khi ông nhậm chức tổng thống. Theo USA TODAY hiện ông có 75 vụ kiện sắp được xử. Ngày 28-11 nầy vụ lường gạt tiền bạc của Đại Học Trump (đóng cửa) sẽ được xử ở San Diego. Các vụ kiện tiếp theo khác sẽ được xử ở San Diego, New York v.v... Đệ nhất phu nhân Melania kiện một tờ báo Anh. Ông Trump hứa kiện các bà phụ nữ lạ vu cáo ông sách nhiễu tình dục trong thời gian vận động tranh cử. Không biết ông có thì giờ để kiện các bà này không.

Việc cân bằng quyền lợi của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và quyền lợi của các cơ sở làm ăn của ông và các con ông trong nước và ở nước ngoài nhất là ở Nga và các cựu Cộng Hòa Sô Viết không phải là chuyện dễ làm. Nếu ông Trump nể nang Putin của Nga như Yeltsin nể nang Bill Clinton của Hoa Kỳ vào thập niên 1990 trong cuộc vận động tái tranh cử tổng thống Nga năm 1996 thì danh dự Hoa Kỳ bị tổn thương nặng nề. Địa vị siêu cường lẫn an ninh quốc gia trở nên bấp bênh. Hòa bình thế giới cũng bị đe dọa trầm trọng một khi Hoa Kỳ mất địa vị lãnh đạo thế giới và co cụm về hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Đảng Cộng Hòa chính thống thích phó tổng thống Pence nhưng không thích gì ông Trump, người khó lường và khó kiểm soát đối với đảng Cộng Hòa.

Không biết dựa vào đâu mà Michael Moore lập bàn trù cho tổng thống Donald Trump bị bãi miễn hay từ chức. Ông là nhà quay phim tài liệu từng chống tổng thống Bush II năm 2004 và chống ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông là người Michigan. Chính ông lên tiếng cho biết ông Trump sẽ thắng ở Michigan khác với những cơ quan thăm dò dư luận trong nước.

Suốt chiều dài lịch sử Hoa Kỳ chưa có vị tổng thống nào bị bãi miễn. Tổng thống Andrew Jackson và Bill Clinton thoát khỏi quyết định bãi miễn của Quốc Hội. Tổng thống Richard Nixon từ chức để tránh bị Quốc Hội bãi miễn (1974).

Có người cho rằng có vài điểm tương đồng giữa tổng thống đắc cử Donald Trump và cố tổng thống Hebert Hoover.

TƯƠNG ĐỒNG

1. Cố tổng thống Hebert Hoover (1874 - 1964) và tổng thống đắc cử Donald Trump đều thuộc đảng Cộng Hòa.

2. Cả hai đều giàu có. Ông Hoover là kỹ sư hầm mỏ. Ông Donald Trump là tỷ phú khai thác ngành địa ốc và đồ trường. Ông Hoover hiến nhiều tiền bạc cho các cơ quan từ thiện. Sau đệ nhất thế chiến ông Hoover nổi tiếng nhờ cứu đói cho dân chúng ở Trung Âu khi ông làm giám đốc Cơ quan Quản Lý Lương Thực. Tổng thống đắc cử Trump hứa không lãnh $400.000 mỗi năm dành cho ông mà chỉ lãnh $1 tượng trưng mà thôi. Ở điểm này ông theo gương tổng thống Kennedy (DC) vào đầu thập niên 1960.

3. Năm 1928 khi ông Hoover đắc cử tổng thống, đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Năm 2016 ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử. Đảng này chiếm đa số ghế trong Thượng và Hạ Viện. Trong những ngày sắp tới đảng Cộng Hòa lên tột đỉnh quyền hành vì đã nắm quyền Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp.

4. Ông Hoover đắc cử tổng thống năm 1928. Ông Trump đắc cử năm 2016. Đó là chức vụ dân cử đầu tiên và cao nhất trong nước mà hai vị ấy đạt được.

KHÁC BIỆT

a. Ông Hoover đắc cử với tỷ lệ 59% trong điều kiện bình thường. Ông Donald Trump thắng đối thủ của đảng Dân Chủ với tỷ lệ 54% trong thế chuyển bại thành thắng nhờ những tiết lộ của Wikileaks và hỏa mù của giám đốc FBI gởi cho Quốc Hội 11 ngày trước ngày bầu cử.

b. Ông Donald Trump được tổng thống Nga và truyền thông Nga tán dương. Ông Hoover được Gorky cảm ơn vì chủ trương cứu đói cho 06 triệu người Nga vào đầu thập niên 1920. Lúc ấy ông không có giữ chức giám đốc Cơ Quan Quản Lý Lương Thực.

c. Ông Donald Trump không có chức vụ dân cử cũng không có chức vụ công quyền trước khi được bầu làm tổng thống. Ông Hoover không có chức vụ dân cử nào trước khi được bầu làm tổng thống. Nhưng ông là giám đốc Cơ Quan Quản Lý Lương Thực (1917 - 1918) và bộ trưởng bộ Thương Mại (1921 - 1928).  

d. Ông Hoover đắc cử vẻ vang và không gặp sự phản đối nào từ quần chúng. Trường hợp của ông Trump sôi nổi hơn với những cuộc biểu tình chống đối ông vì cho rằng ông kỳ thị chủng tộc, kỳ thị nữ phái, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị người đồng tính, bài ngoại v.v…

Sự so sánh dừng lại ở đây vì ông Donald Trump chưa nhậm chức, chỉ biết rằng dưới thời tổng thống Hoover khủng hoảng kinh tế bùng nổ năm 1929 ảnh hưởng đến toàn thế giới; tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ lên đến 25%. Ông Hoover bị Franklin Delano (Dân Chủ) đánh bại khi tái tranh cử năm 1932.

Sự tiên đoán nào đúng?   

Bãi miễn hay từ chức?   

Hay chánh quyền do ông Trump đại diện sẽ giống chánh quyền của tổng thống Hoover với 25% thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế?

Thế chiến thứ ba bùng nổ như các nhà chánh trị Nga ước vọng?

Đệ nhị thế chiến bùng nổ sau khi Hoa Kỳ lùi về chủ nghĩa tự cô lập (isolationism) với các tổng thống Cộng Hòa thời hậu đệ nhất thế chiến và sau khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế.

Hy vọng tất cả những điều ghi trên đều sai trong một thế giới không đại chiến nhưng đầy dẫy hỗn loạn đẫm máu.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2016