Jason Nguyen


Đây là thế kỷ của Châu Á: Bảy lý do để lạc quan

.

Minh họa: Eric Chow/Nikkei Asia

Châu Á đang giống như Mỹ đầu thế kỷ 20: khổng lồ về kinh tế, thấp bé về chính trị.

Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta chứng kiến “thế kỷ của châu Á”. Theo nhà sử học kinh tế Angus Maddison, châu Á chiếm hơn một nửa sản lượng kinh tế thế giới trong suốt 18/20 thế kỷ đã qua. Ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực này đối với kinh tế thế giới là một “sự phục hồi”, chứ không phải là một cuộc cách mạng, ông cho biết.

Châu Âu phải tích lũy một lượng vốn khổng lồ ở phương Tây thông qua cuộc Cách mạng Công nghiệp và quá trình thuộc địa hóa để giành lấy vị trí trung tâm quyền lực kinh tế trong thế kỷ 19. Và phải mất hai cuộc chiến tranh thế giới để Hoa Kỳ thay thế vị trí này. Tuy nhiên, với quy mô dân số chiếm hơn một nửa tổng dân số thế giới ngày nay, châu Á đang giành lại được vị thế thống trị về kinh tế.

Vậy thì, thế kỷ này sẽ như thế nào? Vào thế kỷ 18 và 19, khi châu Âu bắt đầu giành được ưu thế về kinh tế, ảnh hưởng trong chính trị và văn hóa cũng theo sau. Điều tương tự xảy ra khi Hoa Kỳ vượt lên dẫn đầu trong thế kỷ 20: Quyền lực chính trị, cũng như ảnh hưởng văn hóa của nước này đã theo sau năng lực kinh tế. Ngày nay, châu Á đang đứng tại vị trí của Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20: là một gã khổng lồ về kinh tế, nhưng lại là một người lùn về chính trị.

Tuy nhiên, có rất nhiều cơ hội để lấp đầy khoảng cách đó. Hiện tại, vai trò lãnh đạo toàn cầu đang bị bỏ ngỏ, khi Hoa Kỳ dần dần từ bỏ nhiều cam kết đắt đỏ nhằm xây dựng một “trật tự thế giới tự do” của mình. Khoảng trống trong nhiều vấn đề, từ vaccine COVID-19 đến các thỏa thuận thương mại và biến đổi khí hậu, cần được lấp đầy khi Washington dần chùn bước. Liệu châu Á sẽ bước vào khoảng trống lãnh đạo chính trị này? Và liệu văn hóa châu Á sẽ trở nên phổ biến như nghệ thuật và thời trang của châu Âu, hay như âm nhạc và điện ảnh của Mỹ trong 200 năm qua?

Chưa thể nói trước được điều gì. Có rất ít quốc gia châu Á muốn thấy Trung Quốc – ứng cử viên tiềm năng nhất cho sự ảnh hưởng toàn cầu – thống trị khu vực này. Châu Á vẫn còn bị chia rẽ về mặt chính trị, và ngày càng chia rẽ hơn trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang gia tăng. Tuy nhiên, tình trạng mất đoàn kết của châu Âu trong thế kỷ 19 cũng đã không thể ngăn cản khu vực này trở thành sao Bắc Đẩu cho phần còn lại của thế giới.

Qua một phần năm chặng đường bước vào thế kỷ châu Á, nhiều dự đoán mà một nhà quan sát có chuyên môn đưa ra vào năm 2000 sẽ ứng với hiện tại. Tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – và việc Hoa Kỳ cuối cùng đã bừng tỉnh khi phát hiện rằng một siêu cường trỗi dậy đang tìm cách thay thế vị trí của mình. Tầng lớp trung lưu mới nổi đang xuất hiện ở Trung Quốc, và cũng phát triển nhanh chóng trên khắp Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính đến năm 2050, khoảng ba tỷ người Châu Á có thể sẽ có mức sống tương tự như người dân châu Âu, và châu Á có thể sẽ chiếm hơn một nửa tổng sản lượng sản xuất toàn cầu.

Nhưng cũng có những sự bất ngờ – nổi bật như đại dịch COVID-19 trên thế giới vào năm nay, khi nó bắt nguồn từ Trung Quốc và đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.

Nikkei Asia đã hỏi ý kiến hơn 20 chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau về bảy vấn đề trọng yếu, từ đại dịch đến địa chính trị và nhân khẩu học. Mời bạn lắng nghe từ chính họ.

Thật khó để tưởng tượng là chúng ta có thể trở lại cuộc sống như trước COVID-19. Đại dịch này sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Michihumi Isoda, tác giả của cuốn “Lịch sử các bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản”:

Theo quan sát của tôi, đại dịch đẩy nhanh tốc độ của những thay đổi mà kiểu gì cũng sẽ xảy ra. Một ví dụ trong lịch sử là dịch cúm năm 1918 đã khiến Thế chiến thứ nhất kết thúc sớm hơn.

Về mặt lối sống, một ảnh hưởng rõ rệt của COVID-19 là quá trình tăng cường số hoá (digitization). Chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nhìn thấy những thay đổi trong các hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong đại dịch, các thay đổi sẽ không đáng kể như mọi người mong đợi. Trong đại dịch cúm năm 1918, mặc dù các thành phố có số lượng ca tử vong lớn, quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn do sự gia tăng số sinh nở và di dân vào các thành phố.

Mishal Khan, phó giáo sư tại Đại học Sức khỏe & Y học Nhiệt đới London:

Một trong những vấn đề mà tôi lo ngại là sự gia tăng bất bình đẳng. Có sự bất bình đẳng trong việc ai bị lây nhiễm; ngoài ra, khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như phong tỏa hoặc đóng cửa trường học được thực thi, các nhóm dân cư có nguy cơ cao thường bị ảnh hưởng nặng hơn. Đối với những người nghèo, hoặc lao động nhập cư, cuộc sống của họ cũng trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi cũng đã nhận thấy những tác động khác nhau theo giới tính.

Thế nhưng, một trong những điều thực sự thú vị về đại dịch COVID-19 là không phải các quốc gia có thu nhập thấp thì ứng phó kém và các quốc gia có thu nhập cao lại ứng phó tốt hơn. Ví dụ: nếu bạn nhìn vào Hoa Kỳ hoặc thậm chí là Vương quốc Anh, nơi tôi sinh sống, thì những quốc gia này đã không thực hiện tốt việc kiểm soát virus, mặc dù đây là những quốc gia thu nhập cao.

Việt Nam và Pakistan là ví dụ cho những quốc gia nhận được rất nhiều sự hỗ trợ cộng đồng. Do đó, mọi người không cần phải ra ngoài và quay lại làm việc, chỉ vì cái nghèo. Vì vậy, nhiều quốc gia có thu nhập thấp đã cho thấy sự sáng tạo và ứng phó tốt. Vấn đề lãnh đạo trong đại dịch không phải là chuyện trắng đen đơn giản.

Gabriel Leung, trưởng khoa y tại Đại học Hong Kong:

Tôi nghĩ rằng thế giới đã cho thấy các phản ứng khác biệt đối với COVID-19. Đầu tiên, có một dấu ấn kinh nghiệm xã hội [của Châu Á] trong việc ứng phó với các dịch bệnh trước đây như SARS. Và tôi nghĩ lý do thứ hai cũng là do bối cảnh văn hóa – phụ thuộc vào việc một quốc gia có nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân coi trọng quyền tự do của mỗi người, hay một hệ thống giá trị cộng đồng nơi lợi ích chung của cộng đồng được ưu tiên.

Phần lớn ưu thế kinh tế của Châu Á là nhờ vào đặc điểm dân số; khi khu vực này là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới. Nhưng dân số của nhiều nền kinh tế lớn nhất châu Á đang già đi nhanh chóng, do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ ngày càng cao hơn. Dân số Nhật Bản đang giảm, và nhiều quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc cũng sẽ theo sau. Điều này sẽ dẫn đến một số vấn đề nan giải, từ lương hưu cho đến nhập cư. Do đó, chúng ta có thể chờ đợi điều gì?

Paul Cheung, Giám đốc Viện Năng lực Cạnh tranh Châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore:

Tháp dân số của châu Á đang thay đổi, khi phần trên trở nên phình to hơn và phần dưới ngày càng thu hẹp lại, và điều này dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng và tài chính công. […] Những người cao tuổi cần được hỗ trợ chăm sóc y tế và tài chính dài hạn, điều này đồng nghĩa với một gánh nặng đáng kể. Trong một thiết chế dân chủ, các chính phủ cần phải giải quyết vấn đề này. Các quốc gia không nên đánh giá thấp những nỗ lực và nguồn lực cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo trên.

Tatsuo Hatta, chủ tịch Viện Nghiên cứu Tăng trưởng Châu Á:

Dân số [châu Á] có thể sẽ giảm, nhưng năng suất thì không. […] Các xu hướng nhân khẩu học hiện nay cho thấy chúng ta nên thiết lập một hệ thống giữ cho người cao tuổi làm việc khi họ còn khỏe mạnh; cũng như một hệ thống an sinh xã hội mà không đặt gánh nặng lên vai người trẻ.

Lauren Johnston, nghiên cứu sinh tại Viện SOAS Trung Quốc (SOAS China Institute)

Châu Á sẽ có quy mô dân số nhỏ hơn và già hơn. Một số quốc gia sẽ trở nên thịnh vượng trước khi “già” đi, và một số khác thì không. Nhưng quy mô dân số nhỏ hơn không hẳn là một chuyện xấu […], chuyện đó có thể có nghĩa là người dân sẽ có sức khỏe tốt hơn, bởi vì môi trường được cần bằng hơn. Cần có cách để xã hội tự điều chỉnh sao cho vấn đề chất lượng sống được coi trọng hơn vấn đề quy mô dân số.

Cuộc sống sẽ ra sao trong một xã hội đang già đi?

Masako Wakamiya, một lập trình viên ở Nhật Bản, 85 tuổi:

Tôi nghĩ mọi người đang lo lắng thái quá về việc già đi. Được sống lâu hơn luôn là mục tiêu của chúng ta, và giờ chúng ta đã thực hiện được. Chuyện này không hề tệ. Khi tôi còn trẻ, mọi người thường tin rằng họ sẽ sống đến 50 tuổi, giờ con số này là 100. So với trước đây, chúng ta có tuổi thọ cao và khỏe mạnh hơn. Miễn là bạn vẫn còn khỏe, bạn có thể làm việc đến tuổi 70, thay vì 55. Khi có nhiều thời gian khỏe mạnh hơn, chúng ta có thể làm những gì mình muốn sau khi nghỉ hưu.

Ngoài ra, tôi muốn chia sẻ với các thế hệ trẻ một bài học quan trọng. Đừng lên quá nhiều kế hoạch cho sự nghiệp và cuộc sống của mình… Thế giới luôn thay đổi, và bạn chỉ nên làm những gì mình có thể làm vào thời điểm đó. […] Đừng sợ thất bại. Nó rải đầy hương vị cho cuộc sống của bạn.

Một xu hướng dài hạn khác sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến châu Á là biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu lượng phát thải bằng 0 vào giữa thế kỷ này, châu Á sẽ phải gánh chịu phần lớn chi phí, và quan trọng là thể hiện vai trò lãnh đạo. Thế nhưng, châu lục này cũng sẽ gánh chịu rủi ro lớn nhất từ biến đổi khí hậu, từ các đợt nắng nóng cho đến nước biển dâng, và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Naoyuki Yamagishi, trưởng bộ phận khí hậu & năng lượng và đại dương & ngư nghiệp của Tổ chức Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Foundation) tại Nhật Bản

Dù sao thì đây cũng sẽ là một thế kỷ của châu Á. Bởi vì nếu chúng ta thất bại, nếu châu Á thất bại trong việc đối phó với tác động của biến đổi khí hậu cũng như giải quyết các vấn đề khí hậu, thì đó sẽ là một tổn thất cho châu Á, và cũng sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. […] Nếu chúng ta thành công trong việc đối phó với khủng hoảng khí hậu, thì đây sẽ là một “thế kỷ châu Á” theo nghĩa tích cực. Dẫu cho châu Á là một khu vực bao gồm nhiều quốc gia đa dạng, chúng ta vẫn có thể ứng phó với biến đổi khí hậu một cách đồng bộ và hiệu quả.

Yuito Yamada, đối tác và lãnh đạo mảng thực hành bền vững của công ty McKinsey & Company tại châu Á:

Nếu chúng ta ngồi yên, châu Á sẽ gánh chịu một phần rủi ro lớn trên toàn cầu. Trong số 4 đến 6 nghìn tỷ USD rủi ro bị mất trong GDP [toàn cầu], sẽ có 2,8 đến 4,7 nghìn tỷ USD nằm ở châu Á, do năng suất lao động giảm. Nguồn vốn và cơ sở hạ tầng có thể bị thiệt hại do lũ lụt ven sông vào năm 2050 tương đương với 1,6 nghìn tỷ USD, trong đó 1,2 nghìn tỷ sẽ là ở châu Á, tương đương 75%.

Nhưng đây cũng là cơ hội để châu Á lãnh đạo, bằng việc tập hợp đủ những yếu tổ cần thiết để thích ứng và bảo vệ tài sản. [Việc xây dựng] cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao hơn cũng có thể là bài học tốt cho tất cả các quốc gia trên thế giới. […] Thế giới có thể học hỏi từ châu Á.

Preety Bhandari, giám đốc mảng quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB):

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây là một khu vực rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động khí hậu, và cũng là nơi mà nhiều người kiếm sống nhờ vào các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp; châu Á cũng là nơi có nhiều người nghèo sinh sống trong các khu ổ chuột tại đô thị, là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng quá mức, [và] sự gia tăng các loại dịch bệnh.

Tôi nghĩ chúng ta phải thẳng thắn nhận ra rằng các cam kết hiện tại của các nước nhằm giảm lượng phát thải theo Hiệp định Paris sẽ không đưa chúng ta đến mục tiêu đưa mức tăng nhiệt độ trung bình [toàn cầu] xuống dưới 2 độ C, chứ chưa nói đến 1,5 độ. Năm 2020 là năm cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Nhưng đà tăng có lẽ đã chậm lại vì chính phủ các nước quá bận rộn với sự ứng phó tức thời trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta cần xây dựng một hướng đi mới để trong những gói kích thích tiếp theo, các chính phủ đưa ra những biện pháp cho một sự phục hồi xanh, dẻo dai và bền vững.

Giá trị dân chủ đang ngày càng bị đe dọa trên toàn thế giới. Đại dịch COVID-19 dường như đang thúc đẩy xu hướng này, khi các cuộc biểu tình ôn hòa bị các chính quyền dùng vũ lực đàn áp ở Hong Kong, Belarus và thậm chí là Hoa Kỳ. Một số nhà nước chuyên quyền đã thực hiện tốt việc kiểm soát virus, trong khi một số nền dân chủ thì lại không. Có phải chủ nghĩa chuyên chế (authoritarianism) đã được minh chứng [về tính hiệu quả]?

Lee Morgenbesser, giảng viên cấp cao tại Khoa Nhà nước và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Griffith, và là tác giả của cuốn “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa chuyên chế tinh tế ở Đông Nam Á” (The Rise of Sophisticated Authoritarianism in Southeast Asia)

Các chính quyền độc tài có thể sơ tán một thành phố nhanh hơn. Bởi vì khi các quyền dân sự và chính trị ít được quan tâm, họ có thể di tản người dân nhanh chóng hơn. […] Tốc độ mà chính quyền Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán thật đáng kinh ngạc – nhưng chỉ vài tuần sau, họ mở cửa thành phố và người chết la liệt khắp mọi nơi. Vì khi mạng sống của con người ít có giá trị, những chính quyền độc tài có thể làm mọi thứ với tốc độ nhanh hơn và ở phạm vi rộng hơn so với các nền dân chủ.

Tôi nghĩ sự khác biệt nằm ở các công cụ ứng phó được chấp nhận về mặt pháp lý, dựa trên mức độ sẵn sàng phạm luật của những người cầm quyền. [Trong một thể chế độc tài] không có phe đối lập, họ sẽ không bao giờ thua trong một cuộc bầu cử. Do đó, nếu không sợ mất quyền lực, họ sẽ nắm được nhiều công cụ hơn để có thể xử lý một cuộc khủng hoảng. Đó là một sự khác biệt rất quan trọng.

Tuong Vu, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Oregon:

Trong các nền dân chủ, vì hệ thống minh bạch hơn, người dân thường nắm được nhiều thông tin hơn. Các nhà khoa học đóng một vai trò quan trọng trong việc thông báo cho công chúng. Những nhóm yếu thế hơn trong các nền dân chủ không bị bỏ qua, vì họ có nhiều cách để nói lên ý kiến ​​của mình thông qua các phương tiện truyền thông và tiếng nói của họ không bị kiểm duyệt.

Trong các chế độ độc tài, khi tình hình ít minh bạch hơn, công chúng có ít thông tin hơn; nhưng các quyết định – bất kể là ích kỷ hay hà khắc thế nào đi nữa – thường dễ dàng hơn, cũng như ít bị công chúng giám sát hoặc phản đối, do đó thường được áp dụng nhanh hơn. Vì vậy, nếu đó là những quyết định đúng thì sẽ rất tốt.

Có mô hình chính trị ở châu Á nào đã được minh chứng không? Ví dụ, tại sao Việt Nam lại thành công?

Tuong Vu:

Việt Nam – tương tự Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan – đều có một nhà nước mạnh. Quốc gia này có một bộ máy hành chính hiệu quả nằm gọn trong chính quyền. Nếu bộ máy này quyết tâm và có một sự lãnh đạo thống nhất, nó có thể sẽ rất hiệu quả trong việc ứng phó với bất kỳ thách thức nào.

Và nhà nước này cũng được củng cố bởi một nền văn hóa chính trị chuyên chế. Bạn có thể thấy rằng mọi người có xu hướng tuân theo nhà cầm quyền – ngoại trừ trường hợp của Hàn Quốc, nơi đã xuất hiện ​​một số cuộc biểu tình. Nhưng ở Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, chúng ta chưa thấy chuyện đó.

Điều gì còn thiếu ở Philippines, quốc gia đang có một nhà lãnh đạo độc tài?

Tuong Vu: Lãnh đạo thôi thì chưa đủ. Người ta cần một bộ máy hành chính lớp lang và có tính áp chế, và đó là điều còn thiếu ở Philippines. Các dịch vụ công còn khá rời rạc, vì vậy chúng thường kém hiệu quả hơn so với các bộ máy quản trị ở những quốc gia khác.

Còn Nhật Bản, một nước dân chủ thì sao?

Tuong Vu: Tôi không nghĩ rằng Nhật Bản đã làm tệ – và tôi cũng không nghĩ rằng Trung Quốc là một thành công, xét giai đoạn đầu của đại dịch. Nếu Trung Quốc là một nền dân chủ, thì mọi thứ sẽ khác. Các bác sĩ sẽ không bị bịt miệng, các chuyên gia y tế sẽ theo dõi virus chặt chẽ hơn. Do đó sẽ không có một cuộc khủng hoảng. Những gì xảy ra ở Trung Quốc vào tháng Một đã khiến đại dịch lan ra toàn cầu.

Nhiều thách thức mà châu Á phải đối mặt, từ vaccine đến biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có một hành động chung. Nhưng thay vì hợp tác cùng nhau, khu vực này lại đang chia rẽ thành các khối chính trị, kinh tế và an ninh đối lập. Liệu một cuộc chạy đua vũ trang và quyền lực chính trị trong khu vực là điều không thể tránh khỏi?

Yu (Tony) Pan, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Anbound:

Xu hướng chính trị quyền lực (power politics) đang trở nên nổi bật hơn trong các vấn đề toàn cầu ngày nay. Câu hỏi là tại sao? Chúng tôi cho rằng điều này là do chúng ta đang bước vào thời kỳ “đảo ngược toàn cầu hóa” (de-globalization), cũng từng xảy ra trong những năm 1930. Khi đường hướng hiện tại dẫn trực tiếp đến sự bất ổn, việc quản lý các xung đột có thể là thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung không chỉ là vấn đề địa chính trị, mà còn rõ ràng liên quan đến các vấn đề về căn tính và hệ tư tưởng, là sự đụng độ giữa chế độ dân chủ và độc tài. Bắc Kinh rõ ràng không nhận được nhiều sự ủng hộ, điều đó có nghĩa là hầu hết các nước châu Á sẽ có xu hướng nghiêng về Hoa Kỳ – và đây là một tin xấu đối với Bắc Kinh.

Với sự cạnh tranh đang gia tăng giữa hai siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều quốc gia, dựa vào Hoa Kỳ trong vấn đề an ninh và Trung Quốc về thương mại, đang phải chọn một trong hai bên. Phần còn lại của châu Á sẽ phản ứng như thế nào trước một kỷ nguyên mới của sự đối đầu địa chính trị?

Yu (Tony) Pan:

Bởi vì hầu hết các nước châu Á muốn giữ mức độ ổn định hiện có, nên nếu cuộc đối đầu Mỹ-Trung đi quá xa và dẫn đến sự rủi ro xung đột hiện hữu, các nước châu Á sẽ bắt đầu hành động độc lập.

Nhật Bản là điểm neo trong hệ thống đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu rơi tự do vào khoảng năm 2017 và 2018, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe đã bắt đầu cố gắng xây dựng lại mối quan hệ Trung-Nhật. Nhật Bản không muốn trở thành chiến trường của cuộc xung đột Mỹ-Trung. Những gì ông Abe đang cố làm là tạo sự cân bằng [trong mối quan hệ giữa Nhật] với Trung Quốc và Hoa Kỳ, và đồng thời theo đuổi những lợi ích của Nhật Bản.

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ chủ yếu là về vấn đề hệ tư tưởng hoặc căn tính, vì mối quan hệ trước đây [giữa hai nước] đang theo chiều hướng tốt và khu vực biên giới cũng không đại diện cho bất kỳ lợi ích vật chất nào. Nếu giống như Thủ tướng Narenda Modi, nhận được sự ủng hộ lớn từ các nhóm dân tộc chủ nghĩa, Ấn Độ chắc chắn không thể nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Đó là điều khiến Ấn Độ không muốn lùi bước trước các cuộc đụng độ biên giới. Điều tương tự cũng đang xảy ra tại Trung Quốc. Cuộc đối đầu ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc có thể sẽ diễn ra trong một thời gian dài.

Parag Khanna, sáng lập và là đối tác quản lý của FutureMap, một công ty tư vấn chiến lược, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Tương lai là của châu Á” (“The Future is Asian”):

Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không giống như mô hình của thực dân Anh. Trung Quốc không thuộc địa hóa Ấn Độ, cũng như không gửi người Trung Quốc đến điều hành các nước khác. Và nó cũng không giống như mô hình của Mỹ, bởi vì Trung Quốc không có các mối quan hệ đồng minh chính thức với các quốc gia khác.

Thay vào đó, mối quan hệ này được xây dựng dựa trên sự hợp tác và gánh vác đòn bẩy kinh tế. […] Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc thực chất là về chuỗi cung ứng và củng cố chuỗi cung ứng của nước này.

Sai lầm mà nhiều người mắc phải trong năm 2015 hoặc 2016 là việc lo lắng rằng Trung Quốc đang đi trên con đường tuyến tính hướng tới sự thống trị. Nhưng lực cản đang bắt đầu. Và đây là những gì chúng ta thấy qua cuộc chiến thương mại, cũng như việc châu Âu khắt khe hơn đối với các khoản đầu tư [từ Trung Quốc], với liên minh Tứ trụ (Quad alliance), các hoạt động quân sự, và những nỗ lực rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc…

Vì vậy, hãy nhớ rằng, việc Trung Quốc đang thống trị một số lĩnh vực công nghiệp không có nghĩa là chuyện đó chắc chắn phải thế. Trung Quốc thống trị vì thế giới tạo điều kiện để họ làm như vậy […] vì giá rẻ. Nhưng một khi nước này bắt đầu những hành động bá quyền, đơn cực, hoặc độc quyền; thế giới sẽ đáp trả lại điều đó. Chúng ta có thể thấy điều này qua [sự cạnh tranh] các loại khoáng vật hiếm, dây chuyền sản xuất, viễn thông, các thiết bị và dụng cụ y tế, và đó là tình hình hiện nay.

Kết quả cuối cùng, tôi có thể dự đoán một cách tự tin, là thế giới sẽ tiếp tục ở trong một “trạng thái phát tán” (entropy). Đó là trạng thái khuếch tán, hay phân tán quyền lực, ở nhiều nơi hơn, sự phân bố trong sản xuất đồng đều hơn, và quyền lực được dân chủ hóa hơn – bởi vì đây chính là bản chất của thế giới.

Vì vậy, câu hỏi sẽ phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có thể thích nghi với trạng thái cân bằng mới, và chấp nhận rằng họ không thể một mình thống trị châu Á hay không. Quốc gia này phải chấp nhận một số hạn chế cũng như giải quyết một số tranh chấp mà họ không thể thắng.

Một trong những lĩnh vực trọng yếu trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là công nghệ, là điều từng hứa hẹn sẽ xóa bỏ sự chia rẽ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta thấy rằng nó càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Có phải chúng ta đang tiến tới một cuộc Chiến tranh Lạnh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?

Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện nghiên cứu độc lập tại Bắc Kinh

Có khả năng chúng ta đang hướng tới tương lai của “một thế giới, hai chế độ”. Những gì Hoa Kỳ đã làm, về cơ bản là buộc các nước khác phải chọn phe. Tôi nghĩ các nước đang phát triển, bao gồm cả các quốc gia thuộc ASEAN, Trung Á, Mỹ Latin và châu Phi có thể sẽ đón nhận thể chế do Trung Quốc lãnh đạo, vì các công ty Trung Quốc có thể cung cấp công nghệ cao cho những nước này với giá cả phải chăng. Hoa Kỳ hứa hẹn nhiều, nhưng cuối cùng liệu họ có thể cung cấp các giải pháp tối ưu với chi phí thấp cho những nền kinh tế mới nổi?

Kay Mok Ku, đối tác quản lý của khu vực Đông Nam Á tại Gobi Partners, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc:

Hoa Kỳ không sở hữu công nghệ 5G. Thế mạnh kỹ thuật nằm trong tay hai công ty châu Âu và hai công ty Trung Quốc, đó là Huawei Technologies, ZTE, Nokia và Ericsson. Liệu tôi có quan tâm đến việc công nghệ này đến từ nhà cung cấp châu Âu hay nhà cung cấp Trung Quốc không? Quan trọng là phải có công nghệ trước đã.

5G là cánh cổng dẫn vào thời đại tự động hóa. Bất kỳ quốc gia nào triển khai 5G trước sẽ bước vào thời đại này trước tiên, và họ sẽ có lợi thế hơn các quốc gia khác trong cuộc đua về năng suất.

Câu hỏi đặt ra cho các nước Đông Nam Á là: Họ nên để lý do chính trị hay kinh tế quyết định lựa chọn của mình?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế rõ ràng của châu Á đã thu hút sự chú ý đến một “mô hình châu Á” của chủ nghĩa tư bản. Ở nhiều quốc gia, các tập đoàn buộc phải chú ý nhiều hơn đến các ưu tiên xã hội và các mục tiêu của chính quyền, bất kể hệ thống chính trị của họ theo kiểu gì. Hướng đi này đã được bảo chứng chưa?

Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, IHS Markit:

Mô hình tự do kinh tế (laissez-faire) theo kiểu của Hoa Kỳ – và châu Âu, ở một mức độ nào đó – sẽ không phải là tương lai. Trong tương lai của châu Á, chúng ta sẽ thấy nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng chính sách chiến lược cho sự phát triển công nghiệp, và vai trò của vốn nhà nước trong việc hỗ trợ sự phát triển đó sẽ vẫn giữ vững. Như tôi đã nói, thế giới đang đổi thay. Thay đổi lớn nhất mà chúng ta đã thấy trong năm nay, hơn bao giờ hết, là về vai trò của công nghệ. Mặc dù mô hình nhà nước sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp chiến lược, tôi cũng cho rằng vai trò của vốn và tài sản tư nhân là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp.

.

Jason Nguyen
Lược dịch từ bài viết This is the Asian Century: Seven reasons to be optimistic about it, đăng trên Nikkei Asia, ngày 30/9/2020.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/daylathekycuachaua.htm


Cái Đình - 2020