Nguyễn Văn Trần


Dân chủ: Thực tế hay ảo tưởng?

.

Dân chủ và khủng hoảng

Sau ba thập niên, dân chủ tiến nhanh. Khối cộng sản Liên-xô và đông âu sụp đổ đánh dấu đậm nét sức mạnh của dân chủ. Thế mà ngày nay, dân chủ trên thế giới không tiến thêm nữa. Nó khựng lại. Tai hại hơn nữa, từ mươi năm gần đây, những chế độ độc tài vươn mạnh lên. Tại nhiều quốc gia tự do dân chủ, những quyền tự do đã bắt đầu bị tổn thương.

Trước những chuyển biến mới bất lợi cho dân chủ, Âu châu tổ chức Diễn Đàn Dân chủ ở Strasbourg, từ 16 tới 21 tháng 11/2015, nhằm động viên các quốc gia thành viên thảo luận về hiện tình âu châu. “Giữ ổn định quốc gia là ưu tiên hay bảo vệ Dân chủ là ưu tiên?”.

Trên thực tế, người ta thấy T.T. Obama chọn ủng hộ T.T. Sissi của Ai-cập trong lúc đó Âu châu có xu hướng ngả theo đường lối chánh trị thực dụng (Realpolitik) vì nghĩ chế độ độc tài nhưng có khả năng đồng minh chống khủng bố.

Nhiều nhà quan sát cho rằng chiến lược này chỉ có giá trị ngắn hạn vì về lâu về dài, chế độ độc tài nào cũng trở thành chế độ khủng bố hết cả. Khốn nạn hơn hết là họ khủng bố chính nhơn dân của họ cai trị. Điều mọi người mong ước là các cường quốc dân chủ nên ra sức thật sự ủng hộ xây dựng và phát triển dân chủ ở các nước chưa có dân chủ hoặc vừa mới thâu hồi dân chủ.

Vậy mà nhà chánh trị học huê kỳ, Ông Francis Fukuyama, vẫn giữ quan điểm cố hữu cho rằng “Lịch sử kết thúc, sẽ là dân chủ”!

Ảo tưởng nguy hiểm

Đa số thanh niên Ai-cập có học đều mong muốn đất nước Ai-cập sớm có dân chủ. Tại Le Caire, thanh niên và sinh viên đều say mê theo dõi bài diễn văn của T.T. Obama nói về dân chủ. Không chỉ lời lẽ quyến rũ mà thực tế còn quyến rũ hơn. Một người da màu sanh ra và lớn lên trong dòng văn hóa hồi giáo, giống như họ, nay trở thành Tổng thống Huê kỳ, cường quốc số 1 của thế giới. Mà Huê kỳ không phải là quốc gia thật sự dân chủ thì là gì nữa?

Cũng da màu, cũng hồi giáo như ông ấy, mà dân Ai-cập ngày nay hãy còn bị nhà cầm quyền của mình cướp đoạt hết mọi quyền căn bản của con người. Tổng thống Moubarak cai trị độc tài nên bị cô lập khỏi nhơn dân, chỉ còn dựa vào một nhóm nhỏ nắm giữ quyền lực. Thay vì thay đổi chánh sách, ông còn sửa soạn truyền ngôi lại cho con trai.

Năm năm sau, T.T. Obama, người trước đây đã từng lên tiếng ủng hộ nhơn dân Ai-cập bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tự do ứng cử và bầu cử để chọn cho mình một thể chế thích hợp, giờ đây lại ủng hộ một chế độ cai trị Ai-cập còn ác ôn, thô bạo hơn Moubarak rất nhiều.

Dưới bàn tay sắt của Sissi, quân đội kiểm soát một phần ba kinh tế Ai-cập và khống chế quyền lực chánh trị. T.T. Sissi dựa vào đó không dừng củng cố ảnh hưởng. Ông Mohamed Morsi, người được nhơn dân Ai-cập bầu một cách dân chủ bị tòa án được chế độ độc tài giàn dựng lên tuyên án tử hình. Và cũng tòa án này đã bỏ tù 40.000 người đã dám ôn hòa đòi thay đổi chế độ cho Ai-cập có dân chủ, đàn áp và khủng bố những nhà hoạt động đối lập.

Cứ mỗi khi T.T. Sissi muốn củng cố chế độ quân phiệt thì Hoa thạnh đốn lại vận động ngoại giao ủng hộ, cung cấp phương tiện mà Huê kỳ không biết là nhà cầm quyền độc tài nhờ đó có thêm khả năng đàn áp dân chúng và đối lập.

Năm 2013, ngoại trưởng Mỹ, Ông John Kerry, tuyên bố “T.T. Sissi đang thiết lập dân chủ”.

Năm sau, 2014, nhơn một buổi họp báo, ngoại trưởng John Kerry nhận xét “T.T. Sissi, từ lâu nay, giữ được Ai-cập có vai trò chủ yếu trong vùng”.

Và sau cùng, giữa năm 2015, T.T. Obama đã bãi bỏ lệnh cấm vận đưa vũ khí nặng vào Ai-cập có từ 2013 (The Nation, NY – Courrier International, số 1306).

Từ nay, T.T. Sissi tự cho mình là đại diện chống các tổ chức khủng bố võ trang tôn giáo ở Yémen, Sinaï, Lybie,…

Khi đề cập tới chế độ T.T. Sissi ở Ai-cập được Huê kỳ ủng hộ là muốn nói tới liên hệ của khủng bố hồi giáo, như Al-Qaïda, với chế độ độc tài. Vì chế độ đàn áp dân chủ ở Ai-cập là giấc mơ của mọi lực lượng khủng bố. Một số đông dân chúng hồi giáo và cả ngoại đạo đã từng tham gia biểu tình năm 2011, nay để tránh bị chế độ T.T. Sissi đàn áp, phải bỏ chạy theo Al-Qaïda. Lãnh tụ Al-Qaïda Ai-cập, Ông Ayman Al-Zawahiri, kêu gọi thanh niên, sinh viên hãy cảnh giác khi đòi hỏi dân chủ. Trong quyển “Mùa gặt đắng” (La Moisson amère), Al-Zawahiri tuyên truyền hãy tìm cách thay đổi thực tế bằng cuộc thánh chiến (djihad), chớ đừng bao giờ mong đợi ở lá phiếu. Đường lối dân chủ để thay đổi độc tài chỉ là ảo tưởng. Một ảo tưởng nguy hiểm.

Huê kỳ và Âu châu vẫn nghĩ giữ quan hệ tốt với các chế độ độc tài để an ninh của họ và thế giới được bảo đảm. Họ đi với Bắc kinh, bỏ rơi Đài loan và Tây tạng. Trước đây, đi với Hà Nội khai tử Sài gòn.

Riêng ở Âu châu, các nhà chánh trị hướng chánh sách đối ngoại tập trung vào những quyền lợi chiến lược hơn là bảo vệ dân chủ và nhân quyền. Họ sẵn sàng đối thoại với T.T. Erdogan để tìm giải pháp cho vấn đề di dân hồi giáo đang làm đảo lộn Liên Âu và xáo trộn sâu xa đời sống âu châu, nên phải làm ngơ trước việc T.T. Erdogan đang muốn tái lập một trật tự mới ở âu châu bằng cách dựng lại đế quốc Ottoman. Một vài quốc gia khác chọn nói chuyện với T.T. El-Assad của Syrie. Bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel, đã không ngần ngại tuyên bố “Chúng ta phải thừa nhận điều quan trọng hơn hết là sự ổn định”.

Vì quyền lợi thực tế mà ngày nay, những nhà chánh trị tay đầy máu nhân dân vẫn được chánh phủ của nhiều quốc gia trải thảm đỏ đón tiếp. Thủ tướng Anh, Ông David Cameron, đã không ngần ngại long trọng đón tiếp T.T. Sissi và nhà độc tài của Kazakhstan, ông Vursultan Nazarbaev. Thủ tướng Cameron đã thật sự xoay hướng chánh sách đối ngoại thuận theo quyền lợi thương mại. Báo chí Anh đã phải lên tiếng công kích “Ông Cameron đã đi quá xa. Khi đón tiếp nhà độc tài Sissi ở Luân-đôn, ông có thấy ông đã lố bịch hóa những giá trị truyền thống của Anh và làm cho cả thế giới khinh bỉ nước Anh hay không ?”

Thế giới tự do dân chủ nhưng đường lối chánh trị lại nằm trong tay thế lực tài phiệt. Với tư bản, không có gì quan trọng hơn lợi nhuận. Nên họ chỉ cần nơi nào có ổn định vì nhà cầm quyền kiểm soát được xã hội, mặc dầu kiểm soát bằng đàn áp khủng bố đi nữa, là họ tới làm ăn. Muốn làm ăn lâu dài, họ cần ủng hộ chế độ ở đó bền vững.

Năm 1973, Huê kỳ bắt tay Mao-Trạch-Đông, nhà độc tài diệt chủng, tội phạm chống nhân loại, là nguyên nhân của những nguyên nhân dẫn tới tình trạng Biển Đông và Việt nam ngày nay.

Giờ đây, Huê kỳ có đòi hỏi Trung cộng tôn trọng hiệp ước biển, Hà nội có thả tù chánh trị, ngưng khủng bố, thực hiện nhơn quyền trước khi thông qua hiệp ước TPP thì cũng chỉ là những đòi hỏi có giá trị hình thức mà thôi.

Thế giới bất ổn, những quyền căn bản của con người bị liên tục xâm phạm, các thế lực độc tài vươn lên, vậy có thể hi vọng ngày mai này sẽ có dân chủ được không?

Trời lại sáng?

Ngày nay, nhiều người đang tự hỏi “Những giá trị văn hóa âu châu phải chăng không thật sự có giá trị phổ quát như ngưòi ta đã nghĩ sau khi hết chiến tranh lạnh?”. Những giá trị ấy ngày càng đưọc xét lại.

Thực tế cho thấy sau nhiều thế kỷ chinh phục thế giới, ảnh hưởng âu châu dường như đã đạt tột đỉnh lần nữa sau khi khối liên-xô sụp đổ. Những giá trị và nền văn minh âu châu trở thành sáng chói, đã có lúc làm lóe mắt mấy chú Ba Tàu và Đặng Tiểu Bình đã phải xoay trục đưa nước Tàu theo hướng tư bản. Trong dân chúng tàu, lớp trung lưu bắt đầu xuất hiện nhờ nền kinh tế thị trường phát triển. Họ đồng thời cũng đòi hỏi một xã hội công bằng, trong sáng. Người ta có cảm tưởng nước Tàu bước những bước đi mới hướng dân chủ tự do!

Nhưng những biến chuyển dồn dập từ mười năm qua đã thay đổi cái nhìn của nhiều người. Sự phát triển chủ thuyết tư bản độc quyền (capitalisme autoritaire) thật sự làm mờ nhạt luôn cả ảo tưởng về một thế giới dân chủ tự do.

Như vậy phải chăng lịch sử thập niên qua đã phản biện lý thuyết của học giả Francis Fukuyama rằng sau khi thế giới tư bản chôn cộng sản xong thì mọi người đời đời sẽ hưởng dân chủ tự do?

Ngày nay, trước nền độc tài ngày càng hung hãn của Tàu, của Nga, và sự vươn lên như vũ bão của những lực lượng hồi giáo cực đoan, nền dân chủ tự do dường như bị lung lay và những giá trị của nó bị tổn thương ngay trong xã hội âu châu.

Theo cái nhìn của nhà chánh trị học Bulgare, ông Ivan Krastev, thì năm 1989 chẳng những không phải là đỉnh cao chói lọi của nền dân chủ tự do, của kết thúc chiến tranh lạnh, mà đó, đúng ra là giai đoạn hậu thực dân. Nhiều nước Á châu và Phi châu chào mừng sự cáo chung chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, đó là hai thứ ý hệ ưu việt của Tây phương không còn thống trị những nước nghèo nữa và cả hai đều là con đẻ của tư tưởng Tây phương!

Những quốc gia mới nổi lên chọn theo khái niệm dân chủ và chế độ pháp trị nhưng không rập khuôn theo mô hình nền dân chủ Âu châu vì cho rằng những giá trị Âu châu không hẳn là mẫu mực và phổ quát. Nga từ bỏ cộng sản, giữ tính đặc thù của mình và cũng cho rằng Nga là đại diện nền văn minh Âu châu theo cách của Nga. Những nước chọn dân chủ nhưng chối bỏ những giá trị âu châu vì cho rằng những giá trị này chỉ cổ súy cho bình đẳng giới tính, đề cao tự do tình dục, thật sự không mang giá trị phổ quát như được hiểu.

Cả về dân chủ, khi người ta cho rằng đó là giá trị phổ quát khởi từ Âu châu về chánh trị học nhưng có mấy ai hỏi dân chủ cho phép người phụ nữ âu châu bỏ phiếu năm nào? Ở Ý, năm 1945, ở Pháp là cái nôi của Cách mạng Nhơn quyền và Dân quyền, người phụ nữ cũng chỉ được phép bỏ phiếu từ năm 1945. Riêng ở Thụy sĩ, cho tới năm 1989-1990, còn hai Tiểu bang Appenrell Rhodes – Extérieures và Intérieures, người phụ nữ mới được trọn quyền bầu cử Tiểu bang và cả Liên bang. Công dân da đen huê kỳ ở Miền nam đi bầu lần đầu tiên năm 1965.

Dân chủ đối mặt với thực tế ở Pháp

Cuộc điều tra hằng năm dư luận Pháp về sự tín nhiệm Chánh phủ được tuần báo “Les Valeurs actuelles” (số 4026, Paris) công bố kết quả không khác một trận động đất. Dân pháp ngày nay không chỉ không tin tưởng thứ dân chủ đang được áp dụng, mà họ còn bày tỏ ý kiến táo bạo là muốn có một người mạnh (đàn ông hay đàn bà cũng được) lãnh đạo nước Pháp, không cần Quốc hội và bầu cử. Nói rõ ra là một ông vua hay một người độc tài mà thật lòng biết thương nước Pháp (50%). Vì có 75% dân chúng không tín nhiệm ở Nhà nưóc và nền Cộng hòa nữa, 88% muốn dẹp bỏ các đảng phái, 71% dẹp bỏ nghiệp đoàn, 67% cho rằng Pháp có quá đông di dân, 50% muốn tái lập án tử hình,….

Thực tế này là điều chưa từng xảy ra ở Pháp từ 200 năm qua. Và phơi bày khá rõ nét bộ mặt của thứ “dân chủ đảng phái”, quên hẳn quyền lợi của đất nước và nhân dân.

Nguyễn Văn Trần

 


Cái Đình - 2016