Nguyễn Văn Vui
Đại dự án chiến lược địa chính trị Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc đang bị khựng
Tương lai hầu như đã chắc ăn trước mặt: Các đoàn xe lửa chạy nối liền London và Thượng Hải, cờ Trung Quốc tại các cảng ở Phi Châu và Âu châu. Tất cả đều đã được hứa hẹn trong dự án "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc từ suốt 5 năm qua.
Đối với các chuyên gia chiến lược Tây phương thì dự án lớn này, với cái tên tiếng Anh là "Belt-and-Road-Initiative" (BRI), chỉ là một kế hoạch chi tiết của Trung Quốc để chinh phục quyền lực và thị trường mà thôi. Hàng trăm tỉ đô la đầu tư đã được nhóm lãnh đạo Trung Quốc đổ vào. Tuy nhiên dự án BRI đang dậm chân tại chỗ. Lý do chính là các nghi ngại về mặt tài chính từ những người chủ trương ra nó. Bởi vì ngay cả Trung Quốc cũng không có tiền vô tận.
Ông Jörg Wuttke, một nhà quản lý tập đoàn lâu năm tại Bắc Kinh và cũng là cựu chủ tịch Phòng Thương mại Âu châu tại Trung Quốc nhận định rằng "BRI cho thấy nó là một thách thức về mặt tài chính trong khi Trung Quốc đang phải đối mặt với một cơn gió ngược ngày nay". Wuttke nêu ra thí dụ nhiều dự án, chẳng hạn như một cảng mới ở Sri Lanka, mà đảo quốc này đã phải tương nhượng 99 năm cho Trung Quốc, vì Sri Lanka không có tiền trả nợ.
Ngay cả các giới chức Trung Quốc hiện nay cũng đang tỏ ra lo lắng. Hu Xiaolin, giám đốc ngân hàng xuất nhập cảng Trung Quốc do nhà nước kiểm soát – đó là ngân hàng đầu tư cho các dự án lớn của BRI – hồi tháng 6 qua đã cảnh cáo rằng "Các điều kiện quốc tế hiện nay là rất bất ổn. Các công ty của chúng tôi và các nước tham gia vào sáng kiến BRI sẽ đối mặt với vấn đề tài chính". Sau đó, tờ New York Times đã đưa tin từ giới chức Bắc Kinh rằng Trung Quốc hiện đang rà soát và đánh giá lại toàn bộ các dự án của BRI về mặt số lượng dự án, lượng đầu tư cũng như tình hình tài chính của các nước liên quan.
Kết luận của họ có thể là bớt giảm đáng kể các dự án trong Con đường tơ lụa, vì thật ra các ưu tiên ngày nay của Bắc Kinh cũng đã thay đổi – do triển vọng tăng trưởng đang giảm, số nợ trong nước ngày càng tăng và tình trạng bấp bênh của một cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Đầu tháng Bảy vừa qua, nhà kinh tế Ấn Độ Eswar Prasad đã nhận định: "Mức độ hồ hởi cho sáng kiến Con đường tơ lụa đã giảm đáng kể so với năm ngoái". Ông Prasad trước đây đã lãnh đạo văn phòng phụ trách về Trung Quốc trong Quỹ tiền tệ quốc tế và hiện đang dạy tại Đại học Cornell ở Hoa Kỳ. Trước đó ông đã có nhiều cuộc hội đàm với các quan chức Trung Quốc.
Nhận định của Prasad dựa trên các số liệu chính thức của Trung Quốc. Theo đó thì trong 5 tháng đầu năm các dự án đã ký kết của BRI đã giảm 6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, với tổng số là 36,2 tỷ đô la.
Người ta đã thấy được xu hướng suy giảm này trong năm qua. Theo ước tính của Cơ quan Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), mới được thành lập vào tháng Tư, thì các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 200 tỷ đô la vào 2.600 dự án BRI trong vòng 5 năm qua. Và họ cho rằng chính tình trạng đầu tư vung vít này cần phải được chấm dứt ngay.
Trong những năm qua, rất nhiều dự án đã mang nhãn hiệu BRI, nhưng chẳng dính dáng gì với các mục tiêu đưa ra ban đầu là phát triển cơ sở hạ tầng giữa châu Á, châu Âu và châu Phi cả: chẳng hạn như một công viên giải trí ở Indonesia hoặc một nhà máy sản xuất bia ở Cộng hòa Séc.
Nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư vào những dự án nước ngoài rất đáng nghi ngờ, trong đó các đối tác làm ăn chỉ đánh hơi thấy mùi tiền của Trung Quốc là bay vô mà thôi. Bây giờ thì các giám sát nhà nước ở Bắc Kinh đang lo cho sự ổn định tài chính của các dự án.
Các nhà thanh tra ở Bắc Kinh đã nhận ra có nhiều dự án mang tiếng xấu ở châu Phi, với những chính quyền sở tại, nợ nần thì lút đầu mà ít khi chịu thực hiện các cam kết của mình. Tình hình ở các nước châu Á thì lại khác hẳn: Như tại Myanmar và Sri Lanka, các chính phủ mới được bầu lên tỏ ý muốn dẹp bỏ chính sách của nhóm cầm quyền cũ, bị cho là quá lệ thuộc vào Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nhận ra rằng nếu lập ra thêm các dự án mới ở những nước này, thì mối quan hệ giữa họ và Trung Quốc chỉ rắc rối thêm lên mà thôi. Nhà nghiên cứu người Đức Thomas Eder của Viện nghiên cứu Merics tại Berlin cho rằng: "Trong nhiều dự án, kỳ vọng thành công nhanh chóng đã bị dập tắt". Eder nghiên cứu dự án Con đường tơ lụa trong một khảo sát khoa học dài hạn.
Trong khi đó về nguyên tắc thì dự án BRI không bị đặt thành vấn đề. Tuy vậy theo các số liệu chính thức thì ngày nay con số các dự án mới được ký kết chỉ ngang bằng con số các dự án đã được hoàn thành. Các quan chức Bắc Kinh cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ ban đầu đã chấm dứt và BRI đang phát triển với nhịp độ chậm nhưng bền hơn.
Tuy nhiên, không có dự án đường tơ lụa nào có trên 5 năm tuổi và hầu hết chúng phải tự chứng minh có khả năng sinh lời trong tương lai. Tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào mùa xuân này, Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ thế giới, Christine Lagarde, đã khuyến cáo: "Đúng ra ưu tiên cao nhất của BRI phải là: Con đường tơ lụa mới chỉ chạy đến những nơi mà người ta thực sự cần nó mà thôi".
Đương nhiên, đây chính là điểm đã không xảy ra trong mấy năm qua. Người ta đã đổ xô bu vào số tiền dồi dào từ Bắc Kinh. Các tính toán về kinh tế thị trường thường chỉ đóng một vai trò thứ yếu. Một trong những thí dụ điển hình là việc xây cất và mở rộng tuyến đường sắt từ Trung Quốc chạy xuyên qua Trung Á đến châu Âu, dọc theo con đường tơ lụa lịch sử. Các đoàn tàu đã chạy trên đường sắt này, nhưng chúng chẳng đem lại bất kỳ lợi nhuận nào cho đến nay. Vì vậy, những gì sẽ còn lại từ giấc mơ Con đường tơ lụa mới này vẫn chưa có gì là rõ rệt cả.
.
Nguồn: Geostrategisches Großprojekt: Rückschlag für Chinas Seidenstraße của Georg Blume, Paris (Tạp chí Der Spiegel)
Người dịch: Nguyễn Văn Vui (danlambaovn.blogspot.com)