Minh Hạnh
“Con đường sữa”: Một mạng lưới quốc tế
Sau nhiều năm theo dõi, mạng lưới thu mua sữa bột trẻ em ở Hà Lan
để bán tại Trung Quốc đã lần lần rõ nét. Nó phức tạp hơn người ta tưởng.
Từ một sự làm ăn gian dối
Sau khi Trung Quốc phát hiện một số lớn trẻ em nhập viện do suy thận và bị sỏi thận, chính phủ truy ra nguyên nhân là bởi các em này đã uống sữa bột có pha thêm melamine. Vào tháng 9/2008 tại Trung Quốc người ta phỏng chừng có khoảng 53.000 trẻ em đã bị ăn nhằm sữa “dỏm” có pha melamine (có nhiều tài liệu đưa ra con số 300.000), trong số này có hơn 12.000 em phải nhập viện và ít nhất 8 em tử vong. Sữa dỏm có nguồn từ nhà sản xuất Sanlu, hai nhân vật đầu não trong vụ việc này đã bị kết án tử hình năm 2009. 1,1 tỷ Nhân Dân Tện (tương đương € 114.000) được trích quỹ để bồi thường cho các nạn nhân. Chính quyền Trung Quốc thoạt đầu muốn làm nhẹ chuyện để tạo một hình ảnh Trung Quốc đẹp cho dịp Olympic Beijing 2008 nhưng thúng đã không úp nổi voi.
Theo điều tra, sữa Trung Quốc có pha melamine cũng đã được xuất sang Miến Điện, Bangladesh và vài nước ở Phi châu.
Những phát giác liên tục làm toàn dân Trung Quốc rúng động. Người ta tìm mua sữa có thương hiệu ngoại, nhưng cũng không hẳn là an toàn. Tháng 8/2008, ở Đài Loan sữa dỏm cũng bị phát hiện, có nguồn gốc từ chi nhánh đặt tại Trung Quốc của hãng sữa Nestlé. Như vậy dân Tàu cuối cùng chỉ còn một cách là tìm mua sữa ngoại nhập. Trong vòng 10 năm (từ 2005 đến 2015) lượng sữa nước ngoài đưa vào Trung Quốc và Đài Loan từ các ngả đã tăng gấp 50 lần.
Tuy dân chúng và cả chính quyền Trung Quốc đã cảnh giác nhưng vẫn có những người vì tham lợi nhuận tiếp tục lén pha melamine vào sữa bột. Tháng 7/2010, 76 tấn sữa có pha melamine bị tịch thu tại tỉnh Gansu. Tháng 8/2010, 100 tấn sữa pha trộn melamine đã bị phát giác. Tháng 5/2011 tại tỉnh Guanxi 26 tấn sữa bột pha melamine bị tịch thu. Những vụ việc này đã làm mức tin cậy của người dân vào các viên chức chính quyền càng xuống thêm. Sau vụ phát giác sữa của Hãng Fonterra nhập từ Úc và New-Zealand có chứa vi khuẩn sinh ngộ độc năm 2013, Trung Quốc đã cấm nhập sữa từ hai nước này, khiến cho thị trường sữa càng hút thêm.
Melamine là gì?
Phân tử urê (trái) và phân tử melamine (phải)
Melamine là một chất dẻo căn bản, được dùng trong công nghệ làm ra những hợp chất cao cấp (tên thương mại là keo melamine) để sau đó làm ra đồ nhựa (bát đĩa, đồ chơi…), để tạo lớp tráng trên mặt sàn gỗ giả (laminaat) và làm chất chống cháy. Melamine được tổng hợp từ urê (3 phân tử urê nhập lại thành một phân tử melamine). Urê là một chất cơ thể thải ra (trong nước tiểu) khi tiêu hóa chất proteine (thịt). Trong công nghệ, urê được dùng nhiều trong phân bón. Vì cấu trúc căn bản của urê gần như không thay đổi trong phân tử melanime và vì những sản phẩm có chứa protein được kiểm nghiệm bằng phương pháp đo nồng độ đạm tổng cộng một cách biểu kiến, được tính từ lượng nitrogen (1), người ta không thể phân biệt thực phẩm có bị nhiễm urê hoặc melamine hay không nếu không dùng phương pháp chuyên biệt để định lượng urê hay melamine, đắt hơn nhiều.
Trong cơ thể, khi bị nhiễm lâu dài, melamine sẽ tích tụ trong thận, gây ra sỏi trong thận, tắc nghẽn hệ thống ống lọc của thận, sau đó sẽ có thể đưa đến tử vong do suy thận. Tiếp xúc lâu với melamine ở nồng độ cao có thể bị ung thư, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra trong môi trường làm công tác sản xuất melamine.
Trên thị trường có những sản phẩm pha trộn urê (điển hình nhất là những loại nước mắm, nước tương rẻ tiền tại các quốc gia chậm phát triển), nhưng sản phẩm pha urê có thể bị biến mùi vị. Sau khi pha thêm urê, người ta thêm nước và chất màu vào để tạo sản phẩm rẻ tiền mà có độ đạm (nitrogen) cao. Dùng melamine có lợi là có thể cho nhiều hơn vào trong sản phẩm, và ít bị biến mùi vị.
Đường dây buôn sữa hoạt động ra sao?
Sau khi được sự giúp đỡ của một tay trong, người Trung Quốc sống tại Rotterdam, ký giả Peter Groenendijk của báo AD đã cho thấy các chặng đường trong mạng lưới thu mua sữa ở Hà Lan và bán sang Tàu hoạt động ra sao. Đáng lưu ý là mỗi chặng được điều động bởi một sắc dân khác nhau:
1.- Gom mua sữa tại cửa hàng: Ngay khi cửa hàng mở cửa (trong bài nêu ra một thí dụ: cửa hàng Etos, Rotterdam Zuid), khoảng 20 người đủ hạng, phần lớn là người Hoa, ngoài ra cũng có người Hòa Lan, trẻ em người Phi châu, ông già ở Rumania… ùa vào, mỗi người chộp một hộp, phần lớn là hiệu Nutrilon-3 (thương hiệu của hãng Nutricia), đang được dân Tàu ưa chuộng. Giá mỗi hộp € 12,79. Trong vòng 15 phút giá đã sạch trơn. Một số người chậm chân lủi thủi ra về.
Những băng đảng Rumania thì tổ chức ăn cướp kho hàng, cướp (cả giả lẫn dàn dựng) xe chở sữa.
Một số nhân viên bán hàng thông đồng với chủ cửa hàng của các dây chuyền lớn để họ có thể mua một số lượng nhiều với giá cao hơn một chút. Tuy các hãng sữa đã cấm nhưng có nhiều chủ vẫn bí mật tuồn hàng ra ngoài nếu họ thấy lời nhiều.
2.- Bán lại cho trung gian: Những người này, sau khi đã mua, sẽ mang về cho gia đình, người quen, hay người đã thuê họ đi gom hàng. Sau đó, gia đình hay bạn bè có thể bán qua Marktplaats. Giá Marktplaats mua (trong cùng ngày đó) là € 15,30 cho 1 hộp Nutrilon-3. Tức lời € 2,51/hộp. Đặc biệt: càng có nhiều, càng bán được giá cao. Một trung gian thu mua có thể gom 300 - 400 hộp mỗi ngày để bán cho các tay đầu nậu, thường là người Maroc.
3.- Đầu nậu đặt hàng trước cho các trung gian để họ đi gom hàng trong tuần đó theo như nhu cầu thực tế mỗi loại. Nhu cầu có thể lên đến hàng ngàn. Đầu nậu sẽ trả cho trung gian tiền công. Ở chặng này, giá mỗi hộp Nutrilon-3 đã là khoảng € 16. Người trung gian mang sữa đến nơi giao hàng, sau khi xuống hàng xong, kiểm lại ngày hết hạn, tay chân của đầu nậu sẽ chỉ chỗ họ đã giấu tiền sẵn. Vì lý do an toàn, không bao giờ đầu nậu xuất hiện vì họ luôn mang trong mình cả trăm ngàn euro tiền mặt. Lúc này hàng sẽ được đem chứa ở những kho hàng connex cho thuê tạm.
4.- Tay buôn quốc tế: Những người này thường là người Trung Quốc, có quan hệ với đường dây phân phối tại Trung Quốc và biết các thủ tục giấy tờ ở Hà Lan. Họ trả cho đầu nậu tiền lời khoảng 50 cent cho mỗi hộp sữa. Sau đó, họ sang tay cho một người phụ trách vận chuyển hàng từ cảng Rotterdam theo đường tàu sang Hongkong.
5.- Vì Trung Quốc lục địa không cấp phép cho nhập sữa từ Hà Lan, sữa sẽ được xuống tại cảng Hongkong, từ đây sẽ theo đường bộ vào Trung Quốc. Tay buôn ở Hongkong trả cho tay buôn Hà Lan khoảng 17 euro mỗi hộp, kèm thêm chi phí vận chuyển và giấy tờ.
6.- Sữa sẽ được phân phối theo các mạng lưới ngoài luồng đến những điểm bán lậu.
7.- Và cuối cùng, các bà mẹ Trung Quốc có nhiều tiền sẽ phải trả khoảng 40 euro cho mỗi hộp sữa Nutrilon-3.
Sữa bột bán trong một cửa hiệu thực phẩm ở Hà Khẩu. Bên trái, phía trên là sữa ngoại. Ảnh: AFP
Tổng cộng qua từng ấy giai đoạn, giá mỗi hộp sữa đã từ 1 thành 3!!! Chặng khó nhất vẫn là tìm được người chịu vận chuyển số lượng lớn sữa bột sang Hongkong, và mạng lưới chuyển hàng vào lục địa. Giá chuyên chở bằng đường thủy không thành vấn đề, chỉ khoảng 1000 euro cho 1 container 200.000 hộp, nhưng vì các chủ tàu sợ mất tín nhiệm nơi khách hàng quen biết khác, khi họ biết hãng tàu dính dáng vào vụ buôn sữa bất nhân này, cho nên họ thường từ chối. Một hình thức phổ biến là tìm một tay trong được hãng tàu tin cẩn, và phiếu chuyên chở ghi là “sản phẩm chế biến từ sữa” (dairy products) thay vi “baby milk powder”. Mọi người nhắm mắt làm ngơ.
Nếu mỗi tuần bạn có thể gom 500 hộp sữa (mỗi ngày lùng sục trong 50 - 70 cửa hàng), bạn có thể kiếm ngàn euro dễ dàng. Đối lại, mạng lưới gom mua sữa ẩn chứa khá nhiều nguy hiểm, vì nó “hợp pháp”, cho nên tay mơ dễ bị lừa. 500 hộp sữa trị giá 7000 euro, 1 container sữa bột trị giá khoảng 200.000 euro, số tiền không nhỏ.
Vì hợp pháp, đã có người lập mạng lưới thu gom, trả tiền thuế đàng hoàng, và theo tiết lộ của “người trong cuộc”, lượng giao dịch mỗi tháng khoảng € 300.000 – 350.000. Theo Peter Ho, giáo sư bộ môn kinh tế tại đại học Delft, thị trường sữa bột không chính thức tại Hà Lan đã vượt qua thị trường chính thức. Xuất khẩu sữa bột chính thức ở Hà Lan năm 2015 là vào khoảng 1,2 tỉ euro.
Xuất khẩu chính thức sữa bột Hà Lan trong 7 tháng đầu của mỗi năm
Mèo vờn chuột
Người ta đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn bớt nạn thu gom sữa đem bán sang Trung Quốc – với mục đích đảm bảo thị trường Hà Lan đủ sữa cung cấp cho trẻ em toàn quốc, nhưng cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn đạt kết quả mong muốn khi thị trường với 18 triệu trẻ nhỏ đang sẵn sàng bỏ tiền che chở những đứa con duy nhất trong gia đình bằng mọi cách.
Về mặt luật pháp, sữa bột Hà Lan không được phép xuất khẩu sang Trung Quốc vì không đạt tiêu chuẩn do Trung Quốc đặt ra (?). Tuy nhiên sữa bột Hà Lan vẫn được bày bán tại nhiều nơi ở những thành phố lớn tại Trung Quốc, mà chính phủ vẫn làm ngơ vì không tìm ra một giải pháp khác tạo lòng tin nơi dân chúng, khi vẫn còn những vụ phát hiện sữa có pha melamine.
Còn theo luật Hà Lan, suốt quá trình thu gom sữa, bán đi bán lại qua trung gian cho tới khi xuống tàu chở đi, không có công đoạn nào bị coi là phạm luật hình sự. Nếu có chăng, chỉ là trốn thuế.
Trên mặt sản xuất, các xí nghiệp rất muốn gia tăng mức sản xuất để tạo thêm lời, nhưng họ phải cân nhắc những yếu tố:
– “Con đường sữa” này còn kéo dài được bao lâu?
– Xây nhà máy sản xuất sữa bột ngay tại đất Trung Quốc có lợi hơn chăng?
– Làm sao có đủ nguồn hàng (sữa tươi) khi các cơ sở chăn nuôi không thể bành trướng thêm (diện tích chuồng trại, lượng phân bò phải giải quyết, quota sữa v.v…)?
– Chính phủ Hà Lan sẽ tiếp tục trợ cấp thêm cho ngành sản xuất sữa như hiện nay nếu tình trạng càng xấu đi? Hay có biện pháp nào ngăn chặn, từ Trung Quốc.
Đó là chưa kể đến công tác lắp đặt một dây chuyền sản xuất trên một mặt bằng sản xuất mới không phải chuyện một sớm một chiều có thể thực hiện. Họ cũng không thể tăng giá sữa được, vì tăng giá một vài phần trăm cũng không thể giải quyết được nạn thu mua, mà còn có tác động ngược lại trên thị trường nội địa. Hiện tại các nhà máy sản xuất sữa bột đã gia tăng mức sản xuất đến tối đa để đáp ứng nhu cầu. Promelca (thương hiệu Hollandia Street và 2 con bò – TwoCows) năm 2014 đã bắt đầu xây một dây chuyền sản xuất sữa bột mới tại Gorinchem. Nutricia đã đưa vào sản xuất một nhà máy sữa bột mới xây ở Cuijk. Theo quan sát, đầu năm 2016 tình trạng quân bình cung-cầu đã gần đạt được, tuy nhiên vẫn chưa có chỉ dấu là mức tiêu thụ sữa bột Hà Lan ở Trung Quốc giảm đi. Năm 2015 là năm con Dê, do đó nhiều người Trung Quốc đã cố “nín đẻ”, chờ sang năm Thân 2016.
Trong thời điểm thị trường Hà Lan khan hiếm sữa bột, những cửa hàng đã áp dụng một số biện pháp như:
– đặt quầy bán sữa riêng
– ấn định mức tối đa số hộp sữa cho mỗi khách hàng (1 hay 2 hộp mỗi lần)
– chỉ bán cho khách quen hay người cư ngụ trong vùng
– không bán cho trẻ em
– lấy bút lông vẽ nguệch ngoạc trên nhãn (dân Trung Quốc sẽ nghĩ những hộp sữa này là đồ phế thải, không đủ phẩm chất cho nên không bán được giá)
– Hãng Hero Benelux (thương hiệu Friso) vào tháng 2/2016 đã mở một mạng bán sữa bột online cho những người có con nhỏ ở Hà Lan cứ mỗi ba tuần được mua sữa thẳng từ hãng, bảo đảm không bao giờ bị thiếu hụt.
Cảnh sát, thanh tra cũng cử người đi dò tìm những địa điểm tập trung sữa, nơi chờ bán cho trung gian hay chờ chuyển xuống tàu, để truy xem nguồn hàng có hợp pháp không.
Tuy nhiên những biện pháp này chỉ ngăn chặn được một phần, nhất là khi đội ngũ trẻ nhỏ được huy động để thu mua sữa ngày càng đông, có khi chỉ để đối lấy món đồ chơi hay thẻ cào điện thoại di động. Ai có quyền cấm trẻ em đi mua thực phẩm cho chính mình.
Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Ploumen đã có những cuộc hội họp với Beijing, nhưng chưa đi đến kết quả cụ thể nào.
Giờ đây, nếu xem trong túi xách của những khách du lịch trên chuyến bay trở về lại Trung Quốc, sẽ thấy số lượng sữa bột trẻ em mang về làm quà cho gia đình không phải nhỏ, mặc dù chúng nặng nề. Dân Trung Quốc dù sao cũng chuộng sản phẩm chắc chắn mua từ gốc. Hà Lan vốn đã nổi tiếng trong giới du lịch gia đình với sữa cà-phê Completa, nay lại càng được biết nhiều hơn qua vụ sữa bột quỷ quái của Trung Quốc.
Chỉ có điều, trong bánh ngọt cũng có thể chứa melamine vì chúng có thể được làm từ sữa bột nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên thế giới cũng biết khôn mà không để vụ việc nổ lớn hơn nữa.
Minh Hạnh
(02/2016)
Viết theo tài liệu thâu thập từ Wikipedia, ANP, NOS, NRC Handelsblad, AD, DE Volkskrant, Elsevier, Het Parool, tài liệu của Nutricia và Hero v.v…
___________
(1) Kiểm nghiệm độ đạm toàn phần dựa trên căn bản dùng phản ứng hóa học phá hủy tất cả mọi hợp chất. Theo phương pháp cổ điển Kjeldahl, tất cả các chất có chứa nitrogen sẽ bị phân thành ammoniac, sau đó định lượng ammoniac này và dùng phép tính suy ra lượng protein (chất thịt) trong sản phẩm. Phương pháp này dần dần được thay thế bằng phương pháp Dumas (nhanh và rẻ hơn), là cho phân hủy mẫu thử ở nhiệt độ cao (900°C), mọi chất hữu cơ sẽ biến thành khí, và sau đó khí nitrogen được đo trực tiếp. Cả hai phương pháp này không phân biệt chất thịt hay chất hóa học chứa nitrogen, như urê hay melamine.