Hiếu Chân
Có hai nước Mỹ?
Cuộc đấu lần thứ hai có thể xảy ra giữa đương kim Tổng Thống Joe Biden và cựu Tổng Thống Donald Trump
vào ngày 5 Tháng Mười Một sắp tới không chỉ là sự kiện hiếm thấy, 100 năm mới có một lần,
mà còn là cuộc đua giữa hai trưởng lão đại diện cho hai quan niệm đối lập nhau sâu sắc tới mức
có thể hình dung có tới hai nước Mỹ trong lòng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Hậu quả sẽ ra sao?
(Hình minh họa: Chip Somodevilla/Getty Images)
Ông Trump sẽ là ứng cử viên của đảng Cộng Hòa?
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn sơ bộ của đảng Cộng Hòa ở Iowa và New Hampshire, ông Trump gần như chắc chắn giành được chiếc vé đại diện cho đảng để tranh với ông Biden bên đảng Dân Chủ. Đối thủ duy nhất còn lại trong đảng của ông, bà Nikki Haley, vẫn chưa bỏ cuộc với hy vọng Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ có phán quyết về tư cách ứng cử viên của ông Trump vào ngày 8 Tháng Hai sắp tới. Ông Trump đang đối mặt với vụ kiện về âm mưu kích động bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, 2021 nhằm thay đổi kết quả bầu cử năm 2020 và ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, phiên tòa chưa diễn ra và ông chưa bị buộc tội, nhưng một số tiểu bang như Colorado cho rằng, ông Trump vi phạm Khoản 3 Tu Chính Án số 14, do đó ông không được tranh cử ở đây. Nếu Tối Cao Pháp Viện chấp nhận quan điểm đó thì con đường tranh cử của ông có thể bị chặn đứng.
Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, dù lý lẽ mà các luật sư đưa ra để biện hộ cho ông Trump khá yếu ớt, vẫn khó có chuyện ông bị loại khỏi phiếu bầu. Về phía đảng Dân Chủ, mặc dù có một vài ứng cử viên mới nhưng chắc chắn không ai qua được ông Biden. Cuộc tái đấu Biden-Trump, dù đa số dân Mỹ không mong muốn, cuối cùng vẫn sẽ diễn ra.
Hai tầm nhìn, một mối mâu thuẫn
Ông Trump và ông Biden giống nhau ở chỗ cả hai đều đã hoặc đang ngự trong Tòa Bạch Ốc. Nhưng nhiệm kỳ cầm quyền của họ thể hiện một mối mâu thuẫn sâu sắc, cả về tư cách, tầm nhìn và quan niệm về nước Mỹ. Nếu ông Biden nhìn nước Mỹ như một quốc gia đang lớn mạnh, dung nạp sự đa dạng, tôn trọng các định chế dân chủ và tự do thì ông Trump nhìn nước Mỹ đang suy thoái, bị các thế lực “nhà nước ngầm” (deep state) chi phối, hỗn loạn và xa rời các giá trị truyền thống. Cử tri có cảm tưởng rằng hai ông lãnh đạo hai nước Mỹ khác nhau, một nước Mỹ “xanh” theo đảng Dân Chủ và một nước Mỹ “đỏ” theo đảng Cộng Hòa.
Nhiều thế hệ người Mỹ đã quen với sự đối lập giữa đường lối bảo thủ và đường lối cấp tiến của hai đảng chính trị lớn nhất nước. Nhưng mâu thuẫn giữa ông Trump và ông Biden vượt xa sự khác biệt thường thấy. Tệ hơn nữa, người thuộc phía bên này nhìn người phía bên kia như kẻ thù ý thức hệ, sẵn sàng “tiêu diệt” kể cả bằng bạo lực, chứ không phải là những chính trị gia bất đồng quan điểm có thể và nên thỏa hiệp vì lợi ích chung của đất nước.
Không khó để nhìn thấy mâu thuẫn Trump-Biden ở hầu hết các sự kiện, các lĩnh vực chính sách, từ đối nội đến đối ngoại, từ chủng tộc, tôn giáo đến văn hóa, kinh tế. Chẳng hạn như biến cố ngày 6 Tháng Giêng được đa số người Mỹ coi là một vụ bạo loạn phi pháp, gần 1.000 người tham dự bị tòa án các cấp kêu án tù. Trong khi đó, một thiểu số trung thành với ông Trump coi đó chỉ là một vụ phản kháng hợp pháp nhưng vượt ngoài tầm kiểm soát rồi bị “nhà nước ngầm” lợi dụng để biến những người ái quốc thành “con tin” chính trị. Các chính sách về kiểm soát súng, phá thai, người nhập cư, chi tiêu ngân sách quốc gia, quyền hạn của chính phủ liên bang,… đều bị bế tắc vì mâu thuẫn không thể giải quyết được.
Xung đột càng căng thẳng khi ông Trump không chịu thất bại mà hành xử như chính ông mới là tổng thống bên ngoài Tòa Bạch Ốc. Một số đông người ủng hộ ông vẫn tin rằng ông Trump, chứ không phải ông Biden, mới là tổng thống hợp pháp của nước Mỹ dù ông Biden đã cầm quyền gần hết nhiệm kỳ. Ông Trump thậm chí còn điều khiển các chính trị gia Cộng Hòa ở Quốc Hội và ở các tiểu bang. Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) bị các đồng viện Cộng Hòa truất phế một cách nhục nhã chỉ vì thỏa hiệp với đảng Dân Chủ để thông qua ngân sách tạm thời, tránh phải đóng cửa chính quyền liên bang, và điều đó trái với “chỉ đạo” của ông Trump. Những ngày này, Thượng Viện Hoa Kỳ đang làm việc cật lực để thông qua một thỏa thuận lưỡng đảng về củng cố an ninh biên giới, hạn chế làn sóng người vượt biên bất hợp pháp, thỏa mãn điều kiện để thông qua gói viện trợ quân sự đang rất cần kíp cho Ukraine, Israel, và Đài Loan. Nhưng theo truyền thông chính thống, dự luật lưỡng đảng của Thượng Viện có nguy cơ chết yểu ở Hạ Viện do Chủ Tịch Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) được ông Trump chỉ đạo phải chặn đứng mọi thỏa thuận về di dân, duy trì tình trạng khủng hoảng biên giới tới sau ngày bầu cử để vừa làm giảm uy tín của ông Biden, vừa chặn nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine.
Một xã hội chia rẽ sâu sắc
Mâu thuẫn giữa hai nhà lãnh đạo dẫn tới sự xung khắc triền miên giữa hai đảng và xa hơn nữa, nó len vào từng bữa cơm gia đình, gây chia rẽ trong nội bộ người dân Mỹ. Theo nhiều nhà quan sát, người Mỹ hiện bất đồng quan điểm với nhau về nhiều chuyện, và dường như họ sống trong những thực tại khác nhau, trong những không gian thông tin riêng được hình thành và củng cố từ những các tin tức, bình luận trái ngược nhau trên truyền thông và trên mạng xã hội. Từ đó, điều mà người Mỹ “xanh” cho là đúng thì người Mỹ “đỏ” bảo sai và ngược lại. Xu hướng tách biệt này, không chỉ chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ, mà ngày càng rộng ra, chưa có cách nào thu hẹp được.
Theo nghiên cứu của Pew Research Center được nhật báo The New York Times dẫn lại, từ khi ông Trump đắc cử tổng thống năm 2016, tỉ lệ người Dân Chủ coi đảng Cộng Hòa là “vô đạo đức” tăng từ 35% lên 63%, trong khi tỉ lệ người Cộng Hòa có quan điểm tương tự về đảng Dân Chủ cũng tăng từ 47% lên 72%. “Nếu năm 1960 có 4% người Mỹ nói họ không hài lòng nếu con cái họ kết hôn với người thuộc đảng kia thì đến năm 2020, tỉ lệ này tăng 10 lần và hiện chỉ có 4% các cuộc hôn nhân của người Mỹ là giữa một người đảng Dân Chủ và một người đảng Cộng Hòa,” nghiên cứu ghi nhận.
Sự phân cực của xã hội Mỹ thành cấp tiến và bảo thủ không phải là mới, nhưng nó gia tăng mạnh theo trào lưu toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin. Một số nhà phân tích nhận định, toàn cầu hóa và nền kinh tế kỹ thuật số thế kỷ 21 đã chia xã hội thành hai tầng lớp, thắng và thua, được và mất. Ông Trump đã biến đảng Cộng Hòa thành đảng của tầng lớp lao động da trắng có gốc rễ sâu xa trong các cộng đồng nông thôn và căm ghét toàn cầu hóa. Trong khi đó, đảng Dân Chủ ngày càng trở thành đảng của những người có học vấn cao hơn, sống ở đô thị, và thích ứng tốt hơn với kinh tế kỹ thuật số. “Dấu hiệu phân biệt kẻ thắng người thua là trình độ học vấn,” ông Douglas Sosnik, nhà nghiên cứu xu hướng chính trị, cựu cố vấn của Tổng Thống Bill Clinton, nhận định. Nhưng điều đó cũng chỉ có ý nghĩa tương đối.
Lựa chọn khó khăn
Trở lại với cuộc tái đấu Trump-Biden sắp tới, cử tri Mỹ đang đứng trước một lựa chọn hết sức khó khăn.
Cả ông Trump và ông Biden đều đã lên hàng “cổ lai hy” (xưa nay hiếm). Ông Trump 77 tuổi, ông Biden 81 tuổi, trí tuệ và thể lực đều có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng. Ông Biden là ứng cử viên tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ trong khi ông Trump hai lần bị luận tội và hiện đang đối mặt với 91 cáo buộc pháp lý, kể cả tội hình sự. Cả hai ông đều không được cử tri ưa chuộng. Tỉ lệ ưa chuộng ông Biden chỉ là 41%, còn ông Trump 42%, theo khảo sát của Viện Gallup. Nhưng vì có “hai nước Mỹ” nên đánh giá của cử tri về hai ứng cử viên này có khác nhau. Có 82% người Dân Chủ nhưng chỉ 4% người Cộng Hòa ủng hộ ông Biden. Ở phía bên kia, 79% người Cộng Hòa nhưng chỉ 6% người Dân Chủ ủng hộ ông Trump.
Theo phân tích mới nhất của ông Sosnik, nếu bầu cử diễn ra hôm nay, ông Biden có thể giành được 226 phiếu cử tri đoàn, ông Trump giành được 235 phiếu. Cuộc tái đấu xem ra khá căng thẳng và kết quả khá sít sao. Tuy nhiên, có 44 tiểu bang Hoa Kỳ đã nhuộm xanh hoặc đỏ, khó mà đổi màu được. Cuộc đua nước rút sẽ diễn ra ở sáu tiểu bang “chiến trường,” gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania, và Wisconsin. Nỗ lực của cả hai ứng cử viên đang dồn vào việc thu phục trái tim và khối óc của cử tri sáu tiểu bang đó mà thời gian chỉ còn 280 ngày.
Bầu cử của Mỹ bất ngờ tới phút cuối nên bây giờ chưa ai dự đoán trước được điều gì. Nhưng do tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa “hai nước Mỹ” hiện thời, điều đáng lo là “hai nước Mỹ” đó sẽ phản ứng thế nào khi ứng cử viên của phía bên kia giành chiến thắng chung cuộc, liệu cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm – nguyên tắc cốt lõi của nền dân chủ – có diễn ra thuận lợi và suôn sẻ hay không.
Hiếu Chân
(Nguồn tổng hợp: New York Times)
Trích từ: www.nguoi-viet.com, 26.01.2024
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/thoisu/cohainuocmytoancanhkinhtethegioi2023.html