Phạm Ɖình Lân
Chuyện Nga - Mỹ
Dòng chữ tiếng Nga: Chúng ta hãy cùng nhau làm thế giới lớn mạnh lần nữa (ANP)
Cho đến hết thế kỷ XIX Hoa Kỳ không để ý đến Âu Châu mà chỉ quan tâm đến vấn đề Mỹ Châu với khẩu hiệu nổi tiếng của tổng thống Monroe: Châu Mỹ của người Mỹ Châu. Dưới mắt người Hoa Kỳ, Âu Châu là một lục địa phức tạp về tôn giáo, chánh trị, kinh tế và chủng tộc. Cách mạng 1789, 1830, 1848, chiến tranh Napoléon trên lục địa Âu Châu làm cho Anh, Pháp, Áo, Nga kiệt quệ. Đó là cơ hội thuận tiện cho Hoa Kỳ bành trướng lãnh thổ từ bờ Đại Tây Dương xuống Vịnh Mexico và sang tận bờ Thái Bình Dương trong thời gian kỷ lục kể từ ngày lập quốc.
Nga là quốc gia rộng lớn và đông dân nhất ở Âu Châu. Nước nầy trải dài 11 múi giờ từ biển Baltic xuống Hắc Hải đến bờ Thái Bình Dương ở phương Đông. Nga là một quốc gia khép kín. Các Nga hoàng đều là những vị vua chuyên chính độc đoán. Đa số dân chúng đều là những nông nô nghèo khổ không hề biết được sự tiến bộ của các nước Tây Âu. So với sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và định chế chánh trị tự do, dân chủ của các nước Tây Âu, Nga là một nước lạc hậu. Các nước Tây Âu dùng sự tiến bộ kỹ thuật và kinh tế để chinh phục thuộc địa ở Á-Phi-Châu Mỹ La Tinh. Lạc hậu so với các nước Tây Âu, Nga tự biến mình thành một đế quốc bằng cách sáp nhập Ukraïne, chia cắt Ba Lan, mở rộng biên cương về phía nam và phía đông trên đường tìm biển. Nga chiếm một số đất đai của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và gặp sự ngăn chặn của Anh và Pháp khi tiến ra Địa Trung Hải. Đế quốc Nga thời Nga hoàng giống như đế quốc Trung Hoa: sáp nhập các nước nhỏ láng giềng vào nước họ chớ không mở những cuộc chinh phục xa xôi như các nước Âu-Mỹ tiến bộ.
Trong đệ nhất thế chiến Nga đứng về phía Đồng Minh Tây Âu chống Đức. Năm 1917 Đức giúp phương tiện cho Lenin về nước lật đổ chánh quyền thân Tây Âu do Kerensky lãnh đạo. Để đền ơn Đức, Lenin ra lịnh Trotsky ký hiệp ước Brest-Litovsk năm 1918 để cho Đức được yên ổn ở mặt trận phía Đông. Lenin thành lập chế độ Cộng Sản ở Nga. Từ ngày lập quốc đến nay nước Nga không hề có một vị lãnh đạo tôn trọng tự do và quyền sống của dân. Các lãnh đạo Cộng Sản còn độc đoán và cướp tự do và quyền làm người của dân chúng hơn cả các Nga hoàng. Số người chết đói vì chánh sách nông nghiệp hà khắc, vì bị kết án phản động, phú nông (kulag), vì lao động khổ sai trong các trại tập trung Tây Bá Lợi Á (gulags)… xê dịch từ 30 đến 40 triệu người. Bù lại Lenin thành công trong việc kích thích tự hào dân tộc Nga bằng sự chinh phục thế giới bằng sự thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (COMINTERN) năm 1919 để đào tạo những cán bộ Cộng Sản Quốc Tế phục vụ cho nước Nga. Những cán bộ này là những đội xung kích chống thực dân, chống tư bản để bảo vệ an ninh cho Nga và tự biến xứ sở họ lệ thuộc vào nước Nga. Nga được tiếng thơm là chống thực dân để giải phóng dân tộc thuộc địa bị các đế quốc xâm chiếm và áp bức, chống tư bản bảo vệ giai cấp công nhân trên thế giới! Từ năm 1922 đến 1940 Lenin và Stalin nới rộng lãnh thổ Nga bằng cách thành lập Liên Sô. Nga sáp nhập Ukraïne, Ngoại Mông, các nước Hồi Giáo Trung Á, vùng Caucasus và các tiểu quốc vùng Baltic. Nước Nga có thêm gần 6 triệu km2 lãnh thổ mà không cần phải tốn một giọt máu hay một viên đạn để chinh phục lại không mang tiếng là đế quốc xâm lược. Dân tộc Nga mất tự do, thiếu sự sống ấm no và hạnh phúc để đổi lấy danh dự của một đế quốc không cần chinh phục mà có một vùng lãnh thổ rộng mênh mông. Đối với dân Nga Lenin và Stalin kích thích chủ nghĩa dân tộc (nationalism), tự hào quốc gia. Đối với các dân tộc khác có cán bộ thụ huấn ở Liên Sô họ phải từ bỏ chủ nghĩa dân tộc (nationalism) để trung thành với Đệ Tam Cộng Sản Quốc Tế (COMINTERN) do Liên Sô lãnh đạo. Lenin được tôn thờ và có tượng khắp các nước Cộng Sản. Tượng lớn nhất ở Hà Nội là tượng của ông mặc dù ông không biết Việt Nam hay Hà Nội lúc sinh tiền. Ông Hồ Chí Minh xem Lenin là cha, thầy và cố vấn vĩ đại. Nhà văn võ hiệp Kim Dung mô tả Lenin một cách nể trọng qua hình ảnh của nhân vật Bắc Cái. Cháu nội của người nấu bếp cho Lenin và Stalin, Vladimir Putin, được ông Trump, ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, ngưỡng mộ giữa lúc Lenin ngưỡng mộ tổ chức của Hoa Kỳ. Đó là danh dự của nước Nga vậy.
Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, kỹ nghệ phôi thai, Liên Sô trở thành một nước kỹ nghệ hạng nhì trên thế giới sau hai kế hoạch ngũ niên. Stalin kích thích tự ái của người Nga và sự oán ghét chế độ Nga hoàng bằng cách nói rằng dưới chế độ Nga hoàng Nga đánh Nhật thì thua Nhật (1905), đánh Đức thì thua Đức (1915).
Khi đệ nhị thế chiến bùng nổ Liên Sô bắt tay với Hitler chia cắt Ba Lan, Phần Lan và các tiểu quốc vùng Baltic như Lithuania, Latvia, Estonia. Năm 1941 Liên Sô bị Đức tấn công. Stalin ký hiệp ước trung lập với Nhật và hướng về các nước dân chủ Tây Phương do Hoa Kỳ đúng đầu. Đệ nhị thế chiến chấm dứt. Liên Sô không che giấu mộng đế quốc của mình bằng cách tạo các chánh phủ Cộng Sản chịu ảnh hưởng tuyệt đối của Liên Sô ở các nước Đông Âu rộng 03 triệu km2. Liên Sô lợi dụng sự chiến thắng của Hoa Kỳ sau khi dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để xâm chiếm quần đảo Kurils của Nhật mặc cho hiệp ước trung lập Liên Sô - Nhật Bản vẫn còn hiệu lực. Số quốc gia Cộng Sản gia tăng nhanh chóng sau đệ nhị thế chiến: Nam Tư (Cộng Sản độc lập với Liên Sô), Bắc Hàn (1948), Trung Hoa lục địa (1949), Bắc Việt Nam (1954), Cuba (1959) v.v… Số quốc gia Cộng Sản càng đông, gánh nặng cưu mang của Liên Sô càng lớn. Liên Sô có hai mụt nhọt lớn dễ sinh ung thư là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc của Mao Zedong (Mao Trạch Đông) và Yugoslavia (Liên Hiệp Nam Tư) của thống chế Tito.
Mao Zedong là người bướng bỉnh không muốn đặt dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của Stalin qua các cán bộ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản người Hoa được Liên Sô huấn luyện.
Tito là người sớm theo chủ nghĩa Cộng Sản Bolshevich vì bị bắt làm tù binh trong đệ nhất thế chiến khi Nga còn theo chế độ Nga hoàng. Ông có vợ Nga, từng là nhân viên mật vụ Nga và được Stalin tín nhiệm cho lãnh đạo đảng Cộng Sản Nam Tư. Tito có công chống phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Sau đệ nhị thế chiến ông tách rời khỏi COMINFORM: Quốc Tế Thông Tin Cộng Sản (COMINFORM thay thế COMINTERN: Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản được Stalin tuyên bố giải tán năm 1943 để lấy lòng Hoa Kỳ). Nam Tư (Yugoslavia) vẫn là nước Cộng Sản nhưng không lệ thuộc Liên Sô.
Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô bắt đầu từ năm 1949. Đó là cuộc chiến giữa Tự Do - Độc Tài, Vô Sản - Tư Bản, Kinh Tế Tự Do và Kinh Tế Chỉ Huy. Suốt gần 50 năm chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô từ 1949 đến 1991 chưa hề có những cuộc đụng độ võ trang mặc dù có những cuộc khủng hoảng ở Berlin và Cuba suýt gây ra xung đột võ trang thời Kennedy vào đầu thập niên 1960. Nhưng cả đôi bên đều tìm cách dàn xếp ổn thỏa. Hoa Kỳ tỏ ra cương quyết và Liên Sô phải nhượng bộ tuy rằng có lần Khrushchev cởi giày gõ vào bàn tại diễn đàn LHQ thời tổng thống Eisenhower (Cộng Hòa). Hành động này chỉ làm giảm tư cách của người lãnh đạo một cường quốc đứng đầu khối Cộng Sản chớ không nói lên sự sức mạnh hay sự thắng lợi của Liên Sô đối với Hoa Kỳ.
Một mặt Liên Sô chạy đua võ trang với Hoa Kỳ. Họ tung gián điệp để đánh cắp tài liệu bí mật nguyên tử của Hoa Kỳ. Mặt khác họ không ngần ngại dùng võ lực để phát huy sức mạnh của mình đối với cả Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (1969) và việc xâm lăng Afghanistan năm 1979. Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây Phương lên án Liên Sô về việc xâm lăng Afghanistan. Họ tẩy chay Thế Vận Hội Moscow năm 1980. Hoa Kỳ giúp cho phe kháng chiến Afghanistan chống Liên Sô. Năm 1988 Liên Sô rời Afghanistan như một quốc gia chiến bại. Các nước Đông Âu đồng loạt đứng dậy đòi tự do dân chủ. Chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu năm 1989. Nước Đức được thống nhất vào năm này. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ dưới thời Gorbachev ở Liên Sô và tổng thống Bush I (Cộng Hòa) ở Hoa Kỳ.
Liên Sô sụp đổ. Đế quốc Liên Sô tan rã. Các Cộng Hòa Sô Viết trước kia tuyên bố độc lập. Hoa Kỳ xem như đã thắng trong chiến tranh lạnh dù không xảy ra trận đánh nào cả. Gorbachev đau đớn về chuyện này. Ông bị xem như người bại trận đã phá vỡ công trình xây đắp của Lenin và Stalin. Nhưng đa số người Nga không trách ông vì họ chán ngán và kinh sợ chế độ Cộng Sản sau 70 năm ngự trị ở Nga.
Chế độ độc tài Cộng Sản không còn nữa. Yeltsin là người lãnh đạo do dân bầu nhưng ông không phải là người lãnh đạo tôn trọng dân chủ, nhân quyền. Ông cũng không phải là người có khả năng chấn hưng kinh tế quốc gia. Diện tích nước Nga trở lại thời Nga hoàng trước năm 1917. Nga mất địa vị cường quốc thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Kinh tế Nga bệ rạc. Xã hội đen hoành hành. Nhiều nhà khoa học Nga bỏ nước ra di. Yeltsin bày tỏ sự yếu kém của mình trước tổng thống Bush I (Cộng Hòa) và Bill Clinton (Dân Chủ). Năm 1999 Yeltsin tự nguyện trao quyền cho Vladimir Putin, một trung tá KGB có nhiều kinh nghiệm hoạt động tình báo, gián điệp ở Đông Âu nhất là Đông Đức.
Nga là một nước kỹ nghệ nhưng chuyên về kỹ nghệ võ khí, xe tăng, phi cơ chiến đấu, tàu chiến, bom nguyên tử, bom khinh khí, vệ tinh nhân tạo. Đó là kỹ nghệ quốc phòng hơn là kỹ nghệ sản xuất hàng tiêu dùng hay hàng xuất cảng. Kinh tế Nga dưới thời Putin phát triển nhờ sự dồi dào dầu khí và việc bán võ khí, phi cơ, tàu ngầm v.v... Về phương diện kinh tế Nga bị Trung Quốc bỏ xa.
Putin là người ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin. Ông nội của ông là người nấu bếp cho Lenin và Stalin. Ông cố gắng làm cho nước Nga vươn lên trên chánh trường thế giới. Trong nước ông là người vừa mị dân, vừa độc tài (trấn áp những người đối lập, làm cho báo chí lặng thinh), làm tổng thống hai nhiệm kỳ rồi trở về làm thủ tướng. Trong thời gian ấy hiến pháp được tu chính, kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên 06 năm. Putin ra tranh cử lại với nhiệm kỳ mới. Nếu mọi ước tính của ông Putin được suôn sẻ thì ông sẽ nắm chánh quyền ở Nga đến năm 2024.
Từ thời Gorbachev trong chiến tranh lạnh đến hết hai nhiệm kỳ đầu của Putin (2000 - 2008) các tổng thống Hoa Kỳ thuộc dạng Cộng Hòa như Reagan, Bush I, Bush II đều xem Liên Sô rồi Nga là quốc gia đối nghịch. Đường lối này được các tổng thống Dân Chủ tiếp nối.
Khi Putin đắc cử tổng thống năm 2012 ông đặc biệt quan tâm đến cuộc nội chiến ở Syria. Hoa Kỳ và các quốc gia Á Rập thuộc phái Sunni muốn lật đổ tổng thống cha truyền con nối Bashar al Assad thuộc phái Alawite, một phái nhỏ của phái Shiite. Chế độ độc tài do Assad đại diện mất nhiều lãnh thổ nhưng Assad vẫn không bị lật đổ. Phe nổi dậy gồm nhiều thành phần phức tạp kể cả khủng bố Al Qaeda. Họ kết hợp rời rạc và hỗn chiến lẫn nhau. Assad được Nga, Iran và Hezbollah yểm trợ vì Nga được Syria nhường hải cảng Tartus để có mặt ở miền đông Địa Trung Hải.
Mâu thuẫn của Nga-Mỹ càng ngày càng sâu sắc. Putin càng lúc càng nổi bật trên thế giới qua vấn đề Abkhazia, Nam Ossetia ở Georgia năm 2008, việc can thiệp vào vấn đề Syria năm 2013 rồi 2015, việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraïne vào Liên Bang Nga (2014) và sự can dự của Moscow vào cuộc chiến ở Đông Bộ Ukraïne. Tổng thống Obama không can thiệp võ trang vào Syria như lời hứa sau khi Assad dùng võ khí hóa học làm chết hàng trăm người gồm cả trẻ em. Putin làm trung gian để Syria hủy bỏ võ khí hóa học đổi lấy sự bất can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Giống như tổng thống Wilson ông Obama nặng về việc quảng bá dân chủ bất kể bạn thù. Mùa xuân Á Rập năm 2011 lật đổ tổng thống Mubarak của Ai Cập, một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ và Do Thái để có một Morsi do nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo cực đoan ủng hộ chống Hoa Kỳ và các nguyên tắc dân chủ Tây Phương. Tướng Sissi lật đổ Morsi. Bang giao giữa Hoa Kỳ và Ai Cập trở nên lạnh nhạt. Nhà độc tài Qadafi của Libya bị giết chết. Từ năm 2003 về sau nhà độc tài nầy tỏ ra khiếp sợ Hoa Kỳ vì lo sợ cùng chung số mạng với Saddam Hussein. Qadafi đã chết. Libya rơi vào hỗn loạn. Nhóm khủng bố Hồi Giáo càng hoạt động mạnh đến nỗi một đại sứ Hoa Kỳ bị giết chết ở Benghazi đúng vào ngày 11-09-2012! Syria rơi vào nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay vẫn chưa dứt. Putin có ảnh hưởng với Iran. Ông giúp cho Hoa Kỳ và các nước Âu Châu ký thỏa ước với Iran chấm dứt những trừng phạt đối với Iran đổi lấy việc Iran hứa không sản xuất bom nguyên tử. Với thỏa ước nầy tổng thống Obama làm phật lòng hai đồng minh cố cựu ở Trung Đông: Do Thái và Saudi Arabia. Do Thái lo ngại Iran không thành thật mà lén lút sản xuất bom nguyên tử đe dọa sự hiện hữu của Do Thái ở Trung Đông. Saudi Arabia và Iran là hai nước Hồi Giáo nhưng khác phái. Saudi Arabia thuộc phái Sunni trong khi Iran thuộc phái Shiite. Cả hai nước đều rộng lớn và tranh nhau quyền lãnh đạo khối Hồi Giáo ở Trung Đông. Cả hai đều có nhiều dầu hỏa và tranh giành ảnh hưởng trong thế giới Hồi Giáo và vùng có nhiều dầu hỏa. Iran hiện có ảnh hưởng ở Iraq, Syria và Yemen nơi tổng thống thân Saudi Arabia bị phe nổi dậy Hồi Giáo Shiite do Iran yểm trợ lật đổ.
Tháng 02 năm 2014 dân chúng Ukraïne biểu tình lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Tức thì Nga đem quân vào bán đảo Crimea và sáp nhập bán đảo này vào Liên Bang Nga. Liên Âu và Hoa Kỳ phản đối việc làm võ đoán này của Putin. Nga bị loại ra khỏi G8. Vài biện pháp trừng phạt kinh tế Nga được Liên Âu và Hoa Kỳ áp dụng. Putin gia tăng sự đe dọa quân sự ở đông bộ Ukraïne, Syria, các quốc gia vùng Baltic. Cuộc nội chiến ở Syria càng kéo dài, số người tỵ nạn Hồi Giáo càng đông. Họ đổ xô sang Âu Châu khiến các nước này có một gánh nặng xã hội và sự đe doạ khủng bố không sao ngăn ngừa nổi. Chuyện Trung Đông đặc biệt là nội chiến Syria không đơn giản trái lại phức tạp vô vàn:
- phức tạp giữa Do Thái và các nước Á Rập Hồi Giáo
- phức tạp vì tranh giành quyền lãnh đạo thế giới Hồi Giáo trong vùng giữa Thổ Nhĩ Kỳ (cựu đế quốc Ottoman), Iran (Hồi Giáo Shiite) và Saudi Arabia (Hồi Giáo Sunni, quê hương của Giáo Chủ Mahomet)
- tranh chấp đẫm máu giữa phái Sunni và Shiite, giữa ISIS (Sunni) và người Hồi Giáo Sunni (như người Kurds ở bắc Iraq) & Shiite. Các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ không tích cực chống ISIS vì cùng phái. Nhiều người nghi ngờ các nước dầu hỏa Ả Rập tài trợ cho ISIS. Các nước Á Rập quân chủ lo sợ họ lật đổ ngai vàng. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ người Kurds là kẻ thù đáng ghét hơn là ISIS trong khi Hoa Kỳ ủng hộ người Kurds ở miền bắc Iraq nơi có nhiều giếng dầu.
- sự nhúng tay công khai hay ngấm ngầm của Nga, Hoa Kỳ, Liên Âu và các nước Hồi Giáo trong vùng.
Trong thời gian gần đây Putin gia tăng uy tín khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đến Moscow cầu hòa. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước có quá khứ lịch sử gần như không bao giờ thân thiện. Khi Nga mở những cuộc oanh tạc giúp quân đội Assad bị phe nổi dậy lấn áp, một chiếc phi cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rớt. Bang giao Nga - Thổ căng thẳng. Sau vụ đảo chánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan nghi ngờ có sự nhúng tay của Liên Âu và Hoa Kỳ nên ông hướng về Moscow. Thế là Putin tạm thời có thêm một thắng lợi mới. Thổ Nhĩ Kỳ là một cựu đế quốc Hồi Giáo luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh và là quốc gia Hồi Giáo duy nhất không chống Do Thái từ ngày lập quốc năm 1948. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO nhưng Liên Âu ngần ngại chưa chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên Âu:
1. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một quốc gia Âu Châu
2. Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi. Các quốc gia Liên Âu đều theo đạo Christ (Thiên Chúa Giáo hay Tin Lành Giáo). Mặt khác Putin liên kết với Trung Quốc để tạo quân bình lực lượng với Hoa Kỳ và Nhật Bản đồng thời chứng minh tầm quan trọng quốc tế của mình ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Putin cần tiền của Xi Jinping (Tập Cận Bình). Xi Jinping cần liên minh với Nga mới có thể đương đầu với Nhật vì cả Trung Quốc và Nga đều có tranh chấp chủ quyền về đảo Senkaku và quần đảo Kurils với Nhật. Theo đường lối của Stalin, Putin muốn Trung Quốc đụng độ với Nhật Bản hay với Hoa Kỳ như đã xảy ra ở Triều Tiên năm 1950. Cố nhiên Putin không muốn Trung Quốc nhớ lại hàng triệu km2 đất đai ở phía bắc sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang) bị Nga sáp nhập vào Tây Bá Lợi Á dưới thời Nga hoàng.
Những thắng lợi của Putin được cựu lãnh tụ Liên Sô Gorbachev, người được lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình, tán thưởng. Putin đã dùng bom đạn dập tắt những cuộc bạo động của người Hồi Giáo ở Chechnya. Ông dùng phương pháp này ở Syria khi can thiệp vào nước này để cứu chánh quyền Bashar Assad (2015). Việc bắn phá và oanh tạc Aleppo nhằm tiêu diệt phe nổi dậy ẩn nấp trong thành phố lịch sử và đông dân này của Syria bị xem là một tội ác chiến tranh của Nga và tổng thống Assad. Nhà cửa trong thành phố trở thành những đống gạch vụn. Bom đạn của Nga và chánh phủ Assad không quan tâm đến sinh mạng của dân chúng kể cả trẻ em mặc cho dư luận thế giới lên án. Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn sự lên án của LHQ.
Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt các yếu nhân và công ty Nga chủ trương sáp nhập Crimea và yểm trợ cho người Ukraïne gốc Nga hay nói tiếng Nga ở đông bộ xứ nầy nổi dậy chống chánh phủ Kiev có khuynh hướng ngã theo Liên Âu và NATO. Sự trừng phạt này được bồi thêm bởi sự sụt giảm giá dầu khiến cho kinh tế Nga suy yếu rõ rệt. Nga trông cậy vào việc xuất cảng dầu khí và bán võ khí. Giá dầu giảm từ $100 Mỹ Kim/ thùng xuống còn $40 Mỹ Kim. Thế là Nga bị ‘đồng minh’ Trung Quốc bắt bí. Võ khí Nga bị sự cạnh tranh của võ khí Trung Quốc, Anh, Pháp, Hoa Kỳ và cả Ấn Độ nữa. Kinh tế suy yếu. Chiến tranh là phương cách duy nhất mà các nhà độc tài dùng để kích thích danh dự quốc gia, dân tộc và duy trì trật tự xã hội không cần biết hậu quả sẽ đi về đâu. Putin có tham vọng lãnh thổ ở Âu Châu. Trung Quốc có tham vọng lãnh thổ ở Đông Nam Á trước khi tràn sang Nam Á và Tây Á. Muốn như vậy Putin và Xi Jinping tìm cách làm cho Hoa Kỳ suy yếu, phá vỡ nền dân chủ truyền thống Hoa Kỳ để Hoa Kỳ không lên án Putin và Xi Jinping vi phạm nhân quyền hay luật pháp quốc tế. Nếu Hoa Kỳ và NATO suy yếu thì các quốc gia Đông Âu, vùng Baltic, Ukraïne… rơi vào quĩ đạo của Nga. Ở Đông Á nếu không có Hoa Kỳ thì Trung Quốc chiếm Taiwan (Đài Loan) dễ dàng. Các nước Đông Nam Á không sao cưỡng lại sức mạnh của Trung Quốc nổi.
Giữa các nước thù nghịch hay ngay cả đồng minh đều có sự rình rập và dòm ngó nhau bằng những nhân viên tình báo, gián điệp và máy nghe lén. Trong thời đại computer thì việc tặc tin giữa các nước càng dễ dàng hơn. Hoa Kỳ từng tố cáo Trung Quốc tặc kỹ thuật cao hay tin tức quốc phòng của họ. Snowden há không chạy trốn sang Hồng Kong rồi xin ty nạn ở Nga năm 2013? Anh ta không làm gì hữu ích cho tình báo Nga sao?
Trump và Putin, tranh vẽ tường ở Litva (ANP)
Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016 lần đầu tiên Nga công khai ủng hộ tỷ phú Donald Trump và tặc email của đảng Dân Chủ đưa qua Wikileaks phổ biến. Đây là lần đầu tiên Nga công khai can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ bằng cách công khai ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng Hòa (Donald Trump), đả phá và đe dọa cử tri đừng bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ (Hillary Clinton). Nếu không, sẽ có chiến tranh nguyên tử hay thế chiến thứ ba. Ngay từ đầu cuộc bầu cử sơ bộ hai ông Putin và Donald Trump đã khen ngợi nhau. Không biết hai người đã biết nhau từ lâu hay Putin bắt gặp ông Trump có đường hướng thuận lợi cho ông và Xi Jinping như: bỏ rơi NATO, yêu cầu Nhật Bản và Đại Hàn tự bảo vệ an ninh và quốc phòng bằng cách sản xuất bom nguyên tử. Ông Trump ca ngợi tài lãnh đạo của ông Putin so với tài lãnh đạo bết bát của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ông kêu gọi Nga tặc email của bà Clinton. Ông nói tốt cho nước Nga và Putin về vấn đề Crimea, đông bộ Ukraïne, Syria, biện hộ cho Putin không dính líu gì đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua v.v…
Tổng thống Putin là nhà độc tài bám giữ quyền hành dự trù kéo dài từ năm 1999 đến 2024. Để thực hiện mộng quyền hành ông không ngần ngại hạ ngục những người khả dĩ là ứng cử viên tổng thống có thể đánh bại ông, những người đối lập với ông và bóp nghẹt tự do báo chí. Như đã nói ông Putin là người ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin và chủ trương bành trướng đế quốc Nga như Stalin đã làm từ năm 1922 đến 1949. Vậy ông Trump ngưỡng mộ cái gì nơi nhà độc tài này? Trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ ông trên cơ Putin? ngang cơ? hay dưới cơ? Nếu ngang cơ hay trên cơ thì không có sự ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ chỉ có khi có một người thấp kém hơn người kia. Ông Trump thấy nền dân chủ Hoa Kỳ đã lỗi thời cần phải bãi bỏ? Điều kiện thuận lợi đã đến với ông: Hành Pháp, Lập Pháp (Quốc Hội Lưỡng Viện) và Tư Pháp (Tối Cao Pháp Viện Cộng Hòa) đều nằm trong tay đảng Cộng Hòa. Trong cuộc bầu cử sơ bộ nhiều đảng viên Cộng Hòa nổi tiếng không ủng hộ ông Trump vì tánh ngang dọc và vô qui ước của ông. Sau khi ông đắc cử thái độ của những đảng viên Cộng Hòa chống đối ông thay đổi rõ rệt. Các ông Mc Connell, Paul Ryan, Ted Cruz, Rubio… xếp hàng theo ông Trump vì ít nhất ông mang thắng lợi cho đảng Cộng Hòa. Nhiều người thích thú với tánh vô qui ước của ông Trump giống như người bàng quan vỗ tay thích thú vì thấy một người lái xe chạy vào đường có bảng cấm hay đèn xanh, đèn đỏ gì cũng chạy như nhau. Họ hoan hô tính vô qui ước. Nhưng khi xảy ra tai nạn thì mới thấy sự tôn trọng qui ước là một trọng trách, một nghĩa vụ mà mỗi người phải tuân theo. Ông Trump là tổng thống Hoa Kỳ tự cho mình nhiều quyền đặc nhiễm: không cho dân chúng biết hồ sơ thuế lợi tức hàng năm, công khai khen ngợi các nhà độc tài như Putin, Saddam Hussein, Qadafi, Kim Yong Un, Rodrigo Duterte, chê các tổng thống tiền nhiệm, chế nhạo và chỉ trích báo chí, xem thường những báo cáo của các cơ quan tình báo đụng chạm đến Putin và ông, chuẩn bị cho các con và rể của ông có ảnh hưởng quan trọng trong chánh phủ của ông v.v…
Các tổng thống Cộng Hòa như Eisenhower, Nixon, Ford, Reagan, Bush I, Bush II và các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa như Mc Cain, Romney không thể xem Liên Sô hay Nga sau này là bạn nếu không nói là quốc gia đối nghịch. Gần đây ông Mc Connell, trưởng khối đa số Cộng Hòa trong Thượng Viện cũng có ý tương tự. Ông nói: Russia is not our friend (Nga không phải là bạn của chúng ta) một cách khiêm tốn.
Ông Trump là người ngưỡng mộ Putin, sử dụng những người thân Nga như Manaford (cựu đại diện trong ban vận động bầu cử và từ chức vào tháng 08 năm 2016), Rex Tillerson, CEO của Exxon Mobil, là người được Putin ban Huân Chương Hữu Nghị năm 2013 và được tổng thống đắc cử Trump chọn làm bộ trưởng Ngoại Giao. Công ty Exxon Mobil ký hợp đồng khai thác dầu khí ở vùng hàn đới và biển Caspian ở Nga trị giá hàng trăm tỷ Mỹ Kim. Việc trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Âu làm cho Exxon Mobil bị thiệt hại rất nhiều. Sự đắc cử của ông Trump là sự thành công của ông Putin. Ông là người đầu tiên chia mừng với ông Trump với hy vọng tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ những trừng phạt kinh tế, lợt lạt với NATO và lùi về bên kia bờ Đại Tây Dương. Ông Trump là tổng thống Cộng Hòa đầu tiên thân thiện với Nga mặc dù ông thích chánh sách ngoại giao của Nixon. Ông Nixon xích lại gần Trung Quốc để bao vây Liên Sô. Ông Trump xích gần với Nga để phá vỡ liên minh Nga - Trung Quốc hay chỉ là sự cám ơn đơn thuần?
Ông Trump nói nhiều điều mâu thuẫn, thái quá, cường điệu, không kiểm chứng và khó thực hiện được khi vận động tranh cử. Bây giờ ông có chánh quyền trong tay. Ông sẽ làm được gì với:
– bức tường Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ dài 3.000 km?
– 13 triệu người đi dân bất hợp pháp Latinos?
– tạo vài chục triệu công ăn việc làm?
– giảm thuế cho người nghèo lẫn người giàu mà vẫn có thừa tiền trả nợ và củng cố hạ từng cơ sở?
– gia tăng ngân sách quốc phòng và việc sản xuất võ khí nguyên tử. Có đủ sức mạnh quân sự để đảm bảo an ninh quốc gia và hòa bình thế giới chớ không phải để gây chiến tranh nguyên tử. Đây cũng là sự thử thách Nga lẫn Trung Quốc trong cuộc chạy đua võ trang để bị kiệt quệ kinh tế như đã xảy ra với Liên Sô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nixon nghiêng về Trung Quốc để bao vây Liên Sô năm 1972. Có phải ông Trump nghiêng về Nga để bao vây Trung Quốc cho hợp với tình nghĩa Bạch Chủng như tổng thống Theodore Roosevelt đã cứu Nga trước sự đòi hỏi của Nhật Bản sau khi đánh bại Nga năm 1905? Trong một cuộc chạy đua võ trang như vậy nước nào có kinh tế phồn thịnh thì nước ấy sẽ thắng lợi. Nếu như vậy Nga sẽ rớt trước khi Trung Quốc rớt. Chủ trương chạy đua võ trang của Nga - Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ không bảo đảm hòa bình thế giới mà gia tăng thêm nhiều quốc gia sản xuất bom nguyên từ như Saudi Arabia, Iran, Bắc Hàn, Nhật Bản, Đại Hàn v.v… Địa cầu nằm trên đống bom nguyên tử và khinh khí!
– đánh thuế 45% vào hàng nhập cảng của Trung Quốc?
– chánh sách cứng rắn đối với người Hồi Giáo để tránh khủng bố?
– chuẩn bị dời tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem. Đây là cách công khai minh định lập trường thân Do Thái và thách thức người Palestine và khối Hồi Giáo. Trong lúc vận động bầu cử một ủng hộ viên của ông Trump từng thét lên ‘JEW S.A.’ Một hình vẽ ảnh bà Hillary Clinton trong ngôi sao 06 góc (ngôi sao David) với dấu $ (tiền) như thể ông Trump chống Do Thái. Cách xàng xê chánh trị này giúp ông được phiếu Ả Rập nhất là Hồi Giáo Shiite (có nhiều ở Michigan) và sự ủng hộ của Do Thái. Rể ông Trump, người được ông kính trọng, là người Do Thái.
Điều đáng ghi nhớ là ông Trump là một nhà tỷ phú kinh doanh trong nước và trên 20 quốc gia khác trên thế giới trong đó có nhiều quốc gia Hồi Giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbeijan, Georgia, Saudi Arabia v.v… Ông giao dịch và có cơ sở làm ăn ở Trung Quốc. Cháu ngoại ông học nói và ca nhạc bằng tiếng Quan Thoại (Mandarin). Con gái ông, Ivanka, kỳ vọng rất nhiều vào việc phát triển kinh doanh với Trung Quốc. Liệu lời nói cứng rắn của ông về người di dân Latinos (vườn nho của ông thuê công nhân ngoại quốc), người Hồi Giáo (nơi ông có cơ sở kinh doanh), về giao thương với Trung Quốc (có cơ sở kinh doanh, mua thép Trung Quốc) và sự phủ nhận ‘một nước Trung Hoa’ biến thành hành động cứng rắn cụ thể trong các điều kiện ràng buộc nói trên không?
Chắc chắn ông Trump có chánh sách thân thiện với Nga qua những lời tán tụng Putin của ông trong thời gian tranh cử và sự lựa chọn ông Rex Tillerson làm bộ trưởng Ngoại Giao. Nghị sĩ Mc Cain cho rằng ông Tillerson có liên hệ mật thiết với Nga. Tổng thống Trump sẽ chấm dứt sự trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga. Đó là sự cứu vãn kinh tế Nga và là sự mặc nhiên hợp thức hóa việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, gây rối ở Ukraïne, bình địa Aleppo v.v… Làm như thế tổng thống Trump của Hoa Kỳ đi ngược chiều với NATO và Liên Âu từ nhiều thập niên qua luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ. Vụ ám sát đại sứ Nga ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 20-12-2016 cho thấy phản ứng của người Hồi Giáo đối với Nga ở Syria nhất là việc oanh tạc tàn độc của Nga nhắm vào Aleppo bất chấp sinh mạng của dân chúng. Thân với Nga, ủng hộ hành động của Nga ở Syria tức là thân với nhà độc tài Assad, với Iran, với Hezbollah mà các chánh phủ tiền nhiệm Hoa Kỳ xem là tổ chức khủng bố. Hoa Kỳ sắp hàng chung với kẻ dữ và tàn độc sao?
Như lời ông Trump tuyên bố ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ông dẹp bỏ TPP (Trans-Pacific Partnership), Obamacare, những sản phẩm của Obama!! Ai hưởng lợi nếu bãi bỏ TPP? - Trung Quốc. Vậy ông Trump cứng rắn với Trung Quốc về chuyện gì? - Taiwan? Từ năm 1979 đến nay Taiwan vẫn là một đảo quốc có chánh phủ được 20 quốc gia Nam - Trung Mỹ và Phi Châu công nhận. Vài ngày qua Sao Tome (tiếng Bồ Đào Nha đồng nghĩa với Saint Thomas), một đảo rộng 1.000 km2 với 192.000 dân đã chấm dứt ngoại giao với Taiwan để hướng về Beijing (Bắc Kinh). Cùng lúc ấy Beijing cảnh cáo Mông Cổ đã tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ lưu vong của Tây Tạng. Mông Cổ hứa sẽ không mời Đức Đạt Lai Lạt Ma nữa. Hoa Kỳ vẫn giao thương với Taiwan thậm chí còn bán phi cơ và võ khí cho Taiwan nữa mặc dù vẫn làm vừa lòng Trung Quốc bằng cách tôn trọng Một Trung Hoa. Liệu tổng thống Trump có vì Taiwan 30 triệu dân mà hy sinh quyền lợi kinh tế, thương mại và đầu tư của ông và của Hoa Kỳ trên lục địa 1,5 tỷ dân không? Liệu Hoa Kỳ sẵn sàng đụng độ với Trung Quốc vì vấn đề Taiwan hay Biển Đông như cách nói hào hùng của tổng thống Trump được nhiều người thích thú và kỳ vọng không? Câu trả lời có vẻ quá dễ đối với mọi người dù có trình độ học vấn và nhận thức khác nhau.
Không ai phủ nhận Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế và quân sự. Nhưng có phải vì vậy mà Hoa Kỳ giải quyết mọi vấn đề bằng đồng tiền và sức mạnh võ khí luôn luôn thành công.
Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954. Đông Dương rộng 750.000km2.
Hoa Kỳ không thành công trên nửa nước Việt Nam năm 1975. VNCH rộng 175.000km2.
Liên Sô thất bại ở Afghanistan sau 09 năm xâm lăng. Chiến tranh Afghanistan làm cho kinh tế Liên Sô kiệt quệ và dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc Liên Sô. Syria có thể là một Afghanistan thứ hai đối với Nga trong những ngày sắp tới không?
Không phải vì Việt Nam hay Afghanistan mạnh và Pháp, Hoa Kỳ, Liên Sô thiếu sức mạnh võ khí mà thất bại. Mà vì võ lực và sự hiện diện của người không cùng màu da trên vùng đất xa lạ bất đồng đủ thứ (không cùng ngôn ngữ, không cùng văn hóa, không cùng tôn giáo, không cùng chủng tộc) làm cho người bản xứ oán ghét và đoàn kết lại mặc dù đôi khi sự đoàn kết thể hiện một cách vô hình trong tâm não người dân bản xứ. Hoa Kỳ không thua trận ở Nam Việt Nam, Iraq hay Afghanistan. Họ mất 08 năm ở miền Nam Việt Nam; gần một phần tư thế kỷ cho chiến tranh Iraq và Afghanistan. Họ không thua cũng không hoàn toàn thắng mà sa lầy; kinh tế suy lụn; tinh thần giao động. Thắng lợi bằng sức mạnh của võ khí và số xác chết của đối phương không bảo đảm sự chiến thắng lâu bền.
Xe thường lật trên đường vắng và rộng thênh thang do sự chủ quan của người lái. Năm 1945 các tướng lãnh Pháp đến Sài Gòn đã cười vỡ bụng khi thấy những người cầm tầm vông vạt nhọn chống lại họ. Họ nghĩ rằng đám giặc cỏ này chỉ cần 06 tháng là xong. Chỉ có tướng Leclerc hiểu được sức mạnh của những người ốm yếu, quê mùa dám đương đầu với võ khí tối tân, xe tăng, thiết giáp bằng tầm vông vạt nhọn vì ông đã là một trong những người giống như vậy khi chống Đức Quốc Xã trong đệ nhị thế chiến.
Năm 1961 Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cũng có chương trình bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng (Chương Trinh Stanley - Vũ Quốc Thúc). Kết quả thu được không được như ý muốn.
Nắm chánh quyền bằng lá phiếu dân bầu trong quốc gia có định chế chánh trị dân chủ là tôn trọng sự liên tục chánh quyền hay phá bỏ tất cả những gì mà người tiền nhiệm tạo ra vì óc đảng phái và tự hào cá nhân? Nếu tòa Bạch Ốc có tróc xi măng thì mua xi măng trét lại hay đập phá nó? - Tòa Bạch Ốc có thể được sửa chữa, nới rộng nhưng không thể bị đập phá vì đó là biểu tượng lịch sử của sự thành công của một quốc gia dân chủ tân lập sớm trưởng thành để lãnh đạo thế giới. Khi tổng thống Eisenhower (Cộng Hòa) lên nắm quyền ông vẫn theo đường lối của Truman (Dân Chủ) trong chiến tranh lạnh và tiếp nối chương trình viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ do tướng Marshall đề xuất. Tổng thống Kennedy (Dân Chủ) tôn trọng thuyết Domino ở Đông Dương dưới thời tổng thống Eisenhower v.v... Dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa, tất cả phải phục vụ cho quyền lợi của Hoa Kỳ và nhân dân xứ này. Hiến pháp Hoa Kỳ có tu chính nhưng chưa hề bị hủy bỏ từ ngày lập quốc đến nay. Chúng ta kiên nhẫn chờ chánh phủ của tổng thống Trump, một chánh phủ có nhiều tướng lãnh và các nhà tỷ phú, bắt tay vào việc trong những ngày sắp tới.
Các tướng lãnh lỗi lạc sẽ diệt khủng bố ISIS trong thời gian ngắn nhất chớ không ì ạch như đã thấy mấy năm nay. Hy vọng tổng thống Trump giải quyết vấn đề dễ dàng thay vì xem ISIS là ung thư với nhiều rễ, nhánh lia chia khắp nơi trên thế giới.
Dư luận không có tác giả. Dư luận thông thường chuộng chủ chiến vì sự yêu thích những thiên anh hùng ca. Nhưng khi bị chết chóc, thương vong gia tăng mà không có kết quả cụ thể, kinh tế suy yếu thì nó trở thành phản chiến.
Các nhà tỷ phú sẽ mang lại sự phồn vinh kinh tế và ấm no hạnh phúc cho gần 350 triệu người Hoa Kỳ lầm than, nghèo khổ như ông Trump mô tả trong thời kỳ vận động tranh cử.
Nếu tổng thống Trump làm được như vị tổng thống tiền nhiệm Da Đen mà ông chỉ trích thì ông sẽ được tái đắc cử năm 2020 vì ông Obama được đắc cử hai nhiệm kỳ (2008 - 2012 & 2012 - 2016). Nếu mọi người trong chúng ta chấp nhận định luật chánh trị Quần chúng không sai lầm trong một quốc gia dân chủ thì chúng ta không thể chối bỏ sự thành công của những vị tổng thống được đắc cử hai nhiệm kỳ thời hậu đệ nhị thế chiến như Eisenhower (CH), Nixon (CH), Reagan (CH), Bill Clinton (DC), Bush II (CH), Barack H. Obama (DC).
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.