Phạm Ɖình Lân


Chuyện dài Do Thái-Palestine

…Xét tương quan lực lượng Hamas không thể đương đầu hữu hiệu trước sự tấn công của không quân, hải quân và lục quân Do Thái. Tại sao họ vẫn khiêu khích cho Do Thái tàn phá dải đất 390km2 với gần 2 triệu cư dân? Có phải chăng người Palestine ở dải Gaza yêu “lý tưởng” diệt Do Thái mặc cho 70% dân số bị thất nghiệp và 80% người Palestine Gaza sống trong nghèo khổ?...

***

Năm 70 sau Tây Lịch nước Do Thái hoàn toàn bị hủy diệt. Người Do Thái sống lưu vong khắp nơi trên thế giới, nhất là trên lục địa Âu Châu, Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu. Ɖâu đâu họ cũng gặp sự chống đối của người bản xứ, nhất là trên lục địa Âu Châu vào thời Trung Cổ. Người ta ghét người Do Thái đến nỗi mỗi khi có thiên tai, dịch hạch, họ đều đổ lỗi cho sự hiện diện của người Do Thái. Người Pháp dùng chữ Juifs (Jews) với tất cả nghĩa xấu của nó. Người Do Thái không được đối xử tốt ở các quốc gia Âu Châu Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. Họ bị buộc tội giết Chúa. Họ sống trong sự nghèo khó và khủng bố. Năm 1492 họ bị trục xuất ra khỏi Toledo, thủ đô của Tây Ban Nha. Ở Nga, dưới thời Nga hoàng người Do Thái không được làm chủ đất đai và sống ở nông thôn. Vụ án Dreyfus năm 1894 dưới thời Ɖệ Tam Cộng Hòa Pháp bị người Do Thái xem như một bản án bất công có tính kỳ thị Do Thái. Năm 1897 tiến sĩ Theodor Herzi (1860-1904) triệu tập đại hội Do Thái ở Vienna khởi động Phong Trào Do Thái lập quốc trên thế giới.

Phong trào lập quốc Do Thái được đẩy mạnh trong đệ nhất thế chiến. Nó trở thành một nhu cầu bức thiết cho người Do Thái sau gần 2000 năm sống lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Khi Hitler nắm chánh quyền ở Ɖức, người Do Thái bị ngược đãi. Nhiều người Do Thái phải rời khỏi nước Ɖức. Trong số nầy có nhà bác học Einstein. Trong đệ nhị thế chiến Hitler thi hành chánh sách diệt chủng Do Thái tàn bạo khiến cho 6 triệu người Do Thái bị giết chết trong các phòng hơi ngạt và lò hỏa thiêu.

Năm 1948 quốc gia Do Thái được thành lập trên dải đất mà tổ phụ họ đã hứa trong thời Cựu Ước. Hai quốc gia đầu tiên công nhận quốc gia Do Thái (Israel) là Hoa Kỳ và Liên Sô. Một ngày sau khi David Ben Gurion đọc tuyên ngôn thành lập quốc gia Do Thái, liên minh các nước Á Rập gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon, Iraq, Saudi Arabia, chí nguyện quân Pakistan, Sudan, Huynh Ɖệ Hồi Giáo Ai Cập tấn công Do Thái ở ba mặt bắc, đông và nam. Cuộc chiến kéo dài từ ngày 15-05-1948 đến 10-03-1949. Chiến thắng nghiêng về Do Thái. Các nước tham chiến ký thỏa hiệp ngưng bắn riêng rẽ vào năm 1949 ngoại trừ Palestine và Iraq. Theo thỏa hiệp ngưng bắn 1949 quốc gia Do Thái rộng 21.000km2. Jordan kiểm soát West Bank. Ai Cập kiểm soát dải Gaza. 700.000 người Palestine rời khỏi vùng đất do Do Thái chiếm làm quốc gia. Họ tập trung ở West Bank và dải Gaza. Một số khác sống rải rác ở Jordan, Syria, Lebanon.

Năm 1956 đại tá Nasser của Ai Cập quốc hữu hóa kinh đào Suez. Liên quân Anh-Pháp tấn công Ai Cập. Do Thái xua quân chiếm bán đảo Sinai. Do sự can thiệp của Hoa Kỳ và Liên Sô liên quân Anh-Pháp rút khỏi Ai Cập. Do Thái trả bán đảo Sinai cho Ai Cập. Uy tín Nasser lên cao nhờ cuộc khủng hoảng kinh đào Suez nầy.

Năm 1967 Ai Cập, Jordan và Syria tấn công Do Thái và bị đánh bại trong vòng 6 ngày chiến đấu. Do Thái chiếm West Bank và đông Jerusalem của Jordan, dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập, đồi Golan của Syria.

Năm 1973 Ai Cập và Syria tấn công Do Thái bất thình lình. Do Thái bị thiệt hại nặng trong những ngày đầu của cuộc chiến. Nhưng cuối cùng họ cũng làm chủ tình hình trên chiến trường. Tổng thống Sadat của Ai Cập từ bỏ chủ trương diệt Do Thái của Nasser. Qua trung gian của tổng thống Hoa Kỳ Carter, năm 1979 Ai Cập bang giao với Do Thái. Do Thái hứa sẽ trả bán đảo Sinai lại cho Ai Cập. Chỉ còn Syria đeo đuổi lập trường chống sự hiện diện của Do Thái ở Trung Ɖông. Họ nhận viện trợ của Iran. Người Palestine tỵ nạn ở Jordan, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Lebanon, Syria thành lập những tổ chức chánh trị võ trang chống Do Thái.

Khoảng cuối thập niên 1950 tổ chức Al Fatah ra đời. Người ta cho rằng ông Yasser Arafat lập ra tổ chức nầy khi làm kỹ sư công chánh ở Kuwait. Tổ chức nầy có nhiều thành viên ở Jordan, Syria, Kuwait và Lebanon. Jordan là nơi có nhiều người tỵ nạn Palestine sinh sống. Thành viên Fatah là những dân quân du kích võ trang đánh phá các nông trường của Do Thái. Tổ chức Fatah được xem là nhóm cực đoan lúc bấy giờ. Tổ chức nầy hoạt động đắc lực cho Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) do Arafat thành lập năm 1964. PLO gây thiệt hại đáng kể cho Do Thái trong những năm 1969, 1970. Trong năm 1969 du kích Palestine ở Jordan tấn công Do Thái 2.000 lần.

Dân quân Palestine đe dọa chế độ quân chủ của Hussein ở Jordan. Vua Hussein ra lịnh trục xuất người Palestine ra khỏi Jordan. Xe tăng Syria tiến vào Jordan yểm trợ cho dân quân Fatah khiến Jordan phải dùng phi cơ oanh tạc xe tăng của Syria xâm lăng. Ɖể trả thù đường lối bất lợi cho người tỵ nạn Palestine của vua Hussein, thành viên Fatah ám sát thủ tướng Jordan là Wasfi al-Tal ở Cairo năm 1971. Người ám sát thuộc nhóm Tháng Chín Ɖen của Fatah khum xuống liếm máu người chết đang chảy vọt! Người Palestine tỵ nạn chạy sang Syria và Lebanon. Syria sợ Do Thái tấn công nên khuyên họ nên rời khỏi nước nầy!

Năm 1972 Tháng Chín Ɖen giết chết 11 lực sĩ Do Thái tham dự Thế Vận Hội Munich, Tây Ɖức. Vua Hussein của Jordan lên án cuộc tàn sát nầy của Tháng Chín Ɖen, nhóm từng gây sóng gió tại quê hương ông khi Jordan chứa chấp họ.

Năm 1982 Do Thái xua quân xâm lăng Lebanon nhằm diệt trừ dân quân Fatah. Các lãnh tụ của Fatah và PLO xuống tàu rời Lebanon. Người thì đi Tunisia. Người thì đi Algeria, Yemen v.v… Từ chiến tranh Lebanon hoạt động của người Palestine ở đó không còn mạnh nữa. Bù lại người Palestine được sự yểm trợ của nhóm Hồi Giáo Shiite cực đoan ở phía Nam Lebanon. Ɖó là nhóm Hezbollah được sự viện trợ và huấn luyện của Iran. Syria là quốc gia trung gian giữa Iran và tổ chức Hezbollah. Năm 1985 tình báo Do Thái tấn công tổng hành dinh của PLO ở Tunisia. Thủ lãnh Arafat thoát chết vì đã rời nơi đó. Năm 1988 tình báo Mossad của Do Thái ám sát một thủ lãnh khác của PLO là Khalif Wal-Wazir.

Ở Gaza năm 1987 Ahmed Yassin và Al-Rantissin lập ra nhóm Hamas quá khích hơn cả nhóm Fatah của Arafat. Nhóm Hamas cương quyết không chấp nhận sự hiện hữu của nước Do Thái ở Trung Ɖông. Họ dùng khủng bố, thánh chiến, mang bom tự sát chống Do Thái vì đấng Allah. Hamas đấu tranh đòi thành lập nước Palestine. Người Palestine theo đạo Hồi phái Sunni. Ɖường lối quá khích của Hamas bị Hoa Kỳ và các nước Âu Châu liệt họ vào thành phần khủng bố. Họ được sự ủng hộ của Huynh Ɖệ Hồi Giáo Ai Cập, Iran, Syria và nhóm Hezbollah, một nhóm Hồi Giáo quá khích thuộc phái Shiite. Hamas được Iran huấn luyện, tài trợ và cung cấp võ khí, đạn pháo để pháo kích vào lãnh thổ Do Thái. Nhóm Hamas xem Yasser Arafat chưa đủ quá khích nhằm hủy diệt Do Thái.

Ngày 13-09-1993 những thỏa thuận Oslo 1 được ký kết tại Washington D.C. trước sự hiện diện của thủ lãnh PLO là Yasser Arafat, thủ tướng Do Thái Rabin và tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Thỏa ước mang chữ ký của ngoại trưởng Palestine Abbas, ngoại trưởng Do Thái Peres, ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher và ngoại trưởng Nga Kozyrev. Theo đó, PLO nhìn nhận quốc gia Do Thái và từ bỏ bạo động chống Do Thái. Do Thái công nhận West Bank và dải Gaza là nơi cư trú của người Palestine. Ɖó là vùng tự trị có chánh quyền của người Palestine. Do Thái rút quân đội ra khỏi hai vùng này sau khi đánh bại Jordan và Ai Cập trong cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967. Sau khi chiến thắng Do Thái muốn biến Jerusalem thành thủ đô của họ nghĩa là chiếm hẳn đông Jerusalem.

West Bank rộng 5.860km2 với 5.640km2 đất và 220km2 nước. 1/3 lãnh thổ của West Bank dùng để canh tác, 1/3 khác dùng để chăn nuôi. West Bank có đông Jerusalem, Hebron, Nablus, Bethlehem, Jericho đều là những thành phố lịch sử và tôn giáo quan trọng đối với người Do Thái. Nếu xứ Palestine hình thành, Do Thái mất hẳn các thành phố cổ vừa kể, nhất là Jerusalem. Người Palestine muốn Jerusalem thành thủ đô của xứ Palestine. Do Thái cũng muốn nó là thủ đô thay cho Tel Aviv. Palestine cho rằng Jerusalem là thành phố của Hồi Giáo. Do Thái biện luận rằng Thánh Kinh Do Thái đề cập đến Jerusalem trên 600 lần trong khi Thánh Kinh Coran Hồi Giáo không đề cập đến thành phố nầy lần nào cả!

West Bank có 1,5 triệu người Palestine sinh sống. Có 275.000 người Do Thái sống ở West Bank. Hiện nay Do Thái tiếp tục xây cất thêm nhà ở West Bank.

Dải Gaza có một đoạn bờ biển ngắn dọc theo Ɖịa Trung Hải (41km). Dải Gaza không có sông. Nước ngọt rất hiếm. Gaza và West Bank không liền nhau mà tách ra xa. Gaza có gần 2 triệu dân. Từ năm 1967 đến 2005 Do Thái cất nhiều nhà hướng ra biển. Năm 2005 chánh phủ Do Thái ra lịnh phá hủy những ngôi nhà đắt tiền nầy và ra lịnh cho người Do Thái rời khỏi dải Gaza.

Từ năm 1996 đến 2004 Arafat là lãnh tụ của người Palestine ở West Bank và Gaza. Hamas được thành lập năm 1987 tại đây với chủ trương bất khoan nhượng đối với Do Thái và dùng khủng bố, thánh chiến (jihad) để tiêu diệt nước nầy. Năm 2004 Arafat qua đời. Cái chết của ông làm cho nhóm Fatah yếu đi. Từ năm 1993 về sau nhóm Fatah được xem là nhóm ôn hòa, thỏa hiệp với Do Thái. Ống Arafat được giải thưởng Nobel Hòa Bình cùng với thủ tướng Rabin của Do Thái nhờ những thỏa ước Oslo 1 năm 1993, còn gọi vắn tắt là Tuyên Ngôn Nguyên Tắc. Dải Gaza trở thành chiến khu thành thị của Hamas chống Do Thái. Thành viên Hamas tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ Do Thái và cho bom nổ tự sát gây tiếng vang trên thế giới, nhất là trong các quốc gia Hồi Giáo và tạo sự nơm nớp lo sợ cho người Do Thái. Do Thái lẫn Hamas đều theo phương châm của người Do Thái cổ lấy răng chống răng, lấy mắt chống mắt. Họ trả đũa nhau đẫm máu. Tình báo Do Thái Mossad nổi tiếng về tin tức bén nhạy, chính xác và những hành động dánh trả nhanh chóng, kiến hiệu. Mỗi lần bị Hamas tấn công, bắt cóc hay pháo kích, họ dùng phi cơ, xe tăng và tàu chiến từ ngoài khơi Ɖịa Trung Hải nhắm vào nơi xuất phát để oanh tạc và bắn phá. Họ cũng nhắm vào nhà của các lãnh tụ Hamas để giết hại. Một lãnh tụ của Hamas ở hải ngoại là Khaled Mashaal bị ám sát hụt năm 1997. Ống bị chích thuốc vào tai nhưng kịp thời đến bịnh viện nên được cứu thoát chết. Năm 2004 hai sáng lập viên của tổ chức Hamas là Ahmed Yassin và Al Rantissa lần lượt bị phi cơ Do Thái bắn chết. Năm 2010 một lãnh tụ Hamas khác là Mahmoud Mabhouh bị ám sát chết trong một khách sạn ở Dubai.

Ɖể chống khủng bố Hamas xâm nhập vào Do Thái, nước nầy xây một bức tường dài 60 km dọc theo biên giới Do Thái-Gaza. Bức tường nầy được tái thiết năm 2000 và 2001. Kết quả là từ năm 1994 đến năm 2004 chỉ có một vụ nổ bom ở Ashdod mà thôi.

Gaza có nhiều đường hầm kiên cố được xây bằng xi măng cốt sắt nối liền bán đảo Sinai, bờ biển và biên giới Do Thái. Ɖường hầm là nơi buôn lậu khí giới, hàng hóa từ Ai Cập vào Gaza. Ɖó là nơi trú ẩn của các thành viên Hamas, là nơi tồn giữ võ khí, sản xuất đạn pháo để pháo kích vào Do Thái. Thỉnh thoảng Hamas bắt cóc binh sĩ Do Thái như trường hợp hạ sĩ Gilad Shalit năm 2006 để trao đổi với hàng ngàn dân quân Hamas bị Do Thái giam giữ. Những cuộc không kích hay đổ bộ của quân Do Thái vào Gaza đều nhắm vào các đường hầm ăn thông từ nhà nầy đến nhà khác nên thường dân bị thiệt hại rất nhiều. Hamas biến toàn thể người Palestine ở Gaza thành kẻ thù của Do Thái bằng cách ẩn núp, đặt súng ở nhà thường dân. Khi bị oanh kích, dân quân Hamas chết ít trong khi phụ nữ, trẻ em chết rất nhiều. Họ dùng những cái chết thê thảm nầy để gây hận thù đối với người Do Thái và làm cho dư luận thế giới cực lực lên án Do Thái. Hoa Kỳ, đồng minh quan trọng của Do Thái, cũng kêu gọi Do Thái “kềm chế” để tránh gây thiệt mạng cho thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Do Thái phân bua rằng họ hành động vì tự vệ, vì bị Hamas liên tục pháo kích vào các làng mạc ở miền Nam Do Thái. Họ không nhắm vào thường dân mà qui tội cho Hamas dùng thường dân để đỡ đạn khi bị oanh kích hay bị bộ binh Do Thái tấn công.

Trong cuộc bầu cử năm 2006 Hamas thắng cử. Lãnh tụ Hamas ở Gaza là Ismail Haniyeh lên làm thủ tướng. Hamas không ngần ngại dùng bạo lực đánh đuổi phe Fatah ra khỏi Gaza năm 2007. Thế là có hai vùng người Palestine: một ở West Bank và một ở Gaza. Hoa Kỳ, Liên Âu và Do Thái xem Hamas là một tổ chức khủng bố nên không bang giao và giúp đỡ cho chánh phủ do lãnh tụ Hamas là Ismail Haniyeh đứng đầu. West Bank có chánh phủ riêng và được viện trợ từ các nước ngoài. Chánh phủ Hamas ở Gaza bị cô lập. Nạn thất nghiệp lên đến 70%. Nhân viên chánh phủ không được trả lương điều hòa. 80% dân chúng Palestine sống trong nghèo khó. Hamas chống Do Thái. Syria cũng là quốc gia kiên cường chống Do Thái vì đã mất đồi Golan (1967) và mất ảnh hưởng ở Lebanon. Nhưng chánh phủ Syria yêu cầu lãnh tụ Hamas hải ngoại là Khaled Mashaal rời khỏi Damacus vì Hamas liên hệ chặt chẽ với Huynh Ɖệ Hồi Giáo ở Ai Cập. Syria cũng sợ Do Thái tấn công nếu chứa chấp lãnh tụ Hamas. Khaled Mashaal hiện sống ở Qatar. Hamas cũng bị cấm hoạt động ở Jordan.

Sự thắng cử của Morsi ở Ai Cập năm 2012 giúp ích cho phe Hamas ở Gaza rất nhiều. Morsi được sự ủng hộ tích cực của Huynh Ɖệ Hồi Giáo, một tổ chức bị chế độ quân nhân Ai Cập cấm hoạt động từ năm 1952 đến 2011, năm tổng thống Mubarak bị lật đổ. Kinh đào Suez mở cửa cho tàu bè Iran tiến vào Ɖịa Trung Hải. Việc du nhập võ khí, hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu xây cất,… từ Ai Cập vào Gaza qua các đường hầm nối liền Gaza-Sinai được dễ dàng. Dân quân Hồi Giáo quá khích ở Sinai hợp tác cùng Hamas đe dọa biên giới Do Thái. Hamas cứ pháo kích vào Do Thái để bị trả đũa bằng không quân qua những cuộc oanh kích hay xâm lăng của bộ binh gây thiệt hại nhân mạng và thiệt hại vật chất để tạo dư luận thế giới lên án Do Thái.

Cứ mỗi lần bị Do Thái tấn công gây đổ nát thành phố và chết chóc thì họ được các nước trong khối Á Rập ảnh hưởng, nhất là Ai Cập và tổ chức Liên Hiệp Quốc, lên tiếng can thiệp và đề nghị ngưng bắn. Gaza nhận hàng tỷ Mỹ kim từ các nước Á Rập để tái thiết thành phố bị thiệt hại, củng cố các đường hầm, sản xuất hỏa tiễn nội hóa chuẩn bị những đợt pháo kích mới. Do Thái phong tỏa bờ biển Gaza để phòng sự xâm nhập võ khí và vật liệu xây địa đạo ăn thông vào Do Thái để tấn công hay hay bắt cóc lính Do Thái. Sự phong tỏa chặt chẽ nầy làm cho bang giao giữa Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng khi một chiếc tàu chở hàng tiếp tế cho Palestine ở Gaza bị Do Thái chận bắt và gây thiệt mạng cho 9 người Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo duy nhất không chống Do Thái  kể từ khi nước nầy lập quốc. Ɖể xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, Washington yêu cầu Do Thái xin lỗi về sự việc đáng tiếc ngoài khơi Ɖịa Trung Hải vào năm 2010 làm cho 9 người trên tàu bị chết. Thủ tướng Netanyahu điện thoại xin lỗi thủ tướng Erdogan (2013). Bang giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái được tốt đẹp như xưa.

Tháng 7 năm 2013 tổng thống Morsi bị tướng Sissi lật đổ. Huynh Ɖệ Hồi Giáo rơi vào tình trạng tiền cách mạng mùa xuân Á Rập (2011). Sissi ra lịnh phá vỡ các đường hầm nối liền Gaza và Sinai. Hamas bị cô lập.

Hoa Kỳ làm trung gian cho Do Thái và Palestine thương thuyết hòa bình và việc ra đời của nước Palestine. Cuộc thương thuyết trở nên miễn cưỡng đối với Do Thái. Thủ tướng Do Thái Netanyahu có nhiều bất đồng chánh kiến với Washington dưới thời tổng thống Obama. Ống cho phép người Do Thái xây cất thêm nhà cửa ở West Bank mặc cho những lời khuyến cáo từ phía Hoa Kỳ. Abbas muốn West Bank không có người Do Thái. Thực tế đã có 275.000 người Do Thái sống ở đó và nhiều nhà mới được dựng lên. Abbas muốn chọn Jerusalem làm thủ đô cho xứ Palestine. Do Thái muốn thiên đô từ Tel Aviv về Jerusalem! Sự thống nhất giữa Fatah ở West Bank và Hamas ở Gaza là cái cớ quan trọng để Do Thái ngưng thương thuyết với Abbas, viện lẽ Hamas là một tổ chức khủng bố không công nhận sự hiện hữu của quốc gia Do Thái. Vụ bắt cóc ba thiếu niên Do Thái rồi giết chết ở West Bank làm cho dư luận Do Thái nổi giận. Cuộc bố ráp và tìm kiếm thủ phạm diễn ra.

Ở Gaza dân quân Hamas pháo kích Do Thái. Nhờ có hệ thống phòng thủ Iron Dome sự thiệt hại của Do Thái được giảm thiểu sau hàng ngàn hỏa tiễn được bắn vào các làng mạc ở miền Nam Do Thái. Do Thái oanh tạc hàng ngàn địa điểm có đường hầm, nơi ẩn úp của chiến binh Hamas và nơi đặt giàn phóng hỏa tiễn nội hóa hay hầm chứa võ khí. Thường mỗi lần bị Do Thái tấn công như vậy sự thiệt hại của Palestine rất lớn về cả hai mặt: vật chất và nhân mạng. Cuộc chiến tranh Gaza vào tháng 7-2014 rất đẫm máu. Nhiều nhà cửa, đường hầm bị phá hủy. Do Thái chuẩn bị dư luận và chiến tranh rất chu đáo. Họ thông báo cho dân chúng Palestine di tản trước khi phi cơ oanh tạc và tàu chiến, xe tăng nã đạn. Họ đơn phương chấp nhận đề nghị ngưng bắn của Ai Cập giữa lúc Hamas từ khước và tiếp tục pháo kích vào Do Thái mặc dù không gây thiệt hại bao nhiêu cho Do Thái ngoài việc gây lo âu và hốt hoảng của dân chúng khi nghe còi báo động. Ɖề nghị ngưng bắn của Ai Cập được tiếp nối bởi đề nghị ngưng bắn vài giờ của Liên Hiệp Quốc để cứu trợ nạn nhân ở  Gaza. Nhưng liền sau đó cuộc chiến lại tiếp diễn. Do Thái cho rằng Hamas vẫn pháo kích và họ phải trả đũa tự vệ. Hamas không gặp thuận lợi trong chiến tranh Gaza năm 2014:

Nhiều người hỏi:

1. Xét tương quan lực lượng Hamas không thể đương đầu hữu hiệu trước sự tấn công của không quân, hải quân và lục quân Do Thái. Tại sao họ vẫn khiêu khích cho Do Thái tàn phá dải đất 390km2 với gần 2 triệu cư dân?

a- Ɖó là cách gợi cho thế giới, nhất là thế giới Hồi Giáo, về sự hiện diện của một tổ chức Hồi Giáo Sunni cực đoan chống Do Thái và dùng dư luận thế giới lên án Do Thái giết thường dân.
b- Vận động sự trợ giúp tiền bạc và võ khí từ các nước Hồi Giáo từng nuôi dưỡng sự thù ghét Do Thái trong huyết quản.
c- Trong sự nghèo khó nào của đa số quần chúng cũng có sự giàu sang của một thiểu số “công dân ưu quyền”. Càng tàn phá nhiều càng có nhiều quốc gia ân nhân giúp đỡ. Người lãnh thầu xây địa đạo, nhà cửa, giáo đường sẽ thu nhiều lợi lộc. Người buôn lậu võ khí, buôn lậu nhiên liệu, nhu yếu phẩm, hàng hóa xa hoa từ Ai Cập vào Gaza qua các hệ thống đường hầm sẽ có nhiều mối lợi to lớn. Các lãnh tụ vẫn có dinh thự nguy nga tráng lệ, nhà nghỉ mát ngoài bờ biển, hầm trốn bom đạn đầy đủ tiện nghi và an toàn. Ống Khaled Mashaal hay Ismail Haniyeh sống phú túc và vương giả. Một người sống ở Damacus rồi Qatar. Người kia sống an toàn và hạnh phúc ở Gaza.

2. Có phải chăng người Palestine ở dải Gaza yêu “lý tưởng” diệt Do Thái mặc cho 70% dân số bị thất nghiệp và 80% người Palestine Gaza sống trong nghèo khổ?

– Cách đây 1/4 thế kỷ có thể đó là lý tưởng của họ. Bây giờ có thể là lý tưởng gượng ép. Nếu Do Thái bị xóa tên trên bản đồ, họ sẽ được hưởng cái gì? Ɖó là điều mà họ có thể nghĩ nhưng không bao giờ dám nói ra. Sự sợ sệt kéo dài sự đau khổ của chính họ và của người Do Thái từ thế hệ nầy đến thế hệ khác.

 

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2014