Phạm Đình Lân
Chuyện dài Afghanistan
…Cảnh không thắng cũng không bại của Mỹ là ước muốn của Moscow và Beijing (Bắc Kinh).
Đó là cách gây tiêu hao cho nước Mỹ và bào mòn ý chí của người Mỹ…
Mọi người trên Trái Đất đều có định số. Mọi quốc gia cũng có định số của nó. Afghanistan (A Phú Hãn) là quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt và do đó, có định số cũng đặc biệt.
Afghanistan là một quốc gia Trung và Nam Á giữa các quốc gia to lớn có nền văn minh cổ xưa như Ẩn Độ (Bà La Môn Giáo), Trung Hoa (Khổng - Lão Giáo), Ba Tư (Persia - Iran; Hỏa Giáo tức Zoroastrianism, tôn giáo độc thần cổ xưa trên thế giới do Zoroaster truyền giảng).
Afghanistan rộng 650.000km2 (rộng gấp 02 lần nước Việt Nam). Xứ có nhiều núi non, sa mạc, ít sông ngòi. Afghanistan theo Hồi Giáo đa số thuộc phái Sunni. Nước này có biên giới chung với các nước Hồi Giáo như Iran, Turkmenistan (cựu Cộng Hòa Sô Viết), Uzbekistan (Cựu Cộng Hòa Sô Viết), Pakistan, Kyrgyztan (cựu Cộng Hòa Sô Viết) và Trung Quốc (một phần biên giới chung ngắn nối liền Sinkiang (Tân Cương Hồi Giáo).
Năm 1973 chế độ quân chủ do vua Zahir Shah (Shah không phải là họ hay tên mà là vương tước) đại diện bị lật đổ. Muhammad Daoud Khan thành lập nền Cộng Hòa và là tổng thống của chế độ mới. Daoud Khan là nhà độc tài phỏng theo chánh sách cai trị của Cộng Sản Liên Sô. Đến năm 1978 Daoud Khan bỏ Liên Sô để hướng về Saudi Arabia và Iran. Lúc ấy Iran còn thân Mỹ. Liên Sô cho những người Cộng Sản Afghanistan lật đổ Daoud Khan. Noor Tarak thay Daoud Khan rồi bị giết chết năm 1979. Amin lên làm tổng thống và bị giết chết vào cuối năm 1979 khi Liên Sô xâm lăng vào Afghanistan. Liên Sô đưa Karmal lên lãnh đạo Afghanistan Cộng Sản. Đến năm 1986 Karmal được Muhammad Najibullah thay thế. Nhiều quân sĩ Afghanistan bỏ ngũ khi quân Liên Sô xâm lăng Afghanistan. Các nhà lãnh đạo tinh thần Hồi Giáo chống lại sự xâm lăng của Liên Sô và chủ nghĩa Cộng Sản chủ trương hủy diệt tôn giáo. Dân Afghanistan dùng chiến thuật du kích để đánh quân Liên Sô. 80% dân chúng Afghanistan là dân nông thôn và sơn thôn. Thị dân chỉ có 20%. Du kích Afghanistan rất quá khích trong việc đánh đuổi xâm lăng. Họ xem việc đánh Liên Sô là một cuộc Thánh chiến. Người Afghanistan theo Liên Sô bị xử tử nếu bị bắt. Thân nhân của họ cũng bị trừng phạt nghiêm khắc. Đến năm 1988 Liên Sô đành phải rút quân ra khỏi Afghanistan như một cường quốc bại trận. Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ.
Chánh phủ Cộng Sản của Najibullah cũng sụp đổ theo sau sự rút quân Liên Sô ra khỏi Afghanistan. Najibullah bị hành hình. Từ năm 1988 đến 1996 có sự tương tàn giữa các phe kháng chiến chống Liên Sô trước kia. Cuối cùng phe Taliban của Muhammad Omar nắm chánh quyền. Luật Sharia được thi hành nghiêm nhặt. Afghanistan dung chứa Osama bin Laden lập trại huấn luyện khủng bố để hoạt động khắp thế giới.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở Afghanistan (photo by Cpl Alejandro Pena)
Sau vụ 11-09-2001 xảy ra ở New York và Washington DC (Pentagon) Mỹ tấn công Afghanistan nơi chứa chấp Osama bin Laden và tổ chức khủng bố Al Qaeda. Chánh quyền Taliban sụp đổ. Quân Mỹ và NATO vào Afghanistan. Taliban thua nhưng không đầu hàng. Osama bin Laden và Omar không bị bắt. Năm 2003 Mỹ lại quyết định tấn công Iraq nhằm lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein. Hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq dưới thời tổng thống Bush II (Cộng Hòa) khiến cho Mỹ trở thành con nợ lớn nhất thế giới và rơi vào sự suy thoái kinh tế trầm trọng vào năm 2008. Để giảm bớt nợ và cứu vãn sự suy thoái kinh tế, tổng thống Obama, vị tổng thống Da Đen đầu tiên của Mỹ, hứa sẽ rút quân khỏi Iraq vào năm 2011 và Afghanistan vào năm 2014. Các quốc gia trong khối NATO lần lượt rời khỏi Afghanistan. Taliban vùng lên, sống dậy. Chánh phủ Kabul có vẻ yếu thế trước đội quân Taliban (Talib: sinh viên Hồi Giáo) quá khích và già dặn kinh nghiệm tác chiến. Tổng thống Obama không rút hết quân ra khỏi Afghanistan như đã làm ở Iraq mà lưu lại trên 8.500 quân sĩ Mỹ ở đó. Chiến tranh Afghanistan là cuộc chiến tranh tiêu hao và dai dẳng nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ. Chiến binh Taliban thường xuyên đe dọa chánh phủ Kabul bằng cách đánh bom tự sát, dùng những tay súng tấn công vào các cơ quan chánh phủ kể cả cơ quan tình báo Afghanistan. Taliban móc nối với quân sĩ trong quân đội Afghanistan để giết hại quân sĩ Mỹ, NATO và các người ngoại quốc làm thiện nguyện v.v… Taliban hoạt động chẳng những ở Afghanistan mà còn hoạt động ở Pakistan nữa. 80% dân chúng Afghanistan sống ở nông thôn. 20% sống ở thành phố. Tỷ lệ dân chúng Afghanistan ủng hộ chánh phủ Kabul là bao nhiêu? Câu trả lời chính xác thì khó nhưng câu trả lời khách quan và có xác xuất đúng trên 50 - 60% thì rất dễ. Dân nông thôn có cảm tình với Taliban vì tình đồng chủng, đồng đạo và hoài nghi người ngoại quốc. Một số khác ở trong tình thế phải có cảm tình và tán trợ Taliban. Nếu không, họ sẽ bị giết một cách thê thảm. Ngay cả quân sĩ trong chánh phủ Kabul cũng dễ dàng bị móc nối. Nếu chống lại, thân nhân của họ ở nông thôn hay sơn thôn sẽ mang họa! Chánh phủ Kabul là một chánh phủ hoàn hảo? Câu trả lời đó tương lai thẩm định.
Afghanistan trở thành địa bàn hoạt động của các nhóm Hồi Giáo quá khích được thế giới Tây Phương xem là khủng bố như Taliban, Al Qaeda, ISIS.
Quân khủng bố Taliban (ejbron.wordpress.com)
Afghanistan được Nga, Trung Quốc, Iran, Pakistan, Ẩn Độ đặc biệt để ý đến. Đó là con đường xâm lăng cổ xưa của Alexander Đại Đế của xứ Macedonia, của Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn), của Ấn Độ. Nga và Anh đều có xâm lăng Afghanistan vào thế kỷ XIX (Nga muốn mở đường Nam tiến trong khi Anh muốn bảo vệ thuộc địa Ấn Độ nên phải xâm lăng Afghanistan và ngăn chặn sự đe dọa của Nga), sự xâm lăng của Liên Sô (1979 - 1988), sự xâm lăng của Mỹ (2001 - ).
Iran và Pakistan muốn gây ảnh hưởng đối với nước láng giềng Afghanistan đồng đạo. Iran theo Hồi Giáo Shiite. Afghanistan và Pakistan theo Hồi Giáo Sunnite. Về mặt tôn giáo ảnh hưởng của Pakistan quan trọng hơn Iran.
Xưa kia Ấn Độ từng xâm lăng Afghanistan. Bây giờ nếu Ấn Độ có ảnh hưởng ở đó thì họ có cơ hội nắm thế thượng phong đối với Pakistan, quốc gia thù nghịch của Ấn Độ kể từ ngày độc lập và qua phân bán đảo Ấn Độ năm 1947.
Sau khi đa số quân Mỹ rút khỏi Afghanistan Trung Quốc bắt đầu dòm ngó các quặng mỏ ở đây. Ngoài á phiện, Afghanistan có nhiều mỏ vàng, chì, uranium, khí đốt v.v… Trữ lượng quặng mỏ của Afghanistan ước lượng trên 1 cải (trillion) Mỹ kim tức 1.000 tỷ Mỹ kim. Trung Quốc có một đoạn biên giới gắn với Afghanistan. Đó là đường thâm nhập hay trung tâm huấn luyện khủng bố đưa vào Sinkiang (Tân Cương) hoạt động chống chánh quyền Cộng Sản Trung Quốc. Đó là một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc quan tâm đến Afghanistan.
Đối với Mỹ vào được Afghanistan tức là xáp lại gần Ấn Độ, Iran, Nga, Trung Quốc và các cựu Cộng Hòa Sô Viết theo Hồi Giáo. Mỹ đã tốn trên 850 tỷ Mỹ kim ở Afghanistan nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Họ phải hiện diện ở đó và chấp nhận một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử.
Đối với Nga, họ hậm hực vì Mỹ từng giúp cho phe kháng chiến đánh đuổi quân Liên Sô phải rút khỏi Afghanistan trong cảnh thảm bại. Người ta tin rằng Nga trả thù Mỹ bằng cách cung cấp võ khí cho Taliban chống chánh phủ Kabul thân Mỹ. Mỹ vẫn còn duy trì 8.500 quân nhân Mỹ làm cố vấn và huấn luyện cho quân sĩ Afghanistan trong quân đội chánh phủ Kabul. Theo báo cáo chánh thức từ năm 2014 đến nay Taliban làm chủ tình hình ở 171 quận. Taliban cho rằng họ kiểm soát 211 quận và nửa tỉnh Kandahar. Một nguồn tin bi quan khác cho rằng Taliban có ảnh hưởng trên 50% lãnh thổ Afghanistan.
Một khu vực ở thủ đô Kabul, Afghanistan bị cô lập sau một vụ nổ bom làm thiệt mạng một binh sĩ NATO (ảnh: Reuters)
Ngày 21-08-2017 tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch chiến thắng khủng bố, chỉ trích và dọa Pakistan nhưng ông không nói rõ sẽ đưa bao nhiêu quân sang Afghanistan. Tổng thống Trump quá tự tin nên xem thường các tổng thống tiền nhiệm. Ông có những thiên anh hùng ca chiến thắng mà không cần biết thực tế chiến trường, loại chiến tranh đang phải đương đầu và thế nào là thắng bại. Những thiên anh hùng ca này được đưa ra ngay khi ông phải đương đầu với:
- vấn để đối nội: trong vòng 07 tháng chánh phủ của ông có nhiều viên chức cao cấp bị cách chức và từ chức; ủy ban điều tra của Mueller tiến gần đến việc điều tra các cộng sự viên thân cận của ông như Manafort, con trai của ông, rể của ông; ông lên tiếng chỉ trích chủ tịch Hạ Viện, trưởng khối đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, các nghị sĩ Tennessee vì chỉ trích ông thiếu khả năng, nghị sĩ Mc Cain vì không bỏ phiếu bãi bỏ Obamacare; nghị sĩ Nevada, nghị sĩ Arizona không ủng hộ việc bãi bỏ Obamacare (tất cả đều thuộc đảng Cộng Hòa!); tổng thống Trump bị xem là có cảm tình với đảng KKK, Tân Phát Xít sau vụ biểu tình bạo động ở Charlottesville. Một phụ nữ bị nhóm quá khích cực đoan nầy dùng xe hơi lao vào những người phản đối lại những người quá khích chủ trương kỳ thị chủng tộc. Tổng thống Trump không đả động gì đến việc một người ở Ohio dùng xe hơi làm chết một thiếu nữ ở Charlottesville. Giữa lúc cơn bão Harvey đe dọa tàn phá tiểu bang Texas, tổng thống tuyên bố ân xá cho một cảnh sát trưởng Arpio ở Arizona nổi tiếng là người chống lại những người nhập cư bất hợp pháp nên có những hành vi phạm luật và bị tòa án chế tài. Đây là một sự ân xá đặc biệt vì viên cảnh sát trưởng 85 tuổi này chưa bị tòa xử (đến tháng 10-2017 mới xử) và chính bản thân của ông này cũng không đệ đơn xin ân xá!! Giới quan sát cho rằng việc ân xá ông cảnh sát trưởng ở Arizona là một sự dằn mặt ông Mueller đang điều tra các ông Manafort, tướng Flynn, con trai và rể tổng thống Trump. Tổng thống Trump như ngầm nói rằng: “Ông cứ điều tra. Tôi sẽ ân xá cho họ.” Cùng thời gian bão này có một phụ tá của tổng thống Trump từ nhiệm v.v…
- vấn để đối ngoại: tổng thống Trump nhức đầu với Bắc Hàn. Trong 07 tháng cầm quyền ông chứng kiến bốn (04) lần tàu chiến của Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương vùng biển mà bây giờ được gọi là Indo-Pacific đụng với tàu buôn hay tàu dầu. Tổng cộng có gần 20 thủy thủ chết. Không nghe nói tàu buôn hay tàu dầu thiệt hại ra sao, chỉ biết tàu chiến của Mỹ bị thủng nặng và có thủy thủ chết. Phi cơ chở bom nguyên tử của Nga xuất hiện trên vòm trời Bắc Hàn. Phi cơ quân sự Nga xuất hiện trên vòm trời Washington DC, Nhật Hải và Hoàng Hải. Nga tập trận sát nách với Ba Lan. Bắc Hàn tiếp tục thử hỏa tiễn sau khi bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ cho rằng Bắc Hàn đã tự kềm chế sau khi Hội Đồng Bảo An LHQ biểu quyết trừng phạt Bắc Hàn!
Trở lại vấn đề Afghanistan phải đưa bao nhiêu quân sang đó để chiến thắng khủng bố?
Khủng bố ở đó là ai? Taliban? Al Qaeda? ISIS?
Dùng sức mạnh quân sự để đè bẹp chánh quyền Taliban thì Mỹ và NATO đã làm rồi năm 2001. Taliban thua nhưng không đầu hàng và tìm cách chổi dậy ngay dưới thời tống thống Bush II. Địa bàn của Taliban chẳng những là Afghanistan nhất là miền tây nam xứ này mà còn trên lãnh thổ của Pakistan nữa.
Tổng thống Donald Trump có cần nới rộng chiến tranh sang Pakistan không?
Trung Quốc vội vã lên tiếng binh vực Pakistan, quốc gia vừa nhận tiền của Mỹ nhưng là đồng minh gắn bó của Trung Quốc. Họ cần Trung Quốc để cân bằng lực lượng với Ấn Độ, kẻ thù bất khoan nhượng của họ.
Năm 1945 người Pháp trở lại tái chiếm Việt Nam. Người Việt Nam chống họ bằng tầm vông vạt nhọn chớ chưa có đầy đủ súng ống dù là súng cũ kỹ. Thế mà tướng Leclerc, người hùng giải phóng Paris năm 1944, nghĩ phải cần 500.000 quân mới bình định nổi. Tuy nghĩ vậy ông Leclerc có một ý nghĩ thực và thầm kín rằng cho dù có 500.000 quân Pháp cũng không thắng được một dân tộc khao khát độc lập đến nỗi sẵn sàng dùng tầm vông vạt nhọn đương đầu với võ khí tối tân, xe tăng, tàu chiến, phi cơ của Pháp. 500.000 quân, nếu có, sẽ trải mỏng trên ba nước Đông Dương rộng 750.000 km2 cũng không đủ sức bình định và kiểm soát lãnh thổ có kết quả. Tướng Leclerc biết như vậy vì chính ông sốt sắng tham gia cuộc kháng chiến chống phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Khi chỉ huy quân Pháp giải phóng Paris dưới sự hỗ trợ của quân Đồng Minh do Mỹ chỉ huy ông chỉ là một thiếu tá. Các tướng lãnh Pháp khác cười vỡ bụng khi thấy những người gầy đét, da sạm nắng, ăn mặc lôi thôi cầm tầm vông vạt nhọn chống quân Pháp trở lại Việt Nam và quân Anh-Ấn đến giải giới Nhật ở Sài Gòn. Họ nghĩ họ sẽ dẹp đám giặc cỏ này trong vòng 06 tháng. Vậy mà cuộc chiến kéo dài 09 năm với kết quả hoàn toàn trái ngược.
Dưới thời tổng thống Kennedy Việt Nam Cộng Hòa có 17.000 cố vấn Mỹ. Năm 1965 Hoa Kỳ đưa 200.000 quân đến Nam Việt Nam để giúp quân đội Việt Nam Cộng Hò chống Cộng Sản. Việt Nam Cộng Hòa rộng 175.000km2.
Đến năm 1969 quân số Mỹ được gởi sang Nam Việt Nam là 536.000 người được trang bị bằng các loại võ khí tối tân và được yểm trợ của các giàn pháo hùng hậu trên đất liền, trên tàu chiến ngoài khơi Thái Bình Dương và của các oanh tạc cơ kể cả B-52 từ các căn cứ ở bắc Thái Lan và trên đảo Guam. Hoa Kỳ rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam sau khi ký hiệp định Paris năm 1973. Hai năm sau Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Diện tích Afghanistan gấp đôi diện tích nước Việt Nam thống nhất và gần gấp 04 lần diện tích của Việt Nam Cộng Hòa. Afghanistan có 34 triệu dân trong đó có 80% dân nông thôn và sơn thôn tức 27 triệu người và 20% thị dân tức 07 triệu người.
Phải cần bao nhiêu quân để chiến thắng? Dựa vào yếu tố nào để xác định chiến thắng? Dựa vào xác chết của thủ lãnh nhóm khủng bố? xác chết của khủng bố? Thời gian chiến thắng có thể ước lượng trước được không? Chiến tranh chống khủng bố hay chống du kích thấy dễ mà khó vì tính phức tạp của chúng. Dễ vì họ có vẻ ít, thiếu võ khí, thiếu tổ chức, thiếu chỉ huy. Khó vì họ bám vào thường dân nhất là ở nông thôn và sơn thôn. Dân nuôi họ dù tự nguyện hay trong thế bị cưỡng bách phải làm như vậy. Dân dung chứa họ, làm tai mắt cho họ, làm bia đỡ đạn cho họ khi bị tấn công.
Sự khó khăn đối với quân sĩ Mỹ là làm sao phân biệt dân chúng với cán binh Taliban, khủng bố Al Qaeda và ISIS. Sự khó khăn này họ từng gặp ở Nam Việt Nam khi không thể phân biệt nông dân với du kích Cộng Sản. Ở miền Nam Việt Nam không xảy ra chuyện lính Việt Nam Cộng Hòa bắn quân sĩ Mỹ hay cố vấn Mỹ. Nhưng ở Afghanistan những chuyện như vậy đã xảy ra vài lần.
Nếu vào thập niên 1980 Hoa Kỳ giúp cho phe kháng chiến Afghanistan chống Liên Sô thì bây giờ thế nào Nga cùng trả đũa lại bằng cách giúp võ khí cho Taliban đánh phá chánh phủ Kabul thân Mỹ.
Anh và Nga thời Nga hoàng không thành công ở Afghanistan.
Liên Sô bị thảm bại ở đó.
Mỹ không thắng, không thua ở đó. Tình trạng như vậy kéo dài được bao lâu trong trạng thái không thắng, không thua nhưng hao tổn nhân lực, tài lực, vật lực và sự bào mòn tinh thần.
Phi trường quốc tế ở thủ đô Kabul, Afghanistan, gần sứ quán Mỹ, bị pháo kích. Cả Taliban và IS đều cho là hành động của tổ chức mình (ảnh Hedayatullah Amid/European Pressphoto Agency).
Nếu Mỹ rút đi thì Nga, Iran, Pakistan, Trung Quốc và Ấn Độ nhảy vào. Mỹ không có cơ hội có ảnh hưởng ở một vùng xa xôi gần Nga, Trung Quốc, Iran, Pakistan và Ấn Độ sau khi tổn phí chiến tranh lên đến gần 1.000 tỷ Mỹ kim.
Nếu Taliban chấp nhận tham gia liên hiệp với chánh phủ Kabul thì, với khí thế hiện có sớm muộn gì họ cũng lật đổ chánh phủ Kabul.
Gởi thêm vài ngàn quân có vẻ quá mỏng đối với một quốc gia rộng 650.000km2 để đảm bảo chiến thắng quân sự. Afghanistan đầy dẫy núi non, sa mạc. Khí hậu khắc nghiệt, ngày nóng đêm lạnh; mùa đông băng giá; mùa hè nóng bức; nguồn nước nghèo nàn; giao thông trắc trở, hiểm nghèo. Dân chúng không thiện cảm với người Bạch Chủng phương Tây và đạo Christ. Đó là sự thất thế to tát của đội quân ngoại nhập và chánh phủ Kabul do Mỹ yểm trợ.
Cảnh không thắng cũng không bại của Mỹ là ước muốn của Moscow và Beijing (Bắc Kinh). Đó là cách gây tiêu hao cho nước Mỹ và bào mòn ý chí của người Mỹ. Trong các loại bịnh có chứng chướng hơi (flatulence). Nó không phải là bịnh, không gây tử vong nhưng không tạo sự thoải mái cho người mang chứng ấy. Về phương diện chánh trị tôi tạm đặt tên chứng bịnh chánh trị này là POLITICAL FLATULENCE (chứng chướng hơi chánh trị) để diễn tả trạng thái không thắng, không bại của Mỹ ở Afghanistan vậy. Nguồn gốc của chứng nầy: KHÔNG TIÊU HÓA.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.