Phạm Đình Lân
Chuyện Bom Nguyên Tử
Trái bom nguyên tử đầu tiên được thí nghiệm ở Alamogordo, tiểu bang New Mexico, vào ngày 16-07-1945, một ngày trước khi Hội Nghị Postdam khai mạc theo ước muốn của tổng thống Harry Truman (Dân Chủ) của Hoa Kỳ. Người điều khỉển chương trình sản xuất bom nguyên tử là Giáo Sư Oppenheimer (1904 - 1967), một nhà vật lý Hoa Kỳ gốc Do Thái, dạy ở đại học Berkeley, California. Ông là nhà vật lý học lỗi lạc học ở Anh và được thăng chức Giáo Sư Thực Thụ (Professor Emeritus) của trường Berkeley năm 32 tuổi với 3.300 Mỹ kim/năm.
Ba tuần lễ sau khi việc thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên thành công, bom nguyên tử được liệng xuống Hiroshima ngày 06-08-1945. Ngày 09-08-1945 trái bom nguyên tử thứ nhì của Hoa Kỳ được thả xuống Nagasaki. Nhật Bản đầu hàng vì hai trái bom nguyên tử, loại võ khí giết người ghê gớm vừa được chế tạo. Ít ra có 225.000 nạn nhân của hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Ɖiều nầy làm cho ông Oppenheimer cảm thấy bàn tay ông có dính máu. Tổng thống Truman không hài lòng về chuyện bàn tay dính máu của ông.
Không bao lâu, năm 1949 Hoa Kỳ không còn là quốc gia độc quyền về võ khí nguyên tử: Liên Sô thí nghiệm thành công trái bom nguyên tử đầu tiên. Về phương diện chánh trị Oppenheimer không được chánh phủ Hoa Kỳ tin tưởng. Thậm chí có tin ông không phải là đảng viên Cộng Sản nhưng có liên lạc thường xuyên với một nữ đảng viên điều khiển Hội Ái Hữu Cộng Sản ở Hoa Kỳ.
Anh là cường quốc nguyên tử thứ ba trên thế giới sau khi thí nghiệm bom nguyên tử thành công ngoài khơi đảo Monte Bello Islands ở Úc Ɖại Lợi ngày 03-10-1952.
Sau đệ nhị thế chiến, Pháp hầu như kiệt quệ, lại phải đắm chìm trong cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa ở Ɖông Dương để hoàn thành mộng Pháp Quốc Vĩ Ɖại của tướng De Gaulle. Sự bại trận của Pháp năm 1954 làm cho địa vị cường quốc của Pháp lung lay. Algeria, Tunisia, Morocco theo gương Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Morocco và Tunisia tương đối ôn hòa trong khi Algeria võ trang đấu tranh như Việt Minh. Chiến tranh Algeria càng ngày càng đẫm máu giữa lúc chủ nghĩa thuộc địa trở nên lỗi thời sau đệ nhị thế chiến.Ɖa số các quân nhân Pháp chủ trương duy trì sự hiện diện của Pháp ở Algeria, nơi người Pháp có nhiều điền sản và nhà buôn. Họ nổi dậy yêu cầu tướng De Gaulle trở lại nắm chánh quyền (1958) như để mang một sinh khí quân sự mới trong chiến tranh bảo tồn thuộc địa ở Algeria. Tướng De Gaulle, người giải phóng nước Pháp sau 12 năm xa lánh chánh trường, không còn nghĩ đến việc duy trì chiến tranh bám giữ thuộc địa như trước vì muốn tránh né một Ɖiện Biên Phủ thứ hai ở Algeria, ý thức rằng chiến tranh làm cho nền kinh tế Pháp kiệt quệ và vì thế không bảo đảm sự thắng lợi. Khác với ước muốn của các quân nhân chủ trương duy trì thuộc địa ở Algeria, tướng De Gaulle ký hiệp ước trao trả độc lập cho Algeria (1962). Tổng thống De Gaulle tạo sự vĩ đại cho nước Pháp bằng cách:
Tướng Charles De Gaulle có nhiều kinh nghiệm trong việc bang giao với hai nước bạn Hoa Kỳ và Anh. Trong Ngũ Cường, Pháp và Trung Hoa là hai quốc gia bị Ɖức và Nhật chiếm đóng trong đệ nhị thế chiến. Trung Hoa có chánh phủ kháng chiến chống Nhật trên lãnh thổ của họ. Trái lại Pháp không có. Vì vậy sự đối xử của Anh và Hoa Kỳ đối với De Gaulle khác với sự đối xử với Thống Chế Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch). Tướng De Gaulle không được mời tham dự hội nghị nào với Roosevelt-Churchill-Stalin trong đệ nhị thế chiến.
Năm 1954 Việt Minh đánh bại Pháp ở Ɖiện Biên Phủ. Chiến tranh Ɖông Dương lần thứ nhất chấm dứt. Việt Nam bị chia đôi. Quân Pháp rời miền Bắc về tập trung ở phía nam vĩ tuyến 17.
Ở phía nam vĩ tuyến 17 Hoa Kỳ yểm trợ cho Thủ Tướng Ngô Ɖình Diệm củng cố quyền hành. Năm 1955 Thủ Tướng Ngô Ɖình Diệm lật đổ Quốc Trưởng Bảo Ɖại, thành lập Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1956 quân viễn chinh Pháp tập trung ở Vũng Tàu để hồi hương. Hoa Kỳ thay thế Pháp ở phía nam vĩ tuyến 17. Quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Hoa Kỳ không được nồng ấm. Năm 1960 ông Kennedy đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Vợ ông là một mỹ nhân gốc Pháp. Tổng Thống Kennedy tìm cách sưởi ấm quan hệ giữa hai nước nhưng kết quả không rõ rệt lắm.
Tổng Thống De Gaulle muốn có bom nguyên tử để tự vệ khi cần và nêu cao vai trò của Pháp trên thế giới. Ngày 13-12-1960 Pháp thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên ở Gerboise Blue (Gerboise: loài gặm nhấm trong sa mạc – gerboa) trong sa mạc Sahara thuộc Algeria khi chiến tranh Pháp-Algeria còn đang tiếp diễn. Pháp nghiễm nhiên trở thành cường quốc nguyên tử thứ tư sau Hoa Kỳ, Liên Sô và Anh.
Bà Marie Curie và chồng đã khám phá ra radium và polonium. Bà Marie Curie, một nhà vật lý và hóa học gốc Ba Lan mang quốc tịch Pháp, là nhà khoa học được lảnh giải thưởng Nobel hai lần (1901: giải Nobel về Vật Lý với chồng bà là Pièrre Curie, 1911 giải Nobel về Hóa Học). Con gái của bà, Irène Joliot Curie (1897 - 1956) cũng được giải Nobel về Hóa Học năm 1935. Nhưng khi Pháp thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên mạnh gấp bốn lần trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, có dư luận cho rằng các nhà khoa học Do Thái giúp cho Pháp sản xuất bom nguyên tử.
Khi nắm chánh quyền trên Hoa lục, Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) nóng lòng muốn biến Trung Hoa thành một đại cường quốc và ông là một đại lãnh tụ trong khối Cộng Sản. Ước muốn của ông là tham vọng thật của ông. Stalin không ưa gì Mao Zedong. Khrushchev càng thực tế hơn khi ngưng viện trợ kỹ thuật cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (1958). Bang giao Sô-Trung trở nên băng giá từ 1958 về sau. Dưới mắt Mao Zedong Hoa Kỳ là kẻ thù xa, trái lại Liên Sô là kẻ thù gần. Nhu cầu của Trung Quốc là cần có bom nguyên tử để tự vệ, ngăn ngừa sự tấn công của Liên Sô, Hoa Kỳ và để đe dọa các nước láng giềng, kể cả Ấn Ɖộ. Ngày 16-10-1964 trái bom nguyên tử đầu tiên của Hoa lục được thí nghiệm thành công ở Lop Nor, Xinjiang (Tân Cương). Trung Quốc là cường quốc nguyên tử thứ năm trên thế giới. Sự kiện nầy gây rúng động trên thế giới, nhất là ở Liên Sô và Nhật Bản. Khrushchev mất chức Tổng Bí Thơ đảng. Dân chúng Nhật trách chánh phủ Hayato Ikeda (1899 - 1965) quá bận rộn vì Thế Vận Hội Tokyo 1964 nên quên nước láng giềng có bom nguyên tử.
Ngũ Cường trong tổ chức Liên Hiệp Quốc đều có bom nguyên tử và bom khinh khí cùng các loại võ khí giết người hàng loạt khác.
Thế giới hậu đệ nhị thế chiến có nhiều điểm nóng gần như không sao giải quyết nổi. Ɖó là:
Ɖối với vài quốc gia việc sở hữu bom nguyên tử có hai tác dụng lớn.
Ấn Ɖộ, Pakistan (tên cũ: Hồi Quốc), Do Thái, các nước Á Rập hay Hồi Giáo chống Do Thái như Iraq, Syria, Iran đều muốn có bom nguyên tử để tự vệ, vượt trội và áp đảo kẻ thù. Bắc Hàn muốn có bom nguyên tử để dằn mặt Nam Hàn, Nhật Bản, đe dọa sự có mặt của quân sĩ Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Nhật Bản, ngăn ngừa sự dòm ngó của Trung Quốc.
Tiểu lục địa Ấn Ɖộ bị phân chia làm hai quốc gia riêng biệt dựa vào tôn giáo (Ấn Giáo và Hồi Giáo) khi người Anh trao trả độc lập cho bán đảo nầy. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô, Ấn Ɖộ và Liên Sô rất thân thiện nhau. Pakistan thân thiện với Trung Quốc nhưng luôn luôn được sự mơn trớn của Hoa Kỳ và được nhận viện trợ của Hoa Kỳ, thậm chí Pakistan từng là thành viên của SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Ɖông Nam Á). Ngày 18-05-1974 Ấn Ɖộ thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên trong sa mạc Thar, Rajasthan. Trái bom mang tên gọi kỳ dị: Phật Mỉm Cười (Smiling Buddha). Ẩn Ɖộ và Pakistan là hai nước thù nghịch khó tránh chiến tranh vì vấn đề Kashmir. Cả hai nước đều có võ khí nguyên tử. Giữa Ẩn Ɖộ và Trung Quốc không có sự cảm thông rốt ráo của hai nước láng giềng từng giải quyết vấn đề biên giới bằng chiến tranh năm 1962. Ấn Ɖộ như bị bao vây bởi hai quốc gia láng giềng có bom nguyên tử. Là một quốc gia đông dân thứ nhì sau Trung Quốc, nhưng trên một số lãnh vực hoạt động Ấn Ɖộ thua sút Trung Quốc rất nhiều. Ɖiều nầy kiểm chứng qua:
Ấn Ɖộ và Pakistan không thân thiện với Hoa Kỳ. Trong chiến tranh lạnh Ấn Ɖộ tự gán cho mình nhãn hiệu TRUNG LẬP nhưng thân thiện với Liên Sô hơn Hoa Kỳ.
Pakistan thân thiện với Cộng Sản Trung Quốc trên cơ sở kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn ta. Trong việc đấu lực giữa Ấn Ɖộ và Pakistan về vấn đề Kashmir và Ɖông Hồi (bây giờ là Bengladesh), Ấn Ɖộ ở vào thế thượng phong. Ɖó là nguồn gốc giải thích sự thân thiện giữa Pakistan đối với Trung Quốc và ước muốn có bom nguyên tử để tự vệ của quốc gia nầy. Ước muốn nầy đã được Tổng Thống Zulfika Ali Bhutto (1928 - 1979) thực hiện bằng cách xây lò nguyên tử vào năm 1972. Zulfika Ali Bhutto là thân sinh của nữ Thủ Tướng Benazir Bhutto (1953 - 2007) bị ám sát chết năm 2007. Tổng thống Zulfika Ali Bhutto bị hành quyết năm 1979. Gần 20 năm sau khi ông bị hành quyết Pakistan mới có trái bom nguyên tử đầu tiên (1998).
Chế độ quân chủ do vua Pahlavi đại diện bị lật đổ ở Iran năm 1979. Nền Cộng Hòa Hồi Giáo được thành lập ở Iran. Người Iran theo đạo Hồi phái Shiite. Họ tự hào với quá khứ sáng chói của người Aryan ở Trung Á và Trung Ɖông thời cổ. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran có tổ chức chánh trị giống như tổ chức chánh trị ở các nước Cộng Sản. Ở các quốc gia Cộng Sản người đứng đầu đảng Cộng Sản là người có quyền hành tuyệt đối chớ không phải Tổng Thống hay Chủ Tịch Nhà Nước, Thủ Tướng hay Chủ Tịch Quốc Hội. Ở Cộng Hòa Hồi Giáo Iran người có quyền tuyệt đối là Ayatollah, vị Giáo Chủ do Hội Ɖồng 82 Giáo Sĩ Cao Cấp được bầu chọn để bầu Ayatollah, tức Lãnh Tụ Tôn Giáo Tối Cao. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran có tham vọng lãnh đạo khối Hồi Giáo với một quốc gia rộng 1.650.000 km2 và 82 triệu dân. Iran là xứ Hồi Giáo phái Shiite đông dân nhất.
Các nước Á Rập thuộc phái Sunni thất bại trong việc đánh bật Do Thái ra khỏi Trung Ɖông. Ai Cập lãnh đạo quân Á Rập chống Do Thái bị thất bại liên tục vào những năm 1948, 1956, 1967, 1973 nên đành phải nhìn nhận sự hiện hữu của nước Do Thái ở Trung Ɖông. Saudi Arabia và Jordan đều thân thiện với Do Thái. Chỉ có Iraq và Syria chống Do Thái quyết liệt và kiên trì hơn cả.
Cộng Hòa Hồi Giáo Iran giương cao ngọn cờ chống Tây Phương (Hoa Kỳ và các nước dân chủ Âu Châu) và chống Do Thái. Iran có ảnh hưởng lớn ở miền Nam Iraq và ở Syria vào đầu thập niên 1980 khi có nội chiến ở Lebanon và sự xâm lăng của Do Thái vào nước nầy. Iran dùng Syria, nơi có Tổng Thống Assad (cha của vị Tổng Thổng bây giờ), một tướng Không Quân do Liên Sô đào tạo, thuộc một chi phái nhỏ của phái Shiite để viện trợ cho Hezbollah ở miền Nam Lebanon hầu đe dọa Do Thái và tiếp tế cho Hamas. Syria là con đường dẫn Iran tiến ra Ɖịa Trung Hải. Iran trở thành kẻ thù của Do Thái lẫn Saudi Arabia, quốc gia Hồi Giáo tổ đình thuộc phái Sunni. Cả Saudi Arabia lẫn Iran đều giàu về dầu hỏa. Trong cuộc nội chiến ở Syria vừa qua Iran và Nga giúp cho Tổng Thống Bashar Assad. Iran với tay sang bán đảo Á Rập với cuộc chiến ở Yemen gây nhức đầu cho vương quốc Saudi Arabia, gây xáo trộn giữa Qatar và các nước Á Rập Sunni dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia.
Từ thập niên 1950 Hoa Kỳ giúp cho vua Pahlavi phát triển chương trình nguyên tử hòa bình. Hoa Kỳ chấm dứt sự giúp đỡ nầy sau khi vị vua thân Tây Phương của Iran bị lật đổ. Vào thập niên 1990 các chuyên viên và kỹ thuật gia nguyên tử Liên Sô đến giúp Iran phát triển chương trình nguyên tử. Hoa Kỳ, các nước Âu Châu, nhất là Do Thái phản đối chương trình nầy. Nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình nguyên tử dù nước nầy cho rằng họ không sản xuất võ khí nguyên tử mà chỉ dùng nguyên tử năng phục vụ hòa bình. Ɖến năm 2015 Iran bị mất 100 tỷ về dầu hỏa và 500 tỷ Mỹ kim về tiền đầu tư ngoại quốc do ảnh hưởng của những trừng phạt kinh tế. Ngày 02-04-2015 Iran ký thỏa ước nguyên tử với Ngũ Cường trong Hội Ɖồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) + Ɖức (P5 + 1) + Liên Âu đảm bảo không sản xuất võ khí nguyên tử và cho phái đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra để đổi lấy sự bãi bỏ lịnh trừng phạt.
Iraq thời điểm Saddam Hussein và Bashar Assad đều có chương trình nguyên tử. Lò nguyên tử Iraq bị phi cơ Do Thái oanh tạc vào năm 1981. Năm 2007 Do Thái oanh tạc một trung tâm bị nghi ngờ là trung tâm nguyên tử của Syria. Có tin Bắc Hàn liên lạc với Syria về chương trình nguyên tử của nước nầy.
Do Thái có bom nguyên tử không? Chuyện có vẻ hiển nhiên nhưng cho đến nay vẫn còn chưa có câu trả lời xác định nào. Hiển nhiên vì có nhiều nhà bác học gốc Do Thái giúp cho Hoa Kỳ, Anh và Pháp trên lãnh vực nguyên tử và hóa học, há không có vị nào giúp đỡ cho nước Do Thái tân lập của họ một loại võ khí đặc biệt nào để tự vệ trước sự đe dọa của các quốc gia Hồi giáo Á Rập láng giềng?
Bắc Hàn là phân nửa bán đảo Triều Tiên, bán đảo có quá khứ lịch sử bộ thuộc Trung Hoa như việt Nam. Do sự bảo trợ của nhà độc tài Liên Sô, Kim Il Sung (1912 - 1994) trở thành lãnh tụ của Bắc Hàn. Là một quân nhân, Kim Il Sung có tinh thần võ biền: kỷ luật và quyền uy độc đoán với tham vọng thiết lập một vương triều Cộng Sản. Kim nuôi ước vọng nguyên tử nhằm hù dọa Nam Hàn, ngăn chận sự dòm ngó của Mao Zedong mặc dù Bắc Hàn tùy thuộc Trung Quốc về phương diện kinh tế lẫn quân sự như đã thấy trong chiến tranh Triều Tiên vừa qua (1950 - 1953), đe dọa Nhật Bản (quốc gia từng đô hộ Triều Tiên) và quân sĩ Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Okinawa.
Những ước muốn nầy của họ Kim đều có lợi cho Liên Sô, phù hợp với hoàn cảnh địa lý chánh trị của nước nầy ở Ɖông Bắc Á. Ɖối với Stalin, Krushchev và các nhà lãnh đạo khác của Liên Sô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc dưới bất cứ vị lãnh đạo nào cũng không phải là đồng chí (dù cùng chủ nghĩa Marx-Lenin) hay đồng minh mà là quốc gia cạnh tranh và có quá khứ lịch sử xâu xé lẫn nhau (Nga chiếm trên 1 triệu km2 lãnh thổ phía bắc sông Hei Longjang – Hắc Long Giang, vào thời nhà Thanh và sát nhập vào Tây Bá Lợi Á). Khrushchev có lý do để từ chối việc trợ giúp kỹ thuật sản xuất võ khí nguyên tử cho Trung Quốc nhưng ông sẵn sàng giúp cho Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) khai triển võ khí hạt nhân vào năm 1963. Năm 1964 Trung Quốc có bom nguyên tử nhưng Beijing (Bắc Kinh) từ chối không giúp kỹ thuật nguyên tử cho Bắc Hàn theo sự yêu cầu của nước nầy. Ɖiều nầy cho thấy chương trình khai triển võ khí nguyên tử của Bắc Hàn được sự tán đồng và giúp đỡ kỹ thuật của Liên Sô (bây giờ là Liên Bang Nga) trong khi Trung Quốc thờ ơ lãnh đạm với chương trình nầy.
Chương trình phát triển võ khí nguyên tử đã có dưới thời Kim Il Sung nhưng mãi đến ngày 09-10-2006 dưới thời Kim Jong Il (1941 - 2011) ở Bắc Hàn và Tổng Thống Bush II ở Hoa Kỳ, trái bom nguyên tử đầu tiên của Bắc Hàn được thí nghiệm. Từ năm 2006 đến năm 2017 Bắc Hàn thí nghiệm bom nguyên tử 6 lần, chưa kể những lần thí nghiệm hỏa tiễn liên lục địa.
***
Hoa Kỳ thực sự độc quyền bom nguyên tử không đầy 5 năm.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1949 - 1991) Liên Sô không muốn Trung Quốc có võ khí nguyên tử. Nhưng Trung Quốc vẫn có.
Hoa Kỳ không muốn Pháp có bom nguyên tử. Rồi Pháp vẫn có.
Hoa Kỳ không muốn Pakistan có bom nguyên tử. Ɖến năm 1998 nước nầy cũng có.
Ngày nay Hoa Kỳ lại nhức đầu về chuyện bom nguyên tử và võ khí hóa học giết người hàng loạt. Trước mắt là Bắc Hàn và Iran mà Tổng Thống Bush II gọi là Trục Ma Quỉ (Iraq-Iran-Bắc Hàn).
Bom nguyên tử Bắc Hàn đe dọa sinh mạng của quânsĩ Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Nhật, dân chúng Nam Hàn và Nhật Bản.
Bom nguyên tử Iran, nếu có, sẽ đe dọa Do Thái, Saudi Arabia, hai đồng minh cao quí của Hoa Kỳ và các nước Liên Âu.
Tổng Thống Donald Trump là vị tổng thống thứ 13 của Hoa Kỳ sau đệ nhị thế chiến, tự xem như đã thành công khi gặp Kim Jong Un, lãnh tụ tối cao của Bắc Hàn (36 tuổi, con của Kim Jong Il, lãnh tụ thứ nhì của Bắc Hàn mất năm 2011), để phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên. Ɖó là niềm tự hào của ông so với 12 vị tổng thống tiền nhiệm không làm được như ông. Trong cuộc phỏng vấn của đài Fox vào hạ tuần tháng 08 năm 2018 Tổng Thống Trump tự cho mình điểm A+ sau 18 tháng cầm quyền. Thực tế không lạc quan như Tổng Thống Trump nghĩ. Theo tin tình báo (nếu không phải là tin giả – fake news) thì không có dấu hiệu Bắc Hàn bãi bỏ chương trình nguyên tử như đã hứa ở Singapore ngày 12-06-2018, nhưng họ đã đạt được thắng lợi là Hoa Kỳ hủy bỏ cuộc tập trận với Nam Hàn vào tháng 08-2018 được chính Tổng Thống Trump cho là có tính cách “gây hấn”. Cấm vận có ảnh hưởng gì đến việc phi nguyên tử hóa không? Trước giờ đã có cấm vận nhưng kết quả có vẻ mập mờ. Bắc Hàn vẫn thí nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn mặc dù, trên lý thuyết, Bắc Hàn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, dân chúng thiếu ăn, thậm chí có khi còn bị nạn đói giết chết nữa! Làm sao kiểm soát được việc thi hành cấm vận trên một địa bàn rộng lớn nếu đó là Trung Quốc hay Nga vi phạm lịnh cấm vận bằng cách giao dịch, tiếp tế cho Bắc Hàn? Putin há không nói: “Dù có ăn cỏ Bắc Hàn cũng không từ bỏ chương trình nguyên tử”.
Với bom nguyên tử lãnh tụ Kim Jong Un của một Bắc Hàn rộng 120.500 km2, 25 triệu dân, GDP: 25 tỷ Mỹ kim, lợi tức tính theo đầu người: 1.000 Mỹ kim/năm, được ngồi ngang hàng với lãnh đạo của một đại cường như Tổng Thống Trump.
Với bom nguyên tử, vị lãnh tụ 36 tuổi của Bắc Hàn được sự vuốt ve mơn trớn của Xi Jinping, Putin và sự khen ngợi của Donald Trump. Tổng Thống Moon của Nam Hàn chưa được bình đẳng với họ Kim. Thủ tướng Abe của Nhật không thể xem thường Bắc Hàn. Sau lưng Kim có Putin.
Như đã nói, chương trình nguyên tử của họ Kim phù hợp với chiến lược địa lý chánh trị của Nga ở Ɖông Bắc Á, nơi sự phòng thủ của Nga tương đối yếu. Nga phải đối đầu với những quốc gia có tầm lớn như Nhật Bản, Trung Quốc và sự hiện diện của vài chục ngàn quân sĩ Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Okinawa. Ɖó là lý do tại sao Khrushchev sẵn sàng yểm trợ cho Bắc Hàn khai triển chương trình nguyên tử ngay từ năm 1963 và tại sao Putin biết Bắc Hàn dù ăn cỏ cũng không từ bỏ chương trình nguyên tử. Tổng Thống Trump trách Xi Jinping (Tập Cận Bình) không tích cực giúp Bắc Hàn phi nguyên tử hóa nhưng không đá động gì đến Putin cả.
Tháng 5 năm 2018 Tổng Thống Trump rút ra khỏi thỏa ước nguyên tử Iran ký vào năm 2015 thời Tổng Thống Obama. Do Thái hoan nghinh quyết định chuyển tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem và việc rút ra khỏi thỏa ước nguyên tử Iran năm 2015. Saudi Arabia cũng hài lòng về quyết định thứ nhì nầy. Iran chưa có bom nguyên tử. Nhưng nước này khó từ bỏ ước muốn có võ khí nguyên tử. Iran không nghèo như Bắc Hàn. Iran giàu dầu hỏa, nhiều tài nguyên với 82 triệu dân. Dù liên hệ giữa Iran và Nga không đậm đà như liên hệ giữa Bắc Hàn và Nga, Iran vẫn được sự giúp đỡ ngấm ngầm của Nga dẫu biết rằng giữa hai nước có nhiều dị biệt về tôn giáo, thể chế chánh trị. Bị trừng phạt kinh tế Iran phải bán dầu với giá rẻ. Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi về việc này. Iran và Bắc Hàn là hai con bài mà Nga dùng để gây nhức đầu và bận rộn cho Hoa Kỳ.
Thương lượng? - Kết quả không thấy rõ rệt từ hai thập kỷ nay.
Võ lực? - Khó tiên đoán kết quả và hậu quả. Thắng? Bại? Sa lầy? Trong thời đại phức tạp ngày nay chuyện nhỏ nào cũng có thể hóa to. Cảnh cha nó lú chú nó khôn, sư phụ cứu đệ tử vẫn thường xảy ra. Câu:
Bứt mây động rừng.
Đánh chó phải kiêng chủ nhà.
của người Việt Nam có thể được ứng dụng trên phạm vi rộng lớn ngoài nước Việt Nam.
Muốn thực hiện mộng nguyên tử phải đầu tư từ 80 - 100 tỷ Mỹ kim để nghiên cứu và thiết lập cơ sở. Cách đây 20 năm một trái bom nguyên tử trung bình trị giá từ 20 - 30 triệu Mỹ kim. Hủy bỏ một chương trình dùng đến hàng trăm tỷ mỹ kim để sản xuất thành công trái bom nguyên tử mà các nhà lãnh đạo Bắc Hàn mong mỏi không thể là một chuyện dễ dàng đối với một nước Cộng Sản Á Châu nghèo đói như Bắc Hàn. Các quốc gia độc tài hay Cộng Sản hiếm khi tôn trọng lời hứa hay các hiệp ước do họ ký kết. Nếu mạnh thì họ ăn trọn. Nếu không đủ mạnh thì tìm cách thu hoạch thắng lợi từng phần. Trước mắt Bắc Hàn dùng lời hứa phi nguyên tử hóa để Hoa Kỳ chấm dứt việc tập trận với Nam Hàn. Đó là một dạng của sự thắng lợi từng phần. Sau đó tiến đến việc đòi Hoa Kỳ rút 30.000 quân ra khỏi Nam Hàn để rộng đường thống nhất Nam-Bắc Hàn dưới sự lãnh đạo của họ Kim. Mỗi thắng lợi lớn, nhỏ hay mỗi thái độ ù lì của Bắc Hàn đều có lợi cho Nga và Trung Quốc và gây nhức đầu thường xuyên cho Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản.
.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.