Nguyễn Đức Vượng
Chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Cộng
.
Chiến tranh thương mại đã từng xẩy ra. Biểu thuế Fordney của McCumber năm 1922 là một đạo luật tăng thuế quan của Mỹ đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ các nhà máy và trang trại.
Nhập khẩu của Mỹ giảm 66% từ $4,4 tỷ (1929) xuống còn $1,5 tỷ (1933), và xuất khẩu giảm 61% từ $5,4 tỷ xuống còn $2,1 tỷ. GNP đã giảm từ $103,1 tỷ năm 1929 xuống còn $75,8 tỷ năm 1931, và chạm đáy ở mức $55,6 tỷ năm 1933.
Chiến tranh mậu dịch này là một trong những nguyên nhân của cuộc suy thoái trầm trọng 1929-1939.
Gần nhất, tháng 5, năm 2002, tổng thống Bush áp đặt thuế trên thép nhập cảng từ Âu Châu. Sau khi bị WTO kết án, và những tai hại về việc làm (trên 200.000 việc làm bị mất), tháng 12 năm 2003. tổng thống Bush đã rút lại áp đặt này.
Khoảng năm 1960, các nước phát triển Mỹ, Âu Châu đem hàng hóa hoặc dịch vụ sang làm tại các nước kém mở mang như các nước Indonesia, Singapore, Thái, Ấn độ, Bangladesh, các nước bắc châu Phi,.... Hai lý do chính mà các nước phát triển quyết định đem hàng hóa hoặc dịch vụ ra ngoài là để bán được các phát minh, cạnh tranh với các xí nghiệp cùng xứ hay các xứ khác, giảm chi phí, có thêm khả năng tài chính tập trung vào các mục tiêu, và kế hoạch kinh doanh khác.
Khởi đầu phần lớn là may mặc, giầy dép sau đến các công nghệ cao cấp hơn máy giặt, máy xấy, tủ lạnh, các dụng cụ thường dùng trong nhà...
Trước năm 1972, các nước Cộng Sản bị phong tỏa, không được tiếp cận các phát minh của các xứ tư bản. Các đồ sản xuất tại các xứ Cộng Sản rất thô kệch và không đủ thỏa mãn nhu cầu của dân chúng.
Trung Cộng là một thị trường rất lớn, có nhiều nhân công rẻ. Dưới áp lực của các giới tư bản, từ năm 1972, chính phủ Mỹ đã cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào các xứ Cộng Sản và nhất là Trung Cộng. Các xứ phát triển khác cũng theo chân.
Khởi đầu Trung Cộng chỉ làm các sản xuất cơ bản, dần dần sản xuất các sản phẩm cao cấp như máy điện toán, xe lửa tốc hành, nhà máy điện nguyên tử, hỏa tiễn, đóng tầu...
Với tăng trưởng trong nhiều năm 7, 8% đôi khi tăng trên 10% trong lúc Mỹ và các xứ phát triển chỉ tăng trưởng 3, 4%, theo đà này, Trung Cộng có khả năng phát triển, và vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2025.
Xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương
Năm 2011, tổng thống Obama công bố chính sách “Xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương”. Để kiềm chế Trung Cộng về vấn đề thương mại, Mỹ cùng 11 xứ quanh Thái Bình Dương thương thuyết để lập thành TPP. Thương thuyết nhiều xứ rất phức tạp vì quyền lợi các xứ mâu thuẫn, đan xen lẫn nhau, và cần được đảm bảo. Với Mỹ, TPP chiếm khoảng 40% thương mại thế giới, hợp tác kinh tế, và khi có hợp tác kinh tế là dễ có hợp tác quân sự. Mỹ ra khỏi hiệp ước, CPTTP chỉ còn chiếm khoảng 14% thương mại thế giới. Các quốc gia Hàn Quốc, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan, các xứ Nam Mỹ muốn tham gia hiệp ước CPTPP. Xa hơn, khối Âu Châu và Ấn Độ có tiềm năng xin gia nhập vào CPTTP.
Sau khoảng 6 năm thương thuyết, hiệp ước TPP đi vào giai đoạn cuối, chờ các chính phủ thông qua, ký kết. Mỹ là xứ mạnh nhất thế giới, có đội ngũ luật sư đông đảo, lành nghề, ngôn ngữ mẹ đẻ, dễ dàng áp đảo, đặt các điều kiện lợi cho Mỹ nhất trong các hiệp ước song phương hay đa phương.
Trong khi tranh cử, tổng thống Trump đã gọi TPP là mối nguy hiểm lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ, và từ khi nhậm chức ưu tiên cho các hiệp định thương mại song phương. Mỹ đã bỏ vai trò lãnh đạo TPP, và bỏ trong tương lai gần kết nạp thêm các nước khác vùng Thái Bình Dương, tạo ra liên minh kinh tế chống lại Trung Cộng.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc đẩy thỏa thuận TPP, vì TPP sẽ để Mỹ chứ không phải Trung Cộng dẫn đầu về thương mại toàn cầu.
Tổng thống Trump chọn con đường ưu tiên cho các hiệp ước song phương thay vì giữa nhiều quốc gia, và chiến tranh thương mại.
Vào tháng 1 năm 2017, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa ước. Vào tháng 3 năm 2018, 11 quốc gia còn lại đã ký phiên bản sửa đổi của thỏa ước, được gọi là Thỏa ước toàn diện và tiến bộ cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTTP.
Trong chiến dịch tranh cử, tổng thống Trump đã gọi TPP là mối nguy hiểm lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ, và từ khi nhậm chức ưu tiên cho các hiệp định thương mại song phương. Mỹ đã bỏ vai trò lãnh đạo TPP, và bỏ trong tương lai gần kết nạp thêm các nước khác vùng Thái Bình Dương, tạo ra liên minh kinh tế chống lại Trung Cộng. Riêng TPP chắc chắn không đủ sức chế ngự Trung Cộng, nhưng không có TPP, Trung Cộng thêm tự do bành trướng.
Năm 2018, tổng thống Trump muốn thương thuyết lại thỏa ước để Mỹ vào CPTTP. Nhưng đến nay mong muốn này chưa có kết quả gì. Hiệp ước CPTTP đã được 11 chính phủ phê chuẩn và áp dụng. Thêm 7 nước vùng Thái Bình Dương đang muốn xin vào CPTTP.
Hiệp ước song phương hay tam phương:
Tháng 9 năm 2019, Mỹ Nhật ký kết thỏa thuận thương mại, trong đó chủ yếu giảm thuế các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để đổi lấy việc giảm thuế đối với ô tô Nhật Bản. Tuy nhiên 2 chủ yếu đều có giới hạn vì nhiều nhà ô tô Nhật Bản đã chuyển sản xuất sang Mỹ. Như xe Toyota Camry và Avalon sản xuất tại Kentucky, Honda sản xuất xe Accord và Acura ở Ohio. Nissan lắp ráp xe Altima ở Tennessee và Mississippi. Nhật không thể nhập cảng nhiều thực phẩm Mỹ vì phải tuân thủ theo hiệp ước CPTTP với 10 nước khác, và bảo vệ ngành canh nông nội địa.
Chính phủ Mỹ thương thuyết lại thỏa ước NAFTA giữa Mỹ, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ. Sau hơn hai năm thương thuyết, ba nước đã ký kết thỏa ước USMCA thay thế NAFTA. Phần lớn các điều khoản thỏa ước NAFTA nằm trong thỏa ước mới USMCA. Thỏa ước USMCA đã được ba chính phủ thông qua.
Chiến tranh thương mại với Trung Cộng
Các tin tức về chiến tranh thương mại với Trung Cộng phức tạp và thay đổi đột ngột. Bài viết không đề cập đến diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Cộng.
Tổng thống Trump cho rằng thương mại với Trung Cộng là không công bằng, thâm hụt thương mại ngày càng tăng, trộm cắp tài sản trí tuệ, và buộc phải chuyển giao công nghệ Mỹ cho Trung Cộng.
Mục đích của chiến tranh thương mại là giảm thâm thủng ngân sách thương mại, chấm dứt trộm cắp tài sản trí tuệ, chấm dứt buộc phải chuyển giao công nghệ Mỹ, đem các xí nghiệp và việc làm trở lại Mỹ, ngăn chặn các công ty nhà nước Trung Cộng mua công ty công nghệ Mỹ, và cố gắng ngăn các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ quan trọng cho Trung Cộng, đòi hỏi Trung Cộng phát triển nền kinh tế tư nhân tương ứng WTO, cho phép công ty Mỹ đấu thầu các công trình của chính phủ Trung Cộng. Trên thực tế, Nhật cho các công ty Mỹ và các xứ khác đấu thầu làm các công trình tại Nhật. Xong với các luật lệ kỹ thuật, văn hóa địa phương phức tạp nâng cao chi phí và làm nản lòng các công ty ngoại quốc. Trung Cộng còn có thêm lợi thế nhân công rẻ và trợ cấp dưới nhiều hành thức khiến các công ty ngoại quốc khó đấu thầu làm các công trình tại Trung Cộng.
Theo Điều tra dân số Mỹ, năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ là $552 tỷ, và năm 2018 tăng lên $621 tỷ. Chiến tranh thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới đã không làm giảm thâm hụt thương mại .
Cho đến nay các công ty Mỹ không đem việc làm trở lại Mỹ vì nhân công tại Mỹ cao, và thấp nghiệp tại Mỹ rất thấp, các công ty khó kiếm được tay nghề.
Tổng thống Trump nhiều lần nói cán cân thương mại với Trung Cộng, trong nhiều năm qua thâm thủng $500 tỷ đô la một năm. Con số $500 tỷ cần xét lại.
Năm 2018, thâm thủng thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Cộng là $419,2 tỷ. Tính thêm thặng dư thương mại dịch vụ với Trung Cộng $40,5 tỷ (xuất cảng $77,3 tỷ, nhập cảng $18,4 tỷ).
Thương mại dịch vụ gồm các phần chính như: phân phối, điện tử, tài chính, du lịch, chi phí dùng các chương trình điện tử...
Du lịch chiếm 2/3 trong thặng dư thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Cộng.
Năm học 2017-2018, chi phí hơn 360.000 sinh viên Trung Cộng tại Mỹ xem như xuất khẩu của Mỹ ước lượng là $39 tỷ.
Như vậy, năm 2018, thâm thủng thương mại của Mỹ với Trung Cộng tính đúng hơn vào khoảng $419,2 - $40,5 - $39 = $339,7 tỷ thay vì $500 tỷ.
Năm 2018, ngân khố Mỹ đã thâu được thêm $41,3 tỷ do chiến tranh dịch vụ. Năm 2019, số tiền này có thể lên đến $81 tỷ. Tiền này do dân Mỹ tiêu thụ trả không do Trung Cộng trả. Chính phủ Mỹ đã dùng tiền thuế $26 tỷ trợ cấp ngành nông nghiệp Mỹ.
Năm 2019, nợ nông nghiệp được dự đoán là mức cao kỷ lục là $420 tỷ, với khoản nợ bất động sản là $257 tỷ và nợ phi bất động sản là $159 tỷ. Dữ liệu từ Tòa án Mỹ tiết lộ rằng trong giai đoạn 12 tháng trước tháng 9 năm 2019, có tổng cộng 580 hồ sơ phá sản trang trại, tăng 24% so với năm 2018, và mức cao nhất từ năm 2011 (năm 2011 có 676 hồ sơ phá sản, thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu).
Huawei Technologies Co., Ltd.
Huawei Technologies Co., Ltd. là một công ty công nghệ đa quốc gia thành lập vào năm 1987. Ban đầu tập trung vào sản xuất thiết bị chuyển mạch điện thoại, Huawei đã mở rộng kinh doanh để bao sản xuất các thiết bị truyền thông, gồm xây dựng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ và thiết bị tư vấn cho các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Cộng và cho thị trường tiêu dùng. tháng 9 năm 2018, Huawei có hơn 188.000 nhân viên. Khoảng 76.000 nhân viên tham gia vào 21 viện Nghiên cứu & Phát triển trên toàn thế giới. Tháng 12 năm 2018, Huawei đã báo cáo doanh thu hàng năm của họ đã tăng lên $108,5 tỷ.
Chính phủ Mỹ đi xa hơn chiến tranh thương mại đối với Huawei. Cấm mua các thiết bị Huawei, dự định thay thế các thiết bị điện thoại cầm tay đang hoạt động tại các tiểu bang ở Trung Mỹ, cấm các công ty Mỹ bán các thiết bị điện tử, và cấm cho phép Huawei dùng phần mềm Android... và đe dọa cấm Huawei dùng hệ thống ngân hàng Mỹ kiểm soát để thanh toán các mua bán. Để tuân thủ quy định, nhiều công ty Broadcom, Intel, Qualcomm, Microsoft, Xilinx và Western Digital có trụ sở tại Mỹ đã đóng băng doanh nghiệp với Huawei. Google ngưng chứng nhận các thiết bị và cập nhật trong tương lai cho hệ điều hành Android với Google Mobile Services (GMS). Nhà sản xuất chip Đức Infineon Technologies cũng tự nguyện đình chỉ hoạt động kinh doanh với Huawei.
Năm 2018, Huawei mua $11 tỷ công nghệ Mỹ, khoảng 40% chip của các hãng như Qorvo, Skyworks và Broadcom. Vì lý do này, chính phủ Mỹ đã nhiều lần gia hạn thời gian cho phép các công ty này tiếp tục buôn bán với Huawei. Nhiều công ty Mỹ đã chuyển một số các cơ xưởng sản xuất sang các nước khác để tránh chiến tranh thương mại.
Năm 2019, Huawei đã chính thức công bố HarmonyOS, hệ điều hành thay thế Android.
Mặc dù hệ điều hành HarmonyOS sẽ có nhiều thiết bị hơn trong các năm tới, nhưng Huawei cho biết, trong thời gian này, tiếp tục sử dụng Android trên điện thoại di động của Huawei.
Bộ não của máy điện thoại di động Huawei P30 Kirin 980 System-on-Chip được thiết kế bởi HiSilicon, công ty con của Huawei.
HiSilicon trả lệ phí để sử dụng kiến trúc CPU và GPU từ ARM tại Cambridge, Vương quốc Anh. HiSilicon có thể sử dụng tập lệnh ARM (armv8) và phát triển kiến trúc CPU 64 bit của riêng họ.
CPU, GPU: HiSilicon sử dụng hàng trăm người ở Thẩm Quyến, để thiết kế lõi CPU, bộ tăng tốc và các thành phần IP tùy chỉnh của họ. Để thiết kế CPU của riêng họ, họ cần sử dụng các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) từ Synopsis, Cadence và Xilinx. Các công ty EDA này đều là các công ty Mỹ ở California. HiSilicon trả lệ phí để sử dụng các công cụ này để thiết kế và mô phỏng CPU của HiSilicon.
Bộ nhớ: HiSilicon đã thiết kế logic riêng của họ trong bộ điều khiển bộ nhớ và hệ thống SRAM. Các tế bào SRAM và DRAM được cấp phép từ Samsung, Hàn Quốc. RAM xếp chồng 7nm 3D trong tương lai cũng sẽ được thiết kế từ SRAM, DRAM Samsung, và được sản xuất tại Đại Liên, Trung Cộng.
DSP & Camera: HiSilicon đã mua hệ thống điều khiển và thiết kế IP của ống kính Camera từ Leica Camera từ Đức, nơi hầu hết hệ thống được thiết kế ở Wetzlar, Đức. Và ống kính thực tế được sản xuất bởi Largean Precision tại Đài Loan, và Công nghệ quang học Sunny ở Trung Cộng. Các động cơ điện cho camera thay đổi tiêu cự được sản xuất bởi Mitsumi ở Tsurumaki, Nhật Bản. Để chuyển ánh sáng thành tín hiệu, bộ phim nhạy sáng được thiết kế bởi O-film ở Thẩm Quyến, Trung Cộng (cũng là nhà cung cấp cho iPhone X). HiSilicon đã mua các giải pháp phần cứng để tự động lấy nét và ổn định hình ảnh từ ON S bán dẫn ở Phoenix, Arizona, Mỹ. Chip xử lý video HD được cấp phép từ Sony, Nhật Bản. Và HiSilicon đã thiết kế bộ tăng tốc phần cứng xử lý hình ảnh (ISP) của riêng họ, đã mua nhiều bằng sáng chế DSP IP từ CEVA ở California, Mỹ, và chip AI từ Cambricon Technologies từ Bắc Kinh, Trung Cộng.
Baseband: HiSilicon đã mua giấy phép IP để sử dụng WIFI, GPS và Bluetooth IP từ Broadcom San Jose, California. Để được hỗ trợ 3G, HiSilicon trả phí bản quyền cho các bằng sáng chế do Qualcomm nắm giữ từ San Diego, California. Đối với 4G LTE và 5G sau này, HiSilicon có bằng sáng chế và bộ xử lý băng cơ sở riêng có tên Balong, được thiết kế bởi hàng trăm nhân viên tại Trung Cộng. Một số kiểm tra chip được làm bởi Kỹ sư Ấn Độ tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ.
NFC & Touch: Chất bán dẫn NXP ở Hoà Lan cung cấp giải pháp NFC cho Huawei. Và con chip được phát triển bởi Infineon ở Simens, Đức. Goodix Co ở Thẩm Quyến cung cấp cảm biến vân tay. Các giải pháp USB Type-C được cung cấp bởi Thẩm Quyến Everwin Precision.
Chế tạo: Sau khi HiSilicon tích hợp tất cả IP mềm và gói vào một SOC, thiết kế được gửi đến Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) tại Đài Loan để bố trí và chế tạo vật lý. Quá trình chế tạo chip SOC là một nhiệm vụ rất phức tạp. Đối với các bước quan trọng nhất, TSMC cần nhập hệ thống căn chỉnh mặt nạ (MAS) được thiết kế bởi ASML từ Hoà Lan. Họ cũng cần sử dụng nhiều hóa chất wafer từ Shin-Etsu tại Nhật Bản.
Vài chi tiết kỹ thuật Huawei làm các thiết bị điện tử cho thấy các liên hệ chồng chéo giữa các công ty trên thế giới. Những công ty cao cấp nhất luôn phải có sáng chế mới để duy trì vị trí của mình, và không bị các công ty cạnh tranh khác thay thế. Các công ty này phải tìm cách bán sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt để có thêm tài chính, luôn luôn đi đầu.
Kết luận:
Chiến tranh thương mại là gây gián đoạn kinh tế, không có chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại ngày nay. Các nền kinh tế quá đan xen để biết được chắc chắn rằng bất kỳ hành động đưa ra nào sẽ thực sự gây ra nhiều thiệt hại cho đối thủ hơn là cho chính mình.
Hậu quả của chiến thương mại là sự không chắc chắn, và điều đó ngăn cản đầu tư dù có vốn. Trong phạm vi Fed cắt giảm lãi suất hơn nữa, nhưng không chắc có hiệu quả vì không thể đề cập đến đầu tư nếu tình trạng kinh tế bấp bênh, thay đổi.
Nước Mỹ là siêu cường thống trị thế giới, kể cả hai mặt quân sự và kinh tế.
Không xứ nào tìm cách chiếm đoạt ưu thế quân sự của Mỹ. Tài khóa 2018-19, ngân sách quốc phòng Mỹ gần $700 tỷ tương đương với ngân sách quốc phòng của 7 cường quốc lớn nhất thế giới. Các tiến bộ về hỏa tiễn phòng thủ, tấn công, nhất là máy bay drone làm thay đổi chiến lược và chiến thuật quân sự nhiều.
Về mặt kinh tế, GDP của Mỹ cao nhất $21,41 ngàn tỷ, Trung Cộng $15.54 ngàn tỷ, Đức $4,42 ngàn tỷ, Ấn Độ $3,16 ngàn tỷ, và Pháp $3,06 ngàn tỷ.
Từ nhiều thập niên qua, Mỹ phát triển nhờ đất nước rộng, vị trí chiến lược, nhiều tài nguyên, tài quản lý, tiền dollar, và dân đông.
Mỹ thống trị hệ thống ngân hàng thế giới, tiền dollar Mỹ được (hay phải) dùng trên hầu hết giao dịch thương mại trên thế giới. Mỹ áp đặt quy luật rất chặt chẽ trên hệ thống ngân hàng thế giới. Những năm gần đây Mỹ phạt ngân hàng Thụy Sỹ, Đức Pháp... cả tỷ dollars. Không một nước nào khác có quyền trừng phạt ngân hàng Mỹ. Khi chính phủ Mỹ quyết định trừng phạt Iran, các công ty ngoại quốc phải rút ra khỏi các dự án dầu hỏa tại Iran. Máy bay Âu Châu Airbus không được quyền bán cho Iran vì không thể thanh toán tiền mua qua hệ thống ngân hàng thế giới Mỹ kiểm soát, và máy bay Âu Châu Airbus có một số phụ tùng Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên thống trị này bị suy giảm. Ngày 28 tháng 6 năm 2019, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ là 103% với số nợ $22,023 nghìn tỷ dollars, nợ hạng thứ 12 trên thế giới.
Giao dịch thương giữa các nước thị trường chung Âu Châu dùng tiền Euro không qua tiền dollar như trước khi tiền Euro ra đời.
GDP Trung Cộng gần bầng 3/4 GDP Mỹ. Giao dịch thương mại trong nước trở thành lớn, dùng nhân dân tệ. Vào cuối năm 2016, đồng Nhân dân tệ của Trung Cộng đã trở thành một trong những loại tiền tệ dự trữ của thế giới như dollar, Euro và Yen.
Từ nhiều năm nay, nước Mỹ thu hút rất nhiều tài năng trên thế giới. Về phần kỹ thuật cao nhờ cậy khá nhiều lên các chuyên viên nước ngoài, phần lớn là Ấn Độ. Xây cất và canh nông chủ yếu trông cậy lên người Mễ. Chính sách rất khắt khe của chính phủ Mỹ đã không gia hạn chiếu khán làm việc hay cấp chiếu khán cho các người mới khiến các công ty hitech rất khó tuyển thêm hay thay thế những chuyên viên. Xây cất và canh nông gặp khó khăn tương tự.
Từ nhiều năm, nội bộ Mỹ chia làm 2 phái Cộng Hòa và Dân Chủ. Tổng thống Trump không tìm cách đoàn kết hai khối này, mà gây chia rẽ trở nên trầm trọng, thù nghịch, đến mức theo Tổng thống Trump có thể có nội chiến.
Tổng thống Trump gây chiến tranh thương mại không chỉ riêng với Trung Cộng mà với tất cả các đồng minh lâu đời như Âu Châu, Canada, Mễ, Nhật, Úc, Nam Hàn, Đài Loan.
Nội bộ chia rẽ, ngoại bộ không còn đồng minh thân thiết nào, Mỹ muốn giữ vai trò lãnh đạo thế giới qua chiến tranh thương mại với tất cả các nước trên thế giới. Cấm bán các thiết bị và chip điện tử cao cấp cho ZTE, Huawei chỉ làm chậm lại phát triển của các hãng này, và gây thiệt hại cho hãng xưởng Mỹ, vì các hãng Mỹ bán khoảng 40% sản phẩm cho Trung Cộng.
Nhiều nước trên thế giới nhất là như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Trung Cộng... đã chuyển từ giai đoạn sao chép, sang sáng chế, và dẫn đầu.
Tiêu biểu, Trung Cộng dẫn đầu trên xây cất, xe buýt điện, xe lửa tốc hành, và thiết bị G5. Trung Cộng mua xe lửa tốc hành của Nhật, Pháp và Đức. Nay tự làm được, và dẫn đầu về hệ thống xe lửa chạy trên từ trường (có thể chạy 600-1000 Km/giờ). Huawei, ZTE sản xuất điện thoại cầm tay và các thiết bị hệ thống G5 trong khi chưa có công ty Mỹ nào sản xuất các thiết bị G5 tương đương.
Ngoài ra, trên phương diện quốc tế, những cam kết, hiệp ước, hứa hẹn... của Mỹ không còn được xem trọng như trước.
Mỹ gặp rất nhiều khó khăn để đạt được lợi lộc trong chiến tranh thương mại với thế giới, và nhất là đối với Trung Cộng trong một hai nhiệm kỳ của tổng thống.
.
Nguyễn Đức Vượng