Phạm Ɖình Lân
Chiến tranh kháng Pháp là Chiến Tranh Thần Thánh?
…Nếu Việt Minh thật sự chiến thắng Ɖiện Biên Phủ, làm thế nào người chiến thắng lại chịu chấp nhận sự qua phân đất nước?
Ngay cả lời đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm đường ranh phân chia của Phạm Văn Ɖồng cũng không được ai để ý…
Cuộc kháng chiến chống lại sự tái chiếm thuộc địa của Pháp bắt đầu ở Nam Bộ ngay vào tháng 9 năm 1945 với:
Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
nhưng nó chính thức bùng nổ khi Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn Quốc Kháng Chiến ngày 19-12-1946 và chấm dứt năm 1954 với chiến thắng Ɖiện Biên Phủ (07-05-1954) và hiệp định Geneva ký giữa đại tá Delteil (Pháp) và Tạ Quang Bửu (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) ngày 20-07-1954.
Tố Hữu, một Gorki của Cộng Sản Việt Nam, ca ngợi chiến thắng Ɖiện Biên Phủ với những câu thơ sau đây:
Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng,
Lừng lẫy Ɖiện Biên, chấn động địa cầu
Hay:
Chín năm làm một Ɖiện Biên,
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.
Trường Chinh Ɖặng Xuân Khu hãnh diện với tác phẩm chánh trị chỉ đạo kháng chiến của ông: Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Ɖịnh Thắng Lợi vì cuộc kháng chiến được minh định bởi 4 đặc điểm: a- Toàn dân, b- Toàn diện, c- Trường kỳ, d- Tự lực cánh sinh.
Các sử gia Cộng Sản Việt Nam gọi cuộc kháng chiến chống Pháp sau đệ nhị thế chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo là cuộc chiến tranh Thần Thánh mặc dù chủ nghĩa Marx-Lenin phủ nhận Thần Thánh và xem tôn giáo là thuốc phiện. Ɖể tìm hiểu vấn đề này, chúng ta thử so sánh cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi vào năm 1418 và cuộc kháng chiến chống Pháp của Hồ Chí Minh vào năm 1946 để thấy những tương đồng và dị biệt giữa hai cuộc kháng chiến.
Thời gian kháng chiến của Lê Lợi và Hồ Chí Minh đều ngang nhau. Cuộc kháng chiến của Lê Lợi kéo dài từ năm 1418 đến 1427 (9 năm). Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm ở Nam Bộ và 8 năm ở Bắc và Trung Bộ (1946 – 1954).
Cả hai cuộc kháng chiến đều dùng chiến thuật du kích để đương đầu với địch, dùng vùng rừng núi, đầm lầy làm chiến khu, dùng dân chúng làm tai, mắt, làm du kích quân, nhà sản xuất lúa gạo để nuôi quân. Chiến thuật du kích mà Việt Minh dùng là chiến thuật vườn không nhà trống (no man land tactics) của Nga hơn là chiến thuật du kích dựa vào quần chúng nhân dân, lấy nhân tâm và đại nghĩa làm gốc như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Ɖại Cáo. Chiến thuật vườn không nhà trống nhằm mục đích vô sản hóa nhân dân để chuẩn bị cho chế độ chính trị tương lai sau ngày chiến thắng: chế độ chuyên chính vô sản. Tướng Võ Nguyên Giáp tâng công trung thành với Liên Sô khi cho rằng Việt Nam đất hẹp người đông vẫn áp dụng chiến thuật tiêu thổ thành công.
Lê Lợi có tiến sĩ Nguyễn Trãi, tác giả Bình Ngô Ɖại Cáo, làm cố vấn.
Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp có cố vấn chánh trị và quân sự Trung Hoa Cộng Sản bên cạnh. Các cố vấn nầy thực sự điều khiển cuộc chiến về phương diện chánh trị lẫn quân sự. Ɖó là Luo Guipo (Lã Quí Ba), Wei Guoqing (Vi Quốc Thanh) và danh tướng Chen Geng (Trần Canh). Trên chiến trường Triều Tiên (1950 – 1953) Peng Dehuai (Bành Ɖức Hoài) chỉ huy chí nguyện quân Trung Hoa lục địa đánh nhau với quân Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng Mc Arthur. Trong chiến tranh Việt-Pháp Luo Guipo (Lã Quí Ba), Chen Geng (Trần Canh) và Wei Guoqing (Vi Quốc Thanh) chỉ huy Việt Minh qua chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp.
Lê Lợi là một phú nông có uy tín ở động Lam Sơn, Thanh Hóa khi cầm đầu cuộc khởi nghĩa kháng quân Minh. Kháng chiến quân là những thân nhân của Lê Lợi và cư dân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Hồ Chí Minh là một cán bộ Ɖệ Tam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern) do Liên Sô huấn luyện vào năm 1924 và 1934. Ȏng là Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong 16 tháng tính đến ngày ông kêu gọi Toàn Quốc Kháng Chiến (19-12-1946). ĺt ra ông có quân sĩ võ trang, có chỉ huy, có tổ chức, có guồng máy hành chánh và chánh trị. Dù chánh phủ của ông chưa được quốc gia nào công nhận nhưng ông được cảm tình của các quốc gia thuộc địa trên thế giới như Ấn Ɖộ, Miến Ɖiện, Indonesia, Algeria, Tunisia chẳng hạn.
Lê Lợi khởi nghĩa khi quân Minh thống trị nước ta 11 năm (1407 – 1418) và lúc Minh triều hưng vượng ở Trung Hoa dưới triều Thành Tổ nhà Minh, tức hoàng đế Zhong Le (Trung Hành, 1402 – 1424). Ɖó là thời kỳ đô đốc Zheng He (Trịnh Hòa, 1371 – 1433) mở cuộc hải hành xuống Nam Dương, vòng qua Ấn Ɖộ Dương đến tận Hồng Hải (1405 – 1433). Quân Minh chiếm đóng Ɖại Việt đã thiết lập nền móng hành chánh thuộc địa vững vàng.
Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp khi nước Pháp bị tàn phá nặng nề sau đệ nhị thế chiến. Quân Pháp ở Ɖông Dương bị quân Nhật lật đổ và cầm tù trong cuộc đảo chánh ngày 09-03-1945. Toàn quyền Decoux bị an trí ở Lộc Ninh. Pháp phải núp bóng quân Anh-Grukha (lính đánh thuê Nepal, người Việt Nam gọi là lính Chà Chóp) có nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16 theo sự quyết định của hội nghị Potsdam để tái chiếm thuộc địa ở Nam Bộ, Cao Nguyên, các tỉnh nam Trung Bộ và trung Trung Bộ. Họ đặt chân lên Bắc Bộ sau khi ký hiệp ước Zhongqing (Trùng Khánh) ngày 28-02-1946 với Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng và hiệp ước sơ bộ 06-03-1946 với Hồ Chí Minh.
Ɖịa bàn kháng chiến chủ yếu của Lê Lợi là Thanh Hóa và Nghệ An, tức đồng bằng sông Mã và sông Cả, cách xa đồng bằng sông Hồng nơi quân Minh đặt các cơ sở hành chánh thuộc địa từ 150km đến 300km. Nhìn chung, Lê Lợi khởi nghĩa sát nách với Trung Hoa, quốc gia đô hộ nước Ɖại Việt thời bấy giờ. Khả năng bị quân Minh đè bẹp rất lớn. Chiến khu Lam Sơn nhỏ hẹp nên bị quân đô hộ bao vây và tấn công dễ dàng. Núi Chí Linh hai lần bị bao vây. Vợ con Bình Ɖịnh Vương Lê Lợi bị quân giặc bắt. Bản thân Bình Ɖịnh Vương từng suýt bị giặc giết chết nếu không có Lê Lai liều mình cứu chúa (1419).
Ɖịa bàn kháng chiến của Hồ Chí Minh rộng lớn hơn nhiều. Quân viễn chinh Pháp không đủ quân số để kiểm soát một địa bàn rộng lớn gồm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Lào và Cambodia rộng lối 750.000 km2. Nước Pháp ở cách xa thuộc địa 12.000 km. Nếu đi bằng tàu từ Marseille đến Sài Gòn phải mất 26 ngày! Việt Minh đã có nhiều chiến khu rải rác khắp cả nước trong đệ nhị thế chiến. Ở Bắc Bộ có chiến khu Việt Bắc vừa hiểm trở, kiên cố vừa ăn thông với Hoa Nam. Ở Trung Bộ địa bàn kiểm soát của Việt Minh rộng lớn hơn với Thanh-Nghệ-Tĩnh, Bình-Trị-Thiên, Nam-Ngãi-Bình-Phú. Ở Nam Bộ có các chiến khu D, chiến khu Ɖồng Tháp, Cà Mau v.v... Nhìn chung Việt Minh gần như kiểm soát nông thôn ngày lẫn đêm. Pháp chỉ chiếm các thành phố. Nhưng Việt Minh hoạt động ngay trong lòng các thành phố hay vùng ngoại ô. Ɖó là những vùng xôi đậu do Pháp kiểm soát ban ngày và Việt Minh kiểm soát ban đêm.
Cuộc kháng chiến của Lê Lợi bị thất lợi vì quân địch có nhiều viện quân và nguồn tiếp tế lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng dồi dào từ các tỉnh Guangxi (Quảng Tây), Yunnan (Vân Nam) và Guangdong (Quảng Ɖông). Người Trung Hoa ở các tỉnh giáp giới với Ɖại Việt tương đối không gặp khó khăn với thời tiết miền nhiệt đới. Trái lại quân Pháp rất vất vả với khí hậu nhiệt đới, địa hình núi, rừng và đầm lầy ở nước ta. Có nơi họ bị sốt rét. Có nơi họ bị kiết lỵ và các bịnh miền nhiệt đới khác. Ở Nam Bộ nhiều lính Pháp bị kiết lỵ đến nỗi phải dùng thuốc kiết Nhành Mai để trị!
Lê Lợi khởi nghĩa khi guồng máy cai trị của quân Minh ở Ɖại Việt được ổn cố, mẫu quốc được phồn thịnh.
Cuộc kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo năm 1946 được nhiều thuận lợi hơn. Toàn dân nô nức muốn thấy nước nhà được độc lập. Quân viễn chinh Pháp mất chánh nghĩa và rơi vào mâu thuẫn chánh trị không lối thoát. Mới ngày nào nước Pháp bị Ɖức chiếm đóng. Tướng Charles de Gaulle lãnh đạo chánh phủ lưu vong ở London phải trải qua những nhục nhã trước các nước bạn lẫn kẻ thù Ɖức Quốc Xã xâm chiếm một phần nước Pháp. Các nước bạn Anh, Hoa Kỳ xem thường sức mạnh của Pháp do bị Ɖức xâm chiếm dễ dàng. Trên lãnh thổ Pháp không có chánh phủ kháng chiến chống Ɖức mà có chánh phủ Vichy thân Ɖức do thống chế Petain, người hùng trong trận đánh Verdun năm 1916, đại diện. Thiếu tướng Charles de Gaulle (1890 – 1970) được xem là người anh hùng giải phóng nước Pháp (Liberateur). Leclerc (1902 – 1947) là người giải phóng Paris năm 1944.
Bây giờ chính tướng Leclerc chỉ huy quân viễn chinh Pháp tái chiếm thuộc địa ở Ɖông Dương để chứng minh sự vĩ đại của nước Pháp trên thế giới theo ước nguyện của tướng Charles de Gaulle, người từng được phu nhân thủ tướng Anh, Winston Churchill, ngưỡng mộ và khuyên “không nên ghét bạn hơn ghét kẻ thù”. Việc tái chiếm thuộc địa của Pháp hoàn toàn không phù hợp với chủ trương của Hoa Kỳ thời hậu đệ nhị thế chiến: các đế quốc phải trao trả độc lập cho các thuộc địa. Ɖể làm gương cho Anh, Pháp, Hòa Lan…, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Phi Luật Tân năm 1946. Khi đến giải giới quân Nhật ở Sài Gòn và nhìn thấy sự khao khát độc lập của người Việt Nam ở Nam Bộ dám đương đầu với thiết giáp của quân Anh-Gurkha bằng tầm vong vạt nhọn, Anh quyết định trao trả độc lập cho Ấn Ɖộ hầu tránh sự thất bại quân sự có thể có trên thuộc địa to lớn và đông dân này. Năm 1948 Miến Ɖiện, một thuộc địa khác của Anh, cũng được độc lập. Năm 1949, do áp lực của Liên Hiệp Quốc, Hòa Lan công nhận sự độc lập của Indonesia.
Việt Nam không được Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc ủng hộ để được độc lập vì lý lịch Cộng Sản Quốc Tế do Liên Sô đào tạo của Hồ Chí Minh. Ɖiều trớ trêu là nhà độc tài Liên Sô Stalin không nhìn nhận chánh phủ Hồ Chí Minh năm 1945, cũng không ủng hộ tinh thần hay vật chất cho cuộc kháng chiến từ năm 1946 đến đầu năm 1950. Ȏng cũng không giúp cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc theo sự yêu cầu của Hồ Chí Minh. Stalin chú trọng đến các quốc gia Ɖông Âu hơn là đến một nước nông nghiệp xa xôi và nghèo nàn như Việt Nam. Nga và Pháp có quá khứ ngoại giao mật thiết vào cuối thế kỷ XIX với liên minh quân sự Pháp-Nga dưới thời Nga hoàng Alexander III. Liên minh nầy kéo dài từ năm 1892 đến 1917. Dưới thời Stalin, Liên Sô ký hiệp ước hỗ tương với Pháp năm 1935 và năm 1944 khi tướng Charles de Gaulle viếng thăm Moscow. Hiệp ước hỗ tương Pháp-Liên Sô có hiệu lực 20 năm (1944 – 1964). Stalin há không ra lịnh cho đảng Cộng Sản Pháp giám sát đảng Cộng Sản Ɖông Dương năm 1936? Năm 1950 Stalin nhìn nhận chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo vì lo ngại Hồ Chí Minh rơi hẳn vào quỹ đạo của Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông) mà ông không có một chút thiện cảm nào vì dám cưỡng lại ý kiến và uy lịnh của ông. Stalin không vui khi nghe tin Mao thành công vẻ vang trên lục địa Trung Hoa. Giữa Mao và Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) Stalin thích Chiang hơn. Chiang Kaishek từng nghiên cứu tổ chức chánh trị và quân sự ở Moscow năm 1924. Con ông là Chiang Chingkuo (Tưởng Kinh Quốc) học ở Liên Sô và có vợ Nga.
Trước những thanh niên cầm tầm vong vạt nhọn chống lại sự tái chiếm thuộc địa của Pháp, một số tướng lãnh Pháp cười xòa vì cho rằng đó là đám giặc cỏ chỉ cần 6 tháng là dẹp xong. Tướng Leclerc từng tham dự cuộc kháng chiến chống Ɖức, nhìn sức mạnh của những người ốm yếu và thiếu thốn mọi mặt qua ý chí và sự khao khát độc lập, tự do của họ. Người Anh đã thấy sức mạnh tinh thần ấy nên nhanh chóng trao trả độc lập cho Ấn Ɖộ. Leclerc có vẻ tiên liệu sự thất bại của Pháp khi cho rằng phải cần 500.000 quân mới có thể thắng cuộc chiến tranh. Năm trăm ngàn quân (500.000) trải mỏng trên ba quốc gia Việt, Lào, Cambodia trên một diện tích 750.00 km2 cũng không đủ sức kiểm soát lãnh thổ hữu hiệu. Nhưng làm thế nào Pháp đủ sức đài thọ mọi chi phí cho 500.000 quân giữa lúc kinh tế Pháp chưa khởi sắc sau chiến tranh? Ɖến năm 1953 trên 80% chi phí chiến tranh Ɖông Dương của Pháp do Hoa Kỳ đài thọ.
Lê Lợi tự túc kháng quân Minh. Cuộc kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo chỉ tự lực từ năm 1946 đến 1949. Từ năm 1950 Việt Minh nhận cố vấn chánh trị, quân sự, viện trợ võ khí, lương thực, thuốc men… của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ). Nhiều thương binh Việt Minh dưỡng binh ở Hoa Nam. Hoa Nam trở thành một hậu phương phía bắc của Việt Minh. Ɖó là nơi Việt Minh nhận sự huấn luyện và viện trợ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Trong trường hợp bị Pháp săn đuổi, cán bộ Việt Minh chạy sang Hoa Nam trốn lánh, quân Pháp không dám đuổi theo vì phải xâm nhập vào lãnh thổ của một quốc gia khác.
Năm 1951 đảng Lao Ɖộng Việt Nam ra đời. Ɖó là sự tái sinh của đảng Cộng Sản Ɖông Dương bị Hồ Chí Minh giả vờ giải tán vào tháng 11 năm 1945 để lấy lòng các tướng lãnh của Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng chỉ huy quân Trung Hoa đến tước khí giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16. Tổng bí thơ đảng Lao Ɖộng là Trường Chinh Ɖặng Xuân Khu, một đảng viên Cộng Sản thân Trung Hoa. Tướng Nguyễn Sơn và Nguyễn Chí Thanh lăm le thay thế tướng Võ Nguyên Giáp. Các chính ủy (political commissars) đều là những đảng viên Cộng Sản theo chủ nghĩa Mao. Sự hiện diện của các cố vấn quân sự và chánh trị Trung Hoa Cộng Sản ở Bắc Bộ vào năm 1950 và sự hiện diện của đạo quân Trung Hoa Quốc Dân Ɖảng năm 1945 đều cùng chung một mục đích: tái lập ảnh hưởng chánh trị của Trung Hoa ở Việt Nam. Ảnh hưởng nầy đã mất vào tay người Pháp từ năm 1884 đến 1945. Nó sẽ được tái lập bằng xương máu của chính người Việt Nam sau khi đánh bại Pháp năm 1954 nhưng Mao Zedong lại được tiếng thơm là đã tận tình giúp đỡ cho Hồ Chí Minh giải phóng xứ sở!
Năm 1950 Việt Minh mở chiến dịch biên giới hay Chiến Dịch Lê Hồng Phong đánh chiếm các tỉnh dọc theo biên giới phía đông bắc sau khi nhận viện trợ, huấn luyện và cố vấn quân sự, chánh trị từ CHNDTQ. Năm 1951 Việt Minh bị thất bại nặng nề trên châu thổ sông Hồng trước tướng Jean de Lattre de Tassigny.
Năm 1426 Lê Lợi đánh bại quân Minh ở Tụy Ɖộng, Hà Ɖông. Ɖông Ɖô (Thăng Long – Hà Nội) bị bao vây. Wang Tong (Vương Thông) xin hưu chiến và hứa rút quân khỏi Ɖại Việt, nhưng ông không giữ lời hứa, lại bí mật sai người về Trung Hoa xin viện binh. Biết được tin nầy, Lê Lợi cho kháng chiến quân tiến về phía biên giới để phá tan viện binh từ Guang Xi (Quảng Tây) và Yunnan (Vân Nam) đến. Kháng chiến quân thắt chặt vòng vây ở Ɖông Ɖô. Wang Tong đành phải cầu hòa và thực sự rút quân khỏi Ɖại Việt. Cuộc kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo thành công. Ɖại Việt dành lại quyền tự chủ.
Nhờ viện trợ và cố vấn của CHNDTQ, Việt Minh thắng Pháp trong trận đánh Ɖiện Biên Phủ năm 1954. Thủ tướng Zhou Enlai (Châu Ân Lai) năng nổ tại hội nghị Geneva như ngầm cho cả thế giới biết Trung Hoa Cộng Sản là tác giả của chiến thắng Ɖiện Biên Phủ. Vai trò của Phạm Văn Ɖồng lu mờ tại hội nghị. Nếu Việt Minh thật sự chiến thắng Ɖiện Biên Phủ, làm thế nào người chiến thắng lại chịu chấp nhận sự qua phân đất nước? Ngay cả lời đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm đường ranh phân chia của Phạm Văn Ɖồng cũng không được ai để ý đến. Zhou Enlai dùng sự qua phân nước Việt Nam để tránh một cuộc đụng độ võ trang có thể có với Hoa Kỳ như đã xảy ra ở Triều Tiên. Nước Việt Nam bị chia đôi. Khối Cộng Sản có được phân nửa nước Việt Nam ở phía Bắc. CHNDTQ có một hàng rào an ninh ở phía Nam. Liên Sô được xả hơi trong Chiến Tranh Lạnh với Hoa Kỳ sau cái chết của nhà độc tài Stalin.
***
Qua những dữ kiện ghi trên cuộc kháng chiến chống Pháp có khí thế lớn trong những ngày tháng đầu của cuộc chiến nhưng nó không phải là cuộc chiến tranh Thần Thánh:
Cuộc chiến tranh kháng Pháp mất hoàn toàn ý nghĩa cao đẹp của nó khi màu sắc Cộng Sản xuất hiện với sự hồi sinh đảng Cộng Sản Ɖông Dương dưới tên mới: đảng Lao Ɖộng. Nó mang lại cho đất nước và dân tộc Việt Nam những tệ quả khủng khiếp nhưng nó được tô hồng là cuộc chiến tranh Thần Thánh.
Theo sau sự ngạo nghễ kiêu sa là sự nhục nhã. Sau sự gian dối và tàn độc là tinh thần nô dịch.
Quang Trung Nguyễn Huệ phá tan 200.000 quân Thanh trong một cuộc chiến 6 ngày vào mùa xuân năm 1789 bằng khả năng và phương tiện của ông chớ không vay mượn khí giới, uy danh và trí tuệ của ngoại nhân nào cả nhưng ông không cho đó là chiến thắng Thần Thánh. Ɖó là sự khiêm tốn đáng được tôn kính.
Mã Lai không có chiến tranh Thần Thánh nhưng được Anh trao trả độc lập năm 1957. Chẳng những Mã Lai được toàn vẹn lãnh thổ mà còn có thêm phần lãnh thổ ở phía bắc đảo Borneo nữa! Thời thuộc địa Mã Lai chỉ rộng 132.000 km2. Sau năm 1957 diện tích Mã Lai tăng lên 250% vì có thêm Sarawak rộng 122.550 km2 và Sabah rộng 72.770 km2. Diện tích Mã Lai sau ngày độc lập lên đến 326.660 km2. Ở Mã Lai cũng có cuộc nổi dậy của du kích Cộng Sản Mã theo chủ nghĩa Mao sau đệ nhị thế chiến. Lãnh tụ Cộng Sản Mã Lai là Chen Ping (Trần Bình, 1924 – 2013) là người Mã gốc Hoa. Trên 95% đảng viên Cộng Sản Mã là người Mã gốc Hoa. Có một ít đảng viên người Ấn Ɖộ và Indonesia. Người Mã Lai theo đạo Hồi nên không thích thú với chủ nghĩa Cộng Sản dù đó là chủ nghĩa Stalin hay chủ nghĩa Mao. Người Mã Lai gọi du kích Cộng Sản Mã là CT: Charlie Tango: Communist Terrorists/ Khủng Bố Cộng Sản. Anh thành công trong việc đánh dẹp du kích Cộng Sản Mã Lai (1948 – 1960). Chen Ping lẩn trốn dọc theo biên giới Thái-Mã và mất năm 2013 sau nhiều lần xin được ân xá để trở về Mã Lai nhưng bị khước từ.
Cuộc chiến tranh Thần Thánh do bác Hồ lãnh đạo có đem lại Ɖộc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc thực sự cho người miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa trong thời kỳ đất nước qua phân hay không? Thực tế lịch sử là câu trả lời công bằng và vô tư nhất.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.