Lê Minh Nguyên


Chân dung Vành Đai Con Đường và Chiến Tranh Thương Mại

Trong bài viết đăng trên China Brief của The Jamestown Foundation ngày 10/8/2018, ông Matt Schrader cho rằng, trong hai tuần lễ vừa qua, rõ ràng có những dấu hiệu bất ổn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc do bởi chính sách đầy tham vọng của ông Tập Cận Bình. Dư luận tấn công ông trên nhiều mặt trận, từ bóp nghẹt tự do đến muốn ngồi ghế chủ tịch suốt đời.

Một trong những chỉ trích là “ngoại viện” chi ra vung vãi cho các nước Phi châu và những nơi khác, rõ ràng là dư luận muốn nhắm tới chương trình Vành Đai Con Đường (BRI) đầy tham vọng trên thế giới của ông Tập được ra đời năm 2013.

Ở Trung Quốc, khi có sự phê bình công khai của dư luận như vậy có nghĩa là đã hiện hữu một sự đồng lòng mới, là nên hạn chế lại tham vọng BRI. Trên thực tế, cho vay BRI giảm xuống đáng kể từ năm 2015. Nếu nó tiếp tục giảm sẽ gây ra những hậu quả chiến lược nghiêm trọng ở lục địa Á-Âu và Phi châu.

Trung Quốc đã chi 500 tỷ đôla ở 166 nước và gởi 600.000 công nhân đi thực hiện BRI và ngoại viện. TQ tái phát triển các hạ tầng cơ sở chủ yếu, xây các đường hàng hải và các đường rây mới để tăng tốc thương mại. Tuy nhiên, các nước trong BRI bị cột buộc với quá nhiều điều kiện, từ đấu thầu kín đến thuê đất bất công, đến quyền kiểm soát của TQ sau khi các dự án hoàn thành.

Tập Cận Bình hồi đầu tháng 7/2018 thông báo sẽ chi 20 tỷ đôla cho Các Dự Án Tái Thiết Quan Trọng (Dedicated Reconstruction Projects) ở thế giới Á Rập và nghiên cứu cung cấp thêm 1 tỷ quan tệ để giúp đỡ các nỗ lực ổn định xã hội ở vùng Vịnh Ba Tư. Dư luận ở TQ chống đối vì tại sao đi giúp các nước giàu dầu khí mà bỏ qua cả trăm triệu dân TQ đang sống dưới mức nghèo nàn.

Dư luận cho rằng, xu hướng xài tiền vung vãi này của Đảng CSTQ nhằm làm lợi cho các nhóm lợi ích của Đảng, bởi vì các dự án cố ý phô trương nhưng thường thua lỗ này thiếu vắng sự minh bạch và sự giám sát (transparency and oversight), chính yếu là nhằm gây tiếng vang, nịnh bợ cấp trên để được ân sủng.

Dư luận đồng hóa BRI – có tính cách thương mại – với ngoại viện. Trong thực tế các món nợ mà BRI cho vay là phải hoàn trả và được coi là “bẫy nợ”, nó có thể biến thành lãnh thổ 99 năm như cảng Hambantota ở Sri Lanka.

Các nghiên cứu cho thấy, chỉ có 14% các dự án của BRI gặp trở ngại, nhưng chính quyền CSTQ không muốn cho dân chúng biết, vì các ngân hàng TQ bị kẹt nhiều chục tỷ đôla trong các dự án có vấn đề. Bây giờ họ hạn chế lại mức độ cho vay. Các ngân hàng quốc doanh (PRC banks) đã giảm 89% từ năm 2015, các ngân hàng tư (commercial banks) thì hầu như hoàn toàn chấm dứt.

Trong khi đó, cánh diều hâu trong chính quyền Trump như đại diện thương mại Robert Lighthizer, cố vấn thương mại Peter Navarro… muốn cuộc chiến thương mại nên đi xa hơn, đòi những thay đổi phải có tính cách cơ chế và lâu dài trong chính sách của TQ – như chấm dứt tài trợ công nghệ, chấm dứt đánh cắp tài sản trí tuệ – tức hát qua giọng cao hay thay đổi tầng số (Spectrum Shift) và họ đang thắng thế trong chính quyền Trump, họ đã bắn vài phát cảnh cáo trong mùa hè, và đang chuẩn bị tấn công mạnh hơn vào mùa thu 2018 này.

Trong những ngày qua, TT Trump một mặt tập trung giải quyết các lấn cấn NAFTA với Mexico và Canada, đồng thời tung ra các giới hạn mới về đầu tư của TQ vào Mỹ. Hôm 24/8 các giới chức của chính quyền Trump làm việc với các đối tác ở Âu châu và Nhật để ép TQ thay đổi đường lối, nên nó tạo thêm khí thế cho cánh diều hâu.

Hồi đầu tháng 6/2018 khi bộ trưởng ngân khố Mnuchin và bộ trưởng thương mại Wilbur Ross đi Bắc Kinh với ưu tiên là đòi hỏi TQ gia tăng số lượng mua đậu nành, khí hóa lỏng LNG, các mặt hàng tiêu dùng, và giảm khiếm hụt mậu dịch. Nay thì khác và mạnh hơn, qua những đòi hỏi thay đổi cơ chế.

Đấu tranh nội bộ trong Toà Bạch Ốc đã chấm dứt với cánh diều hâu thắng thế, cánh này muốn tách bạch hai nền kinh tế ra, không cho quấn quyện như từ trước tới nay, và mang đường dây sản xuất (supply chains) trở về Mỹ.

Tuy thế, nhưng cái nhìn về cuộc chiến nên kết thúc như thế nào thì đội hình Trump cũng vẫn còn chưa rõ. Mỹ muốn đè bẹp kinh tế TQ nhưng không làm được, trong khi đó thì tư bản Mỹ và người tiêu thụ Mỹ tỏ dấu bất bình, không muốn có chiến tranh thương mại. Kinh tế Mỹ đang tốt nên nó cho phép đội hình Trump leo thang chiến tranh. Những tác động của chiến tranh thương mại vào quần chúng có lẽ tới năm 2019 mới xảy ra.

Các nước trong quỹ đạo BRI như Malaysia nay bắt đầu xét lại việc vay nợ và việc ráp nối vào bức tranh kinh tế TQ.

Sau khi Liên Minh Hy Vọng (Pakatan Harapan) của ông Mahathir Mohamad thắng cử, Thủ tướng Malaysia công du Trung Quốc đầu tiên trong chuyến đi kéo dài 5 ngày. Vào ngày 21/8/2018, ngày cuối cùng của chuyến đi, ông tuyên bố tại Bắc Kinh rằng Malaysia hủy bỏ hai dự án do TQ tài trợ, trị giá 22,5 tỷ đôla, trong đó có 20 tỷ đôla đường sắt cao tốc chạy từ đông nam Thái Lan dọc theo bờ biển phía đông rồi nối Kuala Lumpur (ECRL hay East Coast Rail Link), và dự án về hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 2,5 tỷ đôla, một ở bang Sabah trên đảo Borneo (Trans-Sabah Gas Pipeline hay TSGP) và một từ Malacca đến bang Kedah ở mạng bắc.

Trong cuộc phỏng vấn giữa tháng 8/2018 với báo New York Times, ông Mahathir nói, chứng cớ cho thấy ECRL có thể được xây bởi công ty Malaysia chỉ bằng nửa giá so với công ty China Communications Construction của TQ.

Ông cho biết Malaysia hiện tại không cần các dự án này và Malaysia không trả nợ nổi. Nợ quốc gia của Malaysia hiện nay là 250 tỷ đôla.

Trước đó một ngày, ông Mahathir cho biết trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường rằng ông “không muốn nhìn thấy sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân mới” và [Malaysia] “trao đổi với các cường quốc phải là thương mại công bằng” v.v… Ông nói “chủ nghĩa thực dân mới được hình thành là bởi vì những nước nghèo không thể cạnh tranh được với những nước giàu trong thương mại công bình, mở cửa và tự do“.

Bộ trưởng tài chánh Malaysia hôm tháng 7/2018 nói rằng, trị giá của hai ống dẫn khí đốt là 9,4 tỷ quan tệ thì Malaysia đã trả 88% rồi, nhưng nhà thầu TQ chỉ mới làm có 13%.

Ông Mahathir nói rằng, “do Malaysia truớc đây đã ngu si trong việc thương thảo, cho nên nếu phải trả tiền phạt bồi thường thiệt hại thì đành phải chịu thôi để thoát ra”.

Malaysia là quốc gia đầu tiên tham gia vào sáng kiến “Vành Đai Con Đường” của TQ, và bây giờ cũng là quốc gia đầu tiên tuyên bố rút khỏi dự án lớn này.

Việc Malaysia rút sẽ làm suy yếu đến cái được gọi là “chiến lược thế kỷ” BRI của TQ. Chính quyền Malaysia dưới thời thủ tướng Najib Razak trước đây có quan hệ nồng ấm với TQ và TQ đầu tư rất lớn, xem Malaysia là một mảnh của BRI. Nhưng dư luận chỉ trích là thiếu minh bạch và các điều khoản của thỏa thuận, như lãi suất, rất bất lợi cho Malaysia. Qua vụ tham nhũng hàng nhiều tỷ đôla quỹ 1MDB mà nguồn tiền là từ TQ đi vòng vo qua Trung Đông (Saudi Arabia), người ta nghi ngờ động lực thực sự của ông Najib khi tham gia BRI.

Tuy hủy bỏ hai dự án có liên quan đến BRI, nhưng ông Mahathir vẫn tiếp nhận những đầu tư nước ngoài, ông không muốn đối đầu với TQ mà chỉ muốn những dự án kinh tế được công bằng hơn, và bất đồng về BRI không làm thiệt hại các quan hệ tích cực với TQ. Ông muốn Malaysia tuy là nước nhỏ, bị lệ thuộc tài chánh với TQ, nhưng vẫn giữ được vị thế và khả năng quyết định cái gì tốt nhất cho Malaysia, chứ không riu ríu chiều theo những gì TQ muốn.

Quyết định của ông Mahathir là một cái tát mạnh vào mặt ông Tập Cận Bình, vì ông Tập coi BRI là Trung Quốc Mộng, mở ra một thời đại mới mà TQ sẽ lãnh đạo thế giới. Nó làm thất bại đường lối ngoại giao kinh tế của ông. Với BRI, TQ muốn vượt qua mặt phương tây (Mỹ) và cùng lúc quốc tế hóa các công ty TQ.

Nhưng BRI gây tai hại cho các nước nhỏ trong những vấn đề như phải gánh nợ quá khả năng chi trả, các dự án hạ tầng to lớn nhưng không đủ người dùng, ô nhiễm môi trường, xáo trộn xã hội, tham nhũng…, và nó dễ đi với các chính quyền nhu nhược. Theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ giữa tháng 8/2018, TQ dùng BRI để tạo lợi thế chiến lược, kiểm soát các nước đang phát triển.

Về địa chính trị, Malaysia là món quà của đế quốc vì nằm ở vị thế bản lề nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhưng là nước nhỏ nên dễ chinh phục. Malaysia có diện tích khoảng 330.000 km2, bằng y chang diện tích Việt Nam, nhưng dân số chỉ bằng 1/3 VN (31 triệu) và tổng sản lượng GDP 315 tỷ đôla năm 2017, trong khi VN chỉ có 220 tỷ đôla, nên lợi tức đầu người của Malaysia là 29.000 đôla so với VN là 6.900 đôla. Trong quá khứ Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh Quốc đã chen nhau đến đây, rồi đến Mỹ, và bây giờ là TQ.

May mắn cho Malaysia là khi nước Anh trả độc lập, trước đó họ dọn dẹp sạch sẽ phiến quân Cộng Sản rồi mới trao lại, không như nước Pháp tham lam ở lại Việt Nam và bắt tay thông đồng với Cộng Sản để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Và may mắn hơn nữa là ông Mahathir, từng làm thủ tướng Malaysia từ 1981 đến 2003 đã cứng rắn giữ vững độc lập cho Malaysia không để lệ thuộc Mỹ và các quốc gia phương tây, bây giờ ông coi TQ là bá quyền muốn khống chế kinh tế các nước nhỏ như Malaysia (và VN?). Ông ta luôn lo ngại các cường quốc, trước đây là Mỹ và bây giờ là TQ.

Tiếc cho Việt Nam bị Đảng CSVN cai trị với chủ trương nắm quyền bằng mọi giá, để được vậy họ tựa lưng vào Đảng CSTQ, và cái giá phải trả là sự khiếp nhược yếu hèn trước BRI và sự xâm lăng mềm của TQ như hiện nay.

.

Lê Minh Nguyên


Cái Đình - 2018