Phạm Đình Lân
Bí ẩn chánh trị quanh cái chết của Kim Jong Nam
Từ trái sang phải: Kim Il Sung - Kim Jong Il - Kim Jong Un và Kim Jong Nam
.
Bán đảo Triều Tiên và Việt Nam là hai quốc gia Á Châu. Cả hai có những tương đồng chánh trị như sau:
1. Việt Nam và Triều Tiên đều chịu ảnh hưởng văn hóa và chánh trị Trung Hoa lâu đời . Dù được tự chủ cả hai nước đều triều cống Trung Hoa.
2. Từ năm 1884 đến 1945 Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Ảnh hưởng chánh trị của Trung Hoa ở Việt Nam không còn trong thời gian nói trên. Trung Hoa mất ảnh hưởng chánh trị trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1895 đến 1945. Từ năm 1910 đến 1945 Triều Tiên đặt dưới sự bảo hộ của Nhật.
3. Năm 1945 Nhật đầu hàng. Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi: phía bắc vĩ tuyến 38 là Bắc Hàn chịu ảnh hưởng của Liên Sô và phía nam vĩ tuyến 38 là Nam Hàn chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Năm 1954 Việt Nam bị qua phân. Phía bắc vĩ tuyến 17 là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chịu ảnh hưởng của Liên Sô và Trung Quốc. Phía nam vĩ tuyến 17 là Việt Nam Cộng Hòa chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
4. Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và Hồ Chí Minh là hai lãnh tụ Cộng Sản có những tương đồng trái ngược. Cả hai đều tự nhận chiến đấu chống phát xít Nhật. Kim Il Sung là đảng viên Cộng Sản Trung Hoa. Hồ Chí Minh là đảng viên Cộng Sản Pháp thụ huấn ở Liên Sô để trở thành cán bộ của ĐệTam Quốc Tế Cộng Sản (Comintern). Kim hoạt động chống Nhật trong đệ nhị thế chiến với tư cách là một sĩ quan Liên Sô. Ông Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Hoa năm 1925 rồi 1938-1941 trước khi về hang Pắc Bó, Cao Bằng. Kim và Hồ được thừa hưởng sự bại trận của Nhật năm 1945 do ảnh hưởng của hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Kim Il Sung nắm quyền ở Bắc Hàn do sự sắp xếp của Stalin (1948). Hồ Chí Minh nắm chánh quyền ở Hà Nội năm 1945 bằng một cuộc cướp chánh quyền ngoạn mục từ trong tay chánh phủ Trần Trọng Km. Chánh phủ này bị xem là chánh phủ thân Nhật ra đời sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 09-03-1945.
Kim Il Sung 36 tuổi khi nắm quyền năm 1948 ở Bắc Hàn. Ông có liên hệ trực tiếp với Trung Quốc và Liên Sô. Ông là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Hoa và là sĩ quan của Liên Sô. Ông lệ thuộc Trung Quốc về phương diện kinh tế lẫn quân sự (chiến tranh Triều Tiên 1950-1953). Như tất cả các nhà lãnh đạo Cộng Sản khác trên thế giới, ông là một nhà lãnh đạo độc tài tôn thờ ‘cứu cánh biện minh cho phương tiện’. Nhưng ông ấp ủ tinh thần độc lập của người Triều Tiên trước áp lực chánh trị và sự đe dọa quân sự của Trung Quốc, Liên Sô và Nhật Bản. Khác với các nhà lãnh đạo Cộng Sản trên thế giới đứng trên lập trường giai cấp công nhân vô sản để rẻ rúng giới trí thức, đảng kỳ của đảng Cộng Sản Bắc Hàn không giống đảng kỳ của bất cứ đảng Cộng Sản nào trên thế giới nghĩa là nó không giống đảng kỳ của đảng Cộng Sản Liên Sô và các nước khác với nền đỏ và Búa Liềm vàng (Búa: công nhân; Liềm: nông dân). Đảng kỳ của đảng Cộng Sản Triều Tiên có ba biểu tượng Búa (công nhân), Liềm (nông dân) và Bút (trí thức) tiêu biểu cho CÔNG-NÔNG-TRÍ.
Kim Il Sung đã thành lập vương triều Cộng Sản họ Kim trên nửa phần phía bắc bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay vương triều này có 03 ‘vua’ Cộng Sản:
Việc kế vị của Kim Jong Il được dễ dàng vào năm 1994. Ông Kim Jong Il có nhiều vợ và tình nhân yêu quí.
Người vợ đầu tiên của ông là Hong Il Chon, con gái của một liệt sĩ trong chiến tranh Triều Tiên được cha ông, Kim Il Sung, chọn. Bà có với Kim Jong Il một người con gái. Sau 03 năm chung sống Kim Jong Il ly dị Hong Il Chon (1966-1969).
Người mà Kim Jong Il yêu là một nữ tài tử điện ảnh có chồng. Đó là Song Hye Rim. Bà này rất đẹp nhưng đã có chồng. Có lẽ vì lý do này mà lãnh tụ Kim Il Sung không hài lòng việc con trai ông có người vợ ly dị chồng cho dù sự ly dị có thể xuất phát từ áp lực của người có quyền thế trong nước. Năm 1971 bà sinh Kim Jong Nam (1971-2017). Kim Jong Nam được xem là trưởng nam của ông Kim Jong Il. Ông Kim Jong Il tín nhiệm người chị của bà Song Hye Rim nuôi dưỡng và giáo dục Kim Jong Nam. Người ta cho rằng Kim Jong Nam giống cha về hình hài lẫn tánh tình nên có nhiều triển vọng được Kim Jong Il chọn làm người kế nghiệp sau khi ông mất. Có tin cho biết bà Song Hye Rim mất trong một bệnh viện ở Moscow năm 2002.
Người yêu thứ ba là người vợ chánh thức được lãnh tụ Kim Il Sung chọn. Đó là người đẹp Kim Young Sook, ái nữ của một tướng lãnh trong quân đội Bắc Hàn. Bà có một người con gái với Kim Jong Il. Nhưng hai người trở nên ghẻ lạnh vài năm trước khi Kim Il Sung mất năm 1994.
Người yêu trẻ, đẹp và được xem là đệ nhất phu nhân là bà Ko Young Hui (có nơi ghi là Hee), một vũ nữ người Triều Tiên sinh ở Osaka, Nhật Bản, năm 1952. Bà có với ông 02 người con trai và 02 người con gái. Người con trai nhỏ là Kim Jong Un sinh năm 1983 hiện là lãnh tụ của Bắc Hàn. Bà Ko Young Hui mất năm 2004 vì ung thư.
Sau cái chết của bà Ko Young Hui, chủ tịch Kim Jong Il chung sống với người thơ ký, Kim Ok, mà người ta vẫn gọi là đệ nhất phu nhân Bắc Hàn
***
Đáng lý Kim Jong Nam là người được Chủ Tịch Kim Jong Il chọn để kế nghiệp. Thời gian 1998 -2001 là thời gian được người ta bàn bạc rất nhiều về ông như người kế nghiệp Kim Jong Il. Vì:
Năm 2001 Kim Jong Nam dùng hộ chiếu Cộng Hòa Dominican dưới tên giả Trung Hoa Pang Xiong để đi Nhật. Ông bị phát hiện và trục xuất về Trung Hoa lục địa từ Tokyo. Vì chuyện này Kim Jong Nam bị thất sủng Những người bảo thủ trung thành với Chủ Tịch Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) trước kia dựa vào chuyện này để làm cho Kim Jong Il thất sủng con trưởng của mình vì Chủ Tịch Kim Il Sung trước kia không tán thành cuộc chung sống giữa Kim Jong Il và nữ minh tinh điện ảnh Song Hye Rim. Năm 2003 quân đội công khai chống lại sự kế nghiệp của Kim Jong Nam. Vào năm 2009 và 2010 người con trai thứ của bà Ko Young Hui (Hee) với Kim Jong Il là Kim Jong Un được xem là người thừa kế cho Chủ Tịch Kim Jong Il sau này. Tại sao không chọn Kim Jong Chul, anh của Kim Jong Un? Vì Kim Jong Chul không có nhiều nam tính, không cứng rắn và không vô tình như Kim Jong Un. Người ta viện lẽ rằng Kim Jong Un giống người khai sáng vương triều Cộng Sản họ Kim ở Bắc Hàn. Kim Il Sung, người tôn thờ sức mạnh của sắt thép và cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Kim Jong Nam bị loại ra khỏi quyền thừa kế. Ông cho rằng sở dĩ ông bị loại vì ông học ở Thụy Sĩ, chịu ảnh hưởng của nền dân chủ Tây Phương nên chủ trương cải cách đất nước. Người đã từng nuôi dưỡng và giáo dục Kim Jong Nam là Song Hye Rong cho rằng Kim Jong Nam không nghĩ đến việc thừa kế quyền hành của cha. Có thể bà nói như vậy vì lý do an ninh chăng?
Nguyên nhân nổi bật của việc Kim Jong Nam bị loại ra khỏi quyền thừa kế là việc xử dụng hộ chiếu giả dưới tên Trung Hoa để đi thăm viếng Disneyland Tokyo và các phòng tắm hơi ở Nhật. Cho đến ngày chết (13-02-2017) Kim Jong Nam vẫn dùng tên giả, Kim Chol, để đi từ Macau đến Malaysia.
Ngày 13-02-2017 khi ra khỏi phi trường quốc tế ở Kuala Lumpur, Malaysia, Kim Jong Nam bị hai người phụ nữ, một người Indonesia và một người Việt Nam, dùng chất độc hóa học VX C11H26NO2PS đắp vào mặt Kim. Ông chết trên đường chở đến bệnh viện để cứu cấp.
Cái chết của Kim Jong Nam tại phi trường quốc tế Malaysia làm cho bang giao giữa Malaysia và Bắc Hàn trở nên căng thẳng. Bắc Hàn yêu cầu Malaysia trao xác chết của Kim Jong Nam. Malaysia từ chối vì cần khám nghiệm tử thi xem chết vì lý do gì. Qua cuộc điều tra hai phụ nữ dùng khăn tẩm chất độc đắp vào mặt Kim Jong Nam, cảnh sát Malaysia được biết có bốn người Bắc Hàn can dự trong cuộc ám sát táo bạo này. Cả bốn đã lẻn về Bắc Hàn sau khi cuộc ám sát xảy ra tại phi trường Kuala Lumpur. Còn ba người Bắc Hàn khác còn lẩn trốn ở Malaysia. Trong đó có một người là tham vụ ngoại giao của tòa đại sứ Bắc Hàn tại Malaysia. Malaysia yêu cầu Bắc Hàn ‘hợp tác’ để điều tra đồng thời canh giữ xác chết của Kim Jong Nam cẩn mật để phòng Bắc Hàn cướp xác. Malaysia chờ đợi thân nhân của Kim Jong Nam đến để lãnh xác nhưng vẫn chưa thấy. Chánh quyền Malaysia cho biết họ chỉ cho thân nhân lãnh xác sau khi kiểm tra DNA vì trên giấy tờ người chết mang tên Kim Chol chớ không phải Kim Jong Nam!
Kim Jong Nam có hai vợ, một tình nhân và có sáu con. Người con lớn của ông là Kim Han Sol sinh năm 1995 (22 tuổi) học ở Pháp. Ông được trường đại học Oxford, Anh Quốc, nhận nhưng bỏ cuộc vì lý do an ninh. Sự im lặng của thân nhân của Kim Jong Nam cho thấy họ biết ai đã giết thân nhân của họ. Họ chưa dám ra mặt vì lo ngại an ninh bản thân.
Cơ quan tình báo Nam Hàn qui trách Bắc Hàn về cái chết của Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un, lãnh tụ Bắc Hàn hiện nay. Họ cho biết hai bộ trong chánh phủ Bắc Hàn phối hợp và điều khiển cuộc ám sát này.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Hàn dùng sắt máu để diệt đối thủ chánh trị của họ.
Năm 1983 có 17 viên chức cao cấp Nam Hàn bị Bắc Hàn đặt bom nổ chết ở Rangoon, Miến Điện.
Tháng 12 năm 2013 Kim Jong Un ra lịnh giết Jang Sung Taek, chồng của cô ông và là người trợ giúp ông khi chập chững nắm chánh quyền.
Năm 2015 tổng trưởng bộ Quốc Phòng Hyon Yong Chol bị hành quyết bằng súng phòng không. Thân nhân của người bị hành quyết bị bắt buộc ra chứng kiến cuộc hành quyết ghê rợn nầy.
Cuối tháng 02 năm 2017 có năm viên chức cao cấp ngành an ninh bị hành quyết. Vụ này không liên hệ gì đến vụ ám sát Kim Jong Nam mà vì các viên chức nầy báo cáo tin tức sai lệch khiến cho Kim Jong Un nổi giận.
Từ ngày Kim Jong Un nắm quyền vào cuối năm 2011 đến cuối năm 2016 có 340 người có địa vị quan trọng trong chánh quyền Bắc Hàn bị hành quyết. Như vậy sự lựa chọn con thứ, Kim Jong Un, nối nghiệp rất đúng vì phù hợp với khẩu hiệu Vô Độc Bất Trượng Phu do ông nội Kim Il Sung và cha Kim Jong Il lưu lại.
Về phần Kim Jong Nam ông thoát khỏi một cuộc ám sát tại phi trường Budapest, Hung Gia Lợi, năm 2006. Lúc ấy Chủ Tịch Kim Jong Il còn sống. Khi hay tin Kim Jong Il mất vào tháng 12 năm 2011 Kim Jong Nam về Bắc Hàn nhưng an ninh của ông bị đe dọa trầm trọng khiến ông vội vã quay trở lại lục địa Trung Hoa nơi người vợ thứ nhất của ông ở Beijing (Bắc Kinh); người vợ thứ hai và người tình ở Macau. Ông không có mặt trong đám tang của cha ông, Chủ Tịch Kim Jong Il.
Năm 2011 ông suýt bị ám sát. Ông gởi thơ cho Kim Jong Un xin tha chết cho ông. Ông thay đổi chỗ ở luôn. Khi thì ở Macau. Khi thì ở Singapore. Khi thì ở Mã Lai. An ninh của Kim bị đe dọa khi Kim Jong Il còn sống. Chỉ vì hộ chiếu giả dưới tên người Hoa để đi du hí ở Nhật mà mất quyền nối nghiệp, an ninh bị đe dọa và bị trục xuất khỏi Bắc Hàn? Chắc chắn chuyện không quá đơn giản như vậy. Có người cha nào khắt khe và tàn bạo đối với đứa con có mặt mũi và tánh tình giống mình như vậy? Nếu phạm quốc pháp, gia uy sao không bắt nhốt ở Bắc Hàn mà lại trục xuất sang Beijing và Macau? Yếu tố Trung Quốc trở thành yếu tố vô cùng tế nhị trong vấn đề.
Trong quá khứ Triều Tiên là xứ bộ thuộc Trung Quốc. Kim Il Sung từng gia nhập đảng Cộng Sản Trung Hoa thời Nhật thuộc. Ông ta được xem như thân Trung Quốc. Nước nầy từng đưa quân tham dự chiến tranh Triều Tiên như đã từng tích cực viện trợ cố vấn chánh trị, quân sự, võ khí, thuốc men, lương thực cho Việt Minh trong chiến tranh kháng Pháp. Trung Quốc vừa làm lợi cho mình (tái lập ảnh hưởng ở hai thuộc quốc) vừa được Bắc Hàn và Cộng Sản Việt Nam mang ơn mặc dù Kim Il Sung và Hồ Chí Minh đều phục vụ cho Liên Sô.
Một người với tư cách sĩ quan Liên Sô; con là Kim Jong Il sinh ở Vyatskoye, Liên Sô và mang tên Nga Yuri Irsenovich Kim. Năm 1948 Stalin yểm trợ cho ông lãnh đạo Bắc Hàn.
Một người được thụ huấn ở Moscow hai lần. Cả hai ông Hồ lẫn ông Kim đều ở trong thế làm dâu hai mẹ chồng.
Kim được Stalin ủng hộ.
Hồ bị Stalin làm ngơ. Stalin chọn Charles de Gaulle hơn là Hồ Chí Minh (hiệp ước Pháp-Sô Viết năm 1944). Ông quan tâm đến các nước Đông Âu hơn là một nước Việt Nam nông nghiệp xa xôi.
Kim Il Sung miễn cưỡng thân Trung Quốc vì Bắc Hàn nhận sự giúp đỡ kinh tế và chí nguyện quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên. Bắc Hàn là một quốc gia Cộng Sản khép kín. Nước này không thể được cộng đồng thế giới kính nể với một nền kinh tế nghèo nàn. Kim Il Sung nghĩ đến việc sản xuất bom nguyên tử để không bị cường lân Trung Quốc khinh thường. Cho đến khi mất năm 1994 mộng nguyên tử của Kim chưa được thực thi. Con ông là Kim Jong Il hoàn thành mong ước của cha ông với việc sản xuất hỏa tiễn, tàu ngầm và thí nghiệm bom nguyên tử.
Khi nắm quyền Kim Jong Il vẫn tỏ ra thân Trung Quốc. Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) không có cảm tình với Kim Jong Il, một lãnh tụ Cộng Sản sưu tập nhiều phim ảnh, xe hơi, rượu mạnh ngoại quốc và tỏ ra say đắm nữ sắc. Có phải vì vậy mà Deng Xiaoping không thích ông ấy? Chắc chắn không phải vậy mà là thái độ ương ngạnh của ông ta đối với giới lãnh đạo Beijing. Điều dễ hiểu là ông ta kế nghiệp cha chớ không nhận quyền hành từ sự sắp xếp của Beijing.
Trở lại chuyện Kim Jong Nam.
Hàng loạt câu hỏi hình như có câu trả lời.
Kim Jong Un là một lãnh tụ trẻ, thiếu kinh nghiệm chánh trị và uy tín nội bộ nhưng do đâu ông ta dám ngang bướng với Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), Xi Jinping (Tập Cận Bình)? Từ năm 2012 đến nay ông không hề bước chân đến Beijing. Đó là điều Kim Jong Un hơn trội các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thời hậu Lê Duẩn. Việc ông ta giết người dượng và người hướng dẫn ông trong hai năm đầu cầm quyền, Jang Sung Taek, được xem như một phản ứng chống Trung Quốc vì Jang Sung Taek có quan hệ mật thiết với Beijing.
Việc không viếng thăm hữu nghị của Kim Jong Un sang Beijing, việc giết hại và ám sát hàng loạt nhân viên cao cấp trong chánh quyền Bắc Hàn bằng đại bác, súng phòng không hay cho xé xác, việc Kim Jong Un ra lịnh thí nghiệm bom nguyên tử, bom khinh khí và hỏa tiễn tầm xa, việc Trung Quốc ngưng mua than đá của Bắc Hàn và cái chết của Kim Jong Nam dẫn chúng ta đến vài kết luận sơ khởi tạm thời liên quan đến:
Bắc Hàn trở thành một mụt nhọt nhức nhối đối với Trung Quốc. Thái độ hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Hàn khiến cho Hoa Kỳ lo sợ vì Hoa Kỳ có 28.000 quân đóng ở Nam Hàn. Hoa Kỳ dự trù thiết lập hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn ở Nam Hàn. Đó là hệ thống THAAD (Terminal High Altitude Air Defense: Hệ thống Phòng Không Cao Độ). Nga và Trung Quốc đều phản đối việc thiết lập hệ thống chống hỏa tiễn nầy vì gần biên giới của hai nước. Trung Quốc bị Bắc Hàn dụ vào thế không ưa thích Bắc Hàn nhưng nếu nước nầy bị Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật tấn công thì Trung Quốc bắt buộc phải đưa quân can thiệp. Nếu không, bán đảo Triều Tiên được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Nam Hàn. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ nằm sát nách Trung Quốc.
Trên thế giới Tam Cực nầy nếu có hai cực chạm nhau thì cực thứ ba vươn lên. Trong Tam Cường, Liên Bang Nga là nước to lớn nhất nhưng ít dân số và kém về kinh tế so với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng tổng thống Nga Putin trở thành ngôi sao chánh trị sáng giá hiện nay. Trung Quốc cần sát cánh với Nga. Moscow là điểm đến đầu tiên của Xi Jinping ngày mới lên cầm quyền. Putin từng tặng áo choàng cho Peng Liyuan (Bành Lệ Viên), phu nhân của Chủ Tịch Xi Jinping. Năm 2016 tổng thống Phi Luật Tân Duterte mở màn cho phong trào ái Putin. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ, Donald Trump, là người ái Putin. Cộng Hòa Xả Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ái Putin: tượng Lenin, tượng trùm Mật Vụ Liên Sô Felix Edmundovich Dzerdovich (1877-1926) được dựng lên ở Hà Nội. Nhà tỷ phú Lê Kiến Thành, con trai của ông Lê Duẩn viết báo Công An như để làm sống lại đường lối thân Sô Viết của cha ông từ năm 1975 đến 1986. Kim Jong Un không thân thiện với Xi Jinping nhưng rất nể nang Putin. Một cuộc xung đột võ trang, nếu xảy ra, giữa Hoa Kỳ - Nam Hàn - Nhật Bản một bên và Bắc Hàn - Trung Quốc một bên là niềm mơ ước của Putin. Stalin đã thành công khi thấy chuyện ấy xảy ra năm 1950. Mao Zedong (Mao Trạch Đông) mơ ước một cuộc xung đột võ trang giữa Hoa Kỳ - Liên Sô nhân cuộc khủng hoảng Cuba vào thập niên 1960 để thủ lợi nhưng ông thất vọng vì Krushchev còn đầy đủ sự khôn ngoan.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.