Chu Nguyễn
Ba nghi vấn về một vụ án thời đại
Trung tuần tháng Hai mới đây, giới truyền thông thế giới đua nhau loan một cái tin động trời về một cái chết của một du khách ở phi trường Kuala Lumpur, Malaysia. Nạn nhân có bề ngoài bình thường và cái chết mới nghe xem ra cũng không có gì khác lạ có vẻ do một cơn đột quỵ hay suy tim gì đó. Nhưng tiếp đó là những phát giác mới. Kẻ bất đắc kỳ tử bị ngờ rằng chính là Kim Jong-nam và cái chết của ông bắt nguồn từ việc bị hai phụ nữ tấn công bằng cách chụp khăn hủy hoại thần kinh vào mặt. Khăn này tẩm thuốc cực độc có tên là VX và hai phụ nữ là nghi can đã bị bắt sau đó!
Câu hỏi bao trùm vụ án và cho đến cuối tháng 02, 2017, nghi vấn thêm dày đặc từ cuộc điều tra thảm án tới tranh cãi về ngoại giao và nguyên nhân. Xem ra bí mật của vụ án thời đại sẽ khó có cơ hội tỏ tường cho dù phía công tố Mã lai dự định sẽ truy tố ba nghi can hiện đã bị tống giam vào đầu tháng Ba 2017.
Ba vấn nạn chính được đặt ra: Nạn nhân thực sự là ai? Hung thủ thực ra là kẻ nào và nguyên nhân nào dẫn tới một vụ giết người ngay thanh thiên bạch nhật, giữa một phi trường đông đảo và bằng một thủ đoạn bên ngoài xem ra thô sơ nhưng bên trong ẩn tàng nhiều huyền cơ?
Nạn nhân là ai?
Kẻ bị giết mang hộ chiếu ngoại giao có tên là Kim Chol, người Triều Tiên từ Ma Cau tới Mã lai và trong khi đứng ở phi trường Kuala Lumpur chờ máy bay quay lại Macau thì bị tấn công và mạng vong vào 13 tháng 2, 2017.
Tuy nhiên, tình báo Nam Hàn và cảnh sát Mã lai và truyền thông quốc tế cho rằng Kim Chol hay là Pang Xiong, người Hoa chỉ là những cái tên giả của Kim Jong-nam người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jung-un của Bắc Hàn.
Thực hư ra sao?
Kim Jong Nam sinh ngày 10 tháng 5 năm 1971, con trai cả của cố lãnh tụ Kim Chánh Nhật (Kim Jong-Il) của Bắc Hàn.
Xuất xứ của thiếu gia này cũng bị phủ bởi huyền thoại. Bà mẹ của ông không phải là vợ chính thức của lãnh tụ Kim Chính Nhật mà chỉ là một nghệ sĩ sân khấu có tài, có sắc Song Hye-rim đã có gia đình riêng. Cuộc tình được giữ bí mật vì lãnh tụ tối cao khi ấy là Kim Nhật Thành không thể chấp nhận con mình, kẻ được thừa kế “ngai vàng” lại có cuộc sống ra ngoài khuôn khổ vương giả. Cũng vì thế cậu bé Kim Jong-nam được nuôi dưỡng ở một nơi kín đáo cách biệt trong một lâu đài với hàng trăm lính gác và hàng ngàn người hầu cận.
Thuở nhỏ Kim Jong-nam, vì phải sống trong cô đơn, xa mẹ, nên được nuông chiều rất mực vì có hy vọng trở thành thái tử của vương quốc họ Kim. Lớn lên Kim được gửi du học ở Nga và Thụy sĩ và từ khoảng năm 1998 đến năm 2001, Kim thái tử được coi như người thừa kế của cha mình và sẽ là lãnh đạo tiếp theo của Bắc Hàn.
Kim Jong-nam được kể là có tính tình tương tự như cha mình, và một người thân của gia đình lãnh tụ mô tả ông là “nóng nảy, nhạy cảm, và có năng khiếu nghệ thuật.” Người này cũng nói vào năm 2000 rằng Kim Jong-nam ngỏ ý “không muốn kế thừa cha mình.” Giống như Kim Jong-il, ông quan tâm đến điện ảnh, từng viết kịch bản phim ngắn từ khi còn trẻ. Theo tạp chí Nhật Bản, Kim Jong-nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm bí mật đến Nhật Bản, bắt đầu từ năm 1995. Một quyển sách về gia đình họ Kim, Under the Loving Care of the Fatherly Leader (Dưới sự bảo bọc đầy tình thương của cha già dân tộc) của Bradley K. Martin, thì viết rằng vào cuối thập niên 1990, Kim Jong-nam trở thành “một nhân vật quen thuộc” tại những nơi ăn chơi ở Tokyo.
Năm 1998, Kim Jong-nam được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao trong Bộ Công an, một dấu hiệu cho rằng ông sẽ trở thành một lãnh tụ tương lai. Theo tường thuật thì ông cũng được bổ nhiệm làm người đứng đầu của Ủy ban điện toán Triều Tiên, phụ trách phát triển công nghiệp IT. Vào tháng 1 năm 2001, ông tháp tùng cha đến Thượng hải, tại đây ông đã có các buổi nói chuyện với các quan chức Trung Quốc về công nghệ thông tin.
Tuy nhiên một biến cố thay đổi đời Kim. Vào tháng 5 năm 2001, Kim Jong-nam đã bị bắt khi đến sân bay Narita, Nhật, cùng với hai phụ nữ và một cậu bé bốn tuổi được xác định là con trai ông. Ông đến Nhật du lịch bằng một hộ chiếu giả của cộng hòa Dominica với cái tên Trung Quốc, được tường thuật là mặc một chiếc áo sơ mi trắng và áo khoác tối màu cùng với kính mát và đeo dây chuyền vàng. Sau khi bị giam giữ vài ngày, ông bị trục xuất về Trung Quốc theo chỉ thị của chính phủ Nhật Bản. Từ đó ông không còn được cha mình tin tưởng và người em trai cùng cha khác mẹ với Kim Jong-nam là Kim Jong-un đã trở thành người kế thừa ngai vàng vào tháng 9 năm 2010.
Khi sống lưu vong, Kim Jong-nam được biết đến cùng với một số chỉ trích chế độ gia đình trị và tỏ ra là một người ủng hộ nhu cầu cải cách ở Bắc Hàn.
Có nguồn tin cho rằng Kim Jong-nam để mất sự yêu mến của cha mình bởi vì đã trở thành người ủng hộ cải cách sau khi tiếp thu giáo dục ở Thụy sĩ, dẫn đến cha ông cho rằng ông đã trở thành một “tên tư sản”. Trong một thư điện tử gửi cho biên tập viên của Tokyo Shimbun, Kim Jong-nam đã viết rằng “Sau khi tôi trở về Bắc Hàn sau thời gian học tập tại Thụy sĩ, tôi càng trở nên xa cách cha tôi hơn vì tôi nhấn mạnh về cải cách và mở cửa thị trường và cuối cùng bị nhìn nhận bằng sự nghi ngờ,” ngoài ra ông tâm sự: “Cha tôi cảm thấy rất cô đơn sau khi gửi tôi đi học ở nước ngoài. Sau đó các em trai khác mẹ của tôi là Jong-chol và Jong-un cùng em gái khác mẹ Yeo-jong ra đời và sự quý mến của ông được chuyển sang cho họ. Và đến khi ông cảm thấy rằng tôi đã trở thành một tên tư sản sau nhiều năm học tập ở nước ngoài, ông đã rút ngắn thời gian học ở hải ngoại của các em tôi.”
Tháng 1 năm 2009, Kim Jong-nam cho biết ông “không quan tâm” đến việc kế thừa cha ông nắm giữ quyền lực.
Cuối tháng 10 năm 2010, người em trai khác mẹ của ông là Kim Jong-un chính thức trở thành người thừa kế: Kim Jong-un được tuyên bố là Lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn sau cái chết của Kim Jong-il vào ngày 24 tháng 12 năm 2011.
Một cuốn sách xuất bản năm 2012 với tiêu đề My Father, Kim Jong Il, and Me của nhà báo người Nhật Yoji Gomi, người từng nhiều lần phỏng vấn Kim Jong-nam, tiết lộ, Kim Jong-nam cho rằng sự lãnh đạo của Kim Jong-un sẽ thất bại, viện dẫn rằng em trai mình còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Ông cũng nói rằng “Nếu không có cải cách, Triều Tiên sẽ sụp đổ, và khi thay đổi đó diễn ra, chế độ sẽ sụp đổ.”
Từ khi bị ruồng bỏ, Kim sống phần lớn thời gian ở lục địa Trung quốc và Ma cau và nổi tiếng là dân chơi có hạng. Kim Jong-nam có hai vợ, ít nhất một người tình và nhiều con cái. Người vợ hai Lee Hye-Kyong có một con trai và một con gái. Người tình có tên là So Yong Ra, 41 tuổi cựu nữ tiếp viên hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo mà cảnh sát Mã lai cũng muốn lấy lời khai.
Cái chết của kẻ lưu vong
Vào ngày 14 tháng 2 năm 2017, một số báo chí tường thuật Kim bị ám sát tại Malaysia bởi hai người phụ nữ được suy đoán là điệp viên của Bắc Hàn, trong chuyến trở về Macau tại trạm sân bay quốc tế Kuala Lumpur, nơi dành cho các hãng hàng không giá rẻ.
Vì nạn nhân đi du lịch ở Malaysia với tên là “Kim Chol”, nên giới hữu trách Malaysia không chính thức xác nhận ngay rằng Kim Jong-nam chính là người đàn ông bị giết. Tuy nhiên, chính phủ Nam Hàn nói, họ chắc chắn Kim Jong-nam là người đã bị giết.
Theo cơ quan truyền thông của chính phủ Nhật Bản NHK các viên chức tình báo Nam Hàn khẳng định người đàn ông đã chết thực sự là Kim Jong-nam, bởi vì dấu tay trùng hợp với dấu tay của Kim mà trước đây cơ quan tình báo Nam Hàn có được. Cảnh sát Malaysia xác nhận, Kim chết trong khi được đưa từ sân bay đến bệnh viện Putrajaya,
Sau đó trong cùng ngày, Giám đốc Cục Điều tra hình sự Malaysia Mohmad Salleh nói với các phương tiện truyền thông, sau khi bị tấn công, Kim đã báo động một nhân viên tiếp tân, rằng, “một người nào đó đã nắm lấy tôi từ đằng sau và tung chất lỏng vào mặt tôi”. cái chết của Kim sẽ là cái chết của một nhân vật quan trọng nhất liên quan đến Bắc Hàn kể từ khi Jang Sung-taek, dượng của Kim Jong-Un, bị hành quyết vào năm 2013.
Các giới chức chính phủ Malaysia cho biết, giới hữu trách Bắc Hàn phản đối bất kỳ hình thức khám nghiệm tử thi được thực hiện trên cơ thể của Kim nhưng khám nghiệm tử thi vẫn được tiến hành vì họ không nộp một công hàm phản đối chính thức. Khám nghiệm tử thi của Kim được tiến hành vào ngày 15 tháng 2 tại nhà xác bệnh viện Kuala Lumpur với sự hiện diện của một số viên chức Bắc Hàn, và kết luận vào ngày hôm sau chính thức xác nhận danh tính xác chết là Kim.
Đối với yêu cầu lấy xác Kim của Bắc Hàn, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi trả lời rằng họ chỉ giao xác khi khám nghiệm tử thi được thực hiện, và có “một số thủ tục” mà chính phủ Bắc Hàn phải làm. Nhân vật này nói thêm, xác sẽ được trao cho thân nhân hoặc đại sứ quán Bắc Hàn tại nước này nếu gia đình ông Kim cung cấp một mẫu DNA để xác định người chết đúng là Kim Jong-nam. Một báo cáo chính thức của chính phủ nói, vợ thứ hai của Kim ở Macau đã liên lạc với chính phủ Trung Quốc để tìm giúp đỡ trong việc đòi xác.
Dần dần độc chất đã lấy đi mạng sống của Kim và hành hạ ông trong đau đớn tới 20 phút cuối cùng của cuộc đời được xác định là chất VX. VX là chất cấm theo lệnh Liên hợp quốc, vì có khả năng sát hại hàng loạt. Nó có tên hóa học là ethyl N-2-Diisopropylaminoethyl Methylphosphonothiolate. Chất này thường nằm trong kho các quốc gia có ý đồ sử dụng vũ khí hóa học, nó có tác dụng làm tê liệt hệ thần kinh của kẻ ngửi phải hay tiếp xúc, dù chỉ ở ngoài da và dẫn tới cái chết vô phương cứu chữa. Người ta cho rằng Saddam Hussein đã sử dụng VX trong chiến tranh Iran-Iraq.
Nhưng vẫn có nghi vấn: xác của Kim Chol có phải là thi hài của Kim Jong-nam hay không?
Đài truyền hình FNN (Fuji News Network) của Nhật Bản trong một bản tin phát hình ảnh Kim Jong-nam năm 2013, với tiêu đề “Hình xăm của Kim Jong-nam biến mất rồi?” Ảnh chụp ông Kim cởi trần, lộ hình xăm ở bắp tay và phần bụng, lưng, do nữ phóng viên Mizumi Fujita cung cấp, theo China Press, báo tiếng Trung của Malaysia.
So với ảnh nạn nhân được cho là Kim Jong-nam mắt nhắm nghiền, bất tỉnh nhân sự, ngồi trên ghế phòng y tế ở sân bay Kuala Lumpur sau khi bị hạ độc. Phần bụng lộ ra không có hình xăm.
Nữ phóng viên Fujita quen biết ông Kim Jong-nam đã hơn 10 năm, gặp gỡ hơn 30 lần. Cô cho biết ảnh hình xăm do ông Kim gửi cho mình từ lâu. Truyền thông Nhật nêu giả thuyết người chết là thế thân của Kim Jong-nam, nhưng cũng có thể ông Kim không xăm mình thật, mà đó chỉ là hình xăm dán. Fujita cho rằng phải chờ kết luận xét nghiệm ADN của cảnh sát Malaysia mới rõ thực hư.
Hai nghi can hạ sát Kim là ai?
Tin báo chí dần dần hé lộ tên tuổi hai phụ nữ đã bất ngờ dùng khăn tẩm VX chụp lên mặt của Kim khiến nạn nhân choáng váng, hoa mắt vội vàng tìm nơi rửa mặt và tới quầy hàng không để nhờ cứu cấp trước khi gục ngã trên ghế.
Nghi can đầu tiên bị bắt là một phụ nữ trạc ba chục. Nhờ camera của phi trường đã thấy nghi can mặt áo pull có ghi nhãn hiệu LOL nên khi nghi can này toan tìm đường tẩu thoát khỏi Kuala Lumpur thì bị bắt. Cuộc thẩm vấn ban đầu cho biết tên nghi can là Đoàn thị Hương, 29, mang hộ chiếu Việt nam.
Từ việc bắt giữ Đoàn thị Hương, cảnh sát đã bắt được nghi can thứ hai mang hộ chiếu Indonesia có tên là Siti Aisyah.
Một nguồn tin cho biết, nghi phạm người Indonesia Siti Aisyah, 25 tuổi, một trong hai phụ nữ bị bắt, khai với giới chức đại sứ quán Indonesia khi được tiếp xúc, rằng có kẻ đã đưa đưa cho cô 400 ringgit (tiền Malaysia) hay khoảng 90 đô-la để ‘bôi nhọ mặt’ ông Kim Jong-nam bằng một thứ “dầu cho trẻ em,” như là một phần của một chương trình khôi hài của đài truyền hình.
Tuy nhiên, độc giả chú ý nhiều tới nghi can Đoàn thị Hương.
Đoàn Thị Hương, sinh năm 1988, cũng khai rằng cô bị lừa nên đã tham gia vào một trò đùa cho truyền hình nào ngờ mắc họa và không biết nạn nhân là ai.
Cảnh sát Malaysia không tin những lời khai trên và cho rằng những kẻ tấn công Kim đã được huấn luyện thành thạo để ra tay hạ sát Kim nên đã rửa tay ngay sau cuộc tấn công và tìm cách tẩu thoát.
Ngày 22 tháng 2, ông Khalid, một chỉ huy cảnh sát Malaysia nói, hai nghi phạm nữ biết rõ họ đang làm gì và hai người này đã thực nghiệm cuộc tấn công tại Pavillion Centre và Kuala Lumpur City Centre trước khi ra tay thực sự. Ông ta nói, “chúng tôi rất tin tưởng rằng việc đó đã được hoạch định và cả hai được huấn luyện để làm chuyện này”.
Đoàn thị Hương có thực vô can?
Báo chí VN cho biết Đoàn Thị Hương là con gái út trong một gia đình nông dân ở thôn 3, xã Nghĩa bình, huyện Nghĩa hưng, tình Nam định. Cô gái quê này rời gia đình sau khi học hết cấp ba và lên Hà nội học trung cấp dược, thỉnh thoảng về thăm nhà một lần, và thường không có tiền hay quà cáp trong tay… Hàng xóm mô tả Hương rất hiền lành, ở nhà chỉ lo cày cấy, giết không nổi một con gà. Người cha của Hương tâm sự, con gái ông “nhu mì và chịu khó, không chơi bời gì.”
Gia đình tuy theo Công giáo, nhưng mẹ mất sớm, được nuông chiều nên Hương có cuộc sống, có phong cách xem ra “hợp thời” giũ sạch “hương đồng gió nội” nhưng không tạo ra vấn đề gì ở chòm xóm.
Tuy nhiên, bên ngoài, Hương có cuộc sống khó có ai ở vùng quê Hương có thể tưởng tượng được. Hương có Facebook và cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy Hương có hàng tá bạn trai và ăn mặc rất nhậy cảm như “hot girl”.
Ngày 11 tháng 2, Đoàn Thị Hương lần cuối post lên Facebook mang tên “Ruby Ruby”. Chi tiết địa điểm check-in cho thấy cô đang ở gần sân bay Kuala Lumpur. Tiếp đó là cái chết của Kim Jong-nam mà người ta ngờ Hương là nghi can sát thủ.
Ngày 15 tháng 2, Đoàn Thị Hương bị bắt giữ tại sân bay Kuala Lumpur do bị nhận dạng dựa vào camera an ninh của sân bay trùng với 1 trong 2 người phụ nữ đã tiếp cận ông Kim. Như trên đã kể, cô khai là không biết tên của nạn nhân, và cô tưởng đây là một trò đùa trên truyền hình. Sau khi hành động, cô không thấy những người bạn của mình và đã lên taxi rời khỏi sân bay.
Hiện có 3 nghi phạm bị tạm giam là Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, Siti Aisyah người Indonesia 25 tuổi, và nghi phạm người Triều Tiên Ri Jong-chol, 47 tuổi. Dự kiến, trong vài ngày tới văn phòng Chưởng Lý Malaysia sẽ phải đưa ra quyết định truy tố các nghi phạm.
Ai đứng sau vụ hành quyết Kim Jong-nam?
Dư luận cho rằng do chính ông em cùng cha khác mẹ hiện là chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ra lệnh đưa ông anh sang thế giới bên kia vì một rừng không thể có hai chúa sơn lâm.
Phải chăng có sự nhúng tay của điệp viên Bắc Hàn như cảnh sát Mã lai khẳng định? Những nhân vật tình nghi có thể thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (The Guard Command) là tổ chức an ninh quan trọng nhất ở Bắc Hàn, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho lãnh đạo Kim Jong-un, các thành viên gia đình ông và các quan chức Bắc Hàn chủ chốt.
Ước tính đơn vị này có khoảng 100.000 quân nhân, được tuyển mộ kỹ càng. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ nắm quyền sử dụng vũ khí hóa chất và có quyền thanh toán bất cứ ai mà chế độ cho rằng đe dọa cho cán quân quyền lực của lãnh tụ tối cao.
Nếu thế thì Kim bị giết do lệnh của lãnh tụ đa nghi và hiếu sát Kim Jomg-Un!
Tranh quyền cướp ngai báu đến nỗi em giết anh thường thấy trong lịch sử các chế độ chuyên chế. Người ta không quên về đời nhà Tùy (TQ) thái tử Dương Dũng bị em là Dương Quảng giết đề tranh ngôi. Tới đời Đường thì Lý Thế Dân muốn trở thanh Đường thái tông thì phải giết anh là Kiến thành vốn được phong thế tử. Ở Việt nam thì Hồng Bảo khó tránh tai kiếp khi em là Hồng Nhậm (Tự Đức) lên ngôi. Như thế kẻ tình nghi số một trong cái chết của Kim Jung-nam chính là Kim Jong-un.
Tại sao tới bây giờ Kim Jong-un mới ra lệnh giết anh? Có thể vì giữa Bắc Hàn và Trung quốc gần đây căng thẳng về ngoại giao và kẻ đa nghi như Kim Jong-un lo sợ ông bạn láng giềng sẽ tìm cách thanh trừ mình và mang ông anh dễ bảo về nước thay thế?
Tại sao phải giết người một cách lộ liễu và vụng về như thế? Các chuyên viên về Bắc Hàn cho rằng đó là một thủ đoạn mà Bắc Hàn cố ý dàn dựng để đe dọa thế giới rằng họ có trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt VX và có cả thuốc giải hóa chất kinh khủng này (bằng cớ là hai nghi can dùng VX sát hại Kim lại tạm thời bình yên vô sự). Chiến tranh tâm lý này gieo kinh khủng cho dân Nam Hàn và Nhật Bản chẳng khác bom nguyên tử mà Bắc Hàn thường rêu rao sẵn sàng sử dụng!
Có chứng cớ Bắc Hàn nhúng tay vào việc giết Kim hay không? Phần lớn là suy luận và tin đồn.
Ngày 20 tháng 2, báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản dẫn lời tờ China Press bằng tiếng Hoa của Malaysia đưa tin rằng “một người đàn ông châu Á dường như là điệp viên của Bắc Hàn” tiếp xúc với hai nữ nghi can Indonesia và Việt Nam khoảng “ba tháng trước vụ ám sát”. Tờ báo đưa tin rằng người đàn ông này lần đầu gặp cô Hương ở Malaysia ba tháng trước, và để “gây dựng lòng tin với cô, người đàn ông đã đi thăm Việt Nam cùng cô rồi đi mua sắm ở Nam Hàn”. Người này sau đó giới thiệu hai công dân Indonesia và Việt Nam với nhau rồi nói là họ sẽ tham gia vào một trò chơi khăm do truyền hình thực hiện.
Ngoài Ri Jong Chol, nghi phạm Bắc Hàn đang bị cảnh sát giam giữ, nhà chức trách Mã lai đã tuyên bố truy lùng các nghi can khác thuộc quốc tịch Bắc Hàn trong đó có Hong Song Hac, 34 tuổi, và Ri Ji Hyon, 33 tuổi và đòi hỏi cung cả một nhân vật cao cấp trong sứ quán Bắc Hàn ở Malaysia là Hyon Kwang Song vì tình nghi có dính dáng tới cái chết của Kim Jong-nam.
Malaysia tuyên bố sẽ phát lệnh bắt giữ nếu ông Hyon không ra trình diện và hợp tác với cảnh sát. Tuy nhiên, không rõ họ có được bắt giữ quan chức này không vì ông Hyon có quyền miễn trừ ngoại giao.
Cuộc điều tra chắc chắn sẽ tạo ra sự căng thẳng về bang giao giữa hai quốc gia Bắc Hàn và Mã lai.
Đoàn thị Hương có phải là một cô gái quê “giết gà không nổi” hay không? Cuộc phanh phui của báo chí và cảnh sát cho thấy nghi can này có cuộc sống buông thả hơn người ta tưởng, cô có khá nhiều bạn bè quen biết qua Facebook, với mỹ danh Ruby Ruby và hàng tá hình ảnh phô bày tấm thân của một kẻ khát vọng làm người mẫu hoặc danh ca như có tin cô từng tham dự cuộc tuyển lựa Vietnam Idol. Cánh bướm tung tăng mải cuộc sống LOL(Laugh out loud hay lots of love) đầy vui vẻ trẻ trung nên vô tình sa vào cạm bẫy khó thoát thân ?
Vụ án mạng một nhân vật nổi tiếng quốc tế xảy ở ngay thủ đô Malaysia khiến cảnh sát và cả quốc gia này mất mặt. Cho dù Đoàn thị Hương oan ức nhưng cũng khó tránh một bản án không nhẹ theo điều 302 của luật hình sự Malaysia.
Mọi người đều chờ xem chính quyền Việt nam làm gì để bênh vực công dân của mình nếu Đoàn thị Hương quả thực oan ức?
Chu Nguyễn