Ngô Thụy Chương


Âu Châu và vấn đề tỵ nạn

 

Ngày 2 tháng 9 năm 2015 vừa qua, trên bãi biển khu nghỉ mát Bodrum thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ, trôi dạt vào xác một em bé trai. Em mặc chiếc quần ngắn màu xanh, áo đỏ, chân mang đôi giày vải. Em bé này là Aylan Kurdî, ba tuổi, người Syrië.

Theo Liên Hiệp Quốc, trong năm nay, hơn 2.500 người tị nạn đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải, trong đó có hàng trăm trẻ em, nhưng gần như không một ai lưu tâm đến. Cho đến khi bức hình bé Aylan chết chìm trên biển được đăng trên báo chí thế  giới và chuyền nhanh qua facebook, mới đánh động trái tim con người khắp nơi.

Bức tranh đó là sự thật. Một trẻ thơ chết trong dòng thủy triều.

Bức tranh đã diễn tả đầy đủ về thảm họa trên biển Địa Trung Hải.

Tờ báo Anh The Independent đưa hình cậu bé lên trang web của họ và đặt câu hỏi: "Nếu đây là hình ảnh thật đau đớn của một em bé người Syrië chết, trôi dạt vào một bãi biển, thì thái độ của châu Âu đối với người tỵ nạn có thay đổi không?"

 

Điều gì đã và đang xảy ra ở Syrië?

Trong hơn bốn năm nay, nước Syrië đã và đang xảy ra một cuộc chiến tranh giữa chế độ độc tài của Tổng thống Assad với lực lượng nổi dậy. Trong cuộc chiến này, cả hai phe đều nhận được sự trợ giúp của những người đồng đạo từ các nước trong khu vực. Do vậy, cuộc chiến đã kéo dài, không lối thoát và vượt khỏi biên giới của Syrië sang các nước khác ở Trung Đông. Thêm vào đó, từ hơn một năm nay, khi cuộc chiến tại Syrië chưa ngã ngũ thì lại thêm lực lượng Hồi giáo cực đoan (IS) với các vụ thảm sát dã man mà hầu hết nạn nhân đều là thường dân. Ðể sống còn, hàng triệu người dân Syrië đã phải trốn chạy khỏi quê hương của họ, đi lánh nạn tại các nước lân bang như Thổ Nhĩ Kỳ, Libanon, Jordanië.

 

Tại sao ngày càng nhiều người Syrië đến châu Âu?

Cuộc nội chiến ở Syrië đã diễn ra hơn bốn năm, và hơn một năm gần đây, nơi nào họ đi qua, lực lượng cực đoan Hồi giáo (IS) cũng gây nhiều hành động khủng bố, tàn phá, giết chóc và hãm hiếp. Tuy nhiên, chỉ vài tháng này, làn sóng tỵ nạn mới ồ ạt kéo đến Âu Châu. Một trong những nguyên nhân chính là các nước láng giềng của Syrië đã tiếp nhận người tỵ  nạn quá sức mình.

Không phải bây giờ ngưòi Syrië mới rời bỏ khỏi quê hương của họ. Thật ra gần bốn năm qua, hơn bốn triệu người Syrië đã phải đi lánh nạn ở các nước chung quanh. Một nửa số này, khoảng 2 triệu người, hiện tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Libanon có hơn một triệu và Jordanië cũng cưu mang hơn 600.000 người. Với số lượng đông như vậy, người tỵ nạn không tránh khỏi cuộc sống cơ cực trong các trại tạm cư ở các quốc gia đó. Và hơn thế nữa, họ không nhìn thấy được một viễn ảnh tương lai khả dĩ tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ.

"Những nước này đã không còn chỗ để đón thêm ngưòi tỵ nạn. Đó là lý do tại sao thời gian gần đây, châu Âu là một địa điểm thu hút đối với họ”, VluchtelingenWerk Nederland giải thích.

Ước tính có khoảng 300.000 người tỵ nạn Syrië đang đi trực tiếp hoặc đi từ các trại tỵ nạn sang châu Âu. Con số này đang tăng nhanh do có những “nhóm buôn người” nhúng tay tổ chức.

 

Ngoài người Syrië, những người tỵ nạn khác đến từ đâu?

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thông báo gần 400.000 người tỵ nạn đã đến Âu châu. Trong số này, 88% đến bằng thuyền. Một nửa đến từ Syrië, 13% từ A Phú Hản, số còn lại từ các quốc gia khác như Eritrea, Nigeria, Somalia, Pakistan, Iraq, Sudan, Gambia và Bangladesh.

 

Tại sao bây giờ họ mới đến Âu châu?

Điều quan trọng nhất là sự tuyệt vọng của cuộc chiến ở Syrië. Sự tuyệt vọng càng ngày càng tăng, làm cho mọi người từ bỏ hy vọng rằng họ có thể trở về quê hương để sống. Hơn nữa, cuộc sống tạm bợ của người tỵ nạn ở các nước chung quanh Syrië càng ngày càng tồi tệ. Một phần vì các tổ chức cứu trợ không nhận được đầy đủ tiền từ các nước tài trợ. Người tỵ nạn không có đủ chỗ ở, thực phẩm thiếu thốn, y tế và giáo dục thấp. Một phần khác, họ không được phép tỵ nạn vĩnh viễn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Và quan trọng hơn cả, họ đã tìm ra đường bộ qua Hung Gia Lợi để đến các nước trong khu vực Âu châu an toàn hơn nhiều so với cuộc hành trình nguy hiểm vượt Địa Trung Hải để đến Ý hay Hy Lạp.

 

Âu châu giải quyết người tỵ nạn như thế nào? 

Trong phiên họp cuối tháng 9 vừa qua, các quốc gia Âu châu đã đồng ý trong việc phân phối 120.000 người tỵ nạn đến các quốc gia thành viên. Ða số các quốc gia đã bỏ phiếu chấp thuận. Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni và Slowakije bỏ phiếu chống, Phần Lan bỏ phiếu trắng.

Có sự khác biệt rõ ràng về cơ hội cho người tị nạn ở các nước Âu châu. Ở Thụy Điển ngưòi tỵ nạn được phép đi làm ngay. Ở Đức, việc tiếp nhận người tỵ nạn được tổ chức rất tốt; Hòa Lan cũng vậy. Do vậy hầu hết người Syrië muốn sang Đức, Hòa Lan hoặc Thụy Điển. Những nước như Hy Lạp và Hung Gia Lợi là những quốc gia không có dự phòng tổ chức tiếp đón ngưòi tỵ nạn.

Nền kinh tế của các quốc gia Âu châu vẫn chưa phục hồi, nên việc tiếp nhận người tỵ nạn cũng gặp nhiều chống đối từ dân bản xứ. Thêm nữa là sự khác biệt về phong tục, tôn giáo và văn hóa gây khó khăn không ít trong việc hòa nhập. Điều này đòi hỏi nỗ lực của đôi bên: người tỵ nạn và nước chủ nhà.

 

Hòa Lan đón nhận ngưòi tỵ nạn như thế nào?

Trong thời gian hai năm tới đây, Hòa Lan sẽ nhận 7214 nguời tỵ nạn. Nhiều trung tâm tiếp nhận tỵ nạn đã được thiết lập. Nijmegen có trung tâm tiếp nhận lớn nhất, có thể đón tiếp 3000 người tỵ nạn.

Việc tiếp nhận người tỵ nạn vào Hòa Lan không suông sẻ, mà đã tạo nhiều tranh cãi, bạo động và nhất là phân hóa trong tâm tư người dân bản xứ. Trong khi nhiều tổ chức, trường học, cá nhân mở rộng vòng tay chào đón người tỵ nạn, như yểm trợ tiền bạc, quần áo, gia dụng cần thiết hay ghi tên làm thiện nguyện trong các trung tấp tiếp cư, thì cũng có nhiều cuộc biểu tình chống đối đã nổ ra. Ðôi khi còn có những hành động mạnh bạo, điển hình như ở Woerden, hơn 20 người bịt mặt đã ném bom lửa và trứng vào một trung tâm tiếp nhận với 150 người tỵ nạn, trong số đó có hơn 50 trẻ em. Cuộc biểu tình chống tiếp nhận người tỵ nạn của Pegida, một tổ chức chống Hồi Giáo, đã đụng độ với nhóm ủng hộ người tỵ nạn tại Utrecht, cũng là những dấu hiệu phân hóa xã hội. Thêm vào đó, ngay chính trong các trại tiếp cư thường xẩy ra những xung đột gây thương tích giữa người tỵ nạn với nhau. Ðiều này khiến hình ảnh về người tỵ nạn lại càng không tốt đẹp.

Dù muốn dù không, người tỵ nạn là những người đáng thương, cần sự giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Không ai muốn từ bỏ quê hương, ông bà cha mẹ, ruộng vườn, tài sản để dắt díu nhau, vượt bao khó khăn nguy hiểm, tìm đến một đất nước xa lạ để sống. Phải chăng vì muốn sống còn, vì muốn có cuộc sống bình an, muốn con cái có tương lai tốt,  những người tỵ nạn đã không có sự chọn lựa nào khác hơn là rời bỏ quê hương chiến tranh của họ.

Hãy mở rộng tình thương và vòng tay để giúp đỡ những ngưòi tỵ nạn này. Chỉ với một số tiền nhỏ gửi đến VluchtelingenWerk Nederland, Artsen zonder Grenzen, hay ghi tên làm tình nguyện viên cho Rode Kruis cũng là những việc làm tích cực mà người tỵ nạn Việt Nam chúng ta có thể thực hiện được. 

 

Ngô Thụy Chương

 


Cái Đình - 2015