Phạm Đình Lân


Ai Cập, Ukraine, Thái Lan: Sự sụp đổ của chánh phủ dân bầu

 

…Năm 2013 và 2014 có ba chánh phủ do dân bầu bị lật đổ ở Ai Cập, Ukraine và Thái Lan. Thử lướt nhìn hoàn cảnh chánh trị của ba nước ấy trước và sau sự lật đổ của chánh quyền do dân bầu như thế nào?...

 

Dân chủ là một món ăn đầy hấp dẫn nhưng khó tiêu hóa đối với những quốc gia phát triển kinh tế và chưa quen với đời sống dân chủ vì quá khứ thuộc địa hay vì truyền thống tôn giáo, độc tài Cộng Sản hay độc tài quân phiệt v.v... Dân chủ không tùy thuộc vào thể chế chánh trị. Nhiều người tưởng rằng chánh thể Cộng Hòa mới có dân chủ còn chế độ quân chủ thì không có dân chủ. Anh, Hòa Lan, Bỉ, Lục Xâm Bảo, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản (ngoại trừ thập niên 1930, thời kỳ các tướng lãnh dùng võ lực để nắm chánh quyền để thực hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan - jingoism)... đều là những quốc gia quân chủ nhưng đó là những quốc gia có nền dân chủ vững chắc trên thế giới. Trái lại các nước Cộng Hòa ở Phi Châu, Á Châu, Trung và Nam Mỹ lại có nền dân chủ èo uột vì đảo chánh liên miên. Nếu cho rằng có bầu cử là có dân chủ thì nhận xét nầy chỉ đúng 30% trong khi khả năng sai lên đến 70% . Các nước độc tài Cộng Sản hay độc tài quân phiệt đều có bầu cử. Ứng cử viên do độc đảng cầm quyền đưa ra, không có đối lập và người đắc cử căn cứ vào chức vụ, nơi ứng cử để có những tỷ lệ đắc cử khác nhau xê dịch từ  99,9% xuống đến 75%. Thí dụ ông chủ tịch nước kiêm lãnh tụ đảng Cộng Sản phải ra tranh cử ở thủ đô và phải đắc cử ở tỷ lệ 99,9% hay có khi 100%.

Năm 2013 và 2014 có ba chánh phủ do dân bầu bị lật đổ ở Ai Cập, Ukraine và Thái Lan. Thử lướt nhìn hoàn cảnh chánh trị của ba nước ấy trước và sau sự lật đổ của chánh quyền do dân bầu như thế nào?

*****

Ai Cập là quốc gia Hồi Giáo rộng lớn và đông dân cư trong các quốc gia Á Rập vùng Bắc Phi và Trung Đông. Năm 1952 quân đội lật đổ chế độ quân chủ Ai Cập. Từ đó đến năm 2011 Ai Cập đặt dưới sự lãnh đạo của các quân nhân. Đại tá Nasser mới thực sự là linh hồn cuộc đảo chánh lật đổ vua Farouk năm 1952 chớ không phải tướng Neguib. Neguib làm tổng thống một thời gian ngắn từ năm 1952 đến 1954 thì bị Nasser lật đổ và tự cầm quyền cho đến khi chết năm 1970. Tướng Sadat lên làm tổng thống sau cái chết của Nasser. Năm 1981 ông bị nhóm Hồi Giáo quá khích thuộc Huynh Đệ Hồi Giáo ám sát chết vì từ bỏ chánh sách ‘hủy diệt’ Do Thái sau khi Ai Cập bị Do Thái đánh bại năm 1973. Tướng Mubarak lên thay trở thành vị lãnh đạo lâu dài nhất từ cuộc đảo chánh 1952. Mubarak cầm quyền suốt 30 năm (1981-2011) tức chiếm 50,80% trên 59 năm của chế độ quân nhân ở Ai cập. Mubarak bị lật đổ trong Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập. Tổng thống Mubarak bị hạ nhục bằng cách đưa ra tòa trong tư thế người bị nhốt trong lồng sắt! Huynh Đệ Hồi Giáo hồi sinh ở Ai Cập sau Mùa Xuân Á Rập. Họ ủng hộ cho Morsi đắc cử tổng thống.

Morsi từng học và dạy học ở đại học Hoa Kỳ. Ông có con nhỏ có quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng khi được Huynh Đệ Hồi Giáo ủng hộ đắc cử, ông có thái độ thách đố đối với Hoa Kỳ, bày tỏ cảm tình với Hamas, mở cửa biên giới cho Hamas tự do ra vào Ai Cập, ủng hộ nhóm Hồi Giáo cực đoan hoạt động trên bán đảo Sinai, đe dọa nhóm Coptic, Thiên Chúa Giáo cổ ở Ai Cập và không thiện cảm với Do Thái. Nhóm Thiên Chúa Giáo Coptic chiếm tới 10% dân số Ai Cập. Morsi tỏ ra thân thiện với Iran như có ý muốn biến Ai Cập thành một Cộng Hòa Hồi Giáo như Iran. Iran theo Hồi Giáo Shiite. Ai Cập theo Hồi Giáo Sunni. Trước mắt Morsi muốn dùng luật Sharia ở Ai Cập. Không quốc gia Á Rập nào ở Trung Đông tán đồng đường lối của Huynh Đệ Hồi Giáo do Morsi đại diện ngoại trừ Qatar. Trước viễn ảnh Hồi Giáo hóa Ai Cập dân chúng biểu tình đòi Morsi từ chức. Một mặt Morsi đàn áp người biểu tình. Mặt khác ông để cho các thành viên của Huynh Đệ Hồi Giáo đương đầu trực tiếp với những người biểu tình chống Morsi. Tướng El Sissi, người chỉ huy quân đội Ai Cập và tổng trưởng bộ Quốc Phòng lợi dụng cơ hội nầy để lật đổ Morsi. Adly Mansour, chủ tịch Tòa Án Tối Cao được cử làm tổng thống lâm thời ngày 04-07-2013. Huynh Đệ Hồi Giáo biểu tình đòi phục hồi quyền cho tổng thống dân bầu Morsi. Liên Âu lấy làm tiếc vì cuộc đảo chánh nầy. Hoa Kỳ cúp viện trợ cho Ai Cập vì trên nguyên tắc, Hoa Kỳ không nhìn nhận chánh phủ hình thành từ đảo chánh. Sissi trở thành người của tình thế mặc dù Mansour là tổng thống lâm thời. Chánh phủ thời hậu Morsi thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình của Huynh Đệ Hồi Giáo ủng hộ Morsi. Các lãnh tụ của Huynh Đệ Hồi Giáo đều bị cầm tù và đưa ra tòa xử án. Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm hoạt động.

Do Thái thích đường lối mạnh bạo của Sissi đối với Huynh Đệ Hồi Giáo và Hamas. Ai Cập mở những cuộc hành quân ở Sinai, dùng đất, cát và nước lấp các đường hầm của nhóm Hamas nối liền dải Gaza với bán đảo Sinai của Ai Cập. Sissi không có chủ trương chống Do Thái. Ông không có tinh thần Hồi Giáo cực đoan cũng không dùng đa số tín đồ Hồi Giáo trong nước để đè bẹp thiểu số người Thiên Chúa Giáo Coptic. Hoa Kỳ không ủng hộ Sissi. Saudi Arabia và các vương quốc Vùng Vịnh viện trợ hàng chục tỷ Mỹ Kim cho Sissi. Sissi thăm viếng Putin và được Putin khuyến khích ông ra tranh cử tổng thống. Putin có ý ve vãn Sissi như Khrushchev ve vãn Nasser thành công sau cuộc khủng hoảng kinh đào Suez năm 1956. Sau biến cố nầy Syria sáp nhập vào Ai Cập để thành lập Cộng Hòa Á Rập thống nhất (1958). Sau cuộc chiến tranh chống Do Thái thất bại năm 1973, tổng thống Sadat từ bỏ đường lối chống Do Thái và chấm dứt đường lối thân Liên Sô của Nasser. Liên Sô chỉ còn bám víu ở Syria cho đến ngày nay với Liên Bang Nga sau khi Liên Sô không còn nữa.

Sissi không có cái hùng tính đầy hấp lực của Nasser hay Charles de Gaulle. Dù ở trên địa vị cao nhất nước Nasser vẫn giữ chức vụ đại tá lịch sử của mình như Charles de Gaulle giữ chức thiếu tướng của ông dù đã được người Pháp xem là vị cứu tinh của nước Pháp trong đệ nhị thế chiến và thời Đệ Ngũ Cộng Hòa. Sissi không được như vậy. Để chuẩn bị ra tranh cử tổng thống ông phải nhờ tổng thống lâm thời Mansour phong cho ông làm thống chế. Ở điểm nầy ông giống tướng Nguyễn Khánh của VNCH năm 1964. Sissi ra tranh cử tổng thống với một ứng cử viên ‘cò mồi’ hơn là một đối thủ chánh trị. Ông được đắc cử với 93% phiếu bầu (23,38 triệu phiếu). Ông Sahabi chỉ được 735.285 phiếu (5%). Có trên một triệu phiếu bất hợp pháp! Cuộc bỏ phiếu dự trù trong hai ngày 26 và 27-05-2014. Nhưng vì số lượng cử tri đi bầu quá yếu nên phải kéo dài thêm một ngày bỏ phiếu nữa. Số cử tri đăng ký đi bầu là 54 triệu nhưng có 44% con số nầy đi bầu trong ba ngày 26, 27 và 28-05. So với tỷ lệ cử tri đi bầu cho Morsi năm 2012, 52%, tỷ lệ cử tri đi bầu vừa qua chỉ 44%. Những người ủng hộ Morsi và Huynh Đệ Hồi Giáo không đi bỏ phiếu. Một số cử tri khác không thích Huynh Đệ Hồi Giáo nhưng cũng không thích sự trở lại cầm quyền của chánh quyền độc tài quân nhân. Người bỏ phiếu cho thống chế Sissi cũng hoài nghi khả năng chấn hưng kinh tế và ổn định trật tự xã hội như Mubarak đã làm suốt 30 năm cầm quyền. Những cuộc bầu cử vào tháng 5 vừa qua mở đường cho Hoa Kỳ nhìn nhận Sissi và chế độ của ông thời hậu Morsi để tiếp tục viện trợ hàng tỷ Mỹ Kim cho Ai Cập như đã làm dưới thời tổng thống Mubarak. Vì ít ra đường lối của Sissi bảo đảm an ninh cho người Thiên Chúa Coptic ở Ai Cập, nước Do Thái và vừa lòng Saudi Arabia. Sissi không giúp đỡ cho Hamas như Morsi. Ông không có dấu hiệu gì chứng tỏ ông muốn hủy bỏ các hiệp ước ký kết với Do Thái như Morsi. Vua Saudi Arabia lo ngại Huynh Đệ Hồi Giáo, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran như lo ngại Al Qaeda vậy. Do Thái và Saudi Arabia là hai đồng minh trân quí của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Nếu Hoa Kỳ trù trừ như đã làm sau ngày 03-07-2013 đối với Ai Cập vì lật đổ Morsi, vị tổng thống do dân bầu trong một cuộc bầu cử trong sạch thì Sissi có thể hướng về Nga hay Trung Hoa Cộng Sản. Trong trường hợp đó Hoa Kỳ được lợi gì?

*****

Ukraine là một cựu Cộng Hòa Sô Viết cùng chủng tộc Slav, chữ viết Cyrillic và Chính Thống Giáo với Nga. Nhưng Ukraine rất dè dặt với quốc gia láng giềng đồng văn, đồng chủng và đồng đạo của họ dù dưới thời Nga hoàng, chế độ Cộng Sản hay dưới thời hậu Cộng Sản. Ukraine khao khát được độc lập khỏi Nga. Đó là điểm khác biệt nổi bật của Ukraine và Cộng Sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Ukraine không ưa thích Lenin hay Stalin. Họ cũng không hân hạnh gì có hai công dân Ukraine lãnh đạo Liên Sô và Đảng Cộng Sản Liên Sô (Khrushchev và Brezhnev) trong khi Hồ Chí Minh gọi Lenin là cha, thầy cố vấn vĩ đại. Ông khóc òa khi hay tin Lenin mất năm 1924 nhưng không nhỏ một giọt nước mắt khi nghe phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của ông, mất ở Cao Lãnh năm 1929. Tố Hữu không ngần ngại ca tụng Stalin khi nghe tin nhà độc tài nầy chết bằng câu:
Thương cha thương một, thương ông (Stalin) thương mười.

Người Ukraine dè dặt không dám thân mật quá độ với người Nga vì lý do đồng chủng, đồng văn, đồng đạo giữa lúc Moscow dùng chủ nghĩa bành trướng Slav (Pan-Slavism) để đưa Ukraine và các quốc gia trên bán đảo Balkans vào quỹ đạo của Nga. Họ sợ bị đồng hóa và diệt chủng khi nhớ đến chánh sách đồng hóa và diệt chủng Ukraine thời Nga hoàng và thời Cộng Sản bằng cách không dạy tiếng nói Ukraine trong trường học và gây nạn đói giả tạo vào thập niên 1930. Phản ứng của Ukraine trước Nga khác với phản ứng ‘bắt quàng làm họ’ của một số người Việt Nam đối với Trung Hoa. Ông Đặng Xuân Khu, tổng bí thơ đảng Lao Động Việt Nam (Cộng Sản), chọn bí danh Trường Chinh dựa vào cảm hứng của cuộc Vạn Lý Trường Chinh (Wan Li Chang Zheng) do Mao Zedong (Mao Trạch Đông) lãnh đạo trong thời gian 1934-1935. Ông Nông Đức Mạnh, tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam, tự nhận mình là người Choang ở Guangxi (Quảng Tây) (người Choang hay Zhoang tức người Tày ở miền Bắc Việt Nam). Nào là môi hở răng lạnh. Nào là sông liền sông, núi liền núi v.v...

Dưới thời Sô Viết Ukraine có lò nguyên tử, phi hành gia, hai vị lãnh đạo Liên Sô, Ukraine được giải thưởng Nobel 05 lần:
a. 1952: giải Nobel về Y Khoa
b. 1966: giải Nobel về Văn Chương
c. 1971: giải Nobel về Kinh tế
d. 1981: giải Nobel về Hóa Học
e. 1992: giải Nobel về Vật Lý.

Thế nhưng từ khi độc lập năm 1992 đến nay kinh tế Ukraine vẫn còn ọp ẹp. Họ theo kinh tế thị trường nhưng lúng túng về nền kinh tế tư bản nầy. Họ lệ thuộc Nga về khí đốt. Nạn tham nhũng là một trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế. Trong nước có hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Các tỉnh (oblasts) phía tây muốn Ukraine theo Liên Âu và trở thành một thành viên của NATO như Ba Lan và các quốc gia Đông Âu Cộng Sản trước kia. Các tỉnh phía đông và nam như Donetz, Luhansk, Kharkiv và bán đảo Crimea có nhiều người Ukraine gốc Nga. Các tỉnh nầy chủ trương thân Nga. Đại diện cho khuynh hướng nầy là Viktor Yanukovych. Năm 2004 Ukraine làm cuộc Cách Mạng Da Cam chống sự gian lận bầu cử của Yanukovych. Đối thủ của ông nầy là Viktor Yushenko được đắc cử tổng thống sau khi bầu cử được tổ chức lại. Năm 2010 Yanukovych thắng nữ thủ tướng Yulia Tymoshenko.  Liền sau đó bà Tymoshenko bị đưa ra tòa phạt tù vì tội tham nhũng. Tháng 11 năm 2013 dân chúng ở Kiev biểu tình đòi tổng thống thân Nga Yanukovych từ chức vì ông không chịu ký thỏa ước thương mại với Liên Âu mà hướng về Liên Bang Nga và Trung Hoa Cộng Sản. Yanukovych đàn áp đẫm máu người biểu tình đập nát tượng Lenin ở thủ đô. Moscow cho rằng Liên Âu chịu trách nhiệm về những cuộc biểu tình chống vị tổng thống dân bầu thân Nga. Ngày 22-02-2014 Quốc Hội Ukraine bỏ phiếu truất quyền tổng thống Yanukovych. Ông bỏ chạy sang vùng ảnh hưởng của Nga. Ít ngày sau quân đội Nga tiến chiếm bán đảo Crimea. Họ hậu thuẫn cho Crimea tổ chức trưng cầu dân ý đòi sáp nhập vào Nga. Kế hoạch được hoàn thành tốt đúng theo ý muốn của Putin.

Crimea tách rời khỏi Ukraine để trở thành một phần của Liên Bang Nga (18-03-2014). Hoa Kỳ và Liên Âu ủng hộ chánh phủ Kiev. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF hứa cho Ukraine vay 17 tỷ Mỹ Kim để chấn chỉnh kinh tế. Hoa Kỳ và Liên Âu trừng phạt kinh tế Nga sau khi yêu cầu Nga tôn trọng chủ quyền Crimea của Ukraine. Việc trừng phạt chỉ nhằm vào vài cá nhân trong chánh quyền Moscow chủ trương sáp nhập Crimea vào Nga. Nga tập trung quân đội ngoài biên giới phía đông Ukraine. Các phần tử thân Nga ở Donetz, Luhansk dùng võ lực chiếm các cơ quan công quyền và kéo cờ Nga. Hoa Kỳ, Đức, Pháp yêu cầu Putin ngừng giúp đỡ cho nhóm thân Nga chủ trương chia cắt Ukraine. Nếu không, họ có những biện pháp trừng trị kinh tế nặng nề hơn. Không biết việc trừng phạt kinh tế và ngưng cấp hộ chiếu cho vài nhân vật sau vụ sáp nhập Crimea vào Nga có ảnh hưởng gì không nhưng lần nầy Nga không mạnh dạn sáp nhập Donetz và Luhansk như đã làm với Crimea vào tháng 03 vừa qua mặc dù hai tỉnh nầy tổ chức trưng cầu dân ý trước khi Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống ngày 25-05-2014. Họ thành lập Cộng Hòa Nhân Dân như gợi ý trở lại thời Sô Viết. Việc trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Âu nhắm vào Nga giống như chuyện Thần Gió, Thần Mưa và Thần Mặt Trời thách nhau làm thế nào khiến cho một người mặc áo khoác dài cởi áo. Thần Gió thổi ào ào nhưng người mặc áo khoác càng nắm chặt chiếc áo của mình. Thần mưa trút nước ồ ạt càng làm cho anh ta lạnh nên phải giữ chặt chiếc áo trong người. Thần Mặt Trời tạo nắng nóng như thiêu đốt khiến cho anh ta phải cởi áo để tránh bức nhiệt. Thế là Thần Mặt Trời thắng.

Kết quả cuộc trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Âu vào tháng 03 ra sao không rõ, chỉ thấy cặp mắt của Putin trong ảnh chụp với Xi Jinping (Tập Cận Bình) khi viếng thăm Trung Hoa lục địa và dự hội nghị Shanghai (Thượng Hải) sâu thẳm vì lo nghĩ và mất ngủ hay vì óc thâm hiểm qua cặp mắt sâu thẳm? Chuyến viếng thăm CHNDTQ của Putin vừa qua như là cuộc cầu cứu kinh tế. Putin có vẻ ở vào thế yếu trước Xi Jinping khác với cuộc thăm viếng Moscow của Mao Zedong trước Stalin năm 1950. Dầu khí Nga không còn là công cụ chánh trị tối quan trọng mà Putin có thể dùng với Liên Âu. Putin cần xuất cảng dầu khí sang Trung Hoa lục địa. Một thỏa ước trị giá 400 tỷ Mỹ Kim về việc cung cấp dầu khí Tây Bá Lợi Á cho CHNDTQ trong 30 năm qua một hệ thống đường ống nối liền Tây Bá Lợi Á đến lục địa Trung Hoa. Nhân cơ hội nầy Xi Jinping (Tập Cận Bình) bắt chẹt Putin bằng cách giảm giá cung cấp so với giá mà Ukraine và các nước Liên Âu phải trả! Putin không đóng trọn vẹn vai trò của Stalin mà ông thán phục. Xi Jinping vượt trội hơn Mao Zedong năm 1950 tại Moscow! Xi Jinping trở thành cứu tinh kinh tế của Putin.  Đó là sự liên kết tạm thời giữa hai người cô đơn vì có nhiều mưu tính thâm hiểm. Putin không đưa quân vào Ukraine cũng không nhận Donetz và Luhansk sáp nhập vào Liên Bang Nga nhưng im lặng nhìn quân Ukraine đánh nhau với người ly khai. Thâm ý của ông là tạo nội chiến để làm cho Ukraine suy yếu. Trong số đó những người ly khai võ trang thân Nga có cả người Chechnya đánh thuê. Lãnh tụ Chechnya lên tiếng đính chánh chuyện nầy.

Ukraine vẫn tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25-05 mặc dù ở Donetz và Luhansk trên 80% các thùng phiếu không có người đi bầu. Có 5 ứng cử viên tổng thống. Petro Poroshenko (1965), nhà tỷ phú được gọi là vua kẹo sô-cô-la, đắc cử ngay vòng đầu với 57% phiếu bầu. Ứng cử viên Yulia Tymoshenko chỉ được 13% phiếu bầu và được xếp hạng nhì. Poroshenko được bầu vì cử tri hy vọng vào khả năng kinh tế của ông vì ông là một tỷ phú có xưởng đóng tàu, sản xuất xe hơi nhưng nổi tiếng nhất về kẹo sô-cô-la. Ông hướng về Liên Âu và ước muốn thống nhất Ukraine. Ông gọi những người ly khai thân Nga là ‘khủng bố’, ‘kẻ cướp’ và sẵn sàng đè bẹp họ. Nhưng nhóm ly khai tỏ ra nguy hiểm khi bắn hạ một trực thăng của quân Ukraine làm chết một tướng lãnh. Việc thu hồi Crimea và thống nhất Donetz, Luhansk chưa ngã ngũ và có vẻ chông gai như Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung Hoa Cộng Sản chiếm đóng vậy. Poroshenko được ủng hộ tinh thần và vật chất của Hoa Kỳ và Liên Âu. Ukraine sẽ ký thỏa ước giao thương với Liên Âu nhưng có thể không nghĩ đến việc gia nhập vào NATO hầu tránh phản ứng của Nga. Việc Ukraine cương quyết bầu cử đúng ngày 25-05 mặc cho những biến cố xảy ra ở Donetz và Luhansk và việc đắc cử vẻ vang của Poroshenko cho thấy quyết tâm của người Ukraine trong việc tạo thế đứng pháp lý vững chắc cho chánh quyền của họ. Nó tạo cơ hội cho Nga thương thuyết với chánh phủ Kiev về cuộc khủng hoảng Ukraine. Dù sao Ukraine không đơn độc và không bị Nga khinh rẻ.

*****

Thái Lan là xứ nổi tiếng về đảo chánh kể từ năm 1932 sau cuộc đảo chánh của các quân nhân đòi hạn chế vương quyền bằng chế độ quân chủ lập hiến. Từ 1932 đến cuộc đảo chánh ngày 22-05-2014 vừa qua do tướng Prayuth Chan-ocha cầm đầu, Thái Lan trải qua 13 cuộc đảo chánh lớn. Cuộc đảo chánh năm 2006 lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra, lãnh tụ đảng Thai Rak Thai (Người Thái Yêu Người Thái) đắc cử vẻ vang trong kỳ bầu cử năm 2006. Thaksin lên làm thủ tướng và được nhiều cảm tình của người nghèo và nông dân ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Ông bị lật đổ khi đi dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Thaksin bị tòa xử khiếm diện về tội tham nhũng. Tòa Hiến Pháp hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 25-01-2006 mà đảng Thai Rak Thai của Thaksin đại thắng. Sau cuộc đảo chánh năm 2006 Thaksin sống lưu vong ở nước ngoài. Đảng Thai Rak Thai của ông bị giải tán. Thaksin Shinawatra trở thành cây gai đối với phe bảo hoàng, các tướng lãnh và giới thượng lưu ưu tú trong xã hội Thái Lan.

Về phương diện địa lý vùng Bắc và Đông Bắc Thái là vùng có nhiều nông dân ủng hộ Thaksin Shinawatra. Miền Nam Thái Lan, kể cả cộng đồng người Hồi Giáo dọc biên giới Thái-Mã, là vùng chống đối chánh phủ Thaksin. Thaksin sống lưu vong. Tài sản bị tịch biên. Đảng Thai Rak Thai bị giải tán. Nhưng uy danh của Thaksin vẫn còn ở Thái Lan. Đảng Pheu Thai thoát thai từ đảng Thai Rak Thai. Năm 2011 đảng nầy đại thắng trong cuộc bầu cử. Em gái của Thaksin lên làm thủ tướng. Đó là vị nữ thủ tướng trẻ, đẹp và duyên dáng đầu tiên của vương quốc Thái Lan: Yingluck Shinawatra. Yingluck sớm nổi danh trên chánh trường Thái Lan mặc dù trước đó bà chỉ là một nhà kinh doanh giàu có không hiểu biết nhiều về chánh trị. Thaksin sống ở Dubai, được xem là cố vấn chỉ đạo của Yingluck. Ông có tiến sĩ luật do đại học Houston Texas cấp. Yingluck có cao học về kinh doanh do đại học Kentucky cấp. Yingluck thành công trong việc nới rộng ngoại giao với các quốc gia Âu, Á. Sự thành công của Yingluck đồng nghĩa với sự thành công của Thaksin. Hun Sen của Cambodia có xung đột võ trang về chủ quyền của một ngôi đền trên biên giới hai nước. Khi Yingluck Shinawatra lên nắm chức thủ tướng Thái Lan, hòa khí giữa hai quốc gia láng giềng được phục hồi. Cambodia ngày nay được xem là quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của CHNDTQ. Năm 2012, với tư cách quốc gia chủ trì hội nghị các quốc gia ASEAN, Cambodia tìm mọi cách ngăn chận không cho đề cập đến vấn đề Biển Đông để làm vừa lòng Beijing.

Tháng 11 năm 2013 cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban của đảng Dân Chủ cầm đầu những người biểu tình ở Bangkok đòi thủ tướng Yingluck từ chức vì cho rằng chánh phủ Yingluck thực chất là chánh phủ Thaksin không có Thaksin. Phe chống chánh phủ chống lại sự ân xá cho Thaksin để chuẩn bị cho ông trở về nước. Yingluck hành sử theo luật pháp trước sự bạo động của phe chống đối bà. Bà không từ chức cũng không dùng phe áo đỏ biểu tình chống lại phe chống đối ở Bangkok. Hạ viện bị giải tán để bầu cử lại. Phe chống đối không đồng ý. Họ muốn có một chánh phủ được đề cử thay vì bầu cử vì họ thừa biết đảng Pheu Thái có nhiều ưu thế trong cuộc bầu cử. Phe chống đối tẩy chay cuộc bầu cử vào tháng 02 năm 2014. Đảng Pheu Thai (Vì Người Thái) thắng cử nhưng bị tòa tuyên án hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử giống như biến cố đã xảy ra với Thaksin năm 2006 trước khi quân đội đảo chánh.

Nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra bị tố cáo tham nhũng trong việc thanh toán tiền mua gạo cho nông dân. Ngày 07-05-2014 Tòa Hiến Pháp buộc Yingluck rời ghế thủ tướng vì lạm quyền, vi phạm hiến pháp khi để cho Pol Gen Wichean,người chỉ huy ngành Cảnh Sát Thái, thay thế ông Thawil Pliensri, tổng thơ ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia năm 2011 và trao cho Pol Gen Priewpan Damapong, anh của người vợ ly dị của Thaksin Shinawatra chỉ huy ngành Cảnh Sát. Hội Đồng Quốc Gia Bài trừ Tham Nhũng qui tội cho thủ tướng Yingluck lơ đễnh trong nhiệm vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hoạch Định Chánh Sách Lúa Gạo khiến cho nhiều nông dân chưa được trả tiền do tình trạng tham ô của các viên chức phụ trách. Yingluck được thay thế bằng vị phó thủ tướng kiêm tổng trưởng bộ Thương Mại Niwatthamrong Boonsongpaisan nhưng phe chống chánh phủ đòi Niwatthamrong từ chức. Cuộc khủng hoảng tái diễn sau khi Yingluck rời khỏi ghế thủ tướng. Ngày 22-05-2014, dưới sự chỉ huy của tướng Prayuth Chan-ocha, quân đội, chánh thức đảo chánh. Yingluck bị quân đội giữ. 155 người bị cấm rời khỏi Thái Lan. Prayuth Chan-ocha là tướng chỉ huy Quân Đội Hoàng Gia Thái. Ông được sự chuẩn nhận của vua Bhumibol Adulyadej để nắm chức vụ thủ tướng.

Hai cuộc đảo chánh năm 2006 và 2014 đều nhằm vào gia đình Thaksin Shinawatra. Tại sao? Vì nguồn gốc Guangdong (Quảng Đông) của gia đình nầy? Chưa đúng hẳn. Giòng họ Thaksin từ Guangdong đến lập nghiệp ở Chiang Mai vào thập niên1860 của thế kỷ XIX. Cha của ông Thaksin sinh ở Thái Lan. Năm 1938 tướng Phibul Songram cải quốc hiệu Xiêm La (Siam) thành Thái Lan (Thailand) tức tức Đất của Người Thái hàm ý muốn nói Yunnan (Vân Nam, nơi xuất phát của người Nam Chiếu <Nam Chao> tức người Thái), Lào và vùng thung lũng sông Đà cộng với xứ Xiêm La! Chánh quyền quân phiệt Thái Lan có chánh sách chống người Hán nên thân sinh ông Thaksin mới đổi sang họ Shinawatra cho có vẻ Thái. Đa số thủ tướng hay tướng lãnh Thái đều có nguồn gốc Hán tộc được Thái hóa bằng ngôn ngữ, tôn giáo, y phục lẫn họ và tên gọi. Việt kiều ở Thái Lan trước năm 1975 cũng không được nói tiếng Việt.

Không giống như Nhật hoàng hay nữ hoàng Anh, vua Blumibol Adulyadej có ảnh hưởng rất lớn trong các cuộc khủng chánh trị trong nước. Ông là vị vua ngự trị trên ngai vàng lâu dài nhất trên thế giới (từ 1946). Vua Blumibol Adulyadej sinh ở Cambridge, MA, Hoa Kỳ và học ở Thụy Sĩ. Vua và hoàng hậu đều thấm nhuần văn hóa Tây Phương pha trộn với văn hóa Thái Lan chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ (Phật Giáo Tiểu Thừa, kiến trúc gạch đá hay đất nung, hình thức chữ viết, thức ăn có bột nghệ và dồi dào hương liệu cay nồng, hình thức y phục <sarong>, vũ điệu v.v...), đậm nét hơn văn hóa Trung Hoa mặc dù người Thái gốc ở Yunnan (Vân Nam) tràn xuống phía Nam. Quyền uy của quân vương Thái bị sự canh tranh ráo riết của gia đình Shinawatra do Thaksin đại diện. Gia đình nầy có thế lực tiền bạc (một trong những tỷ phú trên thế giới), được đào tạo ở Hoa Kỳ nơi tôn trọng dân chủ, ý dân thực sự là ý trời và trân quí phương châm: Thành công trên thương trường là thành công trên chánh trường. Họ Shinawatra có nhiều tiền bạc, có đảng chánh trị, có hậu thuẫn quần chúng, những nông dân nghèo ở Bắc và Đông Thái lẫn hậu thuẫn quốc tế từ phía Hoa Kỳ lẫn Trung Hoa Cộng Sản. Đó không phải là một mối đe dọa cho chế độ quân chủ hay sao? Ở các nước quân chủ lập hiến Âu Châu hay Nhật Bản có truyền thống dân chủ, các quân vương không lo ngại các tể tướng giỏi và có nhiều uy tín trong và ngoài nước. Vì vua chỉ ngự mà không trị nên đảo chánh có ích lợi gì? Không ai sợ đảo chánh bằng chánh quyền xây dựng trên sự đảo chánh. Đó là trường hợp Xiêm La ngược dòng lịch sử về cuộc chính biến năm1782 khi tướng Thong Duang lật đổ vua Taksin, một người Thái gốc Triều Châu và mẹ Thái được biết dưới tên Trịnh Quốc Anh (Zheng Guo Ying). Taksin làm vua từ năm 1767 đến1782 thì bị người bạn ấu thời và rể của ông là tướng Thong Duang lật đổ và giết chết. Thong Duang lên ngôi tức Rama I, vua thái tổ của vương triều ngày nay. Vua Rama I từng giúp chúa Nguyễn Ánh khi đưa quân Xiêm sang Việt Nam và bị quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đánh tan ở Rạch Gầm năm1784. Beijing không bình luận gì về cuộc đảo chánh ở Thái Lan. Chỉ biết rằng có tin Thaksin Shinawatra lập chánh phủ lưu vong ở Cambodia.

Thái Lan là đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ từng có vai trò quan trọng trong SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á). Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam II Hoa Kỳ có căn cứ Không Quân dành cho pháo đài bay B-52 trên lãnh thổ Thái Lan. Thái Lan tập trận với Hoa Kỳ hàng năm và nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ.

Úc Đại Lợi và Hoa Kỳ không hài lòng về cuộc đảo chánh vừa qua ở Bangkok và kêu gọi Thái Lan cần có chánh phủ dân sự do dân bầu lên. Tướng Prayuth hợp báo cho biết phải mất trên một năm mới soạn thảo một bản hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Thái độ của Hoa Kỳ đối với Prayuth phản ánh thái độ của chính họ đối với tướng Sissi ở Ai Cập sau ngày 03-07-2013. Hoa Kỳ không thể mất quốc gia đồng minh có vị trí chiến lược và vai trò kinh tế quan trọng thứ nhì ở Đông Nam Á. Trước mắt Thái Lan chứng kiến sự xung đột giữa phe bảo hoàng, tướng lãnh, các thành phần ưu tú xã hội ở miền Nam Thái với gia đình Shinawatra được đông đảo nông dân miền Bắc và Đông Bắc hậu thuẫn. Ở cực Nam, người Hồi Giáo gốc Mã Lai đấu tranh đòi tự trị. ASEAN suy yếu và thiếu đoàn kết nên là miếng mồi ngon của CHNDTQ, nước  không ngừng đe dọa các quốc gia có bờ biển và hải đảo trong Biển Đông như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Brunei và cả Indonesia nữa. Giả sử mười quốc gia ASEAN đoàn kết chặt chẽ họ cũng khó ngăn chận sự tấn công xâm lấn của CHNDTQ nếu không có sự can thiệp của Nhật Bản và Hoa Kỳ phương chi ASEAN chỉ là một khối rời rạc.

*****

Kết quả những cuộc bầu cử quan trọng trên thế giới gần đây cho thấy khuynh hướng chủ nghĩa quốc gia còn được gọi là chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) thắng thế. Thế giới như đang chuẩn bị chiến tranh. Chủ nghĩa dân tộc được kích thích mạnh ở Nhật khi Trung Hoa Cộng Sản đòi chủ quyền trên quần đảo đá không người ở Senkaku, ở CHNDTQ mặc dù nước nầy là một nước Cộng Sản. Họ gợi lên lòng hận thù của nhân dân Trung Hoa khi gợi lại sự xâm lăng của Nhật trong chiến tranh Hoa-Nhật lần thứ nhì (1937-1945), vụ thảm sát Nanjing (Nam Kinh) và nhắc đến chủ quyền trên 3 km2 trên Biển Đông để gợi lên sự thù ghét Việt Nam sau kỷ niệm không mấy tốt đẹp do chiến tranh biên giới năm 1979 gây ra. Đó là cũng là sự biện minh cho chánh sách bành trướng lãnh thổ, hải đảo, hải phận bằng hù dọa võ lực của Beijing. Chủ nghĩa dân tộc (chủ nghĩa quốc gia) đang bùng cháy ở Ấn Độ qua sự thắng cử của Narendra Modi của đảng BJP ( Bharatiya Janata Party) vào tháng 5 vừa qua và ở ba quốc gia được đề cập trong bài viết nầy.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2014