Hoàng Giang


Âu châu và thế giới sẽ ra sao sau Brexit?

Cuộc trưng cầu dân ý cho quyết định là Liên hiệp Anh (UK – tuy nhiên người Việt hay gọi tắt một cách không chính xác là “Anh”) sẽ ở lại hay ra khỏi khối Liên Âu ngày 23/06/2016 đã dẫn tới một kết quả bất ngờ.

Theo dõi cuộc kiểm phiếu trực tiếp cho tới khuya ngày 23, với kết quả tạm thời, mọi người tin chắc là Anh Quốc sẽ chọn quyết định ở lại EU. Dân Anh cuối cùng đã đi ngủ trong thỏa mãn hay thất vọng, để rồi sáng ngày 24/6 bàng hoàng khi nghe kết quả chung kết ngược lại lời tiên đoán: 48,1% chọn ở lại, 51,9% chọn ra khỏi EU! 72,2% người dân UK đã bỏ phiếu, cao nhất từ nhiều thập niên qua.

Thực ra, số phiếu cho Brexit còn cao hơn, nếu thủ tướng “Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland” David Cameron không tích cực mở những chiến dịch vận động mọi người nên bầu “ở lại”, một hành vi đúng ra không nên thực hiện nơi một vị nguyên thủ quốc gia là người phải giữ thái độ trung lập, và là người đã kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lịch sử này.

Liên hiệp Anh là thành viên của EEC (European Economic Community, Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU) từ 1973. Năm 1975, một cuộc trưng cầu dân ý tại Anh với đa số muốn Anh Quốc tiếp tục là thành viên Liên Âu. Điều trớ trêu là ý tưởng thành lập một Cộng đồng chung Âu châu phát xuất từ Thủ tướng Anh Winston Churchill sau khi thế chiến thứ II chấm dứt, một phần do áp lực của Hoa Kỳ.

Ai muốn ở và ai muốn đi?

Các số liệu phân tích thống kê đã cho thấy hai điểm nổi bật trong số phiếu bầu:

1. Số tuổi càng cao, càng có khuynh hướng muốn Anh ra khỏi EU:

 

Nguồn: Peiling Youvote

Nguồn: YouGov poll

Hạn tuổi

Ở lại EU

Ra khỏi EU

Ở lại EU

Ra khỏi EU

18 – 24

64%

34%

72%

19%

25 – 49

45%

39%

48%

40%

50 – 64

35%

49%

38%

51%

65+

33%

56%

34%

59%

2. Kết quả phân tích từng địa phương cho thấy tại những vùng trong đó cư dân có trình độ học vấn cao thì số phiếu bầu “ở lại” cũng cao.

Điều này cho thấy thực trạng: giới già (sắp hay đã về hưu) không muốn xã hội Anh thêm xáo trộn qua những biến động kinh tế xã hội vừa qua (nhất là vấn đề người tị nạn đổ xô vào Anh qua ngã Âu châu lục địa), họ chán ngán những ông bà EU “ăn không ngồi rồi”, và nhất là – trong tuổi già với tâm lý co cụm – họ không thấy cần thiết phải có những giao dịch ngoài Liên hiệp Anh và các nước Hoa Kỳ, Canada, Úc. Họ cũng không hiểu vì sao EU (trong đó có họ là người thọ thuế) tiếp tục phải xuất hàng tỉ euro để trợ cấp cho các nước đang lâm nguy. Sợ đánh mất bản sắc dân tộc và lòng hoài niệm thời xa xưa cũng là yếu tố cho giới già bỏ phiếu “ra đi”. Giới trẻ, và những người có trình độ học vấn cao trái lại, thấu hiểu sự cần thiết của mối liên lạc đa quốc gia, nó ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sự nghiệp mà họ đang phải xây đắp cho bản thân, và lợi ích của một xã hội đa văn hóa. Họ cũng không ưa những chuyện bàn cãi liên miên trong nội bộ EU nhưng thấy rằng dù sao cũng còn tốt hơn tự cô lập mình trong Great Britain.

Ngoài ra cũng nên kể thêm một nguyên nhân sâu xa, về phương diện văn hóa, tâm lý, lịch sử. Anh Quốc luôn tự hào mình từng là đệ nhất đế quốc (mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh). Tiếng Anh là tiếng quốc tế. Anh cùng Hoa Kỳ đã đánh bại Đức trong thế chiến II, vậy mà bây giờ phải ngồi chung với họ một chiếu, tiếng nói có cùng trọng lượng. Sự khôi hài và tác phong (nghiêm chỉnh, đứng đắn, trang trọng lối cổ) của người Anh khác xa sự khôi hài kiểu bông đùa của dân Pháp. Các vị tổng thống Pháp thì cởi mở hơn trong đời sống cá nhân, v.v… Trên thực tế, Anh Quốc ngay từ những buổi đàm phán đầu tiên trong việc thành lập EU đã coi thường tổ chức này (gởi một nhân viên ngoại giao non tay đi đàm phán) và nhiều lần Anh Quốc bị các nước lớn trong EU coi là “kỳ đà cản mũi”.

Không hẳn đi là nhẹ gánh:

Kết quả ngay trước mắt là Thủ tướng David Cameron, trái với lời cam đoan trước đó, đã lập tức tuyên bố sẽ từ chức và Đảng Bảo Thủ của ông sẽ mở đại hội đảng vào tháng 10 để chọn người thay thế. Rạn nứt trong đảng sẽ vẫn tiếp tục.

Sau cơn bàng hoàng, người dân Anh mới thấy một số vấn đề lớn nằm ngoài tầm suy nghĩ của họ:

1. Những người bỏ phiếu “Leave” nghĩ rằng Anh có thể dựa vào Hoa Kỳ sau này, nhưng có lẽ Hoa Kỳ chỉ cần Anh khi nào Anh còn nằm trong EU, vì Hoa Kỳ có thể qua đó tác động lên những quyết định (thường là quân sự) của EU, như đã thấy trong các cuộc xung đột gần đây với các quốc gia Cận Đông và Phi châu. Trong tương lai, Anh Quốc sẽ phải đóng vai con chó cột ngoài sân trước, canh chừng EU giùm cho Hoa Kỳ. Được lòng bạn ở xa mà mất lòng láng giềng gần, một vai trò không mấy hãnh diện.

2. Sau khi quyết định ra khỏi EU, Anh Quốc có thời hạn 2 năm để bàn thảo về các hợp tác song phương với EU, nhưng người ta nghĩ thời hạn này không thực tế và có lẽ phải mất đến 7 năm mới xong những hợp đồng chính (quốc phòng, tài chính, mậu dịch, xã hội, ngoại giao) để Anh Quốc có thể hoàn toàn ra khỏi EU. Trong thời gian từ nay tới đó, Anh Quốc vẫn phải thi hành các bổn phận (đóng niêm liễm duy trì EU, thực hiện các quyết định của EU) mà phần đóng góp tiếng nói trong các buổi họp quyết định sẽ bị hạn chế tối đa. Trong bàn thảo, Anh Quốc sẽ ở vào thế yếu, vì họ phải “rút”, trong khi đó các nước còn lại trong EU sẽ áp lực Anh Quốc phải gấp rút tiến hành thủ tục Brexit “ngay từ bây giờ”.

3. Những nhà đầu tư, những công ty đa quốc gia sẽ tìm cách dời trụ sở từ Anh sang những nước EU. Trong tương lai, 2 nước có thể hưởng lợi nhiều nhất trong việc chuyển dịch này là Hòa Lan (lãnh vực dịch vụ) và Đức (lãnh vực kỹ nghệ). Tỉ lệ thất nghiệp tại Anh Quốc sẽ tăng, ít nhất là trong 5 năm tới, khi hàng hóa xuất cảng sang Liên Âu sẽ phải chịu thuế nhập. Anh sẽ bị thất thế khi phải thương lượng với những nước có tiềm năng cung cấp hàng (cả hàng cụ thể lẫn hàng trí tuệ) như Trung Quốc Ấn Độ và Nhật Bản. Tóm lại, nước Anh sẽ phải lệ thuộc Hoa Kỳ nhiều hơn.

4. Sẽ có rạn nứt trong các quốc gia của Liên Hiệp Anh, vì có những quốc gia thành viên tán thành sự ở lại của UK trong EU: Scotland (62% ở lại, 38% ra), Gilbraltar (95,9% ở lại, 4,1% ra), Bắc Ireland (55,8% ở lại, 44,2% ra) – đó là những số liệu lấy từ tạp chí The Guardian.

5. Một khi không bị chi phối bởi EU, cộng thêm nạn thất nghiệp gia tăng, thì sự xung đột giữa dân Anh và những người nhập cư cũng sẽ tạo nên tình trạng căng thẳng xã hội. Khi rút khỏi EU, người dân Anh sẽ có khuynh hướng trở lại nền văn hóa cổ xưa – cũng là niềm tự hào của họ, điều này có thể sẽ gây nên một chủ thuyết quốc gia cực đoan mới, và phong trào bài ngoại (bài di dân) do đó có thể bùng nổ vì một lý do nhỏ nhặt.

Những ngày tiếp theo sẽ là chuỗi kết án và đổ tội lẫn nhau giữa những phe phái chính trị. Đồng bảng Anh sẽ tuột dốc, kéo theo đồng euro. Những nước còn lại trong khối EU, vì thế sẽ trút cơn giận lên Anh Quốc. Liên hiệp Vương Quốc Anh sẽ rất bối rối khi phải chọn một vị thủ tướng mới, sẵn sàng chịu búa rìu từ mọi phía trong cuộc đàm phán ở thế yếu. Nếu tình thế tiếp tục xấu đi một cách nhanh chóng mà không có dấu hiệu vực dậy, Đảng Lao Động (đối lập) có thể sẽ tan rã do những xâu xé nội bộ, chấm dứt lịch sử 120 năm của đảng này.

Theo luật trưng cầu dân ý của Anh, nếu quyết định không được trên 60% ủng hộ và số người tham dự bỏ phiếu dưới 75% thì có quyền coi kết quả không có giá trị và có thể tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý. Tuy 2 điều kiện này hội đủ, và trong 4 ngày đã có hơn 3 triệu chữ ký đòi “làm lại”, nhưng sẽ không đi đến đâu, vì một cuộc làm lại cũng chẳng khá gì hơn, mà còn gây thêm rắc rối. David Cameron ngày 27/06 đã khẳng định là không bao giờ có cuộc trưng cầu lại.

Bù lại, Anh Quốc sẽ có một số lợi thế:

1. Sự kiểm soát nhập cư (cả người tị nạn lẫn những công dân EU tìm việc ở Anh Quốc) sẽ được cải thiện theo ý muốn của chính phủ Anh.

2. Anh Quốc sẽ rảnh tay để xây dựng xã hội theo phong cách riêng của họ, cho một nước Anh mà họ muốn độc lập hơn trên trường quốc tế. Nếu biết lèo lái, và nếu EU tiếp tục sa lầy trong các bàn giấy, Anh Quốc có khả năng trỗi dậy. Trong hoàn cảnh đó, ra đi sớm là tốt hơn. Vai trò thành viên của Liên Hiệp Anh nhiều lần đã tạo phiền toái, gây nhiều bàn cãi, nhiều nhà phân tích từ lâu vẫn cho rằng “đi tốt hơn ở”. Ông Donald Trump, ứng viên Tổng thống HK (Đảng Cộng Hòa), bình luận rằng Brexit là "điều tuyệt vời", rằng người dân ở Anh "đã giành lại đất nước họ" sau khi bỏ phiếu rời EU. Boris Johnson, thủ lĩnh phe “Leave” thì phát biểu: "Chúng ta sẽ tìm lại tiếng nói riêng trên thế giới, mạnh mẽ, tự do,nhân đạo và là sức mạnh đặc biệt vì cái Thiện. Ngày hôm qua, người dân Anh đã lên tiếng vì dân chủ."

3. Tạm thời, đồng bảng Anh sẽ tuột giá, và do đó có thể thúc đẩy mức xuất khẩu của Anh Quốc cho tới khi những dự trữ về phương tiện sản xuất cạn kiệt (cần phải thay thế bằng hàng ngoại nhập).

Phản ứng quốc tế sau quyết định của Liên hiệp Anh

Mặc dù các cuộc thăm dò trong những tháng trước đây cho thấy 2 khuynh hướng “đi” và “ở” sát nút nhau, đa số các chuyên gia phỏng đoán vào giờ chót là Liên hiệp Anh sẽ ở lại, còn cuộc trưng cầu dân ý sẽ chỉ là tiếng chuông cảnh báo EU phải mở mắt mà cải tổ những rườm rà trong thủ tục, và giải quyết rạn nứt nội bộ. Tháng 4/2016 Tổng thống Obama đã đặc biệt viếng thăm Anh Quốc để ủng hộ Thủ tướng Cameron phải cố làm sao vận động ở lại EU. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã làm người ta thất vọng hơn là hài lòng. Các thị trường chứng khoán sụt giảm nặng nề trong tuần đầu tiên. Tuy đây chỉ là phản ứng trong cơn hoảng loạn, phản ứng thường thấy trong thị trường tài chánh (thị trường tài chánh Hòa Lan trong 2 ngày 24 và 25/06 mất 25 tỉ euro, ngay cả thị trường chứng khoán ở Việt Nam cũng mất hơn 1 tỉ USD trong ngày 24/06 – theo VNExpress!), nhưng nếu những bất ổn chính trị xã hội tiếp diễn thì thị trường tài chánh sẽ có cơ tuột dốc không phanh, với hệ quả là cả hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ lung lay, bởi tiền bạc hiện nay chỉ là vật ảo. Tương lai sẽ chứng minh, bởi vì nhìn chung, hiện tại vẫn chưa thấy có chỉ dấu gì về một sự thay đổi trong an ninh thế giới, trong tiêu thụ và mậu dịch.

 

Âu châu sẽ ra sao sau Brexit?

Một số chính trị gia trong đảng đối lập tài vài nước hăm hở muốn làm ngay cuộc trưng cầu dân ý, như ở. Pháp, Hungary… và cả Hòa Lan. Thế thượng phong của Đức và Pháp gây bất mãn trong các nước thành viên có nền kinh tế vào bậc khá, họ cho là tiếng nói của họ ít có trọng lượng. Geert Wilders, chủ tịch Đảng PVV (Đảng Tự Do, Hòa Lan), người từ lâu vận động phong trào đòi Hòa Lan ra khỏi EU, lại lên tiếng đòi hỏi ("Hoan hô Anh Quốc! Giờ tới lượt chúng tôi. Đã tới lúc cho một cuộc trưng cầu dân ý tại Hòa Lan!" ông tuyên bố sau khi kết quả được công bố). Tuy nhiên, luồng ý kiến này cho tới nay chỉ chiếm con số nhỏ, vì Hòa Lan mạnh trong ngành dịch vụ nên cần đến EU như cá cần nước. Hơn nữa, người dân trong 27 nước còn lại của khối EU đang nhìn vào những gì Brexit gây ra, và họ sẽ chỉ chú ý đến những thiệt hại, để thấy rằng thà cố gắng nhịn chịu và kiếm phương cách kiện toàn còn hơn là tách ra và hoàn toàn bị cô lập.

Ông Donald Tusk, Chủ tịch EU, cho biết trong một thông báo: “Chúng tôi thực tế muốn có một kết quả khác từ cuộc trưng cầu dân ý hôm qua. Tôi hoàn toàn hiểu mức độ nghiêm trọng liên quan đến chính trị và không thể dự đoán tất cả hậu quả chính trị do sự kiện này gây ra, đặc biệt là đối với Anh”.

Tuy nhiên, theo ông Tusk, giờ không phải là lúc phù hợp để phản ứng kích động. “Tôi muốn trấn an mọi người rằng chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản xấu này”.

Trong tương lai sẽ có sự chuyển dịch trong cán cân mậu dịch, với dự kiến sẽ có thụt lùi trong cả 2 chiều nhập và xuất. Giao thương của giữa Hòa Lan và Anh Quốc đứng hàng thứ 3, sau Đức và Bỉ. Cán cân mậu dịch của Hòa Lan, do hệ lụy Brexit, sẽ thiệt hại mỗi năm trong khoảng 10 tới 16 tỉ euro.

EU qua vụ Brexit đã bị chấn động nặng và chắc chắn sẽ phải xem xét lại các thủ tục rườm rà. Chúng ngăn cản sự năng động và uyển chuyển trong mỗi tình huống. Quá nhiều nhân viên lãnh lương cao miễn thuế và được hưởng mọi thứ ưu tiên, tiện nghi trong sinh hoạt. Quốc hội Âu châu, với 751 thành viên, vì lý do chính trị, đặt văn phòng ở hai nơi: Brussels và Strasburg. Trong tất cả các nước thành viên, không thiếu tiếng than phiền về tệ nạn bàn giấy hay sự cãi cọ dằng dai không đi đến đâu trong những biểu quyết mà khi đem thực hiện mới vỡ lẽ ra là không khả thi hay tốn kém hơn. Những luật lệ áp đặt bởi các nước thành viên có mức sống cao (các nước Tây Âu) – nhất là trong an toàn thực phẩm, an toàn lao động và cải thiện môi trường, ngõ hầu tạo thuận lợi trong việc bang giao – đã mang lại khốn đốn cho những nước thành viên trong đó sự nhận thức của người dân chưa đạt đến mức mong đợi. Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte tuyên bố: "Sự bất mãn mà quý vị thấy tại Anh Quốc cũng hiện diện ở các nước khác, trong đó ở chính nước tôi. Nó phải là động lực để có thêm cải tổ và thêm phúc lợi."

Hiện có 2,9 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh. Số phận người này sẽ là ưu tiên đầu cho những cuộc đàm phán. Sẽ có một phần (hiện nay chưa rõ là bao nhiêu) sẽ (phải) về lại các nước EU một khi Anh dứt khoát trong chính sách đối với họ.

Vì tự ái, EU sẽ cố tình đẩy Anh Quốc ra. Khi quyết định rời EU của Liên hiệp Anh vừa công bố, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande đã lên tiếng thúc giục David Cameron phải nhanh chóng giải quyết. Thủ tướng Mark Rutte của Hòa Lan, nước bậc thầy về thương thuyết thì thực tế hơn. Ông tuyên bố nên để Anh Quốc trước hết giải quyết mớ bòng bong nội bộ, vì càng rối thì EU càng bất lợi. Trong tương lai, Châu Âu sẽ rời khối Anglo-Saxon (Anh – Hoa Kỳ) và sẽ xích lại gần hơn những nước thuộc vùng châu Á. Viễn cảnh sự hình thành một khối Âu-Á sẽ không còn là chuyện xa vời. Khối mới lập này sẽ phải trực diện đối đầu Nga Sô. Anh Quốc bắt buộc phải xích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Trong tương lai lâu dài, nếu EU không có phương cách thần kỳ giải quyết nan đế khác biệt giữa các nguồn văn hóa và tôn giáo, sẽ trở nên bất ổn và có thể tan rã bất kỳ lúc nào. Căn bản của Liên Âu trước sau vẫn là một cuộc sống chung gượng ép giữa các quốc gia có quá nhiều cách biệt trong tổ chức chính trị và xã hội, trong kinh tế và văn hóa. Cuộc sống chung để có thể tồn tại trong một thế giới đã tự phân chia thành từng khối.

Kết luận chung

Cuộc trưng cầu dân ý đưa tới Brexit là một chấn động mang tầm mức quốc tế. Nó cho thấy, tuy là những vị nắm những vị trí then chốt trong các quốc gia và trong các định chế tài chánh đã có chuẩn bị cho tình huống này, nhưng có vẻ nó đang đi quá tầm kiểm soát của mọi người. Rạn nứt trong Liên hiệp Anh đưa đến sự suy thoái kinh tế nội bộ là điều không tránh khỏi, nhưng vấn đề là nó sẽ kéo dài bao lâu và tác hại toàn cầu ra sao thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Thế trận quốc tế sẽ đổi do sự chuyển dịch của các khối siêu cường, nước hưởng lợi trong thời gian gần nhất sẽ là Hoa Kỳ. Làn sóng tị nạn sẽ là một gánh nặng thêm cho khối EU, một khi Anh quốc không còn có thể là điểm đến cuối của họ.

Nhưng trên tất cả mọi chuyện, là cốt lõi của những cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý. Một cuộc trưng cầu dân ý đúng mức phải được cân nhắc với nhiều yếu tố mang tính quyết định: quyền lợi của quốc gia, hiến pháp, những quyền tự do căn bản của con người, công pháp quốc tế… Thí dụ: chúng ta không thể làm cuộc trưng cầu dân ý về vụ miễn thuế, về ngân sách quốc phòng, về việc cấm một giáo phái hành đạo v.v…

Ngoài ra, sinh hoạt dân chủ có một số qui luật của nó. Trên thực tế có những thời điểm dân chủ đưa tới kết cuộc đau lòng. Phần lớn là do sự thiếu thông tin đầy đủ, sự lèo lái dư luận của các chính trị gia, và nhiều khi: do quần chúng để tình cảm quyết định thay vì lý trí, kèm theo đó là bị mờ mắt vì một định kiến có sẵn trong đầu. Không có một giải pháp nào hoàn toàn thỏa mãn mọi phe phái. Sự thờ ơ – đúng ra là chán ghét – của giới trẻ về lãnh vực chính trị tại Anh Quốc đã đưa tới kết quả là họ trao cho các bậc cha mẹ quyết định tương lai của mình qua lá phiếu. Theo thăm dò của tạp chí Financial Time, 43% người trong hạn tuổi 18-24 bỏ phiếu. Ở hạn tuổi 25-34 con số này là 54% và ở người trên 65 tuổi là trên 78%. Brexit là một bài học cho mỗi chúng ta, đã thiếu nghiêm túc trong khi tham gia trò chơi dân chủ. Cuối cùng thì Anh quốc và EU cũng sẽ phải tìm được vị trí mới cho mình trong bối cảnh mới mà thôi.

Hoàng Giang
(06/2016)

 


Cái Đình - 2016