Phan Văn Song
Xã luận đầu xuân 2016:
Năm 2016: Năm sống còn của Liên Âu hay: Liên Âu và Những mâu thuẫn nội tại.
Bối Cảnh Liên Âu: Khủng Hoảng Kinh Tế Và Làn Sóng Tỵ Nạn
Trước làn sóng tỵ nạn đang tràn ngập vào Âu Châu, Rộng lượng, Vị Tha, Mở lòng, Nhơn đạo là những lời kêu gọi mở đầu để toàn thể dân chúng Âu Châu mở đôi bàn tay đón nhận những người tỵ nạn đến từ Syrie. Nhơn danh Nhơn đạo là đúng, nhơn danh Nhơn đạo là đạo đức, đó cũng là truyền thống Thiên Chúa Giáo, là truyền thống của nền văn hóa La Hy. Người dân Âu châu đang đáp trả lời kêu gọi nhơn đạo ấy. Tất cả đều nhũn lòng, cảm động, động lòng trắc ẩn, trước hình ảnh em bé chết đuối nằm trên bãi biển, trước hình ảnh cả ngàn nạn nhơn, bồng bế dìu dắt nhau chạy trốn chiến tranh, tránh xa những tên tử đạo, tránh xa những nhà độc tài, tránh xa viễn ảnh nghèo đói, để đi tìm Thiên đàng Địa giới của ngày nay là Âu châu, để đi tìm vùng đất hứa dưới nhãn quan ánh mắt của họ. Âu châu là nơi hiện nay có yên ổn, là nơi có sự trù phú, là nơi để họ làm lại cuộc đời, một nơi đầy hứa hẹn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc. Vượt qua những xúc động ban đầu dân chúng Âu châu đã ráng quên nhìn vào thực tế của hiện tình kinh tế bản địa, để mở lòng vị tha tổ chức những tấm lòng thiện nguyện để đón rước những người tỵ nạn. Thế nhưng, vấn đề người tỵ nạn bỗng nhiên chẳng chốc biến thành những “đại quốc sự” và cũng bỗng nhiên chẳng chốc xuất hiện những trục trặc kỹ thuật. Thoạt đầu trục trặc kỹ thuật bởi kiến trúc vội vàng, thiếu căn bản, đầy bẩm tật của căn nhà Liên Âu dần dần xuất hiện, rõ nét. Lòng thành, lòng nhơn đạo không đủ, phải có tiền, phải có “thật sự” tổ chức, đằng nầy chỉ có lòng thiện nguyện của các phe phái “cầm quyền âu châu” đứng đầu là Đức với vai trò nổi bật của bà Thủ Tướng Merkel, vài vai trò hoạt náo của ông Tổng Thống Hollande Pháp, phần còn lại các quốc gia khác với nhiều lý do nội tại riêng biệt từ chối nhận người tỵ nạn. Và một cách tự nhiên, trong vội vàng, trong hối hả, cấp bách, những quyết định dĩ nhiên cũng lật đật, vụng về, bất ổn, và rất nhiều cái “mất lòng nhau - thiếu ngoại giao”. Những diễn biến ngày nay là những thử thách cho con đường chánh trị, và tương lai sống còn của Liên Âu. Và đến nay kết quả nhứt thì là một sự thất bại.
Thế mà ngày nay vẫn còn có người tiếp tục ngạcnhiên trước những kết quả nầy! Ấy là chưa kể những hành động phá rối trị an, phá hoại của giặc ngoài, của thù trong. Phá hoại mặt ngoài của giặc ngoài do nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ISIS hay ISIL hay Daesh, tên gọi theo kiểu Mỹ, kiểu Âu Châu hay kiểu Pháp, tiếp tục gieo kinh hoàng khủng bố để tạo chia rẽ. Tạo khủng hoảng, chia rẽ, tạo cuộc chiến tôn giáo ngay tại Âu châu, bởi công dân Âu châu gốc Hồi giáo. Phá hoại do thù trong, do các nhóm cực hữu “dân tộc chủ nghĩa” bản địa, lợi dụng những bất an, sử dụng sự bất an, khủng bố, và họa khủng bố, hay họa di dân làm luận điệu võ khí tuyên truyền để “cướp chánh quyền”.
Không khí ngày nay khác chi không khí của những năm trước hai Thế chiến của thế kỷ XX. Thế chiến thứ nhứt, cách đây đúng 100 năm, nổ bùng bằng sự cạnh tranh của các khối Đế quốc vùng Trung Âu và Trung Đông: đế quốc Áo Hung, đế quốc Nga và đế quốc Hồi giáo Thổ Ottoman. Thế cân bằng giữa các đế quốc bất an đến nỗi chỉ cần một xúc tác nhỏ đã làm nổ bùng cuộc chiến đẫm máu nhứt của thế kỷ XX vừa qua! Chỉ do một dữ kiện thật nhỏ! Một vụ “ám sát”, một dữ kiện với một nguồn gốc “dân tộc” của một tiểu quốc: cuộc ám sát ngày 28 tháng sáu tại Sarajevo vợ chồng Thái tử François Ferdinand của đế quốc Áo Hung do một anh “dân tộc chủ nghĩa đòi độc lập xứ Serbie”. Cuộc Đại Chiến thoạt đầu chỉ do phe Tam Đồng – Triple Entente Pháp Anh Nga chống phe Tam Kết – Triple Alliance Đức, Áo Hung, Thổ Ottoman. Ít lâu sau phe trên kéo thêm Nhựt, Ý, Roumanie và cuối cùng năm 1917 Huê Kỳ, và phía sau Bulgarie. 4 năm giết nhau, tàn phá, day dứt. Ý thức hệ “Dân tộc” tiếp tục dây dưa hò lơ dí dầu. Trật tự mới sau thế Chiến 1 không thành công, họa đen chủ nghĩa dân tộc nổi dậy tiếp theo họa đỏ chủ nghĩa cộng sản dây dưa đến ngày nay chưa dứt! Thêm 4 năm chiến tranh những bài học cũng vẫn chưa thuộc. Chỉ cần một tý khủng hoảng kinh tế, những giải quyết vụng về của những anh phù thủy chánh trị mỹ âu, các khối đế quốc từ từ họp lại. Những cái họa đen đang từ từ tượng hình. Đế quốc tạo bởi những cá nhơn Jules Ceasar, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon, Attila,… nay chuyển qua những đế quốc với các lý thuyết Dân Tộc Nazi với Hitler, Thái Dương Thần Nữ với Nhựt Hoàng, với lý thuyết chánh trị kinh tế giai cấp Cộng Sản Chủ nghĩa với Lenine, Staline, Mao Hồ… Tất cả đều thất bại khì đi đến tổ chức xã hội. Ngày nay tôn giáo nhảy vào thay thế các lý thuyết dân tộc hay kinh tế chánh trị xã hội giai cấp. Và không gian chiến tranh ngày nay cũng là một không gian thế chiến. Tất cả chống khủng bố Daesh. Thật vậy không? Thế giới từ từ cũng chuyển qua thành các khối đế quốc khác nhau: Khối Hồi Giáo Daesh đã đành, nhưng còn khối Nga, và khối Tàu. Liên Âu và Mỹ cũng là một khối tuy chưa đồng thuận nhau lắm! Và các nước Châu Á, Bắc Á với Nhựt và Đại Hàn, Nam Á với Indônêxia và Mã Lai. Và Nam Mỹ? Và Phi Châu?… Thôi thử chỉ nhìn một mình Liên Âu thôi vì đó là đầu đề của bài viết ngày hôm nay:
1/ Liên Âu, Một dự án Đồng Sàng Dị Mộng? Một cuộc tình của Những Người Đầy Thiện Chí?
Chúng ta phải thật tình nhìn nhận là cái “Dự Án Liên Âu” không bao giờ được định nghĩa rõ ràng, không được định hướng rõ ràng, không có sự lựa chọn rõ ràng.
Ngay từ đầu, ngay từ những ngày đầu tiên từ lúc dự định, ngay từ ngày phôi thai, thai nghén, nghiên cứu đến lúc thành hình khai trương thành lập Liên Âu với Hiệp Ước Roma năm 1957, tất cả đều do thiện chí. Nhưng vẫn còn đầy những mâu thuẫn, những nghịch lý không giải quyết, dù có mặt, ai cũng biết, nhưng để đó, hạ hồi phân giải. Những đòi hỏi có tánh cách quốc gia, những thắc mắc mâu thuẫn về tập tục, những dị biệt về quan điểm thuế vụ, tất cả đều được đè nén, để cho thông qua, mục đích chung là cho thành công cái dự án. Và trong suốt thời gian Liên Âu phát triển, cộng đồng từ 6 thành viên thuở ban đầu nay đã 28, với sức lớn mạnh, với các thành viên đến từ những văn hóa tập tục khác nhau, những nhược điểm ban đầu ấy chẳng những vẫn không giải quyết được, những mâu thuẫn ấy chẳng những vẫn tồn tại và lớn dần theo, và ngày hôm nay tất cả đang, chẳng những hiện rõ lại nổ bùng ra!
Thiển ý, cùng ý kiến, cùng quan điểm của một nhóm anh em đồng ngành, Liên Âu có nhiều khuôn mặt, nhưng đặc biệt rõ nét nhứt, chỉ có hai mẫu nhìn, hai quan niệm, hai định nghĩa rất rõ ràng. Xin tạm gọi: Liên Âu A và Liên Âu B.
Biết rằng không chỉ có vậy, nhưng chúng tôi ráng tổng lược để quý thân hữu nắm rõ:
Liên Âu A = Liên Âu A là Liên Âu Chánh trị: Liên Âu của trung ương tập quyền, Liên Âu của độc quyền. Liên Âu bảo vệ Liên Âu: Liên Âu thành trì, Liên Âu kế hoạch, Liên Âu đầy luật lệ, đầy kiểm soát, khắt khe. Tóm lại, Liên Âu mẫu Jean Monnet, Liên Âu mẫu Jacques Delors.
Liên Âu B = Liên Âu B là Liên Âu Kinh tế: Liên Âu của thương mãi, của Tự do đi lại, của trao đổi, Liên Âu mở. Liên Âu của Thương mãi thông thương, của trao đổi Tự do, xí nghiệp tư doanh tự do. Liên Âu theo mẫu của Shuman, của Adenauer, của Gasperi, của Nữ Thủ tướng Margaret Thatcher.
Ngay trong Hiệp Ước Roma đã không đặt sự lựa chọn rõ ràng rồi, các khái niệm đều rất mù mờ. Những kết quả ngày nay đã quá lộ rõ. Thí dụ điển hình, là mâu thuẫn giữa hai quan niệm của hai quốc gia láng giềng là Đức và Pháp: một bên có cái nhìn rất quốc gia, đóng cửa, bảo vệ, của anh nông dân Pháp của Liên Âu A Chánh trị với Chánh Sách Nông nghiệp chung – La Politique agricole commune. Khác với cái nhãn quan quốc tế, thông thoáng mở cửa của anh kỹ nghệ gia Đức của Âu Châu B Kinh tế với chánh sách giá thành chung (vì khó giải quyết nên đi đã đến thất bại). Cái đụng chạm, mâu thuẫn giữa hai quan niệm A và B ấy đã là đầu đề của cuộc tranh cãi nẩy lửa, lúc Trưng cầu Dân Ý năm 1992 để đi đến ký kết Hiệp Ước Maastricht giữa Delors Pháp và Thatcher Anh rồi!
Liên Âu? Là một Cường quốc? Hay chỉ là một Không gian?
Đây cũng là một chứng minh của cái không định nghĩa, không lựa chọn thứ hai: giữa Liên Âu một Cường quốc, và Liên Âu là một Không gian.
Liên Âu Cường quốc: Liên Âu Cường quốc là Liên Bang các Quốc Gia Âu Châu – Les États-Unis d’Europe – United States of Europe. USE. Các chánh thể Quốc gia biến thành những Tiểu bang, tất cả là những Chánh sách chung, từ nông nghiệp, đến kỹ nghệ, giao thông, thuế vụ, điện lực, năng lượng, ngoại giao thương mại hay ngay cả quốc phòng, nội an.
Liên Âu Không gian: Liên Âu của Tự do đi lại, trao đổi, Thông thương: Năm cái Tự do Thông thương: 1/Thông thương Con người đi lại, 2/Thông thương Hàng hóa, 3/Thông thương Dịch vụ, 4/Thông thương Xí nghiệp – Liberté des Entreprises, 5/Thông thương Vốn Đầu tư – Liberté des Capitaux. Liên Âu chỉ là một siêu thị khổng lồ, một cái làng thế giới!
Quyền lực của Liên Âu? Đánh đu giữa Độc đoán, và Bất lực.
Độc đoán, khi tất cả các thành viên nghẹt thở dưới các “Luật lệ Âu châu” bất kể những mâu thuẫn, và quyền lợi, các dị biệt của các quốc gia thành viên. Độc đoán khi Liên Âu tạo những cơ chế gây khó khăn, gây mâu thuẫn, vừa tốn tiền, vừa phí của. Thí dụ một Nghị Hội để kiểm soát những “sai phạm hay thiếu thốn của nền dân chủ”, nhưng cá nhơn Nghị Hội là cả một hệ thống hoang phí.
Bất lực, khi Liên Âu không đủ tài cán để đề nghị một chánh sách “sống chung” với những luật lệ chung, thuế vụ chung, tài khóa chung, điều hòa xã hội chung như y tế, môi trường, giao thông, lao động. Và càng bất lực hơn khi đứng trước một thử thách lớn như vấn đề Di tản! Rước dân Di tản do chiến tranh, hay do kinh tế của ngày nay, hay do thiên tai môi trường đã là một nan gỉải cho một quốc gia rồi. Rước dân tỵ nạn do cuộc sống còn của dân tỵ nạn gốc Thiên Chúa Giáo Đông Phương, do sự dã man tàn ác của khủng bố Daesh Hồi Giáo quá khích, do Bạo lực độc tài của El Sadah, hay do độc tài các bạo chúa Phi châu? Cả một vấn đề nhứt là cho một Liên Hiệp 28 quốc gia đồng sàng nhưng dị mộng, không đồng nhứt tiếng nói, tập tục, và còn nhiều xa cách giai từng đời sống xã hội với nhiều dự án phát triển điều hành xã hội kinh tế khác nhau!
Và, Không gian Liên Âu càng ngày càng mở rộng: với hiện tượng toàn cầu hóa, với Hiệp Ước Schengen, càng ngày càng mở rộng cho các quốc gia mới, tuy chưa hẳn vào thành viên của Liên Âu, nhưng đã hưởng sự đi lại thông thương của con người dễ dàng hơn. Với làn sóng di dân, do những tấn công của khủng bố Daesh Hồi giáo quá khích, các biên giới đang lần hồi được lập lại, càng ngày các hàng rào giây thép gai đang được căng lại, được lập lại, nhưng được bao lâu? Và hiệu lực nào? Và bảo đảm ra sao?...
2/ Hiện tượng di dân và chủ quyền quốc gia:
Liên Âu luôn luôn tôn trọng chủ quyền quốc gia. Do đó, hiện tượng các làn sóng di dân đang nhập vào Âu châu đang phá vỡ những tương đồng, những hòa đồng của Liên Âu. Nhiều quốc gia trước làn sóng dân tỵ nạn đang trên đường vượt biên giới họ, đều nhơn danh chủ quyền quốc gia để từ chối, rào chận, khóa cửa biên giới. Và chẳng chốc thế giới bèn ra một “bảng phong thần”, chia các quốc gia âu châu thành hai phía, bên thánh thiện và bên tội ác; bên đàng hoàng, rộng lượng và và bên hẹp hòi, ích kỷ.
Một bên các quốc gia ông Thiện: Đức, Pháp, Ý, Hy Lạp, các quốc gia Bắc Âu và
Một bên các quốc gia ông Ác: Hung, Ba lan, Tiệp, Slovakie, Slovénie…
Thế nhưng, chẳng mấy chốc, nước Đức vì mở cửa quá rộng, phải nhảy qua phía Ông Ác! Và dần dần các quốc gia được giao phó “phân số người di dân để làm bổn phận – quota”, cũng đang cùng nhau nhảy qua phía Ông Ác và bắt đầu càm ràm từ chối!
Phải nhìn nhận, và phải lấy công tâm mà nói: Lãnh bổn phận rước người di dân không chỉ là một vấn đề lương tâm, rộng lượng, chánh trị suông, chỉ mở hầu bao – đã là một cái khó của thời buổi kinh tế khó khăn nầy rồi! – là xong đâu! Mà là cả một chánh sách kinh tế, xã hội rõ ràng, phức tạp cam go: không chỉ nuôi ăn, lo chỗ ở thôi, mà phải tổ chức cho một xã hội hài hòa với những hội nhập với nhau giữa những cộng đồng cũ và mới với nhiều khác biệt tập tục và… tôn giáo cho dễ dàng, đã là một chuyên to lớn khá nhức đầu rồi! Nay lại phải thêm vào nào phải tạo công ăn việc làm, và phải giải quyết vấn đề công nhơn nghề nghiệp, cho cả cũ và mới lại càng khó khăn hơn.
Những quốc gia Trung Âu hay Đông Âu không có nhu cầu thêm tay thêm chưn lao động nhơn công, trái lại, họ rất sợ những tay nghề mới nầy cạnh tranh họ trong thị trường lao động không chuyên nghiệp của âu châu. Tại các quốc gia nầy (Trung và Đông Âu) công nhơn thường giá rẻ, không cao như ở Tây Âu, nên công nhơn họ có thể đi qua làm việc ở các quốc gia Tây Âu. Ngoài vấn đề qua Tây Âu, ngay ở đất nước họ, công nhơn rẻ cũng là một điểm son để lôi kéo các đầu tư của các quốc gia Tây Âu hay Mỹ – công nhơn Trung và Đông Âu vẫn còn quen với giá cả, tập tục luật lệ của “thị trường nhơn công” cựu “Xã hội Chủ nghĩa” hay cựu khối “Dân chủ Nhơn dân”, tuy ngày nay, có bớt bóc lột hay trả lương chết đói, nhưng cũng sẵn sàng làm việc với một đồng lương rẻ hơn, với một hệ thống an sanh xã hội tự túc, thô sơ, kiểu bảo hiểm xe hơi, với những đòi hỏi về quỹ hưu trí cũng kiểu ấy, (kiểu mua bảo hiểm tư hữu – système par capitalisation) – nghĩa là tiền nào của đó, tự mình góp để dành tiền vào hưu mình. Vì đồng nào của đó, mua giá nào lãnh giá đó, nên công nhơn các quốc gia ấy rất sợ những lực lượng lao động mới vào cạnh tranh.
Trái hẳn với nước Đức chẳng hạn, một quốc gia ngày nay đang già nua, đang thiếu nhơn lực, đang thiếu công nhơn cho ngày mai, nên có nhu cầu đang cần thợ thuyền, công nhơn – kể cả công nhơn kỹ thuật cao (gần 50 ngàn kỹ sư điện toán Ấn độ đang được Đức tuyển chọn để hội nhập vào thị trường nhơn công Đức). Cũng vì thiếu công nhơn, nên cả hệ thống hưu trí đang bị khủng hoảng (hệ thống hưu trí Đức giống như hệ thống hưu trí Pháp là hệ thống chia đều - système de répartition. Các người đang tuổi đi làm góp tiền vào quỹ chung để trả cho người hưu trí. Phương pháp trẻ nuôi già) Đối với nước Đức, số người Di Dân nầy, là một sự may mắn. Các bàn tay lao động mới nầy sẽ tạo sung mãn cho nước Đức già nua. Các tay thợ tương lai nầy sẽ đóng góp vào quỹ phúc lợi cho người Đức. Nước Đức ngày nay sẽ có tý tốn kém, nhưng đấy là đầu tư cho “con người công dân Đức mới” và ngày mai sẽ được hưởng bù.
3/ Tương lai nào?
Ngày hôm nay, đóng cửa biên giới được xem như những biện pháp cấp thời nhưng phải chỉ là tạm thời thôi! Trước mắt, chỉ để điều hòa làn sóng di dân, giữ trật tự, trước một sự hỗn độn và một sức ép do các trại tỵ nạn ở Liban đang bị quá tải, hay do những đối đãi hà khắc của chánh sách đối xử người tỵ nạn của chánh phủ Thổ nhĩ Kỳ. Tuy không có giải pháp tức thời, đóng cửa biên giới cũng đáp ứng cho đòi hỏi an ninh các quốc biên thùy và có thể của cả Liên Âu ngày nay. Thế nhưng khi chủ quyền quốc gia, lãnh thổ quốc gia, biên giới các quốc gia đang được lập lại, thì cái Dự Án Liên Âu còn hiệu lực không? Chẳng còn một một cường quốc Liên Âu mà cũng chả còn Không gian Liên Âu nữa!
Nên nhớ, “di dân tự nhiên” là một điểm lợi lâu dài cho mọi quốc gia. Hằng triệu người Bồ đào Nha, Ý đại Lợi, Tây ban Nha, Ba lan, đã nhập vào và biến thành người Pháp và làm nên sự sung túc tại Pháp ngày nay từ suốt nửa thế kỷ qua!
Chúng tôi định nghĩa “di dân tự nhiên” là những giòng người đi tìm mưu sanh ở một vùng đất mới, đì tìm lại một cuộc sống mới, với đôi bàn tay nghề nghiệp, với lòng bền bỉ, sức tạo dựng, sáng tạo mới!
Để đối lại chúng tôi đề nghị từ “di dân nhơn tạo, không tự nhiên”, là những cuộc di dân, chỉ để đi tìm những nhu cầu an sanh xã hội, những tổ chức cứu trợ tốt nơi quê hương mới! Ngày nay những hội đoàn, những xã hội dân sự của thế giới Thiên Chúa La Hy Âu Mỹ đầy lòng vị tha mọc ra như nấm dưới cơn mưa người khổ, do thất nghiệp,do khủng hoảng kinh tế, do di dân chiến tranh, do di dân kinh tế đi tìm đất mới, do cả di dân lậu đi tìm cứu trợ!
Ngày hôm nay, có bao nhiêu “di dân tự nhiên” và “di dân nhơn tạo”? Dùng từ “Di Dân chung chung” không làm sáng tỏ vấn đề. Các con cái chúng ta muốn đổi chỗ làm, qua Mỹ, qua Đức, hai, ba bốn năm hay suốt đời đều là di dân cả. Đó là một Nhơn quyền. Chỉ có các quốc gia độc tài cấm đi lại dễ dàng thôi!
Vì vậy, nhìn vấn đề di dân qua số lượng chỉ là một câu chuyện ngắn, một đầu đề ngắn hạn thôi. Di dân phải là phẩm chất. Lựa chọn phẩm chất người di dân phải là một kế hoạch kinh tế, đem sung mãn tương lai cho một đất nước.
Tuy có khó khăn, nhưng hãy lựa chọn Mở Cửa:
Bài toán ngày nay của Di Dân đối với Âu Châu phải được giải quyết rõ ràng, với một chánh sách lựa chọn rõ ràng. Đừng ẫm ờ, không lựa chọn, ù ơ dí dầu như trước nữa. Liên Âu không thể ở với trạng thái ngày nay, với những Quôc gia tuy thành viên nhưng độc lập, với những chủ quyền quốc gia, với những biên giới bằng rào kẽm gai, tường kẽm sắt nữa! Đây chỉ là những giải pháp tạm thời!
Hình ảnh Âu Châu với những biên giới rào khóa là một hình ảnh lỗi thời. Là một sự chối bỏ những tư tưởng phóng khoáng đã làm ra Liên Âu, đã tạo một đơn vị văn hóa Âu Châu! Là chối bỏ những thành tựu đã tạo dựng một tương đồng tương ái giữa các cộng đồng khác nhau, giữa những tôn giáo khác nhau, đã dựng nên một sự sống chung trong đoàn kết, tuy tương đối nhưng đã giữ hòa bình và an lành cho Âu Châu từ nửa thế kỷ nay. Là buông tay, là đầu hàng trước bạo lực của Tôn Giáo Quá Khích tối tăm, của Cuồng tín, của Dã man, của Vô đạo.
Và đây cũng là một dịp để mở cửa đi tìm một hướng quản trị mới cho Liên Âu. Các công dân các quốc gia thành viên ngày nay mất hẳn thiện cảm với quản trị trung ương Bruxelles, thủ đô Liên Âu tập trung quyền lực. Chỉ còn vài anh chánh trị gia thiếu óc sáng tạo, và vài đoàn thể thương mại, vua lobby, mong có Bruxelles trung tâm, để dễ mưu đồ thao túng. Để chứng minh, Anh Quốc ngày nay tiếp tục đe dọa “Brexit - ra đi”, và chỉ sẽ trở lại vào trong một không gian tự do kinh thương cũng như Na uy hay cả Thụy sĩ mặc dù không thành viên. Ấy là chưa kể Hiệp ước TAP (Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Đại Tây Dương – TransAtlantique Partnership) sẽ ký kết giữa Huê Kỳ, Canada và Liên Âu. Tất cả chỉ vì Liên Âu Không gian và Thương mại.
Vì thực tế, vì thực tiễn, chúng ta phải đi tới một Liên Âu mở cửa, bỏ hẳn những thủ tục rườm rà trung ương tập trung quyền lực của Bruxelles, để đi đến một phương pháp quản trị mở rông liên bang, tạo một sự cạnh tranh, tạo một sự tranh đua giữa các thủ đô chánh các quốc gia thành viên thứ yếu. Muốn vậy phải cần những người nhiều thiện chí, nhưng thiện chí chưa đủ. Phải có những chánh sách, những sách lược, những kế hoạch lựa chọn đúng đắn, những phương pháp khoa học quản trị tốt để điều khiển bộ máy cồng kềnh nầy. Có vậy Di dân mới trở thành một cơ hộ tốt để trẻ trung hóa, tân tiến hóa Liên Âu. Và không còn là một cái họa nữa!
Và Việt Nam? Việt Nam cũng đang ở trong tình trạng chuyển tiếp, lựa chọn.
Với TPP, với ASEAN đã biến cải, ngày nay không còn là một “Liên Hội các Quốc Gia Đông Nam Á nữa” mà đã chuyển sang thành một “AC – ASEAN Community – Cộng đồng Chung ASEAN” một “Thị trường chung Đông Nam Á” giống như Liên Âu, nếu biến thêm ASEAN thành một “không gian ASEAN” và đi xa hơn nữa thành một “Liên Bang ASEAN”, một “Liên Bang Đông Nam Á ASEAN cường quốc” đối đầu với Tàu, 2016 cũng sẽ là một năm sống còn của Việt Nam. Và rộng hơn của cả Đông Nam Á.
Củng cố một Liên Bang ASEAN, một Liên Hiệp Đông Nam Á, một Không Gian Liên Đông Nam Á, cộng với một TPP thương mãi trao đổi với các quốc bên kia bờ Thái Bình Dương. Và nếu có thể… mở rộng thêm thành một khối quân sự Á Đông với Nhựt, với Phi, với ANZUS… thì những bài toán Tàu, biển Đông, Hải đảo,… chỉ sẽ còn là những, cú tố bài xì phé, hay cao lắm chỉ là những đầu đề để thương thuyết, nói chuyện ngoại giao mà thôi!
Muốn vậy, Việt Nam phải có những người mới, những lãnh đạo mới, hoàn toàn thay đổi, cởi mở, thay tầm nhìn, thay tư duy, thay não trạng và đặc biệt vứt đi những rào cản, những bình phong cũ rích lỗi thời như Đảng Cộng Sản, tư tưởng Hồ Chí Mình, Xã hội Chủ nghĩa… để đem lại những sáng tạo, những tư tưởng mới hầu thay đổi vân mệnh quốc gia, đem lại Hạnh Phúc cho người dân, đem lại Phát Triển, Phú Cường cho đất nước.
Và phải mở cửa lắng tai nghe và nói chuyện với mọi người dân Việt hải ngoại cũng như quốc nội.
Và phải mở cửa tiếp đón mọi thiện chí, mọi người dân Việt hải ngoại như quốc nội.
Và phải làm bạn với mọi người láng giềng, phương Đông, phương Tây, giao hảo ngoại giao.
Phải chấp nhận các đầu tư từ mọi nước ngoài, đa nguyên trong cái chọn lựa, nhưng cũng chấp nhận các nghiệp đoàn tự do để công nhân việt nam có quyền bảo vệ điều kiện công ăn việc làm đời sống lao động của họ và gia đình của họ.
Có được như vậy, năm 2016, mới có thể bắt đầu một vận hội mới cho cả Âu Châu cho cả Đông Nam Á và cho cả Thế giới.
Hồi Nhơn Sơn, đầu năm 2016
Phan Văn Song