Quốc Phương
TS. Phạm Thị Kiều Ly và luận án về Lịch sử chữ quốc ngữ được giải của Pháp
(Ảnh: FB PHẠM KIỀU LY)
Một luận án tiến sỹ của tác giả người Việt Nam làm về lịch sử ngữ pháp và chữ viết
dùng chữ cái Latinh của tiếng Việt vừa nhận được tổ chức mạng lưới nghiên cứu Á châu của Pháp (GIS Asie)
chọn trao giải thưởng luận án xuất sắc hôm 02/6/2021.
.
Người nhận được giải thưởng này, nhà ngôn ngữ học, Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly, nhân dịp này, hôm 11/6, đã dành cho BBC News Tiếng Việt một cuộc phỏng vấn qua đó giúp tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa của giải thưởng và sự kiện này.
BBC: Xin chào Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly, trước hết chúc mừng Tiến sỹ vừa nhận được một phần thưởng khoa học cho công trình luận án của mình từ nước Pháp, xin Tiến sỹ vui lòng cho độc giả BBC News Tiếng Việt biết ý nghĩa, nội dung của giải thưởng này và cảm tưởng bản thân ra sao khi được trao giải?
TS. Phạm Thị Kiều Ly: Luận án này của tôi là một trong ba luận án xuất sắc nhất được giải thưởng của tổ chức GIS Asie (French Academic network on Asian studies). Gis Asie quy tụ khoảng 1.250 nhà nghiên cứu về châu Á. Giải thưởng cho luận án GIS Châu Á là một trong số các hoạt động của tổ chức này nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ và thúc đẩy các nghiên cứu về Châu Á. Năm 2020, tổ chức trao giải thưởng cho ba luận án xuất về lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn (đây là lần trao giải thứ 3 của tổ chức).
Hoàn thành công trình nghiên cứu của mình và thấy nó được đón nhận và được đánh giá cao, là một niềm vui mừng, tự hào không chỉ của riêng tôi, mà còn của bất kỳ nhà nghiên cứu trẻ nào thấy đứa con tinh thần của mình được đón nhận.
Bí quyết chia sẻ với bạn trẻ
NGUỒN HÌNH ẢNH, OTHER -
Chụp lại hình ảnh
Luận án của Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly là một trong ba công trình được GIS ASIE trao giải thưởng hôm 02/6/2021
BBC:Nhân dịp này, Tiến sỹ có thể chia sẻ bí quyết gì cho các bạn trẻ Việt Nam để có thể nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả, thành công và có những luận án như Tiến sỹ đã được ghi nhận từ Pháp vừa rồi?
TS. Phạm Thị Kiều Ly: Việc tôi muốn làm luận án về Lịch sử chữ quốc ngữ xuất phát từ sự vô minh của chính bản thân tôi về lịch sử văn tự của Việt Nam, thời điểm đó (khoảng năm 2012), tôi không hề biết vì sao chúng ta lại dùng chữ viết Latinh. Với mong muốn đi tìm câu trả lời cho sự tò mò của bản thân, tôi bắt đầu đọc tài liệu liên quan đến lịch sử chữ quốc ngữ và ước muốn làm một công trình nghiên cứu sâu hơn về đề tài này. Rất may mắn là tôi đã được học bổng của vùng Ile de France (Pháp) để làm đề tài này trong điều kiện tài chính ổn định.
Tôi đã làm đề tài này với đam mê, cũng nhờ đam mê nên tôi quyết tâm học thêm các kiến thức, kỹ năng để có thể đọc được các văn bản cổ và theo rất nhiều khóa học khác để bổ sung kiến thức về lịch sử truyền giáo, ngữ học truyền giáo và lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ.
Ngoài ra, tôi may mắn vì có những người thầy tuyệt vời đó là học giả Dan Savatovsky, ông là Giáo sư hướng dẫn chính của tôi. Savatovsky là Giáo sư của Đại học Sorbonne nouvelle, Giám đốc trường Tiến sĩ về Khoa học Ngôn ngữ, chuyên nghiên cứu về Lịch sử giảng dạy tiếng Pháp và Lịch sử các Lý thuyết ngôn ngữ.
Ông luôn tin tưởng và để tôi tự do lựa chọn đường hướng nghiên cứu của mình. Điều quan trọng nhất là ông đã dạy tôi cách trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp : từ chuyện viết bài, chọn tạp chí, đến tổ chức hội thảo quốc tế và xây dựng mạng lưới nghiên cứu. Ngoài ra, tôi còn có một người thầy đỡ đầu, đó là là học giả Michel Ferlus, người chuyên nghiên cứu về lịch sử các ngôn ngữ vùng Đông Nam Á, ông đã dạy tôi về lịch sử tiếng Việt, nhưng luôn lắng nghe tất cả những phát kiến mới trong nghiên cứu của tôi và luôn động viên tôi cần có thêm nhiều kết quả nghiên cứu tốt hơn nữa.
Tôi nghĩ việc chọn Giáo sư rất quan trọng vì chọn Giáo sư tức là chọn cả Laboratory. Cũng nhờ Giáo sư tôi thuộc Viện nghiên cứu Lịch sử các Lý thuyết ngôn ngữ, nên tôi hiểu được rằng : quá trình các thừa sai ghi các âm tiếng Việt bằng văn tự Latinh nằm trong trào lưu chung của "ngữ học truyền giáo" từ thế kỷ 16. Khi đó các thừa sai dùng hai công cụ chính để học một ngôn ngữ mới: ghi âm của các ngôn ngữ đó bằng chữ cái Latinh và miêu tả ngôn ngữ đó theo mô hình ngữ pháp La-tinh. Chính vì vậy tôi đã tiếp cận đề tài về Lịch sử chữ quốc ngữ cả trên phương diện ngữ pháp và sáng tạo chữ viết.
Phụ nữ và nghiên cứu khoa học
NGUỒN HÌNH ẢNH, FB PHẠM KIỀU LY -
Chụp lại hình ảnh
Phạm Thị Kiều Ly tại văn khố của Hội thừa sai Paris, Pháp
BBC: Theo Tiến sỹ, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học thời nay có điểm khó, dễ, thuận lợi, thách thức gì đáng nói so với thế hệ trước? Có điều gì Tiến sỹ muốn chia sẻ thêm với các bạn trẻ quan tâm tới lĩnh vực của chị nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung?
TS. Phạm Thị Kiều Ly: Thực ra phụ nữ hay nam giới làm nghiên cứu khoa học đều cần đam mê và chấp nhận một số hy sinh nhất định. Nhưng đó là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Thế hệ chúng tôi được tự do hơn và có nhiều công cụ hỗ trợ hơn thế hệ trước. Như mảng nghiên cứu về văn tự cổ của tôi, việc có Internet giúp tôi rất nhiều, các thế hệ trước đây cần phải đến văn khố để đọc tư liệu trong nhiều ngày, nhiều tháng; nhưng giờ đây, nếu tôi muốn có thông tin chính xác về văn bản mình cần, tôi có thể đặt thủ thư chụp lại tư liệu đó và chuyển lại cho mình.
Tôi vẫn luôn nhớ ánh mắt thể hiện sự bất lực của một nhà nghiên cứu người Đài Loan qua Paris tìm tài liệu trong văn khố. Cô ấy phải mang con trai khoảng 5-6 tuổi đi theo vì không ai trông con. Thủ thư không đồng ý cho trẻ con vào văn khố (vì đó là quy định và nhỡ hỏng mất các văn bản viết tay) và cô ấy không biết phải làm thế nào. Phụ nữ làm khoa học cần dũng cảm và quyết tâm hơn, bởi một thiên chức tự nhiên, phụ nữ gắn bó hơn với gia đình và con cái.
Dự định nghiên cứu tiếp theo
NGUỒN HÌNH ẢNH, FB PHẠM KIỀU LY -
Chụp lại hình ảnh
Phạm Thị Kiều Ly và người hướng dẫn chính luận án, Giáo sư Dan Savatovsky, ĐH Sorbonne nouvelle
BBC: Dự định nghiên cứu tiếp theo của Tiến sỹra sao? Từ kết quả của luận án, hướng đi tiếp theo có thể là gì và cókỳ vọng gì không?
TS. Phạm Thị Kiều Ly: Sau khi bảo vệ xong luận án năm 2018, tôi về Việt Nam và tự dành cho mình khoảng 2-3 năm để đọc sách (vì trong thời gian làm luận án tôi không có nhiều thời gian để đọc sách chủ đề khác ngoài các cuốn liên quan đến đề tài nghiên cứu). Tôi cũng sửa luận án để xuất bản (tôi vừa hoàn thành bản thảo tiếng Pháp và gửi cho Nhà Xuất bản Les Indes Savantes (Paris)). Ngoài ra có một số chương trong luận án tôi không cho vào sách được (tổng luận án của tôi là 640 trang), tôi chỉnh lý thành các bài báo khoa học và gửi cho các tập san chuyên ngành.
Tôi dự định từ năm tới (khi chúng ta hy vọng được đi lại bình thường sau Covid-19), tôi quay lại nước Pháp và bắt tay vào nghiên cứu quá trình các thừa sai của Hội thừa sai Paris miêu tả các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và tạo ra chữ viết Latinh cho các ngôn ngữ này. Các thừa sai đến Tây Nguyên từ Thế kỷ 19 và đã soạn rất nhiều công trình ngữ học của một chục ngôn ngữ, đơn cử như các cuốn từ điển và ngữ pháp của tiếng Ba-na, Jrai v.v...
Tôi cũng không kỳ vọng gì nhiều, vì thực ra nhà khoa học trước tiên là đi tìm câu trả lời cho chính những tò mò của bản thân.
.
Quốc Phương
_____
Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly là nhà ngôn ngữ học có luận án thuộc ngành Khoa học Ngôn ngữ được bảo vệ tại Đại học Sorbonne nouvelle, Pháp năm 2018. Luận án này có tiêu đề "Lịch sử ngữ pháp và chữ viết dùng chữ cái Latinh của tiếng Việt từ 1615 đến 1919" (La grammatisation du vietnamien de 1615 à 1919 : histoire des grammaires et de l'écriture romanisée du vietnamien.)
GIS (Asie) là một Mạng lưới Học thuật Pháp dành cho Nghiên cứu Châu Á (GIS Asie), tập hợp, phối hợp và hỗ trợ các cộng đồng nghiên cứu trong lĩnh vực Châu Á học có liên hệ với Pháp Mạng lưới bao gồm 80% cộng đồng, tức là 1.130 học giả trong33 nhóm nghiên cứu đặt tại Pháp, Bỉ và Á châu. Các nhóm này thuộc 25 trường đại học và tổ chức nghiên cứu được liên kết chính thức. GIS Asie có mục đích cơ cấu và liên kết các Nghiên cứu Pháp - Á, tham gia đào tạo các học giả trẻ, cung cấp hỗ trợ cho việc quốc tế hóa cộng đồng Nghiên cứu Pháp Á và thực hiện giám sát khoa học, phổ biến và hỗ trợ công tác nghiên cứu châu Á, trong số các sứ mạng khác.
Nguồn: BBC
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thanhcongnguoiviet/tsphamthikieuly.htm