Bảo Khôi


Amanda Nguyễn – cô ấy là ai?

Khi nạn phân biệt chủng tộc chống lại người Á châu gia tăng trên khắp nước Mỹ do đại dịch COVID-19, tên của Amanda Nguyễn lại xuất hiện. Nhân vật này, người Mỹ gốc Việt, từng được đề cử Nobel Hòa bình, gắn liền với các hoạt động chống phân biệt chủng tộc và bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị bạo lực tình dục.

Amanda Nguyễn, 28 tuổi, sinh ra ở Corona, California, cựu sinh viên Đại học Harvard. Năm 22 tuổi, Amanda bị tấn công tình dục và sau đó gặp nhiều khó khăn trong việc đòi công lý. Amanda nộp bằng chứng cho nhà chức trách Massachusetts thông qua bộ dụng cụ điều tra vụ cưỡng hiếp hay bộ bằng chứng pháp y tấn công tình dục (rape kit). Theo luật Massachusetts, Amanda có tới 15 năm để quyết định có nên theo vụ kiện hay không. Tuy nhiên, khi ở bệnh viện, cô lại nhận được một tờ giấy thông báo nếu cô không có “yêu cầu gia hạn” theo luật, chính quyền tiểu bang có thể hủy rape kit của cô trong sáu tháng. Luật này khiến cô khổ sở để nộp đơn yêu cầu gia hạn vì tờ giấy thông báo không giải thích nộp như thế nào, đồng thời việc tìm lại rape kit cũng gặp nhiều khó khăn.

Cô bắt đầu tìm hiểu luật pháp ở các tiểu bang khác. Cô lập danh sách hơn 20 quyền những người bị tấn công tình dục được hưởng ở nhiều tiểu bang và thấy rằng mức độ bảo vệ khác nhau rất nhiều. Cô còn phát hiện không tiểu bang nào có luật bảo đảm giữ lại rape kit cho đến khi thời hiệu khởi kiện hết hạn. Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Culture Magazine, Amanda cho biết: “Quyền lợi của tôi bị đe dọa và không ai biết đến sự bất công này. Thời gian đầu tôi chỉ đơn giản là chia sẻ câu chuyện của mình với bất cứ ai muốn lắng nghe, từ tài xế Uber đến sinh viên thực tập tại Quốc hội. Tôi đã làm điều này cho đến khi ai đó nhìn nhận câu chuyện của tôi là một điều nghiêm túc và đáng quan tâm. Chúng tôi đã dành 12 giờ một ngày lang thang ở trụ sở Quốc hội, đến từng nhà và cố gắng gặp gỡ từng thành viên Quốc hội. Chúng tôi không có bất cứ sự hỗ trợ nào ở những ngày đầu tiên như vậy”.

Ảnh: Kate Warren

Cuối cùng, Amanda quyết định, như lời cô nói: “Tôi nhận ra mình có một lựa chọn. Tôi có thể chấp nhận bất công này hoặc viết lại luật. Vì vậy tôi đã viết lại luật”. Amanda thành lập Rise, tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh đòi các quyền dân sự cho nạn nhân bị bạo lực tình dục. Cô và các cộng sự ở Rise đã viết dự luật về quyền của những người sống sót trong cuộc tấn công tình dục, trong đó vạch ra những quyền hợp pháp cho các nạn nhân, bao gồm việc bảo đảm rape kit được lưu giữ cho đến hết thời hiệu khởi kiện.

Tháng 7-2015, Amanda gặp thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen thảo luận về dự luật cấp liên bang. Tháng 2-2016, bà Shaheen giới thiệu dự luật này ra Quốc hội. Khoảng ba tháng sau, dự luật được Thượng viện thông qua trước khi Hạ viện có động thái tương tự vào tháng 9 và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào tháng 10-2016, với tên gọi Đạo luật về quyền của những người sống sót trong cuộc tấn công tình dục.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ Nữ 2019 do Forbes tổ chức (Getty Images)

Amanda được tạp chí Forbes vinh danh là một trong những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật; trong khi đó, chuyên san Foreign Policy đưa cô vào danh sách Top 100 Nhà Tư Tưởng Hàng Đầu Thế Giới. Cô gái có gương mặt phúc hậu này từng làm việc tại Tòa Bạc Ốc, thực tập tại NASA, với ước mơ một ngày nào đó trở thành phi hành gia. Năm 2019, cô được đề cử giải Nobel Hòa bình. Nhưng đối với Amanda, tất cả thành tích đó chẳng có ý nghĩa gì nếu vẫn còn đó, nạn phân biệt chủng tộc – điều luôn làm cô ray rứt.

Để chống lại sự phân biệt chủng tộc, có chiều hướng gia tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Amanda không chỉ lên tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội mà còn nhấn mạnh sự xuất sắc của người Á châu. “Tôi nghĩ sự xuất sắc của Á châu thực sự bắt nguồn từ niềm vui. Cô nói: “Điều tôi muốn nói để nhiều người Mỹ gốc Á hiểu, là thành công không nhất thiết phải làm bác sĩ, luật sư. Chọn một lĩnh vực cụ thể phù hợp với những gì chúng ta mong đợi là hạnh phúc rồi”. “Niềm vui đến từ việc có hy vọng, từ việc thức dậy mỗi ngày và thay đổi thế giới và tin tưởng… Chúng ta có quyền thay đổi luật pháp, thay đổi cộng đồng mà chúng ta đang sống. Điều đó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui” – Amanda nói.

Amanda Nguyễn được báo Time đưa vào danh sách “100 Next” năm 2019
(100 nhân vật đáng chú ý trong tương lai) (Bloomberg/Getty Images)

Những thứ khác mang lại niềm vui cho cô gái trẻ đầy năng lượng Amanda là không gian, thời trang và nghệ thuật. Khi rảnh rỗi, cô thích xem dữ liệu từ kính thiên văn với hy vọng khám phá ra một hành tinh mới. Amanda cũng yêu thích thời trang. Theo Amanda, thời trang có thể bị chỉ trích là phù phiếm. Tuy nhiên, “đó luôn là thứ tôi đam mê. Nó là nghệ thuật. Nó báo hiệu bạn muốn được nhìn thấy như thế nào. Cựu Ngoại trưởng Madeline Albright đã sử dụng thời trang để thể hiện cách bà dự đàm phán tại các cuộc họp… Quần áo đan xen vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó là một tiện ích – thứ mà chúng ta không thể sống thiếu. Điều đó trái ngược với phù phiếm” – Amanda nói.

Tháng 10-2019, Amanda Nguyễn cùng bốn người khác được trao Giải thưởng Heinz, trị giá 250.000 USD mỗi người, cho nỗ lực bảo vệ quyền của nạn nhân sau khi bị bạo lực tình dục. Giải thưởng này được bà Teresa Heinz lập vào năm 1993, sau khi chồng bà là thượng nghị sĩ John Heinz qua đời trong một vụ rơi máy bay, với mục đích trao cho những người có đóng góp vào các lĩnh vực mà ông quan tâm. Amanda Nguyễn nhận Giải thưởng Heinz lần thứ 24 trong lĩnh vực chính sách công vì những hoạt động không ngừng nhằm tìm kiếm quyền dân sự cho những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục, và cho việc hỗ trợ thúc đẩy sự bảo vệ cấp tiểu bang, quốc gia và quốc tế dành cho nạn nhân bị tấn công tình dục.

“Dù họ xuất thân từ đâu và giới tính là gì, mỗi người đều xứng đáng được bảo vệ phẩm giá. Chúng tôi muốn không phải là tiếng nói cho những người yếu thế mà muốn chuyển micro cho họ” – Amanda chia sẻ với tờ The Boston Globe sau khi biết mình được trao Giải thưởng Heinz.

.

Bảo Khôi
(Trích từ: thenewviet.com - 20.08.2020)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thanhcongnguoiviet/amandanguyencoay.htm


Cái Đình - 2020