Trần Ngọc
Nhà báo Phạm Đoan Trang được giải Tự do Báo chí 2019
Ngày 12/9, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã trao giải thưởng Tự do Báo chí 2019, hạng mục Tầm ảnh hưởng (Impact) cho nhà báo tự do Phạm Đoan Trang.
Nhà báo Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập và sáng lập viên của Luật khoa tạp chí (mà Phạm Đoan Trang là đồng sáng lập viên) đã đại diện nhận giải thay mặt Phạm Đoan Trang. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC, bà Trang trả lời về quyết định này như sau:
“Để đi Berlin, trong các bước làm thủ tục xuất cảnh chắc chắn tôi sẽ phải làm việc với Bộ Công an trước. Không thiếu các trường hợp các nhà hoạt động ở Việt Nam đã có visa xuất cảnh của nước ngoài rồi, mua vé máy bay rồi, nhưng ra đến sân bay thì bị công an giữ lại, không cho đi.
Tôi biết trước là tôi sẽ rơi vào tình trạng như vậy. Chưa kể nếu có thể xuất cảnh được, thì lúc quay về, làm thủ tục nhập cảnh cũng sẽ bị giữ lại, sẽ phải trải qua các cuộc đối thoại không dễ chịu gì với bên an ninh.
Tôi biết họ sẽ đặt điều kiện, và tôi cũng biết trước là tôi sẽ không chấp nhận các điều kiện đó.
Cho nên tôi quyết định không đi, để khỏi phải trải qua những cuộc đối thoại không dễ chịu đó.”
Bà đã gởi đến ban tổ chức một đoạn video lời phát biểu, được chiếu trong buổi trao giải. Trong đoạn video dài 6 phút, Phạm Đoan Trang đàn và hát bài dân ca Lý Chiều Chiều, chen vào giữa là những phát biểu về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam bị bóp nghẹt, các nhà báo bị đàn áp, và ước vọng của bà.
Trong video này Phạm Đoan Trang nói những đe dọa của chính quyền với cô và các nhà báo không làm họ lo sợ vì: “chúng tôi cam kết vì sự thật và có hy vọng. Chúng tôi hy vọng một ngày Việt Nam có được dân chủ”. Khi nói về giải thưởng cho mình, Phạm Đoan Trang nói “ giải thưởng không phải cho mình tôi mà còn cho những người muốn tìm kiếm sự thật trên toàn thế giới”.
Sinh năm 1978 tại Hà Nội, Phạm Đoan Trang vốn là một nhà báo giỏi của khoảng chục tờ báo có uy tín tại Việt Nam như VnExpress, Vietnamnet, Pháp Luật v.v… Tuy nhiên, sau hơn mười năm làm phóng viên kiểu này, bà nghĩ đã đến lúc phải chọn một hướng khác, đó là nói lên sự thực trong xã hội Việt Nam trong tư thế một nhà báo độc lập, và tranh đấu cho người bị áp bức vô lý.
Bà và một số người đã lập ra blog Luật khoa tạp chí (luatkhoa.org), nơi tập trung nhiều bài phân tích giá trị, dựa trên lý luận có cơ sở từ nhiều phía, và trên những cơ sở pháp lý, văn bản pháp luật hiện hành. Sau khi phổ biến “chui’ tác phẩm thứ 9 “Chính Trị Bình Dân” được nhiều nhân vật đấu tranh tán đồng và khen ngợi, bà bị theo dõi và đe dọa, từ đó bà phải ẩn mình nhiều nơi. Theo RSF, bà bị quản thúc tại gia vào tháng 2/2018. Cũng trong năm này, tổ chức nhân quyền People in Need tại Cộng Hòa Séc đã trao giải Homo Homini cho bà.
Phạm Đoan Trang cho biết nghề báo ở Việt Nam bị coi là một tội, tội chống lại nhà nước. Cô nói cô và những nhà báo độc lập ở Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nghề báo không còn bị coi là một cái tội ở khắp nơi trên thế giới.
Năm nay, cả ba giải được trao cho phụ nữ. Hai người khác được trao giải tự do Báo chí là nhà báo người Malta, Caroline Muscat (giải thuộc hạng mục Độc lập), sáng lập viên và chủ bút The Shift News, cho công cuộc chống tham nhũng không chịu lùi bước của bà dù chịu áp lực nặng nề; và nhà tranh đấu người Ả Rập Saudi, Eman al Nafjan (giải thuộc hạng mục Can Đảm), người thành lập mạng tranh đấu SaudiWoman.me, đang phải đối mặt với bản án 20 năm tù vì công cuộc tranh đấu cho nữ quyền tại xứ này.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới năm nay (2019) xếp hạng Việt Nam thứ 176/180 về quyền tự do báo chí, chỉ tốt hơn 4 nước: Trung quốc, Eritria, Bắc Hàn và Turkmenistan. 5 nước đầu bảng là Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Hòa Lan và Đan Mạch. Từ 2006 cho đến nay, Việt Nam bị xếp vào nhóm “Kẻ thù hiện nay của Internet” (ghi chú: bảng phán đoán này được thành lập năm 2006). Giải Tự do Báo chí đã được lập ra từ năm 1992.
Vài tờ báo ở Việt Nam loan tin Phạm Đoan Trang được giải kèm theo lời kết tội RSF và cá nhân bà Trang. Lại một lần nữa, đảng Việt Tân lại bị lôi ra dán cho nhãn “khủng bố”.
.
Trần Ngọc
(09/2019)