Trà Nhiên


Một Dao Strom thật ‘lạ’ trong làng văn học nghệ thuật Mỹ

.

Với dáng người mảnh khảnh, giọng hát ma mị, lời văn gai góc, dòng thơ da diết… nữ sĩ Dao Strom nổi lên khá “lạ” trong làng văn học nghệ thuật Mỹ khi cô là một trong số ít nghệ sĩ mạnh dạn “pha trộn” ba thể loại thơ văn, âm nhạc và hình ảnh.

Tên nguyên thủy của nữ sĩ Dao Strom là Tiêu Dao. Cô thong dong theo đuổi những niềm đam mê
từ viết lách, chụp hình, chơi đàn cho đến viết nhạc và ca hát. (Hình: Dao Strom cung cấp)

“Tôi khó mà diễn đạt cảm xúc và nỗi niềm chồng chất chỉ bằng một thể loại,” cô Dao nói về lý do kết hợp ba loại hình nghệ thuật.

Cô xuất bản nhiều tiểu thuyết, tuyển tập thơ, album nhạc, video ngâm thơ, nhiều nghiên cứu văn học.

Cô cũng nhận nhiều giải thưởng và ngân sách từ các tổ chức văn chương và nghệ thuật Hoa Kỳ, điển hình như giải 2016 Creative Capital Artist Award, và 2020 Oregon Literary Arts Career Fellowship.

Hiện nữ sĩ Dao Strom là đồng sáng lập viên và đồng giám đốc quản lý của DE-CANON, một thư viện có hàng trăm tác phẩm của các tác giả và nghệ sĩ da màu, tọa lạc tại văn phòng triển lãm UNA Gallery, ở Portland, Oregon.

Cô còn là đồng sáng lập viên và giám đốc sáng tạo của She Who Has No Master(s) – hội văn học nghệ thuật của các nữ tác giả, và nghệ sĩ – thuộc DVAN (Diasporic Vietnamese Artist Network), tổ chức văn học nghệ thuật “ươm mầm” nghệ sĩ và tác giả trẻ gốc Việt.

“Con nhà tông”

Cô Dao Strom sinh năm 1973 ở Sài Gòn, Việt Nam. Năm 2 tuổi, khi Sài Gòn “sụp đổ,” cô cùng mẹ di cư sang Mỹ.

Cha cô đi “tù cải tạo” hơn 10 năm ở Việt Nam, một hình phạt cho các hoạt động nghệ thuật của ông.

Cha cô Dao chính là nhà văn, nhà báo Uyên Thao, người sáng lập nhật báo Sóng Thần, một tờ báo mạnh mẽ phê phán tham nhũng, tạo nên các “đợt sóng dư luận chấn động miền Nam,” cũng là tờ bán chạy nhất Sài Gòn, những năm đầu thập niên 1970.

Ông cũng sáng lập Tủ Sách Quê Hương năm 2000, chuyên phát hành hàng loạt tác phẩm văn học giá trị của tác giả trong và ngoài nước.

.

Trang bìa sách của tác giả Dao Strom, được dịch song ngữ, ===>
xuất bản năm 2018. (Hình: Dao Strom cung cấp)

.

Mẹ cô chính là nữ sĩ Trùng Dương, nguyên chủ nhiệm-chủ bút của Sóng Thần cùng nhóm chủ biên lúc bấy giờ là hai nhà văn, Chu Tử và Uyên Thao.

Nhà văn, nhà báo Trùng Dương là tác giả của hàng loạt vở truyện, minh họa, biên khảo, phóng sự, kịch nghệ, nhưng các tác phẩm này bắt đầu bị cấm năm 1975 và đó cũng là lý do bà sang Mỹ tị nạn cùng cô con gái và người con trai.

Chảy trong người dòng máu nghệ thuật, cô con gái bắt đầu hứng thú làm phim ngắn và viết tiểu thuyết vào những năm đầu đại học.

Năm 1993, cô Dao tốt nghiệp bằng cử nhân ngành điện ảnh ở đại học San Francisco State University, California.

Năm 1997, cô tốt nghiệp bằng cao học MFA, chuyên ngành văn chương hư cấu, ở đại học University of Iowa, Iowa.

Một cảnh trong video ngâm thơ “Traveler’s Ode,” mà nữ sĩ Dao Strom phát hành năm 2019.
(Hình: Dao Strom cung cấp)

Tâm hồn “Tiêu Dao” của nữ sĩ

Tên nguyên thủy của nữ sĩ Dao Strom là Tiêu Dao.

“Mẹ tôi kể rằng cái tên này có ý nghĩa tiêu diêu, tự do tự tại, ý mong cho con mình không vướng bận chuyện đời,” cô tâm sự.

Cô cho biết thêm là vì để dễ hòa nhập với xã hội Mỹ nên cô chỉ để tên Dao.

Giống như ý nghĩa “tiêu dao,” cô gái trẻ thong dong theo đuổi những niềm đam mê từ viết lách, chụp hình, chơi đàn cho đến viết nhạc và ca hát.

“Tôi không thích cách kể chuyện hay viết văn truyền thống,” cô nói. “Nó ép mình vào khuôn mẫu và đôi khi quá gò bó.”

Ngập ngừng một lúc, cô tiếp: “Tôi nghĩ mình viết hay hơn vì cảm thụ âm nhạc tốt, sáng tạo nghệ thuật thị giác tốt hơn khi tôi hiểu rõ ngôn ngữ.”

Để tự do “phiêu lãng” với cảm xúc, cô nghĩ đến cách hòa quyện các loại hình thức nghệ thuật với nhau vì đó cũng là cách “chúng ta nhìn nhận những điều xung quanh và ghi nhận lại lịch sử.”

Là một trong số ít nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật đương đại đa chiều, cô cho biết cảm hứng sáng tạo đôi khi “đến” với cô qua những điều giản đơn như những lúc dạo bước bên bờ biển hay tập yoga, thậm chí là chơi đùa cùng chồng và con trai.

Cô kể thêm rằng, thuở đôi mươi, cô tự học đàn guitar, piano, và viết nhạc khi sống và làm việc ở Austin, Texas.

“Hồi ấy tôi ‘theo đuổi’ nhạc đồng quê. Viết nhạc đồng quê giống như là tự sự vậy và điều này khiến tôi nghĩ nhiều hơn về thể loại ca dao của Việt Nam,” cô nói.

Cô Dao tiếp: “Tôi nghĩ khí cụ chính mà tôi luôn hướng tới là giọng như giọng hát hay giọng nói và các cách biểu đạt cảm xúc bằng chất giọng.”

“Phiêu du” với âm nhạc một thời gian, cô ca sĩ quyết định tạm “gác kiếm” và thử nghiệm thể loại mới: Ngâm thơ.

Từ năm 2013, cô cho ra đời các video thơ mà cô tự biên tự diễn từ hòa âm phối khí cho đến chơi đàn rồi “thả hồn” vào từng áng thơ bằng chất giọng đôi khi trong trẻo, nhưng cũng lắm lúc ma mị… để biểu đạt nội tâm “gợn sóng” của chính mình.

Cô Dao Strom trong lần trình diễn tại quê nhà ở Oakland, Oregon, năm 2015
(Hình: Julie Thi Underhill)

“Lang thang” 10 năm để định hướng cuộc đời

“Tôi từng loay hoay không biết phong cách và thể loại mình thực sự thích là gì,” cô bày tỏ.

“Tôi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, ‘Grass Roof, Tin Roof,’ vào năm 2003, thời mà rất hiếm các tác giả gốc Việt. Tôi theo đuổi văn học hư cấu Mỹ một thời gian và nhận thấy nó không hợp với mình,” cô thêm.

Cô từng bị nhà xuất bản sách từ chối vì cho rằng tư duy của cô không phù hợp với thị hiếu độc giả ở Mỹ.

Những lần từ chối khiến cô đôi lúc nản chí, lạc lõng, và phải chật vật khoảng 10 năm để định hình phương hướng cho sự nghiệp.

“Tôi lớn lên trong gia đình đa sắc tộc vì cha dượng tôi là người gốc Đan Mạch,” cô kể. “Chúng tôi sống ở vùng núi Sierra Nevada, miền Bắc California, và luôn giao tiếp bằng tiếng Anh.

“Một thời gian dài, tôi luôn canh cánh trong lòng nhiều ưu tư về nguồn cội… thể như tôi mang nợ nguồn gốc của mình qua những gánh nặng, di sản, và nỗi mất mát của lịch sử. Cùng lúc đó, tôi cũng không định nghĩa nổi bản thân mình,” cô trải lòng trên trang web chính thức.

“Khi đó, tôi cảm thấy mình không hòa nhập được vào xã hội nơi đây,” cô ngập ngừng kể lại.

Nữ sĩ Dao Strom từng là biên tập viên cho trang blog nghệ thuật văn hóa của DVAN
và hiện là giáo viên cố vấn của đại học Pacific Northwest College of Arts. (Hình: Dao Strom cung cấp)

Nữ sĩ cho biết dù cô không biết tiếng Việt nhưng những câu chuyện và lịch sử của người Việt Nam cũng ảnh hưởng cô nhiều, vì thế, các tác phẩm của Dao Strom luôn phảng phất cái hồn và cái chất của nguồn cội.

Từ từ nhớ lại, cô kể: “Lần đầu tiên tôi về Việt Nam là năm 23 tuổi. Và đó cũng lần đầu tôi gặp lại cha ruột.”

“Ông là một người thú vị, và cũng là một cây bút lỗi lạc chép lại lịch sử của miền Nam Việt Nam,” cô Dao nói về nhà văn Uyên Thao.

“Lần đầu về thăm quê hương năm 1996, cảm xúc thật khó tả,” cô hồi tưởng. “Tôi cảm động khi được kết nối lại với nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tôi cũng thấy buồn khi nghĩ về đời sống ở Việt Nam lúc bấy giờ.”

Cô Dao thêm: “Nếu năm ấy tôi không cùng mẹ đi Mỹ thì cuộc sống của tôi chắc đã khác nhiều.”

“Chuyến đi đó thay đổi cuộc đời tôi,” cô chậm rãi kể.

Là con gái của hai “cây bút” lỗi lạc, Dao Strom sớm bén duyên với nghệ thuật
bằng nhiều hình thức khác nhau. (Hình: Isabelle Pelaud)

Sau này, cô về thăm Việt Nam vài ba lần để giao lưu với các tác giả, cùng đàm đạo về thơ văn và điều này giúp cô “thăng hoa” trong nghiệp viết lách.

Sau một khoảng thời gian “mông lung” với sự nghiệp, cô gái trẻ thôi hết “tung hoành” vì cô dần dần tìm thấy phương hướng.

Đó là thỏa sức sáng tạo với nghệ thuật và mạnh dạn “bay bổng” với các cơn “quay cuồng” của cảm xúc.

.

Trà Nhiên
Nguồn: nguoi-viet.com, 01.10.2021

_________

Để thưởng thức các tác phẩm và màn trình diễn của nữ sĩ Dao Strom, xin vào trang web daostrom.com hoặc theo dõi trên Facebook qua tài khoản @daostrom, hay nhập @herandthesea để kết nối qua Instagram và Twitter.

 

Direct link: http://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/motdaostromthatla.htm


Cái Đình - 2021